Saturday 10 December 2011

Phiếm - Ủn Ỉn Ụt Ịt

ỦN ỈN ỤT ỊT
Tứ Diễm

Tuy đứng hạng chót trong mười hai con giáp, nhưng họ nhà heo lại bị mang tiếng dẫn đầu về các thói hư tật xấu; thậm chí còn bị mang làm tấm gương ... xấu để răn dạy hay chê trách.  Nào là ngu như heo, lười như heo, bẩn như heo, ham ăn như heo, ...  Ôi thôi biết cơ man nào mà kể cho hết những câu ví von, chê trách đó nhỉ.   Đến là khổ cho họ nhà heo vì nỗi oan Thi... Mầu nàỵ




Tương truyền tổ tông nhà heo thời nay bắt nguồn từ loài lợn lòi Âu Á (Eurasian Wild Board).  Có tài liệu cho rằng họ nhà heo đã được thuần dưỡng sớm hơn cả chó lẫn mèo từ ít nhất 9000 năm về trước bắt nguồn từ vùng Trung Đông.  Người ta đã tìm được tranh ảnh, hình điêu khắc họ nhà heo từ 25000 năm trước.  Một số di tích thuộc họ nhà heo từ thế kỷ thứ sáu hay thứ bẩy trước Công Nguyên cũng đã được tìm thấy tại một số vùng Trung Đông.  Họ nhà heo đã được người Ba Tư thời cổ đại chọn làm đề tài điêu khắc phổ biến.  Dần dà, họ nhà heo khăn gói theo bước chân viễn du của loài người di cư sang các nước thuộc châu Á, châu Âu và châu Phị  Họ nhà heo bắt đầu nhập cư vào Trung Hoa từ ít nhất 7000 năm về trước.  Thường các loại gia súc hay được thuần dưỡng và sống lang thang thành từng bầy theo bước chân người du mục, nhưng riêng họ nhà heo thì khác hẳn.  Vốn dĩ rất lười biếng lại rất khó chăn theo bầy khi phải di chuyển những đoạn đường xa, họ nhà heo chỉ thích hợp nuôi trong các nông trại cố đi.nh.  Vô hình trung, họ nhà heo được coi như một điều tượng trưng cho sự sung túc ổn đi.nh.  Thậm chí, tại New Guinea, nhà heo còn được coi như biểu tượng như một nền văn hóa gọi là "pig culture".

"Trông mặt mà bắt hình dong, con lợn có béo cỗ lòng mới ngon".  Theo khoa học, họ nhà heo thuộc loài động vật bốn chân, có vú, sinh và nuôi con bằng sữa, chia làm hai giới tính: đực và cái.  Nhìn thoáng qua, nhà heo có nhan sắc không bắt mắt cho lắm, nổi bật nhất là cái đầu to, mõm dài, tấm thân núng níng, bụng bự trên bốn chân khẳng khiu.  Đôi tai heo ngắn nằm ở hai bên đỉnh đầu, có thể ve vẩy được; tùy theo loại mà vểnh lên hay cụp xuống.  Vốn bị trời bắt xấu, đôi mắt họ nhà heo rất nhỏ, đã thế lông mi lại cụt lủn nên các chàng nàng heo không hề biết cách đá lông nheo hay liếc mắt đưa duyên.  Với cặp mắt híp lại gần như sợi chỉ, thị lực nhà heo không khá cho lắm; thậm chí còn hơi "gà mờ" nhìn hình ảnh bị nhoè không rõ nét.  Vì các đấng phu quân rất kèm nhèm nên các nàng họ nhà heo không cần phải tốn thời gian o bế dung nhan, tô son điểm phấn, trau chuốt bề ngoài mầu mè hoa lá cành. 

"Đen tình đỏ bạc", mắt kém thì bù lại mũi nhà họ heo rất nhậy, khứu giác tinh, đánh hơi tài tình nhất là các mùi thực phẩm.  Mũi heo vừa to vừa bự lại hơi loe ở đầu, với hai lỗ mũi to nên nhìn rất kém phần thẩm mỹ.  Nếu quan sát kỹ cái mõm vừa dài vừa vểnh của nhà họ heo, ta có thể thấy nhờ được cấu tạo bằng loại xương bẩm sinh đặc biệt cùng đĩa sụn được bao bọc bởi một lớp da rất dai ở mũi nên heo ta tha hồ mà "chõ mũi" vào mọi nơi; kể cả việc sục sạo bới đất để tìm thức ăn.  Cổ heo ngắn và mập.  Nói chung, heo ta thuộc loại thấp cổ nhưng không bé miệng.  Miệng rộng với 44 răng phân chia đều ở cả hai hàm.  Răng nanh rất sắc và tiếp tục phát triển trọn đời nên nhà heo có thể cắn xé thức ăn rất dễ dàng, không phải tốn tiền đi nha sĩ trám răng bao giờ. 

Điểm đặc trưng rất dễ nhận ra ở nhà họ heo là thân mình nặng nề mập mạp, được bao phủ toàn thân bởi lớp lông ngắn rất cứng.  Bụng heo thường phệ, phình to và hơi xê..  Heo nái có rất nhiều núm vú xếp thành hai hàng song song ở dưới bu.ng.  Đuôi ngắn và cong xoắn tít như hình trôn ốc coi rất ngộ nghĩnh.  Bốn chân nhà heo ngắn và khá nhỏ bé khi so sánh với thân mình.  Mỗi chân cho bốn ngón được bọc móng cứng.  Hai móng giữa chẻ haị  Phải chăng vì thế mới nẩy sinh ra thành ngữ "nói toạc móng heo" và "chạy xoạc móng heo"?

Họ nhà heo thường được gọi nôm na là heo, lợn, ỷ, trư, ... hay rạch ròi hơn thì là heo sữa, heo con, heo đực, heo nọc, heo thiến, heo nái, heo nái sề,....  Cũng có khi gọi tên theo đặc điểm riêng như heo rừng, heo mọi, heo lang, lợn lòi, ...  Trong tiếng Anh, heo ta được trông mặt gọi tên khá cặn kẽ, chẳng hạn sucking pig, piglet, hog, boar, breed boar, sow, swine, old sow, barrow, gilt, shoat, shote, runt,...    Còn chữ pork được dùng gọi chung cho các loại thịt heo. 

Tổ tiên hoang dã ban đầu sống trong các vùng rừng núi hoang vu.  Từ sau khi được thuần dưỡng, họ nhà heo đã theo dấu chân con người định cư ở hầu hết mọi nơi trên trái đất.  Với nết háu ăn ham ngủ sinh sản dễ dàng nên dân số họ nhà heo tăng trưởng rất nhanh.  Theo một thống kê đã cũ, vào thời điểm đó đã có khoảng 764 triệu "trư mạng" cư trú trong các trang trạị   Cho tới ngày nay, dân số nhà heo chắc hẳn phải xấp xỉ con số một tỷ hay có thể hơn, bao gồm rất nhiều loại heo khác nhau rất đa dạng.  Trong đó, Trung Quốc đứng đầu chiếm khoảng 40% tổng số.  Thứ nhì là Liên Sô, thứ ba là Mỹ.  Riêng tại Mỹ, hiện có tám giống heo chính được ưa chuô.ng.  Năm giống mầu da sẫm là Berkshire, Duroc, Hampshire, Poland China, và Spot với ưu điểm về khả năng truyền giống, sức khỏe dẻo dai, dễ dậy dỗ và nhiều thịt.  Ba giống da mầu trắng là Chester White, Landrance, Yorkshire có ưu điểm sinh nở dễ dàng và chăm sóc con khéo léo.  

"Lòng vả cũng như lòng sung, một trăm con lợn cũng chung một lòng".   Tuy cũng đều thuộc họ nhà heo, nhưng có tài liệu phân loại họ nhà heo thành các loại chính như sau: lợn hoang (wild boar), heo mọi (pygmy hog), lợn râu (beared pig), heo mầu (celebes pig), heo Java (Javan pig), heo bụi (bush pig), lợn lòi hay còn gọi là heo rừng (giant forest pig), lợn lồi (wart hog), lợn tê giác (babirusa).  Trong đó nhỏ bé nhất là loại heo mọi (pygmy hog) chỉ nặng khoảng 10 kg.  Vĩ đại nhất là loài lợn hoang (wild boar) tương truyền là tổ tiên của họ nhà lợn, có hai răng nanh lớn, mọc chìa ra hai bên mép, cong vòng lên, nay hầu như đã tuyệt chủng.  Nặng ký nhất là loại lợn lòi hay còn gọi là heo rừng (giant forest pig) với đôi má gồ cao như hai cục u nhằm giúp bảo vệ cặp mắt khỏi bị gai cào trúng khi di chuyển trong rừng.  Coi dữ dội nhất là loại lợn tê giác (babirusa) với thân hình to lớn và hai cặp răng nanh vừa to vừa cong; một cặp mọc lòi ra hai bên mép, còn cặp kia lại mọc xuyên qua hàm trên nhìn tương tự như sừng tê giác.  Mầu mè nhất phải kể đến loại heo bụi (bush pig) với lông đủ mầu từ đỏ, nâu đến nâu đậm, có khi còn xen kẽ các đốm hay sọc nhạt mầu nữa chứ.  Kế đến là loại heo mầu (celebes pig) với lông mang mầu đen, trắng, nâu đỏ hay vàng tùy theo nơi cư trú.  Trông mảnh mai, bụi đời nhất là loại lợn râu (beared pig) với thân mình thon gầy, đuôi dài, lông đuôi hơi tương tự lông đuôi voi; nhưng đáng lưu ý là ở hàm râu xồm mọc từ hai bên mép phủ trùm lên má.  Láu cá nhất là loại heo Java (Javan pig) với đặc điểm bờm dài như bờm ngựa, và khi gặp nguy hiểm thường hay xù bờm, cong đuôi, chu mỏ rúc lên báo động cho đồng loại biết.  Nhăn nheo nhất là loài lợn lồi (wart hog) với ba làn da lồi lõm khác nhau trên mặt nhằm giúp bảo vệ đôi mắt hí. 

Kể từ khi cất tiếng eng éc chào đời, sơ sinh nhà heo nặng khoảng 2 pounds rưỡi được gọi là heo sữa (sucking pig).   Các baby nhà heo rất háu ăn nên lớn nhanh như thổi, chỉ sau tuần lễ đầu đã nặng gấp đôị  Sau vài tuần, trẻ con nhà heo đã có trọng lượng đáng kể, còn được gọi là heo con (piglet).  Trẻ con nhà heo (barrow, gilt) thường hay bị chủ mang đi bán ở lứa tuổi từ bốn đến bẩy tháng. Kể từ sau mười tuần, các bé heo đã bước vào lứa tuổi choai choai, gọi chung là hog.  Từ khi dứt sữa, bầy heo nhí (feeder pig hay còn gọi weaner pig, shoat, shote) chuyển sang ăn tạp cả động vật nhỏ lẫn thực vật, lớn nhanh như thổị  Sau tám tháng tuổi, heo ta trổ mã, tập tễnh chuyện yêu đương.  Các nàng heo nái tơ (gilt, female hog) chập chững làm quen với chuyện "hẹn hò" cùng chàng heo đực hay còn gọi là heo nọc (boar, male hog) nào đó, và có thể bắt đầu thành những bà mẹ heo trẻ (sow) từ đâỵ  Sau khi mang nặng khoảng bốn tháng, các bà bầu nhà heo bắt đầu khai hoa chuyển nhụỵ  Mỗi lứa (litter), heo mẹ thường sinh hạ được từ tám đến mười hai heo sơ sinh, thậm chí có khi còn sinh được tới 27 hay nhiều hơn nữạ  Heo sơ sinh nhỏ nhất trong lứa sẽ bị gọi là heo còi (runt).  Sau một năm rưỡi đến hai năm, đám heo trẻ trung đã bước sang lứa tuổi thành niên với trọng lượng trung bình từ 350 đến hơn 500 pounds.   Các chàng heo đực thường to xác hơn, nặng khoảng 500 pounds.   Các nàng heo nái "mảnh mai"  hơn nên chỉ nặng khoảng 450 pounds.  Nếu không bị bệnh tật hay được hóa kiếp sớm, tuổi thọ nhà heo thường từ chín đến mười lăm năm.   Ở lứa tuổi về già, các bà nội, bà ngoại nhà heo không còn giữ được vẻ xuân sắc ngày xưa nên thường bị gọi là nái sề (old sow), thịt dai ăn không ngon.  Còn những chàng heo đã bị chủ bắt làm... "thái giám" hay gọi chung là heo thiến (barrow), thịt săn chắc ăn ngon nên rất được ưa chuộng.  

"Miếng ăn là miếng tồi tàn, hụt ăn một miếng ... lộn gan lên đầu".  Họ nhà heo nổi tiếng về cái tật tham ăn và ăn tạp nên heo ta rất dễ dãi trong vấn đề ẩm thực.  Vì thế từ ngữ kén ăn hoàn toàn không có trong từ điển họ nhà heọ  Với tâm hồn thích ăn uống, nhưng theo phương pháp nuôi cổ truyền ở Việt Nam, thực đơn chính của họ nhà heo thường chỉ có một món căn bản là cháo heọ   Nhưng đó chỉ là cách gọi chung vậy thôi, chứ cũng tùy theo lúc và tùy theo chủ nhà mà nguyên liệu được thay đổi thêm bớt.  Căn bản nhất là cám, các loại hạt và rau, có khi kèm thêm thân chuối xắt nhỏ, bèo, ngũ cốc, thịt vụn, thức ăn thừa,... được nấu chín nhừ, hơi sền sệt.  Có nơi họ còn cho nhà heo ăn bã rượu để thúc cho heo mau lớn và béo mướt, nhưng thịt sẽ không được săn chắc nên dùng cách này chỉ có thể đánh lừa những tay lái heo mới vào nghề.  Ngoài ra, nếu được thả rong trong vườn, nhà heo sẽ tự sục sạo tìm bới các loại rễ, củ hay ăn các loại côn trùng chết, giun, xác động vật thối rữa, chất cặn bã, rác...  để nhâm nhi trong khi chờ bữa ăn kế.  Nói chung, bất kể động hay thực vật, miễn có thể ăn được là họ nhà heo đều sạch sành sanh vét cho vừa bụng tham. 

Ở các trang trại chăn nuôi, thực phẩm của nhà heo thường bao gồm bắp và các loại hạt như lúa miến (sorghum), lúa mạch (barley), lúa mì (wheat), lúa mạch đen (rye) và yến mạch (oats).  Ngoài ra, còn có thêm đậu nành (soybean), hạt lanh (linseed), hạt bông (cottonseed), đậu phụng, cá, thịt vụn và sữa tươị  Đôi khi còn được thêm tinh chất gạn lọc từ xương và gân cùng thêm các loại sinh tố bổ dưỡng giúp tăng trưởng nhanh.  

Tuy thuộc loại da dầy lại chẳng có hình dáng yêu kiều mỹ lệ, nhưng họ nhà heo cũng biết cách "dưỡng da".  Khi lăn mình trên bùn, heo ta đã lợi dụng lớp bùn bao phủ toàn thân như một loại thuốc chống nắng (sunblock) vừa miễn phí vừa hữu hiệụ   Ngoài ra, cũng nhờ thế mà hạn chế bớt được mức độ tấn công của các loại côn trùng và ký sinh trùng.  Phải chăng loài người cũng học hỏi điều này từ nhà heo nên mới nẩy sinh ra phong trào tắm bùn, đắp mặt nạ bằng bùn?   Vốn thuộc loài "dài lưng tốn vải, ăn no lại nằm" mỗi khi ngứa, heo ta chỉ có thể làm dịu cơn ngứa bằng cách cọ lưng vào một vật gì đó.  

"Đàn bà thì phải nuôi heo, thời vận đương nghèo nuôi chẳng đặng trâu".  Ngay từ thuở xa xưa, có mảnh vườn, bầy heo, đàn gà vốn dĩ là ước mơ của nhiều ngườị  Nuôi con heo chắt chiu từ hạt tấm, bụi cám, gốc chuối, bó rau, sọt bèo, ... chờ tới khi heo lớn mang bán, coi như một cách bỏ tiền để dành.   Cũng vì thế mới nẩy sinh cho nghệ nhân ở cả Đông và Tây phương tạo ra các loại heo bỏ ống làm đủ loại nguyên liệu, từ đất sét nung, sành, sứ cho đến nylon, inox,...  Phải chăng từ ngữ piggybank cũng bắt nguồn từ ý nghĩ đó mà ra. 

"Nuôi lợn ăn cơm nằm, nuôi tằm ăn cơm đứng" ý nói việc nuôi heo không vất vả như khi nuôi tằm, mà lại được lợi nhiều hơn.   "Giầu nuôi lợn đực, khổ cực nuôi lợn nái", "mua heo lựa nái, mua gái lựa dòng".  Theo kinh nghiệm dân gian, khi mua heo về nuôi ngoài việc chọn giống tốt, người mua phải biết cách quan sát hình dáng bên ngoài và hoạt động của họ nhà heo để tìm được những con hợp ý.   Thường heo tốt phải có sức khỏe dồi dào, cường tránh, lanh lẹ và có lợi về mặt kinh tế.  Câu "lợn đực, chuồng phê; lợn sề, chuộng chõm (chõm là nói lợn mặt dài)" là một kinh nghiệm cho rằng lợn đực mà béo thì được nhiều thịt, còn lợn cái mặt dài thì khéo nuôi con.  Tuy nhiên, một khi đã quyết định nuôi thì phải chịu khó bỏ công chăm sóc thường xuyên vì mặc dù "lợn đói cả năm không bằng tằm đói một bữa" nhưng "lợn đói một bữa bằng người đói cả năm".   Nếu chễnh mãng để lợn đói sẽ bị sút cân, chậm ngày mang bán.

"Thật thà như thể lái trâu, thương nhau như thể nàng dâu mẹ chồng".  Chẳng riêng lái trâu, một số tay lái heo bất lương cũng tìm cách mưu lợi bằng hành vi mờ ám.  Theo báo chí, một cách gian lận rất đơn giản dễ làm là bơm nước vào đầy bao tử heo trước khi đem bán, ăn gian được cả chục ký thịt.

"No cơm rửng mỡ".  Họ nhà heo vốn chỉ ăn xong nằm ngủ khì, chờ tiêu hóa xong lại ăn tiếp.  Nhất nhất đã có người "cơm bưng, nước rót" tận miệng, chăm sóc tắm rửa thường xuyên, sướng còn hơn tiên.   Ấy thế mà họ nhà heo lại hay nhiễm căn bệnh Stress mới buồn cườị  Chẳng biết có phải tại bản tính vốn rất chết nhát hay chỉ vì quen cái thói "bà chúa đứt tay còn hơn thuyền chài đổ ruột", mà heo ta rất dễ bị căng thẳng tinh thần.  Chuyên chở, chích ngừa, thay đổi môi trường sống, gặp heo lạ, ...  đều có thể khiến họ nhà heo sợ hãi và bị căng thẳng tinh thần, biếng ăn, chậm lớn.  Nếu thấy các triệu chứng như ăn rất ít, cặp mắt lờ đỡ, cử chỉ chậm chạp, lông thô ráp, có thể bị tiêu chảy và ho thì cần phải tìm bác sĩ thú y chữa trị ngaỵ   Nói chung, nếu hoàn cảnh sống bình thường êm ả, họ nhà heo rất khỏe, ít bị bệnh vặt, nhưng thường hay dễ bị nhiễm các loại sán, lãi và mầm bệnh có thể lây sang loài ngườị  Cách đây vài năm, căn bệnh lở mồm long móng đã khiến các loài thú có móng, trong đó có họ nhà heo, bị chết và bị giết hàng loạt nhằm để tránh lây lan nguồn bê.nh.  Đây là một đại họa cho họ nhà heo nói riêng và một cơn ác mộng cho loài người, nhất là quý vị chủ trại chăn nuôi nói chung.

"Nuôi heo lấy mỡ, nuôi người ở đỡ chân tay".  Nói vậy chứ không phải vậy, mà còn hơn vậy nữa.  Ngoài việc lấy mỡ, người ta còn tận dụng hầu như tất cả mọi bộ phận của họ nhà heo.  Khi còn sống, họ nhà heo ăn cơm thừa, canh cặn, tấm, cám, rau già, gốc chuối, đám bèo... chẳng hao tốn của chủ bao nhiêu.   Chất thải của heo được xem như nguồn phân bón rất tốt cho các loại lúa, hoa mầu và cây trái hay nuôi cá tra.   Đến khi lâm vào cảnh "heo chết không sợ nước sôi", chẳng những họ nhà heo bị lấy mỡ, mà còn bị tận dụng từ xương, da, thịt, đồ lòng thậm chí ngay cả những sợi lông cứng cũng không bỏ uổng.   Lông heo được chế biến thành cọ vẽ, bàn chảị  Xương heo đem nấu súp cho ngọt nước hay xay vụn để trộn vào thực phẩm nuôi heo.  Da heo được dùng làm thực phẩm hay đem thuộc làm da đóng giầy dép, túi xách.  Bì là da heo đã được chế biến, thái thành sợi, khi dùng trộn chung với thính.  Thịt heo được xẻ theo từng loại, chẳng hạn thịt vai, sườn, đùi, giò, móng, tai, mũi, đuôi,...  Thịt ba rọi hay còn gọi ba chỉ là những miếng thịt có ba lớp gồm hai lớp mỡ xen với một lớp thịt nạc.   Thịt thăn là loại thịt nạc hoàn toàn không sót chút mỡ.  Thịt quả gọ là thịt mông, tròn gọn một khốị  Thịt bằm thường được xay nhuyễn từ những miếng thịt vụn xen lẫn với ít mỡ.  Nói chung, thịt heo là nguyên liệu rất phổ biến để nấu các món ăn chiên (rán), kho, luộc, xào, ram, nướng, lụi, khìa, chà bông, om, hấp,  ... hay làm nem chua, giò, chả.  Bacon là loại thịt muối xong khói chế biến từ phần thịt lưng và bên cạnh.  Ham là loại thịt thuộc phần thịt đùi sau, được ướp gia vị và biến chế tùy theo loại, dùng làm món nguội kẹp chung với bánh mì.  Các bộ phận thuộc đầu heo đều được tận dụng làm món giò thủ rất hấp dẫn.  Tai heo luộc rồi ngâm chua ăn ngon tuyệt vời.  Gan, tim, thận, ruột non, bao tử,.... thậm chí cả máu (huyết) heo cũng được đem biến chế thành nhiều món rất ngon.   Món lạp xưởng gồm thịt, mỡ và các thứ gia vị được nhồi vào lớp màng ruột non đem phơi khô, có thể để dành rất lâu.  Đuôi heo tuy không lớn, nhưng có thể cắt khúc đem hầm làm súp.   Bong bóng heo được đem cọ rửa với tro cho thật sạch, bơm phồng to làm banh đá rất thật chân; đó là món quà thú vị cho phe húi cua vào thập niên 30-40.  Mật heo nghe nói có công dụng giúp sáng mắt; tương truyền ngày xưa Câu Tiễn đã nằm gai nếm mật để nuôi trí báo phù phục quốc.  Mỡ heo có thể đem chế biến món ăn hay đem chiên (rán) để thành mỡ nước.  "Trâu teo, heo nở" , "lợn giò, bò bắp" là những câu viết theo kinh nghiệm của người xưa, ý nói nấu thịt trâu thì bị ngót, còn thịt heo sẽ nở ra, thịt đùi heo và thịt bắp bò rất ngon.

"Giỗ chưa làm, heo còn đó", "giành con cá phải vạ con heo".  Vốn dĩ là thứ  thịt phổ biến, chế biến được nhiều món ngon nên ngày giỗ, ngày Tết, tiệc tùng đình đám, cưới xin, thậm chí ngay cả khi bắt vạ đều không thể thiếu vắng món thịt heo.  "Nuôi lợn thì phải vớt bèo, lấy vợ thì phải nộp cheo cho làng" theo phong tục xưa, "tiền cheo, heo khoán", bởi vì "khuyên ai chớ tiếc đầu heo, người ta thường nói: vợ theo không bền".  Nếu giầu thì "cưới em tám vạn trâu bò, bảy vạn dê lợn, chín vò rượu tăm".  Nghèo đến đâu đi nữa thì cũng ít nhất phải có con heo sữa quay mang cúng tổ tiên ông bà.  Với quan niệm, "miếng giữa đình hơn sàng xó bếp" nên chỉ khi chia phần, chỉ người có địa vị quan trọng nhất mới được nhận phần đầu heo vì thế mới có câu "nhất thủ, nhì vĩ".   Và khi tạ ơn bà mai, người ta thường hay biếu đầu heo.  Theo phong tục xưa, chú trọng về trinh tiết, nếu lỡ người con gái thất thân trước khi xuất giá.  Vào ngày nhị hỷ, nhà trai nếu cay nghiệt sẽ trả lễ lại con heo quay với đôi tai bị cắt.  Đó là một sự sỉ nhục rất lớn với gia đình, dòng họ bên nhà gái.

Vì không có tuyến mồ hôi nên họ nhà heo ưa thích được lăn tròn trên bùn cho mát mẻ.  Nhưng khổ cái là với cần cổ ngắn cũn cỡn so với thân hình dài mập, heo ta không thể tự mình le lưỡi lau chùi các vết dơ như họ nhà chó, mèo.   Thôi thì mọi việc cứ phó mặc cho... người lo dùm.  Phải chăng vì thế mới nẩy sinh ra thành ngữ "bẩn như lợn"?  Nhưng nói nào ngay, đôi khi trách thế cũng oan ức cho nhà heọ  Trong khi loài người biết phân chia ra nào là phòng khách, phòng ăn, phòng ngủ, phòng vệ sinh, .... rồi còn được tự do xử dụng các loại thuốc gội đầu, xà bông tắm, xà bông rửa tay,...  Còn họ nhà heo thường chỉ được túm tụm quẩn quanh trong một nơi chập hẹp tù túng thường gọi là chuồng heo.  Ăn, ngủ, vệ sinh gì cũng chỉ gói tròn vào đó.  Nước nôi, dọn rửa gì cũng do chủ toàn quyền quyết định.  Việc dơ sạch là tùy thuộc vào chủ, chứ tại sao lại trách nhà heo nhỉ.

Thêm một nỗi oan ức nữa là tuy thường bị mắng nhiếc là "ngu như heo", nhưng theo các kết quả nghiên cứu khoa học, họ nhà heo khá thông minh, học nhanh, dễ dậy.   Có lẽ quan niệm "chủ nào tớ nấy" nên học sinh nào chậm hiểu, ở lại lớp hoài thì có thể sẽ được "về nhà chăn lợn".  Rồi đến chuyện "lười như heo" cũng quả là oan vô cùng.  Vốn dĩ nhà heo được thuần dưỡng chỉ với mục đích "vỗ béo" hay ăn chóng lớn để chủ mang đi bán, nên họ nhà heo đã bị chủ ép ăn vô độ, khiến thân thể phát phì, nặng nề khó di chuyển, chuồng heo lại hạn hẹp nên dù có muốn vận động cũng chẳng được.  Huống hồ chi, họ nhà heo lại chẳng được chủ giao đặt cho một nhiệm vụ gì khác, ngoài việc ăn.   Cho nên heo ta có sinh tật lười biếng cũng đúng thôị   Cớ sao lại đem đó ra làm điều chê trách nhỉ.  Nhưng nói đi nói lại, oan ức nhất là bất cứ điều gì xấu nhất, đồi trụy nhất cũng đem gán ép lên họ nhà heọ   Khi ai có tư tưởng đen tối nặng về sắc dục thì bị chế giễu là con lợn lòng nổi lên.  Những phim "người nhớn" còn gọi là phim con heo.  Hành động khiếm nhã, thiên về xác thịt thường gọi là làm trò con heo.  Tóm lại, "trăm dâu đổ đầu tằm", họ nhà heo vốn "thấp cổ" nên cứ phải è người ra nhận cái nỗi hàm oan ơi ông Địa này. 

Theo truyền thuyết Ai Cập, họ nhà heo đã liên kết với Set, kẻ đối nghịch với thần mặt trời Horus.  Khi Set ghét bỏ đã cấm những người chăn lợn không cho phép vào đền thờ.   Trong truyền thuyết Ấn Độ Giáo, thần Visnu đã mang hình dáng của một chàng heo nhằm để cứu trái đất khỏi ác quỷ.  Theo truyền thuyết Hy Lạp, một nàng heo được dùng làm vật tế dành riêng cho Demeter (vị nữ thần chăm lo việc gặt hái, vốn là con gái của thần Rhea và Cronus, và là mẹ của thần Persephone) và cũng là loài vật được vị nữ thần này ưu ái nhất từ thuở cổ đại.  Theo luật trai giới Do Thái và đạo Hồi tuyệt đối cấm ăn thịt heo vì họ quan niệm heo là loài thú vật dơ bẩn.  Theo Cơ Đốc Giáo, họ nhà heo được liên kết với thánh Anthony vốn là vị thánh bảo hộ của những người chăn lợn.

Vốn dĩ là hình ảnh thân quen nên họ nhà heo được làm đề tài cho nhiều tác phẩm nghệ thuật của nhân loại, trong các hình khắc trên đá, trên gỗ cùng nhiều tượng điêu khắc từ thời thượng cổ.  Thuở xưa gần ngày Tết, tại các phiên chợ lại có bày bán những bức tranh lợn với mầu sắc sặc sỡ để treo lên tường trang trí.  Đến mùa lễ Trung Thu, họ nhà heo được tượng hình qua những cái bánh nướng thơm nhức mũi, với hình ảnh heo mẹ nằm xoãi dài cho bầy heo con chen nhau bú sữa coi rất dễ thương và bắt mắt.  Họ nhà heo còn được nhắc đến trong truyện cổ tích, truyện nhi đồng; chẳng hạn từ câu chuyện kể về ba chú heo con, lục súc tranh công đến nhân vật Trư Bát Giới hình người đầu heo, với đủ nết hư tật xấu trong truyện Tây Du ký.   Thậm chí còn len lỏi lạc vào môn nghệ thuật thứ Bẩy; chẳng hạn phim hoạt hình Hiệp Sĩ Lợn đến nhân vật Piglet bạn của Winnie The Pooh rồi đến chú heo Babe trong các bộ phim nhi đồng của Disneỵ  Trong kho tàng ca dao tục ngữ thành ngữ, cũng có vô số câu nhắc nhở đến nhà heọ  Chẳng hạn như một số câu ca dao sau đây:

Con gà cục tác lá chanh
Con lợn ủn ỉn mua hành cho tôi


Ăn một bữa heo
Không bằng ngọn gió ngoài đèo thổi vô


Bởi nghèo phải ở chuồng heo
Phải chi có của họ theo, họ nhờ


Bởi vì con heo nên phải đèo khúc chuối,
Bởi vì con muỗi nên phải thả màn loan,
Bởi vì chàng nên thiếp phải chịu đòn oan
Phụ mẫu đay nghiến, thế gian chê cười


Lòng thương chị bán thịt heo
Hai vai gánh nặng lại đèo móc cân


Một vợ nằm giường lèo
Hai vợ nằm chèo queo
Ba vợ ra chuồng heo mà nằm


Mây Hòn Đèo
Heo Đất Cỏ
Mưa Đồng Cọ
Gió Tu Hoa
Cọp Ổ Gà
Ma Đồng Lớn


Mèo tha thịt mỡ ồn ào
Cọp tha con lợn thì nào thấy chi


Mía ngọt tận bẻo
Heo béo tận lông
Cổ thờ mang gông
Tay cầm lóng mía


Trâu heo khi chết tế ruồi,
Chẳng bằng khi sống ngọt bùi còn hơn


Câu "mượn đầu heo nấu cháo", chê trách kẻ lợi dụng người khác để mưu lợi cho mình, cũng có khi dùng để tỏ ý chê cười kẻ hay nói khoác. Câu "lợn đầu, cau cuối" ý nói lợn đầu đàn và quả cau ở cuối buồng luôn to nhất.  Khi muốn chế giễu kẻ vụng về, vật vẫn còn tốt mang sửa lại khiến bị hư không dùng được nữa, người ta hay ví von là "lợn lành chữa lợn toi" hay "lợn lành thành lợn què".  Câu "lợn trong chuồng thả ra mà đuổi" dùng để chê người không biết quý trọng, giữ gìn những gì thuộc về mình, chỉ đến khi thoát khỏi tầm tay rồi, hối hận muốn lấy lại rất khó.  Câu "vì đầu heo, gánh gốc chuối" chỉ sự quan hệ mật thiết của một số sự việc ảnh hưởng lẫn nhau.  Câu "đâm heo thuốc chó" ám chỉ những kẻ không lương thiện.  Câu "ở chuồng heo còn hơn theo quê vợ" ý nói miễn sao được tự do không bó buộc thì dù nghèo khổ cách nào cũng vẫn thoải mái hơn phải nhờ vả người khác.  Câu "cám treo heo đói" chỉ cảnh mọi việc bày ngay trước mắt mà vẫn không thể đạt được, cũng có khi như một câu than thở cho hoàn cảnh éo le ngoài ý muốn.  Riêng câu: "tiếng đồn An Thái, Bình Khê, nhiều tay võ sĩ có nghề tranh heo" nhắc đến một phong tục tại làng võ An Thái nổi tiếng thuộc huyện An Nhơn thuộc tỉnh Bình Định.  Tại đây, mỗi năm vào dịp rằm tháng Bẩy thường có lễ hội đổ giàn tại Chùa Bà.   Các thứ lễ vật như gà, dê, heo quay được bầy trên giàn là một đài cao làm bằng tre.  Sau ba ngày hội, sau khi xem hát bội sẽ tới tục tranh heo.  Sau khi xướng xong, người chủ lễ sẽ đứng trên giàn cao liệng con heo quay xuống.  Các tay võ sĩ chờ sẵn sẽ phải nhảy lên đón bắt.  Nếu ai giành được con heo, rẽ đám đông ra ngoài coi như thắng giải.  Đó coi như một vinh dự cho toàn làng. 

Trong ngôn ngữ, có một số từ tuy cũng có các chữ "heo, lợn, pig, ..." nhưng lại chẳng dính dáng gì đến họ nhà heo.  Chẳng hạn món bánh da lợn, bánh lỗ tai heo, ...   Mà cũng buồn cười, người Nam thường dùng chữ heo, nhưng chẳng hiểu sao lại có món bánh da lợn.   Hoa cứt lợn là một thứ hoa dại, có mầu sắc tươi, nhưng mùi rất hôị  Con heo dầu là tên gọi một phụ tùng thuộc hệ thống thắng sau của xe hơị  Cá heo (pigfish hay hogfish) là loài cá có mõm dài như mõm heo, sống dọc bờ biển vùng Đại Tây Dương.  Pigboat là từ lóng ám chỉ tầu ngầm.  Piggyback chỉ việc cõng trên lưng một người hay vật gì đó.   Pigheaded để mắng người nào ngu như lợn. 

Theo tử vi Đông Phương, họ nhà heo biểu tượng cho Hợi là chi cuối trong thập nhị địa chị  Giờ Hợi vào khoảng 9 đến 11 giờ đêm.  Năm Đinh Hợi 2007 thuộc can Ly Khảm trong bát quát, hành Ốc Thượng Thổ với biểu tượng mầu vàng.  Thiên Can Đinh thuộc Âm, hành Hỏa với biểu tượng mầu đỏ.  Địa Chi Hợi thuộc Âm, hành Thủy với biểu tượng mầu đen.  Can và chi cùng là âm hỗ trợ cho nhau là một năm bình hòa, tuy nhiên hành Thủy của địa chi khắc với hành Hỏa của thiên can nên sẽ có một số trở ngại trắc trở.

Những người sinh vào năm 1947, 1959, 1971, 1983, 1995, 2007 thuộc tuổi Hợi đều sinh vào năm Hợi cầm tinh con ủn ỉn.  Người tuổi Hợi tính tình hiền lành, chân thật, vui vẻ, lạc quan, thích cuộc sống yên ổn, giàu tình cảm.   Tuy nhiên cũng phải nên học cách tự bảo vệ cho bản thân cũng như kiểm soát tài chính.   Theo tử vi tứ hành xung là Dần, Thân, Tỵ, Hợi  Tam hợp là Mão, Mùi, Hợi   Hiểu nôm na là người tuổi heo sẽ kỵ với người tuổi cọp, khỉ, rắn và sẽ hợp với người tuổi mèo và dê.  Mèo với heo không có đụng chạm quyền lợi, mạnh ai nấy sống, hồn ai nấy giữ nên đương nhiên là hợp.  Nhà dê tuy có xích mích chút đỉnh trong vụ lục súc tranh công, nhưng cũng cùng bị gán cho cái nết thích "be he", "đồng bệnh tương lân" nên chuyện đôi bên "dĩ hòa vi quý" cũng không có gì lạ.  Cọp thích xơi tái nhà heo dĩ nhiên là kẻ thù truyền kiếp rồị  Rắn cắn heo, heo xơi tái rắn nên có xích mích cũng là lẽ tất nhiên.  Chỉ có điều nhà khỉ vốn ở tuối trong rừng, chuyên sống trên cây, đâu có gì đụng chạm tới nhà heo mà cũng bị cho là xung khắc nhỉ.   Ngộ thật đó.

Nãy giờ mải vui cứ viết lan man theo kiểu "bói cho một quẻ trong nhà, chuồng heo ở dưới, chuồng gà ở trên" la đà cũng đã quá dài, xin phép được chấm dứt bài phiếm này ở nơi đâỵ  Mến chúc toàn thể quý vị độc giả cùng gia quyến một năm Đinh Hợi bình an, vạn sự như ý trong mọi lĩnh vực.  Riêng chúc những ai còn đang ca bản "đời tôi cô đơn" sớm có cơ hội tạ lễ đầu heo cho bà maị  Vị nào đang mong "lên chức" sẽ sớm ngày có một bé "heo con" bụ bẫm sổ sữa hay ăn chóng lớn.   Mong năm Đinh Hợi 2007 sẽ là một năm hòa bình, ổn định và an lành cho toàn thể nhân loạị

Tứ Diễm - Jan 9, 2007

==========
Tài liệu tham khảo:

1. "Từ điển thành ngữ và tục ngữ Việt Nam" của giáo sư Nguyễn Lân, NXB Khoa Học Xã Hội, 1997
2. "Từ điển thành ngữ - tục ngữ Việt Nam" của Vũ Dung, Vũ Thúy Anh và Vũ Quang Hào, NXB Văn Hóa - Thông Tin, 2000.
3. "The American Heritage Dictionary", Third Edition, version 3.5, 1994.
4. "The Complete Book of Chinese Horoscopes", Element Books Limited, 1997
5. "Grzimek's Encyclopedia: Mammals, Volume 5" - McGraw Hill 1990
6. "A World Dictionary of Livestock Breeds, Types and Varieties. Fourth Edition" của Mason, ỊL., C.A.B International. 1996
7. "Pig Basics 101", Farm To Fork brochure




0 comments:

Post a Comment

 
;