Tuesday 17 November 2015

Top Chef VN 2014 (TV Show)

Người ta hay nói "nghề nào cũng có Trạng Nguyên".  Trong việc nấu nướng cũng không ngoại lệ, mỗi người đầu bếp đều là "iron chef" trong căn bếp riêng của mình.   Nhưng khi cùng thi đấu thì ai sẽ là người chiến thắng?

Trước đây Tứ Diễm đã sưu tầm một số video clip về MasterChef VN 2014.  Đó là cuộc thi giữa những người nấu ăn nghiệp dư, chỉ lăn vào bếp do niềm đam mê chứ không sống vì nghề nấu nướng.  Trong bài viết nầy Tứ Diễm xin chia sẻ một số video clip về cuộc thi giữa những người đầu bếp chuyên nghiệp tại Việt Nam sưu tầm được từ trên mạng internet.   Cuộc thi nầy là "Top Chef VN 2014", một phiên bản của Top Chef lần đầu tiên tổ chức tại Việt Nam.

Đây là hình ba trong số các vị giám khảo cuộc thi


Nếu có hứng thú, mời cùng theo dõi cuộc thi giữa các người đầu bếp chuyên nghiệp tại Việt Nam.


Có câu "học ăn, học nói, học gói, học mở".   Và "Ăn" vẫn chiếm vị trí hàng đầu  trong "tứ khoái" của nhân loại.  Phải chăng khi xem các video clip về cách nấu hay những chương trình thi đấu nấu nướng có thể giúp chúng ta học hỏi thêm được một số điều hữu dụng khi lăn vào bếp thường ngày?

Thoạt đầu khi đọc thấy tên gọi "Đầu Bếp Đỉnh", Tứ Diễm cứ ngỡ đó là tên một bộ phim về đầu bếp tên Đỉnh.   Nhưng khi đọc thấy chữ "Top Chef VN" thì mới hiểu "Đầu Bếp Đỉnh" là dịch từ chữ "Top Chef".   Công nhận chữ nghĩa ở Việt Nam bây giờ... "cao siêu" quá, cứ phải vừa đọc vừa đoán mò mà cũng chưa chắc đã hiểu được đúng nghĩa. 

Với những ai đã từng theo dõi các chương trình thi nấu ăn, chắc hẳn đã quen theo dõi tài nghệ nấu nướng của những vị đầu bếp ngoại quốc.   Trong bài viết nầy, mời cùng Tứ Diễm theo dõi cuộc thi đấu giữa các người đầu bếp tại Việt Nam trong suốt 17 tập để giành danh hiệu Top Chef VN 2014 cùng giải thưởng 500 triệu đồng VN.   Tập 17 là tập chung kết quyết định ai là người thắng giải.   Tập 18 là tóm lược lại suốt quá trình cuộc thi cùng một số điều bên lề cuộc thi.

Mời cùng theo dõi nha.



TOP CHEF VIỆT NAM 2014

Cuộc thi bắt đầu với 16 thí sinh tham dự,  mỗi người đều là đầu bếp chuyên nghiệp yêu nghề và có một số điểm sở trường.   Ai sẽ là người chiếm được danh hiệu Top Chef VN mùa đầu tiên năm 2014?

Tập 1



Tập 2 - nấu món khai vị với khoai lang hay khoai tây trong 45 phút mà không dùng dao hay kéo.  Thử thách: làm món gỏi hay món cuốn trong 35 phút.  Điểm khó là sau khi đã chọn nguyên liệu xong, các thí sinh lại phải hoán đổi vị trí cho nhau nên họ bắt buộc phải làm món ăn dựa theo nguyên liệu của đối thủ




Tập 3 - nấu món hợp với bia.  Thử thách: chia làm năm đội, nấu món khai vị, món chính và  món tráng miệng có thịt heo.



Tập 4 - nấu một món trong vòng 20 phút, không rửa bằng nước. Thử thách: nấu một món dùng cá basa trong vòng 40 phút



Tập 5 - chia hai đội, làm 3 loại bánh xèo.  Sau đó, nấu một món theo "phong cách của chef Alain Nguyễn"



Tập 6 - chủ đề về các món ngày lễ Giáng Sinh

 
Tập 7 - làm bánh với các bé học sinh.  Sau đó chia hai đội nấu bữa trưa cho các em học sinh



Tập 8 - với thử thách: dùng thịt bò tơ Củ Chi nấu món Việt theo "phong cách cách tân"



Tập 9 - chúng ta được xem các thí sinh rút xương gà.  Sau đó họ sẽ nấu hai món với gà là nguyên liệu chính



Tập 10 - tám thí sinh bị loại trong các tập trước được dịp thi thố tài năng làm lại món đã khiến họ bị thất bại.   Ai là người trong số tám thí sinh nầy sẽ được tiếp tục cuộc thi?



Tập 11 - thi đấu nấu nhanh với đầu bếp David Thái.  Sau đó thi nấu hai món với cá ngừ (blue tuna) theo chủ đề Đại Dương Xanh



Tập 12 - thi nấu bữa tối cho một số cặp vợ chồng khách mời nhân ngày lễ Valentine



Tập 13 - thi đấu về mâm cỗ ngày Tết thuộc ba miền Bắc Trung Nam.  Chúng ta sẽ được nghe giải thích thêm về một số món ăn thường có trong mâm cỗ ngày Tết theo kiểu cổ truyền ngày trước



Tập 14 - Đây là cuộc thi do các thí sinh nấu những món kính tặng riêng người Mẹ thân yêu của họ.   Trong tập nầy có những giây phút rất bồi hồi xúc động vì một số thí sinh khó kềm chế cảm xúc khi nghĩ đến người thân thương nhất đời của họ




Tập 15 - Đây là cuộc thi về món ăn đặc biệt thuộc ba miền Bắc Trung Nam.   Đây cũng là vòng thi đấu để chọn "top 4" cho tuần kế tiếp.



Tập 16 - Đây là cuộc thi về "ẩm thực cung đình", nghĩa là thi nấu những món ăn cổ truyền thuộc hoàng cung khi tiếp đãi các vị sứ thần.   Đây cũng là vòng thi đấu để chọn "top 3", chuẩn bị cho cuộc thi chung kết trong tuần kế tiếp



Tập 17 - Đây là cuộc thi vòng chung kết.   Cuộc thi tài giữa ba người đầu bếp thuộc ba miền để giành danh hiệu và giải thưởng.   Có đoán được ai là người chiến thắng không hở?



Tập 18 - tóm lược toàn bộ quá trình cuộc thi, thêm một số điều bên lề cuộc thi




Bàn Loạn Bên Lề

Sau khi xem cuộc thi, Tứ Diễm học hỏi thêm được một số điều khá thú vị.   Có những món tuy không được nếm nhưng kiểu trang trí nhìn thật đẹp mắt rất hấp dẫn.   Có một số kỹ thuật nấu khá hay, có thể giúp chúng ta tiến bộ trong việc nấu nướng thường ngày.   Trước đây đôi khi Tứ Diễm vẫn thắc mắc làm sao để đầu bếp nướng các món vàng ươm thật đều thật đẹp, nhưng sau khi xem các video clip nấu nướng nầy, Tứ Diễm mới biết "bí quyết" đó chính là do họ dùng Butane Torch Flame Lighter đốt cho vàng xém những chỗ muốn thêm độ vàng ươm hay muốn phần da vàng giòn nhìn đẹp ăn ngon hơn.   Như vậy, không phải chỉ cần kinh nghiệm mà đôi khi còn cần phải có đầy đủ dụng cụ thì mới đạt được kết quả hoàn hảo như ý muốn.  

Điểm đáng tiếc là chương trình đã cho lồng lời thông dịch sang tiếng Việt nên không thể nghe trọn vẹn những lời nhận xét bằng tiếng Anh của giám khảo Robert Danhi.   Giá họ cứ để khán giả nghe Robert nhận xét rồi cho chạy các dòng phụ đề Việt ngữ trên màn hình thì hay hơn vì khán giả có thể nghe trực tiếp lời nhận xét của Robert.   Hay nếu họ lồng tiếng Việt thì thêm phụ đề tiếng Anh ghi lại những điều Robert nhận xét để khán giả có thể biết nguyên văn ý kiến của Robert. 

Trong cuộc thi, ngoài việc thi thố tài năng nấu nướng, các thí sinh còn hé lộ cho khán giả biết qua một số điều về cá tính của họ.  Có một số thí sinh đã tỏ ra bản chất ích kỷ, chơi xấu, tỏ thái độ kém đẹp trong khi thi đấu.  Cũng có những thí sinh tính tình dễ thương dễ mến, biết quan tâm đến người khác. 

Tuy nhiên cũng thật bất ngờ khi thấy một số đầu bếp quá ẩu trong việc giữ gìn vệ sinh an toàn trong lúc nấu.  Có thể trong video clip chương trình đã cắt bỏ bớt các chi tiết không cho thấy hết những lúc họ rửa tay, rửa dao, rửa thớt nhưng trong một số đoạn cho khán giả xem, Tứ Diễm thấy có những thí sinh chỉ dùng khăn lau thớt lau dao sau khi vừa thái thịt cá sống và lau tay rồi làm tiếp các món, có người còn chùi tay vào tạp dề (apron).  Cũng có người "rửa tay" nhưng chỉ là cho nước chảy sơ qua bàn tay rồi chùi tay vào tạp dề, chứ không hề chà rửa tay với xà bông như cách chúng ta vẫn rửa tay trong bếp nhà chúng ta.  Trong một tập thi, khi chiếu lại quá trình làm việc của một thí sinh, khán giả đều thấy rõ việc chỉ dùng một cái khăn để lau dao lau thớt lau bàn, sau đó là lau đĩa và lót tay khi thái thịt trên thớt.  Ban giám khảo chỉ nhắc đến việc vi phạm vệ sinh vì dùng khăn đó đặt lên miếng thịt, không thấy họ nhắc đến việc thí sinh không rửa tay, rửa thớt, rửa dao và cũng không nhắc đến việc đặt khăn lau bàn lên thớt khi thái thức ăn.  Không lẽ những điều đó hợp vệ sinh và được chấp nhận trong gian bếp nhà hàng?

Trong cuộc thi, với sự theo dõi của ban giám khảo cùng biết bao ống kính thu hình mà họ còn làm dơ làm ẩu như vậy, nếu khi nấu trong căn bếp không có ai nhìn thấy thì chẳng hiểu họ còn làm dơ đến cỡ nào.   Phải chăng vì thế mà có một số người hay nửa đùa nửa thật nói rằng với những món ăn trang trí càng đẹp thì càng nên chỉ để ngắm chứ không nên ăn vì các đầu bếp thường bốc thức ăn bằng tay khi trang trí mà không biết bàn tay họ có sạch hay không.

Khi xem tập 15 về các món đặc biệt thuộc ba miền, rất thú vị khi nhìn những món quen thuộc được trang trí thật đẹp và lạ mắt.   Tuy nhiên với món Bún Thang thì quả thật rất thất vọng vì nhìn không đẹp mà lại cũng không giống với bát bún thang kiểu truyền thống, vì theo Tứ Diễm nhớ thì chưa từng thấy cũng chưa nghe ai hay đọc thấy sách nào miêu tả có món hoành thánh kèm trong bát bún thang.   Bún thang là món cổ truyền đặc biệt thuộc miền Bắc, còn hoành thánh có nguồn gốc từ Trung Hoa.  Bún thang ngon và đẹp ở nét thanh tao mà vẫn đầy đủ mầu sắc hương vị.   Đâu thể đem hoành thánh và bún thang đi kèm chung với nhau được. Ngoài ra, bún thang phải có tôm khô nấu chung mới đúng hương vị.  Sau đó tôm khô đã nấu chín được xay rồi chấy bông, rắc lên một góc bát bún thang.  Đúng như ban giám khảo đã nói: thiếu tôm khô là không đúng hương vị bún thang, thí sinh bào chữa cách nào cũng chỉ là cãi bừa.   Nói chung nhìn bát bún thang đó không bắt mắt mà còn xấu hơn so với những bát bún thang do các bà nội trợ tại gia nấu.  Có thể do thí sinh đó chưa bao giờ được thấy và ăn một bát bún thang đúng kiểu nên đã làm không đúng cách.  Thật đáng tiếc.

Xem chương trình nầy thấy rõ phái nữ bị kỳ thị và bị bắt nạt.   Hải Tuyết tính tình dễ thương, xuề xòa nên hay bị mấy ông đầu bếp sai vặt, nhờ làm các việc lặt vặt, thành người phụ bếp cho mấy ông đó trổ tài giành giải thưởng. 

Ngoài cuộc thi Top Chef VN, Tứ Diễm còn thấy có TV Show gọi là Iron Chef VietNam 2012 nữa.   Đó là chương trình TV về nấu ăn dựa theo chương trình Iron Chef Cooking TV Show của đài truyền hình Nhật nhưng theo phiên bản VN.  Mỗi kỳ sẽ có một đầu bếp chuyên nghiệp thách đấu với một trong số các Iron Chef VN của chương trình.  Họ sẽ phải nấu 5 món ăn theo một loại thực phẩm chính do chương trình cung cấp.   Mỗi người đầu bếp sẽ có hai người phụ bếp, giúp họ thực hiện các việc cần làm.   Ban Giám Khảo gồm 2 giám khảo chính và một giám khảo khách mời.   Nếu vị nào thích xem có thể tìm trên mạng.

Xem các cuộc thi như vậy cũng thú vị vì được thưởng thức bằng mắt những món ăn theo nhiều chủ đề và cách trình bầy khác nhau.   Tuy nhiên có một số điều Tứ Diễm không thích.  Đó là họ lồng tiếng át mất giọng nói của người đầu bếp ngoại quốc.   Đáng lẽ chỉ nên phụ đề tiếng VN thì hay hơn, vì đôi khi là nữ đầu bếp mà lại nghe trả lời bằng giọng đàn ông ồm ồm thì thật là kỳ cục.   Thứ hai, người dẫn chương trình (MC) nói quá nhanh, phát âm nhiều chữ rất khó nghe khó hiểu, nhất là khi đọc các chữ tiếng Anh, tiếng Pháp hay là đọc tên các đầu bếp, tên các nguyên liệu, vv.. vv...  Tứ Diễm vẫn quen nghe giọng nói của ba miền, nhưng cho dù đã ráng lắng nghe mà vẫn không hiểu, mãi đến khi thấy chữ hiện lên trên màn hình hay đọc lời ghi chú kèm theo trong link thì mới hiểu khi nẫy người dẫn chương trình (MC) nói chữ gì.   Thứ ba, tuy chương trình ghi rõ là "Iron Chef VN", nhưng cả hai giám khảo chính là người Việt (hay gốc Việt), đang tham gia chương trình TV người Việt lại chỉ mặc toàn áo kiểu... Trung Hoa.  Thứ tư là mang danh hiệu "Iron Chef" nhưng coi bộ các Iron Chef VN cũng lạm dụng dùng bột nêm Knorr chứ không thuần túy dùng rau củ xương thịt tạo vị ngọt cho món ăn?   Khi được hỏi bí quyết giúp món ăn ngon thì họ nói dùng bột nêm Knorr.  Liệu có ai thích học và làm theo "bí quyết" nầy hay không?  Thêm một điểm nữa, bộ đồng phục với tay áo rất dài nên nếu quan sát kỹ sẽ thấy có những lúc trong khi các đầu bếp dùng tay bốc thức ăn đặt vào đĩa để trang trí cho đẹp thì ống tay áo của họ quẹt vào thực phẩm bầy trên đĩa.  Đó là chưa kể họ hay thường quẹt tay vào tạp dề trong thời gian nấu và bốc món ăn.  Cũng có đầu bếp nếm thức ăn xong lại nhúng muỗng vào nồi luôn.   Trong một số tập, Tứ Diễm thấy có vài người phụ bếp xăn tay áo lên khi nấu, nhìn thì không đẹp nhưng thấy như vậy gọn và sạch hơn là để tay áo dài lượt thượt va chỗ nầy chạm chỗ kia rồi lại quẹt lên chén đĩa, lên món ăn.

Ngoài ra trong Iron Chef VN 2012 TV Show, Tứ Diễm cảm thấy hơi thắc mắc vì có những món thấy vẫn còn nguyên trên đĩa, chưa hề được nếm qua, có khi thấy phê bình xong rồi mới thấy BGK dùng dao cắt món ăn.  Vậy làm sao BGK có thể nhận xét và chấm điểm cho chính xác?  Có lẽ là do lỗi ráp nối?


0 comments:

Post a Comment

 
;