TABLE OF CONTENTS

Monday, 1 August 2011

Lịch Sử Đường Nguyễn Huệ Qua Hình Ảnh

Phải chăng bánh xe lịch sử vẫn lăn mãi theo dòng thời gian, mỗi ngày tháng trôi qua có thể sẽ dần nhạt phai theo trí nhớ nhân loại.  Tuy nhiên vẫn có những sự kiện, những địa danh đã ghi khắc dấu ấn sâu đậm trong lòng người, cho dẫu có dùng bạo quyền và sự độc tài để áp đặt nhưng cũng thành công trong một giai đoạn nào đó; rồi cũng đến một lúc nào đó người dân vẫn chỉ muốn gọi tên nơi chốn thân quen bằng danh xưng vốn có từ bao đời...

Cho dẫu "vật đổi sao dời", cùng việc cố tình "khai tử" tên một địa danh vốn nổi tiếng đã được thế giới biết tới với tên gọi Hòn Ngọc Viễn Đông, nhưng cho tới nay hai chữ Sài Gòn đã được sống lại không chỉ trong lòng người dân Việt Nam mà còn trong câu nói thường ngày, trong thơ văn, sách vở, báo chí, vv.. vv...  



 
Trong bài viết nầy, Tứ Diễm xin phép được đăng lại một bài viết của tác giả Khắc Huy về lịch sử một con đường nổi tiếng, đồng thời cũng giúp gợi nhớ lại một thuở  "Sài Gòn đẹp lắm, Sài Gòn ơi, Sài Gòn ơi" của những tháng ngày đã qua.


 
Bên dưới là bài viết kèm hình ảnh của tác giả Khắc Huy do một người quen gửi qua email.   Tứ Diễm xin mạn phép tác giả được đăng nguyên văn bài viết và hình ảnh vào đây để lưu lại những nét đẹp của một địa danh nổi tiếng từ ngày xưa.  Xin cám ơn tác giả đã bỏ công tổng hợp và biên soạn nha.

 
LỊCH SỬ ĐƯỜNG NGUYỄN HUỆ QUA HÌNH ẢNH
Tác giả Khắc Huy
 
Hằng năm, cứ mỗi dịp Tết đến, đường Nguyễn Huệ - một trong những con đường đẹp nhất của Sài Gòn, nằm trải dài từ trước trụ sở Ủy ban Nhân dân thành phố đến Bến Bạch Đằng, với nhiều tòa nhà cao tầng và những trung tâm thương mại mua bán sầm uất, biến thành một đường hoa rực rỡ, thu hút rất nhiều khách viếng thăm, và trở thành một địa chỉ quen thuộc cho những vị khách du xuân.

Nếu làm một cuộc viễn du về quá khứ, chúng ta sẽ khám phá được rất nhiều điều thú vị và bất ngờ trong lịch sử hình thành con đường này.



 

Khởi thủy đường Nguyễn Huệ là 1 con kênh dẫn vào thành Gia Định (còn gọi Thành Bát Quái 1790-1835). Người Pháp gọi là Kênh Grand, người Việt gọi là Kênh Chợ Vải.


 

Dọc bờ kênh là một con đường được người Pháp đặt tên là đường Charner (đường bên phải trong ảnh), hay một tên gọi khác là đường Quảng Đông (Rue de Canton), bởi đa số người Hoa làm nghề buôn bán ở đây đều là người Quảng Đông. Phía đối diện bờ kênh là đường Rigault de Genouilly.


 

Ảnh này chụp cuối Kênh Chợ Vải, chúng ta có thể thấy có 1 cây cầu để nối hai bờ kênh, xa xa là Bến Nhà Rồng.


 

Bên phía đường Canton chúng ta có thể thấy một ngôi chợ. Chợ đã hình thành từ trước khi người Pháp chiếm Sài Gòn, nằm cạnh bến sông gần thành Gia Định (bấy giờ là thành Quy, còn gọi là thành Bát Quái). Bến này dùng để cho hành khách vãng lai và quân nhân vào thành, vì vậy mới có tên gọi là Bến Thành, và khu chợ cũng có tên gọi là chợ Bến Thành.


 

Vào năm 1887, người Pháp cho lấp con kênh và sát nhập hai con đường ở hai bờ lại làm một thành đại lộ Charner. Dân bản xứ gọi nôm là đường Kinh Lấp. Trong ảnh chúng ta thấy cha ông đang trải nhựa cho con đường mới hết sức cực nhọc bằng phương tiện thủ công.

Chợ Bến Thành cũ, hướng nhìn ra đường Kinh Lấp - Charner.


 

Phía trước mặt chợ Bến Thành cũ nhìn ra đường Kinh Lấp - Charner. Có thể đoán ảnh này được chụp khoảng năm 1909-1914, vì ở phía xa ta đã thấy tòa nhà Dinh Xã Tây - nay là UBND TPHCM. năm 1914 chợ không còn năm vị trí này.


 

Con đường bên hông chợ Bến Thành cũ, nay là đường Ngô Đức Kế (?). Chợ được dời về vị trí hiện nay vào năm 1914. Vị trí chợ cũ nay là tòa nhà Bitexco và kho bạc.


 

Ít ai ngờ rằng vị trí tháp đồng hồ trước cao ốc Sunwah trên đường Nguyễn Huệ ngày nay từng là pháp trường của người Pháp.



Đại lộ Charner - Kinh Lấp nhìn về hướng sông Sài Gòn, tòa nhà ta thấy bên trái ngày nay vẫn còn, đó chính là thương xá Tax.



 
Công viên nhỏ rất đẹp trước dinh Xã Tây (nay là UBND TPHCM), vẫn còn tồn tại đến ngày nay.


 
Một hướng nhìn khác của Đại lộ Charner về phía Dinh Xã Tây. Tiếc là công viên nhỏ ở trong hình ngày nay đã không còn nữa.


 
 Vào thập niên 50, Đại Lộ Charner - Nguyễn Huệ là một trong những con đường đẹp nhất của Hòn Ngọc Viễn Đông - Sài Gòn. Trên không ảnh chúng ta có thể thấy đàng xa là hai tháp chuông của nhà thờ Đức Bà.


 
Trước năm 1975, trong chế độ cũ, đại lộ Nguyễn Huệ thật sầm uất và đầy màu sắc.

Trải qua hơn 200 năm hình thành và phát triển, đại lộ Nguyễn Huệ đã biến đổi từng bước theo thời cuộc và cho đến ngày nay nó vẫn là con đường đẹp bậc nhất của Sài Gòn hoa lệ.

(Sưu Tầm - do Khắc Huy tổng hợp và biên soạn)
 

No comments:

Post a Comment