TABLE OF CONTENTS

Saturday, 10 December 2011

Phiếm - Thử Chuột Làm Tí Trò Hề

Thử Chuột Làm Tí Trò Hề

Tứ Diễm

"Thử chuột làm tí trò hề".  Câu đối nầy của HVK lắt léo ở các chữ "thử", "chuột", "tí" và "hề" đều dùng để gọi dòng họ "mỏ nhọn" nhà chuột, hay còn gọi chung là rat, mouse trong tiếng Anh.  Nếu tách bạch, có thể gọi theo giới tính, tuổi tác, chẳng hạn chuột đực, chuột cái, chuột con (baby mouse), pinkies (chuột bao tử mới sinh, chưa có lông, chưa mở mắt), fuzzies (mới mọc lông loáng thoáng), hoppers (mọc đủ lông, nhưng còn chưa trưởng thành), adults (đã trưởng thành)  vv.. vv... hay theo "nơi cư trú", chẳng hạn chuột nhà, chuột đồng, chuột cống, chuột nhắt cây (vandeleuria oreracea), chuột thí nghiệm, chuột bạch, chuột đàn (rattus flavipectrs), vv.. vv...


Chẳng cần phải "thấy người sang bắt quàng làm họ" với những loài gậm nhấm khác, chỉ riêng gia phả nhà chuột đã rất đông đúc, bao gồm nhiều loài thuộc các chi, các họ khác nhau.  Thường gặp nhất là loại chuột nhắt (mus musculus), chuột cống (rattus norvegicus), chuột lang (cavia porcellus). Được xếp vào loại thú làm cảnh là nhà chuột bạch, chuột lang.   Hiếm, quý nhất là đám chuột nhắt cây (vandeleuria oreracea) vốn nhờ hình dáng đẹp nên thường được nuôi làm cảnh hay xuất khẩu.   Phá hoại nhất là nhà chuột nhắt, chuột đồng.  Bị mang tiếng nhất là nhà chuột chù vì "hôi hơn cú".  Hữu ích nhất là loại chuột dùng trong phòng thí nghiê.m.  Nghe nói trước đây chuột nhắt và chuột lang không rõ xuất xứ vẫn được dùng thử nghiệm vaccine (thuốc chủng ngừa) ở Việt Nam.  Nhưng gần đây, đã nhân giống thành công loài chuột Nhật Bản SLC:đY để xử dụng trong phòng thí nghiệm.   Có tài liệu cho biết, một vị giáo sư thuộc trường Đại Học ở Mỹ đã tạo được giống chuột chuyển thể (transgenic mice) với thể lực khó thể tưởng tượng được.  Trong khi làm thử nghiệm, chuột ta đã đạt thành tích không thua sút bất cứ một lực sĩ cừ khôi nào, khi chạy liên tục trong sáu tiếng liền với vận tốc 1.2 km/h.

"Tai dơi mặt chuột", thoạt tiên mới liếc sơ, với khuôn mặt choắt đúng kiểu "chuột kẹp", nhà họ chuột chắc chắn được đứng hàng đầu ... từ dưới đếm lên trong các cuộc thi sắc đẹp.  Với cái mỏ dài nhọn cùng hàm răng cửa lớn, chắc và khỏe, thường xuyên mọc dài thêm nên nhà chuột tha hồ mà gặm nhấm thoải mái.  Tuy vậy, nếu chịu khó làm nghề... xỉa răng chuột sẽ thấy nhà họ chuột đều bị sún răng nanh, giữa răng hàm và răng cửa có một khoảng trống.  Bởi vậy, dù có muốn làm oai, chuột ta cũng không thể "nhe nanh, múa vuốt" hù thiên hạ.   "Mắt cứ tho ló như mắt chuột", đôi "cửa sổ linh hồn" nhà chuột tuy đen láy, nhưng hơi nhỏ, không thể nhìn xa, không phân biệt được mầu sắc, nên các nàng chuột khỏi tốn thời gian "tô hồng chuốt lục" để làm đẹp lòng phu quân.  Cặp mắt nhà chuột lại chỉ có thể nhìn về một hướng phía trước nên các chàng chuột dù rất muốn nhưng không thể liếc ngang liếc dọc mỗi khi đi... da.o.  Nhưng trời thương ban cho nhà chuột một đôi tai nhọn, vểnh, có thể chuyển động được và đặc biệt rất thính; cộng thêm với mấy cặp râu linh động cùng khứu giác rất nhậy, có thể đánh hơi được mùi vị từ rất xa nên nhà họ chuột dễ dàng kiếm mồi trong sự đồng lõa của bóng tối.  "Nhất nghệ tinh, nhất thân vinh".  Có thể nói chuột ta thuộc hàng tổ sư trong nghề "trèo tường khoét vách" nhờ tài leo trèo nhanh lẹ, vừa biết đào bới để "độn thổ", vừa biết bơi, vừa rành gặm nhấm đục khoét cộng thêm lợi thế của vóc dáng nhỏ nhắn trời ban.  Lá gan chuột tuy không lớn, tuy nhiên chuột ta luôn phải hăng hái xông tới trước, chỉ vì cấu trúc của bàn chân có móng vuốt nhọn chỉ thích hợp cho việc leo trèo, luồn lách nhưng lại khiến nhà chuột không thể đi lùi.  Nhìn chung, các chàng nàng chuột khá giản dị, thường khoác lớp lông ngắn, mầu xám từ nhạt cho tới thật đậm.  Đuôi nhỏ, nhọn ở chót đuôi với chiều dài ít nhất cũng xấp xỉ chiều dài thân mình hay dài hơn, thường cùng một mầu hoặc mặt trên đậm hơn, mặt dưới nhạt hơn.  Riêng nhà chuột bạch nhỏ bé xinh xắn với bộ lông trắng muốt, mũi và lòng bàn chân mầu hồng nhạt.  Nhà chuột lang cũng chẳng chịu thua kém, đỏm dáng diện bộ lông nhiều mầu khá lạ và đẹp mắt. 

Theo lý lịch trích ngang xương, nhà họ chuột thuộc loài gậm nhấm ăn tạp, bốn chân, có vú, sinh con và nuôi con bằng sữa, kích thước khá đa dạng, có thể từ 7 cm cho tới 30 cm tùy theo loa.i.  Câu "bất hiếu hữu tam vô hậu chi đại" hoàn toàn không thể áp dụng với nhà họ chuột.  Mỗi cặp vợ chồng chuột có thể  "sản xuất" ít nhất cả ngàn chuột con trong vòng một năm.  Khi mới cất tiếng chút chít chào đời, các bé sơ sinh chuột nặng khoảng 0.5 đến 1.5 grams, chưa mở mắt, cụp tai, hói đầu, chưa có lông, làn da non mầu đỏ hồng nên còn gọi là chuột bao tử (pinkie mouse).  Sau một ngày, sơ sinh chuột vẫn còn chưa mở mắt, nhưng bắt đầu dùng xúc giác, khứu giác và vị giác để làm quen với thế giới xung quanh, chuẩn bị chuyển sang lứa tuổi chuột nhi đồng (baby mouse).  Sau sáu ngày tuổi, các bé chuột bắt đầu mọc lông với mầu sắc tùy thuộc theo loa.i.  Chỉ đến mười ngày tuổi, nhi đồng chuột mới chịu mở mắt nhìn đời.  Sau gần ba tuần tuổi, đám nhóc tì chuột đã cân nặng khoảng 10 đến 12 grams, chính thức chê sữa để bước vào tuổi "cập kê".  Khi được 25 đến 40 ngày tuổi, đám chuột choai choai đã bắt đầu trổ mã, mơ mộng chuyện yêu đương.  Nhưng mãi đến khoảng 50 ngày tuổi, các chàng nàng chuột mới tính tới chuyện kết hôn và "lên chức".  Vốn thuộc loại mắn con đẻ nhanh hơn cả... gà, các cô dâu chuột nhanh chóng thụ thai.  Chuột mẹ mang thai khoảng 20 ngày, mỗi lứa xấp xỉ khoảng mười con.  Chỉ cần từ hai đến năm ngày sau khi chuột con cai sữa, chuột mẹ có thể bắt đầu thụ thai.  Như vậy mỗi năm, chuột mẹ có thể sinh năm hay sáu lứa.   Cũng may không phải khi nào ở bẩn cũng sống lâu, tuổi thọ trung bình của nhà họ chuột chỉ khoảng một hay hai năm, và cũng không phải toàn bộ chuột con sinh ra đều sống sót cho đến tuổi trưởng thành.

Với chủ trương "biết lui biết tới, trên trông xuống, dưới trông lên", nhà họ chuột ưa thích sinh sống riêng lẻ hay quây quần thành từng đàn trong các hang hốc tối tăm nhiều ngóc ngách nhằm dễ bề "lăng ba vi bộ tẩu vi thượng sách" khi cần.   Nhưng chẳng cần phải "cháy nhà mới lòi mặt chuột", nhà họ chuột có thể hiện diện ở bất cứ mọi nơi mọi chỗ, từ trên mặt đất khô ráo sáng sủa cho tới dưới ống cống ẩm ướt tối tăm, từ căn lều "ổ chuột" ọp ẹp cho tới ngôi biệt thự lộng lẫy, từ nhà riêng cho tới trường học, bệnh viện, công sở, từ chốn thành thị văn minh náo nhiệt cho tới các vùng thôn quê hẻo lánh, từ vùng đồng bằng phì nhiêu đến chốn núi non cằn cỗi.   Ngay cả những chiếc thuyền lênh đênh trên mặt nước cho đến các chiếc máy bay, thậm chí cả phi thuyền phi hành trong không gian, nếu sơ ý cũng có thể bị nhà họ chuột thản nhiên "tạm trú".

Vốn thuộc loại "ăn dơ, ở bẩn", nhà chuột có cái tật ưa buồn mồm, gặm nhấm tùm lum bất cứ thứ gì, từ giấy, sách, báo, vải vóc cho tới gỗ, nylon để... mài răng, thật xứng với danh hiệu "ăn tàn phá hại".  Đã thế nhà họ chuột lại còn thêm cái tật tham lam.  Bất cứ các loại thực phẩm gì sơ sểnh đều bị nhà họ chuột "ăn tươi nuốt sống" ngay, từ những loại ngũ cốc, rau trái củ cho tới các loài côn trùng và động vật nhỏ như ốc sên, cá con.  Thậm chí khi thiếu ăn, nhà chuột có thể nẩy sinh ra cảnh "nồi da xáo thịt" theo kiểu "mạnh được, yếu... bị xơi tái" để sinh tồn.  Nghe nói khi lâm cảnh "đói ăn vụng, túng làm càn", nhà họ chuột dám lẻn vào chuồng gà vịt để ăn cắp trứng, hay có khi còn dám tấn công cả gà vịt con hay gà choai choai.  "Dại bầy hơn khôn độc", tuy một chàng chuột với bốn chân ngắn, mỏ nhọn không thể tha quả trứng nhưng chuột ta đã khôn ngoan hợp tác với nhau: một con nằm ngửa xòe bốn chân ôm khư khư quả trứng vào bụng, đuôi vươn ra cho một con khác ngậm kéo đi về ổ.  Có một số loài chuột còn có khả năng tấn công và giết chết các chú chim non với kích thước lớn hơn gấp... 200 lần so với nhà chuột.  Nghe đồn ở bệnh viện, nhà họ chuột còn dám đột nhập... nhà xác để gặm nhấm những xác chết vô thừa nhận.  "Đuôi chuột ngoáy lọ mỡ", cũng nhờ "cái khó ló cái khôn", nhà họ chuột còn biết lợi dụng cái đuôi dài thậm thượt của mình để nhúng vào lọ mỡ đặng chấm mút hay để... câu cá trong hồ, trong chậu rất tài tình.  Tuy rất háu ăn, nhưng nhà họ chuột còn đa nghi hơn cả... Tào Tháo.  Mỗi khi cần ra khỏi hang, chuột ta thường "mắt la mày lét" dò xem động tĩnh rồi mới len lỏi theo đường mòn, theo men bờ hay các lối đi quen thuộc.  Vì thuộc lòng câu "cẩn tắc vô ưu", mỗi khi thức ăn lạ, dù có đói đến cỡ nào, chuột ta cũng chỉ nhấm nháp thử một ít.  Vài ngày sau, nếu vẫn còn "khỏe như... voi", chuột ta mới tận tình "sạch sành sanh vét cho vừa bụng tham".  Nhưng "vỏ quít dầy, móng tay nhọn", chịu cần khó kiên nhẫn dụ khị nhà chuột trước bằng các món ngon.  Sau vài ngày, khi chuột ta đã quen mồi, lúc ấy mới nên ra tay... thuốc chuột vì chẳng sớm thì muộn, trước sau gì "kẻ tham ăn" cũng sẽ "lấy răng đào huyệt".  Nếu dùng thuốc, cần phải rất cẩn thận để tránh xẩy ra cảnh chuột "nhát bã".  Ở các nước Âu Mỹ, cheese là món ưa thích của nhà chuột nên thường được dùng làm mồi bẫy chuột.  Ở Việt Nam, nghe nói mồi làm bằng bã trộn với lúa mộng, thức ăn gia súc và sáp rất hấp dẫn nhà họ chuột.

"Gà chết vì tiếng gáy", nhà họ chuột lâm cảnh "tứ bề thọ địch" cũng chỉ vì "thần khẩu hại xác phàm", cái miệng làm hại cái thân.   Bởi vậy, nhà họ chuột phải luôn tìm cách "tẩu vi thượng sách" khi thấy thấp thoáng bóng dáng nhà họ mèo, rắn, trăn, thằn lằn, nhện lớn (tarantulas), chó hay chim săn mồi, ...   và nhất là loài người.  Ngoài cách dùng thuốc chuột, người ta còn diệt họ nhà chuột bằng rất nhiều phương pháp độc đáo, chẳng hạn dùng bẫy keo dính, bẫy kẹp, bẫy sập, bẫy lồng, săn bắt, dùng rọ, đào hang, đổ nước, xông khói, dùng xiên xăm vào hang, dùng chó săn chuột, dặm cù, vv.. vv...   Cũng có khi người ta chọn phương pháp tổng hợp (nghe đồn là rất hiệu quả) bằng cách trộn hạt bã đậu vào thức ăn (đầu độc trực tiếp), rải dầu nhớt có trộn thuốc trên đường đi của chuột (đầu độc gián tiếp vì chuột sẽ nhiễm độc khi liếm lông), rào nylon quanh ruộng, đào hố rồi khua thùng gõ trống tạo tiếng động ồn ào để đuổi bắt chuột.   Vào mùa lũ, khi nước ngập tràn cánh đồng, người săn chỉ cần bơi xuồng dọc theo bờ tràm, rung cây tràm khiến chuột bị động, kéo nhau chuyền cây để cha.y.  Khi chuột trượt chân rơi xuống nước thì đã bị chụp bắt trong các cây vợt của người săn bắt.   Thậm chí ở làng Đại Khôi tỉnh Thanh Hóa ngày xưa, tương truyền cứ đến dịp Tết, ngoài các trò chơi đầu năm còn có hội thi... giết chuột.  Sau khi một vị cao niên đọc bài "hịch" xong, mọi người đổ xô ra đồng làng thi nhau bắt chuột.  Tiếng hò reo lẫn với tiếng chiêng trống rất vui nhộn.  Đến cuối ngày, nhóm nào nộp được nhiều đuôi chuột nhất sẽ thắng, và được trao giải thưởng.  Nhóm ít đuôi chuột nhất phải uống một vò nước la.nh.

"Miếng ăn là miếng tồi tàn, thiếu ăn một miếng... lộn gan lên đầu".  Thông thường, chuột bắt về sẽ bị đập chết, đem thui vàng sau đó đem lột thật sạch da, mổ bụng, lóc bỏ mỡ chỉ chừa lá gan xong đem ngâm nước phèn, thịt chuột thoạt tiên sẽ đỏ dần nhưng sau đó sẽ trắng phau phau mượt mà ngon mắt.  Với kinh nghiệm phong phú cùng đôi tay khéo léo, các tay đầu bếp đã biến chế thịt chuột thành nhiều món "đặc sản" hấp dẫn hợp khẩu vị một số người, nổi tiếng là làng Vĩnh Ninh (Thanh Trì, Hà Nội).  Trong các món nhậu, ngoài món chuột giả cầy, chuột lá lốt, chuột cuốn, chuột xé phay, chuột lúc lắc, chuột bao tử chiên giòn, còn có món chuột nướng lá cách được nhiều người ưa chuô.ng.  Cách làm khá đơn giản: gồm có thịt chuột bằm nhuyễn trộn chung với miến, nấm, tương, sả, ngũ vị hương, củ hành băm nhuyễn, nước tương, đường, dầu mè, vo viên, gói lá cách xong đem nướng lửa than nóng.  Ăn khi còn nóng, kèm với đậu phụng rang và mỡ hành rất ngon.  Nếu "đưa cay", cắn một ít thịt chuột nưóng nóng hổi, kèm theo ít xoài thái sợi, chút rau thơm, chút rau húng rồi chấm thêm chút nước mắm sả ớt sẽ lại càng ngon tuyệt vời hơn nữa.  Cũng có thể đem chuột lột da nhồi thịt bằm trộn với miến, mộc nhĩ và gia vị, xong đem chiên giòn, ăn rất bắt khẩu vị.  Muốn đơn giản thì đem chuột lột da, ướp tỏi, ớt tươi, kẹp lá chanh hay vỏ cam, vỏ quýt nướng vàng xong chấm muối ớt.  Hay cũng có thể chỉ cần đem luộc chung với lá chanh, sau đó chấm muối ớt có lá chanh xắt nhuyễn.  Nghe nói khi luộc xong nếu gói ngay vào lá chuối, thịt sẽ có mùi thơm và lâu bị hư thối.  Cũng có người lại mê món thịt chuột bằm xào rau mò om xúc bánh tráng, chuột xào bầu vừa thơm vừa mát, chuột ram đậm đà, chuột ướp ngũ vị hương khìa nước dừa sả tỏi, chuột kho mềm ma.i.  Gặp khi nhiều quá, ăn không kịp, người ta đem chuột đi thui rồi lột da, chặt đầu chặt đuôi làm mắm hay làm khô để dành ăn dần.  Nghe đồn, thịt chuột rất bổ dương, ăn nhiều vẫn không thấy ngán.  Có người lại tin rằng chuột bao tử đem ngâm rượu, hạ thổ một trăm ngày sẽ trị dứt bệnh hen suyễn.  Theo kinh nghiệm, chuột nhỏ ăn ngon hơn chuột lớn, vì chuột lớn sống nơi phì nhiêu nhiều mỡ, thịt sẽ dai và không thơm ngon bằng các chú chuột phải "exercise" tìm mồi.  Nghe đồn loài chuột chù tuy rất hôi và xấu xí, nhưng nếu thui lông thật cẩn thận, lột da, cạo bỏ thật kỹ, thịt lại ngon hơn hẳn các giống chuột khác và lại còn bổ dương hơn hẳn các bài thuốc hải cẩu, cao hổ cốt.  Nhưng độc đáo, cầu kỳ, đắt giá mà cũng... dễ sợ nhất là món Sâm Thử gồm những con chuột bao tử đỏ hỏn còn sống được bầy trên đĩa ngọc để thực khách hưởng dụng bằng cách... ăn sống trong một buổi đại yến tiệc lớn nhất triều Mãn Thanh do thái hậu Từ Hy khoản đãi.   Tương truyền món Sâm Thử rất bổ vì loại chuột sâm nầy đã được nuôi dưỡng mấy đời toàn bằng các loại sâm hiếm quý.

"Nước trong nước chảy quanh chùa.  Không yêu, ta cũng bỏ bùa cho yêu".  Chẳng biết có phải nhà họ chuột có tài bỏ bùa yêu thuốc lú hay không, nhưng chuột ta đã nghiễm nhiên trở thành đề tài cho nhiều môn nghệ thuật.  Có người còn tin tưởng rằng: "thứ nhất đom đóm vào nhà, thứ nhì chuột rúc, thứ ba hoa đèn" sẽ mang lại điềm may mắn.  "Đì đẹt ngoài sân tràng pháo chuột.  Om sòm trên vách bức tranh gà".  Không chỉ tranh gà, ngày Tết người ta còn ưa chuộng các bức tranh mộc bản "đám cưới chuột", "chuột rước đèn", thuộc loại những bức tranh dân gian tiêu biểu cho nền mỹ thuật cổ truyền Việt Nam do nghệ nhân làng Đông Hồ sáng tác.  Trong kho tàng văn học Việt Nam, vẫn còn lưu truyền truyện thơ Nôm "Trinh Thử" không rõ tên tác giả, gồm 850 câu lục bát và hai bài thất ngôn; với ngôn ngữ miêu tả sinh động bao hàm đạo lý sâu sắc, tác giả đã nhân cách hóa loài vật để ca tụng đức tính kiên trinh của phụ nữ Việt Nam.  Ngoài tác phẩm "O Chuột" của Tô Hoài, nhà họ chuột còn được nhắc đến trong một số truyện ngụ ngôn, cổ tích nhi đồng và nhiều câu tục ngữ, thành ngữ thông dụng: "đầu voi đuôi chuột", "tai dơi mặt chuột", "cháy nhà mới lòi mặt chuột", "đuôi chuột ngoáy lọ mỡ", "bày đường chuột chạy", "chim chuột", "mèo chuột", "nhà ổ chuột", "chuột cắn dây buộc mèo", "chuột chạy cùng sào",  "chuột chù đeo lạc", "chuột chù lại có xạ hương", "chuột chù nếm giấm", "chuột đội vỏ trứng", "chuột gặm chân mèo", "chuột sa chĩnh gạo", "thử thủ phấn việc", vv.. vv... cho đến các câu ca dao mộc mạc như:

Chuột kêu chút chít trong rương
Anh đi cho khéo đụng giường mẹ hay

Chuột chê xó bếp chẳng ăn,
Chó chê nhà dột, ra nằm bụi tre

Chuột chù chê khỉ rằng hôi,
Khỉ lại trả lời cả họ mày thơm

Con mèo mà trèo cây cau
Hỏi thăm chú chuột đi đâu vắng nhà
Chú chuột đi chợ đường xa
Mua mắm, mua muối giỗ cha con mèo

"Nhìn lâu quen mắt", tuy không đẹp mã, nhưng nhờ bàn tay phù phép của các nghệ nhân, đạo diễn, nhà họ chuột đã được nhiều người yêu thích qua các bộ phim nổi tiếng với những nhân vật chuột rất độc đáo: Jerry, Mickey Mouse & Minnie, đàn chuột dễ thương trong phim Cinderella, Itchy, Speedy, Gonzales, Pinky and The Brain, Gadget Hackwrench và Monterey Jack, Basil, Stuart Little, Mighty Mouse, Fievel Mousekewitz, The Three Blind Mice, vv.. vv... Trong văn chương, chuột ta còn được nhắc đến trong bài thơ To a Mouse của Robert Burns 1785 cùng trong các truyện: Of mice and man (John Steinbeck), Mickey Mouse series (Walt Disney), Reepicheep (C. S. Lewis), vv.. vv... Đó là chưa kể tới các truyện ngụ ngôn The Lion and the Mouse, Voi và Chuột, Mèo và Chuột, vv.. vv... 

"Chữ tác đánh chữ tộ".  Tuy chẳng có họ hàng giây mơ rễ má, nhưng "chuột" còn xuất hiện trong một số từ ngữ thường gặp, chẳng hạn như: pháo chuột, dưa chuột, nhà ổ chuột, con chuột (mouse là dụng cụ giúp điều khiển tín hiệu trên màn hình vi tính), vv.. vv...  Đại thử (còn gọi kanguru) vốn là loài chuột túi sinh sống ở châu Úc.  Hàn thử biểu là nhiệt kế dùng để đo nhiệt độ. 

Theo tử vi Đông Phương, nhà họ chuột tiêu biểu cho năm Tý, là chi (hay còn gọi là con giáp) đầu tiên trong thập nhị chi.  Lục thập hoa giáp bao gồm sáu chu kỳ của mười thiên can (Giáp, Ất, ...) với mười hai địa chi (Tý, Sửu, ...) .   Cứ mỗi mười hai năm sẽ lập lại cùng một địa chi nhưng khác thiên can, chẳng hạn như Giáp Tý (1984), Bính Tý (1996), Mậu Tý (2008), ...  Mỗi chu kỳ gồm mười năm, đứng đầu bằng một con giáp như Giáp Tý, Giáp Dần, ...  Tổng cộng tất cả 60 năm, gồm sáu chu kỳ, bắt đầu từ Giáp Tý cho đến Quý Hơ.i.  Như vậy, người sinh năm 1948 và 2008 thuộc tuổi Mậu Tý đều có cùng bản mệnh Tích Lịch Hỏa (dịch nôm na là lửa sấm sét) thuộc mạng Hỏa.  Theo thuyết sinh khắc chế hóa giữa ba mươi loại ngũ hành nạp âm, thông thường, người mang mạng Hỏa sẽ khắc chế những ai mang mệnh Kim, nhưng lại bị người mang mệnh Thủy khắc chế.  Tuy nhiên, người mang mệnh Tích Lịch Hỏa vốn là lửa sấm sét nên đặc biệt không bị bất cứ người mệnh Thủy (là nước) nào khắc chế cả.   Trong khi đó, mệnh Tích Lịch Hỏa lại có khả năng khắc chế rất mạnh những ai mệnh Kim như Bạch Lạp Kim, Kim Bạc Kim, Hải Trung Kim, Sa Trung Kim,...   Bởi vậy, người mang mệnh Tích Lịch Hỏa (tuy không biết có họ hàng với... thiên lôi hay không), nhưng số mệnh rất may mắn, chẳng cần phải né sợ ai cả.   Tuy vậy, theo thuyết tứ hành xung "Tý, Ngọ, Mẹo, Dậu", người tuổi Mậu Tý nên né người tuổi Tân Mão, Quý Mão.   "Tránh mèo chẳng xấu mặt nào", vì chuột vốn rất kỵ mèo.  Ngoài tuổi Mèo, nói chung người tuổi Chuột cũng nên tránh người tuổi Ngựa và Gà để tránh việc "thần khẩu hại xác phàm".  Người ta còn tin rằng "Thân, Tý, Thìn" thuộc tam hạp.  Nếu hiểu nôm na, nghĩa là người tuổi Chuột lại hạp với tuổi Khỉ và Rồng.  Có lẽ tại rồng bay trên mây, khỉ sống trên cây trong rừng.   "Giang sơn nào anh hùng nấy", không có "dẫm chân lên nhau" nên khỏi bị đụng chạm.  Bởi vậy, muốn chắc ăn, cần nhất là nên "chọn bạn mà chơi" để khỏi phải... "xẹt lửa" bất tử.

Mải vui "ngồi lê nói dóc" cũng đã quá dài.   Xin mạn phép được chấm dứt bài viết ở nơi đây để còn chuẩn bị ăn Tết cùng thiên hạ.  Mến chúc toàn thể độc giả và gia quyến một năm Mậu Tý 2008 vui vẻ, an khang, thịnh vượng, phát tài, phát lộc nhưng không phát tướng.  Vị nào cầu tài sẽ sớm được "chuột sa hũ nếp".  Vị nào cầu tình duyên sẽ sớm ngày gặp được ý trung nhân để cùng nhau xây "nhà ổ chuột", ý quên, lâu đài tình ái.  Vị nào cầu con sẽ mắn hơn... chuột.  Vị nào còn thắc mắc, xin liên lạc tại 1(888) BOI-XAM1.

Tứ Diễm - Dec. 31, 2007


Tài liệu tham khảo:

1. "Từ điển thành ngữ và tục ngữ Việt Nam" của giáo sư Nguyễn Lân, NXB Khoa Học Xã Hội, 1997
2. "Wikipedia, the free encyclopedia", Wikimedia Foundation, Inc.
3. "Experimental colonization of contrasting habitats by house mice", Tattersall F. H., Smith, R. H. & Nowell, F, 1997
4. "A better mousetrap". John H. Lienhard. The Engines of Our Ingenuitỵ NPR. KUHF-FM Houston, 1996
5. "Bách khoa toàn thư", Online

No comments:

Post a Comment