TABLE OF CONTENTS

Thursday, 15 December 2011

Tùy Bút - Mang Mang Nỗi Nhớ

MANG MANG NỖI NHỚ
(Kính dân hương linh Bố yêu quý)
Tứ Diễm

Hình như mẹ là chủ đề chính trong rất nhiều tác phẩm nghệ thuật, biết cơ man mà kể cho hết những bài thơ, văn, nhạc viết về mẹ. Thế nhưng số sáng tác về cha lại quá hiếm hoi, ngỡ như có thể đếm vỏn vẹn trên đầu ngón tay được. Phải chăng tình mẹ nồng thắm chan chứa theo từng lời nói, ánh mắt, cử chỉ săn sóc từ thuở bé thơ nên dễ cảm nhận, dễ gợi nguồn cảm hứng sáng tác; còn tình cha cô đọng, sâu lắng nên khó diễn tả thành lời. Hay phải chăng như ai đã viết mẹ là đóa hoa tươi thắm, tỏa hương sắc tô điểm cuộc đời, ban nguồn dịu ngọt sưởi ấm lòng con; còn cha là cành, là lá lặng lẽ nâng niu bảo vệ cho mẹ. Nên kính yêu mẹ, ca tụng mẹ cũng phần nào đáp đền tình nghĩa của cha.

Tự dưng lại nhớ tới câu ca dao quen thuộc. Ừ nhỉ, trong khi tình mẹ được miêu tả rất đơn giản, rất dễ cảm nhận "như nước trong nguồn chảy ra" thì sao lại ví von "công cha như núi Thái Sơn". Dẫu vẫn biết núi cao ngất, nhưng núi Thái Sơn ở đâu, cao như thế nào chắc hẳn ít người hình dung ra được. Kể cũng lạ, tại sao lại chỉ nhắc đến "công cha" mà không phải là "tình cha" nhỉ. Chẳng lẽ chỉ có mẹ thương con còn cha thì không hay sao?

Ngày xưa còn bé, chẳng hiểu sao dẫu luôn quấn quít bên Bố suốt mỗi buổi chiều tối, tôi vẫn ngỡ rằng tình cảm tôi dành cho Bố không sâu đậm và sự hiện diện của Bố không quan trọng lắm đối với tôi. Phải chăng vì ngay từ khi còn nhỏ, tôi chỉ được nghe những bài hát, những câu ca dao ca tụng về tình Mẹ nên vô hình chung đã khiến tôi nghĩ rằng Mẹ luôn chiếm một địa vị quan trọng nhất trong tim tôi. Có lẽ tôi sẽ nghĩ như thế mãi nếu không có ngày Saigon bị thay tên rồi Bố bắt buộc phải xa chúng tôi.

Thuở đó, tôi còn quá nhỏ để cảm thông được nỗi buồn trong ánh mắt Bố khi nghe lời tuyên bố đầu hàng của ông Dương Văn Minh. Và tôi cũng chưa biết buồn khi phải xa Bố. Ngày Bố phải lên đường đi tập trung, tôi không cảm thấy buồn mà chỉ hơi ngạc nhiên vì vẻ mặt thật buồn của Bố khi ôm hôn chúng tôi. Tôi cứ ngỡ là Bố sẽ đi rồi về như mọi ngày, nhưng rồi năm ngày, mười ngày, một tháng, một năm, rồi nhiều năm cứ thế thầm lặng nối tiếp nhau, nhưng mãi vẫn chẳng thấy dáng Bố.

Nhiều buổi sáng, trời lành lạnh, tôi cảm thấy buồn vô cùng khi một mình lặng lẽ ôm cặp đến trường. Đâu còn được ngồi sau lưng xe vespa, vòng tay ôm bụng Bố rồi ríu rít kể chuyện này chuyện kia, vòi vĩnh Bố trên đường từ nhà đến trường. Từng buổi chiều, tôi cứ mong mỏi được chạy ra reo mừng khi nghe tiếng xe của Bố dừng trước cửa nhà. Nhưng sao chẳng còn được nghe tiếng xe quen thuộc thuở nào.

Mỗi buổi tối vắng Bố thật là buồn và quạnh quẽ làm sao. Còn đâu những lúc cười rúc rích khi nghe Bố kể chuyện tiếu lâm, những khi thả hồn dõi theo điều Bố kể về các chiếc đĩa bay, loại người kỳ dị ở hành tinh khác, cùng với biết bao cơ man những điều mới lạ mà tôi chưa từng được biết được nghe. Và cũng từ khi đó, tôi mới nhận ra là Bố đã chiếm một địa vị quan trọng không kém Mẹ trong tim tôi. Và cũng từ đó, tôi đã bắt đầu biết thế nào là nhớ mong, chờ đợi ngày Bố trở về.

Tháng ngày cứ nối tiếp nhau, rồi cũng đến ngày Bố về. Tôi đã mừng đến rơi lệ trong sự sung sướng vì biết mình vẫn may mắn còn có Bố trong khi một số bạn tôi đã phải vĩnh viễn chia ly cùng cha họ đã gục ngã trong chuỗi ngày tù đầy. Từ khi Bố về, ánh mắt Mẹ long lanh hơn, yêu đời hơn, gia đình trở nên ấm cúng hơn, hạnh phúc hơn hiếm khi vắng tiếng cười đùa rộn rã. Và tôi đã hết còn phải lặng lẽ cúi đầu khi thấy cảnh bạn bè ríu rít bên bố tụi nó.  Những chuỗi ngày vui vùn vụt trôi qua, tình yêu Bố ngày càng sâu đậm trong tim tôi.

Rồi gia đình tôi rời quê hương ra đi. Những ngày đầu nơi xứ lạ, Bố Mẹ đã vất vả rất nhiều, hy sinh tất cả để đàn con được cắp sách tới trường. Tôi thương Bố Mẹ đứt ruột khi cảm nhận được nỗi nhọc nhằn của Bố Mẹ, nhưng chẳng biết làm gì hơn là lo học để mong có ngày đủ sức đáp đền lại ân tình của Bố Mẹ.

Thế nhưng ông Trời cũng thật quái ác đã cướp đi mạng số của Bố chỉ vài tháng sau khi định cư nơi miền đất lạ, giữa lúc tôi còn chưa tốt nghiệp trung học. Tôi đã chết lặng vì không thể tin đó là sự thật. Bố của tôi to khỏe như vậy, yêu đời vui tính là thế, hiền lành tốt bụng ưa giúp đỡ người khác cớ sao Trời lại không ban tuổi thọ cho Bố. Có lẽ những chuỗi ngày tù đầy gian khổ, với biết bao sự hành hạ về tinh thần lẫn sự thiếu thốn về vật chất, lại cộng thêm những nỗi vất vả trong thuở đầu gầy dựng lại cuộc sống đã khiến sức khỏe Bố hao mòn mà chúng tôi vẫn ngu ngơ vô tình chẳng biết chẳng hay. Và từ đó, tôi đã bắt đầu hiểu được thế nào là "sinh ly tử biệt", và cũng thấm thía được tận cùng nỗi đau của những đứa trẻ mồ côi...

Ngày tôi tốt nghiệp, đứng trên bục cao đón nhận những giải thưởng cùng lời khen từ các thầy giữa những tràng vỗ tay tán thưởng của mọi người, lòng tôi buốt nhói khi biết không có dáng Bố trong số những người dự khán ở bên dưới. Chắc hẳn Mẹ cũng đang buồn lắm khi Bố không còn ở bên Mẹ để nhìn những thành quả của đàn con đang chập chững vào đời... Ngày xưa Bố bao giờ cũng thích con gái Bố học giỏi, mỗi lần tôi được điểm cao thì ánh mắt Bố rạng rỡ hơn lên. Vậy mà bây giờ Bố đang ở đâu vậy hở, sao Bố không chờ để được chia vui cùng với con. Dù đã nhủ lòng nhưng nước mắt của tôi cứ lặng lẽ tuôn rơi.

Ngày xưa mỗi khi ai khen chúng tôi thông minh học giỏi, Bố lại cười thật tươi và lập lại một câu quen thuộc: "con của bố K. mà". Bây giờ, mỗi lần được ai khen, tim tôi như thắt lại vì nhớ đến ánh mắt, nụ cười, cùng câu nói thuở nào của Bố. Cho dù đã biết bao năm trôi qua, dù tôi cũng không còn là con bé con ngày xưa nữa, nhưng tình yêu dành cho Bố vĩnh viễn không phai mờ để tôi vẫn còn thấy hồn mình hụt hẫng mỗi khi nhìn cảnh bố con thiên hạ ríu rít bên nhau...

Bố ơi, bố ơi, bố ơi, con yêu Bố vô cùng. Bố có biết không hở ?

Tứ Diễm April 1, 2004

No comments:

Post a Comment