Đó là món Bò Cuốn Lá Lốt.
Nếu thích, xin mời xem thêm chi tiết và hình ảnh
Cây Lá Lốt còn gọi là Wild Betal Leaf, có tên khoa học Piper Lolot, gọi tắt là Lolot, thuộc họ Piperaceae, Piper Sarmentosum hay Betle.
Theo Wikipedia, Cây Lá Lốt là một loại "cây thân thảo đa niên, có tên khoa học Piper lolot thuộc họ Hồ Tiêu (Piperaceae), gồm các loài như trầu không, hồ tiêu v.v. Một số địa phương còn gọi là "nốt", (ở Nam bộ có nơi gọi là "Lá lốp"). Cây lá lốt cao khoảng 30–40 cm, mọc thẳng khi còn non, khi lớn có thân dài không thể mọc thẳng mà trườn trên mặt đất. Lá đơn, có mùi thơm đặc sắc, nguyên, mọc so le, hình tim, mặt lá láng bóng, có năm gân chính phân ra từ cuống lá; cuống lá có bẹ. Hoa hợp thành cụm ở nách lá. Quả mọng, chứa một hạt. Cây Lá Lốt thường được trồng bằng cách giâm cành nơi ẩm ướt, dọc bờ nước, để lấy lá làm gia vị và làm thuốc. Bò nướng lá lốt là một món ăn đặc sắc của Việt Nam. Lá và thân chứa các ancaloit và tinh dầu, có thành phần chủ yếu là beta-caryophylen; rễ chứa tinh dầu có thành phần chính là benzylaxetat. Lá lốt có vị nồng, hơi cay, có tính ấm, chống hàn (như bị lạnh bụng), giảm đau, chống phong hàn ở mức thấp, tay chân lạnh, tê tê, nôn mửa, đầy hơi, khó tiêu (có lẽ vì thế mà được dùng với thịt bò nướng vốn khó tiêu), đau đầu vì cảm lạnh..." (trích dẫn nguyên văn từ bài Cây Lá Lốt, Wikipedia)
(hình mượn từ trang BaoSucKhoe)
Tìm thêm tài liệu để tìm hiểu thêm một chút nữa nha
"Theo kết quả nghiên cứu hiện đại, lá và thân cây lốt chứa các chất ancaloit, flavonoid và tinh dầu, với thành phần chủ yếu là beta-caryophylen; rễ cũng có chứa tinh dầu nhưng thành phần chính là benzylaxetat. Lá lốt có tác dụng kháng khuẩn, chống viêm và giảm đau. Trong y học cổ truyền, lá lốt có vị nồng, hơi cay, tính ấm, công dụng ôn trung (làm ấm bụng); tán hàn (trừ lạnh); hạ khí (đưa khí đi xuống); chỉ thống (giảm đau); yêu cước thống (đau lưng, đau chân), tỵ uyên (mũi chảy nước tanh thối kéo dài), trị nôn mửa, đầy hơi, khó tiêu… Kinh nghiệm dân gian thường dùng lá lốt đơn lẻ hoặc phối hợp với một số vị thuốc khác như rễ cỏ xước, lá xương sông, rễ bưởi bung… sắc lấy nước uống hoặc ngâm tay chân để chữa các chứng đau nhức xương khớp, đau vùng ngực và bụng do lạnh; chứng ra nhiều mồ hôi tay, chân; mụn nhọt, đau đầu, đau răng"… (trích dẫn nguyên văn từ trang BaoSucKhoe)
Như vậy, người xưa khi chế ra món Thịt Bò Cuốn Lá Lốt là cũng có lý do chứ không phải chỉ là ngẫu nhiên. Vì ngoài việc mùi vị lá lốt thơm nồng cay rất hợp với hương vị của thịt bò, lại còn có tác dụng giúp dễ tiêu hóa nên ăn kèm chung với món thịt bò sẽ giúp việc tiêu hóa dễ dàng, không bị đầy hơi khó tiêu.
Nếu không tính theo mặt y học, chỉ riêng về phương diện ẩm thực, phải chăng Bò Cuốn Lá Lốt là một món khá đơn giản, dễ làm nhưng lại rất hấp dẫn cả khứu giác, thính giác, thị giác, xúc giác lẫn vị giác. Có phóng đại quá không khi viết như thế?
Thử ngẫm nghĩ mà xem nhé. Khi những cuốn thịt Bò Cuốn Lá Lốt đã bắt đầu chín tỏa mùi thơm theo cơn gió thoảng vào mũi, có phải là khứu giác bị quyến rũ bởi mùi thịt nướng mà tiến lại gần?
Khi đã đứng gần nơi lò lửa, nghe tiếng mỡ chẩy xuống cháy xèo xèo trên lửa nóng chắc hẳn cũng vui tai? Đồng thời chính mắt được nhìn ngắm những cuốn thịt bò bọc trong lớp lá lốt xanh mướt đã bắt đầu chín thơm óng mướt trên lò lửa hay đã được xếp nằm ngay ngắn trên đĩa, phủ bên trên là hành phi dầu cùng đậu phụng rang giã vụn, thì quả thật rất ư là hấp dẫn, có phải không hở?
Mầu thịt bò ẩn hiện dưới lớp lá lốt đã nướng chín óng mướt, nổi bật bên cạnh mầu trắng muốt của bún, mầu xanh của các loại rau, lại được tô điểm thêm bởi mầu vàng nâu của đậu phụng rang và mầu xanh của dầu hành thật là "bắt mắt".
Nếu có thể ăn ngay khi thịt còn đang nóng, vừa tự tay cuốn bánh tráng kèm các loại rau sống, bún, đồ chua kèm theo thịt bò lá lốt, vừa ngắm nhìn sự kết hợp của nhiều mầu sắc, vừa ngửi mùi thịt thơm phức, rồi vừa dùng tay cầm cuốn chấm vào tô mắm nêm (hay nước mắm) vừa thong thả nhai để tận hưởng hương vị thơm ngon đậm đà của thịt hòa quyện với vị tươi mát thơm mùi rau, vị mềm mát của bún, vị chua ngọt của đồ chua, vị cay của ớt, vị đậm đà của nước chấm kèm theo vị dẻo dai của lớp bánh tráng bên ngoài thì có phải không chỉ xúc giác lẫn vị giác mà toàn bộ cả năm giác quan đều đã bị... "mê hoặc" bởi một món đơn giản mà lại ngon khó tả nầy.
Nếu có nhiều loại rau sống khác nhau sẽ ngon hơn vì đủ hương vị mầu sắc. Nhưng nếu chỉ có vài loại rau có sẵn trong tủ lạnh mang ra ăn kèm chung cũng đủ ngon rồi.
Món nầy muốn đúng điệu cần ăn kèm với mắm nêm đã pha vừa ăn dầm thêm ớt. Nhưng Tứ Diễm không biết ăn mắm nên chỉ ăn kèm với nước mắm pha đơn giản như vầy thôi. Chắc hẳn sẽ bị chê là "phí cả... nửa đời người" vì đã không biết thưởng thức hương vị ngon của mắm, nhưng... cũng đành chịu vậy thôi.
Trong tấm nầy nhìn thấy rõ phần thịt bò nằm cuộn mình trong lớp lá lốt xanh mướt
Có rất nhiều công thức có thể dễ dàng tìm trong sách hay trên mạng. Tứ Diễm chỉ thích ướp theo cách riêng vì đơn giản và hợp khẩu vị mà kết quả ngon hợp ý. Nếu làm chín vừa đúng mức, thịt Bò Cuốn Lá Lốt sẽ rất thơm ngon ngọt mà lại vẫn giữ được độ ẩm không bị khô, lớp lá lốt bên ngoài vẫn còn giữ được mầu sắc không bị khét hay khô cứng.
Xếp vài cuốn vào đĩa làm... duyên nhìn cho vui mắt
Muốn ăn nhiều hơn xin mời đĩa nầy. Dầu hành để riêng vì muốn giữ độ giòn của đậu phụng, tùy ý cho thêm nha. Trong bếp vẫn còn thêm nữa, xin mời tự nhiên.
Nếu muốn làm theo cách chuyên nghiệp đúng bài bản, xin mời xem các video clip Tứ Diễm sưu tầm trên mạng nha
Video Clip #1: Bò Cuốn Lá Lốt (Beef Wrapped in Wild Betal Leaves) do sis Cathy Hà chỉ dẫn
Video clip nầy chỉ từng bước cần làm, và sau đó chỉ cách làm chín cuốn bò lá lốt bằng cách chiên với ít dầu
Video Clip #2: Bò Lá Lốt Mayonnaise
Video clip nầy chỉ cách làm món Bò Lá Lốt theo kiểu mới nên dùng các loại vật liệu như bột nêm, mayonnaise, vv.. vv... nên tuy cũng gọi là Bò Lá Lốt nhưng chắc hương vị không giống món Bò Cuốn Lá Lốt chính gốc. Cuốn bò lá lốt được áp chảo cho tới khi chín
Video Clip #3: Bò Lá Lốt - Hương Vị Đường Phố
Video clip nầy giới thiệu một xạp bán Bò Lá Lốt trên đường phố, nướng các cuốn bò lá lốt trên bếp than
Còn nếu muốn làm theo công thức, Tứ Diễm xin copy vào đây công thức món Bò Cuốn Lá Lốt trích từ quyển Kỹ Thuật Nấu Ăn Toàn Tập do cô Triệu Thị Chơi cùng các cộng tác viên thực hiện. Công thức nầy do sis HoaPhan đã đánh máy chia sẻ.
Thịt Bò Cuốn Lá Lốt
(sis HoaPhan đánh máy, trích dẫn từ quyển Kỹ Thuật Nấu Ăn Toàn Tập do cô Triệu Thị Chơi cùng các cộng tác viên thực hiện)
Nguyên Liệu
- 600g thịt bò phi-lê
- 200g mỡ thịt
- 4 bó lá lốt loại nhỏ
- 2 muỗng xúp sả băm
- 1 muỗng xúp bột cà ri
- 1 muỗng cà phê ngũ vị hương
- 2 muỗng xúp tỏi băm
- 1/2 muỗng cà phê bột ngọt
- 1 muỗng xúp xì dầu
- 1 muỗng cà phê tiêu
- 1 muỗng xúp đường
- 1 muỗng cà phê dầu mè
- 100g đậu phộng + 100g hành tím
- 4 tép hành lá + dưa chua + kiệu + bánh hỏi
- Báng tráng + rau giá + xà lách + khế + chuối chát + giấm
*Mắm nêm:
- 1 xị mắm nêm
- 1/2 trái khóm
- 4 muỗng xúp sả bằm
- 1 muỗng xúp tỏi bằm
- 1 trái ớt, 2-3 trái chanh
- 4 muỗng xúp đường
- 1/2 muỗng cà phê bột ngọt
- 4 muỗng xúp dầu ăn
Chuẩn Bị
- Thịt bò lau khô bằm nhuyễn.
- Mỡ thịt: luộc chín, thái hột lựu nhỏ, ướp 1 muỗng cà phê đường + 1 muỗng cà phê muối để 1 đêm cho mỡ được trong.
- Bánh tráng: ủ lá chuối một đêm cho dẻo, cắt làm 2.
- Rau giá, xà lách: rửa sạch, để ráo.
- Khế: gọt vỏ, bào mỏng, ngâm nước lạnh + chanh lấy nước hoặc giấm, vớt ra để ráo (có thể thay thế khế = granny smith apple)
- Hành lá: xắt thật nhuyễn cho 1/2 muỗng cà phê muối + 4 muỗng xúp dầu phi thật nóng đổ vào tô hành lá trộn đều.
- Đậu phộng: cho chút muối rang vàng bóc vỏ, giã vừa nát.
- Hành tím: bóc vỏ, bào mỏng theo chiều xuôi, phi vàng.
- Kiệu: cắt đôi.
- Bánh hỏi: cuộn tròn trét mỡ hành + đậu phộng.
Cách Làm
- Mắm nêm: mắm nêm cho qua rây thưa với 1 chén nước lạnh nấu sôi. 4 muỗng xúp dầu + tỏi + sả bằm phi vàng, cho khóm + đường + bột ngọt, nhắc xuống cho qua mắm nêm, cho nước cốt trái chanh vào. Nêm lại vừa ăn + ớt bằm.
- Nhân: trộn chung: thịt bò + mỡ + gia vị. Trộn lên thật đều. Cho lá lốt để lên tay, cho nhân vào bề trái, cuộn tròn lá lốt lại. Xếp lá lốt lên vỉ, thoa dầu đem nướng lửa than trung bình. Lá lốt xanh giòn là được.
Món này dùng với bánh tráng, bánh hỏi, rau giá, khế, chuối chát + dưa chua, kiệu. Trét mỡ hành + đậu phộng lên. Dùng với mắm nêm.
Xin mời thưởng thức và thực hành. Chúc làm thành công nha
No comments:
Post a Comment