TABLE OF CONTENTS

Tuesday, 5 May 2015

Thermos Thermal Cooker

Nếu với ai ưa thích cách nấu theo kiểu "slow cooker", chắc hẳn sẽ cảm thấy thích khi dùng nồi Thermal Cooker.    Trước đây Tứ Diễm đã viết nhiều bài về loại nồi Thermal Cooker nên không định viết thêm nữa.   Tuy nhiên, nhân dịp có một sis nêu một số thắc mắc liên quan đến nồi Thermos Vacuum Heat Insulation Cooker Shatorushefu 4.5L tomato KBA-4501 TOM nên Tứ Diễm mới tìm hiểu sơ qua.   Loại nồi đó nhìn như vầy nè, ở vỏ ngoài có in chữ Shuttle Chef.



Tứ Diễm xin mạn phép chia sẻ những điều đã tìm hiểu, phân tích và tổng hợp lại trong phạm vi bài viết nầy để trả lời riêng cho sis K và cũng để trả lời chung cho những vị nào có cùng thắc mắc.

Mời cùng xem tiếp theo nha.



Như đã nhắc đến trong những bài viết trước đây, có rất nhiều loại nồi Thermal Cooker được bầy bán trên thị trường dưới các thương hiệu khác nhau.  Giá bán cũng khá chênh lệch từ vài chục dollars cho đến vài trăm dollars, do một số quốc gia sản xuất.   Trong đó nổi tiếng nhất vẫn là những sản phẩm của Nhật (Zojirushi và Tiger) và lẽ đương nhiên là giá bán cũng không rẻ.   Các loại sản phẩm của những nước khác, chẳng hạn như Trung Quốc, Đài Loan, Singapore, vv.. vv... với giá bán rẻ hơn.

Trước đây Tứ Diễm chọn mua nồi Zojirushi Thermal Cooker SNAE-B45 dung tích 4.5 L, tuy giá bán đắt nhất so với các nhãn hiệu khác cùng dung tích, nhưng là sản phẩm của Nhật, phẩm chất tốt nên Tứ Diễm rất thích khi mua được loại nồi nầy.   Tứ Diễm dùng thường xuyên mỗi tuần ít nhất vài lần.   Có những dịp giỗ Tết, đãi tiệc thì xem như nồi thermal cooker không được nghỉ ngơi, vừa xong món nầy là ủ liền món khác.   Nói chung rất tiện lợi và đáng tiền mua.

Nồi Tiger Thermal Cooker (loại made in Japan) giá rẻ hơn Zojirushi nhưng vẫn đắt hơn các nhãn hiệu khác.   Đây cũng là một nhãn hiệu phổ biến và được nhiều người cho biết hài lòng với nồi đã mua.

Riêng về loại Thermos Shuttle Chef Thermal Cooker, Tứ Diễm chưa dùng qua và cũng không quen ai mua  hiệu nầy, không có kinh nghiệm thực tiễn để chia sẻ nên trước đây Tứ Diễm không lạm bàn về hiệu nồi nầy.   Đến đầu tháng 5, 2015, nhân dịp có một sis nêu một số thắc mắc liên quan đến nồi Thermos Vacuum Heat Insulation Cooker Shatorushefu 4.5L tomato KBA-4501 TOM nên Tứ Diễm mới tìm hiểu sơ qua và viết thêm vào cuối bài viết Dụng Cụ Nhà Bếp - Thermal Cooker - Mua Ở Đâu? .

Tuy nhiên vì bài viết đó cũng đã cũ nên nếu không trở lại đọc thì có lẽ ít ai biết có phần mới viết thêm nầy.   Do đó Tứ Diễm viết vào bài viết nầy để trả lời cho một số thắc mắc của sis K.   Ngoài ra, nếu một số vị khác có cùng thắc mắc sẽ dễ dàng đọc thấy hơn.




Thermos Vacuum Heat Insulation Cooker 
Shatorushefu 4.5L tomato KBA-4501 TOM

Loại nồi đó nhìn như vầy nè, ở vỏ ngoài có in chữ Shuttle Chef.


Tứ Diễm viết thêm phần nầy để trả lời riêng cho những câu hỏi của sis K và cũng để trả lời chung cho những vị nào có cùng thắc mắc.   Vì Tứ Diễm không dùng qua loại Shuttle Chef Thermal Cooker mà chỉ dựa theo những tài liệu tìm được trên mạng nên có thể không hoàn toàn chính xác, nếu có sai sót mong chỉ dùm để Tứ Diễm sửa lại nha, thanks.





Thermos Có Khác Biệt Gì Với Thermal Cooker?

Công ty Thermos L.L.C được thành lập từ năm 1905, với chi nhánh ở nhiều quốc gia trên toàn cầu.   THERMOS® là registered trademark của công ty Thermos L.L.C với hơn 115 quốc gia trên thế giới.   Thermos còn được hiểu như loại bình giữ nhiệt (nóng hay lạnh) nhò có lớp chân không (vacuum) hay lớp cách nhiệt (polystyrene) giữa hai lớp thành bình.   

Ngoài các sản phẩm chuyên về các loại dụng cụ giữ nhiệt (nóng hay lạnh) cho thức ăn, nước uống, hộp đựng thức ăn buổi trưa và một số sản phẩm gia dụng khác, công ty Thermos L.L.C còn chế tạo thêm một loại sản phẩm mới, được gọi tên là Shuttle Chef Vacuum Insulated Pot hay gọi tắt là Shuttle Chef Thermal Cooker, Thermos Thermal Cooker.


Như vậy THERMOS® Shuttle Chef Vacuum Insulated Pot cũng thuộc một trong những loại nồi Thermal Cooker, nghĩa là cùng nguyên tắc hoạt động.    Một nồi stainless steel bên trong (inner pot) để đựng thực phẩm, nấu trên bếp, nêm nếm rồi đem ủ vào lớp vỏ được cách nhiệt bởi lớp vách vacuum (outer pot).   Thực phẩm trong nồi chín nhờ chính nhiệt năng được tích tụ của thực phẩm trong nồi và phần đáy nồi.

Do đó, tuy cùng nguyên tắc hoạt động nhưng tùy theo cách cấu trúc của thành nồi và đáy nồi mà có sự khác biệt giữa loại nồi thermal cooker được bán trên thị trường.   Nồi có thành và đáy càng dầy càng nặng, càng cấu tạo dẫn và giữ nhiệt tốt thì càng đạt hiệu quả cao hơn khi sử dụng nhất là khi cần ủ các món trong thời gian dài hơn 3 tiếng.

Do công ty Thermos L.L.C. có chi nhánh và phân xưởng tại nhiều quốc gia trên thế giới nên  tuy là cùng mang thương hiệu Thermos, và được đóng gói tại một quốc gia nào đó (như Mỹ hay Nhật) nhưng chưa hẳn là đã được sản xuất tại Mỹ hay Nhật mà là hàng được sản xuất từ phân xưởng tại một quốc gia nào khác rồi nhập vào Mỹ hay Nhật để đóng gói và bán ra thị trường.    Đó là điểm khác biệt rõ nét nhất so với các loại nồi Zojirushi hay Tiger (đều có in rõ là made in Japan, chứ không chỉ viết là Japan import hay không viết rõ nơi sản xuất).




Nồi 4.5 L Dùng Cho 3 Người Có Thoải Mái Không?


Theo ý của Tứ Diễm thì nồi 4.5 L phù hợp cho gia đình từ 2 đến 6 người nếu dùng nấu nướng thường ngày.   Tuy nhiên cũng khó trả lời cho chính xác vì còn tùy theo thói quen ăn uống của mỗi gia đình.   Sis có thể xem dung tích các loại nồi đang dùng thường ngày để so sánh sẽ chính xác hơn.   Thí dụ nếu thường ngày sis dùng nồi 4.5 L để nấu nướng các món thì cũng sẽ tương tự như khi dùng nồi thermal cooker 4.5 L.   Còn nếu sis cần dùng nồi 6 L hay lớn hơn để nấu các món thường ngày thì nồi thermal cooker 4.5 L sẽ hơi nhỏ.

Có thể ước tính như sau.   Nồi thermal cooker hoạt động hữu hiệu (nghĩa là giữ nhiệt) tốt nếu lượng thực phẩm và nước trong nồi ít nhất từ 2/3 đến gần miệng nồi (ít hơn khoảng 1 - 2 inches).  Nấu khoảng 1/2 nồi cũng tạm được, nhưng với những món lâu chín thì có khi cần phải hâm lại trên bếp rồi ủ tiếp để cung cấp thêm nhiệt năng giúp thực phẩm chín.   Như vậy với nồi 4.5 L, cần nấu khoảng ít nhất 2.5 L đến 4 L (thực phẩm + nước) để đủ lượng nhiệt năng giúp thực phẩm chín ngon mà không cần phải hâm tới hâm lui nhiều lần.   Sis thử tính xem với lượng thực phẩm như thế có phù hợp với gia đình sis hay không nha.

Với Tứ Diễm khi dùng nồi 4.5 L có thể luộc một con gà cỡ 3 pounds (gần 1.5 kg).   Cũng có thể nấu nước dùng (nước lèo) cho các món nước để khoảng mười mấy người ăn.   Nhưng lẽ đương nhiên là còn có những món khác trong buổi tiệc, nên mỗi người chỉ ăn khoảng một hay hai tô không lớn lắm, chứ không phải ăn tô "hạm đội" à nghen.




Phẩm Chất Ra Sao?


Trong ca dao tục ngữ có câu "trông mặt mà bắt hình dong", nhưng Tây phương lại có câu "don't judge a book by its cover".   Như đã nhắc đến ở trên, Tứ Diễm chưa dùng qua, chưa thấy tận mắt và cũng không quen ai đã dùng hiệu Shuttle Chef mà chỉ nhìn hình chụp trên internet nên cũng khó mà biết chính xác phẩm chất (hay chất lượng) của hiệu nồi nầy tốt xấu ra sao.   Tuy nhiên Tứ Diễm xin lạm bàn dựa theo kinh nghiệm dùng nồi Zojirushi Thermal Cooker, theo hình ảnh và theo một số lời nhận xét (custom reviews) tìm được trên mạng để trả lời điều sis K đã hỏi.

Theo kinh nghiệm riêng của Tứ Diễm, muốn biết nồi thermal cooker đó có giữ nhiệt tốt hay không thì cần các điểm sau:
  • Cấu trúc của nồi.  Nồi nhỏ (inner pot) cần có hai quai gắn chặt chắc chắn vào nồi để khi nhấc lên xuống không lo bị đổ thức ăn làm phỏng.   
  • Miệng và nắp nồi cần sát với nhau, không có khe hở để giữ nhiệt và hương vị thực phẩm không bị thoát ra ngoài trong thời gian ủ.  
  • Thành nồi và đáy nồi cần dầy, nghĩa là nồi cần cầm nặng tay.  Những hiệu nồi đắt tiền đều có đáy nồi dầy và nặng.   Những hiệu nồi rẻ hơn thường có đáy nồi mỏng và nhẹ.
  • Đáy nồi cần được cấu tạo bởi nhiều lớp vật liệu giữ nhiệt và tỏa nhiệt tốt.   Nồi rẻ thường có lớp đáy mỏng
  • Vỏ bên ngoài (outer pot) cần chắc chắn, hai lớp vách cần dầy và có khoảng chân không (vacuum) dầy đủ để giữ nhiệt tốt.  Trong thời gian ủ, sờ tay chung quanh nồi không được cảm thấy ấm hay nóng.
  • Nồi giữ nhiệt tốt nghĩa là nhiệt độ (temperature) của thực phẩm trong nồi chỉ bị giảm thấp càng ít càng tốt.   Thí dụ với nồi Zojirushi thì mỗi tiếng chỉ mất khoảng 3°C.  Khi mới ủ, nước đang sôi là 100°C thì sau 5 tiếng nhiệt độ phải còn khoảng xấp xỉ 85°C.   Có những hiệu nồi khác rẻ hơn, sau 5 tiếng nhiệt độ chỉ còn khoảng 75°C.   Nếu nấu các món ủ ngắn hơn 5 tiếng có lẽ không nhận ra sự khác biệt nhiều, nhưng nếu ủ các món thời gian dài thì sẽ thấy điểm bất tiện là phải hâm lại sau mỗi vài tiếng ủ để cung cấp thêm nhiệt năng.
Theo một số lời nhận xét tìm được trên mạng thì đa số chỉ dùng ủ các món trong thời gian ngắn khoảng 1 - 3 tiếng nên họ cảm thấy hài lòng.  Một số có dùng qua cả hai loại (Tiger và Shuttle Chef) thì cho biết hiệu Tiger giữ nhiệt vẫn tốt hơn.  Có người cho biết nồi Shuttle Chef giảm mất 25°C sau 5 tiếng.   Như vậy nếu lúc đầu là 100°C thì sau 5 tiếng chỉ còn khoảng 75°C.   Thậm chí, theo một trang web chuyên bán loại nồi Thermos Shuttle Chef Thermal Cooker cho biết thì nồi sẽ giảm mất 20°C sau 3 tiếng.  Nếu lúc đầu là 100°C thì sau 3 tiếng chỉ còn khoảng 80°C.  Mỗi tiếng trung bình mất hơn 6°C.   Với tốc độ giảm nhiệt độ nhanh như thế liệu nhiệt độ trong nồi có đủ nóng để làm chín thực phẩm hay không?

Nếu ủ lâu hơn thì thực phẩm trong nồi có thể sẽ bị nhiễm vi khuẩn xấu nếu nhiệt độ trong nồi chỉ còn khoảng 60°C (140°F) hay thấp hơn.  



Sản Xuất Tại Đâu?


Tứ Diễm có ý tìm trong các trang bán loại nồi Shuttle Chef xem họ có viết nơi sản xuất hay không, nhưng tiếc là không nơi nào ghi rõ.


Theo như một vài diễn đàn Việt Nam, có một vài người cho biết Thermos Thermal Cooker (Thermos Vacuum Heat Insulation Cooker Shatorushefu 4.5L tomato KBA-4501 TOM) là của Nhật.   Có người còn nói là ở Nhật phổ biến nhất là nồi thermal cooker hiệu Zojirushi rồi đến Thermos.   Cũng theo các nguồn tin trên mạng cho biết nồi Tiger bây giờ có loại thật (made in Japan) mà cũng rất nhiều loại "hàng nhái" nên nếu mua cần phải thật cẩn thận, đừng ham giá rẻ mà có khi mua lầm "hàng nhái".   Do đó có một số người chọn mua nồi Thermos vì thấy in toàn tiếng Nhật, đóng gói chính gốc từ Nhật nên nghĩ là sản phẩm của Nhật, mua sẽ yên tâm hơn về mặt phẩm chất.  Có web site khẳng định đây là hàng nội địa của Nhật.

Tuy nhiên theo như Tứ Diễm đọc thấy ở một web site có bán loại nồi Thermos Thermal Cooker (Thermos Vacuum Heat Insulation Cooker Shatorushefu 4.5L tomato KBA-4501 TOM) thì họ có viết rõ là Japan Import,  The package and the manual are written in Japanese.   Như vậy chứng tỏ Thermos Thermal Cooker không phải là nồi thermal cooker made in Japan, mà chỉ là hàng sản xuất từ một quốc gia khác (có lẽ là Singapore), nhập khẩu vào Nhật, rồi được đóng gói tại Nhật kèm theo sách chỉ dẫn bằng tiếng Nhật nên khiến một số người tưởng lầm là nồi Thermos Shuttle Chef cũng được sản xuất tại Nhật như Zojirushi và Tiger.

Do công ty Thermos L.L.C. có chi nhánh và phân xưởng tại nhiều quốc gia trên thế giới nên  tuy là cùng mang thương hiệu Thermos, và được đóng gói tại một quốc gia nào đó (như Mỹ hay Nhật) nhưng chưa hẳn là đã được sản xuất tại Mỹ hay Nhật mà là hàng được sản xuất từ phân xưởng tại một quốc gia nào khác rồi nhập vào Mỹ hay Nhật để đóng gói và bán ra thị trường.    Đó là điểm khác biệt rõ nét nhất so với các loại nồi Zojirushi hay Tiger (đều có in rõ là made in Japan, chứ không chỉ viết là Japan import hay không viết rõ nơi sản xuất).

Theo các tài liệu cho biết công ty Thermos L.L.C. còn sản xuất riêng một loại nồi Thermal Cooker model dưới tên Thermos Nissan, thuộc loại "US Import, The package and the manual are written in US", nghĩa là tuy đóng gói tại Mỹ nhưng không phải là hàng sản xuất tại Mỹ.   Thí dụ như loại nồi Thermos Nissan CC4500 giống hệt như nồi Thermos RPC-4500 chỉ khác biệt là Nissan model có nắp mầu đen và chính giữa đáy là stainless steel.

Tương tự, loại nồi Thermos Vacuum Heat Insulation Cooker Shatorushefu 4.5L tomato KBA-4501 TOM cũng thuộc loại "Japan import, the package and the manual are written in Japan". nghĩa là hàng nhập vào Nhật, được đóng gói tại Nhật nhưng không phải là hàng sản xuất tại Nhật.




So Sánh Trọng Lượng và Kích Thước


Tứ Diễm thử mang vào đây một số info về vài loại nồi khác nhau để so sánh nha
  • Nồi Thermos KBA-4501 TOM loại 4.5 L, nặng 3.9 kg với kích thước 29.6 cm x 29.4 cm x 28 cm.
  • Nồi Thermos RPC-4500 loại 4.5 L, nặng 3.8 kg, kích thước 27.9 x 27.9 x 30.5 cm
  • Nồi Zojirushi SNAE-B45 (loại Tứ Diễm mua, made in Japan, dáng thanh đẹp, bây giờ không thấy Zojirushi bán nữa) 4.5 L, nặng 10 pounds (4.54 kg), đường kính miệng nồi 19 cm, chiều sâu 15 cm, kích thước 11-7/8 x 9-7/8 x 9-7/8 inches(30.1 cm x 25 cm x 25 cm)
  • Nồi Zojirushi  SN-XAE80XA (tìm thấy trên mạng, nhìn coi thô hơn, không biết có còn made in Japan nữa hay không?) loại 4.5 L, nặng 6 kg, shipping weight 14.2 pounds ( 6.45 kg), kích thước 13.4 inches x 13.4 inches x 13.2 inches (34 cm x 34 cm x 33.5 cm)
  • Nồi Tiger NFH-G450 XS loại 4.5 L, nặng 7.3 pound ( 3.3 kg), shipping weight 8.7 pounds (3.95 kg), kích thước 9.6 inches x 13.1 inches x 9.1 inches (24.4 cm x 33.3 cm x 23 cm)
  • Nồi Tiger NFH-G450 W loại 4.5 L, kích thước 24.4 cm x 33.3 cm x 23 cm
  • Nồi Thermos Stainless Steel 4.5L Shuttle Chef KPY-4500, chiều cao 24cm, nặng 4 kg, kích thước 30.6 cm  x 29.6 cm x 29.2 cm
  • Nồi Thermos KBC-4500 loại 4.5 L, nặng 3.3 kg, kích thước 31.5cm x 27.5cm x 24 cm (12.4" x 10.83" x 9.45").



Nên Mua Hiệu Nào?

Mỗi người mỗi ý và có thói quen nấu nướng khác nhau nên Tứ Diễm chỉ có thể lạm bàn dựa theo kinh nghiệm riêng và theo một số lời nhận xét trên mạng, còn việc đánh giá phẩm chất và quyết định nên mua hay không thì theo ý riêng của mỗi người.

Với riêng Tứ Diễm thì vẫn tin rằng "tiền nào của nấy", và vẫn thích thà mua một món đắt tiền mà hoàn toàn hợp ý còn hơn mua món rẻ về dùng rồi sau đó lại cảm thấy không thích.  Trước khi mua nồi Zojirushi thermal cooker, Tứ Diễm có ghé tiệm xem qua một số hiệu nồi thermal cooker khác, thấy giá bán rẻ nên cũng ham, nhưng thấy hàng made in China là đã thấy ngán ngẩm không hứng thú rồi.   Đến khi mở thùng, nhấc nồi lên xem, thấy đáy nồi mỏng, nồi cầm nhẹ tay là Tứ Diễm biết chắc chắn không muốn mua cho dù giá rẻ chưa đến phân nửa so với nồi của Nhật sản xuất.   Với nhiều người không muốn mua vì thấy giá bán đắt, nhưng nếu dùng thường xuyên thì sẽ thấy rất đáng tiền mua.   Mua một lần dùng suốt đời vẫn không hư, và các thế hệ kế tiếp còn có thể tiếp tục dùng nếu không chê là "đồ cổ".

Ngay cả giữa hai loại nồi đều của Nhật, không hiểu sao Tứ Diễm vẫn thích mua nồi Zojirushi hơn là Tiger, cho dù giá bán nồi Zojirushi đắt hơn mà nồi Tiger cũng rất tốt lại bán rẻ hơn.  Có lẽ vì với riêng Tứ Diễm vẫn cảm thấy "con voi" Zojirushi tốt hơn "con cọp" Tiger, nhưng đây chỉ là cảm giác riêng vậy thôi, không dựa theo các tài liệu nghiên cứu nên không chắc chắn là chính xác.  Một ưu điểm là nồi Zojirushi 4.5 L nhìn có vẻ xinh xắn hơn.  Thêm một ưu điểm nữa là công ty Zojirushi có bán kèm theo nồi quyển User Manual chỉ dẫn cách dùng bằng tiếng Anh, với công thức kèm hình ảnh mầu sắc nhìn bắt mắt và dễ hiểu.   Nồi Tiger 6L mua dùm cho người quen, khi mở ra chỉ có quyển Manual in đen trắng và toàn bằng tiếng Nhật nên vô ích với người mua không biết tiếng Nhật.

Theo một số nguồn tin trên mạng thì có người chấm điểm cao nhất cho Zojirushi thermal cooker (nhưng phải là hàng made in Japan, không phải loại hàng làm giả mạo aka "hàng nhái").   Kế đến là Tiger thermal cooker (nhưng phải là hàng made in Japan, không phải loại hàng làm giả mạo aka "hàng nhái").   Rồi sau đó mới đến Thermos thermal cooker (là hàng "Japan import", đóng gói và in quyển manual tại Nhật).  Có người lại nói ở Nhật phổ biến nhất là Zojirushi rồi đến Thermos, sau đó mới đến Tiger.   Tứ Diễm không ở Nhật nên không biết điều đó có đúng hay không, chỉ viết lại ở đây.   Mong có vị nào ở Nhật cho biết feedback dùm nha, thanks.   Nhưng nói chung theo đa số lời nhận xét thì Zojirushi thermal cooker vẫn được chấm điểm cao nhất, như vậy dạo xưa có lẽ Tứ Diễm đã quyết định, phải không hở?

Việc sử dụng nồi cũng là một yếu tố nên nghĩ đến khi chọn mua.   Nếu thường xuyên dùng thì có lẽ nên chọn loại nồi nào có dung tích vừa với việc nấu nướng thường ngày, có phẩm chất tốt tuy giá bán có thể không rẻ nhưng nếu tính lâu dài vẫn có lợi.   Nếu chỉ định mua để thỉnh thoảng dùng khi đãi tiệc đông người thì có lẽ nên chọn loại nồi có dung tích lớn để chứa được nhiều thực phẩm hơn.  Nếu chỉ dùng ủ các món thời gian ngắn và không cảm thấy phiền phức nếu cần phải hâm tới hâm lui vài lần trong thời gian ủ thì cũng có thể chọn loại giá rẻ nếu không muốn quá tốn kém cho dụng cụ nhà bếp.   Nếu đặt phẩm chất lên hàng đầu thì nên chọn các sản phẩm thuộc những công ty uy tín, được nhiều người đã dùng qua khen ngợi.  Nói chung tùy ý mỗi người mà chọn loại nồi phù hợp ý thích.

Mong là những điều vừa viết thêm ở trên đã giải đáp được phần nào thắc mắc của sis K cùng những vị nào cũng có ý định muốn mua loại nồi nầy.   Nếu vị nào đã dùng qua, mong chia sẻ kinh nghiệm để Tứ Diễm được học hỏi thêm nha, thanks.

Nếu muốn xem thêm trọn bài viết, mời ghé xem trong bài Dụng Cụ Nhà Bếp - Thermal Cooker - Mua Ở Đâu? .



Nếu muốn biết thêm chi tiết về loại nồi Thermal Cooker, mời xem các bài viết

2 comments:

  1. Em đang dùng Thermos cooker đây sis ơi! Nồi này em mua ở Hà Nội, made in Japan. Em chưa dùng qua các nhãn khác nên không so sánh được nhưng em thấy dùng nồi này khá ổn và gần như dùng hàng ngày để nấu cháo và xương cho bé. Hôm em đi mua ở một cửa hàng nổi tiếng chuyên về đồ gia dụng ở Hà Nội thì có nhiều loại Thermal cooker thuộc các nhãn hiệu khác hiệu khác nhau nhưng có 3 nhãn hiệu của Nhật, đều made in Japan.
    1. Zojirushi hiện tại không có nồi 4,5 L, chỉ có 6L và 8L.
    2. Tiger và Thermos: So sánh 2 em này loại 4.5L thì em thấy Thermos dày và nuột nà hơn em Tiger. Giá của em Thermos cũng đắt hơn em Tiger 300K nên em quyết định mua Thermos.

    ReplyDelete
  2. Sis Quỳnh ơi,

    Cám ơn sis đã cho biết feedback nha. Nồi thermal cooker rất hữu ích nhất là khi nấu cháo, hầm hay làm các món nước.

    Ở bên nầy Tứ Diễm chỉ được thấy nồi Zojirushi (Tứ Diễm đang dùng) và nồi Tiger (1 số người quen dùng), đều made in Japan. Nồi Zojirushi họ in rõ chữ made in Japan ngay trên nắp nồi luôn.

    Tứ Diễm chưa được thấy tận mắt nồi Thermos, chỉ xem hình trên mạng thấy hình dáng cũng xinh xắn. Riêng về nơi sản xuất thì không thấy web site nào khẳng định rõ, chỉ thấy họ viết "Japan import" nhưng đóng gói tại Nhật nên suy đoán nồi sản xuất tại một phân xưởng thuộc công ty Thermos nhưng ở một quốc gia khác rồi được nhập khẩu vào Nhật để đóng gói, in manual rồi bán đi các nơi..

    ReplyDelete