TABLE OF CONTENTS

Monday, 8 February 2016

Phiếm Luận - Tán Hươu Tán Vượn Đầu Xuân

Hôm nay là Mồng Một Tết Nguyên Đán năm Bính Thân, mở đầu năm mới người xưa thường khai bút bằng cách viết vài chữ hay bài thơ ưng ý.  Thời nay, thay vì "khai bút", Tứ Diễm "khai... keyboard" bằng một bài Phiếm Luận như vầy nha.

Mời quý vị cùng xem thử Tứ Diễm Tán Hươu Tán Vượn Đầu Xuân những điều gì nha


Mến chúc quý vị cùng gia đình một năm Bính Thân an khang, thịnh vượng, may mắn và hạnh phúc.


Từ khi Tứ Diễm mê lăn vào bếp hơn là gõ keyboard nên cũng ít viết bài hơn xưa.   Bài phiếm luận Tán Hươu Tán Vượn Đầu Xuân này thật ra Tứ Diễm đã viết từ... mười hai năm trước (2004), đã được đăng dạo trước trong tuần báo tại địa phương cũng như trong những tờ Đặc San Xuân, Giai Phẩm Xuân và các tờ tuần báo bên Mỹ, Úc và châu Âu.

Năm nay biết Tứ Diễm bận và lười viết nên các chú trong BBT chỉ yêu cầu Tứ Diễm nhuận sắc lại bài viết cũ, chứ không yêu cầu phải viết lại toàn bộ một bài hoàn toàn mới.   Tứ Diễm chỉ cần "tán hươu tán vượn" thêm phần cuối bài viết nên cũng tiết kiệm được thời gian khá nhiều.



Vài Dòng Tản Mạn

Cũng chẳng nhớ rõ chính xác lần đầu bắt đầu viết Phiếm Luận từ khi nào nữa, dường như vào thuở vừa bắt đầu học Đại Học.  Lúc đầu chỉ là phiếm loanh quanh với những đề tài quen thuộc trong sinh hoạt thường ngày.   Rồi sau đó bắt đầu loạn bàn về các con giáp.

Những bài Phiếm lúc đầu chỉ thuộc loại "nói vo", nghĩa là nhớ gì viết nấy, nghĩ gì viết đó.   Tứ Diễm còn nhớ có một năm đang vào mùa thi final cuối semester, bài vở rất nhiều và cần phải học gấp rút.  Nhưng Mẹ lại cần Tứ Diễm viết một vài bài cho tờ Giai Phẩm Xuân.  Chiều ý Mẹ nên Tứ Diễm ôm máy múa mười ngón gõ loạn cào cào, cũng chẳng suy tính trước, cứ gõ theo dòng suy nghĩ bất chợt lúc đó.   Viết xong mấy bài, đến bài Phiếm Luận về con giáp năm đó thì cũng đã gần sáng rồi, Tứ Diễm còn cả một núi bài vở chưa học cho kỳ thi vào ngày sau đó.   Thế là ráng gõ thật nhanh, ráng miêu tả và loạn bàn bất cứ điều gì còn nhớ hay đã biết về con vật đó.   Đang gõ tả thao thao bất tuyệt thì cơn buồn ngủ ập tới, không còn cách gì cưỡng lại nổi nữa.   Thế là Tứ Diễm gõ vài dòng kết thúc bài phiếm luôn đặng đi đo giường một chút, lấy sức còn lo học và đi thi nữa.   Không ngờ khi báo Xuân phát hành, bài phiếm viết vội đó lại được nhiều người ưa thích.   Chỉ có điều một số Bác than phiền là tại sao đang viết đọc nghe hấp dẫn quá, tự dưng kết thúc đột ngột khiến họ cảm thấy bị hụt hẫng.   Tứ Diễm chỉ còn biết cười trừ, chứ chẳng lẽ lại "thành thật khai báo" là do buồn ngủ quá hết còn thức để gõ tiếp thêm được.

Về sau, Tứ Diễm thích viết theo kiểu "bút khảo" nghĩa là bao gồm các tài liệu xen lẫn với những lời loạn bàn để độc giả vừa đọc cho vui vừa có dịp tìm hiểu thêm về con vật đại diện cho năm đó.  Để viết theo kiểu đó, ngoài việc sưu tầm đầy đủ tài liệu, còn cần phải dành thời gian đọc và "tiêu hóa", nghĩa là làm sao để có thể nhập tâm các điều đã sưu tầm được.  Khi viết, chữ sẽ tự tuôn ra theo dòng cảm hứng bất chợt lúc đó, như thế bài viết tuy kèm theo rất nhiều tài liệu nhưng lại không khô khan, có thể giúp độc giả đọc mua vui vào dịp đầu năm.

Với cách viết đó, có vẻ được nhiều người yêu chuộng nhưng lại đòi hỏi Tứ Diễm phải tìm đọc rất nhiều tài liệu, sách để chọn lọc tổng hợp lại những điểm chính yếu cần biết trước khi dựa theo đó mà loạn bàn thêm cho vui.   Và cũng cần phải có cảm hứng thì mới có thể gõ bài được.   Mà cảm hứng thì hỡi ơi, đâu phải khi nào cũng có.  Bởi vậy đôi khi phải chờ đến lúc báo gần lên khuôn, Tứ Diễm mới có cảm hứng để thức trọn đêm ôm máy gõ một mạch xong bài phiếm dài lê thê là gửi đi ngay.  Báo hại BBT nhiều phen muốn đứng tim vì chờ hoài vẫn chưa thấy bài phiếm của Tứ Diễm.   Đôi khi nghĩ lại thấy ái ngại ghê nơi, nhưng biết làm sao hơn được. 

Đây là một cơ hội giúp Tứ Diễm được học hỏi và trau giồi thêm kiến thức, nhưng cũng tốn khá nhiều thời gian.   Nhất là dạo xưa, cần phải tìm mượn sách ở thư viện.   Mỗi lần mượn cả hơn chục quyển sách dầy.  Nhiều khi phải đọc mấy trăm trang chỉ để chọn lọc được... vài ba điều cần biết đủ để viết dăm ba câu trong bài phiếm.   Khi mạng internet phát triển mạnh, việc sưu tầm tài liệu dễ dàng hơn nhưng cũng không đơn giản vì phải đọc nhiều rồi chọn lọc, so sánh, kiểm chứng xem đúng sai rồi mới dựa theo đó mà loạn bàn.

"Cà kê dê ngỗng" vậy cũng khá dông dài rồi, mời quý vị cùng xem Tán Hươu Tán Vượn Đầu Xuân thử nha.





TÁN HƯƠU TÁN VƯỢN 
ĐẦU XUÂN
Tứ Diễm

Tuy chỉ lẹt đẹt ở tận hàng thứ chín trong mười hai con giáp, nhưng nhà họ khỉ lại gây nhiều sóng gió dư luận nhất.  Một số người cứ khăng khăng biện hộ bằng mọi cách để chứng minh rằng theo thuyết tiến hóa thì họ khỉ chính là thủy tổ loài người.  Ôi thôi, biết bao cơ man lý lẽ được đem ra để "bắt quàng làm họ" với nhà khỉ. Một số khác ngược lại, cứ chối đây đẩy nhất định không chịu chấp nhận được thuyết loài người tiến hóa từ nhà khỉ mà ra.  Nghĩ cũng buồn cười, trong khi nhà họ khỉ vốn nổi danh ưa ồn ào chí chóe lại vẫn "bình chân như vại" thì loài người cứ mãi quẩn quanh trong vòng tranh luận xôn xao.  Từ bấy đến nay, chẳng biết thiên hạ loài người đã tốn bao giấy mực, thì giờ và cả công sức nữa chung quy cũng chỉ vì chuyện... "khỉ" này mà thôi. 

Chỉ cần nhắc đến "khỉ", thoạt nghe qua ai cũng dễ dàng hình dung ra diện mạo bề ngoài của một loài động vật có vú, sinh con và nuôi con bằng sữa, leo trèo giỏi, ưa sống ở vùng rừng núi nhiều cây cối và có một số dáng điệu cử chỉ tương tự loài người.  Ngoài đôi tay dài, đôi chân ngắn, nhà họ khỉ còn có một cái đuôi, dài ngắn tùy theo từng loại khác nhau.  Nhà họ khỉ thường di chuyển bằng cả tứ chi, có khi nhờ sự phụ giúp của cả cái đuôi để chuyền cành cho nhanh.  Có lẽ cúi mãi mỏi lưng, nên đôi lúc khỉ ta cũng thích vươn vai ưỡn ngực đi bằng hai chân sau với dáng đi chữ bát rất "ấn tượng" với lưng hơi khòm và đôi tay dài lòng thòng đong đưa hai bên sườn.  

Nhìn chung, toàn thân khỉ được bao phủ bởi lớp lông rất rậm, với màu sắc tùy theo loại.  Đầu khỉ có hình dáng hơi tương tự đầu loài người, nhưng xấu hơn rất nhiều với trán lép, xương gáy gồ về phía sau trong khi xương hàm lại nhô ra phía trước như... "mái tây hiên".  Cả hai phái nhà khỉ đều ưa chuộng mốt tóc... lởm chởm, sợi nào sợi nấy bẩm sinh cụt lủn nên khỏi cần tốn tiền ra tiệm cắt tóc.  Đôi mắt khỉ khá nhỏ so với khuôn mặt, lông mi lại ngắn.  Sống mũi tẹt lét, hai cánh mũi lại bè ra coi chướng mắt vô cùng.  Nhưng có lẽ mất điểm nhất là cái miệng rộng, với hai hàm răng như hai cái... bàn nạo dừa.  "Tốt đẹp khoe ra, xấu xa đậy lại".  Ấy thế mà khỉ ta lại chẳng biết thân, cứ thản nhiên mà cười toét miệng, bày nguyên hai hàm lợi đỏ hỏn với những cái răng to, trông thật mất thẩm mỹ hết sức.  

Tai khỉ ta tương tự như tai người, nhưng kích thước lớn hơn và cũng xấu xí hơn.  Bàn tay, bàn chân có năm ngón dài và uyển chuyển giúp ích trong việc leo trèo rất nhiều. Và cũng nhờ những ngón tay rất lanh lẹ nên khỉ ta được xếp hàng đầu với tuyệt chiêu... bắt chí.  Khi nhà họ khỉ "xòe bàn tay đếm ngón tay", nếu quan sát kỹ sẽ thấy những vạch ngang dọc trong lòng bàn tay, bàn chân của khỉ ta, nhưng chẳng hiểu đã có ai rảnh rang ngồi xem chỉ tay cho nhà họ khỉ chưa nhỉ.  Mỗi ngón của nhà khỉ đều được bao phủ bởi một móng cứng, nhưng các nàng khỉ rất mộc mạc, chẳng bao giờ phải tốn công ngồi dũa móng, sơn móng làm đẹp cho bàn tay bao giờ cả.

Nói chung, khỉ thuộc loài "trời bắt xấu" nên dẫu gọi nôm na là monkey, ape, gibbon, gorialla, chimpanzee, orangutan theo tiếng Anh Mỹ, hay là khỉ, vượn, bú dù, thân, hầu, viên theo tiếng Việt hay Hán Việt, hoặc gọi một cách văn vẻ chẳng hạn như: con cháu Tề Thiên Đại Thánh, dòng dõi họ Tôn, hoặc thậm chí dẫu được xưng tụng thật mỹ miều là hậu duệ Mỹ Hầu Vương, khỉ ta vẫn hoàn là khỉ.  Nhà họ khỉ cũng vẫn được ưu tiên đứng đầu... từ dưới đếm lên về mặt nhan sắc.  Phải chăng vì thế mà nhiều vị cứ nhất quyết nằng nặc phản đối không chịu nhận nhà khỉ làm thủy tổ loài người? 

Nhà họ khỉ vốn nổi danh với tài sinh sản nên "có mặt trên mọi từng cây số", với biết cơ man nào là họ hàng gần bà con xa, kể sao cho hết được.  Đa số thường có đuôi và vóc dáng vừa phải; chẳng hạn như: khỉ đỏ đít, khỉ sư tử, khỉ đuôi sóc (marmoset) ở châu Mỹ, khỉ có đuôi (talapoin), khỉ đuôi dài (vervet) ở châu Phi, capuchin (cebus apella) sống tại các cánh rừng Nam Mỹ, vượn (gibbon), vượn cáo (potto) ở Tây Phi, vượn đen (siamang), vv... vv...   Một số khác vóc dáng lớn nhưng không có đuôi (ape), như: khỉ đột (hay còn gọi là khỉ độc, khỉ Gorilla), đười ươi, tinh tinh (orangutan), hắc tinh tinh (chimpanzee), vv... vv...

Chắc thuộc nằm lòng câu "chia rẽ là chết, đoàn kết là sống" nên các loại khỉ nhỏ thường sống thành đàn có khi đến hàng trăm con.  Cũng bởi vì "ở gần mỏi miệng" nên khỉ ta thường ồn ào chí chóe suốt ngày.  Trong khi đó các loại khỉ lớn như tinh tinh (orangutan), khỉ đột (gorilla), hắc tinh tinh (chimpanzee) lại ưa thích sống đơn độc trong những "lãnh địa" riêng.   
 Trong khi các chàng nàng khỉ nhỏ chập chững bắt đầu trổ mã ngay từ những năm lên bảy, lên mười thì đám khỉ lớn (tinh tinh, khỉ đột, hắc tinh tinh) mãi đến năm mười hai, mười ba mới bước vào lứa tuổi dậy thì và bắt đầu hò hẹn, kết đôi.  Sau khi mang thai từ tám đến chín tháng, các bà mẹ khỉ thường sinh một con, họa hoằn mới có trường hợp sinh đôi sinh ba.   

Thời gian vợ chồng và mẹ con sống đùm bọc với nhau dài ngắn tùy theo loại.  Với những loại vượn, một khi đã "yes, I do" rồi thì chàng và nàng sẽ gắn bó bên nhau mãi mãi; trong khi đó với những loại khỉ lớn thì "túp lều lý tưởng" chỉ tồn tại trong vài ngày ngắn ngủi, sau đó "anh đi đường anh, tôi đường tôi" rất lẹ làng.  Thường các bà mẹ khỉ sẽ đùm bọc chăm sóc cục cưng trong vài năm đầu, cho đến khi khỉ con đủ lông đủ sức để  bắt đầu "tay làm hàm nhai".   

Nhìn chung, dòng họ khỉ có đủ cả xúc, khứu, thính, thị và vị giác như loài người.  Đa số họ nhà khỉ thường thuộc trường phái ăn chay, chỉ có một vài loại khỉ lớn là ăn tạp cả thực lẫn động vật.  Nhưng dù sao đi nữa món "hẩu xực" của nhà khỉ vẫn là chuối cùng các loại hoa quả tươi, chẳng thế mà năm xưa Tề Thiên Đại Thánh lại hùng chiếm cả một ngọn Hoa Quả Sơn để làm "tổng hành dinh".  Ngoài ra, thực đơn của khỉ ta còn bao gồm lá cây, hạt, vỏ cây, củ, chồi, hoa.  Thậm chí có loại khỉ lớn như tinh tinh, hắc tinh tinh còn xơi luôn cả côn trùng cùng các động vật nhỏ như chim và thú nhỏ.  Khỉ ta thuộc loại hảo ngọt, nhưng lại đại kỵ với những vị cay như ớt, gừng và nhất là mắm tôm.  Chẳng thế mà khi người nào nhăn mặt tỏ ý bực mình thì ưa bị chế là "nhăn như khỉ" hay "nhăn nhó như khỉ nếm mắm tôm" hoặc "nhăn như khỉ ăn gừng". 

Các chàng khỉ ta thường dùng tiếng hú để... tỏ tình và có khi cũng dùng để hù dọa tình địch hay để xác định "lãnh địa" của mình.  Ngoài tật ưa nhe răng ra cười, nhà họ khỉ cũng biết biểu lộ tình cảm qua cử chỉ, nét mặt và tiếng kêu.  Đôi lúc khỉ ta còn biết chảy nước mắt khi đau buồn nữa.  Với biệt tài "leo như khỉ", nhà họ khỉ thường di chuyển bằng cách đu từ cành này sang cành khác, đôi lúc cũng di chuyển bằng chân nhưng rất hiếm hoi.  Loại tinh tinh tuy bự con nhưng lại chết nhát, không  biết bơi.  

Nói chung khỉ ta rất khôn lanh và tháo vát.  Có loại biết dùng lá để che mưa, biết cuộn lá để múc nước uống.  Có loại biết dùng que nhọn xiên bắt kiến, côn trùng để ăn.  Trong khi được thuần dưỡng, nhà họ khỉ đã học hỏi để biết rất nhiều điều, chẳng hạn đi xe đạp, đánh đu, làm xiếc, xỏ kim, khâu vá, đánh giày, vv... vv...  Nhưng đừng tưởng khỉ ta thuộc loại "đặt đâu ngồi đó" mà lầm to.  Khỉ ta cũng biết đấu tranh để giành phần thưởng xứng đáng.  Nếu nhìn thấy một con khỉ khác nhận được phần thưởng nhiều hơn cho cùng một công việc, những con khỉ khác liền lập tức "đình công" ngay.   

Có điểm rất đặc biệt là tuy nhà họ khỉ sẵn sàng chịu thiệt thòi để đòi hỏi đối xử công bằng tới nơi tới chốn, nhưng khỉ ta không vì thế mà thù ghét đồng loại.  "Gái tham tài, trai tham sắc", nếu quan sát kỹ sẽ thấy thường những con khỉ cái nhạy cảm hơn, dễ cảm thấy bị xúc phạm khi bị đối xử không công bằng.  Trong khi đó những con đực lơ là, ít quan tâm tới miếng ăn hơn vì còn bận thả hồn theo các mỹ nhân... khỉ.

"Xấu hay làm tốt, dốt hay nói chữ".  Nhà họ khỉ nổi danh với tài hay bắt chước.  Tương truyền những người săn bắt khỉ thường lợi dụng tật này để bắt từng đàn khỉ một cách dễ dàng.  Họ mang đến những vò rượu thật lớn, trong đó có pha sẵn thuốc mê, giả vờ ngồi nhậu nhẹt bù khú với nhau rồi lăn ra ngủ.  Đám con cháu họ Tề Thiên sẽ mon men bò ra, bắt chước uống rượu, cũng chén chú chén anh đến khi say thì lăn ra ngủ mê mệt.  Những người thợ săn này chỉ việc bắt từng con bỏ vào lồng mang về là xong.  Đơn giản như đang giỡn vậy đó.  

Nhưng nói nào ngay, cũng nhờ cái tật này mà khỉ ta thường  được thuần dưỡng để làm xiếc, đóng phim, đóng kịch hài, leo cây hái trái,...   Nhìn cảnh những chàng nàng khỉ diện quần áo xanh đỏ loè loẹt, cười nhăn nhở làm đủ trò "khỉ", quả thật khó ai mà nhịn được cười.  Phải chăng vì thế mà những đám sơn đông mãi võ, những xe kẹo kéo, những nhóm xiếc bình dân thường nuôi ít nhất một chú khỉ để thu hút sự chú ý của khán giả.  Người ta thường bảo rằng khi lỡ lạc vào rừng sâu, gặp trái cây trên cao nhưng không thể leo lên hái, mình có thể "dụ khị" nhà họ khỉ hái giúp bằng cách dùng những miếng đá nhỏ chọi lên cây, cha con họ khỉ sẽ lập tức bẻ trái cây liệng xuống ngay.  Nghe nói cách này rất hữu dụng, tuy nhiên cần phải cẩn thận tránh chọi đá lên cây dừa, kẻo không được "đáp lễ" bằng những trận mưa... dừa thì sẽ tiêu diêu miền cực lạc một cách oan uổng. 

"Sạch sành sanh vét cho đầy túi tham".  Loài người quả thật đã lợi dụng loài khỉ một cách tối đa.  Ngoài những việc phục vụ cho lợi ích loài người đã nêu ở trên, khỉ còn được xem như một loại dược liệu quý hiếm.  Chẳng thế mà món óc khỉ sống đã được liệt kê trong số những món ăn trân quý do Từ Hi Thái Hậu đích thân thiết đãi quý khách.  Xương khỉ được dùng để nấu cao khỉ.  Thịt khỉ nghe đồn không ngon, rất tanh, nhưng cũng có người đem kho với gừng ăn khi thiếu lương thực.  Cũng có khi người ta đem thuộc da khỉ, nhồi trấu để đem trưng bày làm vật trang trí. 

Phải chăng "có vay có trả", nên nói nào ngay, không phải khi nào nhà họ khỉ cũng ngoan ngoãn làm lợi cho loài người.  Khi cần "ăn miếng trả miếng" thì khỉ ta cũng quậy ra trò.  Ở những vùng cao nguyên gần rừng núi, dòng dõi họ Tề Thiên nhiều khi cũng khiến cư dân trong vùng thất điên phát đảo vì bị phá hoại hoa mầu trầm trọng. Nghe đồn thường có nhiều vượn và khỉ không đuôi chạy rong trên đường phố ở Ấn Độ khiến tình trạng giao thông càng thêm phức tạp.  Theo thống kê nội ở vùng New Delhi đã có tới khoảng 5000 chàng nàng khỉ nâu.  Chuyện bảo vệ và truy bắt những kẻ "quấy rối pháp luật" này trở nên rất cần thiết, tuy nhiên việc thực hiện hơi khó thực hiện vì e đụng chạm luật bảo vệ động vật.  Cũng may "cao ‘hầu’ tắc hữu cao ‘hầu’ trị", đám hầu tặc này lại sợ loài Languren Hilfspolizisite nên chàng hiệp sĩ khỉ Raju thuộc giống Languren đã cùng chủ là ông Shyan Nath ra tay dẹp loạn khỉ một cách rất nhanh chóng và hữu hiệu.

"Lửa gần rơm lâu ngày cũng bén".  Nhà khỉ dẫu không có tấm nhan sắc mỹ miều, nhưng đã được thuần dưỡng lâu dài nên đã trở thành thân quen với loài người.  Vô hình chung khỉ ta đã "từng bước từng bước thầm" vào ngưỡng cửa nghệ thuật.  Chẳng thế mà nhà họ khỉ đã thành đề tài trong nhiều tác phẩm điêu khắc, hội họa, trong dòng văn học dân gian, cũng như những lời đối thoại trong cuộc sống hàng ngày. Lần dở những trang ca dao, ta dễ dàng bắt gặp những câu có nhắc đến họ khỉ, chẳng hạn như:

      Chiều chiều én liệng trên trời
  Rùa bò dưới nước, khỉ ngồi trên cây

      Cùng nhau tớ trước, thầy sau
  Chim kêu, vượn hú thêm đau đớn lòng

      Má ơi, đừng gả con xa
  Chim kêu, vượn hú biết nhà má đâu?

      Người ta tuổi Ngọ, tuổi Mùi
  Riêng em cam chịu ngậm ngùi tuổi Thân
 
      Tuổi Thân, con khỉ ở lùm
  Chuyền qua chuyền lại, té ùm xuống sông

      Bon bon nước chảy bon bon
      Con vượn bồng con
      Lên non hái trái

Danh từ "khỉ" thoạt tiên chỉ dùng để chỉ riêng dòng dõi họ Tề Thiên, lâu dần đã trở thành thông dụng được dùng với nhiều nghĩa khác nhau.  Chẳng hạn làm điều gì coi không được mắt thường bị chế giễu là "làm trò khỉ", cầu tre lắt lẻo thường gọi là “cầu khỉ”, áo waistcoat còn gọi là “áo khỉ”, vv…vv… "Khỉ mốc", "khỉ khô", "khỉ gió” được dùng như  tán thán từ diễn tả sự không vừa ý.  Từ "liếng khỉ" thường được dùng trách yêu khi lí lắc quá mức.  

 Chỉ có điều hơi ngộ là trong khi người ta thường cảm thấy bị xúc phạm tự ái khi bị ví von với "khỉ già", "khỉ đột" hay "bú dù"; nhưng "khỉ con" lại là cách các đôi tình nhân ưa dùng để gọi nhau một cách âu yếm.  Câu "dạy khỉ leo dây" chỉ chuyện làm một việc dư thừa, vô lý.    Chỉ những nơi hẻo lánh vắng vẻ xa xôi ít người đi tới có câu "khỉ ho, cò gáy" hay "chim kêu, vượn hú", "ve kêu, vượn hót".  Câu "khỉ lại là khỉ, mèo lại hoàn mèo" ngụ ý nói bản chất xấu xa thì cứ lộ ra, không thể nào che đậy dược.  Câu "nuôi khỉ giữ nhà" chế giễu một việc làm trái khoáy, có khi dùng để chỉ việc giúp đỡ che chở một kẻ sẽ phản bội mình.   

Với những kẻ thấy người ta làm gì cũng làm theo một cách máy móc, không biết phân biệt hay dở phải trái (monkey see, monkey do) thì thường hay bị chọc là "bắt chước như khỉ".  Câu "chai như đít khỉ" nghĩa đen chỉ da chai cứng từng mảng; nghĩa bóng diễn tả cảnh phải ngồi chầu chực, chờ đợi quá lâu. Để chê kẻ hay dọa dẫm người khác tuy rằng chẳng làm gì được, người ta hay chọc là “rung cây nhát khỉ “.   Câu "chó chê khỉ lắm lông" chế nhạo những kẻ không thấy cái dở của mình, chỉ biết chê bai người khác.  Câu "khinh khỉ mắc độc" (độc là một loại khỉ dữ) diễn tả chuyện chê một thứ gì lại gặp thứ xấu hơn nhiều. 

Chỉ lạ một điều, dù có "bới lông tìm vết", "chẻ sợi tóc làm tư" thì họ nhà hươu và vượn vẫn chẳng có chút xíu liên hệ huyết thống gì cả.  Ấy thế nhưng chẳng hiểu sao người ta lại ưa ghép chung hươu và vượn đi đôi với nhau trong nhiều câu thành ngữ; chẳng hạn như: câu "cha hươu mẹ vượn" chế những người nhận người khác làm cha mẹ, hoặc những người nhận con người khác làm con của mình.   Câu "vượn lìa cây có ngày vượn rũ" ngụ ý nói xa rời môi trường sinh hoạt thì không yên.  Để chê người hứa liều mà không thực hiện, người ta thường bảo là "hứa hươu hứa vượn".   Câu "nói hươu nói vượn" có ý chê người nói ba hoa những điều không thiết thực, không đáng tin.  Tương tự, câu "tán hươu tán vượn" chê những kẻ ngồi nói với nhau những điều bâng quơ không bổ ích gì; cũng có khi chỉ người ưa nói huyên thuyên những chuyện linh tinh.   Câu "trỏ hươu trỏ vượn" diễn tả cảnh bị chỉ dẫn lung tung không đúng câu mình muốn hỏi. 

Riêng câu "đười ươi giữ ống" dùng để chế giễu kẻ ngu dại hay bị mắc lừa xuất phát từ việc đười ươi bị mắc lừa.  Tương truyền đười ươi là loài khỉ lớn, dạng người, cánh tay rất khỏe, có thể bắt và ăn thịt người nếu không đề phòng cẩn thận.  Khi bắt được mồi, đười ươi thường sung sướng ngửa mặt lên trời cười hả hê đến tít mắt đợi đến khi mặt trời lặn mới ăn thịt con mồi.  Biết được khuyết điểm đó, khi đi rừng người ta xỏ tay vào hai ống tre để nếu đười ươi có bắt thì người ta rút tay ra khỏi ống tre rồi bỏ chạy.  Còn đười ươi cứ giữ hai cái ống tre đó, ngửa mặt lên trời cười tới tối, khi định ăn thịt thì mới hay con mồi đã trốn mất từ lâu rồi.

Trong kho tàng văn học dân gian, có biết cơ man nào truyện cổ tích, điển tích, truyền thuyết có nhắc đến nhà họ khỉ.  Nổi tiếng nhất là nhân vật Tề Thiên Đại Thánh trong tác phẩm Tây Du Ký, thoạt tiên chỉ là một chú khỉ từ đá hấp thụ tinh khí nhật nguyệt mà thành, sau đã trổ tài khiến nghiêng ngửa trời đất, cuối cùng phải nhờ Phật Tổ hóa phép mới thuần phục được để thành đại đồ đệ giúp Đường Tam Tạng thỉnh kinh.  

Có truyền thuyết cho rằng khi bị lưu đầy đi chăn dê ở vùng hẻo lánh, Tô Vũ đã kết duyên cùng một nàng khỉ, sinh hạ được hai bé trai; sau khi chia tay cùng chồng con, nàng ta đã buồn khổ khóc lóc rồi chết.   Có lẽ đây chỉ là sản phẩm do những bộ óc ưa tưởng tượng thêu dệt mà ra.  Tương truyền quan trạng nguyên Mạc Đỉnh Chi do hình dáng bé loắt choắt xấu như khỉ nên không được dùng,  sau phải dâng một bài phú ví mình như hoa sen trong giếng mới được trọng dụng. 

Có rất nhiều truyện cổ tích nhắc nhở đến họ nhà khỉ; trong đó được nhiều biết đến là truyện "bạch viên hiến quả" và "khỉ mượn oai hùm".  Kể ra cũng thật là buồn cười vì chàng cọp to xác nhưng khờ dại, bị khỉ ta xỏ mũi mà không biết, cho khỉ cưỡi lên vai đi khắp nơi, khi thấy các muôn thú sợ hãi chạy trốn vì sợ oai cọp thì lại đinh ninh họ sợ oai khỉ.  Sau đó, vì chú khỉ đùa ác khiến cọp ta sợ mất vía, co giò cong đuôi cắm cổ chạy miết.  Khỉ ta bị kẹt trên lưng cọp, không cách chi xuống được, bị cọp sàng qua quẹt lại, cuối cùng va vào tảng đá mà chết nhăn răng. 

Trong nền văn học nghệ thuật Tây Phương, nhà họ khỉ cũng tạo ấn tượng đậm nét trong nhiều tác phẩm.  Chẳng hạn chú vượn đốm láu lỉnh tinh khôn đã khiến Phan Tân và Sĩ Phú dở khóc dở cười biết bao phen.  Chàng lực sĩ Tarzan hồn nhiên trưởng thành giữa bầy khỉ trong thiên nhiên.  Chú khỉ king kong to lớn dị thường đã khiến nhiều khán giả đến giờ vẫn không quên được.  Hầu quyền được xem như một loại võ rất độc đáo trong những bộ  truyện kiếm hiệp.  Bộ phim Iron Monkey với những thế võ linh hoạt đặc sắc xen lẫn với những màn giễu dí dỏm nên rất hấp dẫn người xem.  Nhưng có lẽ tạo nhiều cảm xúc khó quên nhất là chú khỉ "đại tướng" trong truyện "Vô Gia Đình".

Trước khi được dùng trong email address (địa chỉ điện thư), ký hiệu  "@" ("at") trong tiếng Anh thường được dùng như là "commercial at".  Nhưng chẳng hiểu sao trong ngôn ngữ của nhiều nước, ký hiệu "@" lại được gọi là "đuôi khỉ"; như "aapstert" trong tiếng Afrikaans (Nam Phi), "apestaart" trong tiếng Dutch (Hòa Lan), "apinanhanta" trong tiếng Finnish (Phần Lan), "apesturtsje" trong tiếng Frisian, "affenschwanz" trong tiếng German (Đức), "apsvans" trong tiếng Swedish (Thụy Sĩ), vv... vv...  Hay là "khỉ con", chẳng hạn như: "malpa" trong tiếng Polish (Ba Lan), "obezjana" trong tiếng Russian (Nga), "majmun" trong tiếng Serbian, "aapke" trong tiếng Frisian, vv... vv...

"Ăn ốc nói mò", ăn… bánh giò đoán đại.  Đầu năm uống thuốc liều nên cũng gõ keyboard bàn ra tán vô vài điều, không trúng thì sang năm đoán mò tiếp.  Theo tử vi Đông Phương, năm 2016 thuộc can Bính, chi Thân, bắt đầu từ ngày 8 tháng 2 năm 2016 đến hết ngày 27 tháng 1 năm 2017.  Can Bính thuộc Dương, hành Hỏa.  Chi Thân thuộc chi Dương, hành Kim vượng vào tháng 7 Dương lịch.  Năm Bính Thân 2016 cả can lẫn chi đều thuộc Dương là biểu tượng của sự tốt lành và may mắn, rất tốt cho mọi dự tính, chắc hẳn mọi việc sẽ êm đẹp thuận lợi suôn sẻ hơn những năm vừa qua.  Tuy nhiên, theo ngũ hành thì can Bính hành Hỏa khắc chi Thân hành Kim nên sẽ có một số trở ngại ngoài ý muốn.  Nhưng nói chung mong năm Bính Thân 2016 sẽ là một năm thịnh vượng an bình cho mọi người trên toàn thế giới. 

Theo sách vở thì Thân hợp với Tý và Thìn, kỵ với Dần, Tỵ và Hợi.  Hiểu nôm na thì khỉ ta "bồ tèo" với nhà họ chuột và họ rồng.  Chẳng hiểu sao khỉ ở trong rừng lại kết bạn với chuột ở ngoài đồng (hay trong nhà), thậm chí còn dám với cao đòi "cặp kè" với nhà rồng ở tuốt trên mây được nhỉ.  Nhưng dù sao thì cũng chẳng ai đụng chạm đến ai nên dĩ nhiên là chẳng có gì phiền hà rồi.  Nhà họ rắn ưa leo cây nên dễ xích mích với khỉ ta, ghét nhau cũng phải.  Còn chuyện cọp và khỉ kỵ nhau lại càng rõ hơn nữa.  Nếu muốn "nói có sách, mách có chứng" thì truyện "khỉ mượn oai  hùm" trong truyện cổ tích Việt Nam là bằng chứng rõ ràng nhất.  Chỉ có điều không hiểu sao nhà khỉ cứ không chịu "friend" với nhà ủn ỉn.  Một đàng chỉ thích leo trèo nhảy nhót trên cây, một đàng chỉ thích nằm dài để nhai cám trong chuồng.  Cớ sao lại nẩy sinh mối bất hòa nhỉ.

Đối với người Việt Nam, khỉ tượng trưng cho sự nhanh nhẹn, thông minh, hài hước.  Những ai sinh trong năm 1908, 1920, 1932, 1944, 1956, 1968, 1980, 1992, 2004, 2016 đều thuộc năm Thân, cầm tinh con khỉ.  Nói chung người sinh trong tuổi này thường thành công trong mọi ngành họ chọn.  Họ cũng có tài ngoại giao, giỏi thương lượng nhờ rất nhiều vào bản năng thông minh tự nhiên.  Những người cầm tinh tuổi Thân học hiểu nhanh chóng, dễ thích ứng với nhiều hoàn cảnh, có thiên tài về ngôn ngữ và có khả năng lường gạt kẻ khác nếu họ muốn.  Người tuổi Thân có sở thích rộng rãi, đôi khi khiến họ chuyển từ thứ này sang thứ khác trong khoảng khắc.  Họ không thích hợp với các công việc bó buộc.  Khuyết điểm của họ là do hay nói quá nhiều, khiến cho bạn bè đâm ngán những câu chuyện dằng dai không dứt.  Đôi khi họ tỏ ý coi thường kẻ thua kém hơn.  Nói tóm lại, với bản tính thông minh sẵn có nên người tuổi Thân thích cuộc sống tự lập, rất chịu khó tìm tòi học hỏi nên thường cố gắng vượt qua mọi khó khăn.

Theo tử vi, người mang tuổi Bính Thân thuộc cung Khôn, mạng Sơn Hạ Hỏa (Lửa Dưới Núi) khi còn trẻ khá vất vả, nhưng bắt đầu khá giả dư giả từ tuổi trung niên, đến hậu vận sẽ an nhàn.  Bản tính thông minh, học hiểu nhanh, tính tình cứng cỏi, mau nóng nên dễ gây hiềm khích nhưng cũng mau nguội.   Tính tình thích tự lập, kiên cường, không thích bị áp đặt.  Thể chất khỏe mạnh, sống lâu tuy nhiên nên cẩn thận phòng ngừa tránh các bệnh về mắt hay xương.  Nếu theo nghề buôn bán, nhờ tính tháo vát biết xoay chuyển tình thế, giải quyết khó khăn nên dễ làm giầu.   Người tuổi Bính Thân hợp với các tuổi Mão, Dậu, Tuất, Thìn chẳng hạn như tuổi Quý Mão, Kỷ Dậu, Canh Tuất.   Nếu chọn bạn hợp tác làm ăn nên chọn các tuổi Thìn, Tý, Hợi, Sửu chẳng hạn như Mậu Thân, Nhâm Tý, Quý Sửu.  Trong năm nay có thể gặp một số chuyện vui mừng, tuy nhiên nên lưu ý vì có thể bạn bè hay người hợp tác làm ăn bị đau ốm nhẹ.

Mải vui nên “tán hươu tán vượn” hơi lan man, chỉ mong quý vị độc giả thông cảm xí xóa dùm cho.  Mến chúc quý vị một năm con khỉ tiền vào bạc tỉ, tiền ra ri rỉ, đếm tiền mệt nghỉ, trẻ đẹp hết ý, sức khỏe bền bĩ, vạn sự như ý.  Riêng vị nào còn đang "sách cầm tay" thì bài vở suôn sẻ đạt điểm cao.  Những ai đang tìm job sẽ cầu được ước thấy.  Các chàng nàng còn long đong giữa chợ đời đi tìm "nửa kia" sẽ sớm ngày gặp được người hợp ý, đặng lâu lâu có dịp "làm trò khỉ" dỗ ngọt "người ta".  Xin chúc những vị nào "ván đã đóng thuyền", một năm Thân càng thêm thân.  Riêng chúc những ai sắp "lên chức" sẽ có baby thông minh khỏe mạnh xinh xắn và sớm biết chạy nhảy nô đùa... "lẹ hơn khỉ".

Tứ Diễm – December 2015
(http://tudiemcorner.blogspot.com)

Tài liệu tham khảo:

1. "Từ điển thành ngữ và tục ngữ Việt Nam" của giáo sư Nguyễn Lân, NXB Khoa Học Xã Hội, 1997

2. "Từ điển thành ngữ - tục ngữ Việt Nam" của Vũ Dung, Vũ Thúy Anh và Vũ Quang Hào, NXB Văn Hóa - Thông Tin, 2000.

3. "Việt Nam tân tự điển minh họa" của Thanh Nghị, nhà sách Khai Trí, 1966.

4. "The American Heritage Dictionary", Third Edition, version 3.5, 1994.

5. "The Complete Book of Chinese Horoscopes", Element Books Limited, 1997



4 comments:

  1. Đọc đi đọc lại, càng đọc càng thích chị ơi. Cám ơn chị chia sẻ!

    Mượn lời chúc từ bài của chị: "một năm con khỉ tiền vào bạc tỉ, tiền ra ri rỉ, đếm tiền mệt nghỉ, trẻ đẹp hết ý, sức khỏe bền bĩ, vạn sự như ý" để chúc đến chị và gia đình trong năm mới Bính Thân này nha!

    ReplyDelete
  2. Cám ơn nha sis Dã Quỳ. Nói nhỏ sis nghe nè, Tứ Diễm viết và đăng bài này xong rồi cũng quên khuấy luôn. Nếu các chú trong BBT không nhắc thì Tứ Diễm cũng không nhớ để đi tìm và nhuận sắc lại.

    Tứ Diễm cũng mượn lời chúc này (chỉ thay đổi câu cuối) để chúc sis Dã Quỳ cùng gia quyến:

    Mừng 2016 phát tài phát lộc
    Tiền vô xồng xộc, tiền ra từ từ
    Sức khỏe có dư, công danh tấn tới
    Tình duyên phơi phới, hạnh phúc thăng hoa
    Xin chúc mọi nhà an vui, thịnh vượng

    ReplyDelete
  3. Bài viết rất hay ạ. Cháu cảm ơn cô.

    ReplyDelete
  4. Cám ơn Thanh Thảo nhiều nha

    ReplyDelete