GÂU GÂU NHÀ NGƯỜI
Tứ Diễm
Nó không phải tuổi con mèo, nhưng lại rất kỵ chó, hay phải nói là rất sợ chó mới chính xác hơn. Chắc có lẽ như Mẹ thường bảo lá gan của Nó chỉ bằng cái lá me, nên Nó nhát còn hơn cả thỏ nữa. Mà cũng đúng thôi, thỏ dù sao còn có tài chạy nhanh, chứ chậm chân chậm tay hơn rùa như Nó lỡ có chuyện gì thì biết tính sao đây. Thành ra theo năm tháng cái bảng liệt kê những thứ Nó sợ cứ dài thêm lên....
Người ta ưa bảo: "ghét của nào, trời trao của đó". Nó vốn sợ chó nhưng lại có duyên với họ nhà gâu gâu ngay từ thuở bé tí tì ti. Mẹ kể lúc đó Nó làm biếng bò, Bố sốt ruột nhờ các bác bạn Bố đi mua từ bên Mỹ con chó nhỏ xíu xinh xinh biết đi để Nó... bắt chước tập bò theo. Rồi khi Nó hơn một tuổi, Bố lại bỏ công đi tìm mua một con chó bằng gỗ biết sủa biết đi, tai và đuôi ve vẩy theo nhịp bước để khuyến khích Nó siêng năng tập đi. Sau này, mỗi lần nhắc lại chuyện này, Mẹ vẫn lắc đầu chịu thua bố con nhà nó. Ai đời Bố dám bỏ cả tháng lương chỉ để mua đồ chơi cho con. Và cũng chẳng có đứa nào trong nhà lại chậm biết bò, biết đi và làm biếng ăn như Nó cả.
Mỗi lần theo Bố Mẹ đến thăm bác (chị họ của Bố), Nó thích ngắm nhìn đàn chó Nhật dễ thương chạy lăng xăng đùa giỡn cho tới khi mệt nhoài thì nằm lim dim cho Nó tha hồ vuốt ve bộ lông trắng mượt mà. Lớn hơn một chút, ngoài bầy chú chó Nhật xinh xắn của bác nó, thế giới trẻ thơ của Nó còn gói tròn hình ảnh những nàng công chúa xinh đẹp, bà tiên hiền dịu, đàn thú rừng ngộ nghĩnh , và cả mấy chú chó ngộ nghĩnh dễ thương xinh xắn trong các quyển truyện tranh hấp dẫn. Nào là chú chó Ki lí lắc nghịch ngợm trong truyện Ti và Ki Khôi Hài Ký, chú chó LouLou trắng bóc, khôn lanh của loạt truyện Tin Tin. Rồi thêm một loạt các chàng chó trong thế giới hoạt hình Walt Disney như chàng chó Pluto của chú chuột Mickey, chàng chó tốt bụng nhưng ngờ nghệch Goofy Goof cùng thêm các bạn bè họ hàng như Super Goof, Arizona Goof, Gilbert,... Hay như cô nàng chó yểu điệu Lady cùng với chàng chó "bụi đời" Tramp và các bạn hàng xóm Jock và Trusty trong phim Lady and the Tramp. Đó là chưa kể đến 101 con chó đốm tinh nghịch láu lỉnh (101 Dalmatians) cùng chú chó đỏ khổng lồ Clifford.
Thuở ấy với nó, nhà họ chó hiền , xinh xắn và dễ thương biết bao. Có lẽ Nó sẽ giữ mối thiện cảm này mãi mãi nếu không có một chuyện bất ngờ xảy ra. Nó còn nhớ, lúc đó Nó cứ nằng nặc đòi đi học dù còn chưa đủ tuổi. Mẹ dỗ dành cách nào Nó vẫn không thể hiểu tại sao anh Nó được đi học, còn Nó dù đã biết đọc biết viết mà Bố Mẹ lại bắt ở nhà. Cuối cùng Bố Mẹ phải cho Nó đi học... thêm theo anh nó. Giờ nghĩ lại vẫn thấy buồn cười. Anh Nó đi học thêm để sửa soạn cho năm lớp Nhất, chuẩn bị thi vào trung học. Còn Nó đi theo để ... chơi đùa với cháu cô giáo, nhưng vẫn cứ đinh ninh là mình được... đi học giống anh nên thích chí lắm. Nhà cô không lớn nhưng thoáng mát, phía sau nhà có một hàng hiên nhìn ra con hẻm nhỏ. Chiều chiều hai đứa tụi Nó hay bày hàng ngoài hàng hiên, chơi chán thì ngồi ngắm trời mây nước rồi kể cho nhau nghe 1001 chuyện con nít. Đến một hôm, Nó háo hức theo anh Nó "đi học" để gặp và khoe với cô bạn nhỏ chiếc cặp tóc đồi mồi xinh xắn Bố mới mua cho, nhưng tiếc thay cô nàng lại không có ở nhà, Nó đành lủi thủi bày trò chơi một mình. Lát sau thấy chán, Nó leo lên lan can ngồi vừa nhìn lên trời để liên tưởng xem những đám mây trắng bồng bềnh giống hình dạng gì, vừa mân mê chiếc cặp tóc, vừa nghĩ vẩn vơ đến mấy mẩu chuyện sẽ kể cùng cô bạn. Rồi Nó sơ ý tuột tay đánh rơi chiếc cặp xuống đường nên tính leo xuống nhặt. Chẳng ngờ, đúng lúc đó một chú chó to lớn dữ dằn ở đâu bất thình lình nhảy xổ đến, nhe răng hù dọa làm Nó sợ điếng người, vội... chạy vào nhà trốn. Đợi chú chó bỏ đi rồi, Nó mới chạy ra ngoài tìm thì chiếc cặp tóc đã bị ai nhặt mất rồi. Nó vừa sợ vừa tức chú chó vừa tiếc chiếc cặp tóc mới nên mặc cho cả nhà cô giáo xúm vào dỗ, Nó cũng cứ ngồi ỉu xìu ủ rũ suốt cả buổi chiều. Mãi đến khi Bố đến đón hai anh em về, Nó vẫn ỉu xìu dù Bố đã trổ hết "tài nghệ". Cuối cùng, Bố phải tung ra "tuyệt chiêu" bằng cách dẫn hai anh em Nó đi... ăn bánh để dỗ dành cho Nó chịu cười. . Nó còn nhớ chiều đó về nhà, cả ba Bố con đều bỏ cơm tối vì đã ăn bánh no cứng bụng rồi làm Mẹ cằn nhằn Bố đầu têu dạy hư cho con.
Cũng từ ngày đó, Nó bắt đầu phát giác ra được rằng họ nhà chó không phải khi nào cũng luôn dễ thương, giống như trong chuyện cổ tích ngoài bà tiên nhân hậu còn có bà phù thủy lòng dạ nham hiểm nữa. Mỗi lần nhớ lại hàm răng nhọn hoắc cùng vẻ hung dữ của chú chó lạ nhà ai, Nó lại rùng mình sợ hãi khi hình dung ra cảm giác đau dớn lúc bị những chiếc răng đó cắn sâu vào chân, rồi lại còn phải đi chích ngừa đủ hai mươi mốt ngày nữa chứ. Eo ơi, kinh khủng quá. Có lẽ tại lá gan của Nó nhỏ xíu nên càng nghĩ riết rồi Nó lại càng thấy sợ, sợ đến nỗi mối thiện cảm dành cho họ nhà chó ngày xưa cũng bị hao hụt rất nhiều, khiến Nó tự dưng đâm ra "kính nhi viễn chi" với họ nhà chó.
Mà kể cũng buồn cười, sợ thì sợ đấy, nhưng tránh sao khỏi được khi hàng xóm chung quanh hầu hết đều nuôi chó. Trước năm 1975, anh em Nó ngoài lúc đi học, đi chơi theo Bố Mẹ thì chỉ "cấm cung" ở nhà. Chỉ sau năm 1975, Bố bị đi tù cải tạo. Mẹ một mình quán xuyến mọi việc trong ngoài và phải tần tảo ngược xuôi nuôi Bà cùng đám anh em nó; đồng thời còn phải thăm nuôi tiếp tế đều đặn cho Bố. Nó phải phụ Mẹ chăm sóc cho đàn em. Nhiều hôm cúp điện trời oi bức, chị em Nó thường rủ nhau sang sân nhà bác hàng xóm kế bên ngồi chơi vì bác có mảnh sân rất rộng và mát mà các chị con bác lại rất thương chị em tụi nó. Nhà bác có nuôi một chú chó tên Nunu không biết loại gì, thật đẹp với bộ lông xù trắng đốm nâu, cao lớn, to con nhưng lại rất hiền, chỉ sủa khi gặp khách lạ, chứ chưa hề cắn một ai. Thoạt đầu Nó sợ lắm nhưng rồi lâu dần cũng quen vì Nunu hiền, khôn ngoan, lanh lợi và rất quyến luyến chị em nó. Em Nó thích nhất là được ngồi lên lưng Nunu đi lòng vòng trong sân; còn Nunu thì rất thích khi được tụi Nó vuốt lưng, xoa đầu hay được tham dự trong các trò chơi của chị em nó. Riết rồi, chị em Nó xem Nunu như một người bạn, như một thành viên trong gia đình. Ngày gia đình Nó rời xa quê hương, Nunu đã già yếu nhưng dường như cảm nhận được chuyện chia ly nên cũng có vẻ buồn ủ rũ.
Nhà kế bên cũng nuôi một con chó nhỏ, nhưng Nó không bao giờ dám lại gần vì chàng ta tuy bé hạt tiêu nhưng rất dữ và ưa cắn bậy. Hồi đó, chị em Nó vẫn hay cười khúc khích khi thấy cô nhỏ hàng xóm chắp nhặt vải vụn để may... áo cho chó mặc. Không ngờ sang bên này, đó lại là chuyện thường, nhất là vào mùa Đông, thiên hạ vẫn mặc áo ấm cho các cô , cậu chó cưng mỗi khi dắt ra ngoài.
Hàng xóm xế cửa nhà Nó chẳng hiểu xin ở đâu về một chú chó dáng thon, nhìn coi cũng khá bảnh bao. Chỉ có điều chủ nghèo mà lại cũng không chăm sóc thương yêu nên Bo Bo gầy nhom, thường lang thang đi tìm thức ăn khắp nơi. Bộ lông Bo Bo có lẽ mầu đen nhánh, nhưng vì lâu ngày không được chủ tắm rửa chăm sóc nên nhìn coi xơ xác, nhuôm nhuôm. Tuy Mẹ cấm không cho chị em Nó chơi đùa cùng Bo Bo vì sợ dơ và cũng không cho phép Bo Bo vào nhà vì sợ bọ chét bay vào giường chiếu cắn chị em nó; nhưng chị em Nó thấy tội nghiệp Bo Bo nên thường lén Mẹ "tiếp tế" cho Bo Bo. Có lẽ vì vậy nên Bo Bo thường hay luẩn quẩn trước cửa nhà Nó và vẫy đuôi ve vẩy mỗi khi thấy bóng dáng chị em nó.
Nhắc đến Bo Bo, Nó lại khẽ bật cười một mình khi nhớ lại chuyện cũ. Dạo ấy đang có phong trào vượt biên, Mẹ vất vả tìm kiếm đường giây để lo cho anh Nó nên đôi khi phải về nhà rất trễ. Nó khi đó còn nhỏ xíu, nhưng là chị lớn trong nhà nên phải kiêm luôn việc thức chờ mở cửa cho Mẹ. Đêm tối, bầy em ngủ say ngon lành, Nó một mình ráng thức chờ cửa Mẹ. Buồn ngủ quá, mắt cứ díp lại, Nó bèn tìm một quyển truyện nằm đọc trong thời gian chờ đợi. Tình cờ, quyển sách đó lại là truyện kinh dị, toàn là những mẩu chuyện ma quỷ rùng rợn. Bóng đêm, gió thổi xào xạc, tiếng chó tru phụ họa cùng với trí tưởng tượng của Nó càng khiến những tình tiết kỳ bí ma quái trong truyện thêm phần rùng rợn. Càng nghĩ lại càng thấy sợ hơn, Nó nằm co mình sát vào đứa em, trùm chăn kín đầu, nín thở lắng nghe động tĩnh chung quanh. Bỗng Nó nghe có tiếng động ngoài cửa, ngỡ Mẹ về nên Nó mừng quá chạy vội ra, miệng vừa khẽ reo mừng, tay vừa vén màn cửa nhìn ra ngoài. Bất chợt Nó lạnh toát cả người, bủn rủn chân tay khi thấy không thấy ai mà chỉ có tiếng thở phì phò cùng hai đốm sáng trong bóng đêm. Nó sợ đến sững người một lúc vì nghĩ vừa gặp... ma. Mà cũng ngộ, vốn rất nhát gan nhưng khi đó không hiểu sao Nó lại cứ phân vân, nửa muốn co giò bỏ chạy vào nhà, nửa lại muốn... xem kỹ mặt mũi con ma coi có giống họ vẫn tả trong truyện hay không. Rồi lòng tò mò thắng được nỗi sợ, Nó ráng thu hết can đảm để vén màn nhìn ra ngoài. Một lần nữa, Nó lại thót tim khi bắt gặp hai đốm sáng cùng tiếng phì phò, xém chút nữa Nó đã bật hét to lên rồi. Cũng may, Nó chợt nhớ đến con Bo Bo nên định thần ráng nhìn kỹ lại. Ừ nhỉ, đúng là Bo Bo rồi. Chẳng hiểu sao đêm khuya Bo Bo không chịu ngủ mà lại qua đứng ngoài cửa nhà Nó làm chi, để Nó bị hoảng hồn hoảng vía lãng xẹt hà. Thật đúng là thần hồn nhát thần tính nên Nó mới lầm lẫn như vậy. Nó vừa ức Bo Bo lại vừa tự chế giễu cái trí tưởng tượng của mình.
Có một dạo, nhỏ bạn ngồi chung bàn muốn nhờ Nó dạy thêm về Toán Lý Hóa nên hay mang xoài tượng, ổi hay mận vào lớp để... dụ dỗ nó. Nó sốt sắng nhận lời liền chỉ vì ngoài cây xoài tượng, ổi và mận sai trái, nhỏ ta còn nuôi một chú chó con thật bụ bẫm xinh xắn. Nhỏ bạn mừng rơn vì rủ rê được Nó tới học chung. Còn Nó cũng thích chí mê tơi khi vừa được ăn xoài tượng chấm mắm ớt thả giàn, vừa được chơi đùa vuốt ve chú cún con dễ thương. Riết rồi thành thông lệ, hôm nào Nó đến chậm là cún ta ra cửa đứng ngóng. Bẵng đi một thời gian, Nó mới có dịp ghé thăm nhỏ bạn nhân tiện thăm luôn chú cún con cho đỡ nhớ. Nào ngờ, vừa dắt xe chưa đến cửa nhà, một chàng chó to lớn bất ngờ nhào ra phóng như bay về hướng nó. Nó sợ quá vừa quăng xe bỏ chạy vừa la chói lói làm nhỏ bạn vội chạy ra nhìn rồi... đứng đó ôm bụng cười nghiêng ngả. Chắc hẳn vẻ hốt hoảng của Nó khi đó nom buồn cười lắm. Mãi đến lúc Nó ức quá định bỏ về, cô nàng mới chịu ngưng cười để giữ Nó lại và cho biết chàng chó to lớn ấy chính là cún con bé bỏng ngày nào, thấy Nó đến nên vội chạy ra chào mừng. Eo ơi, có nằm mơ Nó cũng không thể ngờ mới một thời gian ngắn mà cún con đã lớn đến mức đó. Và kể từ hôm ấy, dù nhỏ bạn có dụ dỗ cách nào, Nó cũng cương quyết từ chối không chịu ghé nhà nhỏ ta nữa và nhất định không chịu giải thích lý do, vì chẳng lẽ lại thú nhận cái tật chết nhát ưa sợ chó của nó.
Nói chung Nó chủ trương "chó đẹp chỉ để ngắm từ xa". Đến nhà ai có chó dù hiền hay dữ, Nó luôn áp dụng câu "tiền chủ hậu khách", đợi chủ nhân đuổi chó đi chỗ khác rồi Nó mới dám đi vào, nhưng mắt trước mắt sau vẫn tìm trước đường để... chạy. Khổ nhất là khi đến nhà người quen, mấy chàng nàng chó nhào ra đón tiếp, bày tỏ tình thân thiện bằng cách... "chân bắt lưỡi mừng" khiến Nó xém chút vắt giò lên cổ để trốn.
Giờ đã lớn, Nó không còn sợ ma, nhưng vẫn luôn thấy ngán khi gặp họ nhà chó. Mà đúng thật là tránh vỏ dưa, gặp vỏ dừa. Ngày xưa, Nó đã ngán ngẩm khi ra đường phải đụng đầu với bầy chó nhà hàng xóm. Bây giờ, hàng xóm hai bên lại bắt chước nhau nuôi chó. Mỗi nhà một vài con, thỉnh thoảng ưa nhào ra sủa sảng khiến Nó giật bắn cả người, rồi chợt nhớ lại những kỷ niệm vu vơ thuở còn bé.
Tứ Diễm - Dec. 4, 2005
"Dạo ấy đang có phong trào vượt biên, Mẹ vất vả tìm kiếm đường giây để lo cho anh nó nên đôi khi phải về nhà rất trễ."
ReplyDeleteCâu này nghĩa là gì chị nhỉ, em không hiểu?
Sis Hiền ơi,
ReplyDelete"Tìm kiếm đường dây" nghĩa là tìm những đường dây tổ chức lo chuyện vượt biển thoát khỏi chế độ CSVN đó sis. Lúc đó dù biết ra đi là 9 phần chết, 1 phần sống nhưng người dân vẫn bất chấp hiểm nguy mà tìm cách vượt biên vượt biển. Nghe Mẹ kể là việc tìm các đường dây cũng khó khăn và nhiều rủi ro vì rất dễ bị lường gạt mất tiền mất vàng mà có khi còn mang họa vào thân. Cho dù có hối lộ cho công an nhưng vẫn phải lén lút vì công an nhận vàng xong vẫn có thể trở mặt bắt giam để bắt chẹt thêm tiền.