ĐẦU XUÂN BÀN CHUYỆN CA DAO TỤC NGỮ
Tứ Diễm
"Năm hết, Tết đến" chợt nhớ đến câu "Thịt mỡ, dưa hành, câu đối đỏ. Cây nêu, tràng pháo, bánh chưng xanh". Ừ, Tết nhất thì phải có bánh chưng. Điều đó vốn đã thành thông lê.. Chẳng ai buồn thắc mắc với bánh chưng; loại bánh cổ truyền gói vuông vắn bằng lá dong, buộc chặt bằng lạt, bên trong gồm gạo nếp gói kín lớp nhân đậu xanh, giữa có miếng thịt heo nửa nạc nửa mỡ đã ướp tiêu và gia vị. "Con gà cục tác lá chanh, con lợn ủn ỉn mua hành cho tôi", nhắc đến thịt heo thì không thể thiếu sót món hành. Nhưng cớ sao có biết bao thức ăn ngon đầu năm mà lại chỉ nhắc đến món "thịt mỡ" và "dưa hành" vậy nhỉ? Thành thử, hết hai trong ba món đặc trưng cho ngày Tết đã liên quan đến họ nhà heo. Hóa ra họ nhà heo lại quan trọng đến thế cơ đấy.
Chẳng riêng ngày Tết, ngày giỗ ít nhiều cũng có miếng thịt heo làm mâm cỗ cúng. Nhất là trong gia đình giầu sang, vật trâu mổ heo làm giỗ vẫn là chuyện thường, "cồng cộc bắt cá dưới bàu, cha mẹ mày giàu, đám giỗ đầu heo". Bởi vậy, ngày nào "giỗ chưa làm, heo còn đó". Nhưng nói nào ngay, nếu có lòng hiếu thảo thì đã luôn thương yêu hiếu kính ngay từ khi cha mẹ còn sống. Chứ nếu đã bất hiếu với cha mẹ, đợi đến lúc cha mẹ đã khuất núi rồi mới bày vẽ chuyện cúng giỗ; thì dẫu mâm cao cỗ đầy đến đâu, thế gian vẫn mỉa mai rằng "trâu heo khi chết tế ruồi, chẳng bằng khi sống ngọt bùi còn hơn".
"Giành con cá phải vạ con heo". Chẳng riêng khi phạt vạ mới phải tốn con heo, mà khi tính việc thành gia lập thất đã phải nghĩ đến chuyện "tiền cheo, heo cưới". Theo tục lệ ngày xưa, "nuôi lợn thì phải vớt bèo, lấy vợ thì phải nộp cheo cho làng". Đó đã thành một thông lệ, một thủ tục để chính thức xác nhận cuộc hôn phối giữa đôi bên. Thuở đó, những đám cưới dẫu lớn cỡ nào mà không nộp cheo vẫn bị thế gian mỉa mai rằng "có cưới mà chẳng có cheo, dẫu rằng có giết mười heo cũng thừa". Bởi vì, người ta vẫn tin rằng "cưới vợ không cheo mười heo cũng mất", bởi thế mới có câu "khuyên ai chớ tiếc đầu heo, người ta thường nói: vợ theo không bền". Vả lại, cha mẹ sinh con gái cũng chỉ rạng mặt nở mày khi con được nhà trai nộp cheo xin cưới theo đúng lễ nghi thủ tục: "anh về thưa với mẹ cha, bắt lợn đi cưới, bắt gà đi cheo". Đó cũng là một niềm hãnh diện của người con gái, vì "còn duyên anh cưới ba heo, hết duyên anh đánh ba hèo đuổi đi". Chẳng ai muốn lâm vào cảnh bị thế gian trêu cười khi: "gập ghềnh nước chảy qua đèo, bà già tập tễnh mua heo cưới chồng" cả. Người con gái nào ắt hẳn cũng thầm mơ ước đến ngày vu quy. Nếu may mắn, sinh trưởng trong nhà giầu thì "cưới em tám vạn trâu bò, bảy vạn dê lợn, chín vò rượu tăm". Còn thuộc phận con nhà nghèo, các nàng cũng vẫn thầm mơ ước một ngày:
"Hai đứa người ta giàu thì đầu heo mâm thịt
Hai đứa mình nghèo thì cặp vịt đôi bông
Làm cho cha mẹ vui lòng
Đèn lên đôi ngọn bá tòng xứng đôi".
hay là:
"Người ta giàu đầu heo nọng thịt
Tụi mình nghèo cặp vịt đôi bông
Sao mai mọc buổi hừng đông
Ước sao nên vợ nên chồng thì thôi".
Vào cái thời "nam nữ thọ thọ bất thân", có ưng ý ai thì người con trai cũng chỉ có thể dò ý xa xôi. Nhút nhát thì chàng ta chỉ tỏ tình rất lòng vòng:
"Đêm qua tát nước đầu đình
Bỏ quên cái áo trên cành hoa sen
Ai bắt được thì cho anh xin
Hay là ai giữ làm tin trong nhà
Áo anh sứt chỉ đường tà
Vợ anh chưa có, mẹ già chưa khâu
Áo anh sứt chỉ đã lâu
Nay nhờ ai đấy sang khâu giúp dùm
Khâu rồi anh sẽ trả công
Đến khi lấy chồng anh sẽ giúp cho
Giúp em một thúng xôi vò,
Một con heo béo, một vò rượu tăm"
Kể anh chàng cũng khéo vơ vào. Từ chuyện bỏ quên cái áo lại bắt quàng sang chuyện nhờ khâu áo, rồi vin vào đó cứ khăng khăng toan tính "giúp dùm" tới chuyện lễ vật ngày cưới để thầm ngỏ ý. Thế ngộ nhỡ đã thầm tỏ ý mà lỡ người ta nghe mà không hiểu, hay vờ không hiểu thì sao? Nguy lắm. Vả lại, các cụ vẫn dạy rằng "trai khôn tìm vợ chợ đông", nên cũng có chàng bạo dạn hơn, đã dí dỏm xin phép được "cùng đi" như vầy:
"Cô kia đi chợ Hà Đông
Để anh kết nghĩa vợ chồng cùng đi
Anh đi chưa biết mua gì
Hay mua con lợn phòng khi cheo làng"
Khi đôi bên đã "tình trong như đã", mơ ước ngày cùng nhau "trăm năm đầu bạc", chàng liền hứa hẹn:
"Anh về thưa với mẹ cha
Bắt lợn đi cưới, bắt gà đi cheo
Đầu lợn lớn hơn đầu mèo
Làng ăn không hết, làng treo đầu đình
Ông xã đánh trống thình thình
Quan viên níu áo ra đình ăn cheo".
Cũng có những chàng không may bị từ chối, giận dỗi nên thốt lời trêu chọc:
"Chiều chiều lo bẩy lo ba
Lo cau trổ muộn, lo già hết duyên
Còn duyên anh cưới con heo
Hết duyên anh cưới con mèo cụt đuôi".
Mà cũng ngộ, chuyện cưới xin vốn dĩ chỉ giết gà mổ heo, can cớ chi lại lôi kéo "con mèo cụt đuôi" vào đây. Thế nhưng chẳng hiểu sao lại có các câu hát ru em rất ngộ nghĩnh như vầy:
"Gió đưa mụ đội lên dinh
Ông đội buồn tình xách nón chạy theo
Ông đội đòi cưới ba heo
Mụ đội đòi cưới con mèo cụt đuôi"
hay câu:
"Chừng nào cho lúa trổ bông
Chị đi lấy chồng em gặm giò heo
Giò heo chị để chị treo,
Em lấy giò mèo em gặm em chơi".
"Thân con gái mười hai bến nước, trong nhờ, đục chịu". Nếu lỡ lâm vào cảnh trái ngang thì cũng chỉ biết lén gạt lệ than thầm một mình:
"Bởi vì con heo nên phải đèo khúc chuối,
Bởi vì con muỗi nên phải thả màn loan,
Bởi vì chàng nên thiếp phải chịu đòn oan
Phụ mẫu nhà đay nghiến, thế gian chê cười"
"Mua heo lựa nái, mua gái lựa dòng", dẫu giầu nghèo giỏi dở gì một khi đã "lấy chồng phải gánh giang sơn nhà chồng". Vào thời còn sống nhờ vào nông nghiệp, chăn nuôi vốn là một nguồn thu nhập phụ trội cho gia đình, cho nên mới nẩy sinh ra thành kiến: "đàn bà không biết nuôi heo: đàn bà nhác". Thuở đó, người ta quan niệm rằng "đàn bà thì phải nuôi heo, thời vận đương nghèo nuôi chẳng đặng trâu". Bởi vì, "nuôi heo lấy mỡ, nuôi con ở đỡ chân tay" nên nếu "giầu nuôi lợn đực, khổ cực nuôi lợn nái". Dẫu rằng "nuôi lợn ăn cơm nằm" không đến nỗi vất vả như khi "nuôi tằm ăn cơm đứng", nhưng vẫn phải "vì đầu heo, gánh gốc chuối", "băm bèo thái khoai" chẳng được chễnh mãng, kẻo không lỡ mà "lợn đói một bữa bằng người đói cả năm" thì heo sẽ sụt cân, chậm bán.
"Mía ngọt tận bẻo, heo béo tận lông, cổ thờ mang gông, tay cầm lóng mía". Theo kinh nghiệm dân gian, khi mua thì phải xem "trông mặt mà bắt hình dong, con lợn có béo, cỗ lòng mới ngon". Và cần nhớ nằm lòng rằng "lợn đực chuộng phê; lợn sề chuộng chõm", nghĩa là heo đực mà béo thì được nhiều thịt, còn heo nái mặt dài (chõm) thì khéo nuôi con. Người ta cho rằng nuôi giống heo vùng Đất Đỏ rất có lợi nên mới nhắc đến trong câu vè:
"Mây Hòn Hèo
Heo Đất Đỏ
Mưa Đồng Cọ
Gió Tu Hoa
Cọp Ổ Gà
Ma Đồng Lớn"
Thấy người vất vả buôn thúng bán bưng thường rất dễ nẩy "lòng thương chị bán thịt heo, hai vai gánh nặng lại đèo móc cân". Nhưng không hẳn khi nào "lòng vả cũng như lòng sung, một trăm con lợn cũng chung một lòng", nếu tin lầm dân "đâm heo, thuốc chó" hay kẻ buôn bán gian ngoa theo kiểu "mượn đầu heo nấu cháo" thì không khéo lại lâm vào cảnh "lợn lành chữa lợn toi" hay "lợn lành thành lợn què"; hay thậm chí có khi phải dở khóc dở cười khi "lợn trong chuồng thả ra mà đuổi" tới độ "chạy xoạc móng heo" mà vẫn chẳng thu hồi được những gì đã trót dại dột bỏ ra.
Đôi khi dẫu đã có người chịu "nói toạc móng heo" về một điều gì đó cũng cần cân nhắc, kẻo không lại phí công tin vào những chuyện vớ vẩn, lãng xẹt kiểu "bói cho một quẻ trong nhà, chuồng heo ở dưới, chuồng gà ở trên". Ngoài ra, cũng cần phải cư xử sao cho thiên hạ khỏi có dịp chế giễu rằng "mèo theo thịt mỡ ồn ào, cọp tha con lợn thì nào thấy chi".
Theo kinh nghiệm, bao giờ "lợn đầu, cau cuối" nghĩa là heo đầu lòng sẽ lớn nhất, quả cau cuối cùng trong buồng luôn lớn hơn các quả khác. "Trâu teo, heo nở" và "lợn giò, bò bắp", ý nói thịt trâu nấu sẽ bị teo lại, còn thịt heo sẽ nở ra, chân giò heo ăn ngon nhưng nếu là thịt bò thì phải chọn phần bắp mới ngon. Tuy thịt heo sau khi biến chế thành nhiều món thơm ngon, hấp dẫn nhưng họ nhà heo vẫn bị thành kiến vì "ngu như heo", "bẩn như heo", "lười như heo". Nói chung, tất cả những gì xấu xí dơ bẩn, người ta đều cứ việc thản nhiên gán ghép cho họ nhà heo. Vì thế, chuồng heo vốn bị xem như một nơi rất dơ bẩn xập xệ.
Đôi khi tủi phận nghèo, người ta hay than rằng "bởi nghèo ở chơi chuồng heo, phải chi có của họ theo họ nhờ". Nhưng có người lại quan niệm rằng "ăn một bữa một heo, không bằng ngọn gió ngoài đèo thổi vô", nên họ chẳng thà "ở chuồng heo còn hơn theo quê vợ" vì họ được tự do, không bị gò bó câu thúc bởi quyền thế của một ai. Riêng với những người ham tật đèo bồng đa thê, đôi khi lại bị lâm vào cảnh trớ trêu dở khóc dở cười: "một vợ nằm giường lèo, hai vợ nằm chèo queo, ba vợ ra chuồng heo mà nằm". Thật đúng là "tham thì thâm" nên kẻ ham đèo bồng mới phải nếm mùi "cám treo, heo đói" như thế đó.
"Tiếng đồn An Thái, Bình Khê, nhiều tay võ sĩ có nghề tranh heo". Tương truyền, An Thái là một làng võ nổi tiếng thuộc huyện An Nhơn tỉnh Bình Định, có tục tranh heo. Mỗi năm đến ngày rằm tháng Bẩy, làng tổ chức hội giàn tại Chùa Bà. Trên giàn để các tế vật tam sinh gồm dê, gà và heo quay. Vào ngày thứ ba, khi hạ giàn, người chủ bái đứng từ trên giàn cao liệng con heo quay xuống. Nếu võ sĩ thuộc nơi nào giành được con heo đó sẽ là một vinh dự lớn cho cả vùng.
Nãy giờ lan man đủ thứ chuyện linh tinh, theo kiểu "heo chết không sợ nước sôi" đã quá dông dài, xin chấm dứt ở nơi đây. Kẻo lỡ "con quạ nó đứng chuồng heo, nó kêu bớ má bánh bèo chín chưa?" làm giông mất một năm mới thì nguy to. Xin kính chúc quý vị một năm Đinh Hợi an khang, thịnh vượng và vạn sự như ý.
Tứ Diễm - Jan 15, 2007
No comments:
Post a Comment