TABLE OF CONTENTS
▼
Saturday, 10 December 2011
Phiếm - Tản Mạn Về Nàng Miu Miu
Tản Mạn Về Nàng Miu Miu
Tứ Diễm
Thật tội cho họ nhà mèo. Trong khi từ chú chuột láu lỉnh, chàng trâu hiền lành đến cả bác lợn ụt ịt đều có địa vị chắc chắn trong mười hai con giáp thì họ nhà mèo phải dành với nhà thỏ để chiếm hàng thứ tư. Kể cũng lạ, thông thường giữa Việt Nam và Trung Hoa có rất nhiều điểm tương đồng, nhưng về lịch thì lại dị biệt. Nếu tính theo lịch Trung Hoa năm Kỷ Mão sẽ do chú thỏ trắng trị vì, nhưng theo lịch Việt thì là họ nhà mèo cai quản. Rắc rối quá nhỉ. Chẳng hiểu có khiến quý bạn sinh năm Mão cảm thấy phân vân vì không biết mình "cầm tinh" con gì: mèo hay thỏ ?
Theo khảo cổ học, mèo đã xuất hiện từ hơn mười triệu năm. Khởi thủy từ loài mèo rừng hoang dã, sau được thuần hóa trở thành gia súc thân thiết của loài người với tên gọi: cat, tabby, persian, siamese, mèo hoang (alley cat), mẹo, mãn, miêu, miu miu,.... Tuy nhỏ bé nhưng "vây cánh" của mèo khá "dữ dằn". Các loài sư tử, hổ (cọp), báo (beo), mèo rừng đều có bà con họ hàng với mèo. Tương truyền, cọp chính là cháu gọi mèo bằng cô. Nhờ mèo dạy dỗ nên cọp mới biết nhiều ngón nghề độc đáo như hiện nay. Về sau, vì mèo dấu không truyền "chiêu thức" leo cây nên cọp trở mặt, tính "nhẩm xà" bà cô yêu quý, khiến mèo phải dở chước thứ ba mươi sáu "tẩu vi thượng sách", bỏ rừng về sống cùng loài người. Phải chăng vì thế mà mèo sinh tật ưa dấu "mìn" sau khi giải tỏa "bầu tâm sự" ??
Mèo thuộc loại động vật bốn chân, ăn thịt, sinh và nuôi con bằng sữa. Thoạt nhìn, mèo khá giống cọp (cô với cháu mà lỵ) nhưng nhỏ bé hơn nhiều. Hình dáng cân đối, yểu điệu và "đẹp gái" với đầu tròn, khuôn mặt xinh xắn. Thân hình dài thon thả, ngực nở, eo thon. Đuôi dài mềm mại ve vẩy khiến dáng đi của nhà mèo thêm vẻ uyển chuyển. Bàn chân mèo có bốn ngón với móng nhọn sắc tự nhiên, không cần phải đi làm ... nails mỗi tuần. Nhờ có đệm nhún dưới bàn chân nên mèo bước rất êm, có thể giảm được sức chấn động khi bị ném hay té từ trên cao xuống. Dù bị mang tiếng "điệu", nhưng các nàng mèo đều không xỏ lỗ tai để đeo bông tòng teng, và cũng không tốn tiền mua mascara cùng lông nheo giả để làm đẹp cho đôi mắt tròn xoe đầy vẻ nai vàng ngơ ngác. Lông mi mèo ngắn, bị chìm lẫn trong bộ lông dầy bao phủ nên họ nhà mèo không biết "đá lông nheo". Bù lại, mèo có cặp lông mày khá dài tuy hơi thưa thớt, chỉ lơ thơ năm, bẩy sợi mỗi bên. Tai mèo rất thính, vành tai mềm mại, cử động được. Mũi mèo hơi hỉnh, nhưng rất ăn khớp với cái miệng nhỏ chúm chím, điểm thêm vài chục cọng râu mọc lún phún hai bên mép. Nghe nói chính nhờ bộ râu này mà mèo bắt được chuột. Cặp mắt mèo rất tinh, chẳng bao giờ phải đeo kính cận hay viễn thị dù rằng mèo ta ưa nhìn... chuột nơi thiếu ánh sáng. Thêm vào nữa, mèo còn có hai hàm răng nhỏ, trắng khá xinh, nhưng có lẽ vì thiếu chiếc răng khểnh làm duyên nên loài mèo không mỉm miệng cười duyên bao giờ. Nhìn chung, mèo có vẻ hiền lành nho nhã, nhưng chớ vội tưởng lầm, bởi vì "biết tay ăn mặn thì chừa, đừng trêu mẹ mướp mà xơ có ngày" (ca dao VN). Khi nổi cơn "tam bành lục tặc", mèo ta cũng "chằng" một cây. Lúc đó, chiếc miệng nhỏ chúm chím sẽ há to, bày rõ hai hàm răng nhọn sắc. Những chiếc móng nhọn thường cụp dưới lòng bàn chân, giờ được dịp xòe rộng để biểu diễn chiêu thức "miêu trảo thủ" khiến đối thủ phải ngán.
Mèo là loại "pet" rất được loài ngươi yêu thích, nhất là phái nữ. Tùy theo ý thích mà các giống mèo khác nhau được lai tạo nên. Có loại bắt chuột rất giỏi, có loại nuôi chỉ để làm cảnh. Thôi thì đủ kiểu, đủ mầu sắc, kích thước: từ loại đuôi xù, dài thậm thượt đến đuôi cụt lủn (Japanese Bobtail), từ lông dài lù xù đến không có lông, từ thuần một mầu trắng hay đen đến nhiều mầu sắc kết hợp đủ kiểu, từ lông thẳng đến lông quăn, dợn sóng. Để đơn giản, có thể tạm chia ra ba nhóm chính căn cứ theo bộ lông bên ngoài: mèo lông dài, mèo lông ngắn và mèo không lông (hairless). Thoạt trông, nhóm mèo lông dài có vẻ "xổ sữa", to gấp đôi nhờ bộ lông rậm, có thể dài đến 12.5 cm, với độ mượt khác nhau. Khi vuốt ve, ta có cảm giác như đang vuốt trên một tấm thảm len, vải hay là lu.a. Vào những tháng lạnh, nhờ bộ lông rậm và dài nên họ nhà mèo giữ được thân nhiệt. Khi thời tiết ấm áp, mèo liền thích ứng bằng cách rụng bớt một phần lông, khiến vóc dáng trông thon thả hẳn so với những tháng rét mướt. Nhóm mèo này thích hợp với những xứ lạnh, hiếm thấy tại các xứ nhiệt đới; bao gồm: dòng mèo Nonpedigree Persians bắt nguồn từ nước Thổ Nhĩ Kỳ vào đầu thế kỷ 15 với các loại Cream Classic Tabby, Cream Classic Tabby and White, Blue Mackerel Tabby, Black Tortie Smoke, Red Spotted, Brown Tabby, Silver and White, Calico, ... đến dòng mèo Angoras x Persians được lai tạo từ nước Anh vào những năm 1880s với các loại Cream, Lavender, Blue, Red, .. Và đặc biệt là loại mèo Red and White Long-haired Japanese Bobtail xuất hiện tại Nhật từ đầu thế kỷ 11. Phổ biến nhất là nhóm mèo lông ngắn, với vóc dáng thon gọn thấp thoáng phô bày dưới làn lông, khoe những bắp thịt cường tráng hay các đường nét uyển chuyển thanh tú. Bộ lông kết bởi những sợi tuy ngắn, nhưng rất đa dạng, có thể thẳng, gẫy khúc, quăn hay lượn sóng với độ dài ngắn và mượt mà khác nhau, từ mịn màng êm như nhung, đến thô nhám thích hợp với cả khí hậu nóng lẫn lạnh. Nhóm mèo lông ngắn bao gồm: dòng mèo Nonpedigree Shorthairs bắt nguồn từ nước Nhật vào những năm 1000s với loại Red and While Bobtail, tại nước Anh đầu thế kỷ 17 với các loại: Red Classic Tabby and White, Tortoiseshell, .... sang cuối thế kỷ 19 với loại: Blue and White, Black and White, Red Classic Tabby, Blue Classic Tabby,.. đến dòng mèo Tonkinese khởi nguồn từ nhóm mèo Burmese x Siamese tại Burma (Myanmar) vào những năm 1930s gồm các loại: Honey Mink, Platinum Mink, Blue Mink, ... Độc đáo và hiếm nhất là nhóm mèo không có lông (hairless) xuất hiện khởi nguồn từ Pháp và Mễ, nhưng không thể phát triển. Mãi đến năm 1966, qua một quá trình chọn lọc khá công phu và lâu dài mới tạo nên được giống mèo không lông Sphynx tại Canada, gồm có loại mèo Brown and White, và Black and White. Một điểm đáng chú ý: khi mới sinh mèo con giống Sphynx cũng được bao phủ bởi một bộ lông dầy. Nhưng rồi, càng lớn, lớp lông càng ngắn dần đến khi hầu như biến mất.
Nếu "trông mặt mà bắt hình dong" thì họ nhà mèo có ba loại khuôn mặt chính: tròn, trung trung và tam giác. Trông có uy nhất là nhóm mèo lông dài, đuôi xù Cream, Red, Lavender, Blue với khuôn mặt tròn trịa, đôi má phinh phính bánh đúc, sống mũi tẹt lét và có vẻ hơi "bà la sát" vì mắt, mũi, miệng gần sát nhau, đôi tai tròn nhỏ và nằm sát vào đầu. Tuy cũng thuộc loại "khuôn trăng đầy đặn", nhưng nhóm mèo lông ngắn Blue and White, Black and White, Red and White Japanese Bobtail trông xinh hơn nhờ tỷ lệ mắt mũi miệng khá cân đối. Nhóm mèo lông ngắn Honey Mink, Platinum Mink, Blue Mink thuộc loại trán rộng, cằm nhọn, khuôn mặt hình tam giác đều với mắt mũi miệng đều đặn nên xinh "gái" hơn nhóm mèo lông dài mặt tam giác. Chủ trương theo phái "trung dung" là nhóm mèo lông dài Cream Classic Tabby, Cream Classic Tabby and White, Blue Mackerel Tabby, Red Spotted, Brown Tabby, Silver and White, Calico và nhóm mèo lông ngắn Blue Classic Tabby, Red Classic Tabby, Red Classic Tabby and White, Tortoiseshell với khuôn mặt lưng chừng giữa tròn và tam giác, mắt mũi miệng cân đối. Đôi tai dài, rộng, vểnh và cách xa nhau tạo nên một nét duyên dáng riêng biệt.
Theo kinh nghiệm dân gian, khi vạch miệng mèo nhìn vào xương hàm trên sẽ thấy có nhiều ngấn, thường gọi là "khứa". Mèo càng nhiều khứa thì càng bắt chuột giỏi. Tương truyền, mèo có chín khứa là chúa của loài mèo, không những khiến dòng họ nhà chuột phải "kính nhi viễn chi" mà ngay cả các chàng, nàng mèo hàng xóm cũng phải nể vì. Có người bảo khi túm lấy gáy xách bổng lên, mèo giỏi bắt chuột sẽ co tròn bốn chân và cụp đuôi vào sát mình; mèo hay ăn vụng sẽ xoè rộng chân và đuôi. Ngoài ra, nếu để ý kỹ, mèo giỏi bắt chuột luôn giấu kín đuôi lúc nằm rình còn mèo vụng luôn ưa ve vẩy chiếc đuôi để... đập ruồi. Có người còn tin rằng mèo mũi hồng thường chỉ chuyên ăn vụng, chỉ có mèo mũi đen mới giỏi bắt chuột. Dù chăm hay lười, họ nhà mèo đều siêng "tắm", nhất là vào những ngày nắng, ấm áp. Cứ thử để ý mà xem cũng hay hay. Này nhé, thoạt tiên nàng ta thong thả.... liếm lần lượt từng bàn chân cho đến khi thật sa.ch. "Rửa" chân xong, nàng liền "rửa mặt" bằng cách liếm lên chân, rồi đưa chân quẹt qua lại trên mặt. Sau đó, nàng bắt đầu "tắm" bằng cách liếm từ từ từng phần lông trên cơ thể cho đến khi tất cả đều sạch như ly, như lau thì mới ngưng. Kể cũng vui, "rửa mặt như mèo" ngỡ là dơ. Ấy vậy mà, tuy ráng "bới lông tìm vết", cũng chẳng tài nào tìm được một gợn bẩn trên bộ lông luôn óng mượt của họ nhà mèo. Dẫu là cô ruột, nhưng mèo không tỏa "hương gây mùi nhớ" như hổ. Khi nào mèo cũng sạch sẽ, thơm tho, hai hàm răng luôn trắng tinh. Dù chẳng đánh răng, súc miệng và đi nha sĩ clean răng bao giờ, loài mèo vẫn không bị sâu răng và hôi miệng. Ngoài ra, nhà họ mèo còn là những kiện tướng bơi lội rất cừ. Nhưng vì ngại tốn công làm đẹp lại bộ lông, nên mèo ta sinh ra ghét nước như... con gái ghét mụn trứng cá vậy..
Chẳng hiểu tại sao người ta thường tin rằng loài mèo có đến... chín mạng. Phải chăng vì mèo ít bệnh tật và sống dai? Mà quả thật, sức chịu đựng của mèo khá bền bĩ. Mèo có thể bị ném từ trên lầu cao trên 8 mét xuống mà vẫn bình yên. Quan sát kỹ, người ta nhận thấy dù trong bất cứ trường hợp nào, mèo cũng quẫy chân, lộn người lấy thăng bằng cho bốn chân chạm đất cùng một lúc rồi nhờ đệm nhún ở dưới lòng bàn chân giảm bớt sức chấn động khi va chạm. Tuy nhiên, theo thống kê, những chàng, nàng mèo sống tại tầng hai hay ba của các chung cư vẫn có thể bị nguy hiểm hay thậm chí bị "tử nạn" khi... nhảy lầu vì không đủ thời gian để chuẩn bị tư thế. Ngoài ra, mèo còn có thể nhịn đói một thời gian dài hay bị xe đạp cán ngang bụng mà vẫn không sao. Đó là chưa kể đến bao nhiêu vi trùng, vi khuẩn đủ các loại đã xâm nhập vào cơ thể sau mỗi lần mèo "tắm rửa". Phải chăng "ở bẩn, sống lâu" là thế đó ?
Theo quy ước, ta có thể tính tuổi "mèo" như vầy: mèo được 10 tuổi sau sáu tháng đầu, 15 tuổi sau sáu tháng tiếp theo, và thêm 4 tuổi sau mỗi năm kế tiếp. Tuổi thọ trung bình của mèo khoảng từ 11 đến 12 năm (nếu tính theo "tuổi của nhà mèo" thì khoảng từ 55 đến 59 tuổi). Một số có thể sống đến 18 năm (83 tuổi) hay lâu hơn nữa. Nói chung, mèo nhà thường sống lâu hơn mèo hoang, có lẽ nhờ được bảo vệ và chăm sóc chu đáo.
Khi vừa cất tiếng meo meo chào đời, mèo con thường được gọi chung là kitten. Sau đó, tùy theo hình dáng, đặc điểm riêng hay ý thích của chủ mà được đặt tên, chẳng hạn như: Sheba, Flea Bag, Pussycat, Queen, Dip Stick, Snowy, Kitty, Miu Miu, Meo Meo, Minu, Baby, Basil, Buzz, Dusty, Gizmo, Mookie, Minou, Princess, Pumpkin, Sugar, Soma, Whiskers, ... Có người còn đặt tên theo sắc lông như: Mun (lông đen tuyền), Bạch (lông trắng tinh), Vằn (nhị thể vàng trắng), Mướp, Smokey (lốm đốm xám tro và đen), Nhuôm (mầu sắc hỗn hợp), Tam (tam thể vàng trắng đen), Mai Hoa (mình đen, bốn chân có lông trắng), Cộc (mèo cụt đuôi), ... Trong vòng sáu tháng đầu (dưới 10 tuổi "mèo"), trẻ con mèo rất nghịch ngợm và háu ăn. "Nữ thập tam, nam thập lục", các nàng thường "dậy thì" vào lứa tuổi 13, 14 (khoảng 6 đến 8 tháng); trong khi chàng mèo phải sau 15 tuổi (sau 11 tháng) mới bắt đầu "trổ mã". Khi "tình yêu vẫy gọi", mèo ta hay cất tiếng... gào những bản tình ca bất hủ của họ nhà mèo vào lúc đêm khuya, khiến người yếu bóng vía phải giật mình thon thót. Mèo cái mang thai khoảng hai tháng rưỡi thì chuyển dạ, mỗi lứa thường sinh hạ được từ ba đến bẩy mèo con. Mèo mẹ thường tìm những chỗ khuất để sinh nở, sau đó mới tha con mang ra "trình diện" với chủ. Tương truyền, mèo thường dấu cái "nhau" rất kỹ. Nếu ai được mèo tặng "nhau" thì sẽ phát tài. Vài ngày sau, mèo sơ sinh mới bắt đầu mở mắt nhìn cuộc đời và nghịch phá. Mèo thường dứt sữa lúc xấp xỉ khoảng một tuổi (từ năm đến bẩy tuần sau khi chào đời), và tập tành liếm láp thức ăn để học làm... mèo. Khi mèo con đủ cứng cáp, đây là lúc bị tách khỏi bầy để về nhà chủ mới. Phải chăng mèo cũng biết nhớ, biết thương, cũng có cảm xúc nên tiếng mèo mẹ gọi con cùng tiếng mèo con gọi mẹ nghe rất não nùng, tha thiết? Lúc thành "người nhớn", mèo ta điềm đạm, chững chạc hẳn lên, đi đứng uyển chuyển khoan thai ra phết và sinh tật làm dáng. "Người nhớn" mèo ưa ra vẻ trầm ngâm tư lự như đang bận suy nghĩ chuyện chi cao siêu lắm. Đôi lúc, lại tỏ vẻ ngơ ngác rất ngây thơ.... cụ khiến nhà mèo bị "chụp mũ" là đạo đức giả. Khi già cả, mèo ta càng đăm chiêu, điềm đạm hơn, thường ưa tìm những nơi vắng vẻ, tĩnh mịch để nằm chờ lúc "về với tổ tiên", không muốn quấy rầy đến chủ. Ấy thế mà, chẳng hiểu sao người ta thường bảo: "mèo già hóa cáo", khiến loài mèo phải chịu tiếng oan.
Có rất nhiều huyền thoại về loài mèo. Thuở xa xưa, mèo được xem như một linh vật với nhiều phép thuật kỳ bí, thậm chí còn được tôn thờ như thần linh tại một số nước. Nữ thần Bastet có khuôn mặt mèo. Ở Ai Cập lúc xưa, mèo còn được ướp xác (mummies) và chôn giữ trong các kim tự tháp. Tại Ấn Độ ngày trước cũng thờ thần mèo Sastht vì theo đạo Hồi mèo được xem là tinh khiết, trong khi chó bị chê là dơ. Rất nhiều truyền thuyết bí ẩn được lưu truyền xoay quanh dòng họ mèo. Nhất là với loại mèo mun, sắc lông đen tuyền, thường bị gán ghép có liên hệ với các tay phù thủy, tà thuật. Chẳng hiểu căn cứ vào đâu mà nảy sinh lời đồn rằng nếu người vừa chết, bị mèo đen nhảy ngang thì sẽ biến thành... quỷ nhập tràng. Có người còn tin rằng mèo đen chuyên mang đến điều xui xẻo, nên mới có câu "thấy mèo đen chạy ngang đường, nếu không sứt trán, cũng vẹo xương sái hàm". Thôi thì trăm điều tội lỗi đều đem gán cho đám mèo mun. Quả là bất công, phải không ?
Do hình dáng mỹ miều, dáng vẻ ngây thơ vô... số tội, loài mèo đã gợi nguồn cảm hứng để tạo nên những bức tranh, những tấm hình nghệ thuật độc đáo đầy vẻ dễ thương, ngộ nghĩnh. Một trong những bức tranh mộc bản rất được ưa chuộng là tấm miêu tả cảnh đám cưới chuột, nhưng vẫn thể thiếu sót việc mang cá biếu thầy đồ mèo để... hối lộ Mèo còn được in hình lên những tấm áo T-shirts, chạm khắc thành các món nữ trang, đồ trang trí, quà tặng xinh xắn, đồ chơi, thú nhồi bông,.... Bên cạnh đó, mèo được chọn làm "người mẫu" cho nhiều quảng cáo trên báo, trên truyền hình. Thậm chí, mèo còn là nhãn hiệu chính cho giấy kleenex và bathroom tissue hiệu Royal nữa. Rải rác trong các tác phẩm nghệ thuật, những câu truyện ngụ ngôn, cổ tích từ Đông sang Tây đều có bóng dáng của họ nhà mèo. Chẳng hạn như truyện cổ tích Con Mèo Đi Hia của C. Perrault, truyện nhi đồng Làm Mèo Không Phải Dễ, truyện cổ dân gian Vì Sao Mèo Bắt Chuột, Mèo và Chó, Công Chúa Mèo, Mèo Lại Hoàn Mèo, truyện ngụ ngôn Mèo, Thỏ và Con Lon (Chồn Nhỏ) (The Cat, the Hare and the Weasel) của La Fontaine, vở kịch Cat On a Hot Tin Roof, trong một số phim hoạt hình của Walt Disney, các truyện về loài vật của Tô Hoài,...Trong Thất Kiếm Thập Tam Hiệp (truyện Từ Minh Cao đời Minh), có cuộc tỷ võ và đấu trí giữa Ngọc Diện Miêu Triển Hùng Phi và Cẩm Mao Thử Bạch Ngọc Đường. Về sau, nhờ Từ Minh Cao giảng hòa mà hai người kết bạn tri kỷ. Câu "ly miêu hoán chúa" dẫn tích từ việc Lý Thần Phi đời nhà Tống hạ sinh hoàng nam, nhưng bị hoàng hậu đem mèo vào tráo để vu oan là sinh quái thai, phải chịu lưu lạc dân gian, khổ sở suốt mười mấy năm. Sau nhờ Bao Công tra án Quách Hoè (là thái giám đồng mưu với hoàng hậu trong việc tráo đổi) mới giải được oan tình. Trong các truyện liêu trai, thần thoại, nhà họ mèo cũng được nhắc đến như những nét chấm phá tạo thêm vẻ huyền bí cho câu chuyện. Và có lẽ sẽ rất thiếu sót nếu ta quên nhắc đến nàng Cat Woman (trong phim Batman Returns), Aristocats, Victor (Victor and Company), Tom, Sylvester, Chesire,.. của Walt Disney, chú mèo Pussy Galore của James Bond, HealthCliff, Riff-raff, Felix the Cat, chú mèo lười Garfield, Kitty của Nhật Bản,... Nói chung, trong phim ảnh Tây Phương, nhà mèo được chia làm hai loại trái ngược: chính và tà. Đại diện cho phe ác là chú mèo Azrael của phù thủy Garamel (khắc tinh của dân Xì Trum - Smurfs), Muff (Inspector Gadget), chú mèo béo phị của dì cô bé Lọ Lem, Snarf (Thundercats),.... Thuộc nhóm hiền lành khù khờ thì có: chú mèo Tom chuyên môn bị chàng chuột Jerry bắt nạt (Tom & Jerry), mèo Chesire của cô bé Alice (Alice in Wonderland), chú mèo khờ Sylvester bị Tweety quay như... dế (Sylvester & Tweety),.... Bóng dáng dòng họ mèo còn thấp thoáng qua nhiều câu hát ru con, ca dao, đồng dao, vè. Từ những câu thường nghe như:
"Mèo khen mèo dài đuôi
Chuột khoe chuột nhỏ dễ chui, dễ trèo"
Mèo nằm giàn bếp vểnh râu.
Thấy bầy chuột, lắc đầu, kêu: "Ngao".
Con mèo, con mẻo, con meo
Muốn ăn thịt chuột thì leo xà nhà
Con mèo, con mẻo, con meo
Ai dạy mày trèo, mày chẳng dạy tao
Con mèo, con chuột có lông
Cây tre có mắt, nồi đồng có quai
Con mèo mà trèo cây cau,
Hỏi thăm chú chuột đi đâu vắng nhà.
"Chú chuột đi chợ đường xa,
Mua mắm mua muối giỗ cha chú mèo".
Cái ngủ mày ngủ cho lâu
Mẹ mày đi cấy ruộng sâu chưa về
Bắt được con trắm, con trê
Xách cổ mang về cho cái ngủ ăn
Cái ngủ ăn chẳng hết
Để dành đến Tết mồng Ba
Mèo già ăn vụng
Mèo ốm phải đòn
Mèo con phải vạ
Con quạ có lông
Nồi đồng có nắp"
đến những câu tuy ít nghe nhắc đến, nhưng cũng thật ngộ nghĩnh:
"Còn duyên, anh cưới ba heo
Hết duyên anh cưới con mèo cụt đuôi
Chị lấy chồng, em gặm giò heo
Giò heo chị để chị treo
Em lấy giò mèo, em gặm em chơi
Con đỉa đeo bà
Con gà cục tác
Mỏ nhác cầm chèo
Con mèo cầm lái
Con rái chạy buồm
Con tôm tát nước..."
Có người còn lắt léo nói lái đặt ra câu đối dí dỏm "con mèo cụt nằm trên mụt kèo" hay dùng mèo làm đề tài để đặt các câu đố; thí dụ như: "đi thấp, đứng thấp, ngồi thì cao; đố là con gì?",vv...vv... Ngoài ra, mèo còn được nhắc đến qua nhiều thành ngữ thông dụng như: "rain cats and dogs" ám chỉ mưa nặng hạt., "let the cat out of the bag" ý nói tiết lộ một điều bí mật, "nói chuyện mèo đẻ ra trứng" hàm ý chế riễu kẻ nói láo trên trời dưới đất, không tin được, "mèo khen mèo dài đuôi" chỉ người ưa tự khoe về cái "tôi", "đồ ăn mèo ngửi" ngụ ý chê thức ăn ít. Câu "mèo nhỏ bắt chuột con" khuyên ta nên tự lượng sức, kẻo không sẽ chẳng nên việc gì vì "mèo cào không xẻ vách vôi". Kẻ hay lăng nhăng, tư cách không đứng đắn thì bị chê là tuồng "mèo mả, gà đồng" hay nặng hơn nữa: "mèo đàng, chó điếm". Câu "mèo mù vớ cá rán" (tương tự như "chó ngáp phải ruồi") ngụ ý nói việc gặp may bất ngờ. Nét chữ xấu thì bị chọc là "chữ viết như mèo quào". Để diễn tả thái độ thèm thuồng, háo hức quá lộ liễu, người ta hay ví von: "như mèo thấy mỡ". Câu "mèo già hóa cáo, táo già hóa thần chủ" thì đồng nghĩa với "sống lâu lên lão làng". Khi bực bội nhưng thay vì nói thẳng, một số người lại ưa "mắng mèo, chửi chó" để người nghe tự hiểu. Thấy cảnh vợ chồng chia tay nhau, người hàm hồ chưa hiểu rõ đầu đuôi đã vội vã dè bỉu một cách chủ quan rằng: "mèo lành ai nỡ cắt tai, gái kia chồng rẫy khoe tài chi em". Chẳng hiểu khi không tại sao nhà mèo lại bị cắt tai nữa, phải chăng là "heo lành" mới đúng ? Để chế riễu người thiển cận, nhát gan chỉ biết bắt nạt kẻ yếu hơn, ca dao có câu:
"mèo tha miếng thịt xôn xao,
kểnh tha con lợn thì nào thấy chi"
hay
"mèo tha miếng thịt thì đòi,
cọp tha con lợn mắt coi chừng chừng"
Có lẽ vì "cái đẹp đè dẹp cái nết" nên dù người ta vẫn tin rằng: "mèo đến nhà thì khó, chó đến nhà thì sang", nhưng mèo vẫn thường được ưu đãi, chiều chuộng hơn? Nhờ bộ mã tinh tươm, mèo không bị xếp vào loại "ở bẩn như chó", thường được phép "ăn trên, ngồi chốc" trong lúc chó phải lủi thủi xó nhà hay góc hè. Mèo luôn được xem là khôn lanh, thích làm nũng, ưa nịnh và cũng rất khéo nịnh chủ. Khi làm nũng, mèo thường dụi dụi đầu hay thân mình vòi vĩnh chủ bế hay vuốt ve, nựng ni.u. Lúc muốn vòi ăn, nàng ta se sẽ khều chân chủ đồng thời kêu nho nhỏ than đói. Khi phạm lỗi bị chủ bắt quả tang, không trốn được thì mèo ta liền tỏ vẻ ủ rũ, rất đáng thương khiến chủ mềm lòng không nỡ trừng phạt. Thông thường, mèo rất khôn luôn tìm cách rời bỏ "hiện trường" ngay sau khi xảy ra "sự cố" để chạy tội. Thậm chí, có khi còn khiến cho chó phải chịu oan ức:
"Con mèo đập bể nồi rang,
Con chó chạy lại nó mang cái đòn.
Con mèo đập bể nồi bầu,
Con chó nó rầu; nó bỏ, nó đi."
(Ca dao VN)
Phải chăng vì thế mới nẩy sinh sự hục hặc giữa chó và mèo khiến người ta hay ví von: "cãi nhau như chó với mèo". Mối liên hệ giữa mèo và chuột lại càng tệ hơn nữa. Dù trong các truyện hoạt họa của Walt Disney, do "mèo già lại thua gan chuột lắt" nên các chàng mèo khờ khạo ưa bị bầy chuột tinh ranh "xỏ mũi dắt đi", nhưng trong thực tế thì trái ngược lại. Chuột đã được xếp vào loại "thực phẩm tươi sống" của loài mèo từ thời... Thượng Cổ rồi. Bởi thế, họ nhà chuột thường run "như thần tử thấy long nhan" (1) mỗi khi nghe tiếng mèo kêu. Nghĩ cũng lạ, vì mặc dù không bị đói khát, nhưng mèo vẫn ưa thích bắt chuột. Lắm bận, mèo phải tốn rất nhiều thì giờ chỉ để bắt mỗi một chú chuột nhắt oắt tì. Cứ ngỡ mèo ta sẽ vồ lấy chuột ăn ngay tức khắc. Ấy nhưng không. Mèo chỉ hờ hững dí nhẹ một chân lên mình chuột, đoạn uể oải dí mũi sát vào chuột hít hà vài cái. Dọa cho chuột sợ run cả người, xong mèo lại ngửng đầu lên lơ đãng ngó quanh lim dim mắt mơ màng. Rồi bất chợt, mèo khẽ nhấc chân lên cho chuột chạy. Chà, chẳng lẽ mèo chợt thấy "từ bi bất ngờ" nên tính "tha Tào" cho chuột hay chăng ? Đừng nghĩ vậy mà lầm chết. Hãy xem kìa, thoắt cái mèo ta đã liệng bỏ cái dáng vẻ mơ màng, lẹ làng nhảy tới chụp gọn chú chuột vào chân. Chụp cho... vui vậy thôi, chứ chưa ăn vội. Cứ thế, mèo tiếp tục bắt rồi thả, xong lại bắt. Vờn mãi đến khi nào chuột mệt đứ đừ và trò đùa cũng đã nhàm thì mèo mới chính thức... nhập bữa tiệc thịt chuột. Phải chăng chính vì vờn chuột là một trò giải trí lý thú nên mèo mới siêng bắt chuột đến thế? Quả mèo là tay "câu giờ" có hạng. Nhưng nói nào ngay, cái tính ưa điệu hạnh vốn là tật bẩm sinh trời ban cho loài mèo. Cho dù đói đến mức độ nào đi nữa thì họ nhà mèo cũng vẫn lững lờ lượn vòng quanh năm bẩy bận rồi mới bắt đầu chậm rãi ăn. Đúng như câu: "mèo muốn ăn nhưng cứ vòng bên này, lượn bên nọ". Đã vậy, mèo lại rất khảnh ăn nên người ta hay ví von "nữ thực như miêu" hay "mèo uống nước bể chẳng bao giờ cạn". Ngoài món thịt chuột ra, mỡ và cá là hai món rất hợp khẩu vị loài mèo. Do đó, nếu không chịu nhớ câu "chó treo, mèo đậy", mà để "mỡ treo miệng mèo" hay để thức ăn ơ hờ khiến cho "mèo mù vớ cá rán" thì vừa bị mất của, vừa bị bực mình. Đôi lúc trẻ nhỏ trong nhà ăn vụng thức ăn, nhưng chủ lại nghi ngờ cho mèo khiến mèo phải chịu tiếng oan. Tuy được xếp vào loại động vật ăn thịt, nhưng thật ra mèo cũng thích ăn các loại ngũ cốc, rau quả, bánh trái. Đặc biệt, mèo rất thích ăn bánh trung thu và rượu nếp nữa. Nhóm mèo ngoan thường khảnh ăn. Còn những chàng mèo "bán trời không cần văn tự" thì khỏi chê. Tuy lười bắt chuột, nhưng các cậu lại rất chăm bắt chim, bắt bướm, cào cào, châu chấu,.. Thậm chí, có chàng còn bắt và ăn cả... gián, nhện nữa mới khiếp chứ. Phải chăng nhờ thế mà loài mèo có hệ thống tiêu hóa rất tốt, đặc biệt là ruột. Vào thời xưa, ruột mèo thường được dùng làm dây đàn dương cầm (piano) và vỹ cầm (violin). Về sau, nhờ khoa học ngày càng tiến bộ cộng thêm sự tranh đấu của các hội bảo vệ súc vật, nên loài mèo khỏi phải "hy sinh vì nghệ thuật". Lông mèo đẹp và óng ả có thể dùng để làm cọ vẽ, may găng tay, hay đem thuộc để nhồi lông đem trưng làm cảnh. Trẻ con nghịch ngợm thường ưa thích vuốt lông mèo trong bóng tối để thấy những tia sáng xanh do hiện tượng tích điện xảy ra. Thịt mèo nghe nói tanh và hơi dai, nhưng nếu khéo tay nấu nướng thì cũng thành món nhậu lý tưởng cho người ưa nếm món lạ. Ngoài tài bắt chuột ra, mèo còn được nuôi làm cảnh cho đẹp nhà và làm bạn với loài người. Khi trời lạnh, mèo mang thêm hơi ấm áp. Lúc buồn, mèo biết cách làm nũng, hay an ủi giúp chủ giải khuây. Với nhiều ưu điểm như vậy, nên chẳng lạ chi khi mèo được loài người yêu chuô.ng.
Ở các nước tư bản, mèo được xếp vào một trong các loại pets đứng hàng đầu. Ôi thôi, cơ man nào mà kể những tiện nghi xa xí được sản xuất để cung phụng cho loài mèo. Mỗi con mèo đều có tên tuổi, "lý lịch cá nhân" rành mạch, có cả bảo hiểm y tế nữa chứ. Ốm đau đã có bác sĩ chăm nom, thuốc men đầy đủ. Thức ăn hàng ngày với đầy đủ chất dinh dưỡng được đóng gói trong các hộp, bao, lon đẹp mắt vệ sinh. Mèo được chủ chăm sóc rất chu đáo, tắm chải bộ lông cho mượt mà, không để một con bọ, con ve nào lẩn trốn trong đó. Ăn thì trong các đĩa, chén xinh xắn. Chỗ ngủ, nơi vệ sinh cũng riêng biệt, sạch sẽ. Đó là còn chưa kể đến những món trang sức để điểm trang cho mèo thêm xinh xắn, những món đồ chơi dành riêng cho loài mèo. Tưởng rằng tiên trên trời cũng chưa sướng bằng loài mèo bên đây nữa chứ. Ấy vậy mà nhiều khi phải "ở trong chăn mới biết chăn có rận", những nỗi khổ của mèo ta thử hỏi có mấy ai chú ý đến. Này nhé, trời thương sinh cho mèo bộ móng nhọn để làm... duyên và tự vệ. Khi buồn buồn hay ngứa móng thì mèo lại xoè móng ra cào cho... vui. Thế nhưng nếu chủ mèo cảm thấy ngại, không muốn mèo làm hư những món đồ đạc đắt tiền trong nhà thì mèo sẽ được (hay là bị?) đem đến nhà chuyên môn để... rút móng. Mọi việc đơn giản và gọn lẹ vô cùng. Chỉ tội cho mèo, khi cần tự vệ thì, hỡi ơi, móng đâu còn nữa để giúp mèo dọa đối phương? Rồi khi chủ đi làm việc, mèo phải quẩn quanh một mình trong nhà suốt từ sáng sớm đến tối. Chẳng có bạn để nô đùa, cũng chẳng có chuột để bắt giải khuây. Cứ ăn chán thì ngủ, xong lại ăn. Chả trách sao dòng họ mèo bên đây khá nặng ký. Đôi phen, khi chủ đi làm, mèo lanh chân lẻn được ra ngoài để "ngao du" cho biết đó biết đây với thiên hạ. Nhưng lúc đã mệt đừ, muốn vào nhà để đánh giấc nồng thì mới hay cửa nẻo khóa kín. Mèo ta đành lủi thủi chịu đói, khát, lạnh lẽo đợi đến khi chủ về. Đó là chưa kể đến chuyện bị một chú chó nào đi ngang qua dọa nạt làm mèo sợ run bắn cả người, nhưng không còn móng để cào cho chó sợ hay để giúp mèo bám vào những nhánh cây trơn trợt mà ẩn trốn. Ngoài ra, các chàng mèo rất dễ có nguy cơ bị biến thành... "thái giám" nếu chủ không muốn gặp phiền phức khi chàng ta "dậy thì". Ở quê nhà, mèo tuy không được hưởng nhiều tiện nghi như bên đây. Nhưng bù lại, họ nhà mèo được tự do rong ruổi kết bạn cùng đám mèo hàng xóm suốt cả ngày, tha hồ tung tăng chạy nhảy, nô đùa, khỏi bị "kế hoạch hóa",..... Chẳng hiểu nhà mèo thích sống theo cách nào hơn nhỉ?
Nói chung, mèo luôn chiếm được cảm tình của phái nữ nhiều hơn phái nam. Ngoại trừ, loài "mèo.... hai chân" thì trái ngược, lại là kẻ thù "không đội trời chung" với các bà hiền thê. Loại "mèo" này đẹp lộng lẫy, duyên dáng, ưa làm dáng, làm điệu và làm nũng. Tuy không có đuôi, nhưng "mèo hai chân" lại ưa chuộng được vuốt ve theo kiểu "mèo khen mèo dài đuôi" và thích thú khi thấy... "đuôi" dài thậm thượt lẽo đẽo theo sau mỗi khi nàng ta dạo phố.
Ngoài ra, còn có một số "mèo" nữa nhưng không có liên hệ họ hàng với nhà họ mèo Với những ai ưa nghịch ngợm chắc hẳn không xa lạ gì với trái "mắt mèo", đụng trúng vào da thì sẽ bị ngứa ngáy rất khổ sở. "Nấm mèo" (mộc nhĩ) tuy hình dáng đen thui, nhăn nheo nhưng lại ròn, nên được dùng làm gia vị cho khá nhiều món ăn. "Lộn mèo" thường dùng để diễn tả cách cuốn cong mình lại rồi lộn ngược lại. "Như tại địa phương có câu tục ngữ: "Nác khe mèo, beo làng Rọng", (những con suối phát xuất từ vùng Tân lâm, Khe sanh đầu nguồn của con sông Vĩnh định, có con suối mang tên là"Khe mèo" vì nước suối trong vắt, đứng trên bờ có thể nhìn xuyên suốt dưới lòng khe, thấy được sỏi cát nằm dưới đáy, nước trong đến thế cho nên mới gọi là suối trong như mắt mèo, thế nhưng khi múc nước đem đun sôi thì nước ấy lại biến thành màu tím nhạt, nước uống rất độc." (trích Câu Hò Thôn Dã của Đan Hà).
"Cú mèo" là loại chim sống về đêm. Có người tin rằng cú mèo chuyên mang đến điềm xui xẻo. Còn chữ "tuyệt cú mèo" (dường như do nhà văn Duyên Anh sáng tạo) có thể hiểu nôm na như tuyệt hảo. Ngoài ra, còn có dân tộc thiểu số người "Mèo" thuộc dòng Bách Việt, gồm nhiều giống khác nhau dựa theo mầu áo, như: Mèo Đen, Mèo Đỏ, Mèo Xanh, Mèo Hoa và Mèo Núi (hay còn gọi là Mèo Cao, vì họ ở cao nhất). Dân tộc "Mèo" hiện sống rất lạc hậu tại các vùng núi non cao trên 900 m thuộc miền thượng du phía Bắc. Chẳng hiểu tại sao người ta lại dùng chữ "copycat" để chỉ những kẻ chuyên "cầm nhầm" bản quyền của người khác, vì loài mèo đâu có giỏi bắt chước bằng.. khỉ chứ. Trong tử vi Đông Phương, sao Mão là một vì sao trong nhị thập bát tú, chi Mão là chi thứ tư trong 12 chi. "Điểm mão" là điểm danh các quan vì bắt đầu chầu từ giờ Mão (từ 5 đến 7 giờ sáng). "Ứng mão" là nghe gọi đến tên thì cất tiếng đáp. "Mão tụ" để chỉ sổ sách. "Tỉ mão" là lập kỳ hạn để thu tiền lương, so sánh nhiều ít.
Chẳng hiểu tại sao người ta lại bảo: Tý, Ngọ, Mẹo, Dậu là tứ hành xung. Nghĩa là người cầm tinh bốn tuổi này sẽ kỵ với nhau. Đặc biệt, người tuổi Dậu là đại kỵ với người cầm tinh con meo meo. Kể cũng buồn cười, mèo và chuột kỵ nhau đã đành. Can chi lại phải lôi kéo luôn cả ngựa và gà (vốn sống cách biệt với nhà họ mèo) vào... "vòng chiến" nhỉ? Trong khi đó, Hợi, Mão, Mùi lại được xem là tam hợp. Theo lịch tử vi, người cầm tinh con mèo tính nhạy cảm, thích hòa bình, yên tĩnh và cũng ưa thích làm dáng, làm điệu, dễ thương "như con mèo ngái ngủ trên tay anh" (2).
Chi Mão và can Kỷ đều thuộc cung âm nên thuận lợi cho phái nữ. Năm Kỷ Mão thuộc hành Thổ, sẽ là một năm có những biến chuyển bất ngờ khó đoán trước. Trong năm nay, người còn độc thân sẽ chú ý mong muốn có được mối liên hệ tình cảm lâu dài hơn là những chuyện tình thoáng qua. Nếu có sao Hồng Loan, Đào Hoa, và Thiên Hỷ hay Hỷ Thần chiếu mệnh thì chắc chắn sẽ lên xe hoa đi xây "lâu đài tình ái" với "nửa kia". Người đã lập gia đình sẽ quan tâm nhiều hơn đến chuyện gia đình, con cái. Và còn nhiều, nhiều điều thú vị bất ngờ nữa sẽ xảy ra trong năm 1999 này, nhưng xin phép được tạm ngưng lời đoán... mò nơi đây. Nếu lỡ không trúng được phần nào, mong xí xóa thông cảm dùm. Mến chúc quý vị một năm mới an khang, thịnh vượng và may mắn.
Tứ Diễm
Nov. 17, 1998
(1) trích bài "Ave Maria" của Hàn Mặc Tử
(2) trích bài "Nga" của Nguyên Sa
No comments:
Post a Comment