TABLE OF CONTENTS

Monday, 17 March 2014

Thơ & Đoản Khúc - Bà Ơi

Thời gian qua nhanh quá.   Mới đó mà lại đến ngày giỗ Bà Nội.   Tứ Diễm thức dậy từ rất sớm để làm nhiều món chay cúng Bà.   Lòng bồi hồi khi nhớ lại vô số những kỷ niệm trong suốt chuỗi ngày còn được sống bên Bà.   Tự dưng muốn viết đôi dòng...



Có rất nhiều điều để viết về Bà.   Nhưng biết bắt đầu từ đâu nhỉ ?    Viết ít thì không đầy đủ.  Viết nhiều thì e là người ta nghĩ "mèo khen mèo dài đuôi".

Có lẽ bắt đầu với điều mọi người vẫn thường khen, Bà Nội đẹp và sang, với vóc dáng yểu điệu của những thiếu nữ khuê các con nhà giầu thời xưa.  Bà khéo léo, giỏi giang cả về nữ công gia chánh lẫn việc cai quản quán xuyến mọi việc trong nhà, ngoài đồn điền.

Và còn nhiều điều khác nữa, mời cùng đọc tiếp theo nha ...  Read More >>>


Tứ Diễm còn nhớ dáng Bà thon gọn với nét đẹp thanh tú, sống mũi cao và làn da trắng mịn.   Ngay cả khi đã ngoài 80 tuổi, da Bà tuy đã có một số vết nhăn nhưng vẫn còn trắng mịn, đẹp và trẻ hơn tuổi rất nhiều.   Có lẽ nhờ di truyền cùng sự may mắn nên Bố và tụi Tứ Diễm cũng được thừa hưởng sống mũi cùng làn da khiến nhiều người khen và muốn hỏi... "bí quyết làm đẹp".

Thời đó, nghe kể là rất khó có thể thi đậu bằng Tiểu Học Yếu Lược hay Sơ Đẳng Tiểu Học (Certificat d'Études Primaire Franco-Indigène, viết tắt là CEPFI) nhưng Bà đã thi đậu khá dễ dàng.   Chỉ tiếc là theo quan niệm thuở ấy, con gái thường không được cho phép tiếp tục học lên cao nên Bà đành phải nghỉ ở nhà.  Nhưng với bản tính hiếu học, thông minh cùng trí nhớ rất dai, Bà đã tự học hỏi qua sách vở và ghi nhớ nằm lòng các điều đã đọc, đã học được kể cả vô số những truyện hay của cả Đông lẫn Tây.  Cũng nhờ Bà nhớ thuộc lòng truyện Kiều, Cung Oán Ngâm Khúc, Chinh Phụ Ngâm, ... cùng rất nhiều truyện cổ tích Đông, Tây cũng như các tác phẩm nổi tiếng cổ kim nên Tứ Diễm đã được cơ hội thưởng thức những tác phẩm đặc sắc nổi tiếng đó qua lời Bà kể ngay từ khi còn rất nhỏ.  Về sau nầy, khi tìm đọc lại những tác phẩm đó, Tứ Diễm rất ngạc nhiên vì không ngờ Bà có thể nhớ rất chính xác và đầy đủ họ tên nhân vật lẫn các chi tiết trong biết bao nhiêu bộ truyện rất dài và nhiều tình tiết như thế. 

Ở vào thời Pháp thuộc, việc học còn bị hạn chế, rất nhiều người còn chịu cảnh thất học, ngay một chữ tiếng Việt họ còn không biết đánh vần.   Bà không những biết đọc, biết viết, biết nghe mà còn nói lưu loát tiếng Pháp.   Thêm vào nữa Bà còn biết cưỡi ngựa và biết cả bắn súng nữa.   Theo lời Bà kể phải biết cưỡi ngựa thì mới thuận tiện khi đi thăm nom cai quản đồn điền, và cần luyện dùng súng cho giỏi để tự vệ cùng đề phòng trộm cướp.  Với Tứ Diễm, Bà là một quyển tự điển sống để học và hỏi những điều thắc mắc.  Bà là bà tiên xoa dịu nỗi buồn mỗi khi Tứ Diễm bị Bố hay Mẹ la mắng.   Bà là người thầy đầu tiên dạy cho Tứ Diễm những bài học vỡ lòng, và vẫn tiếp tục dạy rất nhiều điều hữu dụng trong chuỗi ngày còn có Bà ở bên cạnh. 

Nếu Bố là vị thầy đầu tiên dậy Tứ Diễm biết và yêu thích về khoa học, máy móc, kỹ thuật cùng những kiến thức căn bản về thiên văn vũ trụ cũng như các điều thuộc loại khoa học giả tưởng thì Bà là vị thầy khai tâm về ca dao tục ngữ thơ văn.  Có lẽ Bà đã dùng ca dao và các tác phẩm thơ xuất sắc đó để ru và dậy đàn cháu ngay từ thuở còn nằm trong nôi, rồi sau đó Bà đã dùng nội dung những bộ truyện nổi tiếng để mở mang trí tuệ, giảng dạy điều hay lẽ phải cho đàn cháu.

Dường như từ khi Tứ Diễm gần được bốn tuổi, thay vì ngâm thơ hay kể chuyện, Bà đã từ từ dậy cho Tứ Diễm cách làm toán cộng, toán trừ và học thuộc lòng bảng cửu chương.  Cứ mỗi buổi trưa, hai bà cháu lại rủ rỉ rù rì cùng nhau.  Bà thong thả đọc từng câu, Tứ Diễm lập lại, cho đến khi Tứ Diễm có thể đọc suôn sẻ cho Bà nghe các bảng cửu chương.  Ban đầu chỉ đọc xuôi, sau đó là đọc ngược, rồi bắt đầu tập giải toán nhẩm trong óc.   Thành ra vô hình chung, Tứ Diễm thuộc bảng cứu chương và biết làm toán trước khi biết đọc, biết viết. 

Còn nhớ có một thời gian, Tứ Diễm theo Mẹ và anh về ở nhà ông bà ngoại để Mẹ dưỡng thai khoảng vài tuần.   Lúc đó Tứ Diễm chưa được năm tuổi, tuy đã biết đánh vần xuôi, ngược và có thể đọc lầu lầu quyển sách tập đọc lớp Một cũng như đã biết làm toán cộng, toán trừ và toán nhân đơn giản nhưng vẫn còn... "chột" chữ vì chưa biết viết.   Mỗi ngày, ông ngoại viết mười bài toán nhân không có nhớ vào quyển tập.  Tứ Diễm thức dậy, ăn sáng xong, giải toán rồi cũng chẳng có việc gì để làm.  Xem các quyển sách hình, đọc vài truyện ngăn ngắn xong rồi cứ thơ thẩn ra balcony đứng nhìn xe đi qua, người đi lại và nhớ Bà da diết vì chưa bao giờ phải sống xa Bà.   Nhớ Bà quá, Tứ Diễm cũng bắt chước anh lấy bút lấy giấy ra viết thư.   Nhưng vì ngoài các chữ số ra, Tứ Diễm đâu đã biết viết nên cứ hý hoáy vẽ các vòng meo méo to nhỏ đủ loại cho đầy trang giấy rồi nhờ Bố trao cho Bà dùm.  Mỗi ngày Bà lại nhận được một lá thư "tỉnh tò" thương mến thương như thế.  Bà chẳng hiểu Tứ Diễm "viết" những gì, nhưng chiều cháu nên Bà vẫn cất kỹ tất cả những lá thư.   Cho đến khi được trở về nhà, bà cháu mừng mừng tủi tủi xong; Bà mới lấy xấp thư "tình" ra nhờ Tứ Diễm đọc cho Bà nghe.  Có lẽ thuở ấy, Bà đã buồn cười lắm khi thấy Tứ Diễm vừa chỉ vào các vòng to nhỏ méo mó đủ kiểu đó vừa đọc vanh vách những điều muốn kể cho Bà nghe.   Cũng nhờ vậy, sau đó Bà mới bắt đầu dậy cho Tứ Diễm tập viết và tập làm toán nhân có nhớ.  

Có lẽ nhờ những bài học vỡ lòng đó đã khơi dậy niềm đam mê môn Toán nên khi bắt đầu đi học Tứ Diễm luôn đứng đầu lớp về môn Toán cũng như đạt điểm xuất sắc về các môn Lý, Hóa.   Rồi sau đó là đại diện trường đi thi học sinh giỏi Toán cấp quận và cấp thành phố.  Qua bên nầy, niềm đam mê đó đã giúp Tứ Diễm luôn đạt điểm xuất sắc các môn Toán Lý Hóa; và đã tốt nghiệp Trung Học với mấy giải nhất toàn trường về các môn Toán; và cũng là phái nữ đạt điểm cao nhất trường về môn Hóa.  Sau khi nghe xướng danh tên Tứ Diễm cùng các điểm số 100%, 99% và 98%, cả hội trường đứng lên vỗ tay khen ngợi.  Lúc đó, đứng trên sân khấu, nhìn xuống quan khách, nghe những tràng pháo tay và các lời khen, Tứ Diễm chợt thấy buồn vì Bố không còn sống và Bà cũng không thể tham dự để chia vui cùng Tứ Diễm trong ngày tốt nghiệp.   Nếu không có những bài học vỡ lòng ngày xưa của Bố, của Bà vun bồi niềm đam mê thì có lẽ Tứ Diễm đã không đạt được những giải thưởng đó.   Cũng nhờ niềm đam mê đó nên Tứ Diễm gặp nhiều thuận lợi và đạt thành tích cao trong thời gian học Đại Học.   Có lẽ  nhờ Bà đã ươm mầm và khơi gợi niềm yêu thích việc học ngay từ thuở còn bé thơ, nên đến bây giờ, Tứ Diễm vẫn luôn yêu thích sách vở và vẫn còn đam mê tự học lan man đủ thứ. 

Bà chưa hề lớn tiếng la rầy, cũng chưa từng dùng roi để răn dậy.  Bà chỉ dùng tình thương và lời nói nhỏ nhẹ phân tích, giảng giải để Tứ Diễm hiểu được đúng sai.  Còn nhớ có một lần khi Tứ Diễm còn rất nhỏ, đi cùng gia đình xem chợ hoa ngày Tết.   Với lứa tuổi đó, chợ hoa thật đẹp với vô số chậu hoa muôn mầu sắc dáng vẻ nhưng Tứ Diễm mê nhất là những chậu quất xum xuê trái căng mọng vàng ươm nên đã lén ngắt một trái mang về nhà.   Khi đem khoe với Bà, Bà không la rầy vì tội táy máy tay chân tham của người, nhưng sao ánh mắt Bà chợt buồn.  Bà ôm Tứ Diễm kéo vào lòng rồi thủ thỉ kể cho Tứ Diễm hiểu là để có được những chậu hoa, chậu quất như thế người ta đã phải vất vả như thế nào trong suốt bao nhiêu ngày tháng dài với ước mong là sẽ bán được cao giá để có tiền sắm sửa mọi thứ chuẩn bị cho ngày Tết và cho những tháng sau đó.   Nếu ai cũng thản nhiên ngắt một trái đem về như Tứ Diễm thì cây quất sẽ xơ xác, còn ai muốn mua nữa.   Người trồng cây sẽ làm sao để mưu sinh.  Chỉ bằng lời kể thật nhẹ nhàng êm ái như lời ru đó, nhưng Bà đã giúp Tứ Diễm học và hiểu được rất nhiều, thấm thía rất nhiều, cũng thật sự cảm nhận được lỗi của mình đã phạm phải nên thành tâm hối lỗi, tự nguyện không bao giờ tái phạm.   Đồng thời Bà cũng giúp Tứ Diễm hiểu được đồng tiền lương thiện không phải dễ kiếm mà phải đổ mồ hôi và công sức mới có được.  Chỉ đơn giản thế thôi, nhưng bài học đó của Bà đã thấm vào lòng Tứ Diễm từ thuở ấy đến bây giờ.

Khi chập chững vào ngưỡng cửa tiểu học, Bà vẫn thường xuyên đón đưa mỗi ngày.  Cho dù trời nắng hay mưa, mỗi khi bước ra khỏi cổng trường là đã thấy Bà đứng đợi sẵn.  Ngay từ trên lầu thấp thoáng thấy tà áo dài của Bà là lòng Tứ Diễm đã thấy tràn ngập niềm vui vì có thể kể cho Bà nghe biết bao nhiêu điều mới học trong lớp, mới nghe Cô giảng, mới nghe bạn kể.  Chẳng biết Bà có bao giờ chán nghe hay không, nhưng Bà luôn lắng nghe và ghi nhớ những điều Tứ Diễm kể.   Nếu Tứ Diễm hiểu sai, Bà nhẹ nhàng giảng giải cho hiểu chứ không hề la rầy.  Có những hôm trời mưa thật lớn, nước mưa không kịp thoát đi, con đường bị ngập lụt hay lầy lội.  Bà không muốn Tứ Diễm phải ngâm chân trong nước dơ nên thường cõng lên lưng, cho dù Bà vốn rất mảnh dẻ mà khi đó Tứ Diễm cũng đã khá nặng rồi lại thêm mưa lớn, gió thổi mạnh, đường đi trơn trợt nhưng Bà vẫn luôn ráng giữ để Tứ Diễm được che kín ấm áp trong áo mưa, chân không bị ướt nước dơ.  Có lẽ chỉ nhờ tình yêu thương vô bờ bến không điều kiện mới tiếp thêm sức mạnh để hai bà cháu vượt qua mưa gió về nhà mà không bị trượt té lần nào.

Bà có đôi bàn tay và đôi bàn chân rất đẹp.  Tứ Diễm còn nhớ đôi gót chân của Bà rất mềm mướt, luôn ửng hồng, không có một vết nứt.   Có lẽ đó là đôi gót sen mà các vị thi sĩ, văn sĩ ưa ca ngợi chăng?  Những ngón tay Bà thuôn dài hình tháp bút, tuy tuổi cao nhưng làn da vẫn rất mịn.  Bà luôn giữ đôi tay thật sạch, móng tay cắt gọn gàng.  Hồi nhỏ xíu, Tứ Diễm rất thích nắm tay Bà vì rất êm và cảm thấy ấm áp.  Nhiều khi Tứ Diễm ưa vòi vĩnh đòi Bà phải gãi lưng hay xoa lưng thì mới chịu ngủ trưa, Bà thương cháu nên luôn luôn chiều theo cách lời vòi vĩnh đó chưa bao giờ la rầy hay từ chối.   Giữa hai bà cháu tuy chênh lệch tuổi tác nhưng lại không hề có khoảng cách.   Ngay cả khi đã lớn, Tứ Diễm vẫn thích được rúc vào lòng Bà, thủ thỉ kể cho Bà nghe đủ thứ chuyện vớ vẩn không đầu đuôi hay là hỏi Bà những điều thắc mắc trong lòng. 

Còn nhiều điều muốn viết, nhưng thôi.   Có lẽ tạm ngưng bài viết nầy với một bài thơ Tứ Diễm vừa mới viết thay nén hương lòng thành kính dâng lên hương linh Bà Nội của Tứ Diễm.   Mời cùng đọc tiếp theo nha.

(hình nầy sưu tầm trên mạng, 
chứ bàn tay Bà Nội của Tứ Diễm khi về già vẫn còn hình tháp bút rất đẹp, 
không khô cằn khúc khuỷu như trong hình)

    BÀ ƠI

    Kính dâng hương linh của Bà Nội

    Mỗi người chỉ có một Mẹ thôi ?
    Riêng con có hai Mẹ trong đời
    Bởi vì tình Bà bao la quá
    Chăm chút, yêu thương như Mẹ thôi

    Thuở bé, vẫn thường gọi: "Bà ơi"
    Yêu con, Bà luôn luôn tươi cười
    Con ốm, Bà lo lắng chăm sóc
    Bà vui khi con khỏe, đùa chơi...

    Bà là cô giáo thuở đầu đời
    Ca dao, cổ tích ... ru bên nôi
    Cửu chương, đọc sách từ bốn tuổi
    Lên nămi, làm toán đã rành rồi

    Bà là kho báu của riêng con
    Dạy con quán xuyến việc vuông tròn
    Mở mang trí óc qua lời kể
    Dùng truyện Đông - Tây để dạy con

    Bà là Mẹ thứ hai trong đời
    Dạy con chẳng phải bằng đòn roi
    Mà bằng tình thương thật sâu đậm
    Từng chữ, từng câu nhớ trọn đời

    Bà là suối mát, là bà tiên
    Thấm mát đời con thật diệu huyền,
    Là quà vô giá của Trời Phật,:
    Là Bà của con, là Mẹ hiền...

    Tứ Diễm - Mar. 17, 2014



Nếu yêu thích nàng Thơ, mời ghé xem thêm các bài khác nữa nha:

12 comments:

  1. chị ơi, em thì gần vói bà ngoại hơn...em thương bà em lắm.
    em lại không gần với bên nội
    người ta nghĩ gì kệ người ta...em thích chị viết :-)

    ReplyDelete

  2. Có lẽ mình gần với bên nào thì thương bên ấy nhiều hơn hén. Hình như đa số thường thương bên Ngoại nhiều hơn.

    Bà Nội ở cùng với gia đình Tứ Diễm nên từ khi mới chào đời là Tứ Diễm đã có Bà ở bên cạnh thương yêu chăm sóc những khi Mẹ bận rộn rồi. Nhất là từ khi Mẹ sinh em bé thì Tứ Diễm bám theo Bà như sam đó sis nên Bà đã dậy Tứ Diễm học từ hồi mới lên 3 tuổi :) Hai bà cháu có nhiều kỷ niệm và hồi ức đẹp nhớ hoài không quên, kể hoài không hết :) hihi, mà có kể hết chắc cũng không ai đủ kiên nhẫn để đọc hén :)

    Cám ơn sis Bumble Bee đã đọc và ủng hộ tinh thần nha :) Tứ Diễm cũng rất vui mỗi khi đọc comment sis viết :)

    ReplyDelete
  3. dạ chị nói đúng...mình gần bên nào thì thương bên ấy...thường thì bên ngoại. Em ở với bà ngoại hồi bé và cũng có rất nhiều kỷ niệm với bà em.

    ReplyDelete
  4. Lâu lâu được thưởng thức lại thơ của chị Tứ Diễm, làm DQ lại nhớ đến thời của Văn Học Nghệ Thuật on-line ngày xưa nè. Rồi cả thời của Ngàn Phương (Poetry Digest cũ), rồi cả Non Sông nữa. Những "người xưa năm cũ" dần dần tản mác đi đâu hết trọi rồi chị ơi.

    Chị còn giữ liên lạc với mấy anh chị bên bên Âu Cơ ngày xưa hông chị ??

    ReplyDelete
  5. Sis Dã Quỳ mến,

    Đúng là một thời online, một đời mãi nhớ hén sis. Đôi lúc Tứ Diễm cũng chạnh nhớ lại những ngày tháng cũ đó và cũng bâng khuâng tự hỏi không biết còn ai nhớ thương kỷ niệm thuở ấy hay không. Non Sông, Âu Cơ, Nắng Mới, Lửa Việt, Thi Ca, Ngàn Phương, VHNT rồi còn nhiều nữa ... Wow, tự dưng sis Dã Quỳ nhắc làm chi khiến Tứ Diễm thấy nhớ quá đi thôi ...

    Nhóm Âu Cơ bây giờ tản mát cũng nhiều, nhưng vẫn còn một số gắn bó và liên lạc thường xuyên qua FB đó sis Dã Quỳ. Chỉ có Tứ Diễm làm biếng online nên không có tham gia thường xuyên, nhưng ít nhất nếu muốn tìm thì cũng biết nơi để gõ nồi khua chảo :)

    Chỉ có nhóm Non Sông thì Tứ Diễm không biết "những người muôn năm cũ" đã tản mát phương nào rồi. Đôi khi nhớ lại cái thời í ới kêu gọi góp bài mỗi kỳ in báo, tất bật nhưng cũng thật vui, nhất là khi được cầm tờ báo trên tay thong thả mở từng trang ngửi mùi mực in còn thoang thoảng, nhớ quá sis ui ...

    ReplyDelete
  6. Sis Bumble Bee mến,

    Ở gần thì quyến luyến và nhiều kỷ niệm hơn hén :) Trong đám anh em, có lẽ Tứ Diễm là người có nhiều và cũng nhớ nhiều kỷ niệm với Bà Nội mà cũng thương Bà Nội nhiều nhất. Chắc tại Tứ Diễm bám theo Bà ngay từ hồi nhỏ xíu cho tới lớn :)

    ReplyDelete
  7. em cũng vậy đó chị....trong đám anh em, có mình em quyến luyến với bà em nhất. Mà bà cũng cưng em nhất :-)

    ReplyDelete
  8. Chị ơi, cái thời online ngày xưa khác hẳn thời bây giờ ha chị. Nhiều khi, em cũng nhớ lại thuở đó lắm nè. Nhiều khi, cầm lại những tờ báo, tập san ngày đó, giở từng trang, đọc lại từng bài, lại tưởng tượng ra những khuôn mặt xưa á chị ơi.

    Các anh chị em bên Lửa Việt vẫn đi làm thiện nguyện, mission hoài đó chớ, nhưng DQ hổng ...bon chen theo nổi.

    À, dạo trước, DQ cũng có liên lạc lại được một số anh chị của Âu Cơ từ FB đó.

    Ơ mà, gặp thêm được chị trong này là cũng vui vui rồi. Thi thoảng có thơ thì đọc thơ, không có thì chui vô bếp nhà chị ăn ké cũng vui vui ha. :) :)

    ReplyDelete
  9. Sis Bumble Bee được Bà cưng nhất, thích ghê hén.

    ReplyDelete
  10. Sis Dã Quỳ ơi,

    Đúng là hồi đó dễ thương ghê hén sis. Bởi vậy cứ nhớ hoài, thương hoài những kỷ niệm cũ. TD vẫn còn giữ những tập san Non Sông và Lửa Việt trong tủ sách trong phòng nè. Lâu lâu mở ra xem lại và thấy nhớ cái thời làm báo hồi đó, mệt mà cũng thật vui

    Vậy là sis nối liên lạc với nhóm Âu Cơ qua FB được rồi hở? Có thời gian ghé FB sẽ thấy bà con Âu Cơ vẫn còn nhiệt tình và siêng "888" :) Chỉ có TD lười online nên hồi đó ghé vào một vài lần xong rồi ... lặn tiếp :)

    Tứ Diễm vẫn phục các anh chị trong nhóm Lửa Việt . Họ thật là nhiệt tình và có lòng ghê hén, suốt bao nhiêu năm rồi vẫn làm thiện nguyện không mệt mỏi. Từ khi Lửa Việt không phát hành Đặc San Xuân, TD cũng không có dịp liên lạc với các anh chị Lửa Việt đó sis Dã Quỳ. Thỉnh thoảng níu áo anh D.T. Hiếu hỏi thăm, vậy thôi hà. Khi nào sis Dã Quỳ có dịp liên lạc với Bố Chương và các anh chị trong nhóm LV thì cho TD gửi lời hỏi thăm nha

    ReplyDelete
  11. bài viết của TD cảm động người đọc quá ,tượng hình tượng thanh, như thấy cả hình ảnh trước măt.Cám Ơn DH đã cho thưởng thức một tác phẩm tuyệt vời nhạ
    Hồng Thúy

    ReplyDelete
  12. Cám ơn chị Hồng Thúy đã ghé xem và khen nha

    Lúc viết đoản khúc nầy, Tứ Diễm đang nhớ Bà rất nhiều đó chị HT. Còn rất nhiều điều để kể, để nhớ về Bà. Tứ Diễm sẽ bổ túc thêm vào bài viết khi có thời gian

    ReplyDelete