Đây là hai ổ bánh mì do Tứ Diễm nướng trong lò mini oven. Nhiệt độ không được nóng đều mà Tứ Diễm lại lười không xoay khuôn cho nóng đều nên độ vàng không được đẹp như khi dùng lò oven lớn, nhưng dùng mini oven rất gọn lại tiết kiệm năng lượng rất nhiều
Cắt ra xem thử nghen . Đây là loại bánh mì với lớp vỏ bên ngoài hơi dầy hơn
Nhìn gần hơn loại bánh mì với lớp vỏ bên ngoài mỏng nhưng rất giòn
Nếu muốn biết câu trả lời, xin mời cùng xem tiếp theo nha
Theo thông thường, khi làm bánh mì ổ chúng ta sẽ cần phải nhồi bột bằng máy hay bằng tay để tạo độ dẻo dai cho đến khi bột đạt được mức độ "windowpane test", nghĩa là dùng hai tay cầm một miếng bột nhỏ xong kéo giãn ra thật là mỏng gần đến mức có thể nhìn xuyên qua phía bên kia mà bột không bị rách, như hình bên dưới (sưu tầm từ trên mạng)
Khi đó mới ủ để bột nổi gấp đôi, mang ra chờ khoảng 10 phút rồi nhồi sơ qua, chia làm nhiều phần, ủ khoảng 10 phút, xong nặn hình, ủ đến khi bột nở gấp đôi mới rạch mặt ổ bánh và nướng cho đến khi bánh vừa vàng đúng mức là mang ra ngoài. Vì bánh mì dùng yeast nên thời gian ủ tùy thuộc vào nhiệt độ, độ ẩm, vv.. vv.. không thể canh theo thời gian mà phải nhìn độ nổi của bột. Do đó, nếu vì có việc bận bất ngờ không kịp làm các bước kế cho đúng thời gian có thể sẽ làm hư hay làm ảnh hưởng đến độ ngon của các ổ bánh mì.
Tuy nhiên, nhờ một sáng kiến rất hữu ích của vị đầu bếp tên Jim Lahey, chúng ta có thể tự làm những ổ bánh mì tại nhà rất dễ dàng mà không cần phải mất công sức nhồi bột, không cần phải quá lưu tâm canh chừng thời gian và có thể yên tâm là những ổ bánh mì làm ra luôn ngon, không bị hư, không bị liệng bỏ uổng phí. Có thể xem thêm chi tiết trong bài viết Bánh Mì Không Nhồi
Trong bài viết này, Tứ Diễm chỉ chia sẻ một số hình ảnh và kinh nghiệm khi làm món Bánh Mì Không Nhồi (No Knead Bread) theo công thức Tứ Diễm (đã chế biến dựa theo công thức chính gốc của Jim Lahey nhưng gia giảm thêm chút ít cho vừa với khẩu vị Á Đông hơn để ổ bánh mì làm ra có hương vị hợp ý hơn).
Tứ Diễm chỉ tóm lược sơ qua cách làm món bánh mì không nhồi thôi nha. Có thể xem công thức trong bài viết Bánh Mì Không Nhồi (cách làm của Tứ Diễm)
Vật Liệu và Cách Trộn, Ủ Bột
Bên dưới là số lượng vật liệu theo công thức Tứ Diễm đã viết trong bài Bánh Mì Không Nhồi (cách làm của Tứ Diễm)
Nhưng trong lần làm món Bánh Mì Không Nhồi (No Knead Bread), Tứ Diễm có thử áp dụng một mẹo vặt (được gợi ý khi bàn về cách làm bánh với sis Ngự Bình, thanks sis Ngự Bình). Đó là thay thế một tbsp bột mì bằng 1 tbsp potato flake (loại dùng đã pha chế sẵn để làm mashed potato). Trong hình bên dưới là 1/4 tsp yeast, 1 tbsp potato flake (phía trái trong tô bột) và 3 cup lấy bớt ra 1 tbsp bột mì.
Để giản tiện, Tứ Diễm cho 1 tsp muối + 1 tsp mật ong + 2 tsp dầu vào tô thủy tinh
Đổ thêm 1.5 cup nước ấm (khoảng 110 độ F)
Cho 1/4 tsp yeast vào tô. Với món bánh mì không nhồi nầy, chúng ta chỉ cần một lượng yeast rất ít như vậy thôi.
Trộn để mọi thứ hòa tan đều
Trộn hai loại bột trong thau xong rắc vào tô thủy tinh
Tứ Diễm dùng silicone spatula như vầy để trộn bột rất là gọn và lẹ
Sau khoảng 1, 2 phút, bột đã được trộn thành một khối mà không cần phải đụng tay vào bột
Chụp hình nghiêng để thấy bột trước khi ủ. Dung tích của tô thủy tinh Pyrex nầy là 2.5 L
Và đây là bột đã ủ được khoảng 12 tiếng. Tứ Diễm úp một tô thủy tinh khác để giữ kín hơi và để dễ quan sát độ nổi của bột trong tô. Tùy theo nhiệt độ trong phòng mà thời gian ủ khoảng từ 8 tiếng đến 18 tiếng. Nói chung không cần canh theo thời gian mà chỉ nhìn theo độ nổi của bột, miễn sao nở hơn gấp đôi là được. Có quên, ủ lâu hơn cũng không sao vì lượng yeast rất ít sẽ không khiến bột mau bị chua như khi làm theo cách làm bánh mì ổ. Đây là một ưu điểm của cách làm bánh mì không nhồi
Mở nắp ra nhìn phần bột đã ủ lần đầu nha. Khi nầy bột nở xốp, tỏa mùi thơm dịu dịu của men bánh mì rất thơm. Khi sờ tay sẽ thấy bột rất mềm và ẩm hơn so với trước khi ủ
Đổ bột ra khỏi tô, đến lúc nầy chúng ta mới cần thò tay ngọc, thọc tay ngà đụng vào bột. Bột sẽ mềm và có thể hơi dính tay nhưng rất dễ dàng vét sạch khỏi tô Pyrex (Tứ Diễm thường dùng silicone spatula để múc và vét bột khỏi tô). Mình có thể sẽ cần thêm một ít bột áo để bột khỏi dính tay trong khi xếp các góc vào chính giữa như khi xếp phong thư. Chỉ cần xếp sơ vài lần cũng đủ, tốn vài phút thôi và cũng không cần dùng sức khi nhồi
Tứ Diễm dùng silicone baking mat để nhồi bột rất gọn tiện và sạch, dùng xong dọn rửa cũng rất nhanh. Người làm biếng luôn tìm cách nào đỡ tốn sức lao động đó mà
Có thể dùng parchment paper lót vào khuôn rồi mới cho bột vào để ủ lần thứ hai
Tứ Diễm chia đôi số bột đã nhồi. Một nửa ủ theo kiểu lót giấy parchment paper, một nửa ủ theo kiểu làm biếng của Tứ Diễm. Cho bột vào chảo non stick, đậy nắp lại, chờ bột nổi gấp đôi thì úp bột trút vào khuôn. Hình bên dưới là bột trước và sau khi ủ, Tứ Diễm ghép chung lại để dễ so sánh mức độ nổi xốp.
Thời gian ủ bột thông thường khoảng 1 - 2 tiếng, nhưng có khi Tứ Diễm mệt quá ngủ quên (tại toàn làm vào giấc tối khuya), ủ đến 4 - 5 tiếng, bánh mì làm ra vẫn thơm ngon, nở xốp và không bị xẹp khi mình .... "rạch mặt" (làm bánh mà sao nghe cứ như người ta .... đi đánh ghen hén)
Nói chung muốn ủ theo cách nào cũng được, thời gian ủ có kéo dài lâu hơn cũng không sao, miễn là bột nở gấp đôi hay hơn là có thể ... múa dao được rồi .
Người ta thường dùng dao lưỡi lam rạch bánh mì, Tứ Diễm không có dao lưỡi lam nên chỉ dùng loại dao có sẵn trong bếp. Rạch lần nầy vết rạch sâu và khá thẳng hén
Sẵn tiện, múa dao rạch thêm hai đường nữa. Mặt khối bột bị xẻ tan tành thành sáu phần như vầy
Nướng Bánh Trong Nồi Hay Khuôn Đã "Pre-Heated"
Theo cách làm chính gốc, chúng ta cần bật oven (đã đặt nồi lẫn nắp trong oven) trước khoảng 30 phút đẻ oven và nồi, nắp đều thật nóng
Tứ Diễm thấy làm theo cách đó ... phí tiền điện quá mà lại làm nóng nhà. Do đó, Tứ Diễm chỉ dùng mini oven và làm theo cách đã chế biến lại như sau.
Dùng nồi cast iron có nắp cast iron nướng trong mini oven. Tứ Diễm dùng nồi Cast Iron Sauce Pan với nắp như hình nầy
Tứ Diễm chỉ bật mini oven khoảng 3 phút ở 450 độ F, cho nắp vào mini oven đê nắp nóng. Trong khi chờ mini oven đủ nóng, đặt nồi cast iron lên bếp khoảng vài phút để nồi nóng là cho bột vào, đậy nắp xong đặt vào lò mini oven nướng ở 350 độ F với nắp đậy kín khoảng 30 phút, sau đó mở nắp nướng cho vàng trên mặt thì mang bánh ra .
Bánh nở cao quá, bị nắp đè nên mặt bánh hơi bị sậm mầu Do đó Tứ Diễm không cần phải nướng thêm cho vàng mặt bánh
Rút kinh nghiệm, Tứ Diễm chia đôi. Phân nửa nướng trong nồi cast iron với nắp cast iron . Phân nửa nướng trong khuôn Pyrex thủy tinh bọc aluminum foil lên mặt khuôn. Cả khuôn và nồi đều để cho thật nóng trước khi cho bột vào khuôn rồi đem nướng.
Nướng xong mang bánh đặt lên giá chờ nguội
Bánh nướng theo cách dùng nồi và khuôn đều đã để thật nóng, sau khi nướng xong sẽ có lớp vỏ bên ngoài thật giòn theo kiểu vỏ bánh mì của Ý hay bánh mì baguette. Mầu vỏ bánh cũng sậm hơn
Sau khoảng một tiếng hay đến khi ổ bánh hoàn toàn nguội mới đem cắt ra xem bên trong
Cắt ra xem thử bên trong nha. Phía ngoài vỏ dầy hơi sậm mầu nhưng rất giòn. Phía trong ruột mềm, nổi xốp rỗng với những bọt khí như vầy nè.
Mời xem thêm một tấm hình nữa
Loại bánh mì nầy thích hợp ăn kèm chung với các món như bò kho, cà ri, vv.. vv...
Nướng Bánh Trong Khuôn Không "Pre-Heated"
Tứ Diễm cảm thấy thắc mắc không biết nếu thay đổi cách nướng thêm một chút nữa thì kết quả ra sao. Sẵn cần làm món Bánh Mì Hấp để mang lên chùa, Tứ Diễm dùng gấp đôi số vật liệu trong công thức. Lần nầy quên không nhớ ra việc trộn thêm potato flake. Sáng sớm trước khi ra khỏi nhà quậy các thứ vật liệu, đậy nắp chờ cho bột nở. Chiều tối về thì bột đã nở đủ rồi, nhồi sơ, chia làm bốn phần xong cho thẳng vào khuôn luôn, khỏi lót giấy parchment paper.
Tứ Diễm dùng một khuôn Pyrex thủy tinh. Một khuôn non stick loaf pan Và dùng bộ khuôn non stick meat loaf pan (gồm hai phần) để chứa bột. Bọc kín chờ bột nở gấp đôi.
Hình bên dưới là bộ khuôn non stick meat loaf (hai khuôn bên trái) và khuôn non stick loaf pan. Tứ Diễm đã thử dùng bộ khuôn nầy làm đậu hũ, đã nhắc dén trong bài viết Khuôn Meat Loaf
Còn đây là khuôn Pyrex thủy tinh loại nầy giữ nhiệt tốt và tỏa nhiệt rất đều, có thể nướng trong oven, dùng trong microwave, cất trong tủ lạnh / freezer, có thể đặt lên bàn ăn như dinnerware, nhưng không đặt trực tiếp lên mặt bếp
Hình bên dưới là ghép chung các bước kể trên: bột đặt vào khuôn, bọc lại chờ bột nở, rạch mặt bánh xong đem nướng trong mini oven. Ba mươi phút đầu bọc aluminum foil, sau đó mở foil, nướng cho mặt bánh vàng giòn
Ổ bánh làm ra rất ngon. Lớp vỏ bên ngoài mỏng, vàng, giòn tương tự như kiểu bánh mì ổ Việt Nam chứ không dầy như kiểu bánh mì Ý.
Cắt ra xem phía trong ruột ổ bánh nha. Ruột bánh mềm mướt, nở xốp rất nhẹ. Vỏ bánh bên ngoài giòn tan mà lại không bị cứng. Bánh ăn rất ngon, tương tự với kiểu bánh mì ổ Việt Nam nhưng lại không bị dai hay dính răng. Tứ Diễm thích ổ bánh mì nướng theo cách nầy hơn so với cách nướng "pre-heated" ở trên.
Nhìn thêm một miếng nữa nha. Ruột bánh nở xốp, nhiều bọt khí nhưng lại vẫn giữ được độ mềm mướt, không có vị khô khan như loại bánh mì mua ở tiệm. Khi nhai không có cảm giác hơi dai và dính răng như khi ăn bánh mì ổ Việt Nam (mua ở chợ)
Ổ bánh nướng xong để trong rổ trên bàn không bọc lại nha, nhưng qua hôm sau khi đem thái lát mỏng, ruột bánh vẫn mềm mướt không hề bị khô, vỏ bánh không bị mềm ỉu dai (như bánh mì ổ Việt Nam) hay cứng khô queo (như bánh mì Ý)
Nhìn gần hơn nha
Vài Món Với Bánh Mì Không Nhồi
Có rất nhiều cách để thay đổi khẩu vị
Bánh Mì Hấp
Tứ Diễm đem đợt bánh mì nầy úm ba la ra món Bánh Mì Hấp mang lên chùa. Quét thêm leek phi dầu lên mặt các lát bánh, ăn kèm với nước mắm pha vừa ăn. Nhìn hình chỉ thấy lớp bánh mì trên cùng, thật ra còn những lớp bánh mì ở bên dưới nữa. Bốn ổ bánh cắt thành được 80 miếng bánh mì như vậy
Bầy hàng vài miếng làm duyên nghen
Điểm thú vị là số bánh mì hấp còn dư, đem cất trong tủ lạnh, qua ngày hôm sau mang ra, các lát bánh mì vẫn giữ được độ mềm mại, không hề bị khô. Lúc đó vì bận dự khóa lễ, không có thời gian, Tứ Diễm cho khay bánh vào oven hâm ké theo món chả giò chay. Các lát bánh mì mang ra ăn vẫn rất ngon.
Nhìn gần hơn để thấy rõ độ nổi xốp của ruột bánh và độ mềm mại của những lát Bánh Mì Hấp nha
Muốn ngon thì rắc thêm phần "topping". Sau khi rắc "topping" xong là mọi người ăn ngay, Tứ Diễm không có thời gian chụp hình. May còn sót lại một miếng cuối nầy là phần của Tứ Diễm nên mới có tấm hình bên dưới. Tứ Diễm chế ra thôi, nhưng ai cũng khen "topping" ngon. Có đoán được "topping" gồm những vật liệu gì hay không hở?
Làm điệu thêm một xíu thì sẽ như vầy nè
Mời xem thêm chi tiết và hình ảnh trong bài Bánh Mì Hấp
Bánh Mì Tôm Chiên
Ngoài ra, có thể cắt lát nhúng qua bột đặt thêm con tôm lên mặt lát bánh mì rồi đem chiên giòn, sẽ có món Bánh Mì Tôm Chiên. Món nầy hồi còn đi học ở Việt Nam, nguyên đám học sinh đều mê nên luôn bán hết rất nhanh. Những miếng bánh mì sau khi được chiên giòn thơm béo ngậy, thêm mùi thơm và vị ngon của tôm, chấm với nước tương pha vừa ăn. Ngon tuyệt vời luôn
Bánh Mì Tôm Nướng
Cũng vẫn với những lát bánh mì, thay vì chiên thì đem nướng sẽ ít dầu mỡ và làm nhanh hơn. Đại khái là người ta sẽ trộn phần "topping" đặt lên những lát bánh mì đã quét ít bơ hay dầu olive, hay muốn béo thì rắc cheese vụn, rồi đem nướng trong oven cho đến khi phần topping chín và các lát bánh mì giòn tan. Ăn khi còn đang nóng rất ngon. Món nầy có thể chuẩn bị trước, khi nào sắp ăn mới nướng trong oven vì rất mau chín
Phần "topping" tùy theo ý thích mà chế biến miễn sao hợp khẩu vị. Thường người ta xay sơ tôm, trộn gia vị, hành tây, mayonnaise, thêm ớt loại red pepper, green pepper, orange pepper thái hạt lựu để có mầu sắc đẹp mắt, vv.. vv.. Có người thích trộn thêm cua nữa. Nếu làm chay, có thể thay thế tôm bằng các loại vật liệu chay khác
Bánh Chuối Nướng
Đây là một kiểu bánh chuối rất dễ làm, có ưu điểm giúp dọn tủ lạnh mỗi khi có chuối quá chín và ít bánh mì cũ. Nếu muốn đẹp, thái lát mỏng một vài quả chuối xếp thành từng lớp trong khuôn. Những quả chuối chín và phần lụn vụn nghiền nát, bóp bánh mì vụn trộn chung. Thường chuối chín có độ ngọt nên khỏi trộn đường, nhưng ai thích ngọt có thể thêm đường tùy ý. Phần hỗn hợp chuối và bánh mì sẽ được múc trải đều xen kẽ giữa các lớp chuối thái khoanh tròn. Sau đó đem nướng chín sẽ có ổ Bánh Chuối Nướng thơm nứt mũi luôn mà ăn cũng thật ngon
Bánh Mì Nướng Bơ Đường
Món nầy ngày xưa ở Việt Nam, khi còn nhỏ chắc ai cũng mê ăn lắm vì vừa thơm mùi bơ, vừa ngọt ngọt của đường lại giòn tan. Những lát bánh mì sau khi quét bơ, rắc đường đều lên mặt bánh xong đem nướng trong oven cho vàng giòn. Món nầy có thể làm sẵn, cất nơi kín gió, để dành ăn từ từ
Bánh Mì Chiên
Với người thích ăn tóp mỡ kèm theo với bánh bèo, nhưng lại ngại cholesterol, họ thường cắt bánh mì thành từng miếng nhỏ xong chiên cho vàng giòn. Như vậy cũng có vị giòn giòn béo béo làm tăng hương vị của món Bánh Bèo nhưng lại yên tâm hơn được một ... chút xíu vì cử mỡ
Bánh Mì Pizza
Nghe tên thấy lạ hén, nhưng món nầy chẳng xa lạ gì với những ai có trẻ nhỏ trong nhà. Thay vì làm Pizza Dough thì người ta dùng những lát bánh mì thay thế. Cũng quét pizza sauce, rắc cheese, xếp topping lên mặt y như khi làm pizza. Sau đó nướng cho phần cheese chẩy ra, phần bánh mì bên dưới giòn là đã có món ăn ngon cho các bé rồi đó
Bánh Mì Cuốn
Đây cũng là một món dễ làm, lại giúp thay đổi khẩu vi. Bánh mì thái lát, cắt bỏ rìa bên ngoài, xong cuốn phần nhân bên trong như cuộn chả giò, dùng tăm xiên để giữ cho cuốn bánh mì không bị bung ra. Sau đó nướng trong oven cho phần vỏ bên ngoài vàng giòn. Phần nhân bên trong tùy theo ý thích mà chế biến, miễn sao khi nướng không bị chẩy làm ướt lớp bánh mì bên ngoài
Một cách đơn giản là ướp tôm với muối, đường, tiêu, bột tỏi và chút rượu cho thấm gia vị. Trải lát bánh mì, quét đều một lớp lòng đỏ trứng gà (đã đánh cho đều), xong cho một con tôm vào, nhớ để lo một phần đầu và đuôi tôm nhìn sẽ đẹp hơn. Nếu muốn thêm hương vị, cho thêm ít củ sắn cắt sợi hơi lớn. Tôm kèm chung với củ sắn sẽ thơm ngon ngọt hơn. Cuốn tròn lại, xiên tăm giữ cho bánh mì không bị bung, quét thêm một ít lòng đỏ hay bơ bên ngoài. Nướng khoảng 10 phút hay đến khi bánh mì vàng và tôm cũng chín. Nếu muốn có mầu đẹp, quét thêm một ít lòng đỏ, nướng sơ cho chín là mang ra. Ăn khi còn nóng sẽ rất ngon
Bánh Mì Cà Ri Chay
Bánh mì tự làm ở nhà ăn kèm với Cà Ri Chay, có thêm ít rau quế để tăng thêm hương vị của món ăn
Homemade Crouton
Nếu có bánh mì dư mà lại không có thời gian làm món gì khác, chỉ cần cắt thành từng miếng vuông nhỏ nhỏ, xong trải đều trong khay rồi nướng trong oven. Những miếng bánh mì sẽ khô và vàng giòn tương tự loại Crouton ăn kèm với salad.
Homemade Garlic Bread
Món nầy rất ngon vì thơm mùi bơ mùi tỏi. Có thể mua loại garlic butter hay là tự xay tỏi trộn với bơ quét lên các lát bánh mì. Nướng cho vàng giòn, ăn ngay khi còn nóng thì ngon tuyệt vời.
Hôm cuối tuần, bạn ghé thăm. Tứ Diễm mang ổ bánh mì no knead bread trong tủ lạnh ra cắt lát, quét một lớp mỏng ""I Can't Believe It's Not Butter" lên hai mặt mỗi lát bánh rồi rắc garlic powder. Xong nướng trong mini oven cho vàng giòn. Đơn giản vậy thôi mà ăn ngon ơi là ngon. Bánh giòn ngon và rất thơm. Bánh mì làm cũng đã vài ngày cất tủ lạnh nhưng sau khi nướng lên, phía ngoài giòn mà ruột bánh vẫn mềm mướt không khô cứng như loại bánh mì mua ở lò bánh
Còn nhiều món nữa, khi nào có thời gian Tứ Diễm kể thêm sau nghen
Vài Kinh Nghiệm Chia Sẻ
Sau khi làm các đợt bánh như đã nhắc đến ở trên, Tứ Diễm rút ra vài kinh nghiệm như sau.
- Nếu muốn bánh làm ra nở xốp ngon, nên chờ bột nở nhiều hơn gấp đôi và nên dùng khuôn có chiều sâu khoảng gấp ba độ cao của bột trước khi ủ vì bột sẽ nở cao sau khi ủ lần thứ hai, và bánh sẽ nở thêm khi nướng.. Nếu khuôn không đủ độ sâu, bánh bị đè ép thì sẽ kém nở xốp
- Nếu muốn làm ra các ổ bánh mì có lớp vỏ dầy, giòn kiểu hơi cứng thì nên dùng khuôn dầy và chờ khuôn thật nóng trước khi cho bột vào khuôn rồi đem nướng
- Nếu muốn làm ra các ổ bánh mì có lớp vở mỏng nhưng vẫn vàng giòn, phía trong ruột thật nở mềm xốp thì nên cho bột thẳng vào khuôn, đợi bột nở rồi đem nướng. Không cần phải "pre-heat". Ngoài ra, Tứ Diễm dùng cọ quét nước nhiều lần đều khắp mặt ổ bánh trước khi bọc foil và cho khuôn vào mini oven. Khi gỡ foil, Tứ Diễm lại quét nước thêm nhiều lần lên mặt bánh để tạo thêm độ ẩm, giúp ổ bánh vàng giòn và vỏ mỏng không bị khô cứng.
- Nếu dùng mini oven mà không muốn phần đáy bánh khi khét hay sậm mầu, Tứ Diễm thường đặt các khuôn bánh lên một vỉ (khay, tray) rồi mới đặt vào lò mini oven.
- Theo ý riêng, Tứ Diễm thích hương vị ổ bánh mì làm theo cách không cần làm nóng khuôn hơn. Bánh mì ăn rất ngon, giữ độ mềm mướt rất lâu. Thậm chí cất trong tủ lạnh qua ngày hôm sau mang ra vẫn còn mềm ngon. Lại có ưu điểm là tiết kiệm tiền điện (vì khỏi phải preheat khuôn), tiết kiệm công (vì mình cho bột thẳng vào khuôn luôn, khỏi phải ủ riêng rồi mới cho bột vào khuôn), an toàn (vì khỏi lo bị phỏng nếu sơ ý đụng tay vào khuôn thật nóng như cách preheat), khỏi lo khuôn bị nứt (khi dùng khuôn Pyrex bằng thủy tinh Tứ Diễm phải rất cẩn thận vì khi khuôn đang rất nóng, mình sơ ý đặt lên mặt bàn lạnh thì có thể làm khuôn bị nứt hay sơ ý tuột tay thì khuôn có thể bị bể; nhưng khi dùng khuôn không nướng nóng trước thì mọi việc rất đơn giản và dễ dàng vô cùng).
Mời xem thêm các bài viết
- Bánh Mì Cà Ri Chay
- Bánh Mì Hấp
- Bánh Mì Không Nhồi (My's 36 Hours Loaf)
- Bánh Mì Không Nhồi
- Bánh Mì Không Nhồi (No Knead Bread)
- Bánh Mì Không Nhồi (Chảo Cast Iron)
- Bánh Mì Không Nhồi (cách làm của Tứ Diễm)
- No Knead Bread (Bánh Mì Không Nhồi)
- No Knead Bread Again
No comments:
Post a Comment