TABLE OF CONTENTS

Friday, 7 February 2014

Mứt Dừa 2014

Mấy năm sau nầy, Tứ Diễm vẫn thường tự làm các loại mứt vào dịp Tết, trong đó có món Mứt Dừa.   Năm nay, Tứ Diễm bị bệnh gần hai tuần ngay sau ngày Tết Dương Lịch nên cứ ngỡ sẽ không thể làm mứt kịp ăn Tết được.  Nhưng rồi Tứ Diễm cũng đi mua dừa về làm được mấy đợt mứt.  Và cũng nhờ vậy mà Tứ Diễm đã nghĩ ra được một cách để làm gọn lẹ hơn rất nhiều.   Mời ngắm ít Mứt Dừa do Tứ Diễm tự làm nha


Nếu muốn biết cách Tứ Diễm tự nghĩ ra, mời cùng đọc tiếp theo nha để biết hành trình làm mứt dừa năm nay của Tứ Diễm




Thường người ta hay mua loại Dừa Rám (Fresh Coconut).   Đây là loại dừa không quá non cũng không quá già.   Nói chung là vừa đúng mức để làm mứt hay các loại bánh rất ngon.   Dừa Rám là gọi tên theo người Nam, còn người Bắc gọi là Dừa Bánh Tẻ (hay Dừa Tẻ).   Phần vỏ và xơ dừa lạt mầu ngà vàng như hình bên dưới (sưu tầm trên mạng).  Loại nầy phần cùi (cơm) dừa mềm vừa mức nên dễ cậy dễ làm


Nhưng Tứ Diễm không thấy ở các khu chợ quanh vùng bán loại Dừa Rám nên đành phải mua loại Dừa Khô về dùng tạm.  Loại nầy phần vỏ mầu nâu, hơi bóng.    Phần cùi (cơm) dừa cứng và bám rất chặt vào lớp vỏ cứng bên ngoài.


Thông thường, khi mua Dừa Rám về rồi người ta dùng dao cạo sạch phần xơ dừa bên ngoài.  Nếu quan sát kỹ sẽ thấy mỗi trái dừa có ba nốt lõm xuống mà người ta gọi là "mắt dừa".   Hai "mắt" sẽ sâu hơn và một "mắt" cạn hơn.   "Mắt dừa" càng sâu là dừa càng già, phần cùi (cơm) dừa càng dầy và cứng hơn.  Lựa trái dừa còn nhiều nước và nặng tay, mắt dừa không bị ướt và không quá sâu.

Cách bổ đôi trái dừa dễ dàng là đặt trái dừa nằm gọn trong lòng bàn tay.   Ngón tay cái bấm vào "mắt dừa" cạn.  Hai "mắt dừa" sâu nằm hướng lên trên.   Dùng tay kia, cầm sống dao phay đập mạnh vào chính giữa trái dừa một hay vài lần.   Trái dừa sẽ bể làm hai mảnh.   Nếu muốn giữ phần nước dừa thì khi thấy dừa hơi nứt là dùng mũi dao lách nhẹ để đổ nước dừa vào thau, xong mới lách mạnh hơn để tách dừa làm hai phần.   Nếu siêng hơn, đục "mắt dừa" trút hết phần nước dừa rồi mới đập bể vỏ dừa làm hai phần.


Loại Dừa Khô nầy lớp vỏ nâu sậm, khô, cứng.   Phần cùi (cơm) dừa cũng khô và cứng hơn loại Dừa Rám rất nhiều nên rất khó mà cậy ra khỏi lớp vỏ.


Theo cách thông thường, sau khi đã đập bể dừa làm hai phần.   Người ta đặt dừa lên bếp đốt cho nóng phần vỏ hay là đặt vào oven, nướng ở 250 độ F, lợi dụng sự giãn nở khác biệt giữa phần cùi (cơm) dừa và vỏ cứng để tách phần cùi (cơm) dừa ra khỏi vỏ dễ dàng hơn.

Tuy nhiên, khi dùng loại Dừa Khô như Tứ Diễm đã mua, có thể thấy rõ phần cùi (cơm) dừa rất dầy và cứng như hình bên dưới.   Với loại dừa như vầy, nếu đem đốt trên bếp hay nướng trong oven (mini oven) cho tới khi độ giãn nở để tách cùi (cơm) dừa thì phần cùi (cơm) dừa đã có thể bị ra dầu hay bị hơi chín, đem làm mứt sẽ không ngon.


Tứ Diễm mới nghĩ ra một cách mới, chẳng giống ai.    Tuy cũng áp dụng nguyên tắc dùng nhiệt độ chênh lệch để giúp tách lớp cùi (cơm) dừa ra khỏi phần vỏ dừa dễ dàng hơn; nhưng lại làm đảo ngược.   Đó là thay vì đem đốt nóng hay nướng trong oven thì Tứ Diễm lại bọc kín những mảnh dừa đã đập bể làm hai mang cất vào trunk xe hơi đậu ở bên ngoài.  Vì nhà Tứ Diễm không có nhà chứa xe (garage), Tứ Diễm cất vào trunk xe để bảo đảm dừa được sạch và chắc chắc là không bị chó, mèo hay các con vật hoang cào bới.   Nhiệt độ bên ngoài lạnh cỡ trừ 23 độ C nên sẽ làm phần cùi (cơm) dừa cho dù dầy và cứng cỡ nào cũng co lại.  


Sau đó mang vào nhà, đổ nước sôi vào xong dùng muỗng cậy nhẹ là toàn bộ phần cùi (cơm) dừa sẽ tróc khỏi lớp vỏ cứng thật dễ dàng.   Với cách do Tứ Diễm nghĩ ra như vầy thì không bao giờ lo chuyện lớp cùi (cơm) dừa bị ra dầu mà ngược lại còn khi lớp cùi (cơm) dừa thơm ngon, béo hơn và dễ bào mỏng hơn.

Lý do Tứ Diễm đổ nước sôi vào phía trong mỗi nửa quả dừa là để tạo sự chênh lệch nhiệt độ giữa thật lạnh và thật nóng khiến phần cùi (cơm) dừa dễ dàng tróc khỏi vỏ.  




Đây là lần đầu thử nghiệm cách làm do Tứ Diễm mới sáng chế ra.   Khi làm theo cách nầy, phần vỏ mỏng mầu nâu cũng bị tách bỏ gần hết ra khỏi phần cùi (cơm) dừa như hình bên dưới.


Cũng vẫn áp dụng phương pháp mới chế ra đó, Tứ Diễm có thể tách phần cùi (cơm) dừa rất dễ dàng.   Nhất là khi làm mứt vào mùa Đông, ở bên ngoài luôn luôn lạnh thật là lạnh nên coi như một cái tủ lạnh vĩ đại, tha hồ để mình tận dụng.   Như vậy, trong lần làm mứt năm nay, Tứ Diễm không cần tốn quá nhiều công sức như khi bắt chước thiên hạ đem nướng dừa trong mini oven.

Đây là kết quả lần áp dụng thứ hai, cũng vẫn dùng cùng phương pháp dùng nhiệt độ thật lạnh rồi đổ nước sôi để làm tan đá và tách cùi (cơm) dừa khỏi vỏ lẹ làng. 


Với cách làm nầy, phần vỏ mỏng mầu nâu hầu như cũng đã bị tách bỏ nên gọt phần bên ngoài cũng thật dễ dàng.   Như vậy, bắt đầu từ bây giờ Tứ Diễm không cảm thấy ngán mỗi khi cần cậy cùi (cơm) dừa ra khỏi vỏ dừa nữa.   Nếu các sis nào cảm thấy hứng thú, có thể áp dụng thử rồi cho biết feedback nha.


Dùng dao bào gọt bỏ lớp bên ngoài


Rửa sạch, lau khô, rồi bào mỏng thành sợi


Lần làm thứ hai phần cùi (cơm) dừa mềm dẻo hơn một chút nên có thể gọt thành sợi dài hơn



Có những sợi dừa sau khi bào mỏng gần như giống một hình tròn gần trọn vẹn


Trụng qua nước sôi, để ráo xong xóc đều với đường.    Tứ Diễm thường đong theo tỷ lệ 50%, nghĩa là 1 kg dừa thì dùng 500 grams đường


Sau một khoảng thời gian, đường sẽ tan thành nước, thấm vào các sợi dừa giúp các sợi dừa mềm dẻo và có mầu hơi trong hơn


Cùi (cơm) dừa hơi dầy nên Tứ Diễm dùng kéo cắt để các sợi dừa thanh mảnh nhìn đẹp mắt hơn


Sau đó sên nhỏ lửa trên bếp, dùng silicone spatula xới đều để dừa thấm đường và không bị sạm mầu.  Khi đường đã thấm hết vào dừa, mầu dừa trở nên trong như vầy phải lưu ý kỹ và xới đều tay hơn vì đây là lúc Mứt Dừa sắp hoàn tất, sơ ý bị bén chảo sẽ kém đẹp


Khi Mứt Dừa đã chuyển mầu trắng đục như vầy, phía ngoài có lớp đường mỏng bao phủ thì rắc thêm vanilla bột (vanilla sugar powder) xới đều xong nhấc chảo ra khỏi bếp.   Đừng sên quá lâu kẻo mứt dừa sẽ bị khô, cứng, khi ăn sẽ mất ngon

Tứ Diễm sên mứt vào lúc khuya.    Chụp hình dưới ánh đèn mầu vàng nên mứt có mầu hơi ngà vàng, chứ không trắng như ở ngoài


Đổ ngay Mứt Dừa ra ngoài khay, trải rộng ra để Mứt Dừa từ từ nguội và khô ráo hơn.    Hình nầy cũng chụp vào lúc đêm khuya dưới ánh đèn vàng nên mầu ngà không trắng như mứt ở bên ngoài thực tế.   Nếu so sánh với hình bên dưới (chụp vào ban ngày) sẽ thấy sự khác biệt rõ rệt.



Năm nay Tứ Diễm sên tới ba đợt Mứt Dừa.   Hai lần đầu là mua dừa khô về đập bể làm hai mảnh, sau đó cậy phần cùi (cơm) dừa rồi bào mỏng để sên mứt.   Bầy vào hộp chung với một số loại mứt khác cũng đều do Tứ Diễm tự làm.


Nhìn gần hơn nha.  


Năm nay áp dụng cách tách cùi (cơm) dừa do Tứ Diễm mới nghĩ ra, Mứt Dừa rất thơm ngon và trắng nhìn đẹp hơn nhiều so với các năm trước.


Mời cùng thưởng thức.  

Nếu muốn xem thêm một số món ăn ngày Tết, xin mời xem thêm các bài viết:







No comments:

Post a Comment