Wednesday, 1 June 2011

TNĐT - Ba Chìm Bẩy Nổi

Thành ngữ "ba chìm bảy nổi" dùng để ví cảnh ngộ của một người khi lên khi xuống. phiêu giạt, long đong vất vả nhiều phen.

Có nơi cho rằng sỡ dĩ thành ngữ "ba chìm bảy nổi" có được nghĩa này là do chúng được cấu tạo bằng cách đan xen hai tổ hợp "ba bảy" và "chìm nổi".

"Chìm" và "nổi" là hai động từ trái nghĩa nhau. "Chìm" là "chuyển từ mặt nước xuống dưới sâu"; "nổi" là  "chuyển từ dưới sâu lên trên mặt nước". Từ chỗ biểu thị tính liên tục của hành động hết chìm lại nổi, tổ hợp dùng để chỉ sự gian truân vất vả của một người nào đó, vừa qua khỏi điều không may này, lại gặp phải sự éo le trắc trở khác ("cuộc đời chìm nổi").

"Ba" và "bảy" là hai số đếm. Khi tham gia tổ hợp, chúng biểu tượng cho số lượng không phải một, cũng không phải ba hay bảy một cách cụ thể, mà là nhiều ("có ba bảy cách làm"; "thương anh ba bảy đường thương"). Khi dùng đan xen vào các tổ hợp khác, "ba bảy" thường được tách ra theo kiểu như "ba lo bảy liệu" (= lo liệu nhiều), "ba lần bảy lượt" (= nhiều lần), "ba dây bảy mối" (= nhiều mối), v.v...

Theo một cách hiểu khác thì đúng nguyên văn câu thành ngữ này là "ba chìm ba nổi sáu linh đinh" nhưng thường bị  nhiều người đọc trại ra thành "ba chìm bảy nổi sáu (cái) linh đinh" hay "ba chìm bảy nổi chín (cái) lênh đênh", hoặc chỉ vắn tắt như "ba chìm bảy nổi", "bảy nổi ba chìm"...  Xuất xứ của thành ngữ này là từ cách làm tương của người dân ở tỉnh Quảng Bình. Muốn làm tương cần phải
ủ cho nếp mốc ba ngày, xong rang đậu bỏ vô, ngâm chìm ba lần, nổi ba lần. Muốn cho vừa, chín phần tương, hai phần muối trộn chung lại.

Dù lý giải theo cách nào đi nữa, câu thành ngữ trên được dùng một cách thống nhất về ý nghĩa để diễn đạt tình huống của kẻ gặp nhiều nỗi vất vả, gian truân trong cuộc sống.

    Thân em vừa trắng lại vừa tròn
    Bảy nổi ba chìm với nước non
    (Hồ Xuân Hương - Bánh trôi nước)



Sau khi kể chuyện về thành ngữ "ba chìm bảy nổi", tác giả bài viết xin riêng tặng những bạn đọc
quê ở miền Trung một vài tìm hiểu về tiếng Việt mến yêu của chúng ta :

Cuộc Nam tiến của Chúa Nguyễn trong thời kỳ tranh chấp với Chúa Trịnh để lập ra Đàng Trong đã có ảnh hưởng trong ngôn ngữ cũng như giọng nói, khác biệt với giọng Bắc của cha ông ta lúc mới vào miền Trung. Do ảnh hưởng của thủy thổ ở địa phương, cũng như nhờ "mượn" thêm nhiều từ ngữ gốc Mường và gốc Chiêm như "ri, mô, tê, răng, rứa", trải qua nhiều thế hệ, đã tạo nên một giọng nói mới cộng thêm nhiều phương ngữ (dialect) cho tiếng Việt mà bây giờ chúng ta gọi là tiếng Huế, giọng Huế. Chẳng hạn như "răng chừ" có nghĩa là "bao giờ", "ốt dột" thay cho "ô nhục", "côi nớ" là "trên ấy", v.v..

Còn chữ "Huế", theo cụ Hương Giang Thái Văn Kiểm, bắt nguồn từ chữ "Hóa" như trong địa danh Thuận Hóa, có thể do thông lệ "kỵ húy", phải đọc trại chữ đi để tránh né tên một nhân vật quan trọng, tên của tổ tiên, v.v.. mà con cháu phải kiêng cữ. Trong trường hợp chữ "Huế", cụ cho là do kiêng tên của tổ tiên Nguyễn Nạp Hóa, cháu 6 đời sau công thần Nguyễn Bặc, vị khai canh của họ Nguyễn từ đời nhà Đinh.

Cụ Thái Văn Kiểm cũng nêu ra một trường hợp kỵ húy khác như saụ Nguyên phi Hồ Thị Hoa, vợ vua Minh Mạng (lúc bấy giờ còn là thái tử [Đởm]), là người có nhiều đức tính tốt như : thục, thận, hiền, trinh, hết đạo hiếu kính đối với cha mẹ và người trên nên được vua Gia Long ngợi khen. Vua đặt lại tên cho bà là Thật và dạy rằng tên Hoa, thì chỉ nghe thơm mà thôi, không bằng chữ Thật là gồm có quả phúc.

Sau khi sanh được hoàng tử Miên Tông (sau là vua Thiệu Trị) được 13 ngày thì hoàng hậu bị sản hậu mà băng hà, hưởng thọ chỉ 17 tuổị Vua Gia Long, thái tử Đởm và cả hoàng gia thương tiếc vô cùng. Vì tên húy của bà là Hoa, nên chữ "hoa" phải đổi thành "huê, bông, ba". Ví dụ chợ Đông Hoa cải gọi là Đông Ba, cấu Hoa gọi là cầu Bông, v.v.. Rồi đây có lẽ cũng là một lý do nữa để chữ Hóa (đọc na ná như Hoa") phải đọc trại ra thành chữ "Huế". Ngoài ra chữ "thật" cũng là chữ húy nên phải đọc là "thiệt", chữ "anh" phải đọc là "yêng" (yêng mình đi mô rứa ?) để tránh tên Ánh của vua Gia Long.

Tác giả Dương Trọng Hiếu


----------------------
Tham khảo :
- "Kể chuyện thành ngữ tục ngữ", NXB KHXH Hà Nội 1994.
- "Thành ngữ điển tích danh nhân từ điển", Trịnh Vân Thanh.



Mời xem thêm các bài viết khác trong phần Thành Ngữ - Điển Tích 

0 comments:

Post a Comment

 
;