Friday 1 July 2011

Sưu Tầm - Người Cha Đưa Cơm Hộp

"Công Cha như núi Thái Sơn
Nghĩa Mẹ như nước trong nguồn chẩy ra"
 
Chắc hẳn hai câu trên không xa lạ với chúng ta.   Chỉ tiếc là trong thực tế, dường nhưng tình Phụ Tử không được nhắc nhở đến nhiều như tình Mẫu Tử.   Phải chăng Cha thương con nhưng chỉ để trong lòng, hiếm khi bầy tỏ rõ ràng dễ nhận thấy như tình Mẹ với con.  
 
Đôi khi phải ở một hoàn cảnh thật đặc biệt người con mới cảm thấy bàng hoàng sửng sốt khi chợt phát hiện ra rằng... ".... để đưa cơm hộp cho nó, cha đã đi suốt cả buổi chiều trên con đường đó. Cái bệnh đãng trí tuổi già đã làm cha quên mất mình cần đi đâu, nhà mình ở đâu, mình là ai. Nhưng vẫn đinh ninh nhớ đến con trai, nhớ phải mang cơm hộp đến cho con trai...." (trích từ đoản khúc NCĐCH)
 
Trong bài viết nầy, Tứ Diễm xin phép được chia sẻ một đoản khúc của tác giả Triệu Kiến Văn tuy ngắn nhưng cũng thật là cảm động ....
 
Xin mời xem tiếp nha ....
 
 
Bên dưới là nguyên văn bài viết của tác giả đã được dịch sang tiếng Việt và diễn đọc thành audio.   Xin cám ơn tác giả Triệu Kiến Văn, dịch giả Bảo Châu và người đọc Tường Đinh đã giới thiệu một tác phẩm thật cảm động
 
 
 
NGƯỜI CHA ĐƯA CƠM HỘP
Tác giả: Triệu Kiến Văn
Dịch giả: Bảo Châu
Giọng đọc: Tường Dinh
 
Nguoi_Cha_Nau_Com
 
 

Đã một giờ chiều rồi mà cha vẫn chưa mang cơm hộp đến.Nó làm chủ quản ở một nhà máy, áp lực công việc rất lớn. Buổi trưa nhà máy không phục vụ cơm, nó bảo cha mang cơm hộp cho. Một phần là tiết kiệm, một phần cơm cha nấu rất ngon.
Đồng nghiệp ăn thử cơm cha nấu, khen rất ngon. Nhưng nó cảm thấy trong lời khen ấy, có chút gì như khinh thường. Đúng vậy, khinh thường. Một người cha chỉ biết nấu cơm, chỉ biết chịu khổ chịu cực không biết cách hưởng thụ cuộc sống.
 
Phải chăng mẹ đã bỏ nó từ khi còn bé tí để theo một người đàn ông khác vì một người cha không có tiền đồ như vậy? Mẹ có thể tìm lại được cho mình một người chồng mới, nhưng nó thì không thể tìm lại cho mình một người cha mới được.
 
Hai giờ chiều. Cha vẫn chưa đến. Không biết làm gì mà cả ngày rảnh rỗi, chỉ là nấu ít cơm, gần đây nấu cũng linh tinh nữa. Hôm qua không có thịt, hôm kia 1 giờ chiều mới mang đến. Hôm kìa quên cả cho muối. Đợi suốt cả buổi chiều cha vẫn chưa đến. Bảy giờ tối, có cuộc điện thoại từ sở cảnh sát gọi tới: "Bố anh đang ở chỗ chúng tôi. Ông ấy lạc đường, mời anh đến đón về"
 
Lạc đường? Cha làm sao mà lạc đường được? Vừa đến sở cảnh sát, nhìn thấy cha vẫn cầm hộp cơm. Thấy nó đến, cha vội đưa tới cho nó: "Ăn cơm đi".
Cha đang làm gì vậy? Một hộp cơm cầm đến tận bây giờ, lại cầm đến đây?
 
Nó đang muốn phát điên, thì người cảnh sát nói: "Có người phát hiện ông lão này mồ hôi nhễ nhại cứ đi đi lại lại, hỏi ông ấy đi đâu, ông ấy nói không nhớ, hỏi nhà ở đâu, tên gì, cũng không nhớ, thế là gọi điện cho chúng tôi, may mà chúng tôi đã tìm thấy danh thiếp của anh trên người ông cụ. Cha anh mắc chứng bệnh đãng trí tuổi già, phải trông coi ông cụ, đừng để ông ấy đi mất".
 
Cha đã bị mắc bệnh đãng trí tuổi già?
 
Giờ nó mới biết, để đưa cơm hộp cho nó, cha đã đi suốt cả buổi chiều trên con đường đó. Cái bệnh đãng trí tuổi già đã làm cha quên mất mình cần đi đâu, nhà mình ở đâu, mình là ai. Nhưng vẫn đinh ninh nhớ đến con trai, nhớ phải mang cơm hộp đến cho con trai.
 
Cha bị đói suốt cả buổi chiều mà vẫn giữ nguyên hộp cơm. Hộp cơm đã nguội ngơ nguội ngắt, đưa ra trước mặt nó.
 
Một người đàn ông đã trưởng thành như nó, cuối cùng đã không kiềm chế được òa lên khóc.

Tác giả: Triệu Kiến Văn
 
 
Reference source links:
 

0 comments:

Post a Comment

 
;