Friday 30 December 2011 0 comments

Sưu Tầm - Lời Thật Mất Lòng

Trong bài viết nầy Tứ Diễm xin mạn phép đăng lại một số câu sưu tầm được từ trên mạng, đôi khi không biết tên các vị tác giả là ai.  Có một số câu tuy đọc lên thấy vui vui dí dỏm, nhưng nếu ngẫm kỹ cũng thật thấm thía.

Xin mời xem thêm chi tiết
0 comments

Sưu Tầm - Ranh Ngôn

Trong bài nầy gồm một số câu "ranh ngôn" sưu tầm được đó đây, đa số đều nhận qua emails nên không rõ tác giả và xuất xứ ban đầu.   Mong quý vị tác giả xí xóa thông cảm dùm nghen.

Xin mời xem thêm chi tiết

Tuesday 20 December 2011 0 comments

Truyện - Chuyện Tại Một Trạm Xe

CHUYỆN TẠI MỘT TRẠM XE
(lấy ý từ mẩu truyện cười trong Readers Digest)
Tứ Diễm

Thời tiết xứ này thật là lạ. Duy vừa lẩm bẩm một mình, vừa đi lui đi tới. Trạm xe bus trung ương đã mở máy lạnh, nhưng hình như vẫn chưa đủ để xua tan hết cơn nóng hầm hập bên ngoài ùa vào mỗi khi cửa ra vào đóng mở. 

Duy không biết phải làm gì cho qua thời gian trong khi chờ đợi chuyến xe về Montreal. Anh cứ đi qua, đi lại một lúc. Chốc chốc, lại đưa tay lên nhìn đồng hồ. Cây kim chỉ giây hình như cũng lười biếng di chuyển. Thời gian trôi qua thật chậm. Duy chặc lưỡi thở dài một mình. Nhưng rồi như tự nhận ra hành động vô lý của mình, anh đưa mắt nhìn quanh tìm nơi mua báo để đọc. Anh mua kèm theo tờ báo vài thỏi kẹo cao su, lon nước ngọt cùng một gói thuốc lá.

Sau đó, Duy xách hành lý đến một băng ghế còn trống, ngồi xuống rồi thong thả đọc từng trang báo. Có lẽ đây là lần đầu tiên anh có dư giờ nhàn nhã đọc kỹ càng từng mục. Chẳng bù cho mọi ngày, Duy chỉ đủ thì giờ lướt sơ qua các tựa đề lớn trong giờ ăn trưa trước khi liệng bỏ tờ báo. Nhiều hôm quá mệt mỏi, anh ăn vội vàng cho qua bữa, rồi kiếm một góc, lăn ra ngủ. Anh chỉ còn biết tin tức qua radio trên đường lái xe trở về nhà.

Cuộc sống nơi đây đều đặn và bình thường đến độ nhàm chán, nhưng sao lúc nào cũng thật bận rộn. Duy cảm thấy 24 tiếng chưa đủ dài cho anh hoàn tất những việc cần làm trong một ngày . Buổi tối nào anh cũng thở dài khi thấy còn nhiều việc đã dự tính từ lâu mà chưa thực hiện được. Duy suy nghĩ lan man sau khi vừa giở đến trang báo cuối cùng. Đúng lúc đó, cửa ra vào bật mở. Một luồng gió nóng hổi bên ngoài ùa vào cùng với tiếng trẻ con khóc lè nhè, khiến tất cả hành khách đang ngồi đợi ngẩng đầu lên nhìn.

Duy không kềm được tính hiếu kỳ, cũng tò mò nhìn người mẹ trẻ đang bối rối trước ánh mắt của mọi người. Duy cúi đầu giả bộ đọc tờ báo trước mặt, nhưng thật ra, anh vẫn kín đáo quan sát người khách vừa đến. Bà mẹ trẻ, còn quá trẻ, rất xinh xắn và còn nhiều nét ngây thơ, đang lúng túng với đứa trẻ trên tay và đám hành lý ngổn ngang, trông đến thật tội nghiệp.

Duy đang tính đứng dậy, giúp cô ta một tay, thì một người đàn ông da trắng đã nhanh nhẹn làm giúp. Có lẽ, ông ta cũng muốn bắt chuyện làm quen với người thiếu nữ. Nhưng tiếng khóc ngằn ngặt của đứa bé đã dập tắt nụ cười làm quen trên môi ông ta. Duy có cảm giác người đàn ông hơi mạnh tay khi đặt các món hành lý xuống đất trước khi quày quả bỏ đi. Duy tự chế riễu cái tính ưa tưởng tượng của mình. Anh cảm thấy mình hơi khiếm nhã khi tò mò theo dõi hành động của người khác; vì thế, anh bèn cắm cúi đọc lại thật kỹ càng những tin tức trong tờ báo.

Tuy nhiên, tiếng trẻ con khóc khiến anh không tài nào đọc thêm được một chữ. Anh kín đáo liếc nhìn người thiếu nữ bằng đuôi mắt. Người thiếu nữ đang bồng đứa bé đi qua, đi lại và ru nho nhỏ. Âm điệu rất trầm bổng, nhưng Duy không nghe rõ lời.

Đứa bé cứ oằn người và khóc lớn tiếng. Người thiếu nữ càng thêm bối rối khi bắt gặp những tia nhìn xoi mói xen lẫn bực bội của nhiều người. Cô ta vội rảo bước ra ngoài cửa, có lẽ để khỏi làm phiền người xung quanh.   Nhưng chỉ vài phút sau, có lẽ không chịu được sức nóng bên ngoài, người thiếu nữ lại hấp tấp trở vào. Đứa bé hình như cũng quá mệt vì kêu khóc nhiều nên đang thiêm thiếp trên tay cô ta.

Lần này, người thiếu nữ đi đi lại lại gần nơi Duy đang ngồi. Anh có thể nhìn rõ nhưng giọt mồ hôi đọng lấm tấm hai bên thái dương, và cả trên cánh mũi thon thon của cô ta.  Những sợi tóc mai bết quanh khuôn mặt càng khiến người thiếu nữ thêm duyên dáng. Duy có thể nghe giọng nói rất êm đềm, quyến rũ của cô ta đang cất lên nho nhỏ: "Chóng ngoan nào, Jane.  Chỉ còn vài tiếng nữa là về đến nhà. Chỉ còn vài tiếng nữa thôi. Lúc đó, Jane tha hồ mà nghỉ ngơi nhé..."  Không biết người thiếu nữ đang nghĩ đến chuyện gì, chỉ thấy cô ta mỉm cười làm rạng rỡ cả khuôn mặt khiến Duy không tài nào rời mắt khỏi cô ta.

Thời gian từ từ trôi qua. Bỗng một người khách vừa bước vào, ông ta làm rơi chiếc valy xuống đất. Tiếng động khá lớn, khiến đứa bé giật mình thức giấc và bắt đầu khóc lớn tiếng. Chỉ tội cho người thiếu nữ, cô ta lại phải tìm đủ mọi cách để dỗ đứa bé. Duy nghe cô ta lập đi lập lại câu "Chóng ngoan nào, Jane. Sắp đến nhà rồi. Lúc đó, Jane được tắm rửa, thay quần áo, ăn uống và nghỉ ngơi. Ngoan nhé, Jane. Chỉ còn vài tiếng nữa là đến nhà rồi....." Giọng nói trầm bổng của cô ta nghe như đang hát khiến đứa bé dịu lại, thôi không dẫy dụa nữa.

Sau một lúc, đứa bé bắt đầu ngủ tiếp. Duy dường như nghe được tiếng thở phào nhẹ nhõm của người thiếu nữ. Cái giọng nói êm đềm của cô ta vẫn khe khẽ vang lên bên cạnh, khiến Duy chợt nhớ đến tiếng ru của mẹ thuở xưa lúc anh còn bé. Chưa bao giờ Duy cảm động trước tình mẫu tử như hôm nay. Ôi còn gì cao quý như tình mẹ. Mẹ thương con như trời như bể. Ngày ấy, anh còn quá dại khờ, có hiểu đâu được tấm lòng của mẹ. Đến ngày nay, khi đã trưởng thành thì mẹ con lại nghìn trùng xa cách. Có lẽ chẳng khi nào còn gặp lại.

Duy chỉ muốn tiến lại, ngỏ lời khen ngợi tính nhẫn nại của người thiếu nữ. Đã từ lâu lắm, Duy mới được nghe và thấy một người mẹ ru con bằng giọng thật êm đềm và dịu dàng như thế. Nhưng vốn sẵn tính nhút nhát nên anh chỉ ngồi yên và kín đáo nhìn hai mẹ con người thiếu nữ mà thôi.

Mãi đến lúc chuyến xe bus Toronto - Montreal vào trạm, các hành khách lục đục sửa soạn mang hành lý ra xe, Duy mới giật mình đứng dậy. Anh kiểm soát lại hành lý rồi rảo bước về hướng xe bus. Người thiếu nữ vẫn ôm đứa bé ngồi ở băng ghế gần đó. Duy chần chừ một chút, rồi lấy hết can đảm quay trở lại. Anh dùng tất cả vốn liếng sinh ngữ để kết thành một câu khen, mong xứng đáng với tình mẫu tử của người thiếu nữ. Đại ý, anh tỏ vẻ cảm phục vì lần đầu tiên sau nhiều năm, mới được nghe một người mẹ nói với con mình bằng giọng thật dịu dàng như thế. Duy chấm dứt bằng câu: "Bé Jane thật hạnh phúc khi có người mẹ như cô".

Người thiếu nữ bỗng mỉm cười, ánh mắt thoáng lên một tia tinh nghịch, rồi trả lời:
- Thưa ông, Jane chính là tên của tôi ạ...


Tứ Diễm  - Dec. 26, 1992
0 comments

Truyện - Lá Thư Xuân

LÁ THƯ XUÂNTứ Diễm

Chị Năm,

Hèn lâu rồi hổng có nhận thơ chị nên rầu muốn chết.  Nhất là mấy bữa gần Tết như vầy nè.  Tui ở không rảnh quá sức nhưng hổng có dám đi đâu một mình.  Mà cứ ngồi không thì lại nhớ mấy cái chuyện hồi xửa hồi xưa rồi sụt sịt khóc.  Làm con nhỏ nhà tui cằn nhằn hoài hà.

Mà kể cũng ngộ.  Tui hổng dè có ngày tui lại phải ăn Tết ở cái xứ lạ hoắc này đó, chị Năm.  Hổng biết mắc mớ giống chi mà con nhỏ Út của tui hổng chịu ưng mấy thằng trong xóm.  Tui cũng tưởng nó thương ông hoàng, ông tướng nào rồi nên thấy mừng trong bụng.  Ai dè, nó lại thương thằng chồng nó bây giờ.  Cái thằng cù bơ cù bất ở đâu hổng biết.  Mới dọn đến xóm tui có vài tháng là đã hớp hồn cục cưng của tui rồi.  Tui đâu có dè nên hổng cản từ đầu.  Đến chừng con nhỏ nhà tui nó thương cái thằng đó quá trời, tui cũng chẳng đành lòng cấm cản tụi nó.  Được cái là chồng con Út cũng biết khôn, nhờ bà Tám Xuân làm mai dùm.   Mà bà Tám thì chị Năm cũng biết đó.  Cái miệng cứ lách chách, lia chia từ lúc mới vô nhà đến chừng xách nón đi dìa.  Làm tui chưa kịp tính toán chi đã gật đầu cái rụp rồi hà.

Hồi mới cưới, con nhỏ Út tui còn siêng năng tới lui.  Nay mua miếng trầu, mai miếng thuốc làm tui cũng đỡ nhớ.  Riết rồi sau này nó cũng lơ là chuyện thăm tui luôn.  Nhớ nó thì tui lại chạy qua bển thăm tụi nó.  Con cái hổng thương cha mẹ, chớ có cha mẹ nào bỏ được con, phải hông chị Năm.  Nên giận thì giận, chứ lâu hổng gặp thì tui chịu hổng nổi.  Cứ phải qua đẳng hoài.  

Rồi đùng một cái, chồng con Út vượt biên.  Con nhỏ nhà tui đang bụng mang dạ chửa nên hổng dám liều.  Tui thấy vậy nên qua bển bắt nó dìa ở với tui cho có mẹ có con.  Hai thằng anh nó đi đâu là đi biệt.  Cả năm mới ghé thăm tui được một, hai lần.  May là còn con Út ở bên cạnh.  Lúc nó đi lấy chồng, tui nhớ nó quá.  Ăn trầu mà thấy lạt nhách cả miệng.  Đến hồi chồng nó đi vắng, nó dọn đồ dìa ở với tui.  Nói thiệt chị Năm nghe, chứ tui hổng có phiền chuyện chồng nó đi vượt biên chút nào hết đó.  Chỉ tội cho con nhỏ.  Lớp thì nhớ chồng, lớp bị cái bầu hành nên ăn bữa được bữa không.  Tui mà hổng ép thì nó chẳng chịu ăn uống gì ráo trọi. 

Rồi đến chừng nó đập bầu, một tay tui lo săn sóc nó đó chị Năm.  Ông bà mình có nói: "Đàn ông đi biển có đôi.  Đàn bà đi biển mồ côi một mình" thiệt là đúng quá xá.  May con Út sanh cũng dễ, mẹ tròn con vuông.  Mà cái thằng con nó cũng ngộ quá sức.  Chị Năm mà thấy là muốn nựng liền hà.  Nói hổng phải khoe, chứ tui chưa thấy thằng nhỏ nào kháu khỉnh như nó đó chị.

Tui gọi nó là thằng Chó Con, làm con Út cằn nhằn tối ngày.  Nó muốn tui gọi con nó theo đúng tên trong khai sanh kìa.  Ôi, hơi đâu mà để mấy ý cái chuyện đó.  Tui cứ thích gọi là Chó Con hà.  Với lại, tui nhớ hồi đó má tui cứ biểu là phải gọi tên xấu cho dễ nuôi.  Tụi nó có ăn có học thì hổng tin.  Chứ tui thì nghĩ có kiêng có lành, phải hông chị Năm.   Loay hoay rồi cũng tới ngày đầy tháng, thôi nôi của thằng Chó Con.  Túng thì túng, tui cũng ráng làm cỗ bàn mời bà con chòm xóm tới, mặc con Út cự nự.  Con nó nó hổng thương. Nhưng cháu tui, nó cấm tui thương được hay sao.  Nói nào ngay, có hai mẹ con nó hú hí bên cạnh, tui cũng thấy vui vui.  Nên dù có tốn hao bao nhiêu tui cũng hổng có ngại.

Rồi khi không, chồng con Út gửi giấy tờ về bảo lãnh tui với hai mẹ con con Út.   Tui hổng có muốn đi.  Nhưng tại con út cứ khóc lóc, một hai đòi tui đi theo nó.  Với lại, tui cũng mến tay mến chân thằng Chó Con quá sức, nên đành dằn lòng đi theo tụi nó.  Cái thằng chồng con Út cũng ngộ.  Đi xứ nào hổng đi, lại nhè cái xứ lạnh như thùng nước đá này mà ở.  Báo hại tui cũng phải chịu lạnh theo hà.   

Có nhiều chuyện ngộ lắm, chị Năm hổng biết đâu.  Từ hồi đó tới giờ, ra đường thì chỉ cần mặc bộ bà ba, xỏ thêm đôi guốc là tươm tất lắm rồi.  Bữa nào nắng thì thêm cái nón lá.  Trời lạnh thì thêm cái khăn rằn.  Hồi mới qua, tui mặc vậy làm tụi nó cự nự quá chừng.  Tụi nó hổng chịu cho tui mặc áo bà ba ra đường.  Rồi biểu tui mặc mấy cái quần áo tụi nó mới sắm cho tui. 

Mà nói nhỏ chị Năm nghe.  Quần áo chi mà coi lố lăng giống y chang mấy bà đầm trong quảng cáo.  Ngộ quá sức hà. Tui hổng có ưng chút nào hết, nhưng tụi nó biểu phải mặc vậy mới đúng "mốt".   Tụi nó còn bắt tui mang giày nữa chớ.  Mèn ui, từ hồi cha sanh mẹ đẻ đến giờ, tui đi cẳng không quen rồi.  Lễ lạc gì thì mới xỏ chân vô đôi guốc.  Vậy mà bây giờ phải bó giò trong cái đôi giày.  Khó chịu muốn chết luôn đó chị Năm.    Nói thiệt, tui hổng có muốn mang giày.  Nhưng e vợ chồng nó buồn nên cũng ráng mang.  

Vậy mà chưa hết, con Út bày đặt chê tui ăn trầu coi hổng có "văn minh".  Nó đi mua kẹo "sinh-gum" gì đó, biểu tui nhai thay trầu.  Thay sao được mà thay.  Chị Năm nghĩ coi.  Kẹo chi mà lạt nhách, nhai mỏi cả miệng.  Đâu có thơm ngon như miếng trầu của tụi mình đâu.  Riết rồi, tui biểu tụi nó đừng mua nữạ  Vì răng tui lung lay gần hết rồi, hổng còn muốn nhai nhiều.

Chị Năm biết hông, ở bên này coi vậy mà cũng cực lắm đó.  Vợ chồng tụi nó lụi hụi đi làm từ sớm đến tối hù mới dìa.  Tui ở nhà hủ hỉ với thằng Chó Con.  Rảnh thì lo cơm nước cho tụi nó.   Mà ở đây cái chi cũng ngộ lắm đó chị Năm.   Tụi nó có cái nồi, đổ gạo với nước vô, rồi nhấn nút xong một hồi là cơm chín hà.  Hổng có cần phải nhóm lửa, vần rơm như bên nhà.   Rồi cái máy giặt, máy sấy, lò nướng, bếp...  Cái chi cũng lạ hoắc à.  Hồi đầu, tui cứ đứng lớ quớ trong bếp.  Muốn nấu mà hổng biết cách xài.  Phải đợi đến chừng tụi nó đi làm về để hỏi, làm vợ chồng nó có dịp cười đau bụng.  Thiệt là thời buổi bây giờ, cái chi cũng đảo ngược hết trơn.  Trứng khôn hơn vịt, cha mẹ phải học con mà. 

Được cái là vợ chồng con Út cũng có hiếu.  Tụi nó sợ tui buồn nên đi mướn băng "vi-đê-ô" về cho tui xem.  Mua băng cải lương cho tui nữa.  Tụi nó còn mua cả mớ sách báo tiếng Việt nhưng tui hổng có muốn đọc.  Chỉ nghe băng cải lương hay xem mấy phim bộ cho đỡ buồn thôi hà.   Chị Năm biết
hông.  Nhiều bữa nghe con nhỏ đào cải lương xuống sáu câu vọng cổ mùi quá sức, làm tui nhớ cái hồi còn ở trong xóm rồi khóc hồi nào cũng hổng hay nữa. 


Ở gần khu tui bên này hổng có nhiều người Việt mình.  Cuối tuần nào, con Út cũng ráng thu xếp để chở tui đi chùa đặng gặp bạn bè.  Nhiều lúc thấy tụi nó cực quá, tui hổng muốn đi, nhưng tụi nó cứ biểu hổng sao đâu, đi gặp người này người kia cho đỡ buồn.   Mà nghĩ cũng tội cho vợ chồng nó.  Suốt cả tuần vất vả đi làm.  Có hai ngày cuối tuần được nghỉ thì lại phải lo chợ búa, giặt giũ, dọn dẹp nhà cửa.  Rồi còn phải chở tui đi chùa nữa chớ.

Tết năm nay, tui định gói ít đòn bánh tét.  Trước là cúng ông bà, sau cho tụi nó ăn đỡ thèm.   Nhưng con Út cứ gạt đi.  Nó biểu tui muốn ăn gì thì kêu nó đi mua ở tiệm.  Bày vẽ chi cho mắc công.  Tui biết nó sợ tui cực nên hổng cho tui làm.  Nghe nói đâu năm nay có tổ chức chợ Tết vào bữa mồng Hai.  Tối qua, con Út nhắc tui soạn lại mớ áo dài để bận bữa đó.  Tui soạn cho nó vui. Chứ tui chỉ ưng mặc cái áo bà ba thêu chị tặng tui hồi đó đó, chị còn nhớ hông. 

Để bữa đó đi dìa xong tui viết thơ cho chị nhen.  Bây giờ tui phải đi tắm cho cục cưng của tui.  Xong thì nấu cơm chờ vợ chồng con Út về ăn.  Chị cho tui gởi lời hỏi thăm với chúc Tết tất cả bà con chòm xóm nhen.  Xém chút quên, tui chúc chị với anh Năm một năm mới phát tài, may mắn, mạnh khoẻ và mau có thằng rể Út nghen. Sấp nhỏ bên chị thì học hành giỏi giang, mọi việc đều thuận lợi.  Thôi tui ngưng nhen chị Năm.  

Ký tên: Chín Trầu
Thursday 15 December 2011 0 comments

Tùy Bút - Ngu Ngơ Nỗi Nhớ

NGU NGƠ NỖI NHỚ



Tứ Diễm


Chiều nay ghé ngang ngôi trường Đại Học, những con đường len lỏi trong khuôn viên trường ngày thường đầy chật sinh viên, chiều nay sao im vắng. Lác đác xa xa vài tên sinh viên đang nhồm nhoàm nhai miếng bánh mì hotdog bên cạnh chồng sách vở bày la liệt trên bãi cỏ xanh mượt mà.  Có lẽ đó là đám sinh viên đang gạo bài thi cho môn học mùa hè.

Bước vài bước qua ngã rẽ để trở ra phố chính, chợt bắt gặp không khí ồn ào, sôi động của một thành phố đông người. Dăm ba xe bán hotdog đang chào mời nơi góc phố, với lủ khủ các lọ nho nhỏ đủ màu sắc xanh, đỏ, vàng, thật vui mắt.  Một vài chiếc xe bán thức ăn Tầu cũng đang tỏa mùi thơm lừng bay theo chiều gió.  Cộng thêm vài xe bán kem sơn màu sắc sặc sỡ đang rung chuông leng keng rao hàng.  Len lỏi giữa đám đông vội vã, nó bất chợt lại nhớ đến những ngày tháng cũ nơi quê nhà....

0 comments

Tùy Bút - Vẩn Vơ Chuyện Cũ


Vẩn Vơ Chuyện Cũ

Tứ Diễm


Nhà nó hồi đó ở gần đầu hẻm. Nhà xây theo kiểu xưa lơ xưa lắc. Mà kiểu xây cũng ngộ lắm. Để nó tả sơ cho nghe nha....


0 comments

Tùy Bút - Cuối Năm Nơi Đây

Cuối Năm Nơi Đây
Tứ Diễm

Năm nay, trời lạnh sớm.  Trận tuyết đầu mùa bất chợt đổ xuống thành phố khi những hàng cây chưa kịp rụng hết lá.  Tuyết bao phủ mọi nơi, khắp chốn.  Tuyết phủ trắng các nóc nhà, siêu thị.  Tuyết nhuộm trắng các bãi cỏ xanh lác đác lá vàng.  Tuyết nhởn nhơ bay lượn trong không trung.  Tuyết đọng trên các khung cửa kính, trên các nhánh cây bên đường.  Đâu đâu cũng chỉ thấy tuyết và tuyết.  Khiến cả thành phố nhuốm một cảnh sắc hoàn toàn mới lạ.  Quả thật, mùa Đông đã đến nơi đây.
0 comments

Tùy Bút - Gà Qué Nhà Nó

- Mẹ, con gà nó phá "nhà" của con, mẹ ơi...
- Mẹ, con gà nó làm đổ quầy hàng của con.
- Mẹ, con gà nó mổ búp bê của con nè mẹ.
- Mẹ ơi, con gà nó...

Mấy cái miệng nhao nhao thi nhau kể tội.  Mẹ lắc đầu, Nó thì bụm miệng cười.  Người ta hay bảo: "ba bà và một con vịt họp thành cái chợ", huống hồ chi có đến bốn đứa con nít và một con gà.  Ừ thì chỉ là con gà, có gì phải nhắc đến chứ;  nhưng quả thật việc dòng họ gà sống nhởn nhơ trong nhà Nó vốn rất khó tin.  Vì Bố tuy rất hiền, vui tính, thương và chiều con, nhưng Bố tuyệt đối không cho phép nuôi bất cứ loài vật nào kể cả chó và mèo khi trong nhà có trẻ nhỏ. 

"Phép lạ" xảy ra sau năm 1975 không do bà tiên với cây đũa thần biến hóa mà đơn giản hơn nhiều... 


1 comments

Tùy Bút - Một Thoáng Vẩn Vơ

MỘT THOÁNG VẨN VƠ
Tứ Diễm


Dường như từ thuở sang xứ lạnh lẽo này, tôi rất hiếm khi được nhàn rỗi ngồi thưởng thức vẻ đẹp của buổi bình minh hay hoàng hôn. Những ngày mùa Đông rét mướt, mặt trời cũng lười biếng thức dậy sớm, lại hay ẩn trốn sau những màn mây dày. Và tôi cũng rét buốt, co ro trong lớp áo khoác mùa Đông, mắt nhắm mắt mở, lò mò đi ra trạm bus gần nhà, vừa đứng vừa run, và nghe hàm răng đang gõ theo nhịp Rumba. Thử hỏi còn lòng dạ nào mà tận hưởng vẻ đẹp của buổi sớm mai chứ?


Những ngày mùa Hè, mặt trời lại quá ư siêng năng, vội vã khoe vẻ đẹp với cảnh vật chung quanh khi đồng hồ chưa chỉ đến con số 5. Do đó, tôi cũng hiếm khi có dịp được nhìn ngắm cảnh mặt trời mọc. tôi vẫn nghe mẹ tả cảnh mặt trời mọc buổi sáng sớm khi nhìn từ khung cửa phòng khách. Một cảnh đẹp khó tả, chỉ có thể nhìn ngắm và nhận biết bằng mắt, nhưng tôi chưa một lần nào có dịp thưởng thức cả.  Tôi vẫn tự hứa với lòng là sẽ có một ngày phải dậy thật sớm để nhìn ngắm cảnh bình minh. Nhưng dường như cái ngày đó chẳng bao giờ đến thì phải.


Buổi chiều mùa Đông rét lạnh, nên mặt trời thường đi ngủ sớm, chưa tan lớp đã vắng bóng mặt trời. Trên đường về nhà, chỉ có... mặt trăng làm bạn cùng ta. Mùa Hè, mặt trời cũng ham vui nên nán lại khá lâu trên bầu trời. Đến 8, 9 giờ tối mà trời vẫn còn sáng. Rồi bất chợt khi mặt trời vừa lặn xuống thì trời sụp tối thật là nhanh, nhanh đến bất ngờ. Đôi lần tôi cũng bắt gặp được ông mặt trời đỏ ối đang từ từ lặn xuống ở phương Tây. Nhưng thường thì khi đó tôi còn đang bận rộn nhìn..... xe chạy phía trước, phía sau và cả hai bên, nhìn những tấm bảng chỉ đường, nhìn con đường xa lộ thẳng tắp hay uốn éo lượn vòng. Do đó, cảnh hoàng hôn tuyệt đẹp cũng chẳng đủ để thu hút sự chú ý của ta.


Đến kỳ nghỉ lễ vừa rồi, trên đường từ Quebec về lại Montreal, tôi đã có dịp ngồi nhàn nhã, để nhìn ngắm cảnh hoàng hôn. Chao ơi, thật là đẹp vô cùng. Ban đầu, mặt trời còn chói lòa, tỏa những tia nắng gắt khiến tôi không dám nhìn ngắm. Khi đó, bầu trời xanh nhạt, trong vắt, không một gợn mâỵ.  Rồi từ từ, mặt trời ửng sắc cam đỏ, càng lúc càng tròn to hơn.  Nền trời cũng từ từ pha thêm sắc xanh, xen lẫn với những ánh màu vàng, cam ở phía cuối chân trời.


Càng lúc, mặt trời càng ửng sắc đỏ, càng lớn mãi thêm ra, và xuống thấp dần.  Những màu vàng, cam xen lẫn tím càng lúc, càng hiện rõ nơi cuối chân trời, làm nổi bật những hàng cây xanh rì nơi phía xa xa. Và ở tận cùng trên cao của bầu trời, màu xanh dương duy nhất bao phủ cả vòm trời đang từ từ sậm màu . Những đàn chim đang theo nhau bay về tổ tạo thành những nét chấm phá tuyệt vời trên một nền trời được pha trộn những màu sắc thật tài tình của thiên nhiên.


Có lẽ tôi chẳng bao giờ có đủ tài để pha trộn màu sắc khéo léo đến như thế. Mặt trời dường như cũng đã bắt đầu cảm thấy chán phô trương vẻ đẹp nên càng lúc lặn xuống càng nhanh. Cuối cùng, những hàng cây nơi phiá xa xa đã cản trở tầm nhìn để che dấu vừng dương đang muốn đi trốn. Khi đó, bầu trời như đậm thêm ra, và những màu sắc rực rỡ cũng từ từ tan biến để nhường chỗ cho bóng tối đang xâm lấn vũ trụ. Những hàng cây bên đường cũng không còn nhuốm màu xanh tươi mát, mà đã bao phủ bởi một màu xanh tối, tạo thành những hình thù kỳ lạ với con mắt giàu tưởng tượng của khách viễn du.


Cuối tháng trước, trăng thật là tròn và sáng. Bầu trời về khuya đen huyền và lấp lánh những vì sao sáng. Vầng trăng sáng vằng vặc dường như hơi buồn vì bị quên lãng bởi người đời, nên chỉ đành phô bày vẻ đẹp với những hàng cây cao, những cụm hoa đang khép lá, những bãi cỏ xanh mượt được cắt xén cẩn thận và với những chú côn trùng đang trốn núp trong bãi cỏ, gốc cây. Và tôi, nhờ một sự tình cờ, mới phát giác ra được vầng trăng rằm đơn lẻ. Có lẽ nếu những đóa hoa Quỳnh không nở rộ cùng lúc, toả hương ngát nhà, khiến tôi chợt tỉnh giấc và phát giác ra những đóa Quỳnh trắng muốt đang nở tung, xoè những nhị vàng.


Khi đó, tôi đã ngồi ngắm hoa thật say mê. Đây là lần đầu tiên tám đóa hoa Quỳnh nở cùng lúc, nên cả gian phòng tràn ngập mùi thơm của hoa. Và tình cờ, tôi đã hé màn cửa sổ, rồi chợt bàng hoàng, ngơ ngẩn khi thấy ánh trăng sáng đang lung linh chiếu rọi lên những cánh hoa trắng muốt. Chao ơi, thật là đẹp tuyệt vời. Chỉ trong một buổi tối, tôi có dịp được ngắm cả hai vẻ đẹp dịu dàng, tinh khiết của thiên nhiên: hoa Quỳnh nở dưới ánh trăng rằm. Khi đó, tôi đã kéo rèm cửa để ánh trăng tự do ghé vào đùa giỡn với hoa, để ta được ngắm nhìn những cánh hoa mỏng dính, trắng muốt tràn ngập ánh trăng.


Phải chăng ánh trăng đã làm tăng vẻ đẹp của hoa, đã khiến những cánh hoa dường như có vẻ trong hơn, dịu dàng hơn, tinh khiết hơn? Hay có thể tôi đã bị say bởi ánh trăng, bởi hương hoa nên mới cảm thấy vẻ đẹp của trăng, hoa tăng thêm hương sắc?  Tôi không biết đã ngồi như thế đã bao lâu. Thời gian cứ từ từ trôi qua, và những đóa hoa Quỳnh cứ từ từ mở rộng những cánh hoa nhỏ và mỏng dính để khoe chùm nhị vàng, để toả hương tràn ngập gian phòng.


Có lẽ khi đó cũng phải gần hai giờ sáng. Mọi người còn đang say sưa trong giấc nồng. Bên ngoài khung cửa sổ những cánh hoa còn đang khép kín, những hàng cây hiện mờ mờ dưới ánh trăng. Và có lẽ, những chú côn trùng đang dạo những khúc nhạc ròn rã, nhưng những lớp kính dày đã ngăn giữ tiếng động, nên với tôi không gian yên tĩnh lạ thường. Chỉ có tiếng máy lọc nước trong hồ cá đang chảy róc rách như một điệu nhạc nhẹ tô điểm cho một đêm tràn ngập ánh trăng và hương hoa. Thật cám ơn hóa công đã tạo nên những vẻ đẹp tinh khiết , tuyệt vời cho ta được dịp thưởng thức. Chỉ tiếc, nàng thơ có lẽ đã giận hờn khi thấy tôi say mê với hoa, với trăng nên nàng chẳng ghé sang, cho tôi dệt vài vần thơ ca tụng vẻ đẹp của thiên nhiên. Nhưng dù sao, thì với riêng tôi vẻ đẹp của buổi tối hôm đó cũng đã tạo thành một bức tranh khó quên trong tâm trí. Một ngày nào đó, nếu tôi đủ tài và có cảm hứng, mong rằng tôi sẽ diễn tả được phần nào vẻ đẹp đó lên trên những mảnh lụa dịu mềm.....


Còn nhớ thuở ấu thơ tôi đã nằm đếm sao trời biết bao nhiêu lần trên căn gác nhỏ. Những buổi tối ở thành phố thân thương, với một mảnh trời đêm lấp lánh những ánh sao lung linh chiếu sáng, một mảnh trời thật nhỏ bé vì bị che lấp bởi những tàng cây và những mái hiên nhà, nhưng với riêng tôi là cả một thế giới huyền bí, y như trong những câu chuyện cổ tích Bà vẫn kể. Tôi đã tốn bao nhiêu đêm để nằm đếm sao trên mảnh trời nhỏ bé của riêng tôi để ráng định vị trí, gọi tên những vì sao lóng lánh xa thật xa, nhưng cũng thật thân quen,
để dành nhau với đám em làm "của riêng" những vì sao đẹp nhất, sáng nhất. Ở nơi đây, bầu trời đêm khoảng khoát quá, rộng mênh mông quá.  Từ khung cửa sổ phòng, tôi dễ dàng nhìn ngắm gần trọn vẹn cả một góc trời, với vô vàn vì sao sáng.  Nhưng dường như những bận rộn của cuộc sống nơi đây đã khiến tôi không còn thấy ham thích trò chơi đếm sao thuở nào.


Hay có thể giờ đây tôi đã đủ lớn để không còn ưa thích những trò con nít thuở xưa chăng ? Những vì sao ở nơi đây sáng lung linh, rực rỡ lắm nhưng dường như cũng cùng chung phần số với vầng trăng. Có mấy khi được mọi người chú ý nhỉ? Chỉ có một lần, khi đó có hiện tượng "mưa sao" , thế là cả thành phố náo nức, nhộp nhịp hẳn lên với những tin về "mưa sao" đăng trên báo, loan tin trên đài truyền thanh, truyền hình. Và người người náo nức rủ nhau ra khỏi thành phố để có dịp nhìn một hiện tượng lạ của thiên nhiên.  Nhưng cũng chỉ sôi nổi được một, hai ngày, rồi cũng chìm vào quên lãng. Vì còn biết bao nhiêu là tin tức nóng bỏng khác nữa. Chả bù cho cái thưở còn ở quê nhà, chỉ một tin tức cỏn con cũng được mọi người nhắc nhở đến cả tháng sau đó.  Phải chăng cuộc sống hối hả nơi đây khiến con người cũng tập được cái tính mau quên lãng chăng?


Mùa Hè, những hàng cây khoe bày những phiến lá xanh biếc, xanh lục thẫm, đang thi nhau đâm chồi, nảy lộc, vươn mãi lên thật cao, xòe những tán lá rộng ra để che nắng cho người đời.  Ấy thế mà dường như người đời lại không thấu hiểu được tấm lòng của cây. Bởi thế, cứ mỗi khi thấy những cành cây xòe rộng ra khỏi phạm vi cho phép, thì chính phủ lại phải tốn tiền để mướn người đi tỉa bớt những nhánh cây mọc... vô ý thức này. Chẳng biết cây có đau xót vì sự bạc bẽo của loài người hay không, chỉ thấy những giọt nhựa trong vắt, trông từa tựa như những giọt lệ, chảy ra, rồi đọng lại trên những vết sẹo nham nhở trên thân cây vì bị loài người tàn phá.


Mùa Thu, cây thi nhau thay đổi sắc lá, tạo thành một bức tranh đẹp tuyệt vời khiến những hoạ sĩ phải ngẩn ngơ thán phục tài sáng tạo màu sắc tài tình của thiên nhiên, khiến những nhiếp ảnh gia có cơ hội săn lùng để "nắm, bắt" những góc độ tuyệt vời của những hàng cây nhuốm đầy cảnh sắc mùa Thu, và cũng tạo ra nguồn thi hứng vô tận cho những thi nhân. Thế nhưng, với những bà nội trợ thời nay, những bà nội trợ không những chỉ quán xuyến công việc trong gian bếp, trong căn nhà nhỏ bé, mà còn đảm đương thêm những trách nhiệm khác ở ngoài công sở, thì những hàng cây mùa Thu tuy đẹp nhưng... đáng sợ, những phiến lá đủ màu tuy rực rỡ nhưng ...đáng ghét vô cùng. Đừng vội than phiền những bà nội trợ đó vội nhé, mà hãy thử hình dung xem: sau một ngày làm việc mệt mỏi từ sáng sớm đến chiều tối để trở về nhà, và nhìn thấy những phiến lá vàng rơi rụng bừa bãi trên thảm cỏ xanh, trên đường vào nhà. Rồi khi vào nhà, lại phải chứng kiến những bộn bề thiếu ngăn nắp do đám con nhỏ bày bừa,.... Chao ơi, có lẽ những bận rộn, mỏi mệt đã khiến tâm hồn nghệ sĩ của những bà nội trợ theo thời gian ngày càng bị lu mờ, kém cỏi....


Mùa Đông, những hàng cây khô trụi lá lại làm tăng thêm vẻ hoang lạnh, quạnh hiu của mùa đông. Những mảng tuyết trắng đọng trên cành cây khô đen, tạo nên một vẻ đẹp khô, lạnh như những nét chấm phá mạnh bạo của thiên nhiên trong khung cảnh mùa Đông giá. Có những lần tôi đã phải thốt lên lời kinh ngạc vì vẻ đẹp khó tả khi những tia nắng mặt trời hiếm hoi của mùa đông phản chiếu lấp lánh trên những cành cây khô bao phủ một lớp băng giá trong suốt. Khi đó, những tia mặt trời đã dệt nên muôn vàn màu sắc rực rỡ khiến những hàng cây khô cằn bỗng trở nên đẹp tuyệt vời, rực rỡ như những cây pha lê trong câu chuyện cổ tích. Rồi khi nắng ấm mùa xuân vừa thoảng qua, những hàng cây ủ rũ, chợt bừng tỉnh giấc, thi nhau đơm những nụ hoa rực rỡ, đâm những chồi non xanh mướt. Và chỉ sau vài hôm, tưởng như một phép mầu lạ kỳ, thành phố bỗng như vừa thay cảnh sắc, với những tàng cây đầy búp non xanh mát mắt, với những đàn chim sẻ ríu rít chuyền trên cành, với những chú chim có sắc lông thật đẹp nhưng không biết tên đang thi nhau cất cao giọng hót....


Cũng như cây cối, những bãi cỏ vàng úa mùa Đông cũng chợt bừng sức sống sau vài cơn gió ấm mùa Xuân thổi qua. Những cọng cỏ mỏng manh, nhỏ xíu đã chen nhau mà mọc khắp nơi nơi tạo thành những tấm thảm xanh mượt mà. Đầu mùa Xuân, trời vẫn còn se lạnh, những trận gió Đông dường như còn luyến tiếc, nên thỉnh thoảng vẫn trở về, xen kẽ với gió mùa Xuân. Đôi khi những đoá hoa nở quá sớm đã bị héo tàn vì cơn gió lạnh bất ngờ. Nhưng những bãi cỏ xanh mướt thì vẫn cứ xanh biếc, vẫn cứ mơn mởn, mặc cho gió lạnh có muốn ghé lại bao lâu. Khi đó, hãy thử đi dạo trong những công viên của thành phố để nhìn những thảm cỏ xanh mượt chạy dài mãi đến tận chân trời. Hãy thử đi chân trần lên tấm thảm xanh dễ thương đó, để cảm thấy những ngọn cỏ ve vuốt gót chân ta, để cảm giác được hơi mát lạnh của giọt sương đêm còn vương đọng trên những nhánh cỏ...


Hãy thử tạm gác bỏ những nỗi bận rộn, lo âu của cuộc sống, dù chỉ tạm gác bỏ một vài giờ, để thả hồn hòa nhập với những cảnh sắc tuyệt vời mà tinh khiết, giản dị của thế giới tự nhiên đang bao quanh ta, hãy thử một lần đi bạn nhé...


Tứ Diễm  - August 9, 1994
0 comments

Tùy Bút - Ủn Ỉn Nhà Ai

ỦN ỈN NHÀ AI
Tứ Diễm


Nó là dân thành phố.   Nhà cửa san sát nhau.  Nền nhà lát gạch, sân tráng xi măng, ngoài đường tráng nhựa.   Bói chẳng ra một mảnh đất để chăn nuôi trồng trọt, nên chuyện heo, gà, vườn tược với nó chỉ là chuyện trong sách vở. 

Nhắc đến sách vở thì dân mê truyện như nó thích mê tơi.  Chẳng hiểu có phải nhờ được ru từ thuở còn nằm nôi với những vần ca dao, rồi lớn dần theo từng câu chuyện qua lời kể du dương trầm bổng của bà nên nó rất thích xem truyện; hay nói đúng hơn là ghiền đọc truyện.  Mê từ lúc bé tí xíu, chưa biết đọc nhưng nó đã thuộc lòng từ câu "con lợn ủn ỉn mua tôi đồng riềng" cho tới chuyện kể về ba chú heo con, lục súc tranh công.  Thậm chí, nó còn biết cả nhân vật Trư Bát Giới lười biếng ham ăn mê ngủ trong truyện Tây Du Ký với mình người đầu heo và cái bụng rất bự nữa chứ. 

Lớn hơn chút nữa, nó được biết thêm nhiều câu ca dao tục ngữ có bóng dáng họ nhà heo.  Chẳng hạn như: "giầu nuôi lợn đực, khổ cực nuôi lợn nái", "mượn đầu heo nấu cháo", "lòng vả cũng như lòng sung, một trăm con lợn cũng chung một lòng", "lợn đầu, cau cuối", "lợn đói cả năm không bằng tằm đói một bữa", "lợn đói một bữa bằng người đói cả năm", "trông mặt mà bắt hình dong, con lợn có béo, cỗ lòng mới ngon",...  Rồi còn chàng "Hiệp sĩ Lợn" rất ngộ nghĩnh trong phim hoạt hình, chú heo Babe trong phim của Disney....

Nhưng đó chỉ là chuyện trong sách vở phim ảnh.  Còn ở ngoài đời, hình ảnh họ nhà heo hiện hữu qua rất nhiều món đồ chơi.  Còn nhớ lúc bé xíu, bố mẹ mua cho anh em nó mỗi đứa một  chú heo làm bằng đất nung.   Món quà rẻ tiền và đơn giản nhưng thật thú vi..   Nó mê mải nhìn ngắm mãi vẫn không thấy chán. 

Ừ nhỉ, cũng chỉ là từ tảng đất sét thô kệch, nhưng qua bàn tay nghệ nhân nhào nặn đã tạo nên hình dáng chú heo mập tròn ú na ú nú rất ngộ nghĩnh xinh xắn với bốn chân ngắn ngủn, cái mỏ dài vểnh lên như đang làm nũng và đôi mắt xoe tròn nhìn thương quá đi thôi.  Lớp mầu sắc loè loẹt sơn phết tô điểm bên ngoài càng làm tăng thêm nét dễ thương của chàng tạ  Trên lưng có một khe nhỏ để bỏ tiền vào đó. 

Thật thích thú biết bao mỗi lần nó được bà hay bố mẹ cho tiền lẻ để "nuôi heo".  Tiếng bạc cắc rổn rẻng kêu vang trong bụng chú heo đất tạo nên một âm thanh rất thú vị với riêng nó.  Có những buổi trưa, nó len lén mang chú heo đất vào giường ngủ chung.  Cũng may nhờ có bà luôn mang cất kịp thời, chứ không chàng ta chẳng "thọ" được bao ngày.  Nó thường hay thích thú mỗi khi lắc nhè nhẹ  chú heo đất để nghe tiếng bạc cắc khua vang thật vui tai. 

Bên cạnh chú heo đất, nó còn có thêm một chàng heo sành tròn trĩnh ngộ nghĩnh, cô nàng heo bằng nhựa rất dễ thương, cùng một bầy heo con nhỏ xíu xinh xinh, chú heo piglet nhồi bông êm ái xinh xắn.  Đó là chưa kể đến một cặp heo bằng gỗ châu mõm lại rất âu yếm.  Mỗi khi bị tách rời ra, vừa buông tay là chàng nàng ta tự động xáp lại gần, châu mõm vào nhau coi thật ngộ nghĩnh.  Rồi còn có lọ đựng tiêu, muối mang hình dáng đôi heo thật xinh và hóm hỉnh.   Và cả một bộ sưu tầm rất nhiều kiểu đủ các loại piggy bank kích thước đa dạng.

Kể làm sao cho hết hình ảnh rất thiên biến vạn hóa của họ nhà heo.  Từ các hình vẽ rất ngộ nghĩnh trong những quyển truyện tranh nhi đồng cho đến từng món đồ chơi, thậm chí cả trong các món ăn.  Khi thì heo ta có đôi mắt híp lại như hai sợi chỉ.   Lúc thì nhà heo lại có đôi mắt tròn xoe như hòn bi ve.   Khi thì heo di chuyển trên bốn chân.  Có lúc lại đi trên hai chân.  Thậm chí, có khi còn được nhân cách hóa như loài người.  

Nhưng nói gì thì nói, nhắc đến họ nhà heo thì nó lại nhớ đến những món ăn hấp dẫn cả khứu giác, vị giác và thị giác.  Chẳng hạn chú heo sữa quay giòn thơm nức mũi nằm trên khay với đôi mắt nhắm tít lại.   Hay miếng thịt xá xíu đo đỏ mùi vị rất hấp dẫn.  Những lát thịt cuộn thái mỏng kẹp lẫn với giò, pâté, đồ chua, bơ trong ổ bánh mì thập cẩm.  Món thịt xíu mại kèm theo nước sốt cà đỏ thắm rất bắt mắt.  Rồi còn món cơm tấm với sườn nướng, thịt nướng thơm nhức mũi.   Món bún chả cũng tuyệt vời không kém. 

Ngày giỗ, ngày Tết, nó lại có dịp thưởng thức những miếng giò lụa, chả chiên, chả quế do mẹ bày rất khéo trên mâm cỗ cúng.  Ngày hè nóng nực, ăn bát canh cải nấu giò sống do mẹ nấu thì chẳng còn gì ngon hơn.   Rồi còn vô số món khác ăn ngon thật là ngon được biến chế từ thịt heo.  Kể sao cho hết được nhỉ.   Đến mùa Tết Trung Thu, bên cạnh nỗi háo hức nhìn ngắm những lồng đèn đủ mầu đủ kiểu, nó thích nhất là được ngắm những cái bánh nướng mang hình dáng bầy heo con xinh xắn nằm chen chúc bên cạnh heo mẹ.  

Từ sau 75, thành phố bị thay tên, đời sống mọi người cũng biến đổi theo.  Vào thời sống theo chế độ tiêu chuẩn, khi đó, nó còn quá nhỏ nhưng cũng nhận biết được sự khác biệt khi ngày càng thiếu vắng những miếng thịt heo trên mâm cơm.  Năm thì mười họa, nhân ngày lễ lớn, bác tổ trưởng dân phố lại đập cửa kêu mỗi nhà cử người đi xếp hàng mua thịt theo tiêu chuẩn.   Những ngày đó đám trẻ con tụi nó mừng reo í ới, trong khi người lớn nhìn nhau với ánh mắt bùi ngùi xót xa.  

Thời gian cả thành phố phải ăn khoai thay cơm, chị em tụi nó thường thích thú với trò chơi dùng tăm xiên vào khoai lang giả làm con heo; chỉ cần chọn một củ khoai mập mạp cắm bốn cây tăm làm chân, xiên thêm một củ khoai nhỏ làm đầu là xong ngay.  Sau đó, cả đám cứ cãi nhau chí chóe xem heo của ai đẹp hơn làm ầm cả nhà.  Giờ nhớ lại vẫn thấy vui, nhưng sao ánh mắt của mẹ nhìn tụi nó khi đó lại buồn thế nhỉ. 

Rồi có một dạo, bùng lên phong trào chăn nuôi trồng trọt.   Suốt ngày nghe ra rả tiếng loa kêu gọi, thúc giục mọi người mọi nhà phải tận dụng tấc đấc tấc vàng.   Dân thành phố bói đâu ra đất để trồng trọt.   Không có đất trồng cây thì họ xoay sang nuôi heo.   Nhà chật chội không có chỗ làm chuồng, họ nuôi... trong nhà.  Heo được tắm rửa sạch, cho chạy long nhong trong nhà như chó mèo.  Nói chung người và heo sống chung hòa bình.  Chỉ có điều hơi khổ cho lỗ mũi hàng xóm và khiến cống rãnh thường hay bị nghẹt. 

Dạo đó, "nổi danh" nhất xóm là nhà ông Bảy với bầy heo đông đúc.  Tiếng heo kêu, mùi hôi làm phiền hàng xóm không ít.  Nhà bác Ba quạnh quẽ chỉ có đôi vợ chồng già nên hai bác nuôi một chú heo khá to con thả rong trong nhà để làm... cảnh.   Nhờ được hai bác thương yêu chăm chút như con, chàng heo ta luôn bảnh bao, sạch sẽ.   Tuy nhiên hình dáng to sù với cái mõm dài của chàng ta khiến nó rất ngán mỗi khi có việc phải ghé nhà bác Ba.   Ngoài hai gia đình này, còn một số nhà khác cũng "cải thiện" bằng cách nuôi heo nuôi gà.  hưng đáng nhắc đến nhất là nàng heo ở nhà hàng xóm kế bên.  

Đó là một nàng heo mọi với tấm lưng dài ngoằn có lốm đốm những khoảng mầu sẫm, bốn chân rất ngắn nên cái bụng võng gần chạm mặt đất.  Nó còn nhớ mấy ngày đầu khi nàng ta mới được mang về, chị em tụi nó vừa tò mò, háo hức vừa hơi sờ sợ nên chỉ dám đứng xa xa mà nhìn, rồi rúc rích cười, thì thầm bàn tán với nhau.   Rồi dần dà, thấy nàng ta rất hiền nên đám tụi nó lân la lại gần làm quen. 

Đó là lần đầu tiên mà tụi nó được tận tay tận mắt quan sát, làm quen với một thành viên thuộc họ nhà heo.  Ban đầu, chỉ dám lấy cây que nhỏ gãi nhè nhẹ lên lưng rồi ngưng lại thăm dò phản ứng.  Sau đó, dạn dĩ hơn, tụi nó dùng tay để vuốt ve nựng niu.   Những hôm trời nóng nực oi bức, mẹ bận rộn với trăm công ngàn việc, chị em nó lại tha thẩn dắt nhau sang bên sân nhà hàng xóm làm bạn với chú chó NuNu và nàng heo Lang.  Em nó rất thích khi được cưỡi lên lưng chú chó NuNu và có nàng heo Lang lững thững đi hộ tống.  Chiều gió thổi mát hiu hiu, nàng Lang ăn no xong, lại được tụi nó vuốt ve nên thường lười biếng nằm lim dim mắt, xoãi dài bốn chân trên mặt sân xi măng, cái đuôi ngắn thỉnh thoảng lại ve vẩy coi rất ngộ. 

Ngày tháng qua đi, chị em nó lớn dần lên cùng với bao kỷ niệm vui buồn bên đôi bạn NuNu và Lang.    Đến ngày nàng Lang đã đủ độ nặng, bác hàng xóm ngả giá mang bán, chị em nó đã khóc lóc suốt mấy ngày, sưng cả mắt vì thương nhớ.  Có thể nói Lang là người bạn thuộc họ nhà heo đầu tiên và duy nhất của chị em tụi nó.  Sau đó, NuNu già yếu rồi mất, bác hàng xóm chuyển sang nuôi thỏ, chị em nó cũng không còn hay sang chơi bên ấy nữa.  

Bẵng đi một thời gian dài, Bộ Giáo Dục lại ép tụi nó phải học môn Kỹ Thuật Nông Nghiệp, dậy cách trồng tỉa chăn nuôi.   Thật là buồn cười khi cả thầy lẫn trò đều phải ráng nhồi nhét mớ kiến thức vô dụng đó vào đầu.  Tụi nó phải thuộc lòng vanh vách cách nuôi, cách trồng dù chẳng bao giờ có cơ hội để thực hành.   Ngồi nghe cô giảng kỹ thuật chăn nuôi heo mọi, lòng nó lại nao nao nhớ đến nàng Lang thuở bé thơ. 

Thời cuộc nổi trôi, theo số mệnh, gia đình nó định cư nơi xứ người.  Thành phố kỹ nghệ văn minh, nhà cửa thiết kế tiện nghi, ngăn nắp.   Cứ ngỡ chẳng có cơ hội nào cho họ nhà heo len lỏi vào.   Nhưng nào ngờ, họ nhà heo  mọi lại lên ngôi trở thành một loại thú làm cảnh trong nhà, vậy mới ngộ chứ.   Nó bật cười khi hình dung ra cảnh một chàng hay nàng heo nào đó đang ủn ỉn cái mõm dài làm nũng bên chân chủ.  Chẳng biết có nàng heo nào hiền và dễ thương như cô bạn Lang bé nhỏ của nó ngày xưa không nhỉ ?

Tứ Diễm - Jan 1, 2007

2 comments

Tùy Bút - Gâu Gâu Nhà Người


GÂU GÂU NHÀ NGƯỜI



 Tứ Diễm
 
Nó không phải tuổi con mèo, nhưng lại rất kỵ chó, hay phải nói là rất sợ chó mới chính xác hơn.  Chắc có lẽ như Mẹ thường bảo lá gan của Nó chỉ bằng cái lá me, nên Nó nhát còn hơn cả thỏ nữa.  Mà cũng đúng thôi, thỏ dù sao còn có tài chạy nhanh, chứ chậm chân chậm tay hơn rùa như Nó lỡ có chuyện gì thì biết tính sao đây.  Thành ra theo năm tháng cái bảng liệt kê những thứ Nó sợ cứ dài thêm lên....
0 comments

Tùy Bút - Có Một Vì Sao

Có Một Vì Sao
Tứ Diễm

Tháng Tư đen.  Tháng Tư với bao nỗi buồn của người xa xứ rồi cũng sắp trôi qua.  Sáng thứ Năm, lòng đang chùng xuống khi hồi tưởng lại những ngày tháng Tư năm xưa, bỗng chợt bàng hoàng vì tin cô Huỳnh Phi Phụng đã từ trần vào nửa đêm rạng ngày 28 tháng Tư.  Suốt cả ngày không tài nào tập trung làm việc.  Hỏi thăm loanh quanh nhưng vẫn chẳng ai biết rõ, ngoài tin tang lễ sẽ cử hành vào sáng thứ Bảy này. 

Ngày thứ Sáu lặng lẽ qua đi.  Vẫn chưa liên lạc được để biết địa điểm nhà quàn.  Lòng nao nao buồn vì không thể tiễn đưa cô một chặng đường cuối.  Bâng khuâng nhớ lại những chuỗi ngày đã qua.  Mới đó mà đã mười năm rồi sao?  Nó thảng thốt khẽ kêu lên. 

Ừ nhỉ, lần đầu gặp cô vào năm 1994.  Lần đó, anh nó và nó lái xe đưa mẹ đi dự buổi hội thảo ở Ottawa do Liên Hội Người Việt Canada tổ chức.  Do tình cờ, mẹ con nó ngồi cùng bàn với vợ chồng cô.  Chỉ sau vài phút đầu, mẹ bản tính rất hoạt bát, lanh lẹ lại gặp cô Phụng và chú Điển (chồng cô) đều cởi mở, vui tính nên chuyện cứ nổ giòn như bắp rang. 

Vốn dành sẵn nhiều cảm tình cho trường Gia Long, mẹ càng vui hơn khi biết cô Phụng đã từng là giáo sư dạy Pháp Văn tại Gia Long từ năm 1967.  Chỉ tiếc là khi nó chập chững vào bậc trung học thì cô đã nghỉ dạy.  Vui câu chuyện, cô nhắc đến nhóm Cựu Nữ Sinh Gia Long tại Toronto bằng giọng rất hào hứng, xen lẫn niềm hãnh diện với những sinh hoạt của nhóm, cũng như rất cảm động trước tình nghĩa chị em trong nhóm đã dành cho các thầy cô giáo cũ. 

Phải chăng mọi chuyện tùy duyên.  Do tình cờ mà mẹ con nó có dịp quen biết cô chú.  Cũng  do tình cờ gặp dược sĩ Lượng tại Pickering vào năm 1988, cô đã liên lạc được với nhóm Cựu Nữ Sinh Gia Long.  Và nhờ thế, cô có cơ hội gặp lại vài người học trò cũ, cùng những người còn tha thiết với mái trường xưa, đồng thời còn gặp được một số cô thầy đã dậy Gia Long, trong đó có giáo sư Đỗ Khánh Hoan là giáo sư chủ khảo bài tiểu luận bằng Cao Học Anh Văn của cô vào tháng 3 năm 1974.  Kể từ dạo ấy, dù ở xa, cô vẫn về dự nhiều buổi tất niên, hoặc tân niên, họp mặt Gia Long cho đến kỳ mùa Xuân năm 2003. 

Cũng trong buổi hội thảo đó, ý định thành lập Liên Hội Phụ Nữ Việt Nam được khởi xướng.  Mẹ và cô đều tham gia trong ban chấp hành tạm thời của Liên Hội Phụ Nữ Việt Nam.  Dù cô chú ở London (Canada), còn gia đình nó lại ở Mississauga (Canada), khoảng cách không gian tuy xa nhưng không ngăn được mối thân tình giữa mẹ cùng cô chú.  Khi anh và các em nó lập gia đình, nếu cô chú không bận đi xa thì đều đến chung vui cùng gia đình nó. 

Mẹ vẫn liên lạc khá thường với cô, nhất là trong giai đoạn đầu khi cần tổ chức các buổi sinh hoạt cùng thực hiện tờ Giai Phẩm Xuân của riêng Liên Hội Phụ Nữ Việt Nam.  Nó thường nghe mẹ kể về cô nên có cảm giác rất gần gũi dù ít khi có dịp gặp gỡ.  Nó rất phục bản tính cương quyết, dấn thân, hiếu  học, ưa thử những điều mới của cô. 

Nghe nói dù tuổi không còn trẻ, cô vẫn tập trượt băng (ice skate) và đã đi được rành rẽ.  Nhưng đến đầu tháng Ba năm 1993, cô bị té, gãy chân mặt, phải mổ và kẹp ống sắt cho xương lành la.i.  Tuy vậy, sang tháng Bảy, dù cô còn đang phải chống nạng, cô chú vẫn đi California thăm gia đình chị Phan Hoàng Mai, một cựu nữ sinh Gia Long.  Chuyến đó, cô chú đã lái xe dọc bờ biển từ San Jose xuống đến San Diego rồi đi đến tận biên giới Mỹ. 

Với bản tính hiếu động, ưa thích du lịch lại thêm sức khỏe khá cường tráng nên ngoài những nơi hằng năm thường ghé như: Newport, Rhode Island, Manassas, Virginia,  Clearwater, Florida,... cô chú đã nhiều lần đi Pháp (Paris, Aix en Provence, Chartres, Marseille, Côte d'Azur) , Anh (London, Bath, Stonehenge, Salisbury), Ðức (Dusseldorf,  Neuss, Dachau), Úc (Sydney, Melbourne, Wollongong), Fredericton (1988), HongKong (1997), Hy Lạp (Athens, 2000), Tây Ban nha (Madrid, Sevilla, Cadiz, Granada, 2002).

Trong chuyến đi Anh, tháng 9 năm ngoái, ngoài việc thăm gia đình con gái cùng cháu ngoại ra, cô chú còn qua Paris gặp lại chị Thủy Ngọc (con giáo sư Sương dậy Gia Long) cũng như dự lễ đặt viên đá đầu tiên xây dựng Đài Tưởng Niệm Người Tỵ Nạn trong khuôn viên chùa Khánh Anh.  Sang ngày hôm sau, cô chú lại tham dự Tết Trung Thu với các em nhỏ do Tổng Hội Sinh Viên Việt Nam tại Paris tổ chức.  Chỉ nghe kể sơ qua những nơi cô đã ghé thăm mà nó đã thấy thèm và thầm ao ước sẽ có ngày được đi du lịch thật nhiều nơi như cô. 

Nhưng điều khiến nó khâm phục nhất là bản tính hiếu học của cô.  Nghe kể sau thời gian theo học tại trường Lycée Marie-Curie (1950-1962), cô đã hoàn tất Cử Nhân Giáo Khoa Pháp Văn (1962-1965), Cử Nhân Giáo Khoa Anh Văn (1962-1967) và Cao Học Anh Văn (1972-1974) tại Đại Học Văn Khoa.  Sau khi định cư tại Canada, song song với việc dậy học (1981-2003), cô đã hoàn tất bằng Bachelor of Education (primary-junior) (1980-1981) tại Đại Học Western, MA French Literature (1981-1983) tại Đại Học Western, Master of Education (1987-1989) tại Đại Học Toronto. 

Và điều khiến nó khâm phục nhất là khi đã gần bước sang tuổi sáu mươi, cô vẫn hoàn tất được bằng Doctor of Education (1996-2002) tại Đại Học Toronto.  Đó là chưa kể đến việc cô đã tu nghiệp thêm các ngành Honour Specialist Special Education và Honour Specialist French as Second Language.  Chao ơi, sao cô siêng năng và tài giỏi đến thế nhỉ, càng khiến nó tự thấy thẹn vì cái tật lười của mình. 

Mải suy nghĩ miên man, không biết trời đã sụp tối từ khi nào.  Vẫn chưa biết được địa điểm nhà quàn, cũng không có số điện thoại để hỏi thăm.  Chắc chẳng thể đi dự tang lễ được rồi.  Khuya, nó thấy buồn, dù rất mệt sau một ngày dài nhưng vẫn không muốn ngủ.  Nó mở máy, định gửi email hỏi thăm thêm nữa xem sao, cũng may lại gặp đúng lúc nhỏ Nghi vừa on-line nên vội nhờ hỏi thăm dùm.  Và thêm một điều may nữa là đường dây không bị bận, nhỏ ta liên lạc ngay được với chú Điển.  Thật là mừng quá,  Nó cám ơn nhỏ Nghi rồi hai đứa "hẹn hò" việc gặp gỡ ngày mai tại London.  Nó vội gửi email báo tin cho các anh chị trong nhóm Gia Long, rồi lật đật lo làm nốt những việc còn bỏ dở dang từ hôm qua cùng vài việc cần làm gấp trong ngày mai.  Đến thật khuya lắm, chắc cũng phải gần bốn giờ sáng nó mới lên giường.  Thật là mệt, nhưng lòng thấy vui hơn vì ít nhất nó cũng có thể tiễn đưa cô một lần cuối. 

Sáng sớm thứ Bảy, trái hẳn với thói quen làm biếng thường lệ, nó thức thật sớm trước khi đồng hồ kịp reo.  Nó cứ sợ trễ nên lật đật ra khỏi nhà từ lúc chưa đến 7 giờ sáng, nhưng rồi lại phải chờ khá lâu mới đến giờ tiệm hoa mở cửa.  Nó vội ghé vào, mua xong rồi lái xe rời Mississauga trực chỉ hướng London. 

Lúc đầu, trời mưa có khá nặng hạt nhưng sau đó ngớt dần nên cũng không đến nỗi nào.  Trời còn sớm nên đường tương đối vắng xe, nó phần vì sợ trễ giờ, phần nữa cũng tại đã quen tật nên cứ thế mà phóng xe ào ào.  Từ tiệm hoa ở Mississauga đến nhà quàn ở London chỉ mất khoảng gần một tiếng rưỡi.  Có lẽ nhờ trời thương nên không gặp cảnh sát, cứ thế nó đến thẳng nhà quàn lúc khoảng 9 giờ40 sáng. 

Vừa bước vào linh đường, nó đã nhận ngay ra chú Điển giữa đám đông, dù cũng đã lâu chưa gặp lại chú.  Viếng linh cửu cô xong, chia buồn cùng chồng và hai người con cô, rồi nó mới bắt đầu nhìn kỹ những người đang hiện diện tại đó.  Cứ ngỡ rằng ngoài chú Điển và nhỏ Nghi ra, nó sẽ chẳng quen ai không ngờ lại gặp được một số bạn bè cùng người quen cũ.  Đúng là trái đất tròn. 

Dù tin buồn của cô chỉ thông báo trong vòng thân thiết, nhưng khá đông người đến viếng hôm đó.  Trong số bạn học với con trai cô, có  người đã đáp phi cơ từ New York City, có người lái xe từ 3 giờ 30 sáng từ Ottawa để về kịp giờ.  Có những người bạn của cô chú, vì làm việc phương xa, không gặp gần cả mười năm, nay nghe tin cũng vội thu xếp để bay về.  Ngoài hai người em trai của chú cùng họ hàng, còn có các cựu học sinh, các bạn đồng sở của cô, bạn bè cùng khóa Hải Quân với chú, đại diện Hội Cựu Quân Nhân QLVNCH vùng Ontario, và thân hữu đã tham dự tang lễ đông đảo. 

Những vòng hoa cũng đã nói lên phần nào sự tiếc thương và chia sẻ với chú cùng các con cô trong nỗi mất mát lớn lao này.  Chắc hương linh cô cũng thấu hiểu được tấm lòng của người ở lại.  Sau đó, linh cửu được chuyển tới nhà thờ để mục sư làm lễ theo như ý cô đã muốn.  Nhưng phải đợi sang ngày thứ Hai mới hỏa thiêu vì cuối tuần họ không làm việc.  Tan buổi lễ, mọi người trở lại phòng tiếp tân thuộc nhà quàn để ăn nhẹ và hàn huyên.   Như đã hẹn trước, nó và nhỏ Nghi gặp nhau ở nhà thờ, rồi cùng trở về phòng tiếp tân.  Đây cũng là lúc nó có thời gian để chào hỏi bạn bè, người quen cũng như hỏi thăm cặn kẽ hơn về bệnh tình trong những ngày cuối cùng của cô. 

Theo lời chú thuật lại cô bắt đầu phát giác ra bệnh ung thư nhũ hoa từ năm 1996 khi làm biopsy.  Thoạt tiên, bác sĩ cứ đinh ninh bệnh mới chớm, nên chỉ gây tê tại chỗ, mổ lấy bướu ra.  Nhưng đến lúc đó mới biết bệnh đã phát triển từ lâu rồi, đã lan ra các hạch lymphnodes nên phải làm mastectomy, giải phẫu cắt bỏ một bên ngực cùng các lymphnodes đã bị nhiễm.  Cô đã uống thuốc Tamoxifen và đi tái khám đều đặn trong suốt năm năm. 

Sau đó, bác sĩ quyết định cho dùng loại thuốc Letrozone vì Tamoxifen đã hết tác dụng.  Đến tháng 7/2003, bác sĩ cho biết thuốc có hiệu lực nên càng thêm hy vọng thoát khỏi móng vuốt của bệnh ung thư vì từ khi mổ đến nay cũng đã hơn bảy năm rồi.  Gia đình khuyên cô nghỉ hưu trí sớm để có thêm thì giờ đi chơi và thăm viếng con cháu.  Đến tháng 9/2003, trong mấy ngày cuối của chuyến đi London (Anh) và Paris, cô bắt đầu thấy hơi mệt, chỉ đi được vài giờ là phải về nghỉ vì mệt và đau vùng thắt lưng phía xương sống. 

Về lại London (Canada), bác sĩ gia đình cho uống thuốc Tylenol và giới thiệu đi tập với chuyên viên chỉnh hình, nhưng không thuyên giảm.  Cô đã phải dùng thường xuyên thuốc trị đau, có chất Morphin.  Khi đó, cô bắt đầu ăn ít, kém ngon miệng, thường hay mệt, không còn hăng hái như trước.  Tuy vậy, cô vẫn không hề cau có.  Đến tháng 11/2003, cô vào nhà thương để làm thử nghiệm, rồi ở lại luôn Trung Tâm Trị Liệu Ung Thư.  Kết quả thử máu, bone scan,... cho thấy đã tế bào ung thư đã lan ra phổi, gan và trên bốn đốt xương sống.  Bác sĩ quyết định dùng quang tuyến (radiation) chữa xương sống rồi sẽ dùng chemotherapy để diệt tế bào ung thư ở gan và phổi.  Nhưng tiếc thay, tất cả các cách đều không có tác dụng. 

Sang giữa tháng 12/2003, sau khi trị bằng chemotherapy, sức đề kháng xuống rất thấp, tình trạng rất nguy kịch khiến gia đình cô lo lắng thức trắng đêm.  Nhưng rồi cô cũng đã vượt qua khỏi cơn nguy hiểm.  Có lẽ nhờ ơn Trên phù hộ, hay cũng do ý chí mạnh mẽ đã giúp cô thoát khỏi cơn ngặt nghèo.  Tuy vậy, bác sĩ đã bó tay, đành cho phép mang cô về nhà tĩnh dưỡng trong những ngày cuối.  Chú đã nghỉ việc để dành toàn bộ thời gian săn sóc cho cô. 

Trong suốt thời gian cô nằm dưỡng bệnh, rất nhiều người đã đến thăm, trong đó có cả gia đình một thân hữu thuộc nhóm VN-families từ AnnArbor cũng không quản ngại đường xa và tuyết lạnh vẫn đến thăm.  Con gái cùng cháu ngoại của cô cũng về ở bên cạnh để phụ chú lo từng miếng ăn, giấc ngủ cùng thuốc men cho cô.  Mẹ và em gái cô thường đi cùng gia đình em họ cô từ Fort Erie lên thăm.  Vợ chồng em trai chú ở Toronto cũng thường xuyên ghé thăm.  Em út của chú ở Richmond, Virginia, Mỹ cũng thu xếp thời gian về gặp cô. 

Đến ngày 20 tháng 4/2004, cô yếu nhiều, thấy đau trong bụng, gan sưng lên và tròng mắt hơi vàng.  Từ khi về nhà, mỗi ngày cô vẫn phải uống khoảng mười loại thuốc, kể cả thuốc morphine để giảm đau, ngày càng phải tăng thêm liều lượng vì mức độ đau nhức cứ thêm mãi.  Đến Chủ Nhật 25 tháng Tư, cô đau nhiều quá nên phải nhập viện. Sang đến thứ Ba, 27 tháng Tư, con gái cô từ Tokyo đã cấp tốc đáp phi cơ bay về, từ phi trường vào ngay bệnh viện cũng đã 10 giờ 30 tối, lúc đó cô gần như hôn mê nhưng cố nhướng mắt lên nhìn con và cháu ngoại.  Cho đến nửa đêm, rạng ngày 28 tháng 4 năm 2004, cô đã bình yên ra đi với nét mặt rất bình thản, trong sự hiện diện của chồng, hai con và cháu.  Cô đã kịp gặp con gái cùng cháu ngoại, chồng, con trai cùng người thân trước khi nhắm mắt nên chắc hương linh của cô cũng thanh thản và siêu thoát.  Đó cũng là niềm an ủi vô biên, xoa dịu phần nào nỗi đau buồn cho chồng con cô.

Kể từ ngày bắt đầu đi dạy, cô đã như một ánh sao sáng dẫn đường cho học sinh dõi theo trên hành trình học vấn.  Suốt cả cuộc đời, cô đã không ngừng phấn đấu vượt qua tất cả khó khăn, bệnh tật để đạt được nhiều thành tích thật xuất sắc trong sự nghiệp cũng như học vấn.  Ngay cả trong thời gian phải chiến đấu với căn bệnh ung thư hiểm nghèo, cô vẫn học và hoàn tất được văn bằng Doctor of Education (1996-2002) tại Đại Học Toronto. Cô đã như một vì sao lấp lánh trên bầu trời đêm, nêu cao gương sáng cho đám hậu sinh noi theo.  Chỉ tiếc, lưỡi hái tử thần đã mang cô rời xa vòng tay mọi người.  Kể từ đây, ánh sao sáng ngời đã vụt tắt.  Nhưng trong lòng những người quý mến cô, vì sao sáng ấy vẫn mãi mãi không phai mờ... 

Tứ Diễm

0 comments

Tùy Bút - Tản Mạn Về Rau Muống


Tản Mạn Về Rau Muống


Anh đi anh nhớ quê nhà
Nhớ canh rau muống nhớ cà dầm tương

(ca dao)

Hôm nay, trời thật trong và thật nắng khiến lòng thoáng nhớ nhung đến những buổi trưa nắng ở quê nhà. Tự dưng, muốn viết đôi dòng theo dòng suy nghĩ vẩn vơ....

Chẳng hiểu ai là người tìm ra rau muống nhỉ? Tại sao lại đặt tên là rau "muống" mà không phải bất cứ tên gì khác? Và cũng thật tình khâm phục những người đã khéo nghĩ ra cách biến chế những cọng rau xanh, cứng và ròn ấy thành những món thật giản dị, đơn sơ nhưng mà lại ngon tuyệt vời....


0 comments

Tùy Bút - Niệm Khúc Riêng Tặng Mẹ

NIỆM KHÚC RIÊNG TẶNG MẸ
(Kính dâng hương linh Mẹ)
Tứ Diễm

Mới đó mà đã cuối tháng Tư rồi, lại sắp đến ngày lễ của Mẹ.  Tim tôi chợt buốt nhói mỗi khi thoáng nhìn thấy những tờ quảng cáo các món quà riêng tặng cho mẹ.  Đã hơn ba năm nay, kể từ khi Mẹ đã vĩnh viễn lìa xa chúng tôi, tôi đâu còn cơ hội đi dạo loanh quanh chọn lựa từng gói quà nhỏ nhắn xinh xắn để trao tặng Mẹ nữa.  Còn chăng chỉ là những kỷ niệm vẫn trân trọng cất giữ trong ký ức của riêng tôi...

Còn nhớ hồi nhỏ khi cô ra đề luận tả về mẹ, cả lớp hí hửng thi nhau ghi ghi xóa xóa.  Cuối cùng dường như các bà mẹ đều từ một khuôn đúc mà ra.  Người nào cũng da trắng như tuyết, tóc xõa dài đen nhánh như một dòng suối huyền, mắt bồ câu, môi trái tim đỏ mọng, mũi dọc dừa, cằm chẻ, tay búp măng, ...  Nói chung những gì đẹp nhất đều được ưu ái dành cho riêng mẹ của mình.  Phải chăng trong mắt mỗi đứa con, mẹ luôn đẹp nhất, dịu dàng nhất, ngọt ngào nhất.  Có lẽ hình ảnh mẹ đã thấm sâu vào lòng ngay từ khi mới chào đời, từ thuở còn nằm nôi.  Mẹ là một sáng tạo tuyệt vời của hóa công, là hạnh phúc trời ban riêng cho mỗi người. 

Ấy thế mà không hiểu sao hình ảnh mẹ trong hầu hết những sáng tác thường là mẹ già tóc bạc lưng còng, da nhăn nheo trổ đồi mồi hay là móm mém với khăn rằn vắt vai, áo bà ba bạc màu.  Tại sao không ai tả mẹ đẹp, mẹ trẻ nhỉ.  Bộ cứ làm mẹ thì phải già, phải da nhăn hay phải móm xọm hay sao chứ.  Hình ảnh người mẹ chẳng lẽ bị bắt buộc gắn liền theo một khuôn mẫu ngầm quy ước như thế mãi mãi? 

Tôi còn nhớ có lần dằn không được nỗi ấm ức đã đem điều này ra hỏi Mẹ, Mẹ chỉ cười xòa rồi bảo: "Vậy con viết cho mẹ xem thử".  Ơ, ghét Mẹ ghê nơi, biết tôi vốn dốt văn mà Mẹ lại còn cứ trêu mãi.  Tôi phụng phịu dụi đầu vào tóc Mẹ làm nũng.  Mẹ vừa  bật cười thật giòn khi thấy tôi già đầu mà còn như con nít, vừa vuốt tóc tôi như để dỗ dành.  Tôi áp má vào vai Mẹ rồi lặng ngắm nhìn khuôn mặt rạng rỡ của người. 

Ừ nhỉ, dù không có sống mũi dọc dừa, không có môi trái tim, không có cặp mắt bồ câu, không có suối tóc dài óng ả, Mẹ vẫn đẹp vô cùng với khuôn mặt thanh tú, miệng cười thật tươi cùng đôi mắt sáng biết cười.  Giờ đây tuổi đã cao, da Mẹ vẫn căng mịn ửng hồng không cần thoa phấn.  Ánh mắt Mẹ vẫn tinh anh, dáng đi vẫn dịu dàng uyển chuyển, tiếng nói vẫn trong trẻo trẻ trung.  Bất cứ ai gặp Mẹ dù chỉ một lần cũng đều khó quên, đã tiếp chuyện cùng Mẹ rồi thì y như rằng sẽ tìm cách để được tâm sự với Mẹ nhiều hơn nữa.  Sao Mẹ lớn tuổi rồi mà vẫn đẹp vẫn duyên dáng đến thế nhỉ.  Ngày xưa còn trẻ, ắt ẳn nhiều người đã đánh rơi trái tim, mất ăn mất ngủ vì tương tư Mẹ. 

Người ta thường bảo nhan sắc và trí tuệ ít khi sánh đôi cùng nhau.  Tuy nhiên mẹ tôi lại là một ngoại lệ.  Trót sinh vào thời loạn lạc, nhà đông em nên Mẹ không được tiếp tục học lên cao như bầy con của Mẹ sau này.  Nhưng với lòng cầu tiến cùng trí tuệ trời ban, dù luôn bận rộn việc gia đình, Mẹ vẫn âm thầm tự học hỏi.  Nhiều lúc tôi phải phục lăn vì trí thông minh, khả năng ứng đối cùng vốn kiến thức và nhất là tài tính nhẩm của mẹ.  Trời lại dành cho Mẹ rất nhiều tài hoa.  Mẹ buôn bán, giao thiệp đã giỏi mà quán xuyến việc nhà cũng thật tài.  Ở nhà Mẹ nấu ăn, làm bánh, may đan như một bà nội trợ giỏi giang đảm đang.  Ra ngoài xã hội, Mẹ là người phụ nữ tài ba xông xáo tháo vát được nhiều người nể phục.  Mẹ như một bà tiên với chiếc đũa thần.  Mọi việc dù khó khăn trở ngại tới đâu, vào tay Mẹ đều có cách giải quyết êm đẹp.  Cũng vì thế, sau này vô hình chung mẹ tôi đã trở thành người cố vấn hạnh phúc, chuyên gỡ rối tơ lòng cho các bạn bè, người quen của Mẹ, thậm chí cho cả bạn bè của đám con nữa.  Bọn bạn tôi gặp Mẹ một lần là... mê tít, cứ lân la đến nhà để tỉ tê tâm sự cùng Mẹ.  Tụi hắn cứ bảo tôi hạnh phúc khi có người mẹ tuyệt vời như  vậy.  Quả thật, tôi luôn thấy mình may mắn khi được làm con của Mẹ; tuy thỉnh thoảng tôi chợt thầm tiếc giá trời chịu chia bớt một chút xíu sự tài giỏi cùng sắc đẹp của Mẹ cho tôi nhỉ. 

Những ngày tháng sau 75, vận nước nổi trôi, mọi người quay cuồng theo sự biến đổi của xã hội.  Bố buộc phải đi cải tạo.  Mẹ một mình đảm đương mọi chuyện thay Bố, nuôi nấng chăm sóc Bà cùng anh em chúng tôi.  Chưa kể những  nỗi nhọc nhằn vất vả trong mỗi chuyến đi thăm và tiếp tế lương thực cho Bố nữa.  Nhiều khi hồi tưởng lại những ngày tháng thuở ấy, tôi vẫn không hiểu sao Mẹ có đủ nghị lực cùng tài năng để gánh trách nhiệm nặng như  thế.  Nếu thử là tôi, eo ơi, chỉ tưởng tượng ra thôi mà cũng đã muốn ngất rồi. 

Vận mệnh run rủi, khi gia đình định cư nơi xứ người, Mẹ đã sát vai cùng Bố cương quyết chịu vất vả cực nhọc để cho bầy con được tiếp tục đi học.  Ngay cả khi Bố đã mất, Mẹ vẫn không để chúng tôi vì sinh kế mà bỏ dở việc học.  Sau khi chúng tôi lần lượt tốt nghiệp và đi làm, Mẹ không cần nhọc nhằn về chuyện mưu sinh nhưng vẫn luôn tay vun vén, chăm sóc cho bầy con.  Tình thương của Mẹ gói tròn vào mỗi món ăn nấu theo sở thích từng đứa, trong những cái áo len mẹ đan, trong các câu hỏi han an ủi, qua ánh mắt nụ cười, những buổi thức khuya dậy sớm săn sóc khi chúng tôi ngã bịnh.  Kể làm sao cho hết được những gì Mẹ đã ban cho chúng tôi từ bấy lâu nay.  Mỗi khi gặp chuyện bất như ý, chỉ cần nghe tiếng Mẹ hỏi han, được nhìn nụ cười của Mẹ, được áp má vào người Mẹ, tự nhiên lòng tôi thấy thanh thản nhẹ nhàng, mọi nỗi buồn phiền như vơi hẳn đi.  Ôi, hạnh phúc vô cùng cho những ai đang còn mẹ.

Tôi còn nhớ Mẹ rất thích làm vườn.  Sáng sớm tinh sương khi tôi còn lười biếng cuộn mình trong chăn đã nghe tiếng động ngoài vườn vọng lại.  Tan sở về vẫn thấy Mẹ lui cui lo chăm bón cho các luống hoa, vừa làm Mẹ vừa hát khe khẽ.  Tôi vẫn đùa bảo Mẹ có dòng máu nghệ sĩ trong người. 

Hồi còn trẻ, Mẹ thích vẽ thích đàn nhưng không được tự do học như ước nguyện.  Giờ không còn ai cấm cản, Mẹ toàn quyền thả dòng suy nghĩ trên những trang giấy, trang trải tâm tư theo từng dòng từng chữ.  Và rồi những đoản khúc hay truyện ngắn của Mẹ cứ tiếp nối nhau lần lượt đăng trên các báo rải rác ở khắp Bắc Mỹ.  Nhiều lúc tôi cứ phục lăn khi thấy Mẹ hầu như không biết mệt mỏi, ngoài việc nội trợ trong nhà, chăm sóc vườn tược, Mẹ lại còn hoạt động rất tích cực cùng nhiều hội đoàn, viết văn rồi lại còn làm báo cho các hội nữa chứ.  Mà thuở đó, những loại máy vi tính (personal computer) cùng nhu liệu (software) còn chưa được phổ biến như hiện tại, số người dùng máy còn chưa nhiều.  Dù ở lứa tuổi ngoài 60, Mẹ vẫn luôn chịu khó học hỏi để biết cách dùng máy vi tính cùng những loại nhu liệu  khác nhau để tự mình gửi điện thư (email) liên lạc các nơi cũng như để trình bày từng trang báo khi chúng tôi bận rộn không có thời gian phụ giúp.  Thế đó, không có gì làm khó được Mẹ cả.  Chẳng phải "mẹ hát con khen" nhưng công bình mà nói Mẹ của tôi thật tuyệt vời quá đi thôi.  Mẹ giỏi giang đến nỗi, tôi tự thẹn với mình vì chẳng bằng một góc của Mẹ. 

Những chuỗi ngày hạnh phúc cứ vùn vụn trôi qua, tôi luôn ỷ y mình mãi mãi được kề bên gối Mẹ nên cứ vô tình không biết trân quý.  Nhưng rồi đột ngột Mẹ lâm trọng bệnh rồi lưỡi hái tử thần đã tàn nhẫn cướp mất người Mẹ yêu quý của tôi.  "Tình Mẹ bao la như biển Thái Bình dạt dào".  Ngày xưa tôi nghe nhưng chưa hiểu rõ tận cùng được ý nghĩa câu hát này, mãi cho đến khoảng thời gian Mẹ bệnh, tôi kề cận săn sóc Mẹ ngày đêm.  Chính vào lúc này tôi mới thấu hiểu được phần nào nỗi lòng cùng tình thương của Mẹ mỗi khi thức khuya dậy sớm săn sóc cho chúng tôi. 

Mẹ lo cho chúng tôi ròng rã suốt bấy nhiêu năm không quản ngại vất vả mệt nhọc.  Chua xót thay, tôi chỉ được tự tay chăm sóc cho Mẹ vài tuần ngắn ngủi.  Những lúc thấy Mẹ nhăn mặt vì mũi kim chích hơi mạnh tay của người y tá, tim tôi như thắt lại.  Mỗi ngày nhận thấy sức khỏe Mẹ thêm hao mòn vì cơn bệnh, lòng tôi buốt nhói.  Ôi tàn nhẫn thay, Mẹ của tôi vốn khỏe khoắn hoạt bát là thế, tốt bụng tài hoa hay sốt sắng giúp đỡ người nhưng lại không vượt qua được số mạng.  Tôi hận mình không có phép mầu để tiếp thêm sinh khí cho Mẹ, nhằm vượt qua được cơn bệnh hiểm nghèo.  Ngày xưa ắt hẳn lòng Mẹ còn đau xót hơn gấp bội phần mỗi khi chúng tôi ốm đau hay bị thương chỉ vì ham đùa ham phá.  Khi đó chúng tôi cứ hồn nhiên đâu thấu hiểu được nỗi lòng của Mẹ, chưa biết trân quý tình yêu Mẹ dành cho.   Thậm chí chỉ vì ngại bị bạn bè trêu chọc, đôi khi chúng tôi còn cảm thấy không thoải mái khi được Mẹ chăm sóc quá chu đáo.  Giờ đây, khi Mẹ đã vĩnh viễn xa rời, có tiếc nuối cũng đã quá muộn màng. 

Ngày xưa tôi nghe nhưng không thể hiểu rõ ý nghĩa của hai chữ "mồ côi".  Bây giờ khi đã thật sự nếm vị đắng cay của kẻ mồ côi, tôi bỗng dưng đâm ra sợ mỗi khi nghe ai vô tình nhắc đến hai chữ ấy.  Mỗi mùa Vu Lan, còn đâu những phút vui khi được gắn hoa hồng đỏ thắm nữa.  Giờ chỉ có đóa hồng trắng gài lên phía trái tim, chừng như một mũi gai vô hình lặng lẽ xoáy sâu vào nỗi đau trong trái tim tôi.  Đôi lúc nhìn cảnh gia đình người khác xum họp, bố mẹ quây quần cùng bầy con, tim tôi dường như lạc nhịp.  Phải chăng chỉ khi hạnh phúc đã vuột khỏi tầm tay, mình mới hiểu rõ được giá trị thật sự và mới biết trân quý?  Giá thời gian có thể quay ngược lại nhỉ; nhưng tiếc thay ao ước mãi mãi chẳng thể thành hiện thực.  Giờ đây vào ngày Mother's Day, tôi chỉ có thể thắp nén hương lòng thành kính trao tặng hương linh Mẹ với tất cả tình thương yêu quý trọng của tôi dành riêng cho Mẹ, người mẹ yêu quý tuyệt vời của riêng tôi. 

Bạn ơi, nếu bạn vẫn đang còn có Mẹ, hãy dành cho mẹ của bạn một ngày lễ thật đáng nhớ nha bạn.

Tứ Diễm - April 30, 2004
0 comments

Tùy Bút - Mang Mang Nỗi Nhớ

MANG MANG NỖI NHỚ
(Kính dân hương linh Bố yêu quý)
Tứ Diễm

Hình như mẹ là chủ đề chính trong rất nhiều tác phẩm nghệ thuật, biết cơ man mà kể cho hết những bài thơ, văn, nhạc viết về mẹ. Thế nhưng số sáng tác về cha lại quá hiếm hoi, ngỡ như có thể đếm vỏn vẹn trên đầu ngón tay được. Phải chăng tình mẹ nồng thắm chan chứa theo từng lời nói, ánh mắt, cử chỉ săn sóc từ thuở bé thơ nên dễ cảm nhận, dễ gợi nguồn cảm hứng sáng tác; còn tình cha cô đọng, sâu lắng nên khó diễn tả thành lời. Hay phải chăng như ai đã viết mẹ là đóa hoa tươi thắm, tỏa hương sắc tô điểm cuộc đời, ban nguồn dịu ngọt sưởi ấm lòng con; còn cha là cành, là lá lặng lẽ nâng niu bảo vệ cho mẹ. Nên kính yêu mẹ, ca tụng mẹ cũng phần nào đáp đền tình nghĩa của cha.
0 comments

Tùy Bút - Tình Mẹ Bao La

TÌNH MẸ BAO LA
Thương Tặng MẸ
Tứ Diễm

Con muốn viết một bài thơ để kính tặng Mẹ, muốn viết một bài văn thật hay để kính dâng lên Mẹ; nhưng mãi mãi đó chỉ là một giấc mộng con ấp ủ trong tim, và có lẽ chẳng bao giờ thực hiện được. Biết bao lần con đã viết, viết rồi lại xóa\. Trí óc con tràn ngập muôn lời muốn viết, muốn nói riêng với Mẹ. Nhưng vốn liếng từ ngữ của con lại nghèo nàn, tài viết của con còn kém cỏi, nên mãi mãi con vẫn chưa thể diễn tả được điều con muốn nói, muốn viết. Ngày mai là ngày Mother's Day, tự dưng con muốn viết, viết riêng những dòng chữ để tặng Mẹ thương yêu. Dù vẫn biết thơ con không hay, văn con không bay bướm, trau chuốt, nhưng Mẹ đâu bao giờ chê những điều con viết với cả tấm lòng, phải không hở Mẹ?

Mẹ, con muốn gọi Mẹ cả vạn lần, dù chỉ để Mẹ biết là con yêu Mẹ. Con sung sướng và hạnh phúc khi còn được ấp ủ trong tình thương bao la của Mẹ. Có lẽ với mọi người xung quanh, con đã bước vào tuổi trưởng thành, đủ chín chắn để ý thức được điều hay lẽ phải nên theo cùng các điều xấu cần tránh. Có lẽ với mọi người, con đã lớn đủ để không cần sự chăm sóc, lo lắng của Mẹ. Có lẽ với mọi người, con hết còn trong lứa tuổi để xà vào lòng Mẹ làm nũng vòi vĩnh Mẹ những điều vặt vãnh. Vâng, có lẽ mọi người nghĩ đúng. Nhưng có một điều, mọi người chắc không tài nào hiểu được.  Đó là dù lớn đến đâu, dù đi đến bất cứ phương trời nào thì tấm lòng con vẫn hướng về Mẹ.  Mẹ muôn đời là một hình ảnh đẹp trong con, một hình ảnh con luôn gìn giữ trong tim.

Mẹ, Mẹ có biết, chúng con luôn hãnh diện với đời khi có được một người mẹ tuyệt vời như Mẹ.  Con thật hạnh phúc vì được ấp ủ trong tình thương cùng sự săn sóc của Mẹ, khi được Mẹ dạy dỗ từ cách đi đứng đến lời ăn tiếng nói, lúc được Mẹ khen cũng như khi bị la rầy dù đôi lúc bị rầy oan nhưng con không bao giờ trách Mẹ cả, Mẹ có biết không?  Có những lần con đã vô tình khiến Mẹ buồn. Những khi đó con thấy lòng đau xót vô cùng. Con tự trách mình và đã nhỏ những giọt nước mắt hối hận vì làm Mẹ buồn. Con đã viết những lá thư thật là dài để xin lỗi Mẹ, mong chuộc phần nào những lỗi của con, Mẹ còn nhớ không hở Mẹ? 

Có lắm phen, con sung sướng vô cùng lúc thấy Mẹ vui khi con được lãnh phần thưởng trong tiếng vỗ tay khen ngợi giòn giã của mọi người.  Mẹ có biết, khi đó con không sung sướng vì những tiếng vỗ tay, những lời khen của của thầy cô hay những người xa lạ, mà con chỉ sung sướng, vui mừng vì đã mang một niềm vui tặng Mẹ; dù niềm vui của con quá nhỏ bé khi đem so với tình Mẹ cho con. 

Có nhiều hôm con từ trường về nhà, mệt mỏi vô cùng vì bài vở chồng chất, vì các buổi học kéo dài lê thê suốt từ sáng đến sẫm tối, vì bị xô đẩy chen lấn trên xe bus, vì bao trận gió lạnh buốt xương, nhưng khi về đến nhà, được thấy Mẹ và nghe lời Mẹ ân cần hỏi han lo lắng nỗi mệt nhọc của con tan biến thật là nhanh.  Có đôi lúc con làm bài không được đúng như ý mong muốn, con tự cảm thấy xấu hổ vô cùng khi Mẹ hỏi han về kết quả bài làm. Con không muốn nói dối Mẹ nhưng con lại không muốn làm Mẹ buồn lòng. 

Có những buổi con thức thật khuya hay dậy thật sớm để học bài thi, nhưng dường như Mẹ còn thức khuya và dậy sớm hơn cả con, để lo cho con những món ăn bồi bổ sức khỏe.  Con cảm động và thương Mẹ vô cùng dù không nói thành lời nhưng có lẽ Mẹ hiểu lòng con nhiều hơn những lời con nói, Mẹ nhỉ. Có những tối con về trễ vì bài vở chưa xong, Mẹ đã lo lắng thấp thỏm, chẳng an tâm mãi đến khi con bình yên về đến nhà, cất tiếng gọi Mẹ.  Mẹ lo nhưng lại cố giấu không muốn cho con biết vì sợ con không yên tâm học hành.  Mẹ ơi, con thương Mẹ vô cùng chính vì những sự tế nhị như thế đó Mẹ ạ.

Có lẽ con đã quá sơ ý những lúc Mẹ cảm thấy không khỏe trong người nhưng cố giấu vì ngại chúng con lo lắng.  Tụi con lại quá vô tâm chỉ biết chọc phá nhau, đùa giỡn, cười nói mà quên không chú ý thấy nụ cười của Mẹ kém tươi, giọng Mẹ nghe yếu hơn mọi ngày.  Dường như tụi con chẳng đứa nào biết săn sóc Mẹ chu đáo như lúc Mẹ lo cho tụi con khi đau ốm.  Con có thể đếm trên đầu ngón tay số lần con săn sóc cho Mẹ, nhưng có lẽ không một máy tính tối tân nhất trên đời này có thể đếm được những lần Mẹ săn sóc cho con. 

Giờ đây con mới thấm thía từng lời trong bài hát "Lòng Mẹ" của nhạc sĩ Y Vân.  Con mới thấy thương xót cho những người bạn vì một lý do gì không còn được bàn tay của mẹ họ săn sóc. Có lẽ những người bạn của con đã buồn khi con hay vô tình kể họ nghe những sự săn sóc của Mẹ.  Những sự săn sóc quá sức ân cần đôi khi khiến con bị bạn bè trêu chọc, đôi lúc khiến con hơi thấy phiền phức. 

Nhưng, Mẹ ơi, con thật sự sung sướng khi còn được có Mẹ ở bên con, còn được nghe tiếng Mẹ cười, lời Mẹ nói, còn được nghe lời Mẹ dạy dỗ, còn được ăn các món ăn Mẹ nấu, còn được mặc những tấm áo len Mẹ cặm cụi ngồi đan, còn được hưởng những tối quây quần bên Mẹ nghe kể lại những kỷ niệm xa xưa thuở Mẹ còn nhỏ, thuở Bố Mẹ mới quen nhau, hay thuở tụi con còn nhỏ xíu, rồi Mẹ lại kể các tính xấu của từng đứa, cho tụi con có dịp trêu chọc nhau chí chóe ầm ĩ cả nhà. 

Những ngày lễ Vu Lan, con đã hãnh diện, tự hào, sung sướng lòng tràn ngập hạnh phúc khi được cài một bông hồng đỏ thắm lên ngực áo bên trái phía trái tim con, để được nghe hòa thượng trụ trì thuyết pháp về tình thương bao la của Mẹ.  Có lẽ con còn quá trẻ con, mỗi khi có người bạn nào khen Mẹ đẹp, Mẹ tài là con lại cười thật tươi, thật sung sướng, y như thuở mới chập chững đi học. 

Mà dường như Mẹ có một điểm chi thật đặc biệt khiến tất cả bạn bè của con, dù quen thân hay chỉ một vài lần gặp Mẹ, đều luôn nhớ đến Mẹ.  Đôi khi, những người bạn phương xa gọi điện thoại thăm hỏi, họ đều hỏi thăm Mẹ, con luôn kể Mẹ nghe dù chưa chắc Mẹ còn nhớ người bạn đó. Mà Mẹ ơi, dường như Mẹ có thật nhiều ưu điểm mà con không có được. Mẹ tài giỏi quá khiến con tự thấy mình thật là ngu dốt, vụng về khi so sánh với Mẹ.

Mẹ, còn muôn vàn lời con muốn nói, muốn viết, nhưng sao con quá vụng về khi tìm từ ngữ để diễn tả lòng con. Con thật là dở quá, Mẹ ơi.   Những gì con đã viết vẫn chẳng tỏ bày được trọn vẹn điều con đang nghĩ, nhưng có lẽ Mẹ hiểu con nhiều hơn những gì Mẹ đọc, đúng không Mẹ?  Con tin tưởng như thế vì Mẹ là Mẹ của con mà.  

Mẹ, con muốn gọi Mẹ hoài hoài, muốn Mẹ luôn vui vẻ và sung sướng; nhưng dường như ngoài các niềm vui nhỏ bé con có thể kính tặng Mẹ qua những lần con được khen thưởng thì con cũng đã nhiều lần làm Mẹ buồn, có khi còn khiến Mẹ phải khóc, dù lòng con thật sự không muốn.  Con biết Mẹ luôn luôn thương yêu và tha thứ dù chúng con có phạm lỗi chi đi nữa.  Nhưng, con vẫn mong được nói với Mẹ điều này: Con yêu Mẹ vô cùng. Yêu Mẹ với một tình yêu không có thứ gì so sánh được, dù con không nói ra bằng lời, nhưng mỗi điều con làm, con đều mong Mẹ vui, không bao giờ muốn Mẹ phải buồn. Và nhất là, con hãnh diện được có một người mẹ như Mẹ, Mẹ ạ.

Con của Mẹ

Tứ Diễm
Mother's Day - May 7, 1994
Saturday 10 December 2011 0 comments

Phiếm - Tản Mạn Về Nàng Miu Miu

 
Tản Mạn Về Nàng Miu Miu
Tứ Diễm

Thật tội cho họ nhà mèo.  Trong khi từ chú chuột láu lỉnh, chàng trâu hiền lành đến cả bác lợn ụt ịt đều có địa vị chắc chắn trong mười hai con giáp thì họ nhà mèo phải dành với nhà thỏ để chiếm hàng thứ tư.  Kể cũng lạ, thông thường giữa Việt Nam và Trung Hoa có rất nhiều điểm tương đồng, nhưng về lịch thì lại dị biệt.  Nếu tính theo lịch Trung Hoa năm Kỷ Mão sẽ do chú thỏ trắng trị vì, nhưng theo lịch Việt thì là họ nhà mèo cai quản.  Rắc rối quá nhỉ.  Chẳng hiểu có khiến quý bạn sinh năm Mão cảm thấy phân vân vì không biết mình "cầm tinh" con gì: mèo hay thỏ ?


0 comments

Phiếm - Đầu Xuân Bàn Chuyện Ca Dao Tục Ngữ

ĐẦU XUÂN BÀN CHUYỆN CA DAO TỤC NGỮ
Tứ Diễm


"Năm hết, Tết đến" chợt nhớ đến câu "Thịt mỡ, dưa hành, câu đối đỏ.  Cây nêu, tràng pháo, bánh chưng xanh".   Ừ, Tết nhất thì phải có bánh chưng.  Điều đó vốn đã thành thông lê..  Chẳng ai buồn thắc mắc với bánh chưng; loại bánh cổ truyền gói vuông vắn bằng lá dong, buộc chặt bằng lạt, bên trong gồm gạo nếp gói kín lớp nhân đậu xanh, giữa có miếng thịt heo nửa nạc nửa mỡ đã ướp tiêu và gia vị.  "Con gà cục tác lá chanh, con lợn ủn ỉn mua hành cho tôi", nhắc đến thịt heo thì không thể thiếu sót món hành.  Nhưng cớ sao có biết bao thức ăn ngon đầu năm mà lại chỉ nhắc đến món "thịt mỡ" và "dưa hành" vậy nhỉ?   Thành thử, hết hai trong ba món đặc trưng cho ngày Tết đã liên quan đến họ nhà heo.  Hóa ra họ nhà heo lại quan trọng đến thế cơ đấy. 
0 comments

Phiếm - Ủn Ỉn Ụt Ịt

ỦN ỈN ỤT ỊT
Tứ Diễm

Tuy đứng hạng chót trong mười hai con giáp, nhưng họ nhà heo lại bị mang tiếng dẫn đầu về các thói hư tật xấu; thậm chí còn bị mang làm tấm gương ... xấu để răn dạy hay chê trách.  Nào là ngu như heo, lười như heo, bẩn như heo, ham ăn như heo, ...  Ôi thôi biết cơ man nào mà kể cho hết những câu ví von, chê trách đó nhỉ.   Đến là khổ cho họ nhà heo vì nỗi oan Thi... Mầu nàỵ


0 comments

Phiếm - Chuyện Con Cà Con Kê

Chuyện Con Cà Con Kê
Tứ Diễm

Theo thông lệ, năm Dậu ắt hẳn sẽ bàn về nhà họ gà, cứ ngỡ dễ như ăn gỏi, nhưng dè đâu cũng khá gay go. Chắc hẳn nhiều người sẽ nhún vai bảo rằng: "viết về con gì còn khó, chứ con gà thì dễ ợt, ai mà chẳng biết". Ấy, cũng bởi vậy nên mới phiền đấy chứ. Nhắc toàn những điều bàn dân thiên hạ đều rành rẽ thì kỳ, còn viết chuyện không ai biết chắc sẽ được gán cho có họ với chú Cuội lại càng dị hơn nữa. Nhưng không viết cũng chẳng yên. Thôi thì "một liều, ba bẩy cũng liều", đành nhắm mắt cà kê dê ngỗng thử xem sao.



0 comments

Phiếm - Ba Mươi, Ông Kễnh, Cà Um...


Ba Mươi, Ông Kễnh, Cà Um...

Tứ Diễm

Mặc dù chỉ đứng hạng ba trong tử vi Đông phương, (sau cả chú chuột nhắt lí lắc và chàng trâu khù khờ chậm chạp) nhưng họ nhà hổ lại có nhiều biệt danh nhất.  Này nhé, hổ thường được gọi vắn tắt, đơn giản như: cọp, hổ, hùm, Panthera tigris (tiếng La Tinh), tiger (tiếng Anh), tigre (tiếng Pháp), cub (hổ con), vv.. vv..; còn trang trọng hơn một chút thì là: ông Mễnh, ông Ba Mươi,  ông Kễnh, ông Mun, ông Cà Um, vv.. vv...

0 comments

Phiếm - Họa Hổ Họa Bì...


Họa Hổ Họa Bì...

Tứ Diễm

"Vui xem hát, nhạt xem bơi, tả tơi xem hội", nhân ngày Xuân thảnh thơi rảnh rỗi chúng ta thử "vuốt râu hùm" đem đời tư họ nhà hổ ra luận bàn xem có điều chi thú vị....

0 comments

Phiếm - Tản Mạn Về Ông Ba Mươi

Tản Mạn Về Ông Ba Mươi






Tứ Diễm


Mặc dù chỉ đứng hạng ba trong tử vi Đông phương, (sau cả chú chuột nhắt lí lắc và chàng trâu khù khờ chậm chạp) nhưng hổ ta lại có nhiều biệt danh nhất.  Này nhé, ngoài "bí danh" là Dần trong lịch tử vi, hổ thường được gọi vắn tắt, đơn giản như: cọp, hổ, hùm hay tiger (tiếng Anh), tigre (tiếng Pháp).  Còn trang trọng hơn một chút thì là: ông Mễnh, ông Ba Mươi,  ông Kễnh, ông Mun, ông Cà Um, ....  Mà cũng lạ, tại sao lại chỉ có "ông Ba Mươi" mà chẳng có "bà Ba Mươi", "bà Cà Um",.. nhỉ?

0 comments

Phiếm - Trâu Ta Ăn Cỏ Đồng Ta


TRÂU TA ĂN CỎ ĐỒNG TA...

Tứ Diễm

"Dí dầu, dí dẩu, dí dâu.  Dí qua, dí lại, dí trâu vô chuồng".   Kể cũng ngộ.  Họ nhà trâu có gì đặc biệt mà bị dí qua dí lại như thế nhỉ?


0 comments

Phiếm - Trâu Ơi, Ta Bảo Trâu Này...

TRÂU ƠI, TA BẢO TRÂU NÀY...         

Tứ Diễm

Theo Âm lịch, Trâu xếp hàng thứ nhì trong 12 con giáp. Có rất nhiều giả thuyết được đặt ra để.... đoán mò xem tại sao chàng Trâu chậm chạp, hiền lành lại được đứng trước chú hổ oai hùng và cả chú rồng uy vũ. Thoạt nghe qua thì giả thuyết nào cũng thật là hợp lý. Nhưng ngẫm nghĩ kỹ lại thấy không ổn. Cho nên không nêu giả thuyết nào ở đây, kẻo không lại nhàm tai bạn chăng.


0 comments

Phiếm - Tậu Trâu, Lấy Vợ, Làm Nhà...


Taäu Traâu, Laáy Vôï, Laøm Nhaø...

Töù Dieãm

"Traêm naêm coøn coù gì ñaâu, mieáng traàu lieàn vôùi con traâu moät vaàn".  Thôøi baây giôø mieáng traàu ñaõ ngaøy caøng hieám thaáy.  Vaäy coøn hoï nhaø Traâu thì sao? 

0 comments

Phiếm - Chuột Kêu Chút Chít Trong Rương


Chuột Kêu Chút Chít Trong Rương

Tứ Diễm

Không chỉ trong rương, mà cả từ phòng khách xuống tới nhà bếp, từ phòng ngủ cho tới phòng ăn, từ trên lầu cho xuống tới tầng hầm.  Từ trong nhà ra tới ngoài đường, ngoài đồng.  Từ nhà ở cho tới công ty, trường học, bệnh viện.  Từ nhà lụp xụp cho tới biệt thự nguy nga.  Từ trên bờ cho tới dưới thuyền.   Ở bất cứ nơi nào, nếu sơ sểnh là cũng có thể thấy thấp thoáng bóng dáng dòng họ nhà "hắn".   Nhắc tới "hắn", khỏi cần phải điểm mặt gọi tên, ắt hẳn ai cũng biết chính danh là nhà họ Chuột rồi. 

0 comments

Phiếm - Thử Chuột Làm Tí Trò Hề

Thử Chuột Làm Tí Trò Hề

Tứ Diễm

"Thử chuột làm tí trò hề".  Câu đối nầy của HVK lắt léo ở các chữ "thử", "chuột", "tí" và "hề" đều dùng để gọi dòng họ "mỏ nhọn" nhà chuột, hay còn gọi chung là rat, mouse trong tiếng Anh.  Nếu tách bạch, có thể gọi theo giới tính, tuổi tác, chẳng hạn chuột đực, chuột cái, chuột con (baby mouse), pinkies (chuột bao tử mới sinh, chưa có lông, chưa mở mắt), fuzzies (mới mọc lông loáng thoáng), hoppers (mọc đủ lông, nhưng còn chưa trưởng thành), adults (đã trưởng thành)  vv.. vv... hay theo "nơi cư trú", chẳng hạn chuột nhà, chuột đồng, chuột cống, chuột nhắt cây (vandeleuria oreracea), chuột thí nghiệm, chuột bạch, chuột đàn (rattus flavipectrs), vv.. vv...

Thursday 1 December 2011 0 comments

Đoản Khúc - Mười Ngón Tay Ngà

MƯỜI NGÓN TAY NGÀ
Thương Tặng MẸ
Tứ Diễm


"À ơi,
cái ngủ mày ngủ cho sâu
mẹ mày đi cấy đồng sâu chưa về
bắt được con trắm, con trê
xách cổ mang về cho cái ngủ ăn...."


Câu hát ru ngày xưa ấy tự dưng luẩn quẩn mãi trong trí, khiến lòng tôi chợt thấy bồi hồi. Tự dưng thèm được nghe Mẹ ru chi lạ.  Ừ nhỉ, đã lâu, lâu lắm rồi tôi chưa được nghe lại giọng ru ngọt ngào trầm bổng của Mẹ...  
0 comments

Đoản Khúc - Giếng Nước Năm Xưa

Giếng Nước Năm Xưa

Tứ Diễm

Tôi còn nhớ cảm giác vừa hồi hộp vừa thích thú khi lén mẹ ra vọc nước trong giếng ở sân trước.  Làn nước trong vắt mát rười rượi mon man bàn tay tôi xóa tan cơn nóng bức của những buổi trưa hè.  Tôi thường nghịch ngợm quậy mạnh tay để bọt nước trắng xóa văng tung tóe, ướt cả một khoảng sân, ướt đẫm tóc tai và tạo thành nhiều đốm sao sẫm mầu trên bức tường vôi. 

0 comments

Đoản Khúc - Bên Giàn Bông Giấy

Bên Giàn Bông Giấy
Tứ Diễm

Chẳng hiểu giàn bông giấy đã được trồng từ khi nào.  Có lẽ rất lâu, lâu lắm rồi.  Thử nhìn lớp vỏ khô cằn phủ ngoài phần gốc xù xì uốn lượn thì đủ rõ.  Những chùm hoa mầu cam tươi thấp thoáng xen lẫn giữa cành lá xanh đã điểm thêm nét chấm phá trong bức tranh ký ức...
4 comments

Thơ - Vịnh Tứ Diễm

Thất ngôn bát cú Đường luật

NÀNG TỨ DIỄM

Tuyệt Diệu trời ban xuống một nàng
Hang hùm, bãi sấu khoái dzô ngang
Vài câu chấn động trai toàn nét
Mấy chữ xôn xao lão cả làng
Thấy đẹp thò tay toan chọc bậy
Coi dzui thọc cẳng tính leo quàng
Coi qua tưởng dễ mà không dễ
Phá chấp nhưng người giữ tính trang (*)


Phạm Thế Định - Aug. 22, 1994

(*) đoan trang



VỊNH TỨ DIỄM

Nhà ta có được "bé" Ti Di,
Vốn giỏi, thêm tài phú với thi.
"Văn" Cọp như in, Dần phải phục, 
Vẽ Trâu giống thật, Sửu sao bì ?
Ca dao kết tập công nào quản,
Điển tích tầm nguyên nhọc sá gì.
Vác bút, Ti Di vào "Nắng Mới",
Nào thơ, nào chuyện kể chi chi ...


Quốc Thái - 03/05/98 




Tứ Diễm

dáng vóc mơ hồ như dấu sương
hoang mang từ cõi mộng vô thường
theo em tinh tú buồn không nói
chỉ khẽ âm thầm một tiếng.. thương
 

Đức Tường



   -------------------------------------------------------------
              TIÊU CHUẨN CHẤM ĐIỂM TỨ DIỄM                  
gồm có 10 Points như sau
(viết theo tin hàng lang mới ... thâu thập từ bấy lâu nay)
   -------------------------------------------------------------------

1 POINT : Thơ viết tuyệt hay
2 POINT : Ăn, Uống một cây xanh dờn   "Luận về Ăn"

3 POINT : Tiếng nói dịu dàng             (Nghe đồn vậy đó)                
 4 POINT : Giọng Huệ dễ thương quá trời   (Chẳng những nói mà còn đấu thơ Huệ nữa)
5 POINT : Nhạc khéo sửa lời         (Nhạc cho đám cưới)
6 POINT : Tùy bút đi chơi rất chì
7 POINT : Bốn Đẹp TD
          Khiến người đã nhớ, nhiều khi nhớ hoài
8 POINT : Lại khéo tiêu xài
          Đi chơi đã lắm, lại hoài shopping  
9 POINT : Hiếu nghĩa rạng ngời         (Những bài về Mẹ)

10 POINT: Bonus (anh hỏi ráng trả lời nhe "Có biết anh ?" )

Andre Bùi
 Jul. 14, 1998

P.S. bài thơ nầy trích dẫn từ trong bài viết  Mười Points



TuDiem’s Corner

Nói rằng góc nhỏ, lại hơi to
Đi kiếm vần thơ, chút ngại lo
Giấu kỹ thơ hay tìm quá khó
Bày ra bánh mứt ngửi xong no.

Nữ công, bài viết ghi ra rõ
Gia chánh không ngần chuyện nhỏ to
Công Hạnh Ngôn Dung danh xứng đó
Cứ vào góc nhỏ khỏi âu lo.

P.N - 15/02/2014

Ghi chú: 4 cái đẹp (Tứ Diễm): Công Dung Ngôn Hạnh  


P.S. Mời xem vài dòng Tứ Diễm họa theo trong bài:
hay các bài khác trong Góc Thơ Tứ Diễm
 
;