Có Một Vì Sao
Tứ Diễm
Tháng Tư đen. Tháng Tư với bao nỗi buồn của người xa xứ rồi cũng sắp trôi qua. Sáng thứ Năm, lòng đang chùng xuống khi hồi tưởng lại những ngày tháng Tư năm xưa, bỗng chợt bàng hoàng vì tin cô Huỳnh Phi Phụng đã từ trần vào nửa đêm rạng ngày 28 tháng Tư. Suốt cả ngày không tài nào tập trung làm việc. Hỏi thăm loanh quanh nhưng vẫn chẳng ai biết rõ, ngoài tin tang lễ sẽ cử hành vào sáng thứ Bảy này.
Ngày thứ Sáu lặng lẽ qua đi. Vẫn chưa liên lạc được để biết địa điểm nhà quàn. Lòng nao nao buồn vì không thể tiễn đưa cô một chặng đường cuối. Bâng khuâng nhớ lại những chuỗi ngày đã qua. Mới đó mà đã mười năm rồi sao? Nó thảng thốt khẽ kêu lên.
Ừ nhỉ, lần đầu gặp cô vào năm 1994. Lần đó, anh nó và nó lái xe đưa mẹ đi dự buổi hội thảo ở Ottawa do Liên Hội Người Việt Canada tổ chức. Do tình cờ, mẹ con nó ngồi cùng bàn với vợ chồng cô. Chỉ sau vài phút đầu, mẹ bản tính rất hoạt bát, lanh lẹ lại gặp cô Phụng và chú Điển (chồng cô) đều cởi mở, vui tính nên chuyện cứ nổ giòn như bắp rang.
Vốn dành sẵn nhiều cảm tình cho trường Gia Long, mẹ càng vui hơn khi biết cô Phụng đã từng là giáo sư dạy Pháp Văn tại Gia Long từ năm 1967. Chỉ tiếc là khi nó chập chững vào bậc trung học thì cô đã nghỉ dạy. Vui câu chuyện, cô nhắc đến nhóm Cựu Nữ Sinh Gia Long tại Toronto bằng giọng rất hào hứng, xen lẫn niềm hãnh diện với những sinh hoạt của nhóm, cũng như rất cảm động trước tình nghĩa chị em trong nhóm đã dành cho các thầy cô giáo cũ.
Phải chăng mọi chuyện tùy duyên. Do tình cờ mà mẹ con nó có dịp quen biết cô chú. Cũng do tình cờ gặp dược sĩ Lượng tại Pickering vào năm 1988, cô đã liên lạc được với nhóm Cựu Nữ Sinh Gia Long. Và nhờ thế, cô có cơ hội gặp lại vài người học trò cũ, cùng những người còn tha thiết với mái trường xưa, đồng thời còn gặp được một số cô thầy đã dậy Gia Long, trong đó có giáo sư Đỗ Khánh Hoan là giáo sư chủ khảo bài tiểu luận bằng Cao Học Anh Văn của cô vào tháng 3 năm 1974. Kể từ dạo ấy, dù ở xa, cô vẫn về dự nhiều buổi tất niên, hoặc tân niên, họp mặt Gia Long cho đến kỳ mùa Xuân năm 2003.
Cũng trong buổi hội thảo đó, ý định thành lập Liên Hội Phụ Nữ Việt Nam được khởi xướng. Mẹ và cô đều tham gia trong ban chấp hành tạm thời của Liên Hội Phụ Nữ Việt Nam. Dù cô chú ở London (Canada), còn gia đình nó lại ở Mississauga (Canada), khoảng cách không gian tuy xa nhưng không ngăn được mối thân tình giữa mẹ cùng cô chú. Khi anh và các em nó lập gia đình, nếu cô chú không bận đi xa thì đều đến chung vui cùng gia đình nó.
Mẹ vẫn liên lạc khá thường với cô, nhất là trong giai đoạn đầu khi cần tổ chức các buổi sinh hoạt cùng thực hiện tờ Giai Phẩm Xuân của riêng Liên Hội Phụ Nữ Việt Nam. Nó thường nghe mẹ kể về cô nên có cảm giác rất gần gũi dù ít khi có dịp gặp gỡ. Nó rất phục bản tính cương quyết, dấn thân, hiếu học, ưa thử những điều mới của cô.
Nghe nói dù tuổi không còn trẻ, cô vẫn tập trượt băng (ice skate) và đã đi được rành rẽ. Nhưng đến đầu tháng Ba năm 1993, cô bị té, gãy chân mặt, phải mổ và kẹp ống sắt cho xương lành la.i. Tuy vậy, sang tháng Bảy, dù cô còn đang phải chống nạng, cô chú vẫn đi California thăm gia đình chị Phan Hoàng Mai, một cựu nữ sinh Gia Long. Chuyến đó, cô chú đã lái xe dọc bờ biển từ San Jose xuống đến San Diego rồi đi đến tận biên giới Mỹ.
Với bản tính hiếu động, ưa thích du lịch lại thêm sức khỏe khá cường tráng nên ngoài những nơi hằng năm thường ghé như: Newport, Rhode Island, Manassas, Virginia, Clearwater, Florida,... cô chú đã nhiều lần đi Pháp (Paris, Aix en Provence, Chartres, Marseille, Côte d'Azur) , Anh (London, Bath, Stonehenge, Salisbury), Ðức (Dusseldorf, Neuss, Dachau), Úc (Sydney, Melbourne, Wollongong), Fredericton (1988), HongKong (1997), Hy Lạp (Athens, 2000), Tây Ban nha (Madrid, Sevilla, Cadiz, Granada, 2002).
Trong chuyến đi Anh, tháng 9 năm ngoái, ngoài việc thăm gia đình con gái cùng cháu ngoại ra, cô chú còn qua Paris gặp lại chị Thủy Ngọc (con giáo sư Sương dậy Gia Long) cũng như dự lễ đặt viên đá đầu tiên xây dựng Đài Tưởng Niệm Người Tỵ Nạn trong khuôn viên chùa Khánh Anh. Sang ngày hôm sau, cô chú lại tham dự Tết Trung Thu với các em nhỏ do Tổng Hội Sinh Viên Việt Nam tại Paris tổ chức. Chỉ nghe kể sơ qua những nơi cô đã ghé thăm mà nó đã thấy thèm và thầm ao ước sẽ có ngày được đi du lịch thật nhiều nơi như cô.
Nhưng điều khiến nó khâm phục nhất là bản tính hiếu học của cô. Nghe kể sau thời gian theo học tại trường Lycée Marie-Curie (1950-1962), cô đã hoàn tất Cử Nhân Giáo Khoa Pháp Văn (1962-1965), Cử Nhân Giáo Khoa Anh Văn (1962-1967) và Cao Học Anh Văn (1972-1974) tại Đại Học Văn Khoa. Sau khi định cư tại Canada, song song với việc dậy học (1981-2003), cô đã hoàn tất bằng Bachelor of Education (primary-junior) (1980-1981) tại Đại Học Western, MA French Literature (1981-1983) tại Đại Học Western, Master of Education (1987-1989) tại Đại Học Toronto.
Và điều khiến nó khâm phục nhất là khi đã gần bước sang tuổi sáu mươi, cô vẫn hoàn tất được bằng Doctor of Education (1996-2002) tại Đại Học Toronto. Đó là chưa kể đến việc cô đã tu nghiệp thêm các ngành Honour Specialist Special Education và Honour Specialist French as Second Language. Chao ơi, sao cô siêng năng và tài giỏi đến thế nhỉ, càng khiến nó tự thấy thẹn vì cái tật lười của mình.
Mải suy nghĩ miên man, không biết trời đã sụp tối từ khi nào. Vẫn chưa biết được địa điểm nhà quàn, cũng không có số điện thoại để hỏi thăm. Chắc chẳng thể đi dự tang lễ được rồi. Khuya, nó thấy buồn, dù rất mệt sau một ngày dài nhưng vẫn không muốn ngủ. Nó mở máy, định gửi email hỏi thăm thêm nữa xem sao, cũng may lại gặp đúng lúc nhỏ Nghi vừa on-line nên vội nhờ hỏi thăm dùm. Và thêm một điều may nữa là đường dây không bị bận, nhỏ ta liên lạc ngay được với chú Điển. Thật là mừng quá, Nó cám ơn nhỏ Nghi rồi hai đứa "hẹn hò" việc gặp gỡ ngày mai tại London. Nó vội gửi email báo tin cho các anh chị trong nhóm Gia Long, rồi lật đật lo làm nốt những việc còn bỏ dở dang từ hôm qua cùng vài việc cần làm gấp trong ngày mai. Đến thật khuya lắm, chắc cũng phải gần bốn giờ sáng nó mới lên giường. Thật là mệt, nhưng lòng thấy vui hơn vì ít nhất nó cũng có thể tiễn đưa cô một lần cuối.
Sáng sớm thứ Bảy, trái hẳn với thói quen làm biếng thường lệ, nó thức thật sớm trước khi đồng hồ kịp reo. Nó cứ sợ trễ nên lật đật ra khỏi nhà từ lúc chưa đến 7 giờ sáng, nhưng rồi lại phải chờ khá lâu mới đến giờ tiệm hoa mở cửa. Nó vội ghé vào, mua xong rồi lái xe rời Mississauga trực chỉ hướng London.
Lúc đầu, trời mưa có khá nặng hạt nhưng sau đó ngớt dần nên cũng không đến nỗi nào. Trời còn sớm nên đường tương đối vắng xe, nó phần vì sợ trễ giờ, phần nữa cũng tại đã quen tật nên cứ thế mà phóng xe ào ào. Từ tiệm hoa ở Mississauga đến nhà quàn ở London chỉ mất khoảng gần một tiếng rưỡi. Có lẽ nhờ trời thương nên không gặp cảnh sát, cứ thế nó đến thẳng nhà quàn lúc khoảng 9 giờ40 sáng.
Vừa bước vào linh đường, nó đã nhận ngay ra chú Điển giữa đám đông, dù cũng đã lâu chưa gặp lại chú. Viếng linh cửu cô xong, chia buồn cùng chồng và hai người con cô, rồi nó mới bắt đầu nhìn kỹ những người đang hiện diện tại đó. Cứ ngỡ rằng ngoài chú Điển và nhỏ Nghi ra, nó sẽ chẳng quen ai không ngờ lại gặp được một số bạn bè cùng người quen cũ. Đúng là trái đất tròn.
Dù tin buồn của cô chỉ thông báo trong vòng thân thiết, nhưng khá đông người đến viếng hôm đó. Trong số bạn học với con trai cô, có người đã đáp phi cơ từ New York City, có người lái xe từ 3 giờ 30 sáng từ Ottawa để về kịp giờ. Có những người bạn của cô chú, vì làm việc phương xa, không gặp gần cả mười năm, nay nghe tin cũng vội thu xếp để bay về. Ngoài hai người em trai của chú cùng họ hàng, còn có các cựu học sinh, các bạn đồng sở của cô, bạn bè cùng khóa Hải Quân với chú, đại diện Hội Cựu Quân Nhân QLVNCH vùng Ontario, và thân hữu đã tham dự tang lễ đông đảo.
Những vòng hoa cũng đã nói lên phần nào sự tiếc thương và chia sẻ với chú cùng các con cô trong nỗi mất mát lớn lao này. Chắc hương linh cô cũng thấu hiểu được tấm lòng của người ở lại. Sau đó, linh cửu được chuyển tới nhà thờ để mục sư làm lễ theo như ý cô đã muốn. Nhưng phải đợi sang ngày thứ Hai mới hỏa thiêu vì cuối tuần họ không làm việc. Tan buổi lễ, mọi người trở lại phòng tiếp tân thuộc nhà quàn để ăn nhẹ và hàn huyên. Như đã hẹn trước, nó và nhỏ Nghi gặp nhau ở nhà thờ, rồi cùng trở về phòng tiếp tân. Đây cũng là lúc nó có thời gian để chào hỏi bạn bè, người quen cũng như hỏi thăm cặn kẽ hơn về bệnh tình trong những ngày cuối cùng của cô.
Theo lời chú thuật lại cô bắt đầu phát giác ra bệnh ung thư nhũ hoa từ năm 1996 khi làm biopsy. Thoạt tiên, bác sĩ cứ đinh ninh bệnh mới chớm, nên chỉ gây tê tại chỗ, mổ lấy bướu ra. Nhưng đến lúc đó mới biết bệnh đã phát triển từ lâu rồi, đã lan ra các hạch lymphnodes nên phải làm mastectomy, giải phẫu cắt bỏ một bên ngực cùng các lymphnodes đã bị nhiễm. Cô đã uống thuốc Tamoxifen và đi tái khám đều đặn trong suốt năm năm.
Sau đó, bác sĩ quyết định cho dùng loại thuốc Letrozone vì Tamoxifen đã hết tác dụng. Đến tháng 7/2003, bác sĩ cho biết thuốc có hiệu lực nên càng thêm hy vọng thoát khỏi móng vuốt của bệnh ung thư vì từ khi mổ đến nay cũng đã hơn bảy năm rồi. Gia đình khuyên cô nghỉ hưu trí sớm để có thêm thì giờ đi chơi và thăm viếng con cháu. Đến tháng 9/2003, trong mấy ngày cuối của chuyến đi London (Anh) và Paris, cô bắt đầu thấy hơi mệt, chỉ đi được vài giờ là phải về nghỉ vì mệt và đau vùng thắt lưng phía xương sống.
Về lại London (Canada), bác sĩ gia đình cho uống thuốc Tylenol và giới thiệu đi tập với chuyên viên chỉnh hình, nhưng không thuyên giảm. Cô đã phải dùng thường xuyên thuốc trị đau, có chất Morphin. Khi đó, cô bắt đầu ăn ít, kém ngon miệng, thường hay mệt, không còn hăng hái như trước. Tuy vậy, cô vẫn không hề cau có. Đến tháng 11/2003, cô vào nhà thương để làm thử nghiệm, rồi ở lại luôn Trung Tâm Trị Liệu Ung Thư. Kết quả thử máu, bone scan,... cho thấy đã tế bào ung thư đã lan ra phổi, gan và trên bốn đốt xương sống. Bác sĩ quyết định dùng quang tuyến (radiation) chữa xương sống rồi sẽ dùng chemotherapy để diệt tế bào ung thư ở gan và phổi. Nhưng tiếc thay, tất cả các cách đều không có tác dụng.
Sang giữa tháng 12/2003, sau khi trị bằng chemotherapy, sức đề kháng xuống rất thấp, tình trạng rất nguy kịch khiến gia đình cô lo lắng thức trắng đêm. Nhưng rồi cô cũng đã vượt qua khỏi cơn nguy hiểm. Có lẽ nhờ ơn Trên phù hộ, hay cũng do ý chí mạnh mẽ đã giúp cô thoát khỏi cơn ngặt nghèo. Tuy vậy, bác sĩ đã bó tay, đành cho phép mang cô về nhà tĩnh dưỡng trong những ngày cuối. Chú đã nghỉ việc để dành toàn bộ thời gian săn sóc cho cô.
Trong suốt thời gian cô nằm dưỡng bệnh, rất nhiều người đã đến thăm, trong đó có cả gia đình một thân hữu thuộc nhóm VN-families từ AnnArbor cũng không quản ngại đường xa và tuyết lạnh vẫn đến thăm. Con gái cùng cháu ngoại của cô cũng về ở bên cạnh để phụ chú lo từng miếng ăn, giấc ngủ cùng thuốc men cho cô. Mẹ và em gái cô thường đi cùng gia đình em họ cô từ Fort Erie lên thăm. Vợ chồng em trai chú ở Toronto cũng thường xuyên ghé thăm. Em út của chú ở Richmond, Virginia, Mỹ cũng thu xếp thời gian về gặp cô.
Đến ngày 20 tháng 4/2004, cô yếu nhiều, thấy đau trong bụng, gan sưng lên và tròng mắt hơi vàng. Từ khi về nhà, mỗi ngày cô vẫn phải uống khoảng mười loại thuốc, kể cả thuốc morphine để giảm đau, ngày càng phải tăng thêm liều lượng vì mức độ đau nhức cứ thêm mãi. Đến Chủ Nhật 25 tháng Tư, cô đau nhiều quá nên phải nhập viện. Sang đến thứ Ba, 27 tháng Tư, con gái cô từ Tokyo đã cấp tốc đáp phi cơ bay về, từ phi trường vào ngay bệnh viện cũng đã 10 giờ 30 tối, lúc đó cô gần như hôn mê nhưng cố nhướng mắt lên nhìn con và cháu ngoại. Cho đến nửa đêm, rạng ngày 28 tháng 4 năm 2004, cô đã bình yên ra đi với nét mặt rất bình thản, trong sự hiện diện của chồng, hai con và cháu. Cô đã kịp gặp con gái cùng cháu ngoại, chồng, con trai cùng người thân trước khi nhắm mắt nên chắc hương linh của cô cũng thanh thản và siêu thoát. Đó cũng là niềm an ủi vô biên, xoa dịu phần nào nỗi đau buồn cho chồng con cô.
Kể từ ngày bắt đầu đi dạy, cô đã như một ánh sao sáng dẫn đường cho học sinh dõi theo trên hành trình học vấn. Suốt cả cuộc đời, cô đã không ngừng phấn đấu vượt qua tất cả khó khăn, bệnh tật để đạt được nhiều thành tích thật xuất sắc trong sự nghiệp cũng như học vấn. Ngay cả trong thời gian phải chiến đấu với căn bệnh ung thư hiểm nghèo, cô vẫn học và hoàn tất được văn bằng Doctor of Education (1996-2002) tại Đại Học Toronto. Cô đã như một vì sao lấp lánh trên bầu trời đêm, nêu cao gương sáng cho đám hậu sinh noi theo. Chỉ tiếc, lưỡi hái tử thần đã mang cô rời xa vòng tay mọi người. Kể từ đây, ánh sao sáng ngời đã vụt tắt. Nhưng trong lòng những người quý mến cô, vì sao sáng ấy vẫn mãi mãi không phai mờ...
Tứ Diễm
Subscribe to:
Post Comments (Atom)
0 comments:
Post a Comment