Saturday, 10 December 2011

Phiếm - Chuyện Con Cà Con Kê

Chuyện Con Cà Con Kê
Tứ Diễm

Theo thông lệ, năm Dậu ắt hẳn sẽ bàn về nhà họ gà, cứ ngỡ dễ như ăn gỏi, nhưng dè đâu cũng khá gay go. Chắc hẳn nhiều người sẽ nhún vai bảo rằng: "viết về con gì còn khó, chứ con gà thì dễ ợt, ai mà chẳng biết". Ấy, cũng bởi vậy nên mới phiền đấy chứ. Nhắc toàn những điều bàn dân thiên hạ đều rành rẽ thì kỳ, còn viết chuyện không ai biết chắc sẽ được gán cho có họ với chú Cuội lại càng dị hơn nữa. Nhưng không viết cũng chẳng yên. Thôi thì "một liều, ba bẩy cũng liều", đành nhắm mắt cà kê dê ngỗng thử xem sao.






"Dủ dỉ là con dù dì, dù dì là chị con công, con công là ông con gà". Nếu cứ thấy sang bắt quàng làm họ kiểu đó thì có lẽ ngoài bà con gần là gà Tây ra, gà còn có liên hệ giây mơ rễ má với nhiều loài chim như vịt, ngỗng, cú, đại bàng, kên kên, đà điểu,... thậm chí với cả nhà họ hạc, thiên nga, công và chim cánh cụt (penguin) nữa chứ. Nhưng mà thôi, có lẽ nên "bán họ hàng xa, mua láng giềng gần" cho tiện việc sổ sách; vì chỉ nhắc sơ sơ bà con thân thuộc của nhà gà cũng đã đủ mệt rồi. Có giả thuyết cho rằng ông tổ của dòng họ gà chính là loài gà hoang dã Asian Red Junglefowl, Gallus gallus. Theo thời gian cùng với việc "đẻ như gà", nhà họ gà ngày càng đa dạng và đông đến độ hầu như có mặt ở gần hết mọi nơi trên mặt đất. Nghe đồn dân số nhà họ gà đã lên đến khoảng hai mươi bốn tỷ "kê" mạng vào năm 2003. Ngoài việc phân hạng theo "nghề chuyên môn" như: gà công nghiệp, gà "đi bộ", gà thịt, gà đẻ trứng, gà đá, gà chọi, gà kiểng,... nhà họ gà còn gồm nhiều loại khác nhau, như: gà rừng (gà cỏ), gà nhà, gà tre, gà Mỹ, gà ta, gà lôi, gà ác, gà cồ, gà đãy, gà Nhật, gà Tây Ban Nha, gà nòi, gà ống tre, gà quạ, gà ri, gà xước,... hay các giống gà American Game Fowl, Araucana, Barnevelder, Braekel, Chalkidic, Cochin, Dorking, Langshan, Leghorn, Median, Orpington, Red Junglefowl, Rhode Island Red, Silkie, Tanagrian, Welsumer, Wyandotte,... Ôi, cơ man nào mà kể cho xiết chứ.

Tương truyền từ ngày xửa ngày xưa, nhà họ gà được gọi là cà. Sau lâu ngày, từ chữ cà chuyển thành gà trong tiếng Việt và kê (có khi còn đọc là cát) trong tiếng Hán. Ngày nay, ngoài tên khoa học Gallus domesticus, nhà họ gà còn rất nhiều tên "cúng cơm" khác nhau tùy theo giới tính, tuổi tác hay hình dáng bên ngoài, chẳng hạn như: gà trống (rooster, cock), gà trống tơ (cockerel), gà trống thiến (capon), gà mái (hen), gà mái tơ (pullet, poult), gà mái thiến (poulard), gà con (chick, chicken), gà giò (spring chicken), Ô, Điều, Ri, Bông, Chuối,...

Nói chung chung, nhà họ gà thuộc loại gia cầm, chia làm hai giới tính riêng biệt: trống và mái, hình dáng tương tự như một số loài chim nhưng không biết bay. Đầu gà tròn, nhỏ nhưng có mào và diều mầu đỏ, đây cũng là nét đặc trưng riêng của dòng họ gà. Cổ gà ngắn, gồm nhiều khớp xương gắn sát nhau giúp xoay chuyển rất dễ dàng, nhưng cũng dễ bẻ gẫy, nên người ta thường bẻ cổ gà mỗi khi có việc cần thề thốt; từ đó mới nảy sinh thành ngữ "vặn cổ gà". Nhờ có mỏ rất cứng, nhọn nên nhà họ gà ưa xía mỏ vào mọi nơi. Vốn dĩ móm bẩn sinh, không có một cái răng làm duyên, nên "ăn xong quẹt mỏ như gà" là xong ngay. Lưỡi gà ngắn, có xương, dễ uốn cong, nên được dùng để đặt tên cho một số vật dụng. Nhà họ gà được trời thương ban cho đôi mắt đen huyền, nho nhỏ, xinh xinh, tròn như hạt đậu đen, nhưng lại quên không ban cho cặp lông mi. Bởi vậy, các nàng gà không biết chớp mắt hay đá lông nheo làm duyên. Thoạt nhìn qua, cứ ngỡ gà không có tai, nhưng thật ra nhà họ gà thuộc loại bạt nhĩ, nghĩa là chỉ có lỗ tai ở mỗi bên nhưng không có vành tai, nên quý vị trượng phu gà không cần mua bông tai tặng bà xã mỗi dịp sinh nhật. Lỗ mũi gà rất nhỏ, ở hai bên mỏ, nếu không để ý kỹ sẽ không thấy. Với thân mình khá đẫy đà, hai cánh ngắn, chân ngắn nên nhà họ gà thường chỉ tà tà đi bộ, khi gấp thì cũng chỉ vỗ cánh làm mầu rồi... chạy le te, chứ không thể bay bổng như nhà họ chim. Đôi chân gà nhỏ, ngắn, có vỏ sừng cứng bọc bên ngoài; bàn chân có bốn ngón với móng sắc nhọn, ngoài nhiệm vụ di chuyển còn là dụng cụ chính trong việc kiếm ăn hàng ngày. Ngày xưa, các cụ thường kiêng không cho trẻ con ăn chân gà vì sợ tay run sẽ "viết như gà bới".

"Nữ thập tam, nam thập lục". Nhi đồng gà còn trổ mã sớm hơn nữa. Chỉ sau vài tháng tuổi, nhóm bé gái gà đã bước vào tuổi cập kê, cặp kè và bắt đầu thành gà mái tơ nhận thiên chức đẻ và ấp trứng. Thường mỗi lứa, các nàng sẽ ấp từ tám đến mười bốn trứng, hay thậm chí còn có thể đến hai mươi ba trứng. Sau hai mươi mốt ngày, gà sơ sinh sẽ phá vỏ cất tiếng chíp chíp chào đời. Trẻ con gà rất giống nhau, chỉ lớn cỡ nắm tay trẻ em, toàn thân phủ một lớp lông tơ màu vàng nhạt, rất hiếu động. Sau ba tháng tuổi, các bé nhi đồng gà bắt đầu dậy thì thành gà choai choai, gà giò (spring chicken), trổ mã chia thành hai phe riêng biệt. Gà trống đỏm dáng với bộ lông óng ả, mướt, dài, đa sắc, mào và diều đỏ cùng cặp cựa cứng rất sắc nhọn. Gà mái thường khoác bộ cánh nhã nhặn hơn, với mào đỏ, đuôi ngắn nhưng không có diều. Các nàng gà choai choai sẽ chính thức thành gà mái tơ từ khi bắt đầu biết "cục tác", rồi thành gà mái ghẹ sau nhiều lần "nằm ổ". Sau khoảng gần ba mươi lần ấp, thịt bắt đầu dai, xương bắt đầu cứng, đủ tiêu chuẩn lên hàng gà mệ, các nàng có nhiều cơ hội được rửa chân lên... bàn ăn sớm.

"Ao sâu nước cả khôn chài lưới. Vườn rộng rào thưa khó đuổi gà" (thơ cu. Nguyễn Khuyến). Nhà họ gà vốn ưa thích sống nơi rộng rãi, thoải mái. Ở nông thôn, ban ngày gà ta thường được tự do lang thang khắp nơi trong vườn, chỉ tối đến mới chui vào chuồng ngủ. Gà trống sống ung dung giữa bầy thê thiếp con cháu. Gà mái ngoài việc chăm sóc con, còn đảm trách luôn việc đẻ và ấp trứng. Người ta thường bảo "cứng đầu như bò", nhưng chưa chắc đã cứng đầu bằng nhà họ gà. Chẳng thế mà gà trống cứ nhất định vươn cổ lên gáy mỗi sáng dù chủ có muốn hay không. Riêng gà mái lại gàn dở một cách tức cười. Các nàng chỉ nhớ nơi mình đã đẻ trứng, cứ khư khư nằm ấp ở đúng vị trí ấy, cho dù có trứng hay không. Thậm chí, gặp trường hợp lỡ hai nàng đẻ cùng vào một chỗ thì cả hai nàng nhất định sẽ nằm ấp cùng một ổ. Nếu ổ quá chật thì hai nàng sẽ nằm... chồng lên nhau mà ấp chứ không chịu nhường nhau. Đời sống con người càng văn minh, tiến bộ cũng khiến nếp sống dòng họ gà bị biến đổi theo. Khoảng không gian càng thu hẹp lại, thậm chí các loại gà công nghiệp bị bó chân bó cẳng trong những ngăn chuồng chật cứng, chỉ ăn xong ngủ, ngủ rồi lại ăn để sản xuất trứng hay cung cấp thịt theo đúng "chỉ tiêu". Trứng gà được ấp trong lò nhân tạo rất tiện lợi, khiến các nàng gà công nghiệp mất luôn bản năng ấp trứng. Riêng với dân lênh đênh trên sông nước, lấy thuyền làm nhà lại nảy sinh ra loại gà ống tre rất độc đáo.

"Vắng chủ nhà gà vọc niêu tôm". Nhà họ gà thuộc loại dễ tính nên ăn cả chay lẫn mặn, từ nhiều loại thực phẩm tươi sống như côn trùng, giun, sên, ốc, gián, dế, cào cào, châu chấu, nhện, mối, đầu tôm, đầu cá,... đến hầu hết loại rau, trái, hạt, ngũ cốc thậm chí ngay cả đến những hạt sạn vụn, nhà họ gà cũng sạch sành sanh vét cho vừa bụng tham. Theo đúng phương châm, năng nhặt chặt bị, nhà họ gà ngoài các bữa ăn chính còn tha thẩn tìm ăn hạt rơi hạt vãi và kiếm thêm thực phẩm phụ trội, ăn dặm trong suốt thời gian rảnh rỗi. Nhưng cũng vì cái tật "ưa quáng gà" nên đôi lúc, gà ta nhanh nhẩu đoảng nuốt nhầm dây thun; nếu lỡ ăn nhiều đầy chặt diều, gà sẽ lử khử hết xí quách. Khi đó ngoài chuyện... "giải phẫu" lấy hết mớ dây thun đi lộn chỗ đó ra khỏi diều thì chỉ đành... hóa kiếp cho gà mà thôi.

Tuổi thọ của dòng họ gà rất khó xác định vì còn tùy thuộc nhiều yếu tố. Ngoài chuyện "cõng rắn cắn gà nhà", "quạ thấy gà thì đớp", "bìm bịp bắt gà con", nhà họ gà còn phải lo "kính nhi viễn chi" với các loài chồn hôi, cáo, cú, raccoon, ó, chuột túi (opossum), mèo rừng (bobcat),... Đó là chưa kể đến chuyện chủ xử gà tử, gà bất tử tất cũng... vào soong. "Chó liền da, gà liền xương". Do có bộ tiêu hóa tốt, lại ưa thích vận động, sống rất điều độ, thức từ khi mặt trời vừa mọc, lên chuồng khi trời chạng vạng tối (đó là chưa kể tới những lúc "ngủ gà ngủ gật" "ngủ gà ngủ vịt") nên nhà họ gà rất khỏe, ít khi bị bệnh lặt vặt. Thỉnh thoảng gặp khi trái gió trở trời, gà ủ rũ biếng ăn, chỉ cần uống vài lần nước tỏi thì đã khang phục. Thậm chí nhà gà còn có thể thọ đến hai mươi lăm tuổi nếu không bị chết yểu vì bệnh, vì móng vuốt của kẻ thù, hay chết đuối trong... nồi nước sôi. Nhưng nói chung, tuổi thọ trung bình của gà nuôi trong vườn vào khoảng ba hay bốn năm. Nếu là loại gà chuyên cung cấp thịt, vì được vỗ béo lại ít vận động nên tuổi thọ sẽ ngắn hơn.

Nhà họ gà cứ nhởn nhơ sống trừ khi bị "mắc toi" hay "mắc dịch", nhất là khi bị "cúm". Đây là một bệnh truyền nhiễm gây ra bởi vi khuẩn RNA loại A thuộc ho. Orthomyxoviridae, có mức độ lây lan rất nhanh, tỉ lệ tử vong cao. Loại vi khuẩn này rất nguy hiểm, vì có thể tồn tại ở nhiệt độ thường từ hai đến sáu tháng, có thể lan truyền qua tiếp xúc với gia cầm và thậm chí với nhiều vật dụng khác như xe chuyên chở, chuồng nuôi, thùng đựng trứng, đựng gà, ... Vi khuẩn loại A này lại chia ra làm nhiều tiểu loại (subtype) tùy theo tính kháng nguyên. Cho đến nay, người ta đã tìm được mười lăm kháng nguyên tiểu loại H (hemagglutinin) được đánh số từ H1 đến H15 và chín kháng nguyên tiểu loại N (neuraminidase) được đánh số từ N1 đến N9. Ngoài ra, sự kết hợp giữa hai loại kháng nguyên H và N còn tạo ra hàng trăm loại vi khuẩn khác nhau, chẳng hạn như vi khuẩn H1N1, H3N2, H5N1,... Trong đó, vi khuẩn H5N1 có thể gây bệnh cho người, đã tạo ra căn bệnh đáng sợ còn nguy hiểm hơn cả bệnh SARS nữa. Có thể nói bệnh "cúm gà" là một đại nạn cho cả gà lẫn người. "Tội vịt chưa qua, tội gà đã đến", vi khuẩn H5N1 này được phát hiện lần đầu vào năm 1997 làm dòng họ gà tại Hương Cảng bị hao hụt mất khoảng một triệu rưởi "kê mạng". Sau đó, khi dịch cúm gà bộc phát tại Hòa Lan khiến hơn ba mươi triệu mạng gà bị chết và giết vào năm 2003. Gần đây nhất, dịch cúm gà đang hoành hành tại các nước vùng Đông Nam Á kể ca? Việt Nam, đành phải "đại khai sát... kê" để ngăn chặn việc lây lan bệnh cúm. Ho hen, cảm cúm thường đi chung với nhau, nhưng riêng bệnh ho gà cũng như bệnh chickenpox tuy cùng có chữ "gà" và "chicken" nhưng hoàn toàn không dính dáng gì đến nhà họ gà hết. Cũng như gà đồng thường dùng để gọi họ nhà ếch, vốn chẳng có dính dáng gì đến giòng họ nhà gà cả. Xin đừng lầm lẫn kẻo oan ức cho nhà gà lắm lắm.

"Chó giữ nhà, gà gáy trống canh". Từ thời thượng cổ, gà trống do thói quen ưa gáy vào giờ cố định lúc sáng sớm nên đã là đồng hồ báo giờ hữu ích. Tuy vậy, đôi lúc lỡ gặp cảnh "gà gáy dở", chàng ta hứng chí gáy vào một giờ bất thường sẽ khiến kẻ mê tín lo ngay ngáy vì cho là điềm xấu. Có thể nói, xã hội loài gà rất trọng nam khinh nữ. Đặc quyền gáy và uýnh lộn đương nhiên chỉ ưu tiên dành cho các chàng gà. Nếu có nàng gà nào muốn bình quyền, cất giọng gáy thì bị cho là điềm xấu vì "gà mái gáy". Còn nếu hiền thê gà phản công lại đấng phu quân ắt bị chụp mũ "nữ kê tác quái, gà mái đá gà cồ". Và thường số mệnh những kê hiệp nữ sẽ được kết thúc trong nồi nước ngay lập tức. Dòng họ gà chủ trương sống theo chủ nghĩa đa thê, càng đông con càng tốt. Mỗi gia đình gà thường gồm một gà bố, mươi hay mười lăm gà mẹ cùng một đám lít nha lít nhít gà con. Trong gia đình, gà bố oai quyền lẫm liệt, ngoài việc gáy và... uýnh lộn với chàng gà hàng xóm ra thì chẳng làm gì cả ngoài việc cặp kè với bầy thê thiếp. Còn tất cả những nhiệm vụ chăm sóc, nuôi nấng, bảo vệ đàn con dại đều do gà mẹ đảm đương. Bởi vậy chuyện "gà trống nuôi con" rất hiếm hoi, tựa như trúng số độc đắc cá cặp. Khi trái tim gà bố quá thiên lệch, chỉ ban ơn mưa móc cho riêng một ái thê nào, chủ nhân liền chia loan rẽ thúy đôi uyên ương gà ngay lập tức, cho tới khi gà bố chịu ngoan ngoãn cải tà quy chánh.

"Phượng hoàng đậu chốn cheo leo, sa cơ thất thế phải theo đàn gà". Phượng hoàng vốn được tôn là vua của loài chim, luôn tự hào cao quý, nhưng vẫn chưa được ví với người quân tử. Trong khi đó, các chàng gà lè phè lại nghiễm nhiên được coi như gồm đủ cả năm đức tính Văn, Vũ, Dũng, Nhân, Tín của người quân tử. Theo lời tán dương của ngài Tả quân Lê Văn Duyệt cùng vua Gia Long thì phe mày râu họ gà đầu có mào như đội mũ quan, đó là Văn. Chân có cựa lớn, ấy là Vũ. Thấy kẻ địch thì xông vào ngay, chính là Dũng. Ăn cái gì cũng gọi đồng loại, tức là Nhân. Mỗi sáng đều gáy đúng giờ, nghĩa là Tín. Nói nào ngay, các chàng gà được gán cho nhiều đức tính quý như vậy, chung quy cũng chỉ nhờ trời thương ban cho bộ mã bề ngoài. Chẳng hạn những chàng gà trống Andalusia rất bảnh chọe với vóc dáng cao ráo, mỏ vàng, mào và diều đỏ, hai bên má điểm trắng, bụng, lưng và đuôi phủ lông đen nhánh. Còn các chàng gà Tồ diêm dúa hơn, ngoài mào và diểu đỏ, mỏ và chân vàng, còn toàn thân phủ lông vàng, cộng thêm những sợi lông thuộc "tone" mầu nóng từ vàng cam đến đỏ thẫm, điểm loáng thoáng những sợi lông óng ánh từ xanh thẫm đến đen; đuôi dài óng ả coi rất oai vũ.

Dù cứng đầu cứng cổ, ưa hăng tiết... vịt, nhưng nhà họ gà coi vậy cũng rất ư là "chicken", nhất là không "yêu nước" tí ti nào cả. Gà ta vốn quen "cậy gần chuồng", nếu lỡ rơi tòm xuống nước hay bị mắc mưa thì thật là đại nạn. Bởi vậy, nhà gà rất kỵ nước, mà kỵ nhất là nước sôi, chỉ ưa tắm khô hay tắm nắng mà thôi. Tuy ở dơ, nhưng nhờ gà ta chịu khó rỉa lông, rỉa cánh đều đặn mỗi ngày nên bộ mã bên ngoài khi nào coi cũng mượt mà óng ả. Gà trống thường to con, lông nhiều mầu sặc sỡ, có mào đỏ và đuôi dài. Ngoài ra còn có tiếng gáy lớn, rất hiếu động và hiếu thắng. Dễ lăn xả vào những cuộc thư hùng chung quy cũng chỉ vì "tức nhau tiếng gáy" hay là vì bị "mái sùy". Từ xưa đến nay, loài người vẫn mánh mung nhất trong những loài động vật, nên đã tận dụng tối đa chuyện "chó săn, gà chọi". Lợi dụng bản tính hiếu thắng của các chàng gà để tạo thành thú đá gà là một môn giải trí rất được ưa chuộng ở nhiều nước trên thế giới từ thời cổ xưa. Chẳng thế mà trong Hịch Tướng Sĩ, Hưng Đạo Vương đã phải cảnh tỉnh một số tướng sĩ đừng quá đam mê thú chọi gà rồi lãng quên hiểm họa ngoại xâm vì "cựa gà sắc không đâm nổi áo giặc". Vào dịp vui Xuân ơ? Việt Nam, người miền Bắc ưa chuộng việc so cựa giữa các đôi gà trống kiến với những bộ lông sặc sỡ nhiều mầu sắc. Còn người miền Nam, nhất là ơ? Sài Gòn cùng các tỉnh như Tiền Giang, Long An, Bến Tre, Đồng Tháp, Sóc Trăng, Cà Mau, Bạc Liêu, Cần Thơ, Trà Vinh đến Bình Dương, Bình Phước, Vũng Tàu, Bà Rịa thì lại thích xem gà tre chọi nhau. Riêng người miền Trung từ Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên, Huế, Đà Nẵng, Quy Nhơn, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa đến Bình Thuận lại mê giống gà cao giò. Hiện nay, việc đá gà đã bị cấm ở hầu hết mọi nước, ngoại trừ hai tiểu bang New Mexico và Louisiana của Mỹ và nhiều nước vùng Đông Nam Á.

Câu "gà nào hay bằng gà Cao Lãnh" vốn rất phổ biến trong giới ghiền luyện gà chọi tại Việt Nam. Nhưng hiện nay, ngoài vùng miệt vườn thuộc các xã Hòa An, Tân Thuận Tây (Cao Lãnh), những lò luyện gà còn lan rộng khắp nhiều tỉnh miền Nam, mà sôi nổi nhất tại miệt Gò Công (Tiền Giang), Đức Hòa (Long An), Hóc Môn - Bà Điểm (Sài Gòn), Ô Môn (Cần Thơ), Châu Đốc (An Giang),... Nghề luyện gà nòi cũng lắm công phu; phải kén chọn phối giống từ một số chàng "võ sĩ" gà đã giải nghệ với những nàng mái tơ cũng thuộc "con tông gà nòi", rồi từ trong bầy gà con lại tuyển ra dăm ba chàng đặc sắc nhất để chăm sóc và huấn luyện rất tỉ mỉ. Kể từ khi đó, nhóm tuyển thủ gà phải tuân thủ theo chương trình huấn luyện quy củ rất nghiêm ngặt, phải đoạn tuyệt với... nữ sắc. Mỗi ngày, ngoài việc xén tỉa lông theo đúng mode "kê võ sĩ", các chàng còn được xoa bóp, tẩm nghệ cùng những loại thuốc bí truyền, phun rượu toàn thân nhằm giúp thân mình săn chắc, da dầy, nhanh nhẹn có thể chống đỡ mọi "thế võ" của đối thủ. Việc ăn uống cũng phải điều độ và đầy đủ dinh dưỡng, bao gồm nhiều món thực phẩm tươi sống như lươn tươi cắt khúc, lòng đỏ trứng gà, thịt hoặc cá sống, chưa kể còn dặm thêm các thứ cà chua, đậu xanh, đậu nành. Lúa chẳng những phải phơi khô, rê sạch hơn tiêu chuẩn lúa xuất khẩu, mà còn phải ngâm nước, ủ ra mộng trước khi cho "võ sĩ" ăn. Nước cũng phải kén loại nước mưa tinh khiết, đựng trong lu có nắp đậy kín. Sau tuổi "thôi nôi", đám "võ sĩ" gà bắt đầu thi đấu thử theo đúng lịch trình, tùy theo từng thế đá, cú nạp, móc giò, né đòn, mổ, đâm để đánh giá năng lực, xếp cân hạng,... Các chàng cứ thế mà tập luyện ráo riết cho đến khi chính thức được lên "võ đài" so cựa tỉ thí.

Vào thời thượng cô? Hy Lạp, nhà họ gà không bị dùng làm phẩm vật cúng tế vì rất hiếm và được quý trọng. Nhờ bản tính dũng cảm, gà đã được xem như biểu tượng của ba vị thần Ares (Chiến Tranh), Heracles (Sức Mạnh) và Athena (Trí Tuệ). Thậm chí, người Hy Lạp thời đó còn tin rằng ngay đến cả sư tử cũng phải khiếp phục nhà họ gà. Người Ý lại dùng gà mái trong việc tiên tri tương tự như dùng quạ và cú. Khi cần tiên đoán điều gì, người ta mở lồng, cho gà ăn một loại bánh mềm; nếu gà cắm cúi mổ lấy mổ để thì là điềm tốt. Còn ngược lại, nếu gà nép vào lồng, kêu lên, đập cánh hay tìm cách thoát ra khỏi lồng thì là điềm xấu. Nói chung, từ ngàn xưa, gà tượng trưng cho đức tin và hy vọng nên thường dùng làm biểu tượng trong tôn giáo. Tương truyền, dân Gaulois (hay còn gọi là Gallus) được xem như thủy tổ dân Pháp ngày nay, nhưng gallus trong tiếng Latin còn có nghĩa là gà trống (coq, rooster). Phải chăng vì thế nên từ thời Phục Hưng vua nước Pháp thường thêu hình gà trên cờ quạt cùng nhiều vật dụng hàng ngày, về sau hình ảnh chú gà trống đã trở thành biểu tượng của nước Pháp. Ngày nay, ta vẫn còn thấy có dụng cụ đoán chiều gió hình chú gà trống trên một số nóc nhà. Ở phương Đông, hình tượng nhà họ gà thường được dùng để trừ ma quỷ vì người ta tin rằng khi gà cất tiếng gáy, mặt trời ló dạng khiến ma quỷ phải tan biến.

"Lũ trẻ con mải ngắm bức tranh gà, quên cả chị bên đường đang đứng đợi" (thơ Đoàn văn Cừ). Không chỉ ơ? Việt Nam mới chuộng những bức tranh gà, mà ngay từ thế kỷ thứ bảy trước Công Nguyên, người ta đã phát hiện những bức tranh gà ơ? Corinthian bên châu Âu. Sang đến giữa thế kỷ thứ năm trước Công Nguyên, thi sĩ Kratinos ca tụng các chàng gà là đồng hồ báo thức của dân Persia. Hình ảnh nhà họ gà còn được vẽ trên những lọ cô? Hy Lạp cũng như là đề tài sáng tác cho nhiều tác phẩm nghệ thuật độc đáo ở ca? Tây phương lẫn Đông phương. Chẳng hạn trong một số tác phẩm giả tưởng như: "Foghorn Leghorn the Rooster". "Le galline pensose of Luigi Malerba (Einaudi, 1980)", "Alecto and Galina in: Clemens Brentano, The Tale of Gockel, Hinkel, and Gackeleia (New York Random House 1961), (1838)", "The San Diego Chicken", "Chicken Boo", "Chicken Little", "The Subservient Chicken"... Mỗi năm cứ đến mùa lễ Phục Sinh, nhà họ gà lại "lên ngôi". Ta có thể bắt gặp hình ảnh nhà họ gà xuất hiện hầu như ở mọi nơi, từ tờ quảng cáo đến quầy bán hàng, từ những tấm thiệp, tranh ảnh cho đến các món quà xinh xinh. Có thể nói nhà họ gà đã từng bước từng bước thầm chen chân vào nhiều lĩnh vực khác nhau, từ tôn giáo đến các bộ môn nghệ thuật, kể cả nghệ thuật thứ bảy. Vào năm 2000, bộ phim hoạt hình Chicken Run rất được nhiều người ưa thích. Điệu vũ Chicken Dance cũng rất vui nhộn. Trong bô. Tam Quốc Chí, có đề cập đến việc gân gà... chết người. Truyện kể rằng Tào Tháo đem quân tấn công nhưng bi. Mã Siêu ngăn đánh, phải đồn trú tại Tà Cốc. Tào đang ở thế tiến thoái lưỡng nan vì chống không nổi, lui thì ngại bị chê cười, bỗng quân sĩ đem dâng tô cháo có gân gà, lại nhằm lúc Ha. Hầu Đôn đến xin mật hiệu, Tào bèn buột miệng bảo: "gân gà". Dương Tu nghe thế bèn truyền quân chuẩn bị rút binh. Đôn hỏi, Tu đáp: "gân gà ăn vô vị, bỏ lại uổng. Nay tới không thắng nổi, mà lui thì sợ người chê cười. Ở đây vô ích, thà rút còn hơn." Đôn nghe nói hợp lý bèn truyền lệnh cho quân dưới trướng thu xếp hành trang. Việc đến tai Tháo, Tháo khâm phục tài nhưng vốn đã ghét Dương Tu từ trước nên nhân cớ đó đã chém Dương Tu vì tội làm xao động lòng quân. Như thế, vô hình chung một mạng người đã chết cũng chỉ vì hai chữ "gân gà".

Ơ? Việt Nam, gà là loại gia cầm rất quen thuộc nên bóng dáng nhà họ gà thấp thoáng từ những tác phẩm nghệ thuật, câu chuyện cổ tích, ngụ ngôn đến vô vàn câu ca dao, tục ngữ, thậm chí trong cả thời trang cho đến lời nói hàng ngày. Từ kiểu tóc đuôi gà ngày xưa, rồi tới tóc mồng gà xịt xanh xịt đỏ của dân yé yé ngày nay. Từ những kinh nghiệm dân gian, như muốn ngon phải chọn "vịt già, gà to", "ếch tháng ba, gà tháng bảy", cũng như phải nhớ nằm lòng rằng "gà cựa dài thịt rắn, gà cựa ngắn thịt mềm", hay "gà đen chân trắng, mẹ mắng cũng mua, gà trắng chân chì, mua chi giống ấy"... cho đến các câu ví von, chẳng hạn như "viết như gà bới", "đỏ như mặt gà chọi", "đẻ như gà", "học như gà đá vách", "lính quýnh như gà mắc đẻ", "gà trống nuôi con", "mẹ gà con vịt", "đầu gà đít vịt", "ngun ngủn như gà cụt đuôi", "nữ kê tác quái" (henpecked), "chửi như mất gà", "nổi da gà", "mầu mỡ gà", "trai thấy gái lạ như quạ thấy gà con",... Thậm chí, trong cả những câu nói nặng nhẹ, nói cạnh nói khóe nhau; chẳng hạn như: làm việc hậu đậu thì bị mắng là "đồ quáng gà". Kẻ ưa khoe khoang hợm hĩnh thì bị trách là ưa... gáy. Người nhỏ con bị ví với gà tre, gà ri; còn to con mà khờ thì bị gán biệt danh gà tồ. Người nhát gan chắc chắn sẽ bị chế giễu là gà chết, gà rù hay gà nuốt dây thun. Làm bài giúp cho ai đó thì gọi là "gà bài". Khi hai chàng đánh nhau vì bị nàng nào khích tướng, người ta thường chọc là bị "mái sùy". Gà (chick, poulle) còn là tiếng lóng (slang word) để chỉ phái nữ còn trẻ. Gà nòi còn dùng để gọi người có tài năng hay thành tích nổi bật trong một lĩnh vực nào đó.

Từ ngàn xưa, gà vốn là loại thức ăn ngon và quý, thường dùng làm phẩm vật trong những buổi cúng tế, giỗ, Tết, tiệc tùng quan trọng hay trong các dịp tiếp đãi bạn bè, khách khứa. Vì thế mới có câu "khách đến nhà không gà cũng vịt", dù sao thì cũng ráng có "cơm gà cá gỏi" để thết đãi. Thuở trước còn có lệ "đem gà bái sư" hay "bẻ cổ gà để thề". Ngày nay, dù nghèo hay giàu, trên mâm cỗ cúng thường phải có một đĩa thịt gà luộc, kèm theo một quả trứng luộc bóc vỏ. Khi mở cửa mả cũng có chú gà con buộc bên cây mía. Có gia đình còn cúng một chú gà giò luộc trong mâm cỗ cúng ông Táo với ý mong được phù hộ cho con cháu trong gia đình được mạnh khỏe, nhanh nhẹn, nhiều sinh lực. "Đầu gà má lợn" chỉ phần đặc biệt dành riêng cho người có quyền chức trong làng xã. Phao câu, đầu cánh và chân gà là món khoái khẩu của một số người nên mới có câu "thứ nhất phao câu, thứ nhì đầu cánh". Cũng có khi, người ta còn dùng chân gà luộc để xem bói. Mỗi năm cứ đến dịp lễ Ta. Ơn hay lễ Giáng Sinh vô số gà Tây (Turkey) lại được hóa kiếp.

Nói chung, gà là loại thực phẩm rất dễ chế biến thành nhiều món ngon khác nhau. Ngoài các món fast food nổi tiếng quen thuộc như Chicken Nuggets, Chicken Finger, KFC, BBQ Chicken ra, gà còn có thể luộc, quay, nướng, hấp, hầm, rim, chưng, tiềm, chiên, xé phay, nấu nước lèo, bỏ lò vi ba (microwave), nấu cà ri,... Con gà được tận dụng từ đầu tới chân, từ trứng, thịt, da, mỡ, bộ lòng, tiết cho tới cả xương cũng không bỏ qua. Lông gà cũng đem kết lại làm chổi quét bụi, làm cầu để đá cho vui, hay làm các món trang trí đẹp mắt. Phân gà là loại phân bón rất tốt cho một số loại cây. Trứng được biến chế làm nhiều món ăn ngon, bổ dưỡng; đặc biệt món trứng gà lộn rất được nhiều người ưa chuộng.

Trong lịch sử dân tộc vẫn còn ghi rõ nhiều chiến tích trong những năm Dậu, mà đáng nhắc tới nhất là chiến thắng vẻ vang của vua Quang Trung đã đánh tan hai mươi vạn quân Thanh vào năm Ky? Dậu 1789. Nhắc đến năm Ất Dậu, ắt hẳn khó ai có thể quên được nạn đói khủng khiếp đã xảy ra ơ? Việt Nam vào tháng Ba năm Ất Dậu 1945 khiến hai triệu người chết đói.

Theo tử vi Đông phương, giờ Dậu bắt đầu từ 5 giờ đến 7 giờ tối. Người ta thường tin rằng tuổi Dậu kỵ với Tí, Ngọ, Mẹo và hợp với Sửu, Tỵ. Chuyện gà kỵ với chuột và mèo chẳng cần nhắc cũng biết ngay. Chuột vốn háu ăn, ưa đục khoét thực phẩm, có khi còn dám làm liều "ăn trộm" trứng, đụng chạm quyền lợi đương nhiên là gà không ưa rồi. Nhà họ mèo hay khinh khỉnh, đôi lúc ưa đùa dai rượt đuổi gà lớn, chụp bắt gà con, dĩ nhiên nhà họ gà càng ghét tợn. Trong khi đó nhà họ gà rất "friend" với nhà trâu. Có lẽ tại trâu vốn dễ tính, hiền lành, rộng rãi nên nhà gà thích kết bạn để... tha hồ nhặt hạt rơi hạt vãi trong chuồng trâu chăng? Chỉ riêng việc cho rằng gà hạp với rắn quả thật rất khó hiểu và khó tin vô cùng. Cũng như nhà họ ngựa vốn chẳng đụng chạm gì, lại bị gán cho xung khắc cùng nhà gà.

Gà tượng trưng cho chi Dậu, cứ mỗi mười hai năm lại đến một năm Dậu, sáu mươi năm thì tròn một vòng hoa giáp. Người tuổi Dậu thường sáng suốt, suy nghĩ sâu sắc, biết chăm sóc gia đình, giàu tình cảm, cẩn thận và chăm chỉ. Họ thường rất giỏi trong công việc, nhưng đôi khi họ quá đi sâu vào từng chi tiết, thích hợp với những công việc đòi hỏi sự kiên nhẫn, chịu khó. Một số người tuổi Dậu có tính hơi ưa thích hào nhoáng, thích làm công việc xã hội, đặc biệt trong những trường hợp long trọng họ thích gây sự chú ý của người khác. Tuy nhiên, người tuổi Dậu cần phải biết lo xa vì họ dễ giầu mà cũng rất dễ nghèo do bản tính ưa liều lĩnh, thích thay đổi. Có thể kể sơ một số "gà nòi" nổi tiếng như: nhà tạo mẫu thời trang Mary Quant, nhạc sĩ Eric Clapton, minh tinh Dolly Parton và Katharine Hepburn. Năm 2005 cũng lại là Ất Dậu. Can Ất thuộc Âm, hành Mộc, chi Dậu thuộc Âm, hành Kim, vượng vào tháng Bảy và Tám, đứng hàng thứ mười trong mười hai con giáp. Năm 2005 là một năm bận rộn với nhiều biến chuyển, đòi hỏi cần mẫn, siêng năng làm việc như gà bới đất tìm thức ăn.

Kể lể cà kê dê ngỗng nãy giờ cũng quá dông dài, nếu lỡ có "nhìn gà hóa quốc" viết sai điều chi cũng mong các bạn vui lòng xí xóa dùm, đừng nỡ trách là dân "gà mờ" mà cũng bày đặt "gáy" theo kiểu "gà đẻ gà cục tác", kẻo lại dông cả năm thì tội lắm lắm. Mến chúc các bạn một năm mới thuận lợi, may mắn, phát tài và dồi dào sức khỏe.






Tứ Diễm

Tài liệu tham khảo:
1. "Từ điển thành ngữ và tục ngữ Việt Nam" của giáo sư Nguyễn Lân, NXB Khoa Học Xã Hội, 1997
2. "Từ điển thành ngữ - tục ngữ Việt Nam" của Vũ Dung, Vũ Thúy Anh và Vũ Quang Hào, NXB Văn Hóa - Thông Tin, 2000.
3. "The American Heritage Dictionary", Third Edition, version 3.5, 1994.
4. "The Complete Book of Chinese Horoscopes", Element Books Limited, 1997
5. "Tam Quốc Chí" - La Quán Trung
6. "Enchanted Learning", 1996-2004
7. "Encyclopedia Online"

0 comments:

Post a Comment

 
;