TRÂU TA ĂN CỎ ĐỒNG TA...
Tứ Diễm
"Dí dầu, dí dẩu, dí dâu. Dí qua, dí lại, dí trâu vô chuồng". Kể cũng ngộ. Họ nhà trâu có gì đặc biệt mà bị dí qua dí lại như thế nhỉ?
Theo khoa học, Trâu là loài động vật có cặp sừng rỗng, nhai lại, máu nóng, lông và da bao phủ toàn thân, có vú, sinh con và nuôi con bằng sữa trâu tươi. Còn nếu muốn trả bài theo đúng sách vở, Trâu là gia súc có sừng, thuộc giới Animalia, ngành Chordata, lớp động vật có vú Mammalia, nhai lại Ruminantia, bộ guốc chẵn Artiodactyla, họ Bovidae, phân họ thuộc tộc bò Bovinae, chi sừng rỗng Bubalus, thuộc loài trâu Bubalus bubalis.
Theo gia phả, dòng họ nhà Trâu vốn có chung ông tổ từ loài trâu rừng (Bubalus bubalis) vẫn sống ung dung tự tại ở châu Phi, châu Á và các vùng có gió mùa thuộc đầm lầy Đông Nam Á ẩm thấp nhiệt đới từ vài chục vạn năm rồi. Chỉ vì bản chất hiền lành thật thà, cùng với sức khỏe "mạnh như trâu cui", nên họ nhà Trâu đã bị loài người dụ dỗ thuần hóa thành gia súc từ cuối thời đá mới. Tài liệu khảo cổ cho thấy họ nhà Trâu đã bị loài người ép vào cảnh "cổ cầy vai bừa", bị bóc lột sức lao động ít nhất cũng phải xấp xỉ sáu ngàn năm rồi. Nếu cứ "bắt quàng làm họ" với cả đám bà con xa lơ xa lắc cùng họ "guốc chẵn" thì đại gia tộc họ nhà Trâu sẽ rất đông đúc có tới gần 140 loài. Tính ra nhà Trâu có họ hàng dây mơ rễ má với bò, bò rừng, bò tót,... và thậm chí còn có họ hàng luôn với cừu, dê, linh dương, ... nữa chứ.
Nếu không "vơ đũa cả nắm", chỉ tính riêng họ nhà Trâu với nguồn gốc từ trâu rừng, có thể phân chia làm hai loại chính: Trâu Sông (River buffalo) và Trâu Đầm Lầy (Swap buffalo). Ngoài số trâu rừng vẫn còn sống hoang dã trong thiên nhiên, họ nhà Trâu nhà đã được thuần hóa thành trâu nhà và có mặt ở rất nhiều nước. Trâu nhà được nuôi dưỡng nhiều ở các nước phát triển về nghề nông, chẳng hạn như Pakistan, Ấn Độ, Bangladesh, Nepal, Bhutan, Thái Lan, Campuchia, Lào, Mã Lai, Indonesia, Philipine, Việt Nam và Trung Quốc.
"Nhứt nhựt tiểu thâu, con trâu bốn cẳng, cái đuôi ngủng ngoẳng là năm". Nhìn chung, nhà Trâu có bề ngoài không được hấp dẫn cho lắm. Điểm đập vào mắt thiên hạ là cái bu.ng... to như cái chum và cặp sừng lớn hình cong. Đã thế nhà Trâu lại còn bị mất điểm với thân mình ngắn nặng nề, đầu nhỏ, bốn chân và đuôi ngắn có túm lông đuôi cụt lủn. Trải qua quá trình chọn lọc lâu dài, họ nhà Trâu có ngoại hình và những đặc điểm khác nhau tùy theo "nghề chuyên môn". Hai nhóm Trâu châu Á và châu Phi tuy có ngoại hình tương tự về đường nét, với vóc dáng to chắc và lớp lông dầy. Nhưng nếu xét về mặt giải phẫu học, nhóm Trâu châu Á có mắt nhỏ hơn, hộp sọ rộng ngắn hơn, xương lá mía và xương vòm dính lại với nhau, hai lỗ mũi cách biệt bởi xương vòm. Còn nhóm Trâu châu Phi tuy xương lá mía và xương vòm cách biệt nhau, nhưng hai lỗ mũi không bị cách biệt bởi xương vòm.
"Tai lá mít, đít lồng bàn". Nhóm Trâu chuyên cung cấp sữa và thịt thuộc giống Trâu Sông (River buffalo carabao) có làn da lông đen và bóng, sừng ngắn cong xoắn, mặt dài, thân thon hơn, khung xương rộng, chân dài và mập, đuôi dài, bầu vú lớn thích hợp cho việc cung cấp sữa. Nhóm Trâu nầy thường được nuôi dưỡng tại các nước châu Á như Ấn Độ, Pakistan, ... với khoảng mười tám giống Trâu Sông, phân chia làm năm nhóm giống chính: Murrah, Gujarak, Uttar Pradesh, Trung Ấn và Nam Ấn.
"Giỏ nhà ai, quai nhà nấy". Nhóm Trâu chuyên nghề... đi cầy bừa thuộc giống Trâu Đầm Lầy (Swamp buffalo) vẫn giữ được những nét đặc trưng của ông tổ trâu rừng. Nhóm Trâu nầy có mầu lông xám đen hoặc hơi sậm mầu, sừng thon cong hình bán nguyệt, trán phẳng hẹp, mắt nhỏ hơi lồi, mồm rộng, thân ngắn, ngực rộng, bầu vú nhỏ, bụng bự, đuôi ngắn, mông và chân thấp thích hợp trong chuyện kéo cầy. Tuy không phân chia thành các nhóm giống riêng, nhưng tùy theo nơi cư trú mà Trâu ta được gọi tên theo địa phương, chẳng hạn như trâu Carabo ở Philipine, trâu Krbau ở Malaysia, trâu Ngố và trâu Gié ở Việt Nam, vv.. vv... Trâu Ngố da dầy và vóc dáng to thô hơn, xương to, bàn chân to, móng hở thường ở vùng núi phía Bắc. Trâu Gié da mỏng bóng, dáng gọn và thanh nhỏ hơn, lông đen mượt hơn, chân nhỏ và móng khít hơn, thường thấy ở vùng đồng bằng miền Nam.
"Đẹp giả không bằng... xấu thật". Nhìn chung, nhà Trâu có vẻ xuề xòa, giản dị và có nhan sắc thuộc loại "trời bắt xấu". Nhưng với bản tính hiền lành, không ưa suy bì tỵ nạnh, Trâu ta vẫn lạc quan yêu đời, vẫn chăm chỉ làm việc hùng hục như... trâu và ăn uống ào ào theo kiểu... "ngưu ẩm". Với bản tính hơi lo xa và cũng hơi ham ăn một tí, nên hễ có dịp là Trâu ta "ăn đi, ăn lại, ăn tái, ăn hồi", cứ nuốt lấy, nuốt để ăn ngấu ăn nghiến tất cả các loại ngũ cốc lẫn rơm cỏ, nhồi thật chặt bao tử, để dành đến khi rảnh rỗi mới đem ra... nhai la.i. Có lẽ Trời cũng thương, nên ban cho Trâu một bao tử thiệt bự có tới bốn ngăn lận, tha hồ mà "tích trữ đầu cơ" thức ăn. Như đa số các loài động vật khác, Trâu có bốn chân. Mỗi bàn chân có móng sừng cứng, chẻ làm hai, mầu đen bóng, rất thích hợp với nghề nghiệp... cầy bừa gia truyền. Nhìn kỹ thì Trâu thuộc loại "mày râu nhẵn nhụi" nên hơi kém vẻ oai phong. May nhờ có bộ sừng cong vút nhọn hoắt trên đầu kéo lại, nên cũng vớt vát lại được một chút. Đuôi Trâu ngắn và thẳng, chỉ có mỗi một túm lông nhỏ ở phần cuối để làm duyên hay phe phẩy đuổi ruồi muỗi. Đôi mắt Trâu hơi hí và lồi, lông nheo lại cụt lủn nên trong từ điển họ nhà Trâu không có từ ngữ "đá lông nheo". Trời lại nỡ lòng ban cho họ nhà Trâu sống mũi tẹt với hai lỗ mũi bự nhìn rất mất thẩm mỹ.
"Ai cười hở mười cái răng", nhưng nếu Trâu ta mà cười thì sẽ khoe hàm răng sún. "Thưa răng nói hớt, trớt môi nói thừa". Còn móm hàm trên như họ nhà Trâu thì khỏi cần nói, cứ ngậm miệng ăn... cỏ cho khoẻ thân. Nếu nhất quyết muốn "bới lông tìm vết", vạch miệng đếm răng sẽ thấy họ nhà Trâu có đến 32 cái răng, phân chia như sau. Hàm trên không có răng cửa, nhưng có đủ sáu răng hàm trước, sáu răng hàm sau. Hàm dưới ngoài mười hai răng hàm, còn có thêm tám cái răng cửa để làm duyên. Lúc mới lọt lòng, baby Nghé "hăng rết". Nhưng chỉ sau năm hay mười ngày tuổi, baby Nghé đã bắt đầu mọc răng sữa. Sau đó, những chiếc răng sữa sẽ rụng và được thay bằng những chiếc răng vĩnh viễn. Từ khi lên ba tuổi cho đến sáu tuổi, mỗi năm hai răng vĩnh viễn sẽ thay thế cho răng sữa bị ru.ng. Muốn biết tuổi họ nhà Trâu rất dễ, chỉ cần đếm số răng vĩnh viễn là biết ngay. Trâu ta có muốn nói dối tuổi cũng không đươ.c. Thiệt thòi quá, phải không? Vốn không "hảo ngọt" và chỉ ăn chay trường, họ nhà Trâu không cần phải đi clean răng, chẳng cần gặp nha sĩ nhưng không hề bị sâu răng, nhức răng bao giờ. Những chiếc răng vĩnh viễn chỉ mòn dần theo thời gian. Vì thế từ sau sáu tuổi, muốn biết tuổi, chỉ cần nhìn độ mòn của răng là biết ngay. Kích thước răng Trâu hơi quá khổ, có lẽ vì phải... nhai bù cho mấy chiếc răng bị thiếu chăng? Chẳng hiểu "nụ cười" của nhà Trâu đẹp xấu ra sao, nhưng chỉ thấy quảng cáo "con bò cười" mà thôi. Phải chăng vì Trâu ta vẫn nhớ nằm lòng câu "đẹp khoe, xấu che", nên đã không dám cười nữa kể từ sau trận cười lăn lộn thuở xưa đến nỗi sún hết răng cửa hàm trên vì va vào đá?
"Ai làm mình chịu lấy oan, cắn răng bóp bụng kêu than với trời". Họ nhà Trâu vốn chỉ ăn chay trường nhưng chẳng hiểu tại sao bị mang tiếng ác qua thành ngữ "đầu trâu, mặt ngựa" và "lòng trâu dạ chó" nhỉ? Thật oan ức cho họ nhà Trâu ta quá à. "Ăn một lại muốn ăn hai". Với tâm hồn mê ăn uống nên vòng số hai của nhà Trâu chênh lệch khá nhiều với hai vòng còn la.i. Nhưng vốn vô tâm lại xuề xoà, không lo chưng diện bề ngoài nên Trâu không hề biết "thắt lưng buộc bụng", chẳng cần "diet" bao giờ cả, cứ việc "ăn bất thùng chi thình" nhồi nhét tối đa cho chặt bu.ng.
"Trâu ta ăn cỏ đồng ta, tuy rằng cỏ cụt nhưng mà cỏ thơm". Cỏ thơm cỡ nào thì cũng vẫn chỉ là cỏ. Rất tiếc món khoái khẩu của họ nhà Trâu không phải cỏ, mà là mạ non và các loại ngũ cốc. Nhưng thóc lúa làm ra loài người lấy hết, chỉ chừa lại "rơm khô, cỏ rác" cho nhà Trâu. Mới thoạt nghe qua, nào là "trâu ra ngoài ruộng cấy cày với ta". Rồi còn "ta đây, trâu đó, ai mà quản công" có vẻ công bằng, chí lý vô cùng. Thế nên Trâu ta lại nai lưng ra, kéo cầy tiếp tục với niềm hy vọng vào tương lai tươi sáng "bao giờ cây lúa trổ bông, thì còn ngọn cỏ ngoài đồng trâu ăn". Nhưng giá Trâu chịu khó nghiền ngẫm "nhai lại" câu trên dăm ba lần, chắc hẳn nhất định "quit job" ngay lập tức liền. Vì vốn dĩ "Trời sinh... Trâu, sinh cỏ", Trâu ta đâu cần phải đem thân làm kiếp "trâu cầy" để nhận lãnh những ngọn cỏ FREE trời cho chứ. Mà biết đâu, không cầy, không bừa thì cỏ lại mọc nhiều hơn, mơn mỡn gấp bội phần hơn nữa. Quả thật là bất công vô cùng, phải thế không ? Lúa gặt xong, trâu gò lưng chở về rồi phải ra sức kéo, đạp tạo ra hạt thóc. Được bao nhiêu thóc thì người hưởng cả. Phần Trâu chỉ được nhai vài hạt lúa... lép hiếm hoi còn sót lại nơi cọng rơm lạt lẽo. Thỉnh thoảng, chủ tội nghiệp tặng chút "bonus" để khuyến khích tinh thần. Thế là nhờ "trâu bò được ngày phá đỗ" mà Trâu nhà ta lại hăng sức để cầy bừa hùng hục tiếp tục từ sáng tới tối. Chẳng còn cái dại nào hơn nữa, Trâu ơi.
"Trâu chết để da". Da trâu màu đen mốc, lại hơi dầy thường dùng để căng mặt trống. Hiếm khi dùng da trâu để chế biến thành các loại cặp, ví, giày. Tuy dầy nhưng da trâu khô có thể dùng để nấu canh. Nếu khéo chế biến và nêm nếm cùng các loại gia vị thích hợp, món canh da trâu khô sẽ rất ngon và có hương vị độc đáo khó quên. Bong bóng trâu sau khi tẩy rượu sạch cho hết mùi, thường được các lái buôn dùng làm bình chứa nước hay đựng rươ.u. Bong bóng trâu cũng là niềm mơ ước của trẻ con nhà quê, nếu may mắn xin được bong bóng trâu đem thổi phồng căng làm trái banh để đá thì chẳng còn niềm vui nào hơn. Đó cũng là niềm hãnh diện với bạn bè cùng trang lứa, vì rất hiếm hoi mới có dịp ngả thịt một con trâu mà cả con trâu chỉ có mỗi một cái bong bóng. Đứa trẻ đó phải rất được cưng chiều thì mới lấy được cái bong bóng trâu làm của riêng. Sừng trâu có thể đem biến chế thành nhiều món hữu ích, chẳng hạn như làm cán dao, cán mác, tù và, làm lược chải tóc, làm các con cờ trong bàn cờ tướng cũng như những món trang trí. Điểm thú vị là sừng trâu còn có thể biến chế làm một trong những vị thuốc. Xương trâu có thể hầm lấy nước ngọt, biến chế các món trong việc ẩm thư.c. Xương trâu còn được dùng làm thành các món trang trí hay trang sức, hay có thể đem xay nhuyễn làm phân bón. Lông đuôi trâu dùng làm bàn chải, cọ quét sơn. Ngay cả phân trâu cũng không bị bỏ phí. Ngoài việc đem ủ làm phân bón, phân trâu hòa với nước tạo thành hỗn hợp chống nước rất tốt. Có thể dùng để trét các khe hở trong thùng gỗ dùng nuôi ong, trét lên các phên tre làm vách nhà, giả ván ép. Phân trâu phơi khô có thể đốt nóng để hun muỗi, sưởi ấm hay nấu nướng. Nếu nấu phân trâu khô với nhựa đường sẽ có một loại sơn chống nước rất tốt, thường dùng để sơn lên thuyền nan đan bằng tre.
Sữa Trâu màu trắng đục, tuy cũng bổ dưỡng không thua sữa bò, nhưng vì mùi hơi tanh nên không được nhiều người ưa thích. Chỉ riêng ở Ấn Độ, sữa và thịt trâu lại rất được ưa chuô.ng. Theo tài liệu, thịt trâu giầu chất đạm lại ít chất béo nên rất tốt, nhất là với những người bị huyết áp cao, cholesterol cao hay những ai muốn giữ eo. Thịt trâu mầu hơi tái, nhìn kém hấp dẫn và không thơm bằng thịt bò nhưng nếu nấu nướng đúng cách sẽ rất ngon. "Trâu teo, heo nở". Thịt trâu khi nấu chín rất ngót. Chả thế mà các cụ đã phải nhắc khéo các chàng rể rằng "Làm rể chớ nấu thịt trâu, làm dâu chớ đồ xôi lại", kẻo có ngày lại bị gán cho cái tiếng... ăn vụng thì phiền. Thịt trâu ngoài việc đem thui, hầm hay kho gừng, còn có thể biến chế thành nhiều món lẩu, luộc, xào, hấp, nướng, nấu cà ri, nấu sốt vang hay làm món thịt trâu gác bếp rất hấp dẫn. Thịt trâu còn được biến chế qua nhiều công đọan rất mất công và thời gian để tạo món thịt trâu khô, thường gọi tắt là khô trâu.Thi.t trâu khô có thể nướng thơm, đập và xé nhỏ để nhậu hay ăn chơi. Nếu đem xào với măng tươi và ớt khô cũng rất ngon. Đó là chưa kể đến những món ăn độc đáo của đồng bào thiểu số, chẳng hạn như món thắng cố, lạp, nặm pịa hay món canh bon da trâu, cà đắng nấu da trâu. Hiện nay ở Việt Nam thịt trâu đang trở thành món ăn "thời thượng", được ưa chuộng trong các quán nhâ.u. Số lượng trâu bị giết mỗi ngày nhiều hơn số sinh ra. Thịt trâu trở nên khan hiếm, khiến một số quán nhậu đặc sản Trâu phải gian lận bằng cách "treo đầu trâu, bán thịt bò".
"Hổ phụ sinh hổ tử", Trâu mẹ sinh... Trâu con sau gần khoảng mười tháng rưỡi mang thai. Thường mỗi lần các bà bầu họ nhà Trâu chỉ sinh một Trâu sơ sinh, rất hiếm khi sinh đôi. Từ khi cất tiếng... rống chào đời, các bé Trâu thường được gọi là Nghé. Sau vài tiếng, Nghé ngọ đã biết bú sữa mẹ. Sau bốn tuần tuổi, trẻ con nhà Trâu đã tập tành ăn dặm thêm cỏ và các loại ngũ cốc có tinh bô.t. Khỏang bốn hay năm tháng tuổi, các bé Nghé ngọ bắt đầu cai sữa, chuẩn bị bước vào lứa tuổi choai choai. Mãi đến sau tuổi... dậy thì, bể tiếng mọc ...sừng, Nghé ta mới được chính thức xếp vào sổ... lao động của loài Trâu, hay còn được gọi một cách văn vẻ là Sửu hay Thủy Ngưu (Ngầu), hay Water Buffalo. Và từ ấy, Trâu ta bắt đầu "vác cái ách giữa đàng đeo vào cổ", chịu số kiếp kéo cầy trả ơn cho chủ. "Ngưu tầm ngưu, mã tầm mã". Các chàng nàng Trâu tơ gần ba năm tuổi xuân đã bắt đầu biết mong ngóng, hẹn hò, cặp kè và kết đôi để "lên chức" làm những ông bố bà mẹ Trâu, duy trì nòi giống theo lẽ tự nhiên. Họ nhà Trâu vốn rất khoẻ, ít bị bệnh lặt vă.t. Nhưng Trâu ta cũng có thể bị "knock-out" vì các bệnh dịch tả, long mồm lở móng, tụ huyết trùng; hay cũng có thể bị chết rét nếu nhiệt độ xuống quá thấp. Nếu không bị chủ hóa kiếp cho đi đầu thai sớm, Trâu ta có thể sống khoảng 20 năm. Trong khi nhóm Trâu homeless sống hoang dã trong thiên nhiên lại thọ hơn, có thể sống đến 25 tuổi hay thậm chí còn lâu hơn nữa.
"Xấu thì bác mẹ sinh ra, xấu an phận xấu, xấu hòa đổ ai". Có lẽ trí tuệ và nhan sắc thường ít đi đôi với nhau thì phải. Họ nhà Trâu tuy có kém vẻ mỹ miều nhưng lại thông minh hơn họ nhà Bò khá nhiều. Chả thế mà chỉ có câu "ngu như bò", hay thậm chí "ngu như chó", chứ chưa ai lại quở là "ngu như trâu" cả. "Trâu dong, bò dắt". Họ nhà Trâu còn có tài nhớ đường về nên các cụ thường khuyên rằng "lạc làng nắm đuôi chó, lạc ngõ nắm đuôi trâu". Cũng may là nhà Trâu không chuộng môn võ... đá giò lái như loài ngựa nên ta cứ thong dong mà "nắm đuôi trâu", khỏi mắt trước mắt sau lo canh chừng "hàm chó, vó ngựa". Cũng vì quan niệm rằng "yếu trâu còn hơn khoẻ bò" hay "trâu ho bằng bò rống" nên Trâu ta thường bị chủ "đặt con trâu trước cái cày" để rồi: "Trên đồng cạn, dưới đồng sâu. Chồng cầy, vợ cấy, con trâu đi bừa..."
"Khôn ra miệng, dại ra tay". Khù khờ như nhà Trâu thì phải ra sức. Từ khi lỡ khờ dại, nghe lời ngon tiếng ngọt của người, họ nhà Trâu với sức "khoẻ như trâu", đã lâm vào số phận "trâu cầy, ngựa cưỡi" cứ phải ráng nai lưng trâu ra kéo cầy từ sớm tinh mơ đến sụp tối. Nhưng như đã nhắc ở trên, Trâu không có "ngu như bò". Đôi lúc, Trâu ta cũng biết áp dụng chiêu "thính tai họ, điếc tai cầy" để... trốn viê.c. Đến lúc ấy, các vị chủ nhân chỉ còn cách xuống nước, nhỏ nhẹ dỗ dành: "cấy cầy vốn nghiệp nông gia, ta đây, trâu đấy, ai mà quản công". Vốn hiền lành, cả tin nên Trâu ta lại ngoan ngoãn vâng lời chủ để tiếp tục cầy tiếp. Thế là cái cảnh: "bước chân xuống cánh đồng sâu, mắt nhắm, mắt mở đuổi Trâu ra cầy" và "ruộng đầm, nước cả, bùn sâu, suốt ngày cùng với con Trâu cầy bừa" lại tiếp diễn đều đều mỗi ngày. Cứ như vậy, số phận con trâu gắn liền với cái cầy. Vào ngày mùa, sau một ngày vất vả chở lúa ngoài đồng về, Trâu còn phải làm thêm "part time job": đạp lúa đến tận khuya. Theo nhịp độ làm việc siêng năng cần mẫn của chủ, Trâu ta cũng cặm cụi ra sức mà làm. Đến khi già yếu, mắt mờ, chân chậm, chưa động sức đã "thở hồng hộc như... trâu" thì lại bị đem ra ngả thi.t. Từ sừng, lông, da, đến toàn bộ thịt, xương, bộ đồ lòng cũng bị tận dụng kỹ càng không bỏ phí một phần gì. Có thể nói từ lúc còn sống cho đến khi đã chết, họ nhà Trâu luôn mang lợi ích lại cho chủ. Cũng vì thế nên người ta mới quan niệm rằng "con trâu là đầu cơ nghiệp".
Có Trâu sẵn tằm, tơ, lúa má
Không Trâu, không hoa, quả, đậu, mè
Lúa gặt, cắt lên đã có Trâu xe,
Lúa chất trữ lại để dành Trâu đạp...
...
Cong lưng chịu việc nặng nề,
Cay đắng những lời dức lác!
Ăn thì những rơm khô, cỏ rác,
Ở quản chi ràn lấm, tráp nè.
Trâu dựng nên nông nọ, nỗi kia;
Trâu làm đặng căn trên, bồ dưới.
(trích Lục Súc Tranh Công)
"Làm ruộng không trâu, làm giầu không thóc". Ngày xưa, dân ta đa số sống bằng nghề nông nên luôn tin tưởng không có chi bằng "ruộng sâu, trâu nái". Cho nên, khi có chút tiền bạc dư dả thì lại rủ rê nhau: "tháng Tư đi tậu trâu, bò. Để ta sắp sửa làm mùa tháng Năm". "Mua trâu, cưới vợ, làm nhà. Cả ba việc ấy đều là khó thay". Hôn nhân đại sự vốn rất quan trọng trong đời người. Nhưng mua trâu lại xếp đứng đầu trước cả việc cưới vợ, nên càng khó hơn nữa. Ôi thôi, biết cơ man nào mà kể cho xiết các điều cần biết, cần nhớ khi đi tìm mua trâu.
Trong kho tàng ca dao, tục ngữ cũng có vô số kinh nghiệm còn được truyền lại đến ngày nay. "Lúa Đồng Ngâu, trâu Yên Mỹ", "gà làng Trò, trâu bò làng Hệ", "lang đuôi thì bán, lang trán thì cầy", "lọ đầu thì bán, lọ trán thì nuôi, lọ đuôi thì thịt", "tam tinh khoáy sọ thì chừa, đốm đuôi nát chủ thì đưa vào nồi", "sà sừng mắt lại nhỏ con, vụng giàn chậm chạp ai còn nuôi chi" là kinh nghiệm chung chỉ cách chọn trâu. "Trâu ác là trâu vạc sừng", "trâu hoa tai, bò gai sừng", "trâu nghiến hàm, bò bạch thiệt", "vểnh sừng, tóc chớp cả nhà mang tai", "khoáy sừng, khoáy sọ, khoáy tai, tam tinh chằng ách làm tai chúa nhà", "lại thêm tiền thấp hậu cao" "đuôi chùng quá gối thì nào được đâu" là những điểm phá tướng của họ nhà Trâu, không nên mua để khỏi hao tiền tốn công mà còn gặp chuyện bất lơ.i.
Nếu "muốn giầu nuôi trâu cái", cần có các ưu điểm chẳng hạn như "trâu cổ cò, bò cổ vại", "vai nồi đồng, mông cối lỗ", "tai lá mít, đít lồng bàn". Nếu tìm gặp những nàng Trâu có ức rộng, lồng ngực sâu, bầu nhũ hoa phát triển, da mỏng mềm mại, lông thưa, đuôi cân xứng thì nên mua ngay, vì đó là các đặc điểm nổi bật của giống trâu tốt có năng suất sữa cao. Còn tiêu chuẩn các chàng Trâu cần có cũng nhiều không kém. Nào là "mắt bánh rán, trán bánh chưng, lưng tôm càng", "sừng cánh cắt, mắt ông voi", "thưa lông, mọng da, mõm giỏ", "chùng đùi, thắt quản, ngắn đuôi, sừng to móng hến", "trâu tóc chóp, bò mũ mấn", "vành mồm trắng, mắt tai to, hễ thưa lông bụng, móng hai cũng mua". Nhất là nếu có thêm ưu điểm "cao đầu thấp hậu, thì tậu liền tay" vì "cao vây, nhỏ sống thì rộng đường cầy" sẽ giúp gặt hái mùa màng năng suất cao.
"Tháng Hai đi tậu trâu bò, cầy đất cho ải mạ mùa ta gieo". Ngỡ đó chỉ là chuyện ngày xửa ngày xưa của một thời xa lắm. Thế nhưng tưởng vậy mà không phải vâ.y. Ngày nay, khi giá xăng dầu tăng cao phát chóng mặt, nông dân ở một số nước nông nghiệp như Việt Nam, Thái Lan, Ấn Độ lại có khuynh hướng muốn trở về cảnh "con trâu đi trước, cái cầy theo sau". Nhất là ở những nơi thường xẩy ra tệ nạn "trâu đen ăn cỏ, trâu đỏ ăn gà", ám chỉ cái thói bắt chẹt của đám cán bộ lái máy cầy (trâu đỏ) ỷ thế hà hiếp người dân, đòi hỏi phải được thết đãi rượu gà. Ngoài việc đãi ăn còn phải tặng thêm tiền thưởng thì bọn chúng mới chịu dùng máy cầy cầy ruộng cho bà con nông dân nghèo. Ở những vùng nông thôn hẻo lánh, đường xá còn thô sơ, xe cộ trâu là phương tiện vận chuyển giúp chuyên chở lúa gạo, phân bón, vật liệu xây dựng rất tiện du.ng. Việc điều khiển cũng dễ dàng mà lại không bị lệ thuộc vào giá xăng dầu.
"Trâu ơi, ta bảo trâu này, Trâu ăn cho béo, trâu cầy với ta..." Có lẽ chưa có con vật nào lại được người nông dân trìu mến như thế, ngay cả loài chó vốn được yêu quý vì đức tính trung thành. Vô hình chung, Trâu đã trở thành một người bạn thân thiết của nông dân Việt Nam, chia sớt những nỗi nhọc nhằn sớm hôm. Cũng vì thế mà Trâu đã được xếp hàng đầu trong truyện Lục Súc Tranh Công (6 loài vật nuôi trong nhà): Trâu, Chó, Dê, Ngựa, Lợn, Gà. Họ nhà Trâu còn được nhắc đến trong truyện Con Trâu của Trần Tiêu, Con Trâu Xanh của Hoa Ngõ Hạnh, Con Trâu Xóm Bưng của Trần Văn Thịnh, Con Trâu của Nguyễn Văn Bổng, truyện Thằng Bờm, truyện Ngưu Lang Chức Nữ cũng như trong nhiều câu chuyện cổ tích, ngụ ngôn khác. Trong sách Lĩnh Nam Chích Quái có ghi chép lại truyền thuyết về con Trâu Vàng của đức Nguyễn Minh Không. Trong truyện Phong Thần, tướng Hoàng Phi Hổ cưỡi trâu khi lâm trận, chồng của Thiết Phiến Công Chúa là Ngưu Ma Vương vốn cốt Trâu, tu luyện lâu năm. Trong truyện Trạng Quỳnh, Trạng đã dùng mẹo khiến chàng trâu Trung Quốc khổng lồ phải cuống cuồng bỏ chạy khi bị chú nghé Việt nhỏ bé rượt theo đòi... bú. Trong Tam Quốc Chí, có nhắc đến những cỗ xe gỗ khổng lồ do quân sư Khổng Minh Gia Cát Lượng chế tạo theo hình trâu, ngựa để vận chuyển lương thực nơi vùng núi hiểm trở. Trong Đông Châu Liệt Quốc cũng có bóng dáng họ nhà Trâu. Từ chuyện vua Tề Tuyên Vương ban lệnh tha cho một chú trâu khỏi bị giết để làm lễ Hấn Chung, nghĩa là lấy máu trâu tô lên quả chuông mới đúc để tiếng chuông ngân vang xa. Cho đến chuyện tướng nước Tề là Điền Đan đã đuổi được quân Yên, chiếm lại được những thành trì đã mất nhờ dùng mẹo buộc cỏ khô tẩm dầu vào đuôi trâu, buộc gươm sắc vào sừng và mặc những bộ áo đỏ vẽ mầu sặc sỡ đã khiến đàn trâu bị nóng, lao vào quân địch, khiến quân Yên hoảng sợ rối loạn hàng ngũ, bỏ cha.y. Thời Tề Hoàn Công, Ninh Thích thuở hàn vi phải chăn trâu, chờ thời. Sau nhờ gõ sừng trâu, hát nghêu ngao tạo được sự chú ý của vua Tề nên mới được trọng dụng để trổ tài ba với đời. Vua Đinh Tiên Hoàng, khi còn là trẻ chăn trâu tên Đinh Bộ Lĩnh đã biết thống lĩnh các trẻ khác, dùng cờ lau tập trận; về sau ông đã dẹp được loạn thập nhị sứ quân để lập nên triều đại nhà Đinh. Họ nhà Trâu còn được nhắc đến trong nhiều bộ truyện và phim kiếm hiệp của nhà văn Kim Dung, trong phim Mùa Len Trâu (còn gọi The Buffalo Boy theo tiếng Anh, hay Gardien de buffles theo tiếng Pháp) viết dựa theo tác phẩm cùng tên trong tập truyện Hương Rừng Cà Mau của nhà văn Sơn Nam cũng như trong nhiều bộ phim khác xoay quanh chủ đề về thôn quê Việt Nam.
"Chăn trâu chẳng biết mặt trâu". Trong Phật giáo, hình ảnh con trâu và chuyện chăn trâu còn được đức Phật Tổ dùng như một biểu tượng để khuyên dậy các đệ tử biết cách kiểm soát nội tâm của họ, tương tự như khi chăn giữ một con trâu. Pháp Chăn Châu và tranh vẽ Thập Mục Ngưu Đồ được sáng tác cũng nhằm mục đích nầy, có thể chia làm hai loại chính. Nếu theo khuynh hướng Đại Thừa, tranh vẽ lại quá trình tu tập của hành giả, phải tự thắng bản năng của mình trước, đạt đến mức tự tri rồi mới chuyển qua giai đoạn tự ta.i. Còn nếu theo khuynh hướng Thiền Tông, tranh vẽ trình bầy ba giai đoạn bước tiến tâm linh: sai tâm bắt tâm, tâm vô tâm và tâm bình thường. Trong nền văn học Thiền Việt Nam, ngài Thượng Sỹ Tuệ Trung đã tiên phong làm kẻ chăn trâu cho chính bản thân ngài. Ngài đã biến biểu tượng con trâu nguyên thủy thành con trâu đất Việt Nam và miệt mài theo chăn giữ cho dù trâu đất ở bất cứ hình thức nào. Kể từ đó, hình ảnh con trâu đất và người chăn đã hòa thành mô.t.
"Trăm trâu trăm bó cỏ, trâu đứng ăn năm, trâu nằm ăn ba, nghé hoa ba con ăn một" là một bài toán đố với ba ẩn số, hai phương trình khá thú vị. Trâu còn được nhắc nhở nhiều qua rất nhiều bài hát đồng dao, câu vè nói ngược, điển tích, trong vô số câu thành ngữ, ca dao. Từ những câu ngụ ý khuyên răn hay an ủi, như "ai ơi! uống rượu thì say, bỏ ruộng trâu cầy, bỏ giống ai gieo", "thân trâu trâu lo thân bò bò liệu", "thà chết vũng trâu hơn chết khu đĩa đèn", "trâu khoẻ chẳng lo cầy trưa, mạ già ruộng ngấu không thua bạn điền", "con tằm nó ăn lá dâu, có khi ăn mất cả trâu lẫn bò", "trâu kia chết để bộ da, người chết để tiếng xấu xa muôn đời", "mua trâu xem vó, cưới vợ xem nòi", "trật con toán bán con trâu", "Nhất tự đáo công môn cửu ngưu nan thục xuất", "nhịn thuốc mua trâu nhịn trầu mua ruộng", "hút sách là chuyện chẳng lành trâu bò vườn ruộng hóa thành khói mây", "trâu dê lúc chết tế ruồi, sao bằng lúc sống ngọt bùi là hơn", "mất trâu thì lại tậu trâu, những quân cướp nợ chẳng giầu hơn ai", "trâu tìm cọc, cọc chẳng tìm trâu", "trâu kia kén cỏ bờ ao, anh kia không vợ đời nào có con", vv.. vv...
Đến những câu có ý châm biếm, chế giễu; thí dụ như: "trâu lấm vấy quanh", "trâu buộc ghét trâu ăn", "dắt trâu chui ống", "trâu chậm uống nước dơ, trâu ngơ ăn cỏ héo", "thật thà như thể lái trâu, thương nhau như thể nàng dâu mẹ chồng", "sông sâu không chết, chết vũng trâu đầm", "thui trâu nửa mùa hết rơm", "trâu lấm vẫy quàng", "tằm sao tằm chẳng ăn dâu, tằm đòi ăn ruộng, ăn trâu, ăn nhà", "tham bong bóng bỏ bọng trâu", "dùng dao mổ trâu cắt tiết gà", "mười năm cắp sách theo thầy, năm thứ mười một vác cầy theo trâu", "phản chủ đầu trâu, ăn cơm nhà Phật, đốt trâu nhà chùa", "mua trâu vẽ bóng", "mua trâu bán chả", "nước giữa dòng anh chê trong chê đục, vũng nước trâu đầm anh hì hục khen ngon", "mất trâu mất ruộng không màng, mất cây cuốc mục ra làng kiện thưa", "khấn trâu trả lễ bò", "bé ăn trộm gà, già ăn trộm trâu, lâu nữa làm giặc", "chị bị cứt trâu", "chị em dâu nấu đầu trâu thủng nồi", "chồng dữ thì em mới rầu, mẹ chồng mà dữ giết trâu ăn mừng", "mất chồng như nẫu mất trâu, chạy lên chạy xuống, cái đầu chơm bơm", vv.. vv... Và cả những câu chế giễu kẻ đa tình: "ba vợ bảy tám nàng hầu, đêm nằm chuồng trâu, gối đầu bằng chổi", "trâu anh con cỡi con dòng, lại thêm con nghé cực lòng thằng chăn", "một trâu anh sắm đôi cầy, một chàng đôi thiếp có ngày oan gia", "tính quen chừa chẳng được đâu, vạ làng, làng bắt mấy trâu mặc làng", "lòng anh muốn tậu nghé hoa, anh về hạ thổ trâu già anh đi. Trâu già cắt sẹo bỏ vườn, nghé hoa vô giá liệu vời được chăng?", vv.. vv...
Hình ảnh họ nhà Trâu còn được dùng để ví von so sánh: "béo như trâu chương", "gái mười bảy bẻ găy sừng trâu", "hùng hục như trâu hút mả", "hùng hục như trâu lăn", "lấm như trâu đầm", "thở hơn trâu hạ địa", "mạnh như trâu cui", "thở như trâu bò mới vực", "voi địt hơn trâu rống", "yếu trâu còn hơn khoẻ bò", vv.. vv... Hay dùng để than thở: "chẳng qua số phận long đong, cột trâu, trâu đứt, cột tròng, tròng trôi", "công anh chăn nghé đã lâu, bây giờ nghé lớn thành trâu ai cầy", "hỡi cô cắt cỏ đồng màu, chăn trâu cho béo làm giàu cho cha, giàu thì chia bảy chia ba, phận em là gái được là bao nhiêủ", "vật ngon đâu đến thứ ta, toàn trâu hạ địa cùng gà chết toi", "làm cực như trâu", "làm kiếp trâu ăn cỏ làm kiếp chó ăn dơ", "làm kiếp trâu kéo cày trả nợ", "làm thân trâu ngựa", "thầy me em tham ruộng đầu cầu, tham nhà con một, tham trâu đầy chuồng", vv.. vv... hoặc dùng để tỏ tình, tả cảnh, thách cưới, vv.. vv...
"Ai bảo chăn trâu là khổ, chăn trâu sướng lắm chứ". Trâu gắn liền với nghề nông, với người nông dân, với thửa ruộng luống cày. Trâu còn gắn bó với các em bé chăn trâu. Hình ảnh các em bé mục đồng vừa chăn trâu vừa thổi sáo đã được gợi nguồn cảm hứng sáng tác của biết bao nhiêu họa sĩ, nhạc sĩ, thi sĩ. Chẳng hạn như ca khúc Em Bé Quê của Phạm Duy, Lý Con Trâu của Nhất Vũ, ca khúc Đường Cầy Đảm Đang của An Chung. Ngoài ra, còn biết cơ man nào mà kể cho xiết những tác phẩm xoay quanh đề tài "Ngư, Tiều, Canh, Mục". Chỉ tiếc rằng loài Trâu vốn thiếu cảm nhận về mặt nghệ thuật, cho nên chung quy cũng chỉ là "đàn gẩy tai trâu" mà thôi. Còn gì dễ thương hơn cảnh một chú bé ngồi vắt vẻo trên lưng trâu, dưới bóng tre ngà râm mát, thả hồn theo tiếng sáo du dương trầm bổng giữa buổi trưa Hè vắng lă.ng. Thật khác hẳn với sự ồn ào thô lỗ của các chàng chăn bò xứ Texas.
"Hơi đâu cãi vã mếch lòng, trâu ăn ngoài đồng no bụng trâu thôi". Bản tính vốn rất hiền lành, nhưng đôi lúc Trâu lại bị loài người lôi kéo vào các cuộc chiến. Ngày xưa, sau khi gặt hái xong, thường có tục lệ Chọi Trâu để giải trí nên người ta thường nhắc nhở nhau rằng: "dù ai buôn bán nơi đâu, mồng Mười, tháng Tám chọi trâu thì về, dù ai buôn bán trăm nghề, mồng Mười tháng Tám nhớ về chọi trâu". Tuy hiền nhưng khi đã bị chọc cho nóng máu lên, các chàng nhà Trâu cứ lao vào để đâm chém đối thủ theo kiểu "máu đâu, trâu đó". "Ai về Phong Lệ thì về, Phong Lệ có nghề bán hến chọi trâu". Không chỉ riêng Phong Lệ, ở Tuyên Quang và ngay cả tại Sài Gòn hiện nay cũng đã có các buổi chọi trâu được tổ chức ở quận 9. Những "đấu thủ" Trâu được tuyển chọn, chăm sóc và rèn luyện rất kỹ để thi đấu.
Ngoài lễ hội Chọi Trâu, họ nhà Trâu còn được tham gia nhiều lễ hội đặc biệt khác. Chẳng hạn hội Thi Trâu Kéo Gỗ tại Tuyên Quang, lễ hội Cầu Trâu ở làng Hương Nha tỉnh Phú Thọ, lễ hội Đền Đô của làng Đình Bảng tỉnh Hà Bắc, lễ Tạ Ơn Trâu của người Thái, lễ hội Nào Cống của người Mông, Dao, Giáy ở Mường Hoa, tục Cúng Vía Trâu của người Thái Mường Lò, lễ Chém Trâu Tế Thần của người Chăm Lạc Tánh, lễ Đâm Trâu của nhiều dân tộc Tây Nguyên, vv.. vv...
Tiện đây thử kể sơ một số "Trâu", "Ngưu", "Sửu" nhưng chẳng liên quan gì đến họ nhà Trâu. Chẳng hạn như cá Lưỡi Trâu, còn gọi là Bơn Cát hay Tongue Sole, như tên gọi với cái miệng méo và dẹp như lưỡi trâu, là một loại cá biển, được làm sạch, lóc phần thịt nạc, đông lạnh, xuất khẩu ra nước ngoài, có thể làm nhiều món ngon. Lan Đai Trâu, còn gọi là Ngọc Điểm vì có những chấm điểm lấm tấm trên cánh hoa, là loại lan hoa rất đẹp, có hương thơm ngọt nên rất được ưa chuô.ng. Cứt trâu là tên gọi những đốm nâu cứng đóng vẩy trên đầu trẻ em, nhất là ở phần tóc phía trên đỉnh đầu, do da đầu quá nhiều chất dầu. Có thể dùng nước bồ kết, nước trà pha đặc hay nước chanh pha loãng xoa lên vùng da đầu bị "cứt trâu" rồi gội đầu cho sa.ch. Cũng có khi chỉ cần dùng dầu gội dành riêng cho trẻ em, một thời gian cũng dần dần khỏi. Cỏ Trâu là loại cỏ cọng lớn, thô. Ruồi Trâu là tên truyện tiểu thuyết của tác giả Ethel Lilian Voynich. Người yếu bóng vía có khi la hoảng vì ngỡ đã gặp... ma trâu, chẳng hiểu có liên quan gì đến họ nhà Trâu hay không nữa. "Thủy Ngưu", còn gọi Trâu Nước, là biệt hiệu đặt cho anh chàng khù khờ Quách Tĩnh, nhân vật chính trong truyện kiếm hiệp Anh Hùng Xạ Điêu của Kim Dung. Ngưu Ma Vương là một nhân vật trong truyện Phong Thần. Tăng A Ngưu là tên do Trương Vô Kỵ (một chàng tuổi trẻ đẹp trai tài giỏi, nhân vật chính trong truyện Cô Gái Đồ Long) tự gọi mình. Cũng trong truyền nầy còn có Hồ Thanh Ngưu là vị thần y nổi danh cả về diện mạo tuấn tú, tài nghệ y dược đệ nhất, tính tình cũng cổ quái khó ai bì được và cũng là một người rất lãng mạn, nghệ sĩ tính và si tình. Cách Sơn Đả Ngưu là một môn võ rất độc đáo, cách một ngọn núi có thể làm ngã một con trâu, đã được nhắc đến nhiều lần trong các tác phẩm kiếm hiệp của Kim Dung. Ngưu Mao Châm là tên gọi một thứ ám khí nhỏ như cọng lông trâu. Đạo sĩ mũi trâu là một cách gọi chế giễu. Hắc Sửu Mao Căn Thang là một bài thuốc giúp chữa trị bệnh thủy thũng, bụng căng cứng, bí tiểu, lưỡi đỏ, mạch trầm sác với Hắc Sửu là một trong những vị thuốc cần dùng. Cá Sửu là loại cá vẩy nhỏ, nguồn gốc từ Biển Hồ xuôi theo sông, thường hay ướp muối thật mặn để dành lâu, nên dân miền Tây còn gọi là "cá mặn". Khô cá sửu ăn kèm với cơm nấu hơi khô rất ngon. Tài Sửu là tên gọi một trò đỏ đen đánh bạc, dựa theo số chẵn lẽ để biết thắng thua.
Núi Chân Trâu, thác Trâu Dụng là những địa danh ở Việt Nam được nhắc đến qua hai câu ca dao: "Sơn Tịnh có núi Chân Trâu, có bầu Ông Xá, có cầu Rồng Xanh" và "Ngựa Lồng, Trâu Dụng, Giằng Xay, khỏi ba thác ấy khoanh tay mà ngồi". Ngoài ra, một trong những thắng cảnh đẹp ở Hà Nội là hồ Tây, còn có tên gọi là hồ Trâu Vàng, hay gọi tắt là hồ Trâu. Tương truyền, con trâu vàng của đức Nguyễn Minh Không trên đường trốn chạy đã tạo ra vũng Trâu Đằm ở vùng Khoái Châu, rồi ngược lên phía Bắc tạo ra dòng sông Kim Ngưu. Sau đó con trâu vàng nầy lại chạy vòng quanh tạo ra hồ Trâu Vàng ở Hà Nô.i. Ở trong Nam, thành phố Sài Gòn ngày xưa vốn nổi danh là Hòn Ngọc Viễn Đông, còn có tên gọi là Bến Nghé.
Sửu là chi thứ hai của thập nhị địa chi thuộc tử vi Đông Phương, với biểu tượng con trâu. Giờ Sửu là từ một đến ba giờ Sáng. Năm Kỷ Sửu 2009 thuộc hành Tích Lịch Hỏa với biểu tượng mầu đỏ, can Ly Chấn trong bát quái. Thiên can Kỷ và địa chi Sửu đều thuộc Âm, hành Thổ với biểu tượng mầu vàng, hỗ trợ cho nhau nên năm 2009 sẽ là một năm tốt, nhiều thuận lơ.i. Nếu lỡ có gặp vận hạn, chắc cũng sẽ dễ vượt qua khó khăn.
Người sinh vào những năm 1949, 1961, 1973, 1985, 1997, 2009 thuộc tuổi Sửu. Người tuổi Sửu tượng trưng cho sự cần cù, phải luôn nỗ lực vượt bậc mới thành công. Họ là người nhẫn nại làm việc không biết mệt mỏi. Hơi cố chấp nên khó làm thay đổi quan điểm, ý kiến của họ. Họ là người rất thực tế, thẳng thắn, nghiêm túc, thận trọng trong công việc, nên thường được tín nhiê.m. Trong gia đình, họ là người cha mẹ tốt, biết yêu thương con và lo cho gia đình. Hợp với người tuổi Tỵ và Dâ.u. Xung khắc với người tuổi Thìn, Tuất và Mùi.
Nãy giờ tò mò tọc mạch đem "đời tư" họ nhà Trâu bàn ra tán vào cũng đã quá dài. Xin ngưng bài viết nơi đây. Mến chúc quý vị một năm Kỷ Sửu luôn an lạc, may mắn, hạnh phúc và thịnh vươ.ng.
Tứ Diễm - Dec. 2, 2008
========
Tài liệu tham khảo:
1. "Bách khoa toàn thư", Online
2. "Từ điển thành ngữ và tục ngữ Việt Nam" của giáo sư Nguyễn Lân, NXB Khoa Học Xã Hội, 1997
3. "Cẩm nang chăn nuôi gia súc gia cầm", Hội chăn nuôi Việt Nam, NXBNN, 2000
4. "Water Buffalo", Wikipedia, the free encyclopedia, Wikimedia Foundation, Ịnc
5. "Con trâu đất một biểu tượng độc đáo của Tuệ Trung", tác giả T.T. Thích Đức Thắng, trang nhà Quảng Đức
6. "Từ điển thành ngữ - tục ngữ Việt Nam" của Vũ Dung, Vũ Thúy Anh và Vũ Quang Hào, NXB Văn Hóa Thông Tin, 2000
0 comments:
Post a Comment