Thursday 15 December 2011

Tùy Bút - Gà Qué Nhà Nó

- Mẹ, con gà nó phá "nhà" của con, mẹ ơi...
- Mẹ, con gà nó làm đổ quầy hàng của con.
- Mẹ, con gà nó mổ búp bê của con nè mẹ.
- Mẹ ơi, con gà nó...

Mấy cái miệng nhao nhao thi nhau kể tội.  Mẹ lắc đầu, Nó thì bụm miệng cười.  Người ta hay bảo: "ba bà và một con vịt họp thành cái chợ", huống hồ chi có đến bốn đứa con nít và một con gà.  Ừ thì chỉ là con gà, có gì phải nhắc đến chứ;  nhưng quả thật việc dòng họ gà sống nhởn nhơ trong nhà Nó vốn rất khó tin.  Vì Bố tuy rất hiền, vui tính, thương và chiều con, nhưng Bố tuyệt đối không cho phép nuôi bất cứ loài vật nào kể cả chó và mèo khi trong nhà có trẻ nhỏ. 

"Phép lạ" xảy ra sau năm 1975 không do bà tiên với cây đũa thần biến hóa mà đơn giản hơn nhiều... 


 

Chị hàng xóm vì muốn cám ơn sự giúp đỡ của Mẹ, cứ nhất định khăng khăng nài ép Mẹ phải nhận nàng gà vừa mang từ quê lên.  Mẹ ngại quá, nhưng không thể từ chối, đành nhận với ý định sẽ gửi cho Bố trong kỳ thăm nuôi tới.  Mẹ bận rộn trăm công ngàn việc nên giao khoán cho Nó trông nom tạm.  Thế là Nó nghiễm nhiên trở thành "chủ trại" gà.

Nhìn nàng gà e dè dạo trong góc sân, lòng Nó dạt dào nỗi vui sướng xen lẫn thoáng lo âu.  Từ đó, mỗi ngày ngoài việc học cùng công việc nhà, Nó còn tất bật tìm thêm thức ăn cho "cục cưng".  Với số tuổi còn non dại, Nó thật tình chẳng biết phải chăm sóc ra sao cho đúng cách, may mắn làm sao "cục cưng" thật dễ nuôi.  Chỉ ít lâu sau, nàng ta bắt đầu đẻ trứng.  Đó cũng là lúc đến kỳ tiếp tế cho Bố.  Nó buồn hiu vì sắp phải chia tay cùng "cục cưng".  May sao, Mẹ cũng mến tay mến chân nàng gà, chẳng nỡ lòng làm thịt, cũng không muốn mang nàng ta đi. 

Thế là từ lúc ấy, "cục cưng" của nó chính thức trở thành một thành viên trong gia đình, được ủ ấp trong tình thương của chị em nó.  Bù lại, "cục cưng" cũng rất ngoan, đẻ trứng đều đặn mỗi ngày.  Nàng ta lại còn chịu khó tha thẩn đi tìm bắt những chú gián dễ ghét ưa trốn trong đống củi xó bếp, hay lượm những hạt cơm em nó làm rơi vãi mỗi bữa cơm.  Thời gian thong thả trôi qua, "cục cưng" ngày càng lớn và bắt đầu biết giữ trứng.  Mỗi sáng khi Nó lén lấy trứng, nàng ta cứ cục ta cục tác như mắng mỏ,  trách móc Nó.  Cái dáng hớt hơ hớt hải lúc phát hiện trứng bị mất của nàng ta nom thật tội, Nó thương "cục cưng" đứt ruột nhưng cũng đành phải chịu.  Trứng không có trống đâu thể ấp.  Vả lại, em nó cũng cần ăn trứng để tẩm bổ.  Đến một dạo, nàng ta bỏ ăn, bỏ uống, mê mải nằm ấp cái ổ trống không đến độ lông lá xác xơ.  Nó làm đủ cách, tìm mọi món ngon để dụ, nàng ta vẫn cứng đầu không chịu bỏ ổ.  Vừa tức lại vừa lo, Nó bèn... khóc ngon lành.  Mẹ thấy vậy, lắc đầu chịu thua cả hai đứa tụi nó rồi lặng lẽ đi mua trứng gà bên hàng xóm cho "cục cưng" của Nó ấp.

Trứng mang về xếp vào ổ, "cục cưng" mừng một, Nó mừng gấp mười.  Nó cứ thấp thỏm nhẩm đếm từng ngày; sáng sớm đã vội cho "cục cưng" ăn uống kẻo mất sức, chiều tan học hối hả đi về để "thăm dò tình hình".  Đến một buổi tối, nó nghe tiếng kêu chim chíp nho nhỏ, mừng quá, rủ Mẹ cùng ra xem.

Hai mẹ con hồi hộp soi đèn, lúc thấy thấp thoáng một bóng vàng nho nhỏ dưới cánh "cục cưng", khi lại có bóng vàng nép dưới bụng, lúc lại thoáng thấy phía gần đuôi.  Nó mê mải đứng nhìn mãi đến khi Mẹ bắt vào nhà.  Cả đêm, Nó cứ trằn trọc chờ trời sáng để ra thăm "cục cưng" cùng bầy con.  Vừa hừng sáng, Nó bật dậy lao ra chuồng, thấy Mẹ đã đứng đó từ bao giờ.  Mẹ cười cười hỏi Nó đoán xem được tất cả bao nhiêu chú gà con.  Nó hí hửng nói: "Ít nhất cũng bẩy hay tám, mẹ nhỉ".  Mẹ lắc đầu, Nó ngơ ngác: "Chẳng lẽ chỉ ba hay bốn con sao mẹ?".  Mẹ vẫn cười và lắc đầu.  Nó nén không nổi nữa, lao tới bên chuồng, nhìn kỹ nhưng cũng chẳng thấy gì ngoài "cục cưng" đang xù lông nằm ấp.  Tới khi trời sáng rõ, mẹ con "cục cưng" kéo nhau ra khỏi chuồng, nó mới chưng hửng vì cả lứa mười quả trứng mà chỉ được mỗi một chú gà con.  Trong khi Nó buồn hiu, "cục cưng" của nó lại cực kỳ vui vẻ, ríu ra rít rít ra điều bận rộn chăm sóc cho con. 

Từ khi làm mẹ, "cục cưng" người lớn hẳn lên, săn sóc cho cậu con trai "cầu tự" thật chu đáo.  Mỗi sáng, nhìn cảnh mẹ con tíu tít bên nhau thật dễ thương.  Chiều tối, tan học về đã thấy "cục cưng" nằm ấp con trong chuồng.  Có một hôm, trời trở gió, cánh cửa chuồng bị gió đẩy khép la.i.  Lúc tan học về trời đã nhá nhem tối, Nó ngạc nhiên vì không ngờ "cục cưng" đủ sức kéo con bay lên đến tận nóc chuồng khá cao để nằm.  Nó xót xa khi thấy "cục cưng" ráng đứng nhón trên đầu ngón chân để ủ cho cậu quý tử nằm ấm áp giữa chân mẹ.  Nó thương quá, vội đưa tay định bế cả hai mẹ con mang vào chuồng.  Bất chợt "cục cưng" đã mổ một cái thật mạnh, may mà Nó né kịp nên không bị mù mắt, nhưng ngón tay Nó đã bật máu vì bị "cục cưng" mổ trúng.  Không ngờ "cục cưng" vốn rất hiền, nhưng khi cần bảo vệ con cũng đáo để thế đấy.  Bị đau, nó không giận mà chỉ lo cho "cục cưng" phải đứng nhón chân, dầm sương suốt đêm.  Cứ tưởng "cục cưng" sẽ kiệt sức sau cả đêm vất vả, ấy vậy mà sáng hôm sau đã thấy mẹ con ríu rít rượt đuổi chú gián ngờ nghệch.  Nó ngẩn ngơ đứng nhìn, Mẹ cười âu yếm bảo: "Gà thì cũng như người thôi con ạ, tình thương con sẽ khiến mẹ chịu được mọi nỗi vất vả..."  Nhìn Mẹ, lòng Nó nao nao, Nó chợt thấy thương Mẹ quá nhưng chẳng biết phải diễn tả ra sao, chỉ vòng tay ôm rồi dụi đầu vào lòng Mẹ.

Theo thời gian, chàng "quý tử" khỏe mạnh lớn dần, "cục cưng" tiếp tục đẻ những lứa khác, nhưng không tha thiết đòi ấp nhiều nữa.  Có lẽ vì mớ trứng... giả lì lợm không chịu nở, cũng có thể vì ông con trai quý cứ chộn rộn làm nũng khiến "cục cưng" sốt ruột nằm không yên.  Nó mừng lắm vì không muốn thấy "cục cưng" xác xơ, cứ lén Mẹ xúc gạo trắng tẩm bổ cho hai mẹ con "cục cưng" thêm mập mạp tròn trịa.  Cậu con cưng bắt đầu trổ mã, mọc lông coi đỏm dáng hơn, nhưng vẫn còn thích nhõng nhẽo với  mẹ gà.  Thậm chí có lúc cậu quý tử đã lớn tướng vẫn còn nhảy phóc lên lưng vòi mẹ gà cõng đi dạo lòng vòng trên sân nữa chứ.  Nó nửa buồn cười nửa thương khi thấy cảnh mẹ gà nhỏ bé tuy mệt nhưng vẫn ráng gồng mình để chiều lòng con cưng.

Cứ tưởng dòng đời mãi êm xuôi, ngờ đâu trời chẳng chiều lòng Nó.  Đến khi cậu con "cầu tự" vừa ra vẻ một chàng gà bảnh bao thì cũng là lúc mẹ con phải chia lìa.  Hôm đó, từ sáng "cục cưng" cứ kêu cục tác inh ỏi, nhưng mãi không thấy trứng. Mẹ lại vắng nhà.  Nó lo lắng lắm nhưng cũng chẳng biết phải làm sao, chỉ quanh quẩn bên cạnh. Nó càng lo hơn khi thấy "cục cưng" bỏ ăn uống, cũng chẳng để ý đến cậu con cưng, chỉ liên tục kêu cục tác có vẻ đau đớn lắm.  Đến trưa, "cục cưng" vẫn không khá hơn.  Nó cứ luẩn quẩn mãi không muốn đi học, Mẹ phải giục giã mấy lần Nó mới miễn cưỡng ra khỏi nhà.  Suốt cả chiều, Nó thấp thỏm chỉ mong giờ về.  Tan học, Nó vội về ngay.  Vừa vào cửa, Nó khóc òa lên lúc thấy "cục cưng" nằm bất động trên sân.  Mẹ ôm Nó vào lòng, vuốt tóc và an ủi Nó bằng những lời êm dịu nhưng giọng Mẹ chừng như cũng run run.

Mãi đến tối, khi Nó đã bình tĩnh hơn, Mẹ mới cho biết "cục cưng" chết vì đẻ không được.  Phải chăng cũng do lỗi của Nó, cứ ham ép "cục cưng" ăn nhiều đến độ khiến "cục cưng" mập quá, mỡ dầy đến nỗi không thể đẻ trứng như lúc trước.  Ôi, sao Nó lại ngốc nghếch đến như vậy nhỉ.  Mẹ an ủi mãi nhưng Nó vẫn không thể tự tha thứ cho mình.  Nằm trong vòng tay ấm của Mẹ, Nó chợt nhớ đến cậu con quý của "cục cưng" nên vội mang đèn chạy ra sân.  Thật là tội, chàng ta nằm co ro run rẩy một mình trong chuồng.  Có lẽ chàng ta vẫn chưa hiểu tại sao mẹ chàng lại không ấp ủ như mọi ngày.  Nó đưa tay định mang chàng ta vào nhà, nhưng chàng cứ hoảng hốt tránh né nên Nó lại thôi, chỉ lén đứng nhìn trong nỗi chua xót và ân hận. 

Sau một thời gian ngơ ngác, cậu "quý tử" chừng như cũng quen dần với cảnh côi cút.  Nó rớt nước mắt khi thấy chàng ta cả ngày tha thẩn một mình trong sân, đến tối lủi thủi một mình về nằm nép vào một góc chuồng.  Thỉnh thoảng thấy chàng lại lơ láo nhìn quanh như muốn tìm kiếm hình bóng mẹ hiền.  Rồi thời gian cứ thong thả trôi, chàng ta bắt đầu tập tành gáy.  Mấy buổi đầu, sáng sớm tinh mơ, Mẹ và Nó nghe có tiếng gì đó nghe lạ lạ phía sau nhà, hai mẹ con mang đèn ra xem rồi rũ ra cười.  Nhìn anh chàng bé tí, cũng ráng vỗ vỗ đôi cánh nhỏ, vươn cổ gắng sức bật ra những tiếng kêu tắc nghẹn thật tếu.

Vậy mà "hát hay không bằng hay hát", sau một thời gian tập tành, chàng ta gáy cũng ra trò.  Chỉ khổ từ đó, Mẹ nó cứ bị hàng xóm than phiền vì cái tiếng gáy không cần thiết đó.  Ban đầu, đám em nó thấy chàng ta lẻ loi nên ưa lôi kéo vào các trò chơi chung.  Những tiếng cười cứ vang lên không dứt vì sự ngộ nghĩnh của chú gà con.  Nhưng riết rồi, tụi nó cũng đâm chán, nhất là khi chàng ta cứ vụng về phá đám trò chơi đang hồi hứng thú, bèn o o xịt chàng ta ra. 

Thế là chàng ta lại lủi thủi một mình.  Nó thương lắm, nhưng chẳng biết phải làm sao.  Mẹ cũng thương nên quyết định tìm thêm "bạn" cho chàng.  Mẹ mua thêm một đàn gà choai choai.  Bác hàng xóm kế bên lại nài Mẹ mua thêm hai con vịt.  Căn chuồng cũ trở nên chật hẹp.  Mẹ con nó rào hẳn một khoảng sân làm "nhà" cho cái đám lau nhau trú ngụ.  Có thêm bạn, chàng "quý tử" có vẻ vui hơn, nhưng cũng không còn được quyền tự do tha thẩn đi lòng vòng trong nhà như xưa nữa.

Nó trở thành "xếp" của đám gà vịt, oai hết biết nhưng cũng bận rộn hơn.  Chỉ một thời gian sau, cả bầy lớn vụt lên bắt đầu ra dáng các ả gà mái tơ óng ả, bắt đầu đẻ trứng đều đặn.  Mỗi bữa cho ăn, nhìn cảnh bầy gà vịt tranh nhau ăn thật là ngộ nghĩnh.  Nó mê mải đứng ngắm đến quên cả thời gian.  Phải nói việc nuôi gà với Nó vốn là chuyện không tưởng.  Thuở còn bé, Nó rất mê những con vật xinh xắn trong truyện tranh hay phim hoạt họa.  Nó vẫn biết mơ vậy thôi, chứ đời nào Bố chịu cho nuôi.  Vậy mà chẳng ngờ giấc mơ ngày nào nay đã thành hiện thực.

Chỉ tiếc ngày vui qua mau, giấc mơ nào rồi cũng tàn.  Thoạt đầu là sự ra đi của cặp vịt.  Nhân một kỳ thăm nuôi, Mẹ giao cho Bố nuôi để lấy trứng ăn hàng ngày.  Nhưng chỉ vài tháng sau, Bố viết thư báo cho biết một con bị vướng hàng rào kẽm gai phải làm thịt.  Con còn lại ủ rũ bỏ ăn nên không thể nuôi tiếp.  Rồi sau đó, đến phiên chàng "quý tử". Chẳng hiểu tại sao chàng ta ủ rũ biếng ăn, bầu diều cứ căng phồng dù chưa ăn gì.  Bác hàng xóm bảo chàng ta đã nuốt dây thun đầy diều rồi, chỉ còn cách làm thịt mà thôi.  Nó khóc lóc mếu máo, Mẹ cũng chẳng đành lòng.  Cuối cùng chàng ta chết vì kiệt sức.  Mẹ con nó mang xác chàng đi chôn mặc cho hàng xóm cười chê lẩm cẩm.  Từ đó, căn "trại" dường như rộng hẳn ra, vắng hẳn đi.  Nó cưng chiều đám gà còn lại hơn, săn sóc cẩn thận hơn.  Đến một dạo trời trở gió, gà bên hàng xóm thi nhau chết.  Nó lo lắng vô cùng, cứ chăm chăm giã tỏi ép đám gà uống để... ngừa bệnh.  Nhưng trời chẳng chiều lòng người.  Cuối cùng cũng đến phiên đàn gà cưng của Nó nhuốm bệnh.  Nhìn cả đám ủ rũ mà lòng Nó trĩu xuống.  Mẹ con nó tìm đủ mọi cách cứu chữa rồi cũng đành bó tay, phải bùi ngùi nhìn lần lượt từng con gà cưng gục ngã.

Thế là xong.  Giấc mơ đã tan biến.  Kể từ đó, Nó không còn dám vòi vĩnh Mẹ mua thêm gà về nuôi.  Mỗi khi thấy cảnh bầy gà nhà ai tranh ăn ríu rít hay ngắm nhìn những bức tranh gà, lòng Nó lại bồi hồi nỗi nhớ thương...

Tứ Diễm - Dec. 16, 2004






0 comments:

Post a Comment

 
;