Saturday, 10 December 2011

Phiếm - Trâu Ơi, Ta Bảo Trâu Này...

TRÂU ƠI, TA BẢO TRÂU NÀY...         

Tứ Diễm

Theo Âm lịch, Trâu xếp hàng thứ nhì trong 12 con giáp. Có rất nhiều giả thuyết được đặt ra để.... đoán mò xem tại sao chàng Trâu chậm chạp, hiền lành lại được đứng trước chú hổ oai hùng và cả chú rồng uy vũ. Thoạt nghe qua thì giả thuyết nào cũng thật là hợp lý. Nhưng ngẫm nghĩ kỹ lại thấy không ổn. Cho nên không nêu giả thuyết nào ở đây, kẻo không lại nhàm tai bạn chăng.




Trâu là loài động vật nhai lại, sinh con và nuôi con bằng sữa.... trâu tươi.  Nhìn chung, Trâu có vẻ xuề xòa, giản dị và có vẻ kém bề... nhan sắc nếu đem so sánh với anh em họ hàng Bò. Nhưng vốn bản tính hiền lành, không ưa suy bì tỵ nạnh, Trâu luôn hài lòng với "nhan sắc Trời cho" của mình, vẫn thản nhiên ăn, uống, làm việc ào ào.

Với bản tính hơi lo xa và cũng hơi ham ăn một tí, nên hễ có dịp là Trâu ta cứ nuốt lấy, nuốt để tất cả các loại ngũ cốc lẫn rơm cỏ, nhồi thật chặt bao  tử, để dành đến khi rảnh rỗi mới đem ra... nhai la.i.  Có lẽ Trời cũng thương, nên ban cho Trâu một bao tử thiệt bự có tới bốn ngăn lận, tha hồ mà "tích trữ đầu cơ" thức ăn.  Như đa số các loài động vật khác, Trâu có bốn chân. Mỗi bàn chân chỉ có móng sừng cứng, đen bóng, rất thích hợp cho việc... kéo cày.

Nhìn kỹ thì Trâu thuộc loại "mày râu nhẵn nhụi" nên hơi kém vẻ oai phong. May nhờ có bộ sừng cong vút nhọn hoắt trên đầu kéo lại, nên trông cũng không đến nỗi nào. Đuôi Trâu ngắn và thẳng, chỉ có mỗi một túm lông nhỏ ở phần cuối, nên không thể xua ruồi muỗi (nói chi là giết). Đôi mắt Trâu hơi hí, lông nheo lại cụt lủn nên các nàng nhà Trâu không biết chớp chớp mắt làm duyên. Mũi Trâu hơi tẹt, lỗ mũi lại bự và có sẹo (vì bị chủ "xỏ mũi" từ hồi còn nhỏ) nên có vẻ hơi kém mỹ thuật một chút.

Nhìn chung thì "dung nhan" của Trâu ta tuy không được mỹ miều cho lắm, nhưng cũng chẳng có vẻ hung ác khủng khiếp. Trâu lại vốn ăn chay trường từ nhỏ, chưa hề sát sanh, dẫu là giết một con ve, con bọ (vì có muốn giết cũng không được). Nhưng chẳng hiểu tại sao lại bị gieo tiếng dữ qua thành ngữ "đầu trâu, mặt ngựa" nhỉ? Thật oan cho Trâu ta quá.

Có lẽ điểm đặc biệt nhất của Trâu là ... móm, chỉ có mỗi một hàm răng mà thôi. Kích thước của răng Trâu hơi quá khổ, có lẽ vì phải nhai bù cho chiếc hàm bị thiếu chăng ? Chẳng hiểu "nụ cười" của nhà Trâu đẹp xấu ra sao, nhưng chỉ thấy quảng cáo "con bò cười" mà thôi. Có lẽ Trâu ta đã không dám cười nữa kể từ sau trận cười lăn lộn ngày xưa, đến nỗi va vào đá rụng hết một hàm răng chăng?

Vì có tâm hồn ưa ăn uống nên vòng số hai của nhà Trâu chênh lệch khá nhiều với hai vòng còn lại. Nhưng vốn vô tâm lại xuề xoà, không lo chưng diện bề ngoài nên Trâu chẳng cần "diet" bao giờ cả. Da Trâu màu đen mốc, lại hơi dầy nên chỉ thích hợp để căng trống. Chứ không được dùng để chế biến thành các loại cặp, ví, giày như da họ hàng nhà Bò.  Sữa Trâu màu trắng đục, tương tự như sữa bò, nhưng hơi có mùi tanh nên không được dùng để uống và chế biến như sữa bò.

Từ khi cất tiếng... rống chào đời, Trâu con thường được gọi là Nghé.  Mãi đến sau tuổi... dậy thì, bể tiếng mọc ...sừng, Nghé ta mới được chính thức xếp vào sổ... lao động của loài Trâu, hay còn được gọi một cách văn vẻ là Sửu hay Ngưu (Ngầu), hay Buffalo. Và từ ấy, Trâu ta bắt đầu kiếp kéo cày trả ơn cho chủ. 
Có lẽ trí tuệ và nhan sắc thường ít đi đôi với nhau thì phải. Họ nhà Trâu tuy có kém vẻ mỹ miều nhưng lại thông minh hơn họ nhà Bò khá nhiều. Chả thế mà chỉ có câu "ngu như bò", hay thậm chí "ngu như chó", chứ chưa ai lại quở là "ngu như trâu" cả. Và Trâu cũng có tài nhớ đường về. Nên các cụ thường khuyên rằng "lạc làng nắm đuôi chó, lạc ngõ nắm đuôi  trâu". Cũng may là loài Trâu không có môn võ... đá giò lái như loài ngư.a. Nên ta cứ thong dong mà "nắm đuôi trâu", khỏi mắt trước mắt sau lo canh chừng "hàm chó, vó ngựa". Cũng vì quan niệm rằng "yếu trâu còn hơn khoẻ bò" hay "trâu ho bằng bò rống" nên Trâu ta thường bị chủ "đặt con trâu trước cái cày" để rồi: 
        Trên đồng cạn, dưới đồng sâu
        Chồng cày, vợ cấy, con trâu đi bừa

Trót mang cái tiếng "khoẻ như trâu", và vì trót sinh ra để làm cái kiếp "trâu cày, ngựa cưỡi". Cho nên họ nhà Trâu cứ phải hùng hục ra sức mà kéo cày. Nhưng như đã nêu ở trên, Trâu không có "ngu như bò". Nên đôi lúc, Trâu ta cũng ưa dở quẻ "thính tai họ, điếc tai cày" để..... trốn việc. Đến lúc ấy thì các vị chủ nhân chỉ còn cách xuống nước, nhỏ nhẹ bảo rằng:
                Trâu ơi, ta bảo trâu này
        Trâu ra ngoài ruộng cấy, cày với ta.....

 Vì vốn bản tính hiền lành, chất phát, nên Trâu ta lại ngoan ngoãn vâng lời chủ để tiếp tục cày tiếp. Thế là cái cảnh:

         Bước chân xuống cánh đồng sâu
      Mắt nhắm, mắt mở đuổi Trâu ra cày....
  Và
         Ruộng đầm, nước cả, bùn sâu
      Suốt ngày cùng với con Trâu cày bừa.

 lại tiếp diễn đều đều mỗi ngày. Cứ như vậy, số phận con trâu gắn liền với cái cày. Vào ngày mùa, sau một ngày vất vả chở lúa ngoài đồng về, Trâu còn phải làm thêm "part time job": đạp lúa đến tận khuya. Theo nhịp độ làm việc siêng năng cần mẫn của chủ, Trâu ta cũng cặm cụi ra sức mà làm.

Đến khi già yếu, mắt mờ, chân chậm, chưa động sức đã "thở hồng hộc như... trâu" thì lại bị đem ra ngả thịt. Thịt trâu màu hơi tái, không được thơm ngon bằng thịt bò nhưng cũng vẫn có giá trị dinh dưỡng nếu nấu nướng đúng cách. Chỉ có điều, thịt trâu khi nấu chín rất ngót. Chả thế mà các cụ đã phải nhắc khéo các chàng rể rằng "Làm rể chớ nấu thịt trâu, làm dâu chớ đồ xôi lại", kẻo có ngày lại bị gán cho cái tiếng... ăn vụng thì phiền. Da trâu sau khi thuộc xong, thường được dùng để bịt mặt trống. Bong bóng trâu sau khi tẩy rượu sạch cho hết mùi, thường được các lái buôn dùng làm bình chứa nước hay đựng rươ.u. Sừng trâu có thể làm tù và hay chế biến thành các vật dụng để trang trí. Xương trâu tuy không được ngon bằng xương bò, nhưng cũng được tận dụng trong việc nấu nướng. 

Ngày xưa, dân ta đa số sống bằng nghề nông nên luôn quan niệm "con trâu là đầu cơ nghiệp". Và không có chi bằng "ruộng sâu, trâu nái". Cho nên, khi có chút tiền bạc dư dả thì lại rủ rê nhau:
         Tháng Tư đi tậu trâu, bò
        Để ta sắp sửa làm mùa tháng Năm
  Vì:
                 Có Trâu sẵn tằm, tơ, lúa má
                 Không Trâu, không hoa, quả, đậu, mè
                 Lúa gặt, cắt lên đã có Trâu xe,
                 Lúa chất trữ lại để dành Trâu đạp...
                                                        (Lục Súc Tranh Công)

Cũng vì thế mà Trâu đã được xếp hàng đầu trong lục súc (6 loài vật nuôi trong nhà): Trâu, Chó, Dê, Ngựa, Lợn, Gà. Hơn thế nữa, vô hình chung, Trâu đã trở thành một người bạn thân thiết của nông dân Việt Nam, chia sớt những nỗi nhọc nhằn sớm hôm. Ta có thể thấy được điều đó qua câu:
                Trâu ơi, ta bảo trâu này
           Trâu ra ngoài ruộng cấy cày với ta....

Có lẽ chưa có con vật nào lại được người nông dân trìu mến như thế, ngay cả loài chó, vốn được yêu quý vì đức tính trung thành. Trâu được nhắc nhở nhiều qua các câu thành ngữ, ca dao còn truyền lại từ ngày xưa. Câu "trâu lấm vấy quanh" thường dùng để chỉ những kẻ làm sai nhưng lại ưa đổ lỗi cho người khác. Với cảnh hiềm khích, ghen ghét nhau thì có câu "trâu buộc ghét trâu ăn". Câu "dắt trâu chui ống" ám chỉ những người mơ toàn chuyện viễn vông. Câu "trâu chậm uống nước dơ, trâu ngơ ăn cỏ héo" chế riễu những người luôn chậm chạp nên thường hay bị thiệt thòi. Dùng để so sánh sự háo hức của trẻ em trong các dịp giỗ chạp "trâu bò được ngày phá đỗ (đỗ = đậu xanh), con cháu được ngày giỗ ông". Các tay buôn bán thì thường ưa chèo kéo "trâu béo kéo trâu gầy" để nâng giá hàng lên. Hay có khi lường gạt theo kiểu "mua trâu, vẽ bóng". Vì thế, nên mới có câu "thật thà như thể lái trâu, thương nhau như thể nàng dâu mẹ chồng". Các cụ lại còn khuyên rằng: "mua trâu xem vó, cưới vợ xem nòi". Kẻo không lại xào xáo cửa nhà, để rồi nàng dâu tỉnh bơ tuyên bố: "chồng dữ thì em mới sầu, mẹ chồng mà dữ mổ trâu ăn mừng". Hay ngụ ý về tình cảm nam nữ "trâu tìm cột, chứ bao giờ cột lại tìm trâu".

Thành ngữ "trâu cui" thường dùng ám chỉ người hữu dũng vô mưu. Từ "ngưu ẩm" ngụ ý chế riễu kẻ không biết cách thưởng thức vị ngon của trà, chỉ uống ừng ực như... trâu. Còn biệt danh "trâu nước" của chàng Quách Tĩnh chắc chẳng xa lạ gì với các vị ưa "ngâm cứu" film bộ HongKong. Ngoài ra, lại có câu "gái mười bẩy bẻ gẫy sừng trâu" để chỉ sức mạnh của tuổi thanh xuân. Chẳng hiểu sao các cụ lại vi ' von thế nhỉ.  Đã có chú Trâu nào bị bẻ gẫy sừng chưa ??? Có khi các cụ lại tin rằng: "trâu trắng đi đến đâu, mất mùa đến đấy". Chẳng hiểu có thực thế chăng ?? Và tại sao thành phố Sài Gòn ngày xưa lại được gọi là "Bến Nghé" nhỉ ?? Trong truyện Phong Thần, tướng Hoàng Phi Hổ đã cưỡi Trâu khi ra trận. Trong truyện "thằng Bờm", trâu đã được nhắc nhở đến khi phú ông toan đem đổi "ba bò, chín trâu" để lấy gói xôi của Bờm. Trong truyện "Con Trâu" của Trần Tiêu, con trâu luôn là niềm mơ ước suốt đời của gia đình bác Xã Bổng. Trong truyện "chú Cuội", thì:

                 Thằng Cuội ngồi gốc cây đa
          Thả trâu ăn lúa, gọi cha ơi ời
                 Cha còn cắt cỏ trên trời
          Mẹ còn cưỡi ngựa đi mời quan viên....


Trâu gắn liền với nghề nông, với người nông dân, với thửa ruộng luống cày. Trâu còn gắn bó với các em bé chăn trâu. Hình ảnh các em bé mục đồng vừa chăn trâu vừa thổi sáo đã được gợi nguồn cảm hứng sáng tác của biết bao nhiêu họa sĩ, nhạc sĩ, thi sĩ. Biết cơ man nào mà kể cho xiết những tác phẩm xoay quanh đề tài "Ngư, Tiều, Canh, Mục". Chỉ tiếc rằng loài Trâu vốn thiếu cảm nhận về mặt nghệ thuật, cho nên chung quy cũng chỉ là "đàn gẩy tai trâu" mà thôi. 
Còn gì dễ thương hơn cảnh một chú bé ngồi vắt vẻo trên lưng trâu, dưới bóng tre ngà râm mát, thả hồn theo tiếng sáo du dương trầm bổng giữa buổi trưa Hè vắng lă.ng. Thật khác hẳn với sự ồn ào thô lỗ của các chàng chăn bò xứ Texas. Nhưng phải chăng nghề chăn trâu quả thật nhàn hạ, sung sướng như nhạc sĩ Phạm Duy đã miêu tả trong bài "Em bé quê":

         Ai bảo chăn trâu là khổ
         Chăn trâu sướng lắm chứ.....

Có lẽ chẳng đúng mà cũng chẳng sai. Có nghề nào mà không cực nhọc chứ. Này nhé, trời rét thì lo che phên, nứa quanh chuồng, trải rơm rạ cho Trâu nằm khỏi la.nh. Trời nóng thì lo tắm rửa sạch sẽ cho Trâu, bắt ve bọ cho Trâu khỏi ngứa. Khi ở ngoài đồng thì lo cắt cỏ tươi để dành cho Trâu ăn buổi tối. Khi về chuồng thì phải quét dọn chuồng Trâu cho sạch sẽ, trải rơm rạ mới cho Trâu nằm. Đổ nước sạch có pha chút muối cho Trâu uống. Nhưng bù lại, sau những lúc bận rộn săn sóc cho Trâu, các em mục đồng lại được dịp họp nhau mà đùa giỡn vui vẻ.

Nhìn chung thì nghề chăn trâu khá dễ dàng, thích hợp với lứa tuổi trẻ em. Chẳng thế mà tên nào ưa làm biếng học hay bị nhiếc là "không học thì chỉ có đi.... chăn trâu". Nhưng nói vậy không có nghĩa là mục đồng nào cũng dốt cả đâu à nha.  Bằng chứng là vua Đinh  Tiên Hoàng, vị anh hùng thống nhất đất nước, vốn xuất thân từ nghề mục đồng mà ra. Ông Ninh Thích, thời Chiến Quốc, tuy tài giỏi nhưng chưa gặp thời. Sau nhờ gõ sừng trâu, nghêu ngao hát mà tình cờ được vua Tề Hoàn Công biết đến và trọng dụng.

Nhưng nghề chăn trâu coi vậy cũng không phải là dễ dàng cho lắm. Lơ đễnh mà để trâu đạp ngã cây lúa, hay ăn lúa thì rắc rối to. Ngay như chàng Ngưu Lang, dẫu là phò mã của Trời, lỡ sơ sểnh để trâu ăn lúa cũng bị trừng phạt ngay lập tức. Mà của đáng tội, Trâu vốn rất thích ăn lúa nhưng lại bị cấm không cho ăn. Nên hễ có dịp là Trâu ta bèn ăn vụng cho bõ thèm. Cho nên làm nghề chăn trâu phải biết rèn luyện sao cho họ nhà Trâu ngoan ngoãn vâng lời, kẻo không có ngày thậm cấp chí nguy. Nhất là khi "trâu ta" không chịu "ăn cỏ đồng ta" mà cứ xăm xăm đòi "xực phàn" lúa ruộng người. Phải biết săn sóc đàn Trâu chu đáo, không để Trâu bụng đói về chuồng, vv...vv... Tóm lại phải biết 1001 bí quyết trị... Trâu thì mới có thể ung dung vừa cưỡi trâu, vừa nghêu ngao hát: "Ai bảo chăn trâu là khổ.."

Như đã nói, Trâu vốn hiền lành, cả tin nên thường hay bị loài người bắt nạt mà chẳng biết. Cứ nai sức làm lụng hùng hục như... trâu. Để rồi khi nản chí, vừa toan tính..."quit job", thì lại được chủ ngọt ngào bảo rằng:

                Trâu ơi, ta bảo trâu này
        Trâu ra ngoài ruộng cấy cày với ta
                Cấy cày vốn nghiệp nông gia
        Ta đây, trâu đó, ai mà quản công
                Bao giờ cây lúa trổ bông
        Thì còn ngọn cỏ ngoài đồng trâu ăn.

Mới thoạt nghe qua, nào là "trâu ra ngoài ruộng cấy cày với ta". Rồi còn "ta đây, trâu đó, ai mà quản công" thì quả thật công bình, chí lý vô cùng. Thế nên Trâu ta lại nai lưng ra, kéo cày tiếp tục để hy vọng tương lai tươi sáng "bao giờ cây lúa trổ bông, thì còn ngọn cỏ ngoài đồng trâu ăn". Giá Trâu cũng chịu khó ngẫm nghĩ "nhai lại" câu trên dăm ba lần, chắc đã nhất định "quit job" ngay lập tức liền. Vì vốn dĩ "Trời sinh... Trâu, sinh cỏ", Trâu ta đâu cần phải đem thân làm kiếp "trâu cày" để nhận lãnh những ngọn cỏ FREE trời cho chứ. Mà biết đâu, không cày, không bừa thì cỏ lại mọc nhiều hơn, mơn mỡn hơn gấp bội phần nữa chứ. Quả thật là bất công vô cùng, phải thế không ? Lúa gặt xong, gánh về thì người hưởng cả. Phần Trâu chỉ được nhai vài hạt lúa.... lép hiếm hoi sót lại nơi cọng rơm lạt lẽo.  Thỉnh thoảng, chủ tội nghiệp tặng chút "bonus" để khuyến khích tinh thần, thế là nhờ "trâu bò được ngày phá đỗ" mà Trâu nhà ta lại hăng sức để cày bừa hùng hục tiếp tục. Chẳng còn cái dại nào hơn nữa, Trâu ơi. 

Bản tính vốn rất hiền lành, nhưng đôi lúc Trâu lại bị loài người lôi cuốn vào các cuộc chiến. Ngày xưa, sau khi gặt hái xong, thường có tục lệ Chọi Trâu để giải trí nên người ta thường nhắc nhở nhau rằng: 
                  Dù ai buôn bán nơi đâu
          Mồng Mười, tháng Tám chọi trâu thì về

Nhưng có lẽ đáng nhớ nhất là cuộc chọi Trâu thú vị của Trạng Quỳnh với sứ giả Trung Hoa. Chú Trâu đực dũng mãnh to lớn của Tàu đã phải chạy dài khi bị chàng Nghé nhỏ bé Việt Nam khát sữa rượt theo. Trong thời Chiến Quốc bên Tàu, nước Yên đã hạ được hơn 70 thành của nước Tề, chỉ còn sót lại một  thành Cừ Tức Mặc. Tướng nước Tề là Điền Đan dùng mưu bắt 1,000 con trâu đực khoẻ ma.nh. Mình khoác áo đỏ vẽ nhiều mặc sặc sỡ, sừng buộc những lưỡi gươm nhọn sắc. Đuôi buộc sẵn một nắm cỏ khô tẩm dầu. Khi xuất trận, quân Tề xua đàn trâu đi trước rồi đốt những túm cỏ khô buộc đuôi trâu. Bị nóng, Trâu cuống cuồng, xông thẳng vào trận đi.ch.  Khiến quân Yên hoảng sợ, ngỡ ma quỷ hiện hình, nên rối loạn hàng ngũ, giày xéo lên nhau mà chạy, chết rất nhiều. Thừa thắng, Điền Đan đã chỉ huy quân Tề chiếm lại được những thành trì đã mất. Điển tích này đã được nhắc nhở trong hai bài Đường Thi dưới đây:

             Con Trâu

          Mài sừng cho lắm cũng là Trâu
          Ngẫm lại mà coi thật lớn đầu
          Trong bụng lam nham ba lá sách
          Ngoài cằm lem lém một chòm râu
          Mắc mưu đốt đít, tơi bời chạy
          Làm lễ bôi chuông, nhớn nhác sầu
          Nghé ngọ già đời quen nghé ngọ
          Năm dây đàn gẩy biết chi đâu !
                                    Học Lạc

            Con Trâu Già

          Một nắm xương khô, một nắm da,
          Bao nhiêu cái ách đã từng qua
          Đuôi kia biếng vẫy Điền Đan hỏa
          Tai nọ buồn nghe Ninh Tử ca
          Sớm thả đồng đào, ăn đủng đỉnh
          Tối về chuồng quế, thở nghi nga
          Có người đem dắt tô chuông mới
          Ơn đức vua Tề lại được tha
                                Khuyết Danh


Theo tục lệ ngày xưa, mỗi khi đúc xong một quả chuông đồng thì phải giết một con trâu làm lễ Hấn Chung, nghĩa là Bôi chuông. Lấy máu trâu bôi vào quả chuông, tiếng chuông đánh lên mới ngân nga và vang xa. Bài thơ trên còn nhắc đến việc vua Tề Tuyên Vương thấy người ta dắt con trâu đi để giết lấy máu tô chuông, liền tỏ lòng thương và ra lệnh tha cho con trâu này khỏi bị giết.

                                   --oOo--

Nãy giờ tào lao thế cũng tạm đủ. Bài viết cũng nên chấm dứt, kẻo không cứ đem "đời tư" họ hàng nhà Trâu ra phân tích, bàn bạc theo kiểu: 
                Dí dầu, dí dẩu, dí dâu
        Dí qua, dí lại, dí trâu ... dzô chuồng

như vầy riết thì..... (hổng biết nói chi nữa). Mến chúc các bạn luôn vui vẻ và mạnh khỏe (như... Trâu). Riêng các bạn cầm tinh con Trâu, sẽ có một năm tràn trề may mắn, tiền bạc dồi dào (như cỏ ngoài đồng), tăng chức, tăng lương nhưng không tăng thêm việc làm (tránh khỏi cảnh cày hùng hục như... trâu). Với những bạn còn ca bản "Đời tôi cô đơn" sẽ sớm gặp được ý trung... ngưu, ý quên, ý trung nhân. Những ai đã "yes, I do" thì sớm có... nghé ngọ để dzui nhà dzui cửa. Ai đã có nghé ngọ rồi thì.... có thêm nữa càng dzui)

Tứ Diễm - Jan. 20, 1997

0 comments:

Post a Comment

 
;