Saturday, 10 December 2011

Phiếm - Chuột Kêu Chút Chít Trong Rương


Chuột Kêu Chút Chít Trong Rương

Tứ Diễm

Không chỉ trong rương, mà cả từ phòng khách xuống tới nhà bếp, từ phòng ngủ cho tới phòng ăn, từ trên lầu cho xuống tới tầng hầm.  Từ trong nhà ra tới ngoài đường, ngoài đồng.  Từ nhà ở cho tới công ty, trường học, bệnh viện.  Từ nhà lụp xụp cho tới biệt thự nguy nga.  Từ trên bờ cho tới dưới thuyền.   Ở bất cứ nơi nào, nếu sơ sểnh là cũng có thể thấy thấp thoáng bóng dáng dòng họ nhà "hắn".   Nhắc tới "hắn", khỏi cần phải điểm mặt gọi tên, ắt hẳn ai cũng biết chính danh là nhà họ Chuột rồi. 


Tương truyền dòng họ chuột đã có từ thời Cổ Đại.  Theo khoa học, chuột thuộc loài gậm nhấm ăn tạp, bốn chân, có vú, sinh con và nuôi con bằng sữa.   Nhìn chung nhà chuột có kích thước khá đa dạng, có thể từ 7 cm cho tới 30 cm tùy theo loại, với khuôn mặt choắt, mỏ nhọn và dài; thật đúng là "mặt chuột kẹp".  Hàm răng cửa lớn, chắc và khỏe, mọc dài thường xuyên nên chuột ta ưa... buồn mồm gậm nhấm cho bớt ngứa răng. Vì không có răng nanh, nên nhà chuột có khoảng trống giữa răng cửa và răng hàm. Mắt nhỏ, không phân biệt được mầu sắc và không thể nhìn xa.  Nhưng bù lại, nhà chuột lại có đôi tai và lỗ mũi rất thính, đánh hơi được mùi vị từ rất xa, không cần phải nhìn nên chuột ta thường kiếm ăn vào ban đêm hay nơi nhiều bóng tối.  Họ nhà chuột có bốn chân ngắn, bàn chân có  móng vuốt nhọn thích hợp cho việc leo trèo, luồn lách nhưng lại khiến không thể đi lùi.  Đuôi nhỏ, nhọn ở chót đuôi với chiều dài ít nhất cũng xấp xỉ chiều dài thân mình hay dài hơn.  Ngoại trừ nhà chuột bạch có bộ lông trắng muốt và nhà chuột lang có bộ lông nhiều mầu khá đẹp mắt, đa số nhà chuột thường có lông mầu xám từ nhạt cho tới thật đậm.

Ngoài tên "cúng cơm", nhà họ chuột còn được gọi theo nhiều cách.  Hoặc là tý, hề, thử như trong tiếng Hán Việt.  Hoặc là  theo kích thước, chẳng hạn chuột bự con gọi là rat, chuột nhỏ con gọi là mouse (mous) hay mice (số nhiều của mouse).  Hoặc là theo tuổi tác như pinkies (chuột bao tử mới sinh, chưa có lông, chưa mở mắt), fuzzies (mới mọc lông loáng thoáng), hoppers (mọc đủ lông, nhưng còn chưa trưởng thành), và adults (đã trưởng thành).  Hoặc chỉ gọi theo giới tính, tuổi tác; chẳng hạn chuột đực, chuột cái, chuột bao tử ("pinkie" mouse), chuột con (baby mouse), vv.. vv...   Hoặc là gọi theo "nơi cư trú" hay nét đặc trưng; chẳng hạn chuột nhà, chuột đồng, chuột cống, chuột nhắt cây (Vandeleuria oreracea), chuột thí nghiệm, chuột bạch, chuột đàn (Rattus flavipectrs), vv.. vv... 

Gia phả nhà chuột khá đông đúc, bao gồm nhiều loài thuộc các chi, các họ khác nhau.  Thường gặp nhất là loại chuột nhắt (Mus musculus), chuột cống (Rattus norvegicus), chuột lang (Cavia porcellus).  Được xếp vào loại thú làm cảnh là nhà chuột bạch, chuột lang, hay chuột nhắt cây (Vandeleuria oreracea).  Rồi còn có nhà chuột chù "hôi hơn cú", chuột chũi, chuột chuyển thể (transgenic mice), vv.. vv...  Đó là chưa tính đến nhà chuột túi (đại thử - kanguru) vốn là bà con... khác họ.

Vốn dễ tính, nhà chuột có thể sống riêng lẻ hay quây quần thành từng đàn rất đông đúc ở bất cứ nơi nào dù là ở trên cạn hay trên thuyền, dù là xứ nhiệt đới hay hàn đới.  Tuy biết bơi, nhưng nhà chuột lại không thích nước, thường ưa sống trong hang hay các hốc tối đào nhiều ngóc ngách để dễ bề "lăng ba vi bộ" khi cần.  Tuổi thọ nhà chuột thường khoảng xấp xỉ một năm.  Mỗi năm, chuột mẹ có thể sinh năm hay sáu lứa, mỗi lứa xấp xỉ khoảng mười con.  Như vậy, mỗi cặp vợ chồng chuột sau một năm có thể hạ sinh sơ sơ khoảng hơn ngàn chuột con.  Cũng may không phải toàn bộ số con cháu nầy đều được sống sót.

Nhà chuột vốn là loài ăn tạp, gặp gì ăn đó từ các loại ngũ cốc, rau trái củ cho tới các loài côn trùng và động vật nhỏ như ốc sên, cá con.  Thậm chí khi thiếu ăn, chuột có thể ăn thịt đồng loại hay tấn công gà vịt con.  Có khi chuột còn dám vào chuồng gà vịt ăn cắp trứng.  Ngoài ra, chuột ta còn ưa gậm nhấm bất cứ thứ gì, từ giấy, sách, báo, vải vóc cho tới gỗ, nylon để... mài răng.  Ở các nước Âu Mỹ, cheese là món ưa thích của nhà chuột nên thường được dùng làm mồi bẫy chuột.  "Chuột và cheese" cũng là đề tài cho nhiều câu truyện, bộ phim hay trò chơi.

Ngoài mèo, nhà chuột còn phải "đề cao cảnh giác" với nhiều loài khác.  Chẳng hạn như rắn, trăn, thằn lằn, nhện lớn (tarantulas), các loại chó hay chim săn mồi và nhất là... loài người.  Vì chuột vốn là loài gậm nhấm phá hoại với tốc độ sinh sản nhanh lại dễ lan truyền các vi khuẩn truyền nhiễm, nên lẽ tất nhiên chuột và người không thể chung sống hòa bình được. 

Vốn thông minh sáng tạo, người ta đã nghĩ ra nhiều phương cách để tiêu diệt họ nhà chuột.  Có thể dùng bẫy bằng thuốc, bẫy keo dính, bẫy kẹp, bẫy sập, bẫy lồng, săn bắt, dùng rọ, đào hang, đổ nước, xông khói, dùng xiên xăm vào hang, dùng chó săn chuột, dặm cù, vv.. vv...  Mùa lũ, người ta còn có thể bơi xuồng đi bắt chuột bằng cách rung cây tràm cho chuột rơi xuống rồi vớt bằng vợt.

Thịt chuột nghe nói ăn rất ngon, nên được liệt kê trong danh sách các món "đặc sản".  Có thể biến chế thành nhiều món hấp dẫn, chẳng hạn "chuột giả cầy", "chuột nướng lá cách", "Sâm Thử", "chuột nhồi thịt chiên giòn", ...  Muốn có món đơn giản nhưng ngon miệng; có thể đem ướp tỏi, ớt tươi, kẹp lá chanh hay vỏ cam, vỏ quýt nướng vàng xong chấm muối ớt, hay đem luộc chung với lá chanh, sau đó chấm muối ớt có lá chanh xắt nhuyễn.

"Ghét của nào trời trao của đó".  Có thể nói nhà chuột đã bám theo dấu chân người ở khắp mọi nơi, mọi thời đại.  Bởi vậy, tuy không được ưa chuộng nhưng vô hình chung họ nhà chuột đã trở nên quen thuộc với loài người.  Từ những câu tục ngữ, thành ngữ thường gặp: "đầu voi đuôi chuột", "tai dơi mặt chuột", "cháy nhà mới lòi mặt chuột", "đuôi chuột ngoáy lọ mỡ", "chim chuột", "nhà ổ chuột", "chuột cắn dây buộc mèo", "chuột chạy cùng sào",  "chuột chù đeo lạc", "chuột chù lại có xạ hương", "chuột chù nếm giấm", "chuột đội vỏ trứng", "chuột gặm chân mèo", "chuột sa chĩnh gạo", vv.. vv... cho đến các câu ca dao mộc mạc như:

Con mèo mà trèo cây cau
Hỏi thăm chú chuột đi đâu vắng nhà
Chú chuột đi chợ đường xa
Mua mắm, mua muối giỗ cha con mèo

Chuột kêu chút chít trong rương
Anh đi cho khéo đụng giường mẹ hay

Chuột chê xó bếp chẳng ăn,
Chó chê nhà dột, ra nằm bụi tre

Chuột chù chê khỉ rằng hôi,
Khỉ lại trả lời cả họ mày thơm

Nhà chuột đã nghiễm nhiên trở thành đề tài để các thi, văn, nghệ sĩ sáng tác.  Các nghệ nhân làng Đông Hồ đã chọn nhà chuột chọn làm đề tài cho tranh mộc bản "đám cưới chuột", "chuột rước đèn".  Dòng họ chuột còn được thành nhắc đến trong bài thơ To a Mouse của Robert Burns 1785 cùng trong các truyện: Trinh thử (khuyết danh), O Chuột (Tô Hoài), Of mice and man (John Steinbeck), Mickey Mouse series (Walt Disney), Reepicheep (C. S. Lewis), vv.. vv... Đó là chưa kể tới các truyện ngụ ngôn The Lion and the Mouse, Voi và Chuột, Mèo và Chuột, vv.. vv…

Nhà chuột còn ngang nhiên xuất hiện trong nhiều bộ phim được yêu thích.  Chẳng hạn các nhân vật: Jerry, Mickey Mouse & Minnie, đàn chuột dễ thương trong phim Cinderella), Itchy, Speedy, Gonzales, Pinky and The Brain, Gadget Hackwrench và Monterey Jack, Basil, Stuart Little, Mighty Mouse, Fievel Mousekewitz, The Three Blind Mice, vv.. vv...

Tuy chẳng có liên quan, nhưng "chuột" còn xuất hiện trong một số từ ngữ thường gặp, chẳng hạn như: pháo chuột, dưa chuột, nhà ổ chuột, con chuột (mouse là dụng cụ giúp điều khiển tín hiệu trên màn hình vi tính),

Theo tử vi, nhà họ chuột tiêu biểu cho năm Tý, là chi đầu tiên trong thập nhị chi.  Người ta tin tưởng rằng theo tứ hành xung "Tý, Ngọ, Mẹo, Dậu" và tam hạp "Thân, Tý, Thìn".  Nếu hiểu nôm na, nghĩa là người tuổi Tý sẽ xung khắc với người tuổi Ngựa, Mèo và Gà.  Mèo và chuột kỵ nhau là tất nhiên.  Ngựa với gà chắc cũng hay bị chuột quấy phá nên không hạp cũng phải.  Người tuổi Tý lại hạp với tuổi Khỉ và Rồng.  Có lẽ tại rồng bay trên mây, khỉ sống trên cây trong rừng.   Không ai đụng chạm ai, nên mới hợp.

"Ăn cơm mới, nói chuyện cũ" nẫy giờ cũng đã quá dài.  Xin mạn phép được chấm dứt bài viết ở nơi đây để còn chuẩn bị ăn Tết cùng thiên hạ.  Mến chúc toàn thể độc giả và gia quyến một năm Mậu Tý vui vẻ, an khang, thịnh vượng, phát tài, phát lộc nhưng không phát tướng.  Vị nào cầu tài sẽ sớm được "chuột sa hũ nếp".  Vị nào cầu tình duyên sẽ sớm ngày gặp được ý trung nhân để cùng nhau xây "nhà ổ chuột", ý quên, lâu đài tình ái.  Vị nào cầu con sẽ mắn hơn... chuột.  Vị nào còn thắc mắc, xin liên lạc tại 1 - 888 – BOI -XAM1.

Tứ Diễm - Dec. 7, 2007

Tài liệu tham khảo:
1. "Từ điển thành ngữ và tục ngữ Việt Nam" của giáo sư Nguyễn Lân, NXB Khoa Học Xã Hội, 1997
2. "Wikipedia, the free encyclopedia", Wikimedia Foundation, Inc.
3. "Experimental colonization of contrasting habitats by house mice", Tattersall F. H., Smith, R. H. & Nowell, F, 1997
4. "A better mousetrap". John H. Lienhard. The Engines of Our Ingenuitỵ NPR. KUHF-FM Houston, 1996
5. "Bách khoa toàn thư", Online

0 comments:

Post a Comment

 
;