Monday 2 June 2014

Đậu Hũ Dùng Giấm Muối - cách làm của Tứ Diễm

Hôm trước khi viết bài Đậu Hũ - Vài kinh Nghiệm, Tứ Diễm không có sẵn hình đậu hũ làm với giấm muối may mà có sis Ngọc Mỹ nhanh tay làm và gửi hình cho Tứ Diễm như đã chia sẻ trong bài viết Đậu Hũ Dùng Giấm Muối - do sis Ngọc Mỹ chia sẻ.

Cuối tuần vừa rồi, tuy khá bận rộn vì ngoài thời gian dự khóa lễ và họp mặt với các anh chị tại chùa, Tứ Diễm còn phải làm nhiều việc ngoài vườn, đi chợ, lại còn làm thêm một số món ăn khác nữa như bánh mì, bánh bèo chay, mì xào, kem avocado, vv.. vv..  tuy vậy Tứ Diễm cũng tái bản món Đậu Hũ - Tự Làm Ở Nhà dùng Giấm và Muối làm coagulant để có thể chụp hình từng bước mang vào bài viết nầy.  Hy vọng là có thể trả lời chung cho thắc mắc của một số sis đã hỏi mà Tứ Diễm dạo nầy rất bận, không thể trả lời riêng được.   Mong thông cảm dùm nghen.  Nếu còn thắc mắc, các sis có thể viết trong phần Post A Comment ở cuối bài viết.

Tuy chỉ dùng giấm và muối, những miếng đậu hũ tự làm cũng vẫn săn chắc, khá mịn nhìn như vầy nè


Và cũng khá dẻo, có thể bẻ hơi cong mà không bị bể nát


Những miếng đậu đem chiên vàng với một chút dầu sẽ có mầu sắc nhìn bắt mắt như vầy nè


Nếu có hứng thú, mời cùng vào bếp với Tứ Diễm làm đậu hũ theo một cách khá đơn giản nha



Việc làm Đậu Hũ Dùng Giấm và Muối không hiểu do ai là người đầu tiên sáng chế ra, nhưng đây là một cách làm khá phổ biến và dễ thực hành vì chỉ cần bỏ chút thời gian và công là có thể lăn vào bếp thực hành ngay.   Sau khi hâm nóng vào khoảng 180 độ F, sữa đậu nành nhờ giấm và muối làm chất xúc tác sẽ kết tủa thành riêu (curds), lúc đem ép trong khuôn lót vải, chúng ta sẽ có món Đậu Hũ thơm ngon béo lại sạch và an toàn vì không có hóa chất.

Có rất nhiều cách pha chế tỷ lệ giữa giấm, muối và nước.  Vì mức độ đậm đặc của sữa đậu nành còn tùy thuộc vào chất lượng đậu nành, tùy thuộc vào số lượng nước dùng khi xay sữa, tùy thuộc vào cách vắt sữa, vv.. vv..   Do đó khó có thể xác định chính xác số lượng nước chua (coagulant) cần dùng.   Tốt nhất là nên cho nước chua (coagulant) từ từ vào sữa, đậy nắp, chờ một chút mở ra xem kết quả ra sao rồi quyết định tiếp tục cho thêm nước chua (coagulant) vào hay ngưng

Nếu cho ít nước chua, sữa chưa kết tủa hết sẽ làm được ít đậu.  Tuy nhiên, nếu cho quá nhiều nước chua (coagulant), sữa có thể sẽ kết tủa thành từng khối nhỏ như khi nấu bún riêu chay, đậu hũ làm ra sẽ kém mịn, hơi khô va`hơi bị cứng.  Do đó, nên cho khoảng phân nửa nước chua vào quậy nhẹ, xong đậy nắp, chờ vài phút, mở ra xem rồi cho thêm nước chua từ từ, đậy nắp, chờ một hai phút xong lại mở nắp ra xem.   Đến khi thấy nước bắt đầu hơi trong là đủ.   Đậy nắp chờ khoảng 5 - 15 phút để sữa kết tủa.  Xong nhanh tay đổ vào khuôn đã lót vải.   Xếp phần vải thừa cho vuông vắn bằng phẳng, đậy nắp xong ép cho đậu ráo nước là xong

Trong bài Đậu Hũ - Vài kinh Nghiệm, Tứ Diễm đã viết khá nhiều về một số cách tự làm đậu hũ tại nhà rồi nên không lập lại thêm nữa.   Trong bài viết nầy Tứ Diễm chỉ chia sẻ một số điều liên quan đến cách làm Đậu Hũ Dùng Giấm Muối theo kiểu đơn giản của Tứ Diễm.   Có thể cách làm của Tứ Diễm không hoàn toàn đúng như các kiểu làm thông thường, nhưng những miếng đậu làm ra ăn ngon hợp khẩu vị nên cũng bõ công và thời gian đã bỏ ra.


Đậu Hũ Dùng Giấm và Muối
theo cách của Tứ Diễm


Vật Liệu

1) Sữa Đậu Nành:
  • 500 g đậu nành khô, vo sạch, ngâm nước cho đến khi nở mềm, sẽ được khoảng 7.5 cup đậu nành
  • 3 L nước  
 Chúng ta sẽ vắt được khoảng 3 L sữa đậu nành khá đậm đặc dùng để làm đậu hũ


2) Coagulant:
  • 3 tbsp giấm (45 mL giấm) 
  • 1 cup (250 ml) nước 
  • 1 tsp muối hòa tan
 Hòa tan các vật liệu ở trên thành hỗn hợp chất xúc tác (coagulant) chuẩn bị sẵn để làm đậu hũ theo cách bên dưới.  



Cách Làm Kèm Hình Theo Từng Bước

1). Tứ Diễm chuẩn bị các dụng cụ và vật liệu cần thiết.   Sau khi ngâm xong, 500 g đậu nành khô sẽ nở thành 7.5 cup.   Pha sẵn giấm + muối + nước.   Trong lần nầy Tứ Diễm dùng khuôn gỗ (tự đóng) và khăn vải voile như trong hình bên dưới.

Kích thước đo bên trong khuôn gỗ là 22 cm x 14.5 cm x 11 cm.  Khuôn gỗ nặng 1250 grams.  Nắp nặng 540 grams. Nếu tính cả nắp, khuôn gỗ nặng tổng cộng 1790 grams.   Dung tích khuôn gỗ là 3 509 cubic centimeter = 3.509 liter.   Có thể xem thêm chi tiết và hình ảnh trong bài viết Khuôn Đậu Hũ


2).Khăn vải voile nầy dùng lót vào nồi Pyrex 4.5 L chuẩn bị sẵn sàng để xay và vắt sữa đậu nành.  Sau đó, giặt khăn rồi lót khăn vào khuôn đậu hũ.


3) Tứ  Diễm dùng máy Food Grinder and Juicer để xay và vắt sữa đậu nành.    Sữa sẽ chẩy vào khăn voile đã lót trong nồi.   Tứ Diễm thích dùng máy nầy vì khỏi phải mất công tự vắt sữa.   Tuy nhiên, nếu không muốn mua nhiều loại máy để chật nhà, chúng ta vẫn có thể dùng máy xay sinh tố (blender) xay đậu nành, sau đó dùng tay vắt sữa đậu nành.   Nói chung có thể làm theo cách nào tùy ý, miễn sao có được sữa đậu nành đừng quá loãng


4) Sau đó Tứ Diễm chỉ cần túm các góc khăn voile vắt sơ sẽ loại bỏ toàn bộ bã đậu nành còn sót lại trong sữa.   Giặt sạch khăn voile xong lót vào khuôn gỗ chuẩn bị sẵn sàng.  

Trong hình bên dưới là tổng số bã đậu nành sau khi vắt sữa từ 500 g đậu nành với 3 L nước dùng máy Food Grinder and Juicer


5) Phần bã đậu nành vắt từ sữa đậu nành rất ít nhưng nhuyễn mịn như vầy.   Có thể trộn vào các loại hỗn hợp làm bánh hay đem chiên với trứng, hành, nấm, tiêu sẽ rất ngon


6) Đa số bã đậu nành được máy tách riêng ra khỏi sữa đậu nành sẽ thô và rất khô ráo.  Có thể chế biến thành nhiều món ngon, có thể xem thêm chi tiết trong bài Bã Đậu Nành - Các Món Ăn và Ích Lợi


7) Sau khi xay xong 500 g đậu nành, Tứ Diễm sẽ có được 3 L sữa đậu nành.   Thông thường chúng ta có thể nấu trên bếp để sữa sôi rồi giảm nhiệt độ để sữa tiếp tục chín thêm khoảng 10 phút rồi tắt bếp, chờ sữa còn 180 độ F sẽ đổ nước chua (coagulant) dể sữa kết tủa thành riêu (curds).  Nhưng vì khi nấu trên bếp sẽ phải khuấy đáy nồi để sữa khỏi bị khét.   Tứ Diễm lười nên chọn cách dùng microwave nấu chín sữa đậu nành.

Để gọn lẹ, Tứ Diễm dùng microwave nấu sữa đậu nành cho đến khi sữa hoàn toàn chín.  Múc 1 L sữa đậu nành vào measuring cup Pyrex loại 2 L (trong hình đầu tiên, Tứ Diễm dùng đựng đậu nành đã ngâm xong)  và chừa lại 2 L sữa đậu nành trong nồi Pyrex Vision 4.5 L.   Như vậy sẽ không lo sữa bị trào ra ngoài khi đã nóng sôi.
 

8) Sau khi sữa đã được nấu chín trong microwave, Tứ Diễm đổ 1 L sữa từ measuring cup vào nồi Pyrex 4.5 L, như vậy trong nồi sẽ chứa tổng cộng 3 L sữa đã nấu chín.   Vì trong khi chờ 1 L sữa trong measuring cup chín đúng mức, 2L sữa trong nồi Pyrex đã bị nguội bớt, đặt nồi lên bếp với nhiệt độ thấp hâm để sữa giữ độ nóng 180 độ F (80 độ C).   Dùng thermometer để canh nhiệt độ.   Dùng silicone spatula quậy nhẹ để khỏi bị khét đáy nồi


9) Khi sữa đã ở nhiệt độ  180 độ F (80 độ C).   Đổ hỗn hợp giấm + muối + nước đã pha vào nồi  Có thể sẽ không cần dùng hết số lượng hỗn hợp đã pha.   Nên nhìn vào độ kết tủa của riêu (curds) và mầu sắc của nước trong nồi (whey) để biết đã kết tủa đúng mức hay chưa.   Nói chung khi dùng giấm và muối, chúng ta có thể gia giảm số lượng coagulant hòa tan vào sữa  nhiều hay ít, cứ cho từ từ vào sữa quậy nhanh tay nhẹ, đậy nắp vài phút xong mở ra xem độ kết tủa, rồi quyết định có nên cho thêm coagulant vào sữa nữa hay không.  Tứ Diễm đã viết một số kinh nghiệm trong bài viết  Đậu Hũ - Vài kinh Nghiệm nên không lập lại thêm nữa kẻo bài viết nầy lại quá dài dòng.  Xem thêm chi tiết, hình ảnh hay video clip trong các bài

10) Sau khi đổ hỗn hợp giấm muối, sữa sẽ bắt đầu hơi kết tủa lợn cợn


11) Đậy nắp để giữ nhiệt, chờ cho sữa kết tủa


12) Sau khi chờ một lúc, mở nắp ra sẽ thấy sữa đã kết tủa (curds) với  phần nước chua (whey) trong nồi như vầy


Tứ Diễm xin mạn phép ghi chép thêm một cách làm khác dựa theo video clip do  chương trình Sức Sống Mới chỉ dẫn.   Cũng là dùng giấm và muối làm chất xúc tác (coagulant), nhưng họ dùng 250 g đậu nành xay với 3 L nước làm thành sữa đậu nành.  Sau đó hòa tan 4 tbsp giấm + 1 tsp muối + 2 cup (500 mL)  nước.   Đổ toàn bộ hỗn hợp vào sữa đang nóng sôi, tiếp tục nấu.    Sau 10 phút, sữa sẽ kết tủa thành từng mảnh riêu như vầy.   (Cách nầy Tứ Diễm thấy tương tự như khi làm món Bún Riêu Chay)



13) Trong lần làm nầy, Tứ Diễm dùng khuôn gỗ tự đóng, lót vải voile vào khuôn như vầy.  Tứ Diễm thích dùng vải voile vì mỏng, nhẹ, dễ thoát nước và cũng dễ giặt sạch sau khi dùng





14) Tứ Diễm không múc mà nhanh tay đổ nồi sữa đã kết tủa vào khuôn để tiết kiệm thời gian nhằm giữ độ nóng của riêu (curds) được lâu hơn.  Mình càng làm nhanh, giữ phần riêu (curds) trong khuôn càng nóng thì sẽ càng dễ dính quyện với nhau, đậu hũ làm ra sẽ càng tăng thêm độ mịn, dai, săn chắc hơn.


Tứ Diễm mang thêm vài tấm hình vào để có thể thấy cũng chỉ dùng giấm và muối nhưng sữa có thể sẽ kết tủa nhìn hơi khác biệt.   Tùy theo độ đậm đặc của sữa, tùy theo nồng độ giấm muối, tùy nhiệt độ của sữa và tùy theo cách mình làm.   Nói chung mình chỉ cần biết nguyên tắc căn bản, sau đó trong khi làm chịu khó quan sát để tìm ra một cách nào hợp ý nhất để những lần sau đó tiếp tục làm

Đây là hình riêu đậu (curds) đã được sis Ngọc Mỹ múc vào khuôn chuẩn bị ép thành đậu hũ, xem thêm hình ảnh trong bài viết Đậu Hũ Dùng Giấm Muối - do sis Ngọc Mỹ chia sẻ.


Còn đây là hình capture từ video clip của chương trình Sức Sống Mới, phần riêu đậu (curds) sau khi kết tủa sẽ vón thành từng mảng như vầy.  Có thể xem video clip trong bài Đậu Hũ - Tự Làm Ở Nhà



15) Tứ Diễm dúng khuôn silicone hứng bên dưới khuôn nên giữ lại được phần nước chua (whey), khi đổ vào chén Correlle sẽ thấy nước chua (whey) nhìn trong và có mầu hơi ngả vàng như hình bên dưới


16) Xếp các mép vải gọn lại.   Xếp càng bằng phẳng thì miếng đậu làm ra sẽ càng nhìn đẹp hơn. 


17) Đậy nắp lên mặt khuôn.   Dùng tay đè nhẹ để thoát bớt nước chua (whey).  Nhớ làm nhanh tay, riêu đậu (curds) càng giữ độ nóng càng quyện lại, đậu mới ngon.  


Có một điểm nầy nếu ai lưu ý kỹ có thể sẽ nhận thấy được dụng ý của Tứ Diễm khi chế ra khuôn gỗ với kích thước như đã nhắc đến ở đầu bài viết nầy.    
  • Lý do Tứ Diễm đóng khuôn khá sâu là để có dung tích lớn đủ để đổ trọn vẹn cả riêu đậu (curds) lẫn nước chua (whey) vào khuôn, khỏi phải múc từng muỗng sẽ mất công, tốn thời gian và làm giảm bớt sức nóng của riêu đậu (curds).  
  • Tuy nhiên vì khuôn gỗ khá sâu, phần riêu đậu (curds) không đủ đầy khuôn nên Tứ Diễm cần dùng đến hai cái nắp xếp chồng lên nhau thì mới đủ ngang bằng mặt khuôn gỗ như hình ở trên.   Khi nào làm số lượng đậu nhiều hơn, phần riêu đậu (curds) dầy cao hơn, Tứ Diễm sẽ dùng một nắp mà thôi.  Lúc úp ngược miếng đậu sẽ được đè bằng trọng lượng của khuôn gỗ và trọng lượng của chính miếng đậu.  
  • Như vậy, với cùng một khuôn gỗ nhưng Tứ Diễm có thể làm được những miếng đậu dầy hay mỏng tùy theo số lượng đậu nành dùng nhiều hay ít.

  • Ngoài hai cái nắp, Tứ Diễm còn đóng thêm một đế gỗ có khoan lỗ giúp thoát nước.  Lúc đầu, Tứ Diễm sẽ đặt phần đế gỗ nằm gọn trong khuôn silicone rồi đặt khuôn gỗ nằm lên trên phần đế gỗ.   Như vậy, khi đổ riêu đậu (curds) và nước chua (whey) vào khuôn, phần riêu đậu (curds) sẽ được giữ lại trong lòng khuôn gỗ, còn đa số nước chua (whey) sẽ chẩy xuống lọt trong khuôn silicone hứng bên dưới.  Nhờ có đế gỗ kê cao lên nên khuôn gỗ đựng đậu cho dù nằm xuôi hay khi úp ngược đều không bị tiếp xúc với phần nước chua (whey) trong khuôn silicone hứng bên dưới.

18)  Xong lật úp ngược, đậu sẽ tự ép bằng chính trọng lượng của miếng đậu và khuôn gỗ.  Trong hình bên dưới Tứ Diễm chụp hình không có lót khuôn silicone bên dưới để thấy rõ trọn vẹn toàn bộ khuôn và phần nắp sau khi úp ngược, như vậy sẽ dễ hình dung ra cách ép đậu dùng chính trọng lượng của khuôn và miếng đậu.   Khi làm Tứ Diễm lót một khuôn silicone hình chữ nhật bên dưới để hứng nước chua (whey)


 



19) Chờ cho đậu thoát hết nước chua (whey), nhẹ nhàng gỡ khuôn tách khỏi miếng đậu vẫn còn nằm nguyên trong lớp khăn voile.   Tứ Diễm dùng khuôn silicone nầy hứng nước whey trong khi chờ đậu ráo nước.   Đổ nước whey khỏi khuôn silicone, rồi đùng khuôn silicone đựng đậu hũ vừa làm xong luôn


20) Cho nước lạnh vào khuôn để đậu và khăn đều thấm sũng nước, nhẹ nhàng gỡ khăn ra khỏi miếng đậu.   Nhờ có nước, đậu sẽ tách rời khỏi khăn voile dễ dàng


21) Đây là miếng đậu hũ vừa làm xong.    500 g đậu nành + 3 L nước + 3 tbsp giấm + 1 tsp muối và chút thời gian làm ra được một miếng đậu nặng 750 g.   Kích thước miếng đậu 22 cm x 14.5 cm x 3 cm

Thường khi đặt vật nặng ép lên nắp khuôn, người ta thường chờ từ khoảng 25 đến 35 phút sẽ có miếng đậu từ loại soft, medium firm đến firm.    Tứ Diễm không dùng vật nặng đè lên nên cũng không cần phải canh chừng thời gian chính xác.  Trong lần làm nầy Tứ Diễm chờ chắc cũng hơn 1 tiếng mới gỡ đậu ra khỏi khuôn.   Đậu dai, khá mịn, có độ dẻo và không bị úng nước chua nên khi đem chiên không bị văng dầu


22) Cắt ra thành từng phần


23) Đậu mịn và khá dẻo, có thể bẻ cong mà không bị bể nát.


Lẽ đương nhiên, khi dùng giấm và muối hay các loại coagulant (như nigari, muối epsom, nước chanh, vv.. vv..) giúp sữa kết tủa thành riêu đậu (curds), đậu hũ cho dù là khá mịn nhưng không thể nào láng mướt mịn màng bằng loại đậu hũ dùng các loại coagulant giúp sữa đông đặc như tầu hù (tofufa) (chẳng hạn như khi dùng thạch cao phi, đường nho GDL, gói tofu coagulant, vv.. vv..)

24) Cắt ra thành những miếng nhỏ nhỏ.    500 g đậu nành (giá mua $0.80 / lb) làm ra được bao nhiêu đây miếng đậu


25) Nhìn gần hơn để thấy rõ hơn mức độ mịn màng của những miếng đậu vừa cắt.  




26) Cho một chút xíu dầu vào chảo.  Tứ Diễm dùng khoảng 2 tbsp dầu Canola cho vào chảo non stick wok.  Chờ chảo và dầu đủ nóng, xếp các miếng đậu vào chiên (hay áp chảo).   Chờ vàng một mặt thì nhẹ nhàng lật qua mặt khác


27) Lần lượt lật các mặt để toàn bộ mỗi miếng đậu vàng giòn.    Với cách chiên ít dầu như vầy, nhà không bị hôi mùi dầu, đậu vàng rất nhanh lại giữ được độ mềm mướt bên trong ruột mà bên ngoài vẫn còn vàng giòn.   Tất cả các miếng đậu được chiên vàng trong chốc lát, nhanh hơn rất nhiều so với cách chiên ngập dầu.   Đậu cũng không bị hút nhiều dầu nên dù đem cất tủ lạnh khi mang ra ăn không bị hôi dầu.


28) Những miếng đậu sau khi chiên vàng vẫn giữ được hình dáng vuôn vắn, không bị móp méo, không bị teo tóp


Nhìn gần hơn nha


Vài Nhận Xét

Đây là cách làm đậu hũ tại nhà rất đơn giản, lại khỏi phải tốn kém mua các loại coagulant gì khác ngoài giấm và muối.   Đây cũng là cách Tứ Diễm thường dùng khi mới tập làm đậu hũ tại nhà.  Về sau nầy, vì tò mò nên Tứ Diễm mới dành nhiều thời gian tìm hiểu, tìm mua và thực hành thử làm đậu hũ với nhiều loại máy, nhiều loại coagulant và nhiều loại khuôn khác nhau

Như vậy so với khi làm đậu hũ dùng gói tofu coagulator thì dùng giấm và muối, miếng đậu làm ra sẽ nhẹ hơn vì không có giữ nước trong miếng đậu nhiều như khi dùng tofu coagulator cũng có thể vì Tứ Diễm để đậu úp ngược trong khuôn khá lâu, hầu hết nước chua thoát ra khỏi đậu nên khi cân hơi nhẹ ký nhưng đậu săn chắc không có vị chua, khi chiên không bị văng dầu nóng vào tay.  Miếng đậu cũng không láng mịn bằng so với khi dùng tofu coagulator hay đường nho GDL.   Nhưng ưu điểm là yên tâm vì chỉ dùng giấm và muối, lại rẻ tiền nữa, khỏi mất công tìm mua các loại tofu coagulant khác.   Thêm một ưu điểm nữa vì đậu không úng nước, khi chiên sẽ không bị văng dầu, phía ngoài vàng giòn, phía trong ruột vẫn mềm săn chắc không bị rỗng ruột nên ăn thơm béo rất ngon

So Sánh Giữa Vài Loại Coagulant

Nếu so sánh giữa dùng đường nho GDL, gói tofu coagulator và giấm muối thì đậu hũ dùng đường nho GDL mịn, dẻo, dai, nhìn đẹp mắt giống như loại silken tofu nhưng dẻo dai hơn nhiều (có thể dùng tay bóp cho cong lại mà không bị bể nát) nhưng cũng được ít đậu nhất.

Dùng tofu coagulator, đậu mịn, dẻo, dai, nói chung ăn ngon nhưng hiện nay rất khó tìm mua được gói tofu coagulator.  Thêm vào nữa vì đây cũng là một loại sản phẩm trích lọc lấy hóa chất dùng làm coagulant, tuy theo lời quảng cáo là trích từ rong biển, hoàn toàn tinh chất nhưng không thể nào kiểm chứng tận mắt, chỉ có thể tin theo lời quảng cáo và vì là sản phẩm bán tại Canada nên cũng đành tin là đã được kiểm nghiệm phù hợp theo tiêu chuẩn an toàn thực phẩm của Canada.  Tứ Diễm đem cân thử, với 500 g đậu nành khô vắt thành 3 L sữa đậu nành thêm ba gói tofu coagulator, làm được miếng đậu hũ nặng 1.5 kg.   Đậu mềm mướt mịn, nhưng khi áp chảo với một chút dầu, đậu không vàng đều bằng đậu dùng giấm muối.  Muốn đậu vàng giòn nhìn đẹp cần chiên với nhiều dầu hơn

Nếu muốn yên tâm, làm đậu hũ dùng giấm và muối là an toàn nhất vì không cần dùng các loại hóa chất nào khác.  Lại rẻ tiền nữa.   Với 500 g đậu nành khô vắt thành 3 L sữa đậu nành thêm một chút giấm + muối, miếng đậu hũ làm ra khá săn chắc nặng 750 g, nhẹ hơn so với khi dùng tofu coagulant nhưng đem áp chảo với một chút dầu, đậu vàng giòn ngon mắt.

Chúc làm thành công

Ghi Chú Thêm:
  • Tứ Diễm ghi chú thêm để các sis không quen với cách đong bằng tsp và cup khỏi bị bỡ ngỡ.   
    • 1 cup nước = 250 mL nước = 250 g nước.    
    • 1 tsp nước = 5 mL nước = 5 g nước = 1 muỗng cà phê nước
    • 1 tbsp nước = 15 mL nước = 15 g nước = 3 tsp nước = 1 muỗng soup nước
  • Ở Bắc Mỹ, có thể tìm mua các loại measuring cups and spoons rất dễ dàng tại bất cứ tiệm nào có quầy bầy bán dụng cụ làm bánh nấu ăn.   Nếu tìm mua không được có thể tự chế dựa theo cách hoán chuyển đã viết ở trên.   Dùng nước để cân trọng lượng theo grams, từ đó suy ra dung tích theo mL.   Có thể dùng chai nước lọc loại 500 mL đựng nước cân theo trọng lượng 250 g, đánh dấu cắt theo vạch đã đánh dấu thì có loại measuring 1 cup rồi đó.   Tương tự, cân 125 g, 84 g và 63 g nước rồi đánh dấu cắt theo vạch đã đánh dấu thì có loại measuring 1/2 cup, 1/3 cup và 1/4 cup.   Với tbsp và tsp thì cứ tìm các loại muỗng có sẵn ở nhà đong đầy nước, đo hay cân thử xem có đúng như đã viết ở trên hay không.
  • Nếu thích nấu ăn, nên mua một cái candy thermometer và một cái digital scale (cân điện tử) sẽ dễ dàng hơn trong việc nấu nướng làm bánh.   Về thermoter, có nhiều loại nhưng nên lưu ý chọn loại nào có thể đo nhiệt độ trong khoảng từ 30 độ C (hay thấp hơn) cho tới 230 độ C (hay cao hơn) thì sẽ có thể sử dụng được cho nhiều món khác nhau hơn.  Nếu muốn nhanh gọn chính xác thì mua loại digital candy thermometer.   Hồi đó vì Tứ Diễm tìm không thấy bán loại digital thermometer nên mua loại candy thermometer như trong các hình ở trên, tuy dùng cũng tốt nhưng sẽ cần chờ một chút mỗi khi đo chứ không có kết quả ngay tức thời như các loại digital thermometer.   Tuy nhiên, loại candy thermometer Tứ Diễm mua chắc sẽ rất bền vì cấu tạo đơn giản lại không cần dùng battery.
  • Ngoài ra các sis có thể hoán chuyển giữa Dung Tích (Volume) sang Trọng Lượng (Weight) một số loại vật liệu thông thường như Tứ Diễm đã giới thiệu trong bài viết Volume to Weight Conversion



Vài Hình Ảnh Cũ

Đây là vài hình ảnh cũ, Tứ Diễm chụp từ mấy năm trước, lúc đó mới tập làm dùng Giấm Muối và xay đậu bằng máy xay sinh tố, vắt xong nấu sữa trong nồi trên bếp theo cách thông thường.   Vì chụp lâu rồi, Tứ Diễm chưa có thời gian tìm lại những hình cũ đã chụp dạo trước, xem tạm vậy nha



Lúc đó dùng rổ và vải cotton lót rổ, kết quả như vầy nè



Cắt ra từng miếng



Xem thêm một tấm nữa.   Hình hơi mờ xem tạm nha, khi nào Tứ Diễm tìm được hình nguyên bản trong hard disk cũ sẽ update sau



Mời cùng vào bếp làm đậu hũ nha



Mời cùng xem thêm các bài viết:
 



Ngoài ra, phần bã đậu nành còn có thể chế biến thành rất nhiều món ăn bổ dưỡng khác.   Chẳng hạn như các món:

---oOo---



Nếu thích tìm hiểu thêm về việc làm đậu hũ / tầu hũ, mời đọc các bài viết




4 comments:

Katie P. said...

Chi gioi qua :-) Cam on chi. Chi mua may cai dung cu o ddau vay chi. Hong biet em lam co ra tau hu khong nua hay la no ra tau bay vo Mr Trash

TuDiem's Corner said...

Sis Katie ơi,

Cám ơn sis đã khen nha. Làm đậu hũ dễ lắm, không hư đâu.

Sis không cần phải mua dụng cụ, cứ dùng những thứ có sẵn trong nhà. Chẳng hạn sis dùng máy xay sinh tố (blender) xay đậu, sau đó chịu khó vắt sữa bằng tay và nấu sữa trong nồi trên bếp. Sis có thể lót coffee filter vào rổ cũng được nữa, không cần mua khuôn.

Thường ở chợ đôi khi có bán sẵn các loại túi vải thưa. Còn không sis ghé tiệm vải, mua vải voile về dùng sẽ giặt dễ hơn là dùng vải cotton, vắt sữa cũng dễ hơn. Vải voile Tứ Diễm dùng tương tự loại vải mỏng người ta hay dùng che màn cửa sổ đó sis

Hồi đó Tứ Diễm còn làm biếng, mua bao áo gối mầu trắng chọn loại nào vải thưa nhất về giặt cho sạch hồ rồi dùng để vắt sữa đậu nành xay từ máy sinh tố. Nhưng sau nầy Tứ Diễm mua được miếng vải voile dùng hợp ý hơn.

Anonymous said...

Hi sis,

Lee đây, mình vừa làm xong đậu hủ theo công thức của sis, mềm và ngon lắm sis ui. Cuối tuần này xã xệ sẽ mua gỗ về làm khuôn cho Lee đó nhen. Vậy là k cần mua tàu hủ nữa. Bên sis k biết sao chứ bên đây tàu hủ mua về hay bị mốc hoặc nhớt lắm sis. Mà nhà mình thích ăn chay lắm, nên lần này k cần lo lắng cái vụ tàu hủ nữa. Cảm ơn sis nhiều lắm nhen sis. Mà Lee có thắc mắc, Lee thấy trên web nhiều người xay rồi nấu sau đó mới vắt xác đậu. Không biết có khác nhau nhiều với việc mình vắt rồi mới nấu k sis.

Hôm bữa Lee làm bánh tiêu dùng baking powder thành công đó sis, có comment mà sau k thấy hiển thị nên thông báo sis luôn bên đây.hihihi. Ai ăn cũng khen giống hương vị Vn. Cảm ơn sis lần nữa hen sis.

Chúc sis và gia đình luôn vui vẻ và khoẻ mạnh nha.

TuDiem's Corner said...

Sis Lee ơi,

Rất vui khi biết sis làm bánh tiêu baking powder thành công như ý :)

Về đậu hũ, nếu tự làm ở nhà sẽ yên tâm hơn vì sạch và không có hóa chất. Ngoài ra, sis có thể trộn thêm vào riêu đậu (phần đậu đã kết tủa) các thứ nguyên liệu (chẳng hạn như sả, ớt, nấm mèo / mộc nhĩ, hành lá, vv.. vv...) trước khi ép miếng. Như vậy khi ăn sẽ có thêm hương vị mới lạ giúp ngon miệng hơn

Về việc nấu sữa thì có 2 cách làm như sis đã nhắc đến đó. Thông thường thì xay, vắt xong nấu sữa. Còn cách khác là xay, nấu xong mới vắt. Khi dùng máy soy milk maker thì họ áp dụng theo cách thứ 2 đó sis nên khi sữa chín mình cần lọc và vắt phần bã đậu đã nấu chín. .

Theo Tứ Diễm thì chất lượng sữa cũng không thấy khác biệt gì nhiều. Tuy nhiên dùng soy milk maker thì sữa không thể thật đậm đặc béo như ý mình muốn. Vắt bã khi còn nóng cũng khó hơn. Nên nhiều người chỉ lọc và ép sơ rồi đổ bỏ, thấy cũng uổng lắm nhưng họ nói đậu nành rẻ nên không đáng để lưu tâm.

Khi dùng soy milk maker Tứ Diễm dùng hai rổ stainless steel ép bã vắt lấy sữa xong giữ phần bã đã nấu chín đó làm các món ăn nên cũng không cần phải ép thật kỹ phần bã đậu

Còn khi tự nấu sữa trên bếp, Tứ Diễm nghĩ nếu mình xay, vắt và lọc xong rồi mới nấu thì sẽ dễ hơn. Khi nấu còn nguyên bã, cần phải khuấy sữa liên tục và đều tay để phần bã không bị khét khiến sữa mất ngon, do đó sẽ khó và mệt hơn

Ngoài 2 cách kể trên còn 1 cách thứ 3 là ngâm đậu nành rồi nấu chín nguyên hạt, sau đó mới xay và vắt. Với cách nầy sẽ đỡ phải lo việc nấu sữa bị khét vì đậu đã chín trước khi xay. Tuy nhiên Tứ Diễm chưa làm qua nên không biết sữa nấu với cách nầy có ngon hay không

Post a Comment

 
;