Wednesday 1 June 2011

TNĐT - Ba Bẩy Hăm Mốt Ngày


Việt Nam ta có câu "Ba bảy hăm mốt ngày" (không sớm thì muộn) có thể được coi là mang cùng ý nghĩa với thành ngữ "Ngũ nhật kinh triệu (năm ngày giữ chức Kinh triệu) của Tàu.

Đời Tuyên đế nhà Tây Hán, kinh đô Trường An có nạn trộm cướp hoành hành dữ dội, khiến dân chúng nhà nhà đều bất an.  Đương thời, việc trị an tại kinh đô là thuộc phận sự của quan Kinh triệu doãn (cũng như chức Đô trưởng ngày nay), nhưng nhiều vị Kinh triệu doãn kế tiếp nhau đều không trừ được nạn trộm cướp hoành hành tại kinh đô nhà Tây Hán.

Hán Tuyên đế nghe nói một vị quan ở đất Liêu Đông là Trương Xưởng rất tài giỏi, bèn gọi Trương Xưởng về, cho làm Kinh tiệu doãn, nắm việc trị an tại kinh đô.



Ngay sau khi nhiệm chức, Trương Xưởng tự mình đi sâu vào dân chúng kinh đô để điều tra tình hình, và được biết những kẻ cầm đầu bọn trộm cướp tại kinh đô đều là những kẻ giàu có, ra ngoài 1 bước là xe ngựa xênh xang, nhà ở thì lộng lẫy như cung điện, trong nhà thì gia nhân tỳ thiếp cả bầy. Trương
Xưởng bèn tìm cách mua chuộc được hết bọn cầm đầu đó, và bắt trọn tổ chức trộm cướp tại kinh đô Trường An.  Dân chúng lại được sống yên vui và không ngớt lời ca tụng tài đức của Trương Xưởng.

Trương Xưởng giữ chức Kinh triệu doãn được mấy năm, nền trị an tại kinh đô cực kỳ tốt đẹp, bộ mặt kinh đô càng thêm thịnh vượng, nhưng 1 người bạn của Trương Xưởng là Dương Hẩn phạm tội đại nghịch và bị triều đình xử chém.  Các đại thần trong triều đề nghị cách chức tất cả bạn bè của Dương
Hẩn hiện đang làm quan trên toàn quốc.  Do đó, Trương Xưởng cũng bị cách chức.

Lúc đó, Trương Xưởng có 1 thuộc cấp, chuyên phụ trách về các vụ trộm cướp, tên là Như Thuấn. Khi nghe tin Trương Xưởng bị cách chức, Như Thuấn không chịu tới phủ làm việc nữa.  Trương Xưởng cho gọi, Như Thuấn cũng không thèm đến, trái lại còn nói với mọi người rằng :

- Trương công còn tại chức được bao lâu  nữa ?  Chỉ chừng 5 ngày nữa giữ chức Kinh triệu doãn mà thôi, tại sao ta còn phải làm việc cho Trương công nữa.

Trương Xưởng nghe giận lắm, tức thì cho lệnh bắt giam Như Thuấn, lập hồ sơ kết tội là trái lệnh thượng cấp, và xử chém.

Sự tích này được chép trong phần Trương Xưởng truyện của bộ Hán thư.  Từ lời nói của Như Thuấn trong sự tích này, người đời rút ra thành ngữ "Ngũ nhật kinh triệu" (5 ngày giữ chức Kinh triệu) để nói về trường hợp làm quan không được yên, địa vị bị đe dọa, hoặc về trường hợp giữ chức không
được bao lâu, dù vì bất cứ lý do nào (hoặc bị cách chức, hoặc tự ý xin rút lui, v.v...)

Chẳng hạn như trong 1 hãng buôn lớn, có 1 nhân viên làm việc không siêng năng cần mẫn, đi trễ về sớm, lại thiếu khả năng, làm việc hay lầm lẫn sai sót.  Nhân viên này sớm muộn gì cũng bị chủ nhân sa thải, chớ không thể làm việc lâu.  Trong trường này người ta nói rằng nhân viên đó chẳng qua chỉ "ngũ nhật kinh triệu" mà thôi.



Tác giả Dương Trọng Hiếu
(Theo Nguyễn Quốc Hùng - "Thông dụng thành ngữ cố sự")


Mời xem thêm các bài viết khác trong phần Thành Ngữ - Điển Tích 





0 comments:

Post a Comment

 
;