Wednesday 1 June 2011

TNĐT - Bãi Bể Nương Dâu

Trong thơ văn hay qua các câu nói trong cuộc sống hằng ngày, đôi khi chúng ta được nghe nhắc đến một số câu thành ngữ nên chắc hẳn không xa lạ với thành ngữ "bãi bể nương dâu".    Nhưng tại sao lại có thành ngữ đó và hàm chứa ý nghĩa gì?

Nếu cảm thấy thắc mắc, xin mời cùng đọc bài viết của anh Dương Trọng Hiếu.


Bên dưới là một trong những bài viết của anh Dương Trọng Hiếu viết theo chủ đề Thành Ngữ Điển Tích.  Tứ Diễm đã xin phép để được đăng vào trang blog nầy, mong giúp ích được phần nào với những ai muốn tìm hiểu thêm về văn chương Việt Nam


BÃI BỂ, NƯƠNG DÂU
(Trích trong "Kể chuyện thành ngữ tục ngữ" - NXB KHXH)

Những thay đổi lớn trong cuộc đời, trong xã hội, thường được người Việt ví với "bãi bể nương dâu". Thí dụ:
Phút giây bãi bể nương dâu
Cuộc đời là thế biết hầu nài sao.
(Lê Ngọc Hân - Ai tư vãn)

Các từ trong thành ngữ "bãi bể nương dâu" xem ra đều quen thuộc và dễ hiểu. Nhưng tại sao sự tổ hợp, giao kết giữa các từ bãi, bể, nương, dâu lại nói lên sự thay đổi lớn của trời đất, của cuộc đời ?  Số là, thành ngữ "bãi bể nương dâu bắt nguồn từ thành ngữ gốc Hán "thương hải tang điền" liên quan tới câu chuyện tiên Phật được lưu truyền rộng rãi trong dân gian.

Tương truyền rằng, ở thời Đông Hán có ông Phương Bình, học giỏi tài cao, thi đỗ đạt và được bổ nhiệm làm quan. Sau một thời gian thi thố với đời, Phương Bình đã bỏ quan đi tu.  Ông đắc đạo và trở thành Phật.  Một lần Phật Phương Bình giáng xuống nhà Thái Kinh (người đời Hậu Hán) cho mời tiên nữ Ma Cô đến.  Ma Cô bảo với Phương Bình rằng:
"Tiếp thị dĩ lai dĩ kiến
Đông hải tam vi tang điền"

nghĩa là "Từ khi hầu chuyện với ông, tôi đã thấy bể Đông ba lần biến thành ruộng dâu".

Câu chuyện này được lưu truyền trong dân gian và được người đời chắt lọc lấy cái tinh chất để phản ánh sự đổi thay của trời đất và cuộc sống. Trong thơ văn Trung Quốc, hình ảnh "bãi bể nương dâu" trở thành tứ cho nhiều câu thơ, bài thơ nổi tiếng, ví như trong thơ Tô Thức đời Tống có câu "Bất kinh bột giải tang điền biến", có nghĩa là: "Không sợ bể Đông biến thành ruộng dâu". Cũng nhờ câu chuyện trên mà dần dà trong tiếng Hán xuất hiện thành ngữ "thương hải tang điền". Thành ngữ này được mượn vào tiếng Việt theo lối mượn ý dịch lời. Về ý nghĩa, "bãi bể nương dâu" thường nói đến sự đổi thay thế sự với bao nỗi nuối tiếc, ngậm ngùi.
Thí dụ:
Khóc vì nỗi thiết tha sự thế
Ai bày trò bãi bể nương dâu.
(Nguyễn Gia Thiều - Cung Oán Ngâm Khúc)


Trong cách dùng, các nhà văn, nhà thơ thường rút gọn "bãi bể nương dâu" thành "bể dâu" hay "dâu bể".  Dạng thức này sở dĩ tồn tại được vì nó vẫn có khả năng khiến cho người đọc liên hội tới các điển tích đã nói đến ở trên:

Trải qua một cuộc bể dâu
Những điều trông thấy mà đau đớn lòng
(Nguyễn Du - Truyện Kiều)


Cơ trời dâu bể đa đoan
Một nhà để chị riêng oan một mình
(Nguyễn Du - Truyện Kiều)



Gần nghĩa với "bãi bể nương dâu" trong tiếng Việt còn có các thành ngữ "vật đổi sao dời", "sông cạn đá mòn".  Các thành ngữ này đều nói về sự thay đổi lớn lao của cuộc đời, của sự thế, nhưng không có sắc thái ngậm ngùi, nuối tiếc như thành ngữ "bãi bể nương dâu". Về phạm vi xử dụng, các thành ngữ "vật đổi sao dời", "sông cạn đá mòn" thường chỉ nói về sự thay đổi của thiên nhiên, của trời đất trong sự so sánh với cái bất biến của tấm lòng chung thủy. Vì thế, ta thường gặp trong những lời thề ước:

Dẫu rằng vật đổi sao dời
Tử sinh cũng giữ lấy lời tử sinh
(Nguyễn Du - Truyện Kiều)


Dù cho sông cạn đá mòn
Còn non còn nước vẫn còn thề xưa 

(Tản Đà - Thề non nước)

Tác giả Dương Trọng Hiếu
(Trích trong "Kể chuyện thành ngữ tục ngữ" - NXB KHXH)


Mời xem thêm các bài viết khác trong phần Thành Ngữ - Điển Tích 

0 comments:

Post a Comment

 
;