Thursday 4 July 2013

Khoai Mì Hấp (Sắn Hấp)


Củ Khoai Mì (Cassava) là gọi theo người miền Nam.  Người miền Bắc gọi là Củ Sắn (Cassava); trong khi đó Củ Sắn (Jícama) theo người miền Nam lai chính là Củ Đậu (Jícama) của người Bắc.  Bởi vậy nên đôi khi mới có những chuyện cười muốn bể bụng chung quy cũng chỉ vì việc gọi tên khác biệt khiến hiểu sai ý của nhau. Rắc rối chữ nghĩa từ ngữ quá phải không hở?

Vậy còn món Khoai Mì Hấp thì sao hở?  Có giản dị dễ làm hay cũng lại rắc rối khiến... nhức đầu?


Nếu có hứng thú muốn biết, xin mời xem thêm chi tiết và hình ảnh...



Như đã nhắc đến ở trên, Củ Sắn (Jícama) theo người miền Nam lai chính là Củ Đậu (Jícama) của người Bắc.  Bên dưới là vài tấm hình Tứ Diễm tìm được trên mạng


Trong bài viết nầy, Tứ Diễm muốn nhắc đến một món ăn chế biến từ loại  Củ Sắn hay Củ Khoai Mì (Cassava) như hình bên dưới (mượn từ trên mạng).  Phải lập lại một lần nữa để tránh việc hiểu lầm, hiểu sai ý.  Đúng là chuyện nhỏ hơn... con thỏ mà cũng rắc rối lộn xộn ghê hén.

VÀI ĐIỀU VỀ CỦ SẮN (KHOAI MÌ)

Trích dẫn nguyên văn theo Wikepedia, "Sắn hay Khoai Mì (danh pháp hai phần: Manihot esculenta; tên trong các ngôn ngữ khác: cassava, tapioca, yuca, mandioca, manioc, maniok, singkong, ubi kayu, aipim, macaxeir, kappa, maracheeni) là cây lương thực ăn củ có thể sống lâu năm, thuộc họ Đại kích (Euphorbiaceae)."

"Được mùa chớ phụ ngô, khoai.  Đến khi thất bát biết ai bạn cùng" (ca dao).  Nhắc đến Sắn hay Khoai Mì chắc chẳng xa lạ gì với nhiều người vì đây là một loại thực phẩm khá phổ biến trong đời sống thường ngày, có thể dùng như món ăn chơi vui miệng, chế biến làm thành nhiều loại món ăn món bánh hấp dẫn, và cũng đã có những thời kỳ trở thành món thực phẩm chính giúp rất nhiều người sống qua ngày.

Nhưng hình dáng cây sắn (khoai mì) nhìn ra sao, chắc hẳn không phải ai cũng biết rõ, chẳng hạn như Tứ Diễm dạo còn nhỏ nè, vì ở thành phố đâu có đất để trồng khoai mì cho mình ngắm nhìn chứ.   Vậy thì sẵn đây, Tứ Diễm xin phép mượn tạm một số hình ảnh sưu tầm được từ nhiều nguồn trên mạng mang vào đây để chúng ta cùng nhau nhìn xem sơ qua mặt ngang mũi dọc của họ nhà Sắn - Khoai Mì nha

Đây là hình những luống Sắn - Khoai Mì được trồng ngay hàng thẳng lối nhìn xanh mát mắt ghê hén

Còn đây là hình một cây Sắn - Khoai Mì vừa được đào và nhổ lên, phía dưới gốc là những củ khoai mì mọc thành chùm

Hình bên dưới cho thấy rõ hơn hình dáng cùng cấu tạo các phần rễ, gốc, thân, lá và củ Sắn (Khoai Mì), có thể click vào hình để xem rõ hơn


Sau khi đã tách rời riêng từng củ, cọ rửa sạch đất, những củ Sắn (Khoai Mì) sẽ như hình bên dưới. 

Bên trong lớp vỏ ngoài nhám mỏng mầu nâu xấu xí (còn gọi là vỏ lụa), và một lớp vỏ dẻo dai mầu nâu đỏ (còn gọi là vỏ mủ, vì trong lớp vỏ nầy có chứa chất nhựa chứa độc tố HCN) là phần ruột trắng đục, ở chính giữa có một lõi xơ.   Hình bên dưới (mượn từ trên mạng) cho thấy rõ hơn hai lớp vỏ và phần ruột của củ Sắn (Khoai Mì)


VÀI ĐIỂM CẦN LƯU Ý

Tuy lá và củ Sắn (Khoai Mì) có chứa các chất dinh dưỡng giúp nuôi sống cơ thể, nhưng bên cạnh đó, lại có chứa một lượng độc tố HCN, với hàm lượng cao thấp tùy theo giống khoai, cách trồng, nơi canh tác, thời gian thu hoạch, cách chế biến, vv.. vv...  Theo tài liệu cho biết, nếu ăn khoảng 20 mg HCN có thể gây ngộ độc, và nếu trên 50 mg HCN có thể khiến tử vong cho người khoảng 50 kg.   Muốn loại bỏ độc tố, cần phải gọt bỏ vỏ, rửa sạch, ngâm nước đủ lâu và thay nước, cũng như dùng các cách biến chế thích hợp.  Nếu muốn biết thêm chi tiết xin mời ghé đọc thêm trong bài viết Sắn (thuộc trang Wkipedia),

Theo Wkipedia, cần lưu ý một số điểm như sau (trích dẫn nguyên văn):
  • Sắn phải được lột bỏ vỏ, cắt bỏ phần đầu và đuôi vì những phần này chứa nhiều độc chất. Ngâm trong nước qua đêm, luộc với nhiều nước và mở nắp nồi khi luộc. Mục đích là để độc tố tan theo nước và bốc hơi theo hơi nước.
  • Không ăn đọt sắn, sắn cao sản, sắn lâu năm, sắn có vị đắng. Những loại này chứa rất nhiều độc chất.
  • Không cho trẻ em ăn nhiều sắn.
  • Không nên ăn sắn nguyên củ nướng hoặc chiên vì độc chất còn nguyên chưa bị khử.
Đọc tới đây, chắc hẳn cũng cảm thấy hơi phiền hà rắc rối với họ nhà Sắn (Khoai Mì) quá hén.   Nhưng "tưởng vậy mà không phải vậy" đâu, chỉ cần chịu khó gọt vỏ, ngâm nước, thay nước và đừng cùng lúc ăn số lượng quá nhiều thì mọi việc dễ dàng hơn nhiều.

VÀI CÁCH GỌT VỎ CỦ SẮN (KHOAI MÌ)

Vậy muốn gọt bỏ lớp vỏ bên ngoài thì phải làm cách nào?   Bên dưới là vài cách làm, xin tùy ý chọn lựa

Cách #1: Cắt Bỏ Phần Vỏ Theo Đường Cắt Thẳng Đứng
Nếu chỉ muốn gọn lẹ dễ dàng và cũng không quan tâm tới việc bỏ phí một phần ruột củ Sắn (Khoai Mì) thì chỉ cần dùng dao cắt như hình bên dưới (Tứ Diễm mượn trên mạng). 


Khi gọt xong, củ Sắn (Khoai Mì) sẽ tương tự như hình bên dưới (lượm trên mạng), nhìn thấy các vết cắt, không được trơn láng  đẹp mắt


Cách #2: Gọt Vỏ Theo Hình Xoắn Ốc
Còn có cách gọt vỏ khá đơn giản mà lại đạt kết quả tốt hơn nhiều, Tứ Diễm thích làm như vầy nè:
  1. Cắt bỏ bớt một đoạn ở hai đầu củ Sắn (Khoai Mì)
  2. Đặt củ Sắn (Khoai Mì) lên thớt, tay phải cầm cán dao, đặt lưỡi dao lên một phần đầu củ Sắn (Khoai Mì), vừa đè để cắt đứt phần vỏ lụa + vỏ mủ thành đường hơi chênh chếch, vừa dùng tay trái xoay củ Sắn (Khoai Mì) để vết cắt liên tục, tạo thành hình xoắn trôn ốc (spiral) cho tới khi đụng phần đầu kia của củ Sắn (Khoai Mì).
  3. Dùng mũi nhọn lưỡi dao lách vào vết cắt, từ từ tách phần vỏ lụa + vỏ mủ rời khỏi phần ruột bên trong
  4. Sau khi đã tách rời xong, củ Sắn (Khoai Mì) sẽ trơn láng không giống như cách cắt vỏ ở trên

Xem hình để hiểu rõ hơn nha (vì không có sẵn hình trong máy nên Tứ Diễm sưu tầm một số hình ảnh ở trên mạng chỉ dẫn cách gọt củ sắn rồi tổng hợp lại thành hình bên dưới), có thể click vào hình để xem rõ hơn


Cách #3: Gọt Vỏ Theo Cách Tách Rời Từng Miếng Nhỏ
Nếu vẫn còn chưa hài lòng với hai cách gọt vỏ ở trên, xin mời xem thử một cách làm khác được chỉ dẫn trong video clip bên dưới do Tứ Diễm sưu tầm trên mạng nha

Video Clip: Khoai Mì Hấp (Steamed Cassava)



Cách #4: Mua Loại Đã Gọt Vỏ Sẵn

Còn nếu không có thời gian để gọt vỏ, ngâm Sắn (Khoai Mì) hay không tìm mua được những củ Sắn (Khoai Mì) tươi ngon, chúng ta cũng có thể mua tạm các củ Sắn (Khoai Mì) đông lạnh bán ở chợ.  Có rất nhiều hiệu được bầy bán ở các chợ, Tứ Diễm chỉ mượn tạm một tấm hình tìm trên mạng mang vào đây để dễ hình dung hơn nha, có thể click vào hình xem rõ hơn


Nẫy giờ viết khá dông dài, nhưng vẫn chưa đề cập tới chủ đề chính của bài viết.  Xin mời xem tiếp theo nha

SẮN (KHOAI MÌ) HẤP
Sau khi đã gọt vỏ, rửa sạch, ngâm nước khoảng 1 ngày hay ít nhất qua đêm xong có thể hấp chín trong xửng (chõ), food steamer, vv.. vv...   hay áp dụng theo cách dùng nồi pressure cooker đã chỉ dẫn trong video clip ở trên

Riêng Tứ Diễm, thay vì đem hấp, Tứ Diễm dùng khoai mì đông lạnh đã gọt sẵn vỏ bán ở chợ, ủ chín trong nồi thermal cooker.   Ăn kèm với dừa nạo và muối mè như vầy nè.



Nếu còn dư, sau khi đã ngán ăn Sắn (Khoai Mì) luộc, Tứ Diễm "úm ba la" ra món Khoai Mì Viên như trong hình bên dưới.  Đây là tên gọi là do Tứ Diễm tự đặt ra nên nghe hơi lạ tai, phải không? Có thể xem thêm chi tiết trong bài viết Khoai Mì Viên



Xin mời thưởng thức


0 comments:

Post a Comment

 
;