Monday 28 September 2015

Bánh Trái Đào 2015


Đào là một loại trái cây vừa ngon vừa đẹp lại vừa bao hàm nhiều ý nghĩa tốt đẹp.   Tương truyền Tây Vương Mẫu (là phu nhân của Ngọc Hoàng) cai quản một vườn Đào Tiên, mỗi một ngàn năm mới đơm lá, mỗi ba ngàn năm mới  trổ hoa nên rất hiếm quý.  Thường phải chờ đến sáu ngàn năm mới có có thể mở tiệc gọi là Hội Bàn Đào để thiết đãi các vị thần tiên.  Ăn một quả đào sẽ được trường sinh bất lão.  Vì thế Quả Đào mang ý nghĩa tượng trưng cho sự Trường Thọ, sống lâu sống khỏe.

Đây là một số Bánh Trái Đào do Tứ Diễm làm để mừng Thọ một vị thân thuộc.


Mời cùng vào bếp nha


Trong văn chương nghệ thuật, Quả Đào thường được xem là biểu tượng cho sự Trường Thọ, Trường Sinh Bất Lão.  Trong bộ Tam Đa Phúc Lộc Thọ, ông Thọ thường mang hình dáng một cụ già râu tóc bạc phơ, gương mặt hiền từ, tay cầm lộc trượng, tay cầm một quả đào tượng trưng sự trường thọ.   Cây Đào xum xuê trĩu nặng trái vừa mang ý nghĩa trường thọ vừa như lời chúc sức khỏe và hạnh phúc.

Trong nhân gian, hình dáng Trái Đào thường được chọn làm chủ đề chính cho các món quà chúc Thọ, chẳng hạn như Khánh Vàng hình Quả Đào, Cây Đào Ngọc trĩu nặng sai trái, Bánh Bao Trái Đào, vv.. vv..

Ngoài việc làm món Rau Câu Đồng Tùng Hạc Diên Niên như trong hình bên dưới (xem thêm chi tiết và hình ảnh trong bài Rau Câu Đồng Tùng Hạc Diên Niên)


Tứ Diễm còn làm thêm món Bánh Trái Đào để mừng Thọ 80 tuổi một vị thân thuộc. 



Bánh Trái Đào

Với món Bánh Trái Đào, Tứ Diễm chỉ nặn bằng tay, hoàn toàn không cần dùng khuôn hay các dụng cụ gì đặc biệt. 

Tứ Diễm dùng đậu Lima Beans loại lớn, vo sạch xong ngâm ít nhất qua đêm để vỏ mềm.  Bóc vỏ, rửa sạch, cho vào nồi Thermal Cooker nấu với nước sôi rồi đem ủ cho đậu chín.  Với cách làm nầy khỏi cần mất công canh bếp và cũng tiết kiệm năng lượng.

Sau đó xay nhuyễn, sên với ít đường và dầu rồi thêm bột bánh dẻo cho vừa mức.


Nhồi bột + đậu thành khối dẻo mịn xong chia làm ba phần không đều nhau.   Phần ít nhất pha mầu xanh lá cây để làm lá.  Phần nhiều nhất pha chút mầu đỏ để ửng sắc hồng.   Phần còn lại không pha mầu.   Món nầy Tứ Diễm muốn ngon nên sên thêm nhân đậu xanh.

Chia làm nhiều phần đều nhau.  Tứ Diễm làm 52 trái đào nên mỗi loại đều chia ra 52 viên như trong hình bên dưới.


Viên mầu xanh chia làm ba, nặn hình ba chiếc lá.   Viên đậu xanh sẽ làm nhân, tượng trưng cho hạt đào.  Viên hồng và trắng làm vỏ bên ngoài của trái đào.


Sau khi nặn xong sẽ có một quả Đào xinh xắn như vầy nè.  Vì nhân và vỏ đều đã chín nên có thể ăn ngay liền được.


Vài quả Đào Tứ Diễm vừa nặn xong.   Làm gấp cho kịp thời gian mang đi dự tiệc nên chưa được đẹp lắm, xem tạm vậy nha


Hôm đó nhờ mấy bé cháu giúp một tay nặn các quả Đào nên vừa nhanh vừa vui vì các bé cũng có dịp học làm một kiểu bánh dễ thương.   Bầy ra đĩa một số Quả Đào.   Còn nhiều nữa nhưng lúc làm xong là bắt đầu nhập tiệc nên Tứ Diễm không chụp hình.


Bánh Trái Đào nhỏ xinh, vừa ăn một hay hai miếng.   Tuy vỏ Bánh Trái Đào cũng có dùng bột nếp rang như món Bánh Dẻo, nhưng số lượng bột bánh dẻo dùng rất ít, chỉ vừa để tạo độ dẻo mịn thôi.   Đa số là đậu Lima nên vỏ Bánh Trái Đào có hương vị không giống Bánh Dẻo


Lớp vỏ phía ngoài gồm bột bánh dẻo trộn với đậu Lima đã sên dẻo mịn, thơm thoang thoảng mùi vanilla.  Nhân đậu xanh bùi thơm.  Cắn một miếng Bánh Trái Đào thong thả nhai sẽ thấy các hương vị hòa quyện và tan trong miệng.  Món Bánh Trái Đào nầy ăn ngon mà lại không ngán.  


Mời cùng ngắm món Bánh Trái Đào đơn giản mà ngon và bao hàm nhiều ý nghĩa tốt đẹp



Mời xem thêm các bài viết

0 comments:

Post a Comment

 
;