Monday 6 August 2012

Bài Viết - Các Món Dồi

Trong bài viết nầy sẽ bao gồm một số tài liệu sưu tầm từ trên mạng liên quan tới các món Dồi.

Nếu muốn xem thêm hình ảnh và công thức các món dồi khác, xin mời ghé các bài viết:
Xin mời xem thêm chi tiết...




Dồi
Bách khoa toàn thư mở Wikipedia


Dồi là một món ăn được làm từ (lòng lợn, lòng chó) hoặc thân động vật có dạng hình ống, được nhồi đầy hỗn hợp gồm huyết và các loại rau gia vị, các loại gia vị như muối, tiêu, bột ngọt, nước mắm, tỏi và lạc (đậu phộng), đậu xanh. Sau khi nhồi đầy chặt thì được hấp cách thủy cho chín và / hoặc nướng.

1. Khái quát về cách làm

Dồi sử dụng ruột động vật, thân động vật dạng ống, cổ của những loại thủy cầm được làm thật sạch. Nguyên liệu nhồi vào bên trong thường được xay, băm nhuyễn, phối trộn rất nhiều loại gia vị, các loại rau thơm tùy theo vỏ ngoài của dồi là động vật gì, sau đó nhồi chặt vào, thắt từng khúc bằng dây nếu đoạn dồi quá dài. Đem hấp cách thủy hoặc luộc và thỉnh thoảng dùng que nhọn xăm lỗ cho chảy bớt nước bên trong ra, không làm cho thành phẩm bị nứt vỡ. Một số loại dồi sau khi hấp chín được nướng để tăng hương vị, đồng thời làm hình thức sản phẩm hấp dẫn hơn.

2. Các loại dồi

Dồi chó:
Thường dùng nguyên liệu được phối trộn rất cầu kỳ bao gồm các loại hạt đậu xanh, hạt điều, đậu nành rang vàng giã nhỏ, cơm nếp giã nhuyễn nát, các loại lá thơm như lá mơ tam thể, lá chanh, lá gừng, lá sung, búp ổi, húng lủi được gia giảm tùy địa phương, và không thể thiếu lá cúc tần là loại cây thường mọc hoang hoặc trồng làm bờ dậu. Gia vị thì phải đủ sả, tỏi, nước củ riềng, mắm tôm, mẻ. Nguyên liệu chính là thịt thì phải có thịt chó, thịt lợn, gan chó, óc lợn, mỡ gáy lợn, một chút mật chó, và tiết chó. Thịt lợn và mỡ gáy lợn cho món dồi chó vị ngọt đậm đà và có hình thức bóng mượt. Cơm nếp bóp trộn với tiết làm chất kết dính các nguyên liệu khác đã được băm nhỏ, nhồi vào lòng chó đã làm sạch. Sau khi nhồi xong, đem hấp chín và nướng vàng sậm màu cánh gián.

Dồi lợn (Dồi heo):
Dồi lợn (heo), mặc dù dồi thường có nội hàm hẹp hơn chỉ món lòng đã nhồi thực phẩm bên trong) là tên gọi khái quát để chỉ hầu hết các phủ tạng lợn được luộc, hấp hoặc nướng. Đây là một trong số những món ăn dân dã hết sức phổ biến ở Việt Nam và có lẽ cũng xuất hiện tại nhiều nước trên thế giới, tuy hiếm khi được đánh giá cao trong ẩm thực châu Âu, nơi mà nhiều nước chỉ dùng bộ lòng như một thứ nguyên liệu để nhồi xúc xích, lạp xường. Xem thêm chi tiết ở bài kế tiếp (bên dưới).

Dồi lươn:
Làm chết lươn, tuốt sạch nhớt moi bụng và mổ bỏ ruột. Dùng dao cắt lìa phần xương thịt ở phía cổ lươn nhưng không làm đứt rời, đảm bảo da lươn được liền từ đầu chí đuôi. Do phần đuôi lươn quá nhỏ nên khó lột da được, người ta phải cắt ngang cả thịt xương phần thân lươn cuối cùng cách đuôi lươn một đoạn khoảng từ 6-10 phân. Phần xương và thịt lươn được lọc bỏ xương, chỉ lấy thịt băm nhuyễn trộn với thịt nạc lợn, mộc nhĩ, miến, gia vị, đường, hạt tiêu để nguyên hạt, nước mắm, dùng muỗng nhồi trộn đều vào nhồi đầy vào da thân lươn đã lột trước đó. Xếp lươn vào nồi, cho hành tây đã bổ dọc củ lên lên và đổ nước cốt dừa đun xăm xắp. Khi ăn thì rắc chút lạc rang vàng giã dập (trong Nam gọi là đâm ba xồn) lên.

Dồi rắn:
Cách làm tương tự dồi lươn nhưng thường không bỏ xương rắn mà băm thật nhuyễn, thường có rau răm băm nhỏ cho vào phối trộn với gia vị.

Dồi cổ vịt, ngan, ngỗng:
Vịt, ngan, ngỗng chọn loại chắc con không nên dùng loại quá nhỏ thịt kém ngon hay bị nát. Cắt tiết sát phần đầu để giữ lại đoạn cổ vịt, ngan, ngỗng được dài. Lấy đoạn cổ dài độ một gang tay trở lên và lột lấy phần da sống cổ, lấy thịt lợn và chút thịt vịt, ngan, ngỗng băm thật nhỏ trộn với một ít tiết, rau mùi, rau răm, hạt dổi, củ sả băm nhỏ, nhồi vào da cổ làm được một khúc dồi, đem luộc chín vớt ra cắt thành miếng vừa phải xếp lên đĩa. Dồi vịt, ngan, ngỗng ăn có vị đặc biệt béo, đậm đà rất ngon.

3. Một số đồ ăn tương tự của ẩm thực các nước khác

Black pudding
Loại dồi lợn của châu ÂuXúc xích: xúc xích có thể coi là một dạng dồi thường dùng thịt xay, tỏi, hạt tiêu, vỏ ngoài làm từ ruột non động vật (bò, lợn) bào thật mỏng. Nổi tiếng là các loại xúc xích Đức.

Lạp xường:
Gần tương tự như xúc xích, nhưng thường có nhiều mỡ xắt hạt lựu làm nhân, dùng diêm tiêu tạo màu đỏ, hấp chín và phơi khô se lại để bảo quản lâu dài.

Xúc xích nhồi tiết cũng là món ăn truyền thống của nhiều nước khác, nhưng các món này có thành phần gia vị khác với các loại dồi của Việt Nam.

4. Dồi trong ca dao Việt Nam

Ca dao Việt Nam có câu bất hủ về món dồi chó:
Sống ở trên đời (không được) ăn miếng dồi chó
Chết xuống âm phủ biết có hay không? 





Dồi Heo (Dồi Lợn) & Lòng Lợn
Bách khoa toàn thư mở Wikipedia


Lòng lợn (có nơi gọi là dồi lợn, mặc dù dồi thường có nội hàm hẹp hơn chỉ món lòng đã nhồi thực phẩm bên trong) là tên gọi khái quát để chỉ hầu hết các phủ tạng lợn được luộc, hấp hoặc nướng. Đây là một trong số những món ăn dân dã hết sức phổ biến ở Việt Nam và có lẽ cũng xuất hiện tại nhiều nước trên thế giới, tuy hiếm khi được đánh giá cao trong ẩm thực châu Âu, nơi mà nhiều nước chỉ dùng bộ lòng như một thứ nguyên liệu để nhồi xúc xích, lạp xường.

Nguyên liệu

Gọi là lòng lợn một cách khái quát, nhưng món ăn lòng lợn bao gồm nhiều nguyên liệu là phủ tạng lợn trong đó thường lòng non (lòng xe điếu) và lòng già chiếm một tỷ lệ chủ đạo. Đĩa lòng lợn thông thường còn bao gồm cả các phủ tạng khác như: tim, gan, lá lách, dạ dày, cổ hũ, trễ (dạ con và ống dẫn trứng còn gọi là "tràng", thường không nhồi, rất ngon nếu được nướng), cật (quả thận). Tuy nhiên, tim, dạ dày, trễ, thận là những món được người Việt đánh giá có chất lượng cao, nên khi bán kèm đĩa lòng lợn sẽ khiến giá thành của món ăn cao hơn

Chế biến

Dồi
Món lòng già được gọi là dồi thường làm rất công phu. Lòng già thông rửa rất kỹ, lộn trái để các lá mỡ của phía ngoài lòng quay vào trong trước khi nhồi thực phẩm. Món dồi nhồi nguyên liệu này lại phân chia ra hai trường phái Bắc và Nam[1]. Người Nam dùng ruột non chứ không dùng ruột già và dùng thịt vai xắt hạt lựu cỡ một phân và huyết (tiết) chín cũng xắt cỡ đó, trộn chung với đậu xanh, hạt tiêu rang vàng đâm giập giập, rau răm, rau húng quế xắt nhỏ. Vì ruột non nên dồi không lớn và khi luộc (hấp) chín, miếng dồi được đem chiên vàng ruộm.

Món dồi của dân Tây Ninh lại dùng ruột già như dồi Bắc. Người Bắc chọn cái ruột không quá lớn, cũng không quá nhỏ, dùng nước gạo vo tuốt lòng. Nhân dồi gồm sụn cổ họng, mỡ sa, rau răm băm nhuyễn, hành hoa xắt nhỏ, cùng với tiết đông bóp vụn trộn đều, rồi nhồi vào ruột già và lấy lạt thắt hai đầu lại thành từng đoạn (tương tự như cách nhồi xúc xích của phương Tây). Món dồi Bắc không chiên hay nướng mà luộc, khi luộc thì thường dùng que xăm lỗ để cho nước chảy ra, không làm dồi bị nứt, vỡ. Món dồi ngon hay không còn do tiết có bị hãm mặn hay không và hỗn hợp các thứ phụ gia điều chế hài hòa.

Các loại phủ tạng khác
Ruột non rửa thật sạch cả trong và ngoài, tuy có nhiều vùng chỉ rửa vừa phải để ăn cả chất sữa hơi ngâm ngẩm đắng trong ruột non (được gọi là phèo). Các phủ tạng khác như dạ dày cũng cần lộn trái và rửa thật sạch. Trễ, tim, gan rửa sơ vì những phủ tạng này đã sạch sẵn. Nếu có quả cật lợn luộc, thường phải bổ đôi và nạo bỏ phần trắng rất hôi trong cật.


Trình bày

Sau khi luộc chín, các thành phần trên sẽ được thái bày lên đĩa đem ra bàn ăn với dồi, lòng non, trễ thái khúc ngắn lót dưới, các loại tim, gan, cật thái lát mỏng to bản bày lên trên. Trên cùng bày mấy dọc hành hoa chần.

Nước luộc lòng lợn có thể tận dụng để nấu cháo lòng hoặc làm nước canh ngon ngọt với chút hành hoa xắt nhuyễn rắc lên trên bát.

Gia vị ăn kèm

Nước chấm: thường dùng mắm tôm đánh sủi bọt với rượu trắng, nước cốt chanh, ớt xắt lát, chút mỡ nước, và đường, mì chính. Nếu thực khách không ăn được mắm tôm, có thể thay bằng nước mắm, hoặc bột canh vắt chanh, trộn mấy lát ớt. Tuy nhiên những loại nước chấm này, ngoại trừ mắm tôm, đều không đúng điệu.

Dọc hành hoa chần bày trên đĩa lòng hoặc bày trong một đĩa riêng.

Rau thơm các loại: thường có rau húng chó, húng quế, húng thơm, rau ngổ tương tự như khi ăn tiết canh lợn.

Thưởng thức

Dùng như một món trong bữa ăn
Đĩa lòng lợn có thể được ăn như một món thức ăn trên mâm cơm gia đình, nhưng thường thấy trong Ẩm thực Việt Nam là sự kết hợp trong tính chuyên biệt của bộ ba: tiết canh, lòng lợn, và cháo lòng được nấu từ nước luộc lòng lợn nói trên. Chính ba món ăn này đã tạo nên những thương hiệu các quán lòng lợn tiết canh phổ thông trong cả nước, nơi mà thực khách, bạn nhậu (thường giới hạn, ít khi đông đảo như các quán bia hay rượu dân tộc) có thể gặp gỡ nhau bên chén rượu cuốc lủi với hàng trăm thứ chuyện nhân tình thế thái.


Sử dụng như nguyên liệu nấu các món khác
Lòng non, lòng già (nhồi tiết, thịt, gia vị) của lợn đã luộc có thể xào với dưa cải muối rất ngon. Dạ dày lợn sống thái mỏng xào với các loại rau củ quả (xu hào, cà rốt, cần tây, tỏi tây v.v.) cũng là một trong những món ăn khoái khẩu đối với nhiều thực khách. Ngoài ra, dạ dày lợn luộc cũng có thể được làm dưới dạng nộm với rau thơm và lạc rang, ăn rất lạ miệng.

Tim, gan, cật lợn thường để tươi sống và xào nấu với các rau củ quả tương tự như món dạ dày lợn nói trên hoặc nấu cháo tim cật. Tim lợn còn được nhồi với hạt sen và một số loại thuốc bắc để tần, hấp, làm món ăn bổ dưỡng cho những người mới ốm dậy hoặc mới sinh nở.


Biến thể

Một số dân tộc Tây Nguyên trong lễ bỏ mả có nhiều món thịt sống làm với thịt và lòng lợn như món "nhăm đinh" gồm thịt sống, gan sống, ruột già, ruột non chưa luộc băm trộn với muối ớt; món "nhăm tăc" gồm thịt băm trộn với tiết và phèo lấy từ ruột non; "nhăm pơra" thịt với phèo băm lẫn gói vào lá; món "nhăm pa" thịt mỡ trộn tiết, phèo và chút muối ớt. Hầu hết các món đều sử dụng chất phèo trong lòng non của lợn để làm "chín" thực phẩm một cách tự nhiên.


Dồi Heo
sưu tầm - unknown author


VẬT LIỆU
  • 300 gr thịt nạc dăm băm nhuyễn
  • 100 gr da heo rửa sạch, luộc chín, thái nhỏ
  • 300 gr ruột heo làm sạch
  • 1 nhánh sả băm nguyễn
  • Nước mắm
  • tiêu, đường, bột nêm, ớt
  • củ hành bằm nhuyễn

CÁCH LÀM
Ðây là món ăn khá ngon làm từ lòng heo ... Trộn thịt, da heo với tỏi, sả, ớt, nước mắm, bột nêm, tiêu, đường, củ hành băm cho đều. Để trong tủ lạnh khoảng 24 tiếng cho thấm. Rồi mới đem ra nhồi vào ruột heo hay casing theo cách đã ghi trong các bài trước.

Hấp hay luộc chín ( nên dùng kim châm , châm vào ruột để tránh tình trạng bể )
Để nguội , chiên vàng đều ngon

(sưu tầm - unknown author)




Sự hấp dẫn của món dồi
sưu tầm


Có nhiều loại dồi khác nhau: dồi chó, dồi lợn, dồi rắn, dồi lươn..., mỗi loại lại có cách chế biến riêng tùy theo từng địa phương. Mỗi món dồi có sức hấp dẫn riêng làm say lòng thực khách.

Một miếng dồi chó "đúng chuẩn" phải hội được vị lá mơ, cái beo béo của đậu xanh, thoang thoảng mùi mẻ, riềng, mắm tôm, cái béo dịu dàng của mỡ chó. Nhưng để đậu xanh không bị "hư hỏng", dồi phải được nướng chứ không chiên.

Thông dụng và dễ xử hơn cả là dồi heo (dồi lợn). Dồi heo phân ra hai trường phái Bắc và Nam. Người Nam dùng ruột non chứ không dùng ruột già. Họ dùng thịt vai xắt cỡ một phân và huyết chín cũng xắt cỡ đó, rồi trộn chung với đậu xanh, tiêu rang vàng đâm giập giập, trộn với rau răm, húng quế xắt nhỏ. Vì ruột non nên dồi không lớn và khi chín, miếng dồi được chiên vàng ruộm. Món dồi của dân Tây Ninh lại dùng ruột già như dồi Bắc. Người Bắc chọn cái ruột không quá lớn, cũng không quá nhỏ, dùng nước gạo vo tuốt lòng. Nhân dồi gồm sụn cổ họng, mỡ sa, rau răm băm nhuyễn, cùng với huyết trộn đều, rồi cho vào ruột già. Đặc biệt dồi Bắc không chiên. Món dồi ngon hay không còn do huyết có bị hãm mặn hay không và hỗn hợp các thứ phụ gia điều chế hài hòa.

Dồi phải đi với cháo. Hễ nơi nào món cháo lòng được chăm chút, thì ít khi bạn ăn phải món dồi cát ơi là cát, và phải thề một đi không trở lại nhìn mặt cô chủ quán.

Sau dồi heo là dồi rắn. Dồi rắn chỉ ngon khi độ bằm của xương thật mịn. Có nơi lóc bỏ xương hoặc không lấy hết xương mà chỉ lấy một phần, để cho trong cái mềm kia có những điểm cứng tạo sự hài hòa của miếng ăn. Dồi rắn ngon ở chỗ cái béo của lớp da với điều kiện là người ta đừng chiên già quá làm da bị giòn rộp lên, mỡ bị phóng thích hết.

Cuối cùng của công phu là dồi lươn. Để chế biến món dồi lươn, trước tiên người ta làm cho lươn chết rồi dùng tro hoặc cám tuốt sạch nhớt, moi bỏ ruột, rửa sạch. Dùng dao cắt lìa phần xương thịt ở phía cổ lươn như cách cắt rắn - không làm đứt rời, đảm bảo da lươn được liền từ đầu chí đuôi. Do phần đuôi lươn quá nhỏ nên khó lột da được, người ta phải cắt ngang cả thịt xương phần thân lươn cuối cùng cách đuôi lươn một đoạn khoảng từ 6-10 phân. Trong phần xương thịt lươn, người ta lọc bỏ xương chỉ lấy thịt, băm nhuyễn rồi trộn với thịt nạc heo, nấm mèo, bún tàu (miến) cũng đã được băm nhuyễn cùng với gia vị, đường, nước mắm, tiêu sọ để nguyên hạt.

Dùng muỗng nhỏ trộn đều và múc hỗn hợp thịt băm cho vào đầy da thân lươn đã lột ra trước đó như làm dồi lợn, dồi chó. Dồn thịt xong, khoanh tròn nguyên con lươn đặt vào nồi, lấy củ hành tàu lột bỏ vỏ lụa, cắt đúng làm tư nếu là hành nhỏ, hoặc làm tám nếu là hành to xếp lên trên.

Đổ nước cốt dừa ngập thân lươn rồi bắc lên bếp, để lửa riu riu. Khi nước cốt dừa sôi lên vài lượt thì nêm gia vị, đường, nước mắm cho vừa ăn, xong múc ra đĩa, rắc đậu phộng giã giập lên trên.

(Theo Sài Gòn Tiếp Thị)
 
 Không phải ai cũng dám / thích hay muốn ăn thịt chó. Thậm chí đó còn là hành vi phạm luật ở nhiều nước. Tuy nhiên, chắc hẳn các bạn cũng đã từng nghe những lời ca tụng về món Dồi Chó. Bài viết bên dưới sưu tầm được chỉ với mục đích giải đáp phần nào thắc mắc của những ai muốn biết qua về món ăn nầy eyelashes1.gif

---rose.gif---

DỒI CHÓ
(sưu tầm - unknown author)


“Sống trên đời không ăn miếng dồi chó
Chết xuống âm phủ biết có hay không”


Có lẽ tự cổ chí kim trong kho tàng ẩm thực Việt chưa có món ăn nào được giới thiệu "bạt mạng" như vậy.

Món dồi chó giờ đây đã dở nhứt trong bảng xếp hạng ẩm thực Việt Nam.

Trong khi đó một nhà báo Mỹ nổi tiếng là Patrica Schultz trong tác phẩm 1.000 place to see before you die (1.000 nơi bạn cần đến trước khi chết), thì mãi đến thế kỷ 21 mới có kiểu nói ca ngợi cái thú vui đi “ăn, chơi" trước khi bạn nhắm mắt, mà phải tới 1.000 địa chỉ với biết bao nhiêu điều thú vị cần tìm hiểu. Trong khi đó ông cha ta cô đúc lại chỉ còn một món dồi chó duy nhất mà thôi cũng đã đủ để khuyên bạn thử qua trước khi chỉ còn hưởng khói hương.

Nhưng miếng dồi chó có đúng là ngon đến độ chưa ăn được quả là uổng phí cả đời hay không? Thật tình mà nói bây giờ, đến các nơi bán thịt chó phổ biến, kể cả lừng danh ở Sài Gòn, sau những hăm hở để ăn miếng dồi chó đã được "phong tước" trong nền văn hoá ẩm thực Việt, thì hỡi ôi, miếng dồi chó tuyệt chiêu trong ca dao tục ngữ của ông bà nhắn nhủ đã chỉ còn là một "hình tượng" văn học. Dồi chó ở Sài Gòn phải nói là một trong những món đệ nhứt dở trong các món chó.

Và đám hậu sinh đâm ra ngờ vực “cái sự bác Ba Phi” trong câu ca dao kia. Tuy nhiên, sau khi chúng tôi gặp một cây đa, cây đề trong làng bếp là bác Bảy Hồng thì quả là món dồi chó danh bất hư truyền.

Một món dồi chó đúng nghĩa phải do một đại cao thủ "DJ" (Disc jockey, người phối trộn âm nhạc) phối vài chục món trong nó. Hạt thì phải có đậu xanh, đậu nành, hạt điều, nếp. Lá thơm thì phải có lá mơ, lá chanh, lá gừng, lá sung, búp ổi, húng lủi. Gia vị thì phải đủ sả, tỏi, củ riềng, mắm tôm, mẻ. Nguyên liệu chính là thịt thì phải có thịt chó, thịt heo, gan chó, óc heo, mỡ gáy heo…

Với bao nhiêu thứ nguyên liệu như vậy để chế biến món dồi chó thì rõ là quá công phu cho một món ăn. Đầu tiên đồ xôi nếp lên cho chín rồi dùng chày giã nhuyễn với đậu nành và hạt điều để sang một bên. Sau đó băm thịt chó, thịt heo vừa nhuyễn vì quá mịn sẽ mất vị thịt. Gan là thứ quý nhất trong chó cũng được băm vừa phải trộn chung với óc heo, độ béo của hai thứ này sẽ “bọc lót” cho nhau tạo nên vị béo đầy đặn, tròn trịa nhất. Cũng như thịt chó phải có chút thịt heo mới đủ tầng độ ngọt của chất thịt. Và sau cùng là mỡ gáy heo cũng được băm và cho vào; mỡ gáy heo có công dụng rất tuyệt vời là khi chiên hoặc nướng sẽ nở phồng làm tăng độ giòn, vị béo, sự mượt mà của món ăn.

Tất cả các món trên được nêm các loại gia vị, cho tiết vào và bóp đều với xôi nếp đã giã nhuyễn. Nhờ chất nhựa của nếp mà các thức trên càng nhồi càng liền lạc với nhau. Tiếp theo đó cho các loại lá thơm cắt nhỏ và đậu xanh hạt vào trộn đều. Xem ra với những nguyên liệu trên phối với nhau làm món dồi chó có vẻ hơi bị ngán vì hơi nhiều chất béo của động vật lẫn thực vật. Nhưng nếu để ý ngoài những gia vị, thì các loại rau thơm cho vào dồi có công dụng làm cho dồi chó có mùi thơm đặc trưng và hãm béo. Các loại búp ổi, lá sung với chất chát của nó đã được ông bà ta tính toán cho vào trong dồi để khử bớt vị ngậy của các chất béo. Còn lá mơ thì đương nhiên phải có vì đây là thứ lá thơm “chuyên trị” của thịt chó. Nhưng lá mơ trong dồi chó lại được hỗ trợ bởi lá riềng, lá gừng và lá chanh vừa tăng hương vị, vừa khử mùi tanh và bảo đảm ấm bụng. Sau khi các nguyên liệu đã trộn đều mới đem nhồi vào ruột và hấp vừa chín, sau đó đem nướng.

Nhìn miếng dồi ngả màu cánh gián, bóng mượt thì có thể biết tay nghề của người nấu đã đạt đến thập thành thượng thừa hay chưa. Vì dồi nướng thiếu lửa không dậy mùi, còn quá lửa thì khô rốc, ăn xảm. Quan trọng trong lúc nướng là phải xối nước mỡ chó phi tỏi vàng ánh, dằn chút riềng, mẻ và mắm tôm. Dồi vừa nướng tới đâu vừa phết hỗn hợp nước mỡ tới đó. Thịt chó ngon đặc biệt ở chỗ mỡ chó hiếm khi nào bị khét nên vừa nướng vừa phết mỡ thì bảo đảm miếng dồi không khét và càng thơm. Nói như bác Hồng là mùi thơm của dồi chó khi nướng bay xa cả cây số còn ngửi thấy.

Đến đây kể như đã xong. Chỉ còn chấm dồi vào mắm tôm là có món ăn để vội vã ăn kẻo nếu một mai có qua đời... Nhưng đã tạo ra "rồng" mà nước chấm không vào hàng "phượng" mà chỉ là "gà" coi như hỏng bét! Nước chấm cho món ăn trong ẩm thực Việt thường là một trong những yếu tố quyết định độ thăng hoa của một món ăn. Trong chén nước chấm món dồi chó cũng phải đủ vị của mắm tôm, riềng, mẻ, gan chó, óc heo và rau húng lủi băm nhỏ thì mới là thứ nước chấm độc đáo dẫn cho món dồi chó trở thành đệ nhất mỹ thực để vào ca dao Việt Nam.

(sưu tầm - unknown author)


Nếu muốn xem thêm hình ảnh và công thức các món dồi khác, xin mời ghé các bài viết:
Hẹn gặp lại trong các bài viết khác nha 


0 comments:

Post a Comment

 
;