Monday 29 September 2014

DIY - Glass Block Installation

Lâu quá không đàn.  Cách đây gần hai tuần, sáng sớm tinh mơ vừa thức giấc tự nhiên cảm thấy ... "ngứa tay" nên Tứ Diễm mang đàn ra gẩy được một hồi, chẳng còn nhớ thời gian đã trôi qua bao lâu.  Mãi đến khi nghe tiếng chuông cửa, mới biết là cũng đã gần 8 giờ sáng.  Hàng xóm ghé qua cho mượn vài loại máy móc dụng cụ.  Thế là trở về lại thực tế, săn tay áo bắt đầu làm thêm một "DIY Project".  Trước đây Tứ Diễm vẫn thích tự làm khá nhiều thứ.  Nhưng chưa bao giờ Tứ Diễm nghĩ sẽ có ngày lại bắt tay tự làm một việc vượt xa ngoài sự ước tính ban đầu quá nhiều đến như vầy.

Đây là khung cửa sổ loại "milk box".  Ngày xưa người ta thường giao sữa tươi đến từng nhà mỗi sáng tinh mơ.  Họ sẽ mở cánh cửa gỗ phía bên hông nhà, đặt chai sữa vào khung gỗ nầy.   Người trong nhà có thể mở cửa gỗ phía trong bếp lấy sữa mà khỏi cần phải đi ra khỏi nhà.  Trong hình là "milk box" đã được phá bỏ phần cánh cửa gỗ phía bên hông nhà.   Phần khung gỗ bên trong đã có chỗ bị cong và đổi mầu, nhìn xí gái quá, phải không hở?  Đó là chưa kể phần khung cửa trống, không kín gió sẽ làm mất nhiệt trong nhà khi trời lạnh. 


Và đây là bước đầu tiên sau khi đã gắn glass block.   Nửa phần hình bên trên là trước khi gắn glass block.   Hai hình bên dưới là sau khi đã gắn xong glass block nhìn từ phía bên ngoài và từ phía bên trong.   Nếu lưu ý kỹ sẽ thấy kích thước khung cửa sau khi đã gắn glass block lớn hơn về bề cao vì Tứ Diễm phải gỡ bỏ một hàng gạch sau đó lại phải xây hẹp hơn mới vừa với kích thước mấy viên glass block.   Rắc rối và mất công cùng thời gian hơn là ở điểm nầy đó


Tuy tạm thời đã làm xong bước đầu, nhưng DIY Project nầy vẫn chưa thật sự hoàn tất vì sẽ còn cần làm thêm phần frame viền chung quanh để nhìn xem đẹp hơn.   Tạm dự tính phần khung sẽ nhìn tương tự như hình nầy.   Ngoài ra, còn cần phải làm thêm một khung để phần bên trong nhìn sạch đẹp hơn


Mời cùng theo dõi hành trình "phá" và "xây" của Tứ Diễm nha




Nhà Tứ Diễm ở được xây cách đây cũng hơn 40 năm nên vẫn còn có khung cửa sổ loại "milk box".  Ngày xưa người ta còn giao sữa tươi đến nhà mỗi sớm tinh mơ, người giao sữa sẽ mở cửa gỗ ở khung cửa phía ngoài đặt chai sữa vào ô cửa sổ.  Đến sáng, người trong nhà mở cánh cửa gỗ phía trong bếp lấy sữa mà khỏi cần bước chân ra khỏi cửa.

Dĩ nhiên đó chỉ là chuyện ngày xưa xửa xừa xưa lâu quá rồi.   Khi gia đình dọn đến ở, khung gỗ vẫn còn nguyên vẹn và để trống.  Lâu ngày các khe gỗ cũng bị hở, đến mùa Đông hơi lạnh theo đó len lỏi luồn vào nhà.  Tứ Diễm đã bịt kín lại để giữ nhiệt, nhưng vẫn không thích giữ cái "milk box" vô tích sự đó, mà muốn thay bằng các viên gạch glass block.

TRƯỚC KHI LÀM

Đây là khung gỗ "milk box" nhìn từ phía bên hông nhà.   Cánh cửa gỗ là thuộc phía trong bếp.  Thoạt tiên, Tứ Diễm nghĩ đơn giản là chỉ cần gỡ bỏ khung gỗ đã cũ đó rồi gắn các viên glass block vào là xong.  Công việc sẽ khá dễ và không hao tốn thời gian cũng như không nặng vốn


Nhưng xưa nay "đời không như ước mơ".  Tính một đàng nhưng rồi thì thực tế lại "đi một nẻo".  Kích thước mấy viên glass block khi xếp lại lớn hơn chiều cao của khung cửa.   Nhìn tới nhìn lui, cuối cùng đành phải chấp nhận việc đục tường để gỡ bỏ một hàng gạch đặng đủ chỗ nhét vừa các viên glass block.

VÀI DỤNG CỤ 

Chỉ riêng việc đục bỏ phần khung gỗ cũ cũng không đơn giản vì họ xây rất kỹ.  Mỗi mặt của "milk box" được ghép bởi 4, 5 lớp gỗ đặt ngang dọc xen kẽ nhau và đóng rất nhiều đinh.   Những lớp gỗ tuy cũ nhưng được đóng đinh ràng lại rất chặt. Gỗ tuy cũ nhưng vẫn còn rấc chắc, muốn phá bỏ cũng tốn khá nhiều thời gian.   Cũng có thể tại Tứ Diễm không có đủ dụng cụ để dùng, chỉ dùng búa và một dụng cụ .... đào cỏ dandelion thay cho cái đục.

Phần gỗ còn lại, Tứ Diễm phải dùng thêm các loại máy cưa khác nhau để cắt.   Những đoạn không dùng cưa máy  được, phải dùng đến cưa tay


Ngán nhất là lưỡi cưa tròn loại nầy.   Đây là lần đầu tiên trong đời Tứ Diễm dùng loại cưa nầy đó, rất ngán vì sơ sót một chút là coi như không có cách chi gắn lại được., .


Ngoài ra còn dùng loại máy cưa Hitachi Cordless Reciprocating Saw 12 V


Tứ Diễm mang thêm cái máy cưa jigsaw nầy nhưng không cần dùng đến


Sau khi đã phá xong khung gỗ, bắt đầu phải dùng đến máy khoan loại có hammer drill để khoan tường.   Thoạt đầu dùng loại DeWalt Cordless Hammer Drill  18 V


Nhưng máy cordless phải đè mạnh tay mới khoan được một mũi, khá tốn thời gian và hao năng lượng.   Tứ Diễm đè hết sức, vận hết "12 thành công lực" và phải "lấy tân" nữa nên khoan xong một mũi là mỏi ê ẩm một bên chân.   Cũng may là mượn được máy khoan dùng điện như vầy nè


Máy cũng hiệu DeWalt Hammer Drill, có một thanh kim loại kèm bên cạnh để canh mức lún sâu vào tường.   Phải khoan ngập mũi khoan, đến ngang tầm thanh kim loại đó thì mới xuyên ngập qua hết viên gạch dầy 10 cm


BẮT ĐẦU KHOAN TƯỜNG

Sau một hồi vận công đã khoan được nhiêu đây mũi.   Mỗi mũi khoan sâu cỡ 10 cm.  Lúc nầy đã 1:30 pm chiều rồi, đói bụng quá phải nghỉ ăn uống một chút rồi mới làm tiếp


Nhưng như vậy vẫn chưa đủ để tách rời các viên gạch đâu à nghen.   Tứ Diễm ngỡ là có thể dùng đục và búa để tách rời các viên gạch ra.   Tuy nhiên, thực tế khá phũ phàng là cần phải khoan thêm nhiều mũi khoan vào các điểm đã đánh dấu đỏ trong hình bên dưới


Nhìn gần hơn các vết đã khoan nha.   Xi măng ngày xưa công nhận rất tốt và cứng, phẩm chất vừa bền vừa tốt hơn xi măng sản xuất sau nầy rất nhiều.   Nhà xây bền chắc thì tốt nhưng lúc cần phá gạch thì đúng là hao sức lao động quá hà



GỠ BỎ GẠCH

Cũng may là mượn được đầy đủ dụng cụ loại tốt, rồi được thêm lời chỉ dẫn của chú hàng xóm nên Tứ Diễm vừa làm vừa học hỏi vừa tập làm quen với cách dùng các loại máy móc.  Cuối cùng rồi cũng gỡ bỏ được viên gạch đầu tiên rồi nè


Mỗi viên gạch dầy cỡ 10 cm hay hơn nữa, được kết dính bằng xi măng rất bền vững


Lần lượt khoan tiếp, rồi cuối cùng cũng gỡ bỏ được năm viên gách tách rời khỏi khung cửa.   Tứ Diễm dùng búa và đục để đẽo và đập bỏ những vụn xi măng còn sót lại.  Quét sạch cát bụi, vụn xi măng xong nhồi phần insulation vào các kẽ tường trước khi xịt insulation foam



XÂY KHUNG CỬA

Thoạt đầu, Tứ Diễm nghĩ sẽ xếp ba viên gạch nằm ngang rồi xây xi măng che kín để làm bệ cửa sổ.    Nhưng sau khi đo kỹ lại, nếu dùng những viên gạch thì sau khi nhét glass block vào, không còn nhiều chỗ tróng để gắn glass block mortar.


Do đó, Tứ Diễm quyết định không dùng gạch nữa, mà sẽ dùng xi măng xây một bệ cửa sổ dầy cỡ 5 cm


Phần dry wall bị lụn vụn nham nhở đã được Tứ Diễm dùng glass block mortar trám lại cho bằng phẳng.    Khe hở giữa phần tường gạch và drywall cũng đã được nhồi lớp insulation, chèn thêm ít đá vụn

Tứ Diễm dự định sẽ thêm vài lớp lưới kim loại như vầy



để lót giữa gạch và xi măng để tăng độ bền vững cho phần bệ cửa sổ


Nhìn gần hơn


Bây giờ bàn qua về vật liệu xây dựng nha.   Ban đầu, hàng xóm cho Tứ Diễm mượn thùng xi măng như vầy để dùng tạm trong khi chưa có thời gian đi mua


Nhưng sau khi đọc kỹ lời chỉ dẫn, Tứ Diễm thấy loại xi măng nầy khô sau 15 phút, quá nhanh với người mới tập làm ... "thợ nề" như Tứ Diễm.   Do đó, Tứ Diễm ra tiệm tìm mua hai bao Quikrete Mortar Mix loại nầy có thời gian khô lâu hơn, khi xây các thành tường dựng đứng sẽ khó hơn nhưng cũng giúp Tứ Diễm có thêm thời gian để sửa chữa các chỗ mới xây cho hoàn hảo hơn

Trộn mortar mix với nước.  Tứ Diễm không trộn nhiều một lúc nên đổ nước nhắm chừng


Xi măng trộn khô quá sẽ rời, không có độ kết dính, nhất là khi xây các vách tường dựng đứng.   Nếu trộn nhão hay ướt quá, xi măng sẽ bị sụp và cũng không có độ kết dính khi xây tường dựng đứng.   Xi măng có thể bám vào cây gỗ khi cầm dựng đứng lên coi như là đúng mức.   Tuy đây là lần đầu trộn xi măng, nhưng dựa theo kinh nghiệm ... nhồi bột làm bánh, Tứ Diễm có thể canh lượng nước khá chính xác.


Muốn trát cho xi măng dính vào các viên gạch làm thành bức tường bằng phẳng vuông vắn cũng không đơn giản.   Đầu tiên cần xịt nước để gạch có độ ẩm cần thiết, sau đó thì cần áp dụng một số kỹ thuật để giữ cho xi măng nằm yên trên mặt phẳng dựng đứng.   Rồi sau đó cần áp dụng cách để tạo góc vuông cho các mép tường.  Với người thợ nhiều kinh nghiệm chắc hẳn không khó, nhưng với người chưa làm qua bao giờ như Tứ Diễm thì đây là một bài toán cần suy nghĩ và vận dụng một chút kỹ thuật .... khi trang trí bánh vào việc xây nhà.

Trước khi trát xi măng, phần bờ tường còn dính một phần xi măng cũ nên lồi lõm không bằng phảng như vầy


Bắt đầu cuối tháng 9, trời rất mau tối.  Tứ Diễm bắt tay vào xây một lúc thì trời sụp tối.   Vừa không đủ ánh sáng để nhìn khi xây, vừa bị bầy muỗi đói bu lại tấn công lia lịa.   Tứ Diễm phải ráng xây lẹ lẹ xong chạy vào nhà ... "tỵ nạn".   Vào nhà rửa tay xong trời đã tối không thấy gì hết, nhờ dùng flash nên mới hình mới sáng rõ như vầy nè


Tìm không ra cuộn masking tape nên dùng tạm duck tape dán lên tường để khỏi bị xi măng làm lem luốc lớp gạch bên cạnh.     Xây mò mẫm trong khi trời tối mò nhưng cũng khá vuông và thẳng hén.  Khuya trời mưa to lắm, cũng may là không ảnh hưởng đến phần xi măng vừa xây



Đây là một bên tường vừa xây tạm.   Đây cũng là lần đầu tiên Tứ Diễm mới dùng xi măng mà lại xây vách tường dựng đứng kiểu nầy vốn không dễ làm.   Sáng hôm sau nhìn kỹ thấy kết quả lần thử nghiệm đầu tiên cũng không đến nỗi tệ hén.  Mấy chỗ sậm mầu là do Tứ Diễm phun nước cho xi măng ẩm để xi măng khô từ từ giúp tăng độ bền (hy vọng vậy)



Theo lời góp ý của ông hàng xóm nhà kế bên, Tứ Diễm dùng thêm hai đoạn gỗ dầy 2 cm xin được bên nhà chú hàng xóm để "độn" bên trong lớp xi măng, nhằm tạo độ bền vững cho phần bệ xi măng


Xây tiếp phần bên tường còn lại cho vuông và bằng phẳng.   Bên tường nầy không thuận tay lại lồi lõm nhiều.   Nguyên một đoạn phía dưới phải đắp lớp xi măng dầy nên khó xây hơn phía bên kia.


Phần bệ cửa Tứ Diễm phun nước cho ướt gạch, trát một lớp xi măng mỏng cỡ 0.5 cm lên lớp gạch, lót lớp lưới kim loại, trát thêm một lớp xi măng cỡ 0.5 cm rồi đặt hai thanh gỗ dầy 2 cm nằm lọt gọn trong lưới sắt. Chừa khoảng trống giữa hai thanh gỗ rồi đổ xi măng phủ trùm lên sẽ vững chắc hơn.


Đang xây xi măng lại chợt nghĩ ra một ý tưởng mới nên ngưng để xếp miếng foam mỏng làm ba lớp


đệm vào phía ngoài lớp dry wall vừa sát


Nhìn gần hơn, sẽ thấy rõ phía trên mặt lớp dry wall đã được trét một lớp glass block mortar mầu trắng để bằng phẳng ngang với khung gỗ bên trong.  Phía ngoài lớp dry wall được bọc thêm lớp foam mầu xám mỏng để giữ độ ấm và tránh cọ sát trực tiếp giữa dry wall với lớp gạch glass block sẽ gắn sau nầy. 


Bọc bên ngoài bằng duck tape để nhìn cho đẹp mắt hơn


Sau khi đã lót foam và bọc lại bằng duck tape, tiếp tục xây xi măng che kín phần gỗ


Đây là khung cửa đã tạm xây xong nhưng vẫn chưa thật hoàn chỉnh.   Tứ Diễm sẽ sửa lại các điểm cần sửa sau khi lớp xi măng đã đủ cứng.  Lý do Tứ Diễm không xây cho thật hoàn hảo ngay lúc nầy là vì phần tường bên trái lồi lõm quá khác biệt.  Phần bị lõm vào quá sâu.  Khi đắp lớp xi măng dầy quá khó mà giữ cho đứng thẳng vững chắc và thật vuông được ngoại trừ khi có đà gỗ làm khuôn.  Tứ Diễm lười nên chọn cách xây từ từ.  Cứ tạm xây như trong hình trước, khi xi măng đã khô mới đo và chỉnh sửa lại sau


Sau đó Tứ Diễm đặt thêm hai lớp lưới kim loại  để tạo thêm độ bền cho phần bệ xi măng như vầy


Nhìn gần để thấy rõ hơn hai lớp lưới kim loại



Như vậy, sẽ cần phun nước ướt phần xi măng đã khô để tạo độ ẩm.   Trát một lớp xi măng hơi lỏng, đặt hai lớp lưới, trát thêm xi măng để bao phủ trùm kín phần lưới kim loại và tạo bề mặt phẳng,  vuông góc cho phần bệ khung cửa.   Thấy lớp xi măng láng mướt nhìn cũng khá bắt mắt hén.  Với người làm lần đầu tiên như Tứ Diễm, muốn xây được được vuông và trơn láng như vầy không dễ đâu nghen. 


Coi như đã tạm xây xong phần khung cửa bên ngoài.  Xi măng vẫn còn ướt.  


Khi xi măng đã khô


Nhìn chung toàn bộ khung cửa


Phần tường lồi lõm nham nhở lúc trước sau khi xây xong sẽ thẳng đứng và vuông góc như vầy nè.  Coi như Tứ Diễm mới tập xây lần đầu tiên nhưng cũng không đến nỗi tệ hén



Chờ vài ngày để xi măng thật khô, đến cuối tuần, Tứ Diễm mới gắn glass block vào khung cửa đã xây nầy

TÌM MUA GLASS BLOCKS

Ý tưởng muốn gắn glass block vào ô trống trên tường nầy đã bắt đầu từ khi Tứ Diễm làm lại mảnh vườn sau nhà.    Nhưng lúc đó chỉ lo làm cho xong mảnh vườn nên cũng không có thời gian tìm hiểu thêm về nơi mua, cách xây dựng với glass block.  Thật ra khi đó Tứ Diễm có hỏi xem ông thợ có thể xây glass block được không, nhưng ông ta nói chưa làm qua và cũng không biết mua vật liệu ở đâu.  Nếu khi đó mà Tứ Diễm hiểu biết thêm được những điều như hiện nay, và biết được nơi để mua glass block cùng các vật liệu cần thiết thì chắc Tứ Diễm đã mướn ông thợ đó làm dùm luôn rồi sẽ nhanh và gọn hơn nhiều vì ông ta có đủ loại máy cắt gạch và có sức khỏe để làm các việc nặng rất dễ dàng..  Dùng máy cắt gạch sẽ nhanh gọn hơn cách khoan tường gỡ gạch nhiều.

Theo dự tính ban đầu, Tứ Diễm chỉ tính gắn hai viên glass block nằm chồng lên nhau.  Phần trống chung quanh sẽ đóng khuôn gỗ và dùng insulation foam bít các khe hở rồi dùng silicone caulking trang điểm lại.   Với cách làm đó thì không cần gỡ gạch phá tường.   Đó cũng là lý do tại sao Tứ Diễm không nghĩ đến việc mướn thợ

Nhưng trong một lần tình cờ khi nói chuyện với một ông hàng xóm xế nhà, ông ta khuyên là đừng làm theo kiểu Tứ Diễm dự tính vì nhìn xấu lắm.  Ông ta khuyên nên gắn ít nhất bốn viên glass block làm sao để che gần kín hết khung tường, đừng chèn khung gỗ lớn quá sẽ mất thẩm mỹ.   Vì vậy Tứ Diễm lại phải đi tìm mua thêm glass block cùng kích thước và kiểu với hai viên đã có sẵn.

Loại glass block hình vuông, với kích thước 8 in. x 8 in. x 4 in. (20 cm x 20 cm x 10 cm)


Thêm loại glass block nhỏ hơn, kích thước 8 in. x 4 in. x 4 in.  (20 cm x 10 cm x 10 cm)



Trở lại với việc mua glass block cũng không đơn giản với người tay mơ như Tứ Diễm.   Đã thử ghé nhiều chi nhánh của các tiệm chuyên về xây dựng như Home Depot, Rona, Lowes ở các khu vực gần nhà hay công ty nhưng họ đều không có bán glass block.  Thậm chí có một số người làm ở đó còn không biết glass block là gì nữa.   Đi tìm hoài, có tiệm bán nhưng lại là loại glass block Tứ Diễm không thích.  Tốn khá nhiều thời gian cuối cùng cũng thu nhặt được bẩy viên glass block.

Nhưng sau khi đo kích thước, Tứ Diễm chỉ dùng bốn viên glass block, sẽ gắn vào tường theo kiểu như trong hình bên dưới


TÌM MUA GLASS BLOCK MORTAR

Sau khi đã có glass block, Tứ Diễm tìm hiểu xem cần dùng vật liệu gì để gắn các viên glass block dính liền nhau và sau đó còn dán cho dính chắc vào khung cửa.  Xem nhiều tài liệu, coi video clip học thêm dược một số kinh nghiệm và kiến thức.   Nhưng đến khi bắt đầu tìm mua cũng không đơn giản.  Tứ Diễm đã vào online search để xem tiệm nào có bán Glass Block Mortar.

Tìm ra địa điểm tiệm ở rất xa nhà, Tứ Diễm đã gọi phone hỏi để biết chắc họ có hàng trong tiệm.  Họ bảo đảm có, nói đến mua ngay đi.   Lái xe đến nơi, hỏi thăm cùng khắp, nhân viên ở đó cũng đi tìm kiếm giúp nhưng rồi ... tìm không ra.   Xem trong database thì vẫn còn hai bao nhưng tìm thì không thấy.   Tốn công lái xe đến đó, hao xăng nữa mà đành về tay không sao?   Mấy ông làm ở đó cũng ái ngại lắm, họ xem trong database system rồi khuyên Tứ Diễm nên ghé chi nhánh khác cách đó cỡ ... 30 km, bảo đảm có hàng.  Đến nơi cũng lại tìm không ra trong kho.  Họ lại chỉ dẫn qua một chi nhánh khác, cách đó 20 km.  Kết quả cũng y như nhau.  Tứ Diễm không hiểu cách làm của các chi nhánh đó ra sao luôn.

Tứ Diễm tìm và hỏi thử vài tiệm khác nữa cũng vẫn không có hàng trong kho để mua.  Chán quá, nhưng không lẽ bỏ cuộc lãng xẹt.  Tứ Diễm mới viết tên kèm theo số code của mặt hàng, mang đến một chi nhánh gần nhà, giải thích cho họ hiểu rồi nhờ họ order dùm.  Tứ Diễm trả tiền trước, khi nào hàng về họ sẽ gọi.  Ông ta nói khoảng 1 vài ngày là sẽ có.  Yên chí về nhà chờ.   Một tuần, hai tuần, rồi ba tuần.   Vẫn chẳng nghe tin tức gì cả.  Tứ Diễm ghé tiệm hỏi thì mới biết bao Glass Block Mortar đã về nằm trong kho từ mấy tuần nay, nhưng chẳng hiểu sao không ai gọi phone báo cho Tứ Diễm biết.

Vác cái bao glass block mortar nặng nầy về xong lại phải vận 12 thành công lực nhấc ra khỏi xe, mang vào nhà cất kỹ vì lỡ bị ướt khô cứng lại coi như xong.   Gắn có vài viên glass block mà phải mua nguyên bao nặng 50 lbs vì không có loại nhỏ hơn.   Đây là "chân dung" người đẹp Glass Block Mortar nè



Loại nầy dùng gắn glass block dính với nhau, rồi gắn glass block dính vào tường.  Có thể dùng làm grouting mortar luôn.  Dùng cho interior và exterior, chịu được nóng lạnh độ ẩm, chống mốc




DÁN GLASS BLOCKS

Trời không chiều lòng người.  Nhằm lúc Tứ Diễm định làm thì trời tự nhiên trở lạnh rồi mưa gió thất thường.  Nhà không có garage.  Tứ Diễm đành chọn giải pháp gắn glass block ở trong nhà để bảo đảm không bị ảnh hưởng bởi thời tiết.

Trộn Glass Block Mortar theo chỉ dẫn khó thực hành chính xác vì họ chỉ cách đong nước cho nguyên bao, chứ không theo tỷ lệ cup như khi ... nấu nướng.   Có thể nhân chia theo tỷ lệ nhưng lại phải dùng cân, mất công dơ cân phải lau chùi mệt nên Tứ Diễm chọn cách trộn theo common sense.


Sau khi trộn đều khoảng năm phút, chờ mười phút để mortar nở.   Tứ Diễm dùng tay bóp dẹp một viên mortar để xem đã đúng mức hay chưa.   Như trong hình là còn chưa dẻo đúng mức vì còn bị rạn nứt chung quanh (áp dụng kinh nghiệm làm bánh vào xây nhà cũng có lý hén).


Thêm chút nước, trộn đều nhìn thấy mortar dẻo quyện là biết đã đúng mức


Chờ một chút xong thử nghiệm, mortar dẻo và không bị rạn nứt coi như đã có thể dùng được rồi



Có bốn viên glass block, thoạt đầu nghĩ chắc gắn lại đâu khó.  Nhưng bắt tay vào rồi mới thấy không đơn giản.  Lúc đầu cũng học theo video để gạch dựng đứng, trát mortar vào hai thành gạch dựng đứng rồi ép sát nhau.  Nhưng cách nầy không áp dụng được.   Người ta thường có sẵn cái khung nên gắn glass block cho vuông và bằng phẳng dễ dàng.  Tứ Diễm không có khung, gắn không khéo sẽ méo lệch không cân bằng.



Tứ Diễm liền áp dụng cách làm theo ... common sense, đặt hai viên gạch nằm chồng lên nhau, lợi dụng trọng lượng của chính viên glass block để tạo độ kết dính cho chắc hơn    Đồng thời cũng có thể đo độ thăng bằng ngang dọc trước sau trái phải dễ dàng hơn nhiều.  Cây thước mầu vàng là dụng cụ để đo độ cân bằng rất hữu hiệu.  Canh theo các bọt nước sẽ biết chỗ nào nghiêng lệch để chỉnh lại cho thẳng trước khi mortar khô cứng.

Ngày xưa ở Việt Nam, không có dụng cụ đầy đủ, họ chỉ dùng dây cột vật nặng để đo theo chiều thẳng đứng, căng dây để đo theo chiều ngang.   Đơn giản nhưng cũng đạt hiệu quả tương tự.


Như vậy, gắn hai viên gạch làm thành một cặp.


Chờ cho thật khô cứng mới gắn hai viên xếp chồng lên hai viên còn lại. 



Tuy có sẵn 50 lbs mortar tha hồ mà dùng thoải mái, nhưng Tứ Diễm cũng không thích phung phí.  Thà dùng dư mang cho người nào cần còn hơn là trộn nhiều xong bỏ cho khô cứng rồi liệng bỏ.  Do đó, Tứ Diễm chỉ nhắm chừng trộn mortar cho vừa với việc gắn 4 viên gạch dính với nhau.  Lần đầu làm nhưng không ngờ ước tính khá chính xác.

Tuy nhiên có một điểm trở ngại là Tứ Diễm không thể gắn liền một lúc bốn viên mà phải chia ra gắn hai viên thành một cặp, chờ nửa ngày sau mới gắn hai cặp chung lại.   Như vậy số mortar đã trộn sẽ bị khô cứng, bỏ cũng uổng.  Tứ Diễm bèn áp dụng kinh nghiệm làm bánh; đó là cho mortar vào bao nylon bọc kín lại.  Kết quả rất tốt, mortar sau đó vẫn dẻo và dính như khi mới trộn.   Gắn xong bốn viên gạch, còn dư một chút ít mortar, Tứ Diễm đem đắp lên phần dry wall trong khung cửa đang xây bên ngoài.  Coi như không bỏ phí một chút mortar nào hết.

GẮN GLASS BLOCKS VÀO KHUNG TƯỜNG

Sau khi đã chờ cho xi măng thật khô và đủ độ vững chắc, Tứ Diễm mới bắt đầu mang bốn viên Glass Blocks đã dán chặt vào thành một khối đặt vào khung xi măng đã xây.   Mang glass block ra lau lại một lần cho thật sạch, chuẩn bị sẵn sàng


Ở trên, Tứ Diễm đã nhắc đến việc bọc lớp foam bao bên ngoài lớp dry wall xong bọc duck tape che kín để nhìn cho sạch và tạo độ ấm


Theo lời góp ý, gắn thêm một miếng vinyl trắng che lên phía ngoài phần foam để trang trí và tạo thêm độ bền cũng như giúp phần giữ ấm.   Phần dưới glass block sẽ tiếp xúc trực tiếp với lớp vinyl nầy


Dán masking tape che kín chung quanh khung cửa để khi trám glass block mortar sẽ không làm dơ phần xi măng đã xây.   Cũng may hôm bữa đi ăn ké, thấy có mấy hộp đựng pizza tạm vừa với kích thước khung cửa nên Tứ Diễm xin, mang về để dùng.  Tứ Diễm đặt thêm các hộp pizza che kín phần phía trong khung cửa để giữ ấm và ngăn ngừa các loại côn trùng chui vào nhà trong thời gian chờ gắn glass block.  Thêm vào nữa, khi gắn glass block, phần glass block mortar sẽ không thể rơi rớt vào phía trong khung cửa.  Tiết kiệm được thời gian dọn dẹp lau chùi



Phun nước cho ướt phần xi măng, tạo độ ẩm.   Trát một lớp Glass Block Mortar dầy khoảng 2 cm lên bệ khung cửa.  Và một lớp glass block mortar chung quanh khối glass block.  Đặt khối glass block cho ngay ngắn, chêm thêm vài thanh nẹp gỗ để giữ cho đứng vững và vuông vắn.   Dùng túi bơm glass block mortar vào các khe hở giữa glass block và khung cửa. Chờ cho mortar hơi cứng tạm đủ vững mới rút thanh nẹp gỗ ra, bơm tiếp mortar vào khe trống.   Sau đó chỉnh sửa lại những nơi cần thiết cho đẹp mắt.



Gỡ bỏ các miếng masking tape


 
Tối qua làm xong đã quá trễ rồi, cũng đã khá mệt và không còn thời gian nên chỉ ráng làm nhanh cho xong.   Phần bên trong, thêm glass block mortar vào các kẽ gạch.  Như vậy bốn miếng glass block được bao kín bởi glass block mortar bốn phía, không còn một kẽ hở nhỏ nào sót lại.  Tứ Diễm nhồi hêm foam insulation vào các khe hở giữa tường gạch và phần khung gỗ trong tường..  Tạm thời che phủ bằng duck tape rồi lót thêm một lớp foam phủ trùm bên ngoài.  Thêm silicone caulking vào khe hở giữa lớp glass block và miếng vinyl gắn vào phần bệ bên dưới.   Coi như phía bên trong đã được bọc kín và được cách nhiệt khá tốt, có thể dùng một window display trang trí cho vui mắt.  Trong tương lai, có thể sẽ đóng một khung gỗ hay dry wall để vuông vắn, rồi sơn cho đẹp mắt hơn.   Tứ Diễm sẽ làm thêm khi nào có thời gian rảnh rang

Hình chụp khi bên ngoài đã tối.  


Để cách nhiệt giữ ấm tốt hơn và cũng để trang trí nhìn cho đẹp mắt hơn trong khi chờ có thời gian làm phần khung dry wall, Tứ Diễm dùng các miếng foam dầy gần 1 cm, cắt vừa kích thước phần trên nóc và hai bên thành khung cửa sổ, sau đó bọc một lớp aluminum foil dầy để giúp khung cửa sổ nhìn sạch, sáng và có vẻ rộng lớn hơn


Sau khi gắn xong ba miếng foam đã bọc aluminum foil, khung cửa sổ nhìn vuông vắn, mát mắt hơn, phải không hở?   Ngoài ra, ánh sáng chiếu từ bên ngoài xuyên qua lớp glass block phản chiếu lên các "bức tường" sẽ tăng thêm độ sáng và khiến khung cửa sổ có vẻ rộng lớn hơn kích thước thật sự.  Hình nầy chụp khi bên ngoài vẫn còn sáng, ngược nắng và không dùng flash nên các thứ chung quanh đều bị tối, chỉ có phần khung cửa sổ là sáng rõ


Như vậy tạm thời phía trong khung cửa sổ sẽ nhìn như hình bên dưới.   Tứ Diễm chụp vào lúc gần 10 giờ tối



Khi mặt trời chưa lặn, gian bếp sáng hơn nhờ ánh sáng chiếu xuyên qua lớp glass block nhưng lại không để hơi lạnh tràn vào nhà.  Thêm vào nữa cũng rất yên tâm, không lo các loại côn trùng len theo khe hở vào nhà.  Mùa Đông năm nay góc bếp sẽ ấm và sáng hơn.    Coi như cũng bõ công và thời gian đã bỏ ra, phải không hở?

Như vậy là sau gần hai tuần, cuối cùng Tứ Diễm cũng đã tạm làm xong phần bên ngoài.   Đủ để giữ ấm nhà trước khi mùa Đông đến.  So sánh sự khác biệt giữa "before" và "after" nha..   Nửa phần hình bên trên là trước khi gắn glass block.   Hai hình bên dưới là sau khi đã gắn xong glass block nhìn từ phía bên ngoài và từ phía bên trong.  Thấy rõ sự khác biệt, phải không hở? 


Tứ Diễm sẽ tìm mua và gắn thêm phần nẹp bên ngoài, tạo thành khung che chung quanh.  Khung cửa sẽ nhìn đẹp mắt hơn.   Theo dự tính, Tứ Diễm sẽ làm thêm phần khung cửa bên ngoài.  Khi đó khung cửa có thể sẽ tương tự như hình nầy



Chiều tối ghé một tiệm bán dụng cụ vật liệu xây dựng ở gần nhà tìm mua vật liệu để làm khung cửa sổ, nhưng không có loại muốn tìm.  Có lẽ phải đi tìm ở một số tiệm vào dịp khác.   Khi nào tìm mua được vật liệu, mới bắt tay vào việc "làm đẹp" cho khung cửa vừa xây

Tứ Diễm sẽ viết thêm sau nha

Nếu có hứng thú thích tự làm ở nhà, mời ghé xem thêm các thứ Tứ Diễm đã làm trong phần DIY Projects


2 comments:

Ngự Bình Nguyễn said...

TD ui, con` cai' viec gi` ma` TD hong lam` duoc hong ? Phuc wa' di 👏👏👏

TuDiem's Corner said...

Lá ui, còn nhiều thứ hổng biết lắm, xòe tay xòe chân ra đếm hổng hết nên khỏi kể ra nghen :)

Post a Comment

 
;