Monday 8 September 2014

Bánh Nướng September 2014

Hôm nay là rằm tháng Tám âm lịch, là ngày Tết Trung Thu.   Cũng là ngày mặt trăng tròn và sáng nhất trong năm.   Khuya qua Tứ Diễm sang dự tiệc bên nhà người bà con đến quá nửa đêm mới về.   Sau đó còn thức làm một số việc, sáng nay đầu tuần bắt đầu một tuần mới đầy bận rộn nên không có nhiều thời gian để online.

Mời ngắm tạm một số hình ảnh bánh nướng do Tứ Diễm vừa làm hôm cuối tuần qua.  Bánh vừa làm được vài tiếng nên mầu sắc chưa được đậm đà.


Ủn ỉn ụt ịt nặn bằng tay nè   Cũng chỉ mới "thọ" được khoảng hơn 3 tiếng, chưa kịp "trổ mã" nhưng nhìn cũng thấy "dễ ghét" ghê hén


Bánh nhân thập cẩm trứng muối (trứng gà tự muối ở nhà nên mầu không đỏ sậm như trứng vịt muối)



Nếu có hứng thú, mời xem các kiểu bánh do Tứ Diễm úm ba la vào lúc nửa khuya về sáng nghen




Dạo nầy quá bận nên nấn ná mãi đến gần ngày mới sên nhân và bắt tay làm thêm một số bánh nướng để tặng, cúng và ăn trong dịp Tết Trung Thu.   Ban đầu ước tính sẽ làm cỡ gần 40 cái, nhưng rồi làm tới gần 50 cái.   Gồm có các loại nhân đậu xanh không trứng, nhân đậu xanh một trứng, nhân thập cẩm một trứng.   Vỏ bánh cũng có hai loại: một loại có trứng như thường lệ, một loại hoàn toàn không dùng trứng kể cả egg wash cũng không dùng trứng.

Đây là một số bánh làm khuya thứ Năm và khuya thứ Sáu.    Hai buổi tối trước đó (thứ Ba và thứ Tư) lo sên nhân.   Sang đến thứ Năm và thứ Sáu đều có việc bận rộn nguyên cả ngày, đến gần nửa đêm mới lăn xuống bếp lo làm bánh.  Tứ Diễm dùng lò mini oven, mỗi đợt chỉ nướng bốn cái nên làm xong cũng đến ho=n 4 giờ sáng mới dọn dẹp và đi ngủ một chút.

Hình chụp vội vào sáng sớm thứ Bẩy trước khi người bà con ghé sang thăm và lấy bánh.   Tứ Diễm ngủ được có vài tiếng, lại còn phải làm thêm một đợt bánh nhân đậu xanh không trứng theo yêu cầu nên không có thời gian tìm mang những hộp bánh ra bầy hàng  nhìn cho đẹp mắt hơn.   Xem tạm vậy nha


Đây là một số bánh làm vào khuya thứ Năm rạng sáng thứ Sáu.   Gồm có 9 cái nhân thập cẩm một trứng, nhân thập cẩm, 4 cái đậu xanh không trứng   Số còn lại là nhân đậu xanh một trứng


Còn đây là một số bánh làm vào khuya thứ Sáu rạng sáng thứ Bẩy.   Trong đợt nầy dặc biệt có 4 cái nhân đậu xanh hoàn toàn không dùng trứng kể cả egg wash (làm theo yêu cầu).    Đây là lần đầu tiên Tứ Diễm mới làm bánh nướng hoàn toàn  không dùng trứng.   Sẵn tay nặn luôn 4 chú heo con và một ổ bánh 50 g theo kiểu "ép duyên".


Gấp quá, sẵn có hai hộp nầy nên đem đựng bánh cho tiện


Đây là  bánh nướng hoàn toàn không dùng trứng, không dùng trứng khi quét "egg wash", nhân đậu xanh không trứng.  Lần đầu tiên Tứ Diềm mới làm bánh hoàn toàn không dùng trứng, làm xong mang đưa ngay nên không có hình chụp khi cắt bánh.   Hình chụp sau khi nướng khoảng hơn 1 tiếng



Nhìn gần hơn nha.   Bánh mới nướng xong nên mầu nhìn còn chưa được đẹp.   Bánh nầy là khuôn nhựa 150 g

 

Một chú heo con nặn tay và một cái bánh bị "ép duyên" bé xíu như vầy nè


Bốn chú heo con nặn bằng tay và cái bánh bị "ép duyên" không giống ai.    Tất cả đều là nhân đậu xanh


Đây là chú heo con đầu tiên nặn bằng tay trong đợt làm bánh vào đầu tháng 9


Đổi kiểu nặn như vầy,  nhìn coi chàng ta mũm mĩm dề thương hơn hén


Thêm một chàng ủn ỉn khác, nhìn thấy "dễ ghét" ghê không hở?   Nếu chờ vài ngày bánh tươm dầu và sậm mầu hơn nhìn sẽ mặn mòi hơn một xíu


 Nhiều người mua bao và hộp ở Việt Nam để nhìn giống bánh bán ở chợ hơn.   Tứ Diễm không có bào và hộp vừa với bánh nên chỉ dùng plastic wrap bọc bánh cho gọn và sạch.   Còn mấy chú heo và cái bánh bị "ép duyên", Tứ Diễm cho vào bao mua ở tiệm chuyên bán dụng cụ làm bánh tại Canada nên tuy đắt hơn nhiều nhưng cũng tạm yên tâm về mặt phẩm chất hơn là bao làm tại Việt Nam


Đợt bánh làm thêm vào trưa và chiều thứ Bẩy.    Vì có vài người bà con ghé thăm bất ngờ, gia đình người nầy vừa về thì đến người khác đến, cứ liên tiếp nên đang làm bánh phải bỏ dở dang.   Mãi mới làm xong được đợt bánh nầy.   Hai cái bên tay trái là hoàn toàn không dùng trứng cả nhân lẫn vỏ bánh, không dùng trứng khi quét "egg wash".   Bốn cái còn lại là nhân đậu xanh không trứng, làm thêm theo lời yêu cầu



Hai cái bên trái là nhân thập cẩm một trứng, dùng khuôn gỗ rời theo kiểu "ép duyên" từ tròn sang vuông.   Hai cái bên phải là đậu xanh một trứng, dùng khuôn nhựa.  Bánh vừa nướng xong còn nóng hổi.   

 

Bốn cái nhân đậu xanh không trứng, khuôn nhựa.   Bánh vừa nướng, còn đang rất nóng


Bánh vừa nguội, còn chưa kịp trổ mã nên mầu sắc chưa thật đẹp mắt.   Đây là một trong vài cái khuôn nhựa đầu tiên Tứ Diễm được một người bạn tặng.


Nhìn nghiêng để thấy phần thân và chân bánh vẫn giữ nguyên nếp, không bị méo hay phình to


Lật ngược  xem phần đáy bánh nha


Tất cả các bánh đều nướng bằng lò mini oven nên rất tiện lại tiết kiệm năng lượng vì lò mini oven nóng nguội rất nhanh, không hao nhiều điện.    Ngoài ra, trong khi nướng bánh, Tứ Diễm tận dụng ho=i nóng tỏa ra từ trên nóc lò mini oven dùng để ủ đậu hũ lên men làm chao.   Coi như một công mà hai việc, gọn và tiện

Những hình trong bài nầy đều chụp khi bánh vừa làm xong hay chỉ được gần một ngày, chưa kịp "trổ mã".  Bánh vừa làm xong là mang tặng hay mang cắt ra mời mọi người ăn nên mầu sắc chưa thật đậm đà đẹp mắt..  Ngoài số bánh đem tặng, Tứ Diễm đã cắt một số bánh mang mời mọi người cùng nếm thử.   Vì cắt xong đem mời khách ăn ngay nên không có thời gian chụp hình xem phần vỏ và nhân bên trong

Bánh nhân thập cẩm trứng muối làm gần một ngày đã cắt ra ăn, nhưng vỏ bánh đã đủ mềm ngon, nhân mướt không khô


Nhìn gần hơn một chút nha



Mến chúc quý vị một ngày Tết Trung Thu thật vui vẻ ấm cúng, hạnh phúc và ngon miệng cùng gia đình nha


Tứ Diễm sẽ mang thêm hình và viết thêm khi có thời gian, mời quý vị ghé xem vào dịp khác nha




BÁNH NƯỚNG do sis NGỌC MỸ LÀM

Tứ Diễm mới nhận được hình bánh nướng do sis Ngọc Mỹ làm nên man phép mang vào đây bầy hàng chung luôn cho vui.   Cám ơn sis Ngọc Mỹ đã gửi  hình cho Tứ Diễm nha

Đây là hình bánh nướng nhân thập cẩm do sis Ngọc Mỹ làm.   Hình chụp sau khi nướng sau 2 ngày, mầu sắc đã đậm đà hơn, các hoa văn cũng rõ nét.   Mỗi bánh nặng 125 g (nhân 75 g).


Cắt ra xem bên trong nha


Lòng đỏ trứng gà  cũng do sis Ngọc Mỹ tự muối ở nhà.  

Cũng cùng khuôn bánh, nhưng lần nầy sis Ngọc Mỹ tăng thêm nhân dầy hơn và gắn thêm chữ tầu lên trên mặt bánh, nhìn coi lạ mắt và độc đáo hơn, phải không hở ?


Mời ngắm thêm một tấm nữa nha


Sis Ngọc Mỹ còn làm thêm vài chú heo dùng khuôn, nhân dừa


Cắt ra xem phần nhân bên trong



Mời cùng thưởng thức




Ghi Chú Thêm:

Có một số sis đã hỏi riêng qua email / Blog Contact hay trong phần Comments để biết Tứ Diễm mua các khuôn làm bánh trung thu ở đâu và loại khuôn nào sắc nét, dễ dùng hơn.   Cùng một số thắc mắc liên quan đến việc làm bánh nướng.  Tứ Diễm xin phép trả lời chung luôn nha.
  • Tất cả những khuôn bánh Tứ Diễm dùng làm bánh nướng bánh dẻo từ trước đến nay đều sản xuất tại Việt Nam..  Và đều do bạn bè hay người thân về Việt Nam mua sang làm quà tặng nên Tứ Diễm cũng không biết giá tiền đắt rẻ ra sao.   Hình như hầu hết các khuôn đều được mua tại chợ Bến Thành (Sài Gòn).   
  • Hiện nay Tứ Diễm có khuôn gỗ rời hai mảnh, khuôn gỗ nguyên khối, khuôn nhựa rời hai mảnh, hoặc là loại hình tròn hoặc là loại hình vuông, với nhiều kiểu hoa văn thông dụng.   Trọng lượng khuôn cũng từ 100 g, 150 g cho đến loại 200 g, 250 g, hình như có một khuôn 300 g thì phải.  Tứ Diễm thường dùng loại 150 g vì không quá lớn không quá nhỏ.   
  • Ngoài ra, ở các web site bán trên mạng còn có loại mooncake plunger mould (mold), nghĩa là loại khuôn nhấn lò so, với kích thước từ 50 g, 85 g, 100 g, 150 g cho đến 185 g, gồm một số kiểu hoa văn theo hình tròn hay vuông.  Loại nầy đường hoa văn chạm khắc sâu và mảnh nên khi nhấn khuôn, bánh nhìn sắc sảo.   Tứ Diễm không có và cũng chưa dùng qua loại khuôn nầy.
  • Người ta thường nói dùng khuôn gỗ sắc nét đẹp hơn khuôn nhựa.   Tuy nhiên theo kinh nghiệm riêng, Tứ Diễm thấy bánh sắc nét hay không có lẽ tùy thuộc vào mức độ tinh xảo của các đường nét hoa văn chạm khắc hay rập khuôn, các kiểu có nét hoa văn sâu và mảnh sẽ giúp bánh nhìn sắc sảo hơn.  Quý vị có thể xem các kiểu bánh Tứ Diễm đã làm để so sánh xem có sự khác biệt nào không khi dùng khuôn gỗ và khuôn nhựa.   Do đó dùng khuôn nhựa mà chọn được kiểu hoa văn phù hợp, bánh nhìn vẫn rõ nét đẹp mắt.   Dùng khuôn gỗ mà nét khắc không sâu thì bánh cũng không rõ nét, không đẹp.  Tứ Diễm còn giữ một khuôn gỗ nguyên khối do Mẹ Tứ Diễm mang theo trong hành lý khi cả gia đình sang định cư bên nầy, khuôn gỗ đó khắc theo kiểu hoa văn ngày xưa nét khắc rất nông (cạn) nên tuy là khuôn gỗ nhưng khi làm bánh nhìn không thấy sắc sảo vì thế Tứ Diễm chỉ dùng làm bánh trong năm đầu tiên lúc mới tập làm; hiện nay vì đã có nhiều kiểu khuôn khác nên Tứ Diễm giữ khuôn gỗ cũ đó làm kỷ niệm
  • Về câu hỏi loại khuôn nào dễ dùng hơn chắc cũng tùy theo ý riêng mỗi người.   Theo kinh nghiệm riêng, loại khuôn nhựa rời hai mảnh dễ dùng nhất vì bánh rất tróc khuôn, dùng xong có thể cọ rửa với xà bông rất dễ, khi khô cất giữ cũng nhẹ.   Khuôn gỗ dù là nguyên khối hay rời hai mảnh lúc mới mua về, Tứ Diễm thường rửa với xà bông, cọ rửa cho sạch, xong lau khô rồi đem ngâm dầu.   Thời gian ngâm càng lâu càng giúp dầu thấm sâu vào các thớ gỗ, khuôn sẽ "lên nước" nhìn sậm mầu, trơn bóng và bền hơn.   Khi dùng xong, người ta thường chỉ dùng tăm hay bàn chải chà cho sạch bột rồi đem cất.   Tứ Diễm thích cọ rửa nhanh với nước lạnh, lau khô xong quét một lớp dầu, để cho khuôn khô ráo thấm dầu rồi mới bọc lại đem cất.  Khuôn gỗ sau khi đã ngâm dầu đúng mức sẽ tróc gần như khuôn nhựa.   Lẽ đương nhiên khuôn gỗ rời hai mảnh sẽ dễ dùng hơn khuôn gỗ nguyên khối.   Tuy nhiên nếu gõ đúng cách, bánh cũng sẽ tách rời khỏi khuôn gỗ nguyên khối khá dễ dàng.  
  • Có một số sis cho biết thích làm nhưng lại chưa có hay chưa mua được khuôn nên đã hỏi Tứ Diễm xem có cách nào để vẫn có thể làm ra những cái bánh nhìn đẹp mắt hay không.   Theo Tứ Diễm nghĩ nếu chịu khó dành một chút thời gian cùng thêm sự khéo léo thì vẫn có thể làm được bánh ngon và đẹp được.   Chẳng hạn, có thể tự nặn hình những chú heo bé bé xinh xinh.   Cũng có thể kết hợp các khuôn (template mould/mold) đổ chocolate / kẹo (làm phần hoa văn mặt bánh) và các khuôn cookie cutter (làm phần thân bánh).   Nếu chưa quen, có thể tập nhấn khuôn tự tạo đó với vỏ bột không nhân trước để xem bánh làm ra nhìn có đẹp mắt hay không, đồng thời cũng giúp quen tạy   Khi đã hài lòng, mới bọc vỏ bột ra ngoài nhân, nhấn khuôn và nướng bánh.   Trong bài viết nầy, khi làm cái bánh bé bé xinh xinh kiểu "ép duyên", Tứ Diễm cũng tự chế ra "khuôn" thôi chứ thật tình Tứ Diễm không có khuôn bánh nhỏ xíu cỡ đó
  • Với câu hỏi nên mua khuôn tròn hay khuôn vuông, và loại nào dễ dùng hơn.   Tứ Diễm nghĩ tùy theo ý thích riêng nên khó có câu trả lời chính xác.   Khuôn tròn có ưu điểm là dễ nhấn khuôn để bánh đẹp, lòng đỏ trứng nằm ngay ngắn chính giữa phần nhân bánh; khuyết điểm là bánh tròn tạo cảm giác hơi nhỏ hơn so với bánh vuông.   Khuôn vuông ưu điểm là nhìn có vẻ "bề thế", nhìn vuông vắn bắt mắt; khuyết điểm là khó nhấn khuôn cho vỏ mỏng đều, khó nhấn cho lòng đỏ trứng nằm ngay ngắn chính giữa phần nhân nếu chưa quen tay
  • Với câu hỏi tại sao bánh bị nứt mặt hay bị phình chân.   Theo Tứ Diễm nghĩ bánh bị nứt mặt là do một trong hai nguyên nhân sau:   Thứ nhất có thể do không khí còn đọng lại trong phần nhân hay giữa vỏ và nhân khi gặp nóng cần tìm lối thoát ra bên ngoài nên làm nứt vỏ bánh.  Đó là lý do tại sao nhiều người hay ngay cả ngoài tiệm họ vẫn thường xăm lỗ lên mặt bánh.   Thứ hai có thể là do nhân sên chưa tới đúng mức, khi gặp nhiệt độ nóng, nhân giãn nở ra nhiều nên hoặc là làm nứt vỏ bánh hoặc là làm phình chân bánh (vì nhân nhão chẩy xệ xuống khiến bánh bị sụm phía phần gần đáy bánh)
  • Với câu hỏi tại sao dùng cùng một công thức cho vỏ bánh, nhưng làm nhân thập cẩm thì bánh ăn khô không ngon, còn làm nhân đậu xanh thì bánh mềm nhão sau vài ngày.   Theo thông thường, nhân thập cẩm ít dầu hơn nhân đậu xanh nên số lượng dầu tươm ra vỏ bánh ít hơn nên vỏ bánh sẽ có khuynh hướng bị khô hơn.   Muốn bánh mềm ngon, cần tăng độ ẩm khi nướng bánh.   Còn bánh nhân đậu xanh bị mềm nhão sau vài ngày có thể là do nhân sên chưa đúng mức hay sên quá nhiều dầu, cũng có thể do vỏ bánh nướng chưa hoàn toàn chín 100%.   Phải nhìn thấy vỏ bánh và nhân bánh họa may mới đoán ra nguyên nhân chính xác




Mời xem thêm các đợt bánh nướng Tứ Diễm đã làm trong mùa lễ Trung Thu năm 2014

0 comments:

Post a Comment

 
;