Thursday, 9 July 2015

Y Học - Tự Khám Mắt (Test Your Eyes)

"Mẹ cho em đôi mắt sáng ngời để nhìn đời và để làm duyên.  Đời cho em đôi mắt mầu đen để thương, để nhớ, để ghen, để hờn.  Đôi mắt em là cửa sổ tâm hồn..." (trích ca khúc Đôi Mắt của Xuân Hồng).  Tuy vậy, đôi khi vì quá tất bật với những lo toan bận rộn trong cuộc sống thường ngày hay vì quen ỷ lại vào "trời sinh trời dưỡng", chúng ta có thể quên lưu tâm chăm sóc đúng mức cho đôi "cửa sổ linh hồn".



Trong bài viết nầy, Tứ Diễm mạn phép loạn bàn sơ qua một số điều cũng như chia sẻ vài cách để chúng ta có thể tự tìm hiểu và khám phá thêm về đôi mắt.  Nếu có hứng thú, xin mời cùng xem tiếp theo nha.

Người ta hay nói đôi mắt là cửa sổ linh hồn.  Khi "cửa sổ" rộng mở thưởng thức nét đẹp của vạn vật, tâm hồn cũng phơi phới yêu đời yêu người.  Nhưng liệu chúng ta đã dành sự quan tâm, chú ý và chăm sóc đến "cửa sổ linh hồn" đúng mức và đúng cách?  Phải chăng chỉ đến một ngày bất chợt bị lâm vào cảnh "thứ nhất đau mắt, thứ nhì nhức răng", khi đó mới thấy được tầm quan trọng của đôi mắt?

Ở những quốc gia văn minh có đầy đủ phương tiện và máy móc để khám và chữa trị một số triệu chứng cùng các loại bệnh liên quan đến mắt.  Có bao giờ chúng ta tự hỏi là đã lưu tâm tìm hiểu đúng cách và đúng mức hay chưa?


Trong bài viết nầy, Tứ Diễm tóm lược một số điều tự tìm hiểu được liên quan đến đôi mắt cùng một số bài trắc nghiệm để chúng ta có thể tự khám nghiệm tại nhà.   Tuy nhiên vì ngành chuyên môn của Tứ Diễm không liên quan đến lĩnh vực nhãn khoa và y khoa nên nếu có sơ sót, mong quý vị chỉ dùm để Tứ Diễm sửa lại.  Xin thành thật cám ơn.

Mời cùng xem tiếp nha



Khám Mắt Theo Định Kỳ

Thông thường người ta hay gặp Optometrist mỗi năm hay mỗi hai năm để khám và xin toa (eyeglass/spectacle prescription), chẳng hạn như thí dụ trong hình bên dưới.


Thường thì chúng ta không cần hiểu các con số mà chỉ cần đưa toa cho Optician để họ dựa theo đó mà giới thiệu và giúp chúng ta chọn loại mắt kính phù hợp.  Tuy nhiên nếu muốn hiểu rõ hơn.   Bên dưới là một số điều để chúng ta có thể tự tìm hiểu thêm về ý nghĩa của những chữ viết tắt kèm các con số viết trong toa:
  • D.V. = Distance View (tầm nhìn xa - Viễn Thị, farsighted, hyperopia)
  • N.V. = Near View (tầm nhìn gần - Cận Thị, nearsighted, myopia )
  • O.D. = mắt phải.   Những con số trong các cột Spherical, Cylindrical, Axis, Prism, Base là kết quả khám mắt phải
  • O.S. = mắt trái.  Những con số trong các cột Spherical, Cylindrical, Axis, Prism, Base là kết quả khám mắt trái
  • Sphere (SPH) = lens power measured in Diopters (D).  Thường hiểu nôm na là "Độ" Cận hay Viễn Thị của đôi mắt.  Nếu SPH là số âm (minus sign, dấu trừ) thì bị Cận Thị (nearsighted).  Nếu SPH là số dương (plus sign, dấu cộng) thì bị Viễn Thị (farsighted).
  • Cylindrical (CYL) = lens power for astigmatism.   Đây là kết quả khám mức độ Loạn Thị (astigmatism).  Nếu cột nầy để trống là mắt không bị loạn thị hay mức độ còn quá thấp, chưa cần phải điều chỉnh bằng tròng mắt kính
  • Axis = Thường để trống nếu không bị Loạn Thị (astigmatism) hay từ 1 đến 180 nếu bị Loạn Thị (astigmatism).  Con số nầy cần thiết khi làm tròng mắt kính giúp điều chỉnh mức độ Loạn Thị của mắt
  • Add = Thường trong khoảng từ +0.75 đến +3.00 D cho cả hai mắt.  Đây là con số cần thiết để làm loại kính "hai tròng" (multifocal lenses) dùng để trị chứng Lão Thị (Presbyopia, mắt bị mờ khi nhìn gần vì lão hóa do tuổi tác )
  • Prism = prismatic power measured in prism diopters.  Đây là số "Độ" dùng để điều chỉnh mức độ cân bằng trong tầm nhìn giữa hai mắt (eye alignment problem).

Nếu cần đeo kính cận thị hay viễn thị thì Optician đo và đặt làm kính theo toa (eyeglass/spectacle prescription).  Nếu cần khám hay chữa trị các triệu chứng hay bệnh liên quan đến mắt đã có bác sĩ chuyên môn về nhãn khoa (Ophthalmologist).   Hiện nay việc giải phẫu mắt có thể do bác sĩ chuyên khoa thực hiện tại bệnh viện hay những trung tâm chuyên chữa trị về mắt (Eye Surgery Clinic).



Cấu Tạo của Mắt

Vài bộ phận chính của mắt được mô tả trong hình vẽ bên dưới (ngoại trừ floaters không phải là một bộ phận thuộc về mắt).



Tạm dịch sang tiếng Việt nha.  Có thể xem thêm chi tiết trong bài Cấu Tạo của Mắt
  • Cornea = giác mô
  • Iris = mống mắt
  • Lens = thủy tinh thể (tròng mắt)
  • Pupil = đồng tử, con ngươi
  • Retina = võng mạc
  • Vitreous = thủy tinh dịch
  • Optic Nerve = dây thần kinh mắt

Nếu muốn dễ hình dung hơn sự liên hệ giữa cấu trúc bên ngoài và phía bên trong của mắt có thể xem hình bên dưới


Nếu muốn đối chiếu giữa tiếng Anh và Việt, mời xem hình bên dưới



Trong hình bên dưới là cấu trúc giản lược các phần chính trong mắt


Còn nếu muốn... rối mắt hơn thì xem hình bên dưới, mô tả chi tiết tỉ mỉ hơn cấu tạo của mắt



Nẫy giờ cà kê dê ngỗng về các bộ phận trong đôi mắt cũng khá dông dài và nhức đầu, hoa mắt rồi.   Nếu quý vị có hứng thú muốn tự khám mắt, mời cùng xem tiếp theo nha.   Lẽ đương nhiên những bài khám mắt nầy không thể thay cho việc khám mắt định kỳ với Optometrist được mà chỉ để phụ giúp thêm phần nào giúp chúng ta có thể thường xuyên tự khám trong thời gian chờ đến ngày khám mắt theo định kỳ hay để tìm hiểu thêm về "đôi cửa sổ linh hồn".



Tự Khám Mắt 

Trong các phần tiếp theo là một số phương pháp để tự khám mắt, dùng một số bài trắc nghiệm trực tiếp online, cần dùng mạng internet.



Self-Estimating Visual Acuity
nhấn vào đây (click here)





Cận Thị & Viễn Thị

Cận Thị và Viễn Thị là hai trong một số tật của mắt.   Cả hai chứng bệnh đều cần đeo kính để điều chỉnh độ hội tụ ánh sáng trong võng mạc cho đúng vị trí.
  • Cận Thị là chỉ nhìn rõ khi gần và bị mờ khi nhìn xa.  Các tia sáng hình ảnh xuyên qua thủy tinh thể sẽ hội tụ thành một điểm phía trước võng mạc (thay vì nằm trên võng mạc)
  • Viễn Thị là nhìn rõ khi xa và bị mờ khi nhìn gần.   Các tia sáng hình ảnh xuyên qua thủy tinh thể sẽ hội tụ thành một điểm phía sau võng mạc (thay vì nằm trên võng mạc)

Có thể xem hình bên dưới để dễ hình dung ra hơn



Thông thường khi đi khám định kỳ, Optometrist sẽ khám và đo mắt rồi cho toa để mua kính chữa Cận hay Viễn Thị.   Tuy nhiên nếu thích tự khám thêm trong khi chờ đến ngày khám định kỳ, có thể làm theo các bài trắc nghiệm online như sau


Far Vision Test (Hyperopia = Viễn Thị)
click here to test

Near Vision Test (Myopia = Cận Thị)
click here to test

Myopia and Hyperopia Test (Cận và Viễn Thị)
click here to test




Loạn Thị (Astigmatism)

Loạn Thị (Astigmatism) là một tật liên quan đến việc khúc xạ ánh sáng trong mắt.  Khi bị Loạn Thị, các tia hình ảnh thay vì hội tụ vào một điểm trên võng mạc (retina) thì lại hội tụ ở hai hay nhiều điểm trên võng mạc khiến hình ảnh bị nhòe, không rõ.

Có nhiều nguyên nhân gây ra chứng Loạn Thị.  Thông thường là do một khiếm khuyết về hình dáng của giác mạc (cornea) khiến khả năng hội tụ ánh sáng của giác mạc bị giảm sút.  Chứng Loạn Thị có thể do bẩm sinh, do lão hóa, do di chứng sau khi giải phẫu mắt hay vì một vài nguyên nhân khác.

Trong hình bên dưới mô tả sự khác biệt giữa mắt bình thường và mắt bị loạn thị.  Mắt thường sẽ chỉ có một điểm hội tụ (focal point), còn mắt bị loạn thị sẽ có hai hay nhiều điểm hội tụ (focal points).


Thông thường khi đi khám mắt theo định kỳ, nếu bị Loạn Thị, Optometrist sẽ đo và viết vào cột Cylendrical trong Eyeglass/Spectacle Prescription để Optican chọn loại mắt kính phù hợp giúp trị chứng Loạn Thị.   Nếu cột đó để trống, nghĩa là không bị Loạn Thị hay là mức độ thấp chưa cần trị bằng mắt kính.

Nếu muốn tự khám, mời làm theo bài trắc nghiệm online trong link bên dưới nha

Astigmatism Test
click here to test




Loạn Sắc (Colour Blindness) 

Loạn Sắc (Colour Blindness) là một loại bệnh di truyền, mang gene lặn.  Người bị loạn sắc có thể không nhận biết được một hay vài loại mầu nào đó.

Thường nếu người mẹ bị bệnh loạn sắc thì chắc chắn tất cả con trai sẽ bị bệnh loạn sắc (vì nhận gene loạn sắc qua nhiễm sắc thể X từ mẹ).   Riêng về các con gái của người bệnh loạn sắc vì còn nhận thêm một nhiễm sắc thể X từ cha nên còn tùy thuộc người cha có mang bệnh loạn sắc hay không.  Nếu người cha bị loạn sắc thì tất cả con gái cũng bị loạn sắc như cha mẹ.  Nếu người cha không bị loạn sắc thì tất cả con gái đều không bị loạn sắc nhưng sẽ mang gene lặn trong một nhiễm sắc thể X nhận từ mẹ (và một nhiễm sắc thể X không mang gene loạn sắc từ cha); do đó, sau nầy nếu họ có con trai thì con trai của họ sẽ có xác xuất 50% có thể bị loạn sắc vì tùy theo người con trai đó có bị nhận nhiễm sắc thể X có gene loạn sắc hay không từ mẹ.

Còn nếu người cha bị bệnh loạn sắc thì hơi rắc rối hơn một chút vì còn tùy theo người mẹ có bị loạn sắc hay có mang gene lặn loạn sắc hay không.  Nếu người mẹ hoàn toàn không bị loạn sắc (không mang gene lặn) thì toàn bộ con trai và gái đều không bị loạn sắc.  Tuy nhiên, những người con gái nầy đều mang gene lặn trong người (từ nhiễm sắc thể X nhận từ cha) và sau nầy sẽ di truyền bệnh loạn sắc cho con trai của họ (như đã nhắc đến ở trên).   Nếu người mẹ cũng bị loạn sắc thì tất cả con trai và gái đều bị loạn sắc như cha mẹ họ.   Nếu người mẹ tuy không bị loạn sắc như mang gene lặn thì tất cả con trai đều bị loạn sắc; còn con gái sẽ có xác xuất bị loạn sắc là 50% vì tùy theo có bị nhận nhiễm sắc thể X có gene loạn sắc từ mẹ hay không.   Ngay cả khi các người con gái không bị loạn sắc nhưng vì nhận gene loạn sắc trong nhiễm sắc thể X từ cha nên sau nầy con trai của họ cũng sẽ bị loạn sắc.

Toán di truyền học nhức đầu và rắc rối quá, phải không hở?   Nhưng nếu tìm hiểu kỹ thì chúng ta có thể dựa theo đó để phỏng đoán được xác xuất bị mắc một số bệnh do di truyền, cũng như có thể giải thích được một số trường hợp tại sao cha mẹ lành mạnh mà con cái lại bị mắc bệnh hay tại sao lại có việc một số bệnh di truyền cách một hay vài đời.

Trở lại chứng Loạn Sắc, vì đây là loại bệnh bẩm sinh nên rất nhiều người không hề biết là bị Loạn Sắc, ngoại trừ khi đi khám mắt mới biết.  Nếu chưa bao giờ làm qua các xét nghiệm, mời quý vị tự khám mắt thử nha theo vài cách liệt kê bên dưới

Colour Blindness Test #1

Mời đứng cách xa màn hình khoảng 1 thước (3 feet), nhìn vào từng hình tròn và đọc xem trong đó có số gì.   Sau đó xem kết quả ghi chú bên dưới



Color Blindness Test #2

Mời đứng cách xa màn hình khoảng 1 thước (3 feet), nhìn vào từng hình tròn và đọc xem trong đó có số gì.   Sau đó xem kết quả ghi chú bên dưới




Nếu muốn biết rõ hơn mức độ nhận biết mầu sắc chuẩn xác của đôi mắt, mời quý vị làm thêm vài bài trắc nghiệm trực tiếp online theo các link bên dưới

The Ishihara Test for Colour Blindness

Test #3 - click here to test
Test #4 - click here to test




E Chart Test For Kids

Thời nay có khá nhiều trẻ em đã bị Cận Thị ngay từ khi còn nhỏ.   Không hẳn là do di truyền bẩm sinh mà đa số có thể là sai sót trong cách sinh hoạt thường ngày, chẳng hạn như đọc sách nơi thiếu ánh sáng, nhìn màn hình quá lâu, mê chơi game, vv.. vv...  

Bên dưới là một bài trắc nghiệm về mắt dành cho các bé

E Chart Test For Kids
click here to test




Bài viết nầy cũng đã khá dài, Tứ Diễm tạm ngưng nha.   Mong là giúp ích được phần nào.   Nếu quý vị có hứng thú với đề tài nầy, xin cho biết trong phần Comment, Tứ Diễm sẽ bổ túc thêm sau

2 comments:

Vo Danh said...

Vô tình đọc bài viết này, rồi xem profile của bạn, thấy nhiều thứ thú vị.
Bạn ở nơi xứ lạnh tính nồng, mình thì ở nơi tìh yêu bắt đầu. Ha ha, chúc ngày nghỉ vui vẻ.

Vo Danh said...

tớ cũng thích được nhứ Tứ Diễm, đã từng là một programmer, thích tơ, thích hoa, ... nhưng giờ khi tìm hiểu kiến thức về mắt để kiếm tiền thì lại đọc đc blog của Tứ Diễm,
blog: http://manhvt.wordpress.com

Post a Comment

 
;