Thursday, 5 March 2015

Bánh Dầy Giò 2015

Ngày Tết thường nhắc đến món Bánh Chưng Bánh Tét, nhưng theo truyền thuyết thì Bánh Chưng và Bánh Dầy là hai món bánh được hoàng tử Tiết Liêu (Lang Liêu) làm dâng lên vua Hùng Vương thứ Sáu vào dịp đầu năm để cúng tổ tiên.   Và cũng nhờ hai món bánh tuy đơn giản nhưng tượng trưng cho Đất (Bánh Chưng) Trời (Bánh Dầy) bao hàm nhiều ý nghĩa rất hay nên vua Hùng Vương đã truyền ngôi cho Tiết Liêu.  Từ đó, Bánh Chưng Bánh Dầy thường được làm để cúng tổ tiên nhân dịp năm mới.

Riêng về tên gọi, theo Tứ Diễm còn nhớ khi đi học ở Việt Nam, thầy cô đều dậy gọi là Bánh Dầy (hay Bánh Dày) nhưng bây giờ xem một số trang trên mạng, họ lại quả quyết phải gọi là Bánh Giầy mới chính xác, gọi là Bánh Dầy hay Bánh Dày là sai.  Nhưng cách viết tiếng Việt hiện nay ở Việt Nam nhiều khi sai lạc so với tiếng Việt Nam vẫn có từ trước đến nay nên Tứ Diễm vẫn giữ nguyên cách gọi tên món nầy là Bánh Dầy Giò.  Để khi nào có dịp, Tứ Diễm sẽ hỏi các vị gốc Bắc Hà Nội ngày xưa để hiểu rõ hơn cách gọi tên món bánh nầy. 

Hôm trước đã nhắc đến món Bánh Chưng  do Tứ Diễm làm vào dịp Tết Nguyên Đán, hôm nay mời quý vị thưởng thức món Bánh Dầy Giò gồm hai miếng Bánh Dầy ăn kèm với Giò Lụa và Chả Chiên do Tứ Diễm tự làm


Mời cùng vào bếp nha



Bánh Dầy là món ăn gốc miền Bắc được làm từ gạo nếp.  Đây là món bánh tuy đơn giản nhưng lại có ý nghĩa rất đặc biệt.  Món Bánh Dầy là một trong hai món bánh do hoàng tử Tiết Liêu làm từ gạo nếp, đã.được nhắc đến trong Sự Tích về Bánh Chưng Bánh Dầy kèm theo lời giảng giải về nguồn gốc cùng ý nghĩa rất hay mà chúng ta vẫn thường được nghe kể từ thuở còn ấu thơ.

Người Bắc còn có món Bánh Dầy Đậu làm từ bột nếp.    Vỏ bánh bao tròn phần nhân đậu xanh ngọt bên trong, phía ngoài lăn qua đậu xanh hấp chín giã nhuyễn.  Nhưng món Bánh Dầy Đậu đó là món ngọt, hoàn toàn khác xa với món Bánh Dầy Giò.

Món Bánh Dầy Giò là loại Bánh Dầy không nhân, thường ăn kèm với Giò Lụa (Chả Lụa) hay là Chả Chiên.




Bánh Dầy, Bánh Dày hay Bánh Giầy?

Trước nay Tứ Diễm vẫn quen viết và gọi món nầy là Bánh Dầy Giò, vì hồi nhỏ đi học Thầy Cô đều dạy như vậy.   Trong các quyển tự điển thời trước 1975 đều viết là "Bánh Dày" (hay Bánh Dầy).

Đây là một hình tìm được trên mạng, trích dẫn từ một quyển sách truyện tranh Sự Tích Bánh Chưng Bánh Dầy, có thể click vào hình để xem xem rõ hơn phần chữ ghi chú kèm theo hình




Hôm nay đọc bài Bánh Giầy @ Wikipedia, họ có viết về món Bánh Dầy nhưng gọi là Bánh Giầy và khẳng định là phải gọi Bánh Giầy mới đúng (???).   Ngay cả trong bài viết đó, cách diễn tả về món Bánh Dầy cũng không được rõ ràng vì có thể khiến người chưa từng ăn qua bị lầm lẫn giữa món Bánh Dầy (trong sự tích Bánh Chưng Bánh Dầy, là loại bánh không nhân, làm từ xôi nếp giã quyện dẻo nặn thành từng cặp bánh  không nhân để ăn kèm với Giò, Chả với tên gọi là Bánh Dầy Giò) với món Bánh Dầy Đậu (là loại bánh nhân ngọt, làm từ bột nếp nhồi với nước nóng cho dẻo, vo viên gói nhân đậu xanh ngọt, hấp chín rồi lăn qua đậu xanh hấp giã nhuyễn)..   Hai món tuy cùng gọi là Bánh Dầy nhưng cách làm khác nhau, hương vị khác nhau, hình dáng mầu sắc cũng hoàn toàn khác xa nhau.  Ở cuối bài có kèm một số link trích dẫn một số tài liệu do những người viết theo cách dùng từ ngữ chế biến tại Việt Nam hiện nay khẳng định phải viết với chữ "Gi" mới đúng, không thể viết với chữ "D".   Theo một số người đó phải gọi món bánh nầy là Bánh Giầy Giò mới đúng. 

Nhưng ngẫm tới nghĩ lui vẫn thấy chữ Bánh Giầy Giò nghe không xuôi tai thuận mắt, giống như hiện nay cách họ chế ra cách viết chữ "bánh mỳ", "bác sỹ", "kĩ năng" thay vì "bánh mì", "bác sĩ", "kỹ năng" vẫn dùng từ trước 1954 đến nay.

Ngày nay sách báo ngay cả sách giáo khoa xuất bản tại Việt Nam vẫn chứa nhiều lỗi chính tả, chẳng hạn như có sách đánh vần tập đọc dạy cho trẻ em học mà viết sai chữ "Con Dơi" (Bat trong tiếng Anh) thành ra "Con Rơi" nên không thể chỉ dựa theo các tài liệu mới mà khẳng định cách viết chuẩn được.   


Trước nay, chữ "Giầy" vẫn dùng để chỉ đôi giầy; nay lại đem gọi tên cho món bánh nghe sao sao đó.
Bởi vậy Tứ Diễm vẫn sẽ giữ cách gọi Bánh Dầy Giò như vẫn dùng từ trước đến nay.

Chỉ riêng tên gọi thôi mà cũng đã rắc rối rồi, phải không hở?   Vậy còn cách làm bánh có đơn giản hơn không?






Sơ Lược Cách Làm


Nếu làm theo đúng kiểu cổ truyền thì khá mệt vì phải chọn nếp ngon, vo rồi thổi (hấp) chín thành xôi.  Sau đó giã bằng chầy trong cối cho xôi nát nhuyễn nhừ, dẻo quánh lại.  Thường người ta phải dùng chầy đứng, một người giã, một người vét xôi trong cối cho gọn.  Nghe nói còn phải bôi thêm mỡ vào đầu chầy để giã cho xôi dẻo mướt.  Có người lại nói là dùng óc heo hấp chín để bôi chầy, nhưng Tứ Diễm không biết có đúng vậy hay không.

Ngày nay người ta dùng sức máy để giã cho xôi nếp dẻo quánh nên đỡ vất vả hơn.  Tuy nhiên dù là dùng sức người hay sức máy, cách làm đó cũng không phù hợp với Tứ Diễm .




Vài Hình Ảnh Trong Khi Làm 

Tứ Diễm chọn cách làm món Bánh Dầy đơn giản hơn rất nhiều.  Đó là dùng các loại bột đã chế biến sẵn, nhồi dẻo mịn, vo viên, đem luộc chín là xong.   Gọn lẹ hơn dù có thể không còn đúng theo kiểu truyền thống cổ truyền nhưng lại phù hợp với cuộc sống bận rộn thời nay tại hải ngoại.  Ngoài việc "lăn vào bếp" và 1001 việc nội trợ không tên, phái nữ vẫn cần dành thời gian cho nghề nghiệp chuyên môn cũng như các sinh hoạt giao tiếp ngoài xã hội.   Không thể bó tay bó chân quá nhiều với việc bếp núc mỗi ngày.

Bột nhồi quyện lại thành khối dẻo, ủ cho nở xong nhồi dẻo mịn chuẩn bị làm.  Chia làm nhiều phần, vo tròn xong ép dẹp


 Nấu nước thật sôi, thả các viên bánh vào luộc.  Bánh sẽ chìm dưới đáy nồi.  Khi chín sẽ nổi lên mặt nước.  Vớt bánh ngâm vào nước lạnh


Vớt bánh ra.  Cắt giò lụa (chả lụa) hay chả chiên thành từng khoanh tròn.  Kẹp hai miếng Bánh Dầy bao phủ miếng giò hay chả vào giữa.   Vậy là đã làm xong một cái Bánh Dầy Giò rồi đó


Bầy ra đĩa vài miếng làm duyên nhìn cho vui mắt nha



Người ta thường lót lá chuối, Tứ Diễm dùng Lá Lốt lót dưới Bánh Dầy Giò


Bên tay trái là Bánh Dầy kẹp Giò (Chả) Lụa.  Bên tay phải là Bánh Dầy kẹp Chả Chiên


Đặt vào cái tráp nầy thay đổi cách trình bầy một xíu nha



Nhìn gần hơn 


Hay chỉ đặt lên đĩa một cách đơn giản như vầy


Mỗi cái Bánh Dầy Giò nhỏ vừa ăn.  Cho dù có "yểu điệu thục nữ" theo kiểu  "cọng giá cắn đôi" nhưng khi ăn món Bánh Dầy Giò nầy cũng nên cắn một miếng gồm cả hai lớp bánh dầy và giò lụa, thong thả nhai sẽ cảm nhận được vị thơm ngon của Giò lụa hòa quyện với vị mềm dẻo mát mịn của Bánh Dầy tạo nên một hương vị thật độc đáo. 


Mời cùng thưởng thức một món giản dị mà cũng thật ngon



Nếu có hứng thú, mời xem thêm các bài viết:

0 comments:

Post a Comment

 
;