Thursday 28 May 2015

Nấu Cơm Gạo Lức, Huyết Rồng, Basmati

Với những ai quen ăn cơm mỗi bữa nên chắc hẳn chẳng xa lạ gì với việc nấu cơm.  Huống hồ chi bây giờ có rất nhiều loại nồi cơm điện (Rice Cooker) tối tân hiện đại có thể dùng nấu nhiều loại ngũ cốc và gạo khác nhau rất dễ dàng.   Trong bài viết nầy Tứ Diễm chỉ chia sẻ một vài kinh nghiệm vụn vặt khi nấu các loại gạo tẻ (jasmine rice), gạo lức (brown rice), gạo Ấn Độ (basmati rice) và gạo huyết rồng (red rice) với nồi cơm điện Sanyo Rice Cooker kiểu đơn giản và cổ lỗ sĩ từ ... thế kỷ trước.


Đây là cơm lần đầu tiên Tứ Diễm nấu từ gạo Huyết Rồng (Red Cargo Rice) dùng nồi Sanyo Rice Cooker, ăn kèm với vài món đơn giản


Một bữa Cơm Gạo Basmati với vài món đơn giản

Mời xem tiếp theo nha

Trong thành ngữ có câu "mèo lại hoàn mèo", dựa theo điển tích có người yêu quý một chú mèo nên thay vì gọi là "mèo", lại muốn tìm một tên khác để gọi, nhưng loanh quanh một hồi rồi vẫn thấy chỉ chữ "mèo" là phù hợp nhất cho chàng miêu yêu dấu.

Trước đây, trong bài viết Nấu Cơm, Tứ Diễm có nhắc đến việc nấu cơm trong nồi vision thermal glass trên bếp điện nên mấy nồi cơm điện (rice cooker) xem như được nghỉ hưu trí dài hạn.   Nhưng đời vốn biến đổi khó lường, từ khi mua bếp Portable Induction Cooktop về thì xem như những nồi Vision Thermal Glass đã bị thất sủng lại phải vào "lãnh cung" vì không thể dùng với bếp Induction.   Tứ Diễm đã định thử dùng những nồi có thể dùng với bếp Induction nấu gạo lức (brown rice) nhưng thấy thời gian nấu lâu quá nên lười.   Do đó, "mèo lại hoàn mèo", loanh quanh rồi vẫn trở lại với việc nấu bằng nồi cơm điện (Rice Cooker). 

Mỗi khi họp mặt gia đình, Tứ Diễm dùng nồi cơm điện loại lớn nấu khá tiện lợi.  Nhưng nếu nấu ăn mỗi ngày thì nồi đó lớn quá, choán chỗ trong bếp nên Tứ Diễm cho vào "lãnh cung" nằm chơi.   Thỉnh thoảng cần mới mang lên bếp dùng rồi lại đem cất.   Tứ Diễm còn mấy nồi cơm loại mới còn nằm nguyên trong thùng chưa đụng đến nhưng dung tích cũng hơi lớn.   Chợt nhớ là có hai cái nồi cơm điện cũ nhỏ gọn.  Thế là lại lục trong "tàng cổ các" (hihi, là "lãnh cung" chứa những món ít hay hiếm khi dùng đến) mang một cái nồi cơm điện Sanyo Rice Cooker từ thời một ngàn chín trăm ... gì đó, xem như thuộc loại "đồ cổ" vì sản xuất từ... thiên niên kỷ trước.   Nghe thấy xa xưa quá, phải không hở?



Sanyo Rice Cooker

Hình bên dưới là cấu trúc của nồi Sanyo Rice Cooker.



Nồi Sanyo Rice Cooker nhỏ gọn, dung tích 1.0 L / 5 cup phù hợp nấu số lượng ít.   5 cup là tính theo số lượng cơm đã nấu chín, tính theo loại cup đong gạo bán kèm với nồi.  Mỗi cup đong gạo có dung tích 3/4 measuring cup (3/4 of 250 mL).   Tứ Diễm ước tính dùng nấu 2 cup (dung tích 250 mL) gạo với 4 cup (1 L) nước sẽ vừa với dung tích của nồi.


Nồi có cấu trúc theo kiểu xưa, có một lõi lò xo ở giữa đáy.   Đó cũng là phần dẫn nhiệt (heating plate) giúp làm nóng và chín thực phẩm trong nồi.


Dây điện có thể tháo rời hay gắn vào bên hông nồi



Nồi rất đơn giản, chỉ có hai nút "Cook" và "Keep Warm".   Khi nấu, nhấn nút Cook.  Khi cơm chín sẽ tự động chuyển sang "Keep Warm". 



Tứ Diễm cho gạo và nước vào nồi, đậy nắp, nhấn nút rồi chờ.  Không ngờ lại có thể nấu đủ loại gạo và cơm dẻo ngon, lại không tốn thời gian canh chừng.

Và đây là "hành trình... nấu cơm thời @" của Tứ Diễm nè.   hihi, dùng chữ cho có vẻ quan trọng hóa vấn đề vốn nhỏ còn hơn móng chân con ... muỗi nữa.



Nấu Gạo Tẻ (Jasmine Rice)

Vì đã lâu không dùng, Tứ Diễm cũng nghi ngờ không biết nồi còn hoạt động tốt hay là lăn đùng ra ăn vạ giữa chừng.  Do đó nấu thử với gạo Jasmine trước.   Thường mỗi nồi có kèm theo cup đong gạo và mức đổ nước, nhưng không biết cup đong gạo đã lạc nơi nào rồi.  

Tứ Diễm cứ nấu nhắm chừng, dùng loại measuring cup 250 mL, đong theo tỷ lệ 2 cup gạo 4 cup nước sôi.   Nhấn nút rồi giao cho nồi Sanyo Rice Cooker tự nấu.   Khi chuyển sang Keep Warm, Tứ Diễm mở nắp nồi, xới cơm cho đều rồi đậy nắp chờ một lúc.  Kết quả cơm chín dẻo ngon và không bị lớp cơm cháy ở đáy nồi.

Bên dưới là một đĩa Cơm Thập Cẩm do Tứ Diễm tự làm các món ăn kèm.   Mời xem thêm chi tiết và hình ảnh trong bài Cơm Thập Cẩm




Với những ai thích món Cơm Cháy thường nhấn nút cho nồi nấu thêm một lát sẽ có lớp cơm cháy ở đáy nồi.

Món Cơm Cháy nầy phải ăn ngay khi còn đang nóng giòn thì mới ngon.   Để nguội sẽ không còn ngon nữa.   Có thể xem chi tiết và hình ảnh trong bài Cơm Cháy - Cơm Rang




Tuy nhiên nồi Sanyo Rice Cooker nầy thuộc loại "cứng đầu", một khi cơm đã chín, chuyển sang Keep Warm, dù có muốn nhấn nút Cook cũng không được.  Tứ Diễm không mê ăn cơm cháy nhưng tò mò muốn thử nghiệm để xem nồi làm được những việc gì.  Do đó, Tứ Diễm chờ một lúc, nhấn nút cũng không được.  Cuối cùng Tứ Diễm phải dùng "vũ lực" bằng cách lấy cán muỗng đè lên nút Cook, xong dùng vật nặng đặt lên cán muỗng.

Với cách nầy, bắt buộc nồi Sanyo Rice Cooker phải miễn cưỡng tiếp tục nấu và làm cháy phần cơm ở đáy nồi.   Xem như cũng đã đạt được kết quả.   Nhưng Tứ Diễm không biết nếu làm thường xuyên có khiến nồi bị hư hay không.   Thêm vào nữa Tứ Diễm cũng không mê ăn Cơm Cháy nên sẽ không cần phải "ép uổng" nồi Sanyo Rice Cooker nữa, vì "ép dầu ép mỡ sao nỡ ép ... nồi cơm" :)



Nấu Gạo Lức (Brown Rice)

Gạo Lức nghe nói lâu chín.   Có người khuyên là phải ngâm qua đêm rồi mới nấu.  Có người lại nói nếu dùng nồi cơm điện loại cũ thì khi nấu gạo lức sẽ bị trào nước mà cơm bị sống.  Có người nói là khi cơm sôi phải mở nắp, nấu đến khi cạn nước mới đậy nắp chờ đến khi cơm chín.  Nghe nhiều người nói phải mua loại nồi mới đắt tiền, có nhiều functions để chọn cho đúng loại gạo thì mới nấu gạo lức được.   Nói chung đa số cho biết là nấu cơm gạo lức không đơn giản như mong muốn.

Như đã nhắc đến ở trên, Tứ Diễm không mê ăn cơm mà nhà có quá nhiều nồi cơm điện, cả cũ lẫn những nồi mới tinh còn nguyên trong hộp chưa khui ra nữa, nên Tứ Diễm cũng không muốn tốn tiền sắm thêm nồi cơm điện mới.  Sau khi đã nấu cơm gạo Jasmine biết nồi Sanyo Rice Cooker vẫn còn tốt, Tứ Diễm nghĩ ngay đến việc giao cho nồi Sanyo Rice Cooker nấu Gạo Lức (Brown Rice) xem kết quả ra sao.  

Vo gạo sạch xong Tứ Diễm cũng vẫn nấu 2 cup gạo với 4 cup nước sôi.   Khi cơm cạn nước, mở nắp dùng silicone spatula trộn đều một vòng rồi đậy nắp để yên cho nồi tiếp tục nấu.   Sau khi nồi chuyển qua Keep Warm, Tứ Diễm cứ để yên khoảng 20 phút mới mở nắp ra nếm thử.   Cơm mềm dẻo ngon.   Nói chung đạt yêu cầu.   Có nhiều người than ăn gạo lức khó nuốt, phải ráng ăn chứ không thấy ngon.   Riêng Tứ Diễm thấy gạo lức nấu xong ăn dẻo ngon.  Tứ Diễm vốn không mê ăn cơm, vậy mà nấu nồi cơm gạo lức xong ăn không biết no.   Ăn no xong vẫn còn muốn bới thêm cơm nữa.

Đây là một trong những bữa Cơm Gạo Lức .  Có thể xem thêm chi tiết và hình ảnh trong  bài viết Cơm Gạo Lức


Cũng có thể đem Cơm Gạo Lức rang cùng các thứ nguyên liệu khác, chúng ta sẽ có món Cơm Rang (Cơm Chiên) Gạo Lức như trong hình bên dưới.   Mời xem thêm chi tiết và hình ảnh trong bài viết Cơm Rang (Cơm Chiên) Gạo Lức


Như vậy, nồi Sanyo Rice Cooker đã vượt qua thêm một thử nghiệm nữa. 



Nấu Gạo Ấn Độ (Basmati Rice)

Tứ Diễm không mê ăn cơm và cũng không thích ăn cơm mỗi bữa, nhưng vì có lần vào nhà hàng Trung Đông ăn thử, thấy họ dùng gạo Basmati cũng lạ miệng nên tò mò mua một bao về.  Nấu vài lần xong mê ăn món khác nên bao gạo Basmati bị ế, thỉnh thoảng mới nấu một lần.

Gạo Basmati mau chín, chỉ cần nấu khoảng 15 phút là chín nên vẫn có thể nấu với bếp Induction không khó.   Tuy nhiên Tứ Diễm đang muốn "thử tài" nồi Sanyo Rice Cooker nên mang gạo Basmati ra nấu thử, sẵn để dọn dẹp các món "tồn kho" cho rộng nhà.   Có mẹo vặt nói dùng bia nấu cơm sẽ ngon nên Tứ Diễm đem áp dụng thử luôn.

Vo gạo sạch với ít muối xong Tứ Diễm nấu 2 cup gạo + 3 cup nước sôi + 1 cup bia (Tứ Diễm dùng loại Labatt Blue Light Beer).   Khi cơm cạn nước, mở nắp dùng silicone spatula trộn đều một vòng rồi đậy nắp để yên cho nồi tiếp tục nấu.   Sau khi nồi chuyển qua Keep Warm, Tứ Diễm cứ để yên khoảng 15 phút mới mở nắp ra nếm thử.   Cơm tơi rời nhưng mềm ngon, không khô, không có mùi bia.  Nếu muốn ngon, nấu với nước hầm xương gà, nêm gia vị vừa ăn sẽ hấp dẫn khẩu vị hơn nữa.

Đây là cơm gạo Basmati vừa nấu xong, còn nóng hổi trong nồi Sanyo Rice Cooker


Thay vì ăn kèm các món Việt Nam, với Cơm Gạo Basmati chúng ta có thể "úm ba la" ra món như hình bên dưới.   Món nầy Tứ Diễm bắt chước theo món Salmon Kabob của một nhà hàng Trung Đông nhưng tự trang trí theo ngẫu hứng bất chợt.

Tứ Diễm chọn cá Salmon fillet cho gọn và tiện, rửa qua với sữa tươi, lau khô, ướp gia vị cho thấm. Khi sắp ăn, rửa rau lettuce, dưa leo, cà chua. Thái lettuce thành từng miếng vừa ăn. Dưa leo thái lát và tỉa để trang trí cho đẹp; phần còn lại thái hạt lựu. Cà chua thái lát và tỉa hoa một số; phần còn lại thái hạt lựu. Bầy dưa leo, cà chua, lettuce vào một góc đĩa.



Nước sauce ướp cá còn dư đem nấu sôi, nêm nếm cho vừa ăn. Trộn với cơm. Bầy vào góc đối diện. Xếp thêm dưa leo và cà chua đã tỉa hoa để trang trí như hình trên.  Những hạt cơm trộn thêm nước sauce sẽ có mầu sắc bắt mắt và hương vị đậm đà ăn ngon hơn.  Nhìn gần hơn nha smilie


Cũng có thể ăn kèm chung với vài món đơn giản


Nhìn gần để thấy rõ hai loại cơm hơn nha.   Phía tay trái là cơm trắng (steamed Basmati rice).  Phía tay phải là cơm vét chảo, mời xem thêm chi tiết và hình ảnh trong bài Cơm Gạo Basmati

 

Có thể xem thêm chi tiết và hình ảnh trong các bài viết

---oOo---

Như vậy nồi Sanyo Rice Cooker lại vượt qua một "thử thách" nữa rồi. 

Sẵn nhắc đến gạo Basmati, Tứ Diễm mang vào bài viết một kinh nghiệm dùng nồi induction pressure rice cooker do sis Ngọc Mỹ chia sẻ.  Theo sis Ngọc Mỹ cho biết là gạo basmati, mua loại aged và extra long sē rất ngon.  Sis Ngọc Mỹ nấu 3 phần nước sôi, 1 phần gạo, thêm một thìa muối.  Sau khi vo sạch, cho gạo vào nồi, khuấy hai ba lần cho khỏi dính đáy.  Sau khoảng 7 - 10 phút, gạo đã nở thì chắt (đổ) hết nước trong nồi, nhanh tay vun gạo thành hình cái Kim Tự Tháp, đậy kín, để lửa thật nhỏ khoảng 15 phút, thêm ít bơ rồi tắt bếp.   Cách này cơm nở như "bông" không khô và không nhão ngon lắm.  Nấu gạo lức cũng giống vậy chỉ không nêm muối và nấu sôi 18 phút cho gạo nở. 



Nấu Gạo Huyết Rồng (Red Cargo Rice)

Có người nói Gạo Huyết Rồng (Red Cargo Rice) mới đúng là gạo lức.  Nhưng theo Tứ Diễm nghĩ gạo lức là loại gạo chỉ xay sơ cho tróc vỏ trấu, vẫn còn giữ nguyên phần cám gạo bên ngoài nên gạo brown rice cũng là loại gạo lức.   Còn hạt gạo Huyết Rồng cũng là gạo lức, nhưng là gạo hạt dài có mầu đỏ.  Theo trang Wikipedia, "Red Cargo rice is a type of non-glutinous long grain rice, similar to brown rice, in that it is unpolished rice, only the color of the bran is red, purple or maroon. Only the husks of the rice grains are removed during the milling process, retaining all the nutrients, vitamins and minerals intact in the bran layer and in the germ".   Tuy nhiên cũng có một số bài viết cho rằng Gạo Huyết Rồng không phải là gạo lức nên người bị bệnh tiểu đường phải cẩn thận kẻo nếu ăn nhiều cũng có thể bị tăng lượng đường trong máu như các loại gạo tẻ khác.

Tứ Diễm tìm trong tủ thấy có một bao Gạo Huyết Rồng, chẳng biết do ai trong nhà mua từ khi nào, nên đem ra nấu.   Trước là để tiêu thụ cho mau hết những thứ tích trữ trong nhà, sau là để thí nghiệm xem nồi Sanyo Rice Cook nấu có ngon hay không.  Cuối cùng là để ăn thử xem cơm Gạo Huyết Rồng có hương vị ra sao.   Nghe có người nói ăn ngon, có người lại nói khó nuốt nên Tứ Diễm cũng cảm thấy tò mò muốn biết.

Vo gạo với muối và nước xong Tứ Diễm cũng vẫn nấu 2 cup gạo với 4 cup nước sôi.   Khi cơm cạn nước, mở nắp dùng silicone spatula trộn đều với 1 tsp dầu olive rồi đậy nắp để yên cho nồi tiếp tục nấu.   Sau khi nồi chuyển qua Keep Warm, Tứ Diễm cứ để yên khoảng 20 phút mới mở nắp ra nếm thử.   Cơm mềm dẻo ngon.   Nói chung cũng khá dễ ăn.

Đây là hình bao gạo Huyết Rồng (Red Cargo Rice) cùng cơm lần đầu tiên Tứ Diễm nấu từ gạo huyết rồng dùng nồi Sanyo Rice Cooker


Nhìn gần hơn một chút.  Thoạt nhìn khá giống với món ... xôi đậu đen, phải không hở?


Ăn thử với vài món đơn giản nha.    Trứng chiên với hành trồng ngoài vườn.  Veggie Stew dùng nồi thermal cooker nên rất gọn và tiện lợi.   Tứ Diễm còn gì dùng nấy.   Su su, khoai tây, cà rốt, bí đỏ (bí rợ, pumpkin), leek và soy protein thêm với sauce cà chua + veggie broth homemade + muối. 

Bầy hàng chút chút làm duyên, trong bếp còn nguyên cả nồi.  Mời tự nhiên nha, all you can eat :)


Chụp gần để thấy rõ từng hạt cơm gạo huyết rồng trong chén


Vậy là nồi sanyo Rice Cooker đã vượt qua được những thử nghiệm căn bản, có thể nấu được bốn loại Gạo Thái (Jasmine), Gạo Lức (Brown Rice), Gạo Ấn (Basmati Rice) và Gạo Huyết Rồng (Red Cargo Rice).   Đủ để rời khỏi "lãnh cung", trở thành một trong số những "phụ bếp" của Tứ Diễm.   Bắt đầu từ hôm nay, "mèo lại hoàn mèo", nồi Sanyo Rice Cooker lại chiếm được một góc trong gian bếp



Vài Ý Vụn

Sau khi đã thử nấu bốn loại gạo khác nhau, xem như nồi Sanyo Rice Cooker đã được ưu tiên chiếm một góc trong bếp, không còn nằm chơi xơi bụi trong "lãnh cung" nữa.   Cũng may là do làm biếng, Tứ Diễm chưa mang nồi đi tặng cho các nơi quyên góp từ thiện nên giờ mới có cơ hội cho nồi Sanyo Rice Cooker trổ tài nấu cơm.

Tứ Diễm sẽ dùng nồi Sanyo nấu gạo nếp lức (sweet brown rice), gạo nếp (glutinous rice) và Quinoa xem kết quả ra sao.   Theo dự đoán thì Quinoa cũng sẽ chín ngon vì nồi đã nấu được gạo lức và gạo huyết rồng thì chắc chắn sẽ nấu được Quinoa.

Tứ Diễm sẽ mang thêm hình ảnh và update bài viết sau nha



Mời xem thêm các bài viết

0 comments:

Post a Comment

 
;