Tuesday 7 July 2015

Cơm Gạo Lức (Steamed Brown Rice)

Updated: Jul 30, 2015

Ngày trước nghe nói ở Sài Gòn có phong trào ăn cơm gạo lức muối mè theo phương pháp Ohsawa để vừa trị bệnh vừa tốt cho sức khỏe.   Ngày nay việc ăn gạo lức cũng khá phổ biến, nhưng không nhất thiết chỉ ăn kèm với muối mè mà chúng ta có thể ăn kèm với các món chay mặn tùy ý thích.

Bên dưới là một bữa Cơm Gạo Lức (brown rice) ăn kèm với vài món do Tứ Diễm làm rất đơn giản.


Nếu có hứng thú, mời cùng vào bếp nha.

Theo Tứ Diễm nhớ thì ngày trước khi còn đi học, Thầy Cô dậy cách viết là "Gạo Lức".  Nhưng chẳng hiểu sao bây giờ lại thấy ở trên mạng rất nhiều nơi lại viết là "Gạo Lứt".  Thậm chí có trang web lại còn khẳng định là phải viết Gạo Lứt mới đúng, còn viết Gạo Lức là viết theo cách phát âm giọng địa phương.   Điều nầy hơi lạ vì thường Tứ Diễm hiếm khi nào phát âm hay viết lẫn lộn giữa các âm "c" và "t" ở cuối chữ.   Tuy nhiên, biết đâu đôi lúc cũng có ngoại lệ :)

Có thể với một số người việc viết đúng chính tả không quan trọng, không cần thiết phải "chuyện nhỏ xé to".  Có lẽ vì thế nên có thể thấy nhiều lỗi chính tả trong rất nhiều sách vở, bài viết, văn bản; thậm chí trong sách giáo khoa và báo chí tại Việt Nam hiện nay cũng viết sai nhiều chữ rất căn bản.   Còn nếu đi dạo các diễn đàn, blogs, facebook, wikipedia, vv.. vv.. sẽ thấy đầy rẫy những chữ viết sai, cho dù đó là các từ ngữ thông thường, vẫn quen sử dụng thường ngày.  Đó là chưa kể đến cách viết tắt, cố tình viết sai, viết ngọng, viết bừa, viết sai ngữ pháp, văn phạm, vv.. vv...  hay là muốn tạo ra những từ ngữ mới để khác biệt với ngôn ngữ vẫn dùng từ ngàn xưa; cho dù các từ ngữ mới đó chỉ làm nghèo nàn và mất đi nét đẹp vốn có trong tiếng Việt.  Nhất là hiện nay có nhiều người nói và viết dùng các danh từ, động từ, tính từ không cần theo văn phạm, ngữ pháp hay là lạm dụng các từ ngữ "văn hoa" một cách không cần thiết, đôi khi còn khiến tối nghĩa, khó hiểu.

Nói chung là rất ư ... "loạn cào cào".  Khiến Tứ Diễm đôi lúc cũng phải phân vân tự hỏi giống như trong trường hợp nầy, không rõ là "gạo lức" hay 'gạo lứt".   Còn với các bé sinh ra ở hải ngoại cùng những người ngoại quốc nếu muốn học hỏi thêm về tiếng Việt, khi tìm trên mạng chắc hẳn sẽ lại càng hoa mắt và rối trí hơn nữa.  Chỉ e là họ sẽ vô tình học sai, hiểu sai theo các cách viết không đúng chính tả và ngữ pháp đó.  Bởi vậy, đôi khi ngỡ chỉ là chuyện nhỏ nhưng nếu cứ lơ là không lưu ý tìm hiểu, về lâu dài có thể sẽ gây nên những ảnh hưởng không nhỏ một chút nào .  Nếu yêu quê hương Việt Nam, phải chăng chúng ta cũng nên yêu thương, trân trọng và duy trì gìn giữ nét đẹp của tiếng Việt?

Tạm thời, Tứ Diễm vẫn giữ nguyên cách viết theo trí nhớ.  Tứ Diễm sẽ hỏi một số vị cao niên cách viết chữ "Gạo Lức" và sẽ update bài viết nầy sau nghen.

Updated: Sau khi đã hỏi ý kiến một số vị cao niên (đa số là người Bắc Hà Nội thời trước 1954; và trong đó có một vị vừa là giáo sư vừa là Hiệu Trưởng một trường Trung Học), tất cả các vị ấy đều đồng ý là theo cách dùng từ ngữ thời trước 1975 chữ "Gạo Lức" viết với "c" chứ không phải là "t" như cách viết trong một số web site hiện nay.  Với cách phát âm của người Bắc thời trước 1954 thì phân biệt rất rõ giữa âm "c" và "t" ở cuối mỗi chữ nên không thể có việc đọc một đàng, viết một nẻo.  Ngoài ra, theo quyển Việt Nam Tân Tự Điển được ông Thanh Nghị biên soạn, do nhà sách Khai Trí phát hành ngày 18/2/1966 thì cũng chỉ có chữ "Gạo Lức", hoàn toàn không có chữ "Gạo Lứt" trong tự điển. 

Như vậy, Tứ Diễm đã nhớ, phát âm và viết đúng, phải không hở? 



Vài Điều Về Gạo Lức

Như chúng ta đã biết mỗi hạt lúa (thóc / rice seed) còn lớp vỏ trấu bọc bên ngoài.   Lúa cần được xay và sàng, sẩy để tróc phần vỏ trấu (husk) bên ngoài.  Gạo Lức (brown rice) vẫn còn nguyên mầm lúa (germ) cùng lớp cám (bran) bao phủ bên ngoài nên giữ được nhiều chất dinh dưỡng, sinh tố tốt cho sức khỏe.   Gạo Tẻ (white rice) được xay kỹ hơn, loại bỏ hết lớp cám bao phủ bên ngoài, nhìn trắng đẹp nhưng đã bị mất nhiều chất bổ dưỡng và sinh tố.  Có thể xem hình minh họa bên dưới để hiểu rõ hơn



Theo tài liệu, gạo lức (brown rice) chứa tinh bột (carbohydrate), chất đạm (protein), chất béo (cholesterol), chất xơ (fiber) cùng nhiều sinh tố (như vitamin B1, B2, B3, B6), folic acid (vitamin M hay B9), pantothenic acid (vitamin B5), para-aminobenzoic acid (PABA), phytic acid (còn được biết dưới tên gọi inositol hexakisphosphate IP6, inositol polyphosphate hay phytate), cùng các loại khoáng chất như calcium (Ca), iron (Fe), magnesium (Mg), glutathione (GSH), potassium (K), sodium (Na), selenium (Se).

Trong khi đó, sau khi xát và giã để loại bỏ hết phần cám cùng mầm lúa, những hạt gạo trắng (white rice) tuy nhìn trắng đẹp mắt nhưng đã bị hao hụt rất nhiều sinh tố (mất khoảng 77% vitamin B3, 80% vitamin B1, 90% vitamin B6), khoáng chất (mất hơn phân nửa magnesium mineral) và mất hầu hết chất xơ (fiber).   Chẳng hạn như một cup gạo lức sau khi nấu thành cơm chứa khoảng 84 milligrams Magnesium mineral; còn một cup gạo trắng sau khi nấu thành cơm chỉ còn khoảng 19 milligrams Magnesium.   Ngoài ra, lớp cám bao phủ bên ngoài hạt gạo lức còn chứa một loại dầu có tác dụng giúp điều hòa huyết áp, làm giảm cholesterol "xấu" (LDL = Low-density lipoprotein), giúp ngăn ngừa các bệnh về tim mạch.
 
Tóm lại, có thể hiểu nôm na là Whole Grain (chẳng hạn như gạo lức / brown rice) vì còn giữ được lớp cám cùng mầm lúa có chứa nhiều chất dinh dưỡng, sinh tố và khoáng chất nên tốt cho sức khỏe hơn White Grain (chẳng hạn như gạo tẻ / white rice).





Nấu Cơm Gạo Lức

Nhiều người hay than phiền là gạo lức (brown rice) rất khó ăn, khô khan, khó nuốt.  Tứ Diễm tuy không mê ăn cơm nhưng lại thấy gạo lức (brown rice) ăn ngon.    Tứ Diễm mua loại gạo hạt tròn như hình bên dưới (short grain brown rice).

 
Có người bảo rằng phải mua nồi loại mới có chức năng nấu nhiều loại gạo khác nhau hay dùng nồi pressure cooker mới nấu được gạo lức.  Đa số người ta thường rang hay ngâm gạo trước khi nấu.  Cũng có người chọn cách nấu gạo với nước lạnh cho đến khi nước sôi thì tắt bếp, đợi khoảng 30 phút rồi mới cắm điện, tiếp tục nấu.  Tỷ lệ gạo và nước cũng gia giảm tùy theo cách nấu và ý thích riêng mỗi gia đình.   Thường với gạo đã ngâm, người ta nấu theo tỷ lệ 1 gạo với 1.5 nước.

Riêng với Tứ Diễm, việc nấu cơm khá giản dị, không cần phải ngâm hay rang gạo trước.   Bất cứ khi nào muốn ăn thì đong gạo, vo rồi cho vào nồi Sanyo Rice Cooker cắm điện, nhấn nút và ... chờ là sẽ có nồi cơm dẻo ngon trong vòng 20 - 30 phút (Tứ Diễm quên không để ý thời gian, sẽ chú ý kỹ hơn và update lại sau nghen).

Như đã nhắc đến trong bài Nấu Cơm Gạo Lức, Huyết Rồng, Basmati, Tứ Diễm vẫn dùng nồi cơm điện Sanyo kiểu cũ để nấu Cơm Gạo Lức theo tỷ lệ 2 cup gạo lức và 4 cup nước sôi.   Sau khi cơm chín, nồi chuyển sang Keep Warm, Tứ Diễm mở nắp, xới đều, đậy nắp rồi để yên một thời gian khoảng từ 10 đến 20 phút, Cơm Gạo Lức sẽ chín dẻo mềm rất ngon và cũng chẳng mất công canh bếp.

Cơm còn dư cất trong tủ lạnh, đem hâm lại trong microwave, ăn vẫn dẻo ngon.   Do đó, sau khi nấu xong, chờ cơm nguội, Tứ Diễm thường đem cất ngay phần cơm còn dư vào tủ lạnh, chứ không để trong nồi dù nồi có thể Keep Warm tiếp tục giữ ấm.
 
Bên dưới là một bữa ăn đơn giản gồm vài món do Tứ Diễm làm để ăn kèm với Cơm Gạo Lức.


Ngoài Cơm Gạo Lức, còn có Thịt Gà Viên Nướng, Đậu Hũ Chiên Tẩm Hành ăn kèm với Dưa Leo thái lát mỏng.   Thêm món Canh Rau Cải, Bí Đỏ (Bí Rợ, Pumpkin) Áp Chảo.  Trong hai chén nhỏ là Xíu Mại Gà và ít Đu Đủ Xanh Ngâm Chua Ngọt cùng ớt ngâm giấm.  Tứ Diễm bầy ớt nhìn cho vui mắt chứ Tứ Diễm không bao giờ ăn ớt nguyên trái cũng ít khi ăn cay.  
 

Nhai một miếng cơm gạo lức sẽ cảm nhận được vị ngọt của những hạt cơm hòa tan trong miệng.


Đậu Hũ Chiên vàng giòn còn nóng hổi nhúng vào chén nước mắm pha với ít nước, thêm nhiều hành lá thái nhuyễn rồi gắp ra đĩa.  Đậu hũ nóng sẽ làm tái chín hành, khi gắp, hành lá sẽ bám vào chung quanh miếng đậu như trong hình.  Những miếng Đậu Hũ Rán Tẩm Hành vàng giòn thơm mùi hành lại đậm đà vừa ăn thật là ngon.   Món Thịt Gà Viên Nướng được áp chảo vàng thơm, ăn kèm chung với dưa leo và Đu Đủ Ngâm Chua Ngọt sẽ làm tăng thêm hương vị thơm ngon.


Thêm món Canh Rau Cải có vị thanh mát giúp giải nhiệt.   Bí Đỏ (Bí Rợ, Pumpkin) Áp Chảo vừa ngọt vừa bùi, vừa bổ vừa mát giúp bữa ăn thêm phần ngon miệng và nhìn ... mầu mè hoa lá cành hơn.


Thêm vài viên Xíu Mại Gà ăn kèm chung lại càng hấp dẫn vị giác hơn nữa.  


Mỗi món một chút, bầy hàng chung thành một khay Cơm Gạo Lức với nhiều mầu sắc và hương vị, bảo đảm không giống ai, nhưng rất ngon miệng lại dồi dào chất dinh dưỡng, sinh tố, khoáng chất cùng chất xơ.


Mời cùng thưởng thức một bữa ăn giản dị mà ngon miệng nha



Mời xem thêm các bài viết

0 comments:

Post a Comment

 
;