Thursday 13 November 2014

Chè Trôi Nước Express

"Thân em vừa trắng lại vừa tròn 
Bẩy nổi ba chìm với nước non
Rắn nát mặc dầu tay kẻ nặn 
Mà em vẫn giữ tấm lòng son"  (thơ Hồ Xuân Hương)

Ngày xưa nữ sĩ Hồ Xuân Hương chỉ qua bốn câu thơ đã miêu tả thật tài tình không kém phần tinh nghịch dí dỏm một món ngọt rất được nhiều người ưa chuộng: Chè Trôi Nước.   Tuy gọi là chè, nhưng cũng có nơi người ta lại gọi là Bánh Trôi, Bánh Chay.

Đây là món Chè Trôi Nước Express do Tứ Diễm làm theo kiểu dã chiến

 

Mời cùng vào bếp nha




Món Chè Trôi Nước hay còn gọi là Bánh Trôi Bánh Chay là một món ngọt thuộc miền Bắc.  Có tài liệu cho rằng món nầy bắt nguồn từ Trung Quốc vì người Hoa cũng có lệ ăn chè trôi nước vào ngày Tết Trung Thu tượng trưng cho sự đoàn viên.   Phải chăng vì chè gồm những viên bánh tròn, phát âm theo giọng địa phương như chữ "dziên" nên một số gia đình tin tưởng rằng cúng Chè Trôi Nước vào ngày đầy tháng con gái sẽ giúp con được duyên dáng và sau nầy sẽ gặp duyên mai tốt đẹp trong tình duyên gia đạo.  

Tự nhiên thèm ăn nên ráng lăn vào bếp.   Nấu đậu xanh trong chảo tráng men.  Vớt bỏ bọt, sau đó nấu cho đậu xanh chín mềm, xay nhuyễn mịn.  Nêm muối cho đậm đà.  Có nơi còn phi hành với dầu trộn vào nhân.  Tứ Diễm không quen ăn món ngọt mà lại có hành lá nên không làm theo cách đó


Món Chè Trôi Nước cách làm cũng tương tự như bánh ít trần, bánh dầy đậu, vv.. vv..   Nghĩa là cần nhồi bột nếp với nước và ít dầu cho dẻo mịn.    Tứ Diễm chỉ muốn làm hai chén chè nên nhồi ít bột vừa đủ ăn thôi nên rất nhanh.   Vo viên nhân xong bọc vỏ bột ra ngoài vo tròn để làm các viên Bánh Trôi tròn có nhân.   Phần bột còn dư sẽ vo viên nhỏ làm Bánh Chay không nhân.  Có người bọc bột ngoài các viên đường cắt nhỏ.   Đem luộc trong nồi nước sôi


 Khi chín, những viên bánh sẽ nổi lên trên mặt nước.  Vớt ra ngâm vào thau nước lạnh.  Nấu nước đường thẻ (hay thay bằng đường vàng nâu) với gừng thái sợi.  Thả các viên Bánh Trôi, Bánh Chay vào nồi nước đường, nấu nhỏ lửa để vỏ bánh thấm nước đường


Múc các viên Bánh Trôi Bánh Chay vào tô với ít nước đường gừng.  Nếu làm đúng mức, các viên chè sẽ tròn xoe, chín mềm mà vẫn giữ được vị dẻo dai, không bị bể bụng, không bị nát, không bị chai


Có lẽ món Chè Trôi Nước theo kiểu miền Bắc chỉ ăn với nước đường gừng ấm nóng, thêm ít mè rang vàng.  Nhưng sau đó khi phổ biến vào miền Nam, món Chè Trôi Nước đã được ăn kèm thêm với nước cốt dừa thơm béo để làm tăng thêm hương vị ăn thơm ngon hơn. 

Tứ Diễm ở Sài Gòn từ nhỏ cũng quen với cách ăn chan thêm nước cốt dừa vào các món ngọt nên sang bên nầy vẫn giữ thói quen cũ, thích ăn chè với nhiều nước cốt dừa.   Múc một ít làm duyên, để thấy rõ các viên Bánh Trôi Bánh Chay lúc chụp hình.  Khi ăn, sẽ múc thêm nhiều nước cốt dừa hơn, ăn thơm bép ngon hết xẩy luôn


Canh cũng đúng hén, nấu vừa đủ hai chén chè.


Nhìn gần hơn một chút nha để thấy rõ hơn các viên bánh tròn xoe mũm mĩm nằm chen chúc nhau trong chén chè


Dùng muỗng (thìa) xắn đôi viên bánh xem phần  nhân bên trong và phần vỏ bột mỏng bao phủ bên ngoài.  Có người làm phần vỏ dầy để bảo đảm các viên bánh trôi không bị "bể bụng".  Tứ Diễm thích nhân nhiều vỏ mỏng, khi ăn sẽ ngon và không ngán nên thường cán bột thật mỏng.

Món nầy ăn với nước đường gừng có vị ngọt ngọt cay cay nên phần nhân đậu xanh đừng nêm  ngọt mà hơi có vị mặn, khi ăn sẽ không bị ngán mà giúp hương vị ngon hơn.   Vỏ bánh mỏng mềm mướt dẻo dai hòa quyện với vị bùi bùi đậm đà của nhân bánh, thêm vị ngọt cay thơm mùi gừng của nước đường; lại được mùi vị thơm béo của nước cốt dừa, thơm thơm mùi mè rang thật là khó diễn tả cho trọn vẹn vị ngon của món chè giản dị dễ làm nầy



Mời cùng thưởng thức nha

0 comments:

Post a Comment

 
;