Tuesday 14 April 2015

Cách Trồng Ngò Om Ngò Gai

Nơi Tứ Diễm ở thời tiết bắt đầu ấm dần, báo hiệu sắp đến mùa... Làm Vườn.  Ngoài việc săn sóc bãi cỏ, các luống hoa đủ loại còn có cả việc trồng những loại rau ngắn hạn.   Vườn sau nhà khá rộng, nhưng Tứ Diễm chỉ trồng hoa và ... cỏ (lawn à nghen, không phải "cỏ" giá bạc ngàn đâu nghen).   Còn các loại rau chỉ trồng trong chậu.   Trong đó có Rau Ngò OmRau Ngò Gai.

Trong bài viết nầy, Tứ Diễm lạm bàn đôi chút về cách tự trồng ở nhà cho vui, dựa theo ít kinh nghiệm vụn vặt nên có thể cũng chưa hẳn là hoàn hảo 100%.   Nếu quý vị có các kinh nghiệm về việc trồng rau tại nhà, mong chia sẻ để Tứ Diễm được học hỏi thêm nha.

Mời cùng xem tiếp theo nha

Thành thật mà nói Tứ Diễm vẫn chủ trương trồng cho vui, chứ không thật chú tâm nhiều về việc trồng trọt nên trước nay không nghĩ đến việc viết về đề tài nầy.    Nhưng vì có một sis hỏi về Cách Trồng Ngò Om Ngò Gai, Tứ Diễm đã trả lời nhưng không thể diền tả cặn kẽ kèm hình trong ít dòng hồi âm nên Tứ Diềm loạn bàn thêm trong bài viết nầy để trả lời riêng cho sis ấy, và cũng để chia sẻ chung với những vị nào cũng có thắc mắc tương tự.

Mùa Hè bên nầy rất ngắn.  Thậm chí, vào năm ngoái hầu như không có mùa Hè vì thời tiết lạnh kéo dài rất lâu, thời gian nắng ấm quá ngắn.  Nhiều loại cây vừa leo giàn đơm hoa đã bị giá rét kéo về làm héo rụi.  Bởi vậy Tứ Diễm thường chỉ trồng chút ít các loại rau cho vui chứ không thật sự chú tâm trồng theo kiểu bón phân chăm sóc đúng theo cách thức trồng rau chuyên nghiệp.   Do đó trong bài viết nầy chỉ bao gồm một số kinh nghiệm riêng mà thôi, không hẳn là phương pháp trồng rau đúng kỹ thuật.  



Ngò Om

Theo tài liệu, cây Ngò Om (còn gọi là Ngò Ôm, Rau Om, Rau Ngổ, Rau Ngổ Om, Rau Ngổ Điếc) có tên khoa học là Limnophila aromatica thuộc họ Mã Đề (Plantaginaceae).   Đây là một loại rau khá quen thuộc, thường dùng làm gia vị cho nhiều món Việt Nam, chẳng hạn như các món canh chua theo kiểu miền Nam, lẩu.   Riêng Tứ Diễm khi rau Ngò Om cùng Bạc Hà mọc tốt và nhiều quá, Tứ Diễm đem xào với tôm ăn ngon mà gọn hơn là nấu canh chua.

Trích dẫn nguyên văn theo tài liệu:  "Ngò Om là cây thân thảo, mọc bò, thân rỗng, giòn, dài 20 – 30 cm, có nhiều lông, mùi rất thơm; lá mặt nhẵn, mọc đối, không cuống, hơi ôm thân. Phần lá gần thân nhỏ lại, mép lá có răng cưa nhỏ và thưa.  Hoa gần như không cuống mọc đơn độc ở nách lá. Quả nang nhẵn, có bướu và nếp nhăn dọc theo quả, ngắn hơn lá đài.  Hạt nhẵn hình trụ có mầu đen nhạt, có vân mạng"

Ở vùng quê, Ngò Om dễ dàng mọc hoang dọc theo mé rạch hay lẫn trong những nơi có bùn.  Khi trồng tại nhà nên trồng trong chậu đất nhiều chất dinh dưỡng, giữ được độ ẩm và có ánh sáng phù hợp.

Ươm Cây Giống

Khi trời bắt đầu ấm, Tứ Diễm mua một vỉ rau ở chợ.   Lựa vỉ rau nào có nhiều nhánh có chút rễ thì sẽ trồng được nhanh và đạt kết quả tốt hơn.    Mang về, lựa các nhánh già có chút rễ, ngắt bớt phần ngọn để nấu ăn.   Phần dưới gốc ngâm vào ly nước sạch để ở cửa sổ ít hôm, phần rễ sẽ mọc mạnh hơn.   Lúc nầy có thể đem trồng.

Trong hình bên dưới là một nhánh Ngò Om đã mọc rễ.  



Cách Trồng Ngò Om

Nếu trồng trong bình nước trong nhà, nhớ bọc che kín toàn bộ bình nước, Ngò Om sẽ mọc xanh tươi miễn là đủ ánh sáng và độ ấm, độ ẩm.   Trong hình bên dưới là một chậu Ngò Om trồng trong nhà vào mùa Đông.   Tứ Diễm chỉ ngâm vào nước sạch, bọc kín rồi để ở cửa sổ có nhiều ánh sáng, Ngò Om tiếp tục xanh tươi và phát triển tốt


Nếu trồng trong đất ngoài vườn,Tứ Diễm chọn chậu không cần có độ sâu nhưng có diện tích bề mặt rộng.   Chậu cần giữ nước, đất nhiều chất dinh dưỡng.   Tưới nước vào chậu nhiều để đất thật ẩm ướt.   Giâm các nhánh Ngò Om đã mọc rễ xuống đất, đặt nghiêng góc 30o rồi lèn gốc cho chặt để rễ dễ bám vào đất.   Ngò Om rất chuộng độ ẩm.  Do đó Tứ Diễm dùng bao nylon trong (clear plastic nylon bag size large) phủ trùm kín toàn bộ chậu để giữ độ ẩm mà ánh sáng vẫn chiếu vào các nhánh Ngò Om.

Khi Ngò Om đã mọc tốt, Tứ Diễm thường cắt bớt phần ngọn đem nấu ăn.   Ngò Om sau khi mất ngọn sẽ mọc thêm các chồi bên nên một nhánh thành hai, ba hay nhiều nhánh.   Ngoài ra nếu cành ngò om có nhiều chồi rễ, đặt cho nằm ngang sát mặt đất, những chồi rề sẽ bám xuống đất và mọc nhiều nhánh vươn cao lên.   Như vậy một nhánh Ngò Om có thể thành 5, 7 nhánh rất dễ dàng.

Quan sát kỹ sẽ thấy dọc theo các chồi lá có nhú những sợi rễ trắng, nếu cho trồng nhánh Ngò Om nầy nằm xiên góc vào chậu đất ẩm, chờ khi đã bén rễ, đè nhẹ cho nhánh ngò om nằm sát mặt đất, những rễ phía trên sẽ phát triển mạnh hơn và các chồi lá mọc thành nhiều nhánh Ngò Om.

 

Có khi làm biếng, Tứ Diễm cắt nhánh Ngò Om như hình ở trên làm ba hay bốn đoạn, giâm vào chậu đất sẽ có ngay ba hay bốn nhánh Ngò Om.   Nói chung Ngò Om rất dễ trồng, miễn cung cấp đủ độ ấm, độ ẩm và ánh sáng. 

Bên dưới là hình chậu Ngò Om Tứ Diễm trồng ngoài vườn.   Vì Ngò Om mọc vươn cao lên nên Tứ Diễm để thêm vòng lưới nhựa vòng quanh miệng chậu trước khi phủ bao nylon trùm kín toàn bộ.   Có thể dùng tomato cage hay các cọc gỗ thay cho lưới nhựa, miễn sao có khoảng không gian đủ rộng và cao để Ngò Om phát triển và có chỗ để bao nylon phủ kín chậu.   Như vậy Ngò Om được trồng trong một loại "mini green house" nên bảo đảm giữ được độ ấm, độ ẩm và ánh sáng phù hợp.  Lúc chụp hình Tứ Diễm gỡ bao nylon để thấy rõ phần rau Ngò Om trong chậu.   Trong rổ là một số Ngò Om vừa cắt


Lúc mới giâm, nên giữ cho đất ẩm và để nơi có ánh sáng nhưng vẫn có bóng mát.   Khi thấy các nhánh Ngò Om đã mọc tốt hơn, mang chậu ra để nơi có nhiều ánh sáng nhưng vẫn bao kín chậu trong bao nylon.   Nếu thấy thiếu độ ẩm cần tưới thêm nhiều nước.   Theo kinh nghiệm riêng, nếu thấy bao nylon mờ mịt hơi nước hay là đọng nhiều giọt nước phía bên trong thì chậu Ngò Om sẽ mọc rất tươi tốt.   Ngược lại nếu phía trong bao nylon luôn khô ráo nghìa là thiếu độ ẩm và có thể đặt chậu chưa đúng vị trí, Ngò Om sẽ phát triển chậm.   Nên quan sát bóng nắng trong vườn để tìm nơi phù hợp.   Nếu thấy mặt đất trong chậu mọc rêu xanh, nghĩa là hơi thiếu ánh nắng và đất ướt hơn độ cần thiết.   Nên xúc bỏ rêu, đổ thêm ít đất mới phủ lên.

Theo kinh nghiệm nếu để đất úng nước, sình thối nhiều quá cũng không tốt cho Ngò Om.   Ngò Om thích ẩm ướt nhưng cũng không thích bị ngâm trong sình đọng nước.   Ráng giữ sao cho chậu đất tuy ẩm ướt nhưng khi mở bao nylon không ngửi thấy mùi hôi đặc trưng của sình.

Tuy Ngò Om thích ánh sáng và cần độ ẩm nhưng nên lưu ý là khi trùm bao nylon kín mà để nơi nắng gắt, nhiệt độ trong chậu có thể tăng quá cao, quá nóng cũng không tốt cho Ngò Om.   Do đó khi mới trồng nên chịu khó quan sát và theo dõi để tìm nơi có vị trí phù hợp.  Chỉ cần giữ đúng "keyword": Ấm, Ẩm và Nhiều Ánh Sáng là sẽ trồng Ngò Om thành công rất dễ dàng.

Nếu sau khi giâm nhánh khoảng 1, 2 tuần mà thấy Ngò Om không xanh tốt mà có vẻ héo tàn thì phải xem lại cách trồng, nơi đặt chậu, xem lại độ ẩm ướt của chậu, vv.. vv..   Nếu Ngò Om xanh tốt thì đã trồng và chọn chỗ đúng, các năm sau đó cứ tiếp tục trồng y như vậy.


Trong hình bên dưới là Ngò Om và Ớt.   Cả hai loại đều thích nắng nên Tứ Diễm đặt ở góc vườn đó có nắng sáng đến quá trưa, xế chiều mới có bóng mát.   Tuy vị trí đó nhiều nắng nhưng ánh nắng cũng đã được tàng cây Birch trên cao lọc bớt nên chậu Ngò Om nhiều ánh sáng mà vẫn không bị quá nóng, quá hầm.   Nhờ vậy Ngò Om mọc rất tươi tốt dù không cần chăm sóc gì nhiều.  


Lớp lưới nhựa đó cũng khá cao nhưng Ngò Om mọc cao gần mấp mé phía trên của lưới.   Đây là lúc cắt Ngò Om để rau mọc thêm đợt mới.   Nếu cắt xong chưa cần ăn ngay, Tứ Diễm lại ngâm vào bình nước để nơi có ánh sáng và bọc kín bằng bao nylon trong.  Như vậy Ngò Om vẫn tươi tốt và sẽ mọc rễ.   Khi ăn, cắt phần ngọn, phần rễ lại giâm xuống đất sẽ thêm một cây mới

Tuy Ngò Om thích độ ẩm nhưng không cần phải tưới nước mỗi ngày nếu chậu giữ được độ ẩm tốt.   Mỗi khi mở bao nylon ra tưới nước nhớ giũ bao cho phần nước đọng trong bao rơi ra ngoài để bao hấp thụ ánh sáng tốt hơn.   Khoảng một tuần, Tứ Diễm thường mở bao vào lúc chiều mát để chậu thoáng khí rồi gần trưa hôm sau trùm bao che kín để giữ ẩm.  Và cũng để Ngò Om được "hít thở khí trời" cho mau lớn và cũng giúp đất trong chậu không bị yếm khí  :)

Năm nay Tứ Diễm sẽ thay đổi cách trồng một chút, nghĩa là sẽ làm thêm ống thông gió cho Ngò Om trong chậu có thể thường xuyên "hít thở khí trời" mỗi ngày.

Thu Hoạch

Dùng chữ "thu hoạch" nghe cho có vẻ ... nhà nghề một chút.   Thường khi trồng trong vườn, lúc nào cần dùng thì ra cắt một số đủ dùng mang vào.   Nhưng nếu muốn, chờ khi Ngò Om mọc cao khoảng 25 - 30 cm có thể cắt ngang thân, chừa lại khoảng 3 cm gốc từ mặt đất trong chậu.    Nếu thích tưới phân bón thì pha loãng tưới rồi bọc kín chậu, trồng như trên.   Sau khoảng 40 - 45 ngày lại cắt đợt mới.   Tứ Diễm thường ít lạm dụng phân bón, thích tưới cây bằng nước vo gạo, nước rửa máy nấu sữa đậu nành hơn.   Nói chung tùy ý mỗi người nha

Mùa Hè bên nầy ngắn lắm, nên đến cuối mùa, có thể cắt đợt cuối xong ngâm vào lọ nước rồi trồng trong nhà theo cách đã viết ở trên để ăn lai rai trong mùa Đông.

Trong hình ở trên là đợt rau Ngò Om cắt cuối mùa.   Một phần đem ngâm trong lọ nước, bọc kín, đặt nơi bệ cửa sổ có nhiều ánh sáng.   Ngò Om sẽ xanh tốt dù trồng trong nhà vào mùa Đông.

Lưu Trữ

Ngò Om ăn tươi mới ngon.  Tuy nhiên nếu mùa Hè trồng được nhiều, ăn không kịp, có thể rửa sạch, lau khô, cắt khúc cất trong bao zic loc hay vacuum sealer bag rồi cất freezer.   Khi nấu canh, thả rau còn đang frozen vào nồi canh ăn cũng khá thơm ngon.




Ngò Gai

Theo tài liệu, rau Ngò Gai (còn gọi là Mùi Tầu hay Saw Tooth Herb) có tên khoa học là Eryngium foetidum.  Còn người Khmer (Cambodian) gọi là ji ana (ជីររណារ) (hay là ជីរបារាំង ji barang, ជីរយួន ji yuon, ជីរបន្លា ji banla, ជីរសង្កើច ji sankoech).  Cũng có khi được biết với tên phak chi farang (Thai: ผักชีฝรั่ง, có nghĩa là "Farang's coriander").  Ngoài ra các nước như Ấn Độ, Peru, Bazil, vv.. vv..  cũng có tên gọi khác tùy theo từng địa phương hay quốc gia.   Điều nầy cho thấy cây Ngò Gai là một loại rau dùng làm gia vị khá phổ biến với nhiều nước trên thế giới.

Rau Ngò Gai có thể trồng từ hạt hay giâm từ gốc cây giống.   Nếu cây tự rụng hạt sẽ dễ dàng mọc thành cây con, còn nếu tự gieo hạt cần phải có hạt giống mới và các điều kiện phù hợp, thời gian chờ cây nẩy mầm cũng khá dài.   Tứ Diễm chỉ trồng theo cách giâm từ gốc cây giống nên phạm vi bài viết nầy cũng chỉ thu gọn trong việc giâm từ cây.

Ươm Cây Giống

Có thể ươm từ hạt hay ươm từ cây

1. Ươm Từ Cây 

Khi trời bắt đầu ấm, Tứ Diễm mua một vỉ rau ở chợ.   Lựa vỉ rau nào có nhiều nhánh có chút rễ thì sẽ trồng được nhanh và đạt kết quả tốt hơn.   Trong hình bên dưới nếu quan sát kỹ sẽ thấy có một chút gốc rễ mầu nâu nhạt.   Chọn những nhánh có gốc rễ như vậy khi ngâm gốc vào ly nước sạch để nơi có ánh sáng, phần rề sẽ mọc dài và mạnh.   Khi đó có thể đem trồng vào chậu.    


 Với cây như hình ở trên, Tứ Diễm thường cắt bớt những lá lớn đem nấu ăn, giữ lại ít lá nhỏ và phần rễ cắm vào ly nước sạch.   Như vậy vừa có rau Ngò Gai để ăn, vừa có rau để ươm giống.

2. Ươm Từ Hạt

Như đã viết ở trên, Tứ Diễm chưa bao giờ trồng từ hạt.  Tuy nhiên vì để giải đáp thắc mắc của vài sis, Tứ Diễm tìm hiểu thêm và thu lượm được một số kinh nghiệm từ nhiều nguồn nên tạm thời tóm lược lại như vầy nha.
  • Điểm quan trọng là cần mua hay xin được hạt còn mới.  Tứ Diễm không biết nơi nào bán hạt giống Ngò Gai.   Tuy nhiên nếu quen ai sống ở các vùng nóng ấm có trồng Ngò Gai, chắc có thể xin họ giữ và gửi hạt dùm
  • Hạt Ngò Gai rất nhỏ nên ươm trong chậu đã xới đất chuẩn bị sẵn, tưới nước thật ẩm, rải hạt thành từng luống, xong phun nước cho ẩm để nơi có ánh sáng và bóng mát.   Bọc kín chậu để giữ hơi ẩm giúp hạt mau nẩy mầm hơn.  Cũng có thể rải hạt trên cát ẩm, bọc kín giữ ẩm thì hạt cũng nẩy mầm.  Tuy nhiên thỉnh thoảng nên mở lớp bọc miệng chậu cho thoáng khí.
  • Hạt Ngò Gai nếu tự rụng từ cây có khi nẩy mầm rất nhanh trong vòng 1, 2 tuần.   Còn nếu là hạt cũ cần thời gian dài mới nẩy mầm, thường phải từ 30 đến 45 ngày, cũng có khi còn lâu hơn nữa.  Nếu sau bẩy tuần không thấy nẩy mầm, có thể gặp hạt quá cũ nên không thành công.   Cần gieo hạt mới
  • Khi hạt nẩy mầm, tiếp tục phun nước nhẹ để đất ẩm nhưng tránh tuyệt đối đừng để đất văng lên dính vào lá sẽ khiến cây bị vàng lá rồi chết
  • Tiếp tục nuôi cho các cây con mọc được vài lá, đủ cứng cáp mới nhẹ nhàng tách ra trồng thành từng hàng.   Cách chăm sóc cây như Tứ Diễm viết trong phần bên dưới.
Tứ Diễm sưu tầm được một tấm hình cho thấy khi Ngò Gai đã đơm hoa kết hạt.   Những hạt nầy sẽ tự rơi rụng xuống đất mọc thành cây con nếu đúng các điều kiện cần thiết.   Nếu muốn giữ hạt làm giống thì nên cắt ngay trước khi hạt rơi rụng.



3. Ươm Từ Cành

Cách nầy cần phải quen ai đang trồng Ngò Gai đã đủ lớn.  Cây sẽ mọc thêm nhiều nhánh, ngắt các nhánh đó giâm xuống đất sẽ mọc rễ phát triển thành cây Ngò Gai mới.   Trong hình bên dưới là khi Ngò Gai đã mọc thêm các nhánh.   Mỗi nhánh sẽ thành một cây Ngò Gai khi được giâm xuống đất.



Cách Trồng Ngò Gai

Tứ Diễm trồng trong chậu giữ được độ ẩm nhưng không bị úng nước.   Thường Tứ Diễm pha thêm cát, bone meal, compost và peat moss để đất có chất dinh dưỡng, giữ ẩm mà không bị úng nước.   Chậu chỉ cần sâu khoảng 15 - 20 cm là đủ nhưng miệng chậu nên rộng đủ để các cây con có chỗ mọc quanh gốc cây mẹ.

Tưới nước thật ẩm trước khi trồng cây đã ươm ở trên, lèn chặt đất để giữ vững gốc cây giúp rễ mau bén đất.  Khi cây đã phát triển tốt, chỉ nên tưới nước vừa đủ để giữ đất ẩm, nhưng đừng tưới quá nhiều khiến Ngò Gai phai nhạt bớt hương vị sẽ mất ngon.   Nên trồng cách khoảng, tránh đừng để lá các cây chồng lên nhau.   Nếu mọc thêm nhiều cây mới, tách ra trồng sang chậu mới để Ngò Gai có chỗ phát triển và mọc thêm cây con. 

Cây rau Ngò Gai thích ánh sáng, nhất là nắng buổi sáng nhưng lại ưa bóng mát, không thích bị nắng chiếu trực tiếp.  Do đó Tứ Diễm thường đặt chậu nơi gần tàng cây có nhiều ánh sáng nhưng có đủ bóng mát để rau Ngò Gai mọc tốt.    Ngò Gai rất thích độ ẩm nên phù hợp với loại chậu SIP.

Khi cây đã mọc mạnh xanh tốt và thêm các cây con mọc chung quanh, có thể tỉa lá để ăn.  Bên dưới là hình một chậu Ngò Gai mượn ở trên mạng vì hiện tại Tứ Diễm không có sẵn hình chậu Ngò Gai do Tứ Diễm trồng.


Theo thông thường, nếu đủ độ ẩm, ấm và ánh sáng, Ngò Gai sẽ mọc nhiều lá xanh tươi tốt.   Nếu đất cằn cỗi thiếu độ ẩm, Ngò Gai sẽ mau già cỗi, đơm chồi hoa kết hạt.  Khi cây đã già, nở hoa kết hạt, giữ hạt làm giống cho đợt kế.   Còn nếu ở vùng ấm, các hạt rơi xuống sẽ mọc thành những cây Ngò Gai khác

Nếu muốn trồng cây từ hạt thì đừng cắt lá, tưới ít nước hơn để cây già sẽ mau đơm hoa.  Nếu muốn giữ hạt, thấy hoa vừa ngả mầu vàng nâu là phải cắt ngay.   Nếu không cắt, hạt già sẽ tự rơi rụng xuống đất trong chậu, sẽ mọc lên cây con.   Bên nầy mùa Hè ngắn, cây thường chết rét trước khi  cây con kịp mọc lên từ hạt.

Cuối cùng Tứ Diễm cũng tìm được một tấm hình chụp lúc mới giâm các gốc Ngò Gai được ít lâu, đã bén rễ và mọc thêm lá mới.  Chậu Ngò Gai nầy Tứ Diễm đặt bên dưới bóng mát bụi Forsythia có nắng buổi sáng, sau đó ánh nắng được bụi Forsythia lọc bớt nên Ngò Gai mọc khá xanh tốt



Tứ Diễm không mê ăn rau Ngò Gai nên thường chỉ trồng cho vui vào mùa Hè, chứ không thích cất giữ trong freezer.    Nhưng theo Tứ Diễm nghĩ loại Ngò Gai cũng có thể rửa sạch, lau khô, cắt khúc cất trong bao zip loc, để trong freezer, khi nào nấu canh thả vào nồi khi còn đang frozen tương tự như Ngò Om, Đậu Bắp.



SIP (Sub-Irrigated Planter)

Trong bài viết Mẹo Vặt - Ứng Dụng của Chai Nhựa, Tứ Diễm đã nhắc đến một số cách tự làm chậu trồng cây ở nhà, dựa theo phương pháp Sub-Irrigated Planter (SIP).   Với những chai nước ngọt 2L hay những chai nước suối 500 mL, chúng ta có thể làm thành những chậu để ươm cho cây mọc rễ trong nhà khi thời tiết bên ngoài còn lạnh.

Cách làm nầy dựa theo nguyên tắc Sub-Irrigated Planter (SIP) được miêu tả trong hình bên dưới


Xem thêm hình minh họa phía bên dưới chắc sẽ dễ hiểu cách làm hơn.  Có thể áp dụng cho nhiều loại chai / bình kích thước lớn nhỏ tùy ý.  Với các chai nhỏ, có thể nhấc phần trên lên để đổ thêm nước khi cần.  Với các loại bình dung tích lớn, có thể cắm thêm một ống xuyên thẳng từ trên xuống phần nước  ở đáy bình.  Khi cần châm thêm  nước, chỉ cần đổ nước theo ống dẫn đến gần mức lỗ thoát nước (water overflow hole) là xong.  Khỏi phải nhấc phần trên lên sẽ nhẹ nhàng gọn lẹ hơn



Self-Watering Planter

Còn khi trồng ngoài vườn có thể áp dụng cách làm các chậu trồng cây theo kiểu Self Watering Planter.  Gọi tên vậy nghe cho lạ tai thôi, thật ra đây cũng là một cách Tứ Diễm chế biến dựa theo nguyên tắc bình thông nhau mà các phương pháp đã nhắc đến ở trên là Sub-Irrigated Planter hay Earthbox vẫn áp dụng.

Thông thường các chậu cây thường có một hay nhiều lỗ ở giữa để thoát nước.  Ưu điểm là không lo bị úng rễ.  Khuyết điểm là nước và các chất dinh dưỡng cho cây bị thoát ra ngoài khi tưới, không giữ lâu trong đất.

Thay vì làm "hầm chứa" hay water reservoir, Tứ Diễm dựa theo các nguyên tắc căn bản của loại Homemade SIP theo cách sau đây.   Tứ Diễm che lỗ thủng ở đáy chậu bằng cách đặt úp một vỏ chai nhựa, một hộp nhựa, hay thậm chí một chậu cây nhựa tùy theo kích thước và độ sâu của chậu hoa.    Vỏ chai, hộp nhựa hay chậu cây nhỏ úp ngược đó có tác dụng cản không cho nước trong chậu chẩy ra theo lỗ ở  đáy chậu.   Nước tưới vào sẽ bị giữ lại đọng ở phần đáy chậu như một water reservoir hay "hầm chứa" nước. Ngoài ra, nếu kê đáy chậu cho không khí lưu thông, vỏ chai, hộp nhựa hay chậu úp ngược đó còn như một buồng chứa không khí, giúp thêm nhiều dưỡng khí có thể thấm vào đất cũng như giúp thán khí có thể thoát ra ngoài dễ dàng hơn.

Muốn phòng ngừa việc chậu bị ngập sũng đầy nước khiến cây bị úng rễ, Tứ Diễm chỉ cần khoan một số lỗ thủng ở phía gần đáy chai, hộp hay chậu đặt úp đó.   Khi nước ngập ở đáy chậu, dâng cao lên đến các lỗ thủng đó sẽ tràn ra ngoài.  Các lỗ khoan có tác dụng như lỗ thoát nước (water overflow holes).  Như vậy chậu giữ được độ ẩm lâu hơn, không lo bị úng nước mà cũng không cần phải chế biến gì thêm phía bên ngoài khiến nhìn xấu hay làm giảm đi sức bền vững của chậu.

Để dễ hình dung, Tứ Diễm vẽ một sơ đồ phác thảo như hình bên dưới


Để thông khí, thay vì đặt các "hầm chứa" dựng đứng bằng chai nước, Tứ Diễm dùng những đoạn ống nước tưới cây cũ hay ống của máy hút bụi cũ bị hư.   Cắt thành từng đoạn phù hợp với kích thước chậu cây.  Khoan thủng lỗ dọc quanh ống nước.  Sau đó xiên các khúc ống nước đó vào chậu cây.   Số lượng nhiều ít tùy theo kích thước và số lượng cây trong chậu.   Miễn sao miệng ống cao hơn mặt đất trong chậu.   Như vậy không khí từ ngoài có thể theo ống vào phần đáy, và thán khí từ đáy có thể theo ống thoát ra ngoài.   Khi tưới nước, có thể cho nước chẩy trực tiếp theo các ống đó.  Nước sẽ thấm đều vào chậu và được trữ trong phần đáy chậu.

Cách nầy có thể áp dụng khi trồng rau Ngò Gai vì vẫn không bị úng nước mà đất luôn giữ độ ẩm, miễn sao chậu có đủ độ sâu để rễ rau Ngò Gai không bị ngập trong phần "water reservoir".




Earthbox Planter

Cũng áp dụng tương tự như kiểu SIP ở trên, Earthbox cùng dùng "hầm chứa nước" (water reservoir) và một ống thông hơi để đổ nước vào "hầm" và để không khí lưu thông cho thoáng khí.

Bên dưới là hình minh họa để hiểu rõ  hơn cấu trúc của loại Earthbox đã nhắc đến ở trên.
  

Khi đổ nước vào ống, nước sẽ chẩy trực tiếp xuống phần "hầm chứa nước" (water reservoir) ở phần đáy.   Nước sẽ được phần đất tiếp xúc với "hầm chứa nước" hút lên từ từ làm ẩm toàn bộ đất trong earthbox giúp rễ cây luôn có đủ nước để sinh trưởng tốt.   Với kiểu Earthbox nầy rất phù hợp để trồng rau Ngò Gai vì luôn giữ ẩm mà lại không úng rễ.

Nếu muốn tự làm ở nhà cũng rất dễ có thể search trong youtube sẽ thấy nhiều video clip chỉ dẫn cách làm




Vertical Water Reservoir Planter

Với các vỏ chai nước suối 500 mL có thể dùng giữ độ ẩm cho đất cũng khá hữu hiệu.    Trong hình bên dưới là một mẫu dùng chai nước suối làm "hầm chứa nước" khi trồng cà chua.   Tuy nhiên cũng có thể áp dụng cho các loại rau khác như rau Ngò Gai



Khi tưới nước vào chậu, chúng ta cho nước rót vào miệng chai nước suối, nước sẽ tuôn vào chai và theo các lỗ thủng ở đáy và dọc vòng quanh chai thấm vào đất trong chậu.   Cho đến khi toàn bộ đất trong chậu đã ướt, nước sẽ không thoát ra ngoài mà còn nằm trong chai.   Khi đất khô, nước từ chai sẽ thấm vào đất.   Như vậy đất sẽ tiếp tục được giữ ẩm cho đến khi toàn bộ nước trong chai đã thấm vào đất.

Một ưu điểm nữa là khi nước thoát ra ngoài, các thán khí trong đất (nóng hơn) sẽ theo lỗ hổng tuôn vào chai và thoát ra không khí bên ngoài.   Không khí mới ở ngoài (mát hơn) sẽ theo miệng chai thấm vào đất qua các lỗ hổng.  Như vậy rễ cây sẽ được tiếp thêm dưỡng khí, mọc mạnh và phát triển tốt hơn.

Càng nhiều chai nước càng giữ được độ ẩm lâu hơn, tuy nhiên cũng sẽ làm giảm bớt diện tích để trồng rau.   Do đó dùng theo kiểu SIP hay Earthbox để trồng rau sẽ hay hơn là cách nầy.




Vài Loại Rau Trong Vườn

Sẵn tìm hình Ngò Om Ngò Gai trong các hình cũ, Tứ Diễm tìm được tấm nầy chụp từ đầu tháng 6, 2009 trong đó có một số loại rau vừa mới ươm ngoài vườn.   Bên Tứ Diễm lạnh nên thường phải gần cuối tháng 5 (sau ngày lễ Victoria's Day) thời tiết tạm ổn định mới có thể bắt đầu trồng ngoài vườn.  Do đó lúc đầu mùa nhìn "vườn rau" còn èo uột lơ thơ không bắt mắt cho lắm.   Xem tạm vậy nha


Trong hình ở trên có: rau răm, sà lách soong, rau húng quế, húng nhũi, húng cây, ngò, cà chua, ớt, rau chua, kinh giới, dâu (strawberry), ngò om, rau muống, bạc hà (dọc mùng), hành lá, tía tô, ngò gai.   Nếu vị nào cần biết thêm về cách trồng các loại rau kể trên thì cho biết nha, Tứ Diễm sẽ bàn loạn thêm sau dựa theo kinh nghiệm cùng những điều Tứ Diễm đã tìm hiểu được.

Năm đó Tứ Diễm tò mò trồng thử ít rau muống bằng cách giâm nhánh, cũng tốt nhưng thấy mất công, đi mua lẹ hơn nên sau nầy không trồng nữa.  Mùa Đông vừa qua lạnh quá, Tứ Diễm cũng không biết các gốc rau Chua, Cần Nước, Hẹ, Húng Cây và Húng Nhũi có sống qua nổi hay không



Tạm thời như vậy thôi nha, Tứ Diễm sẽ viết thêm sau






Mời xem thêm các bài viết


21 comments:

Katie P. said...

Cám ỏn chi :-) để em thử trồng lại ngò om lúc trước em trong chết hoài hà. Ngò gai ho có bán hột ko chi?

Bamboo said...

Em cũng ở chỗ lạnh nên bây giờ mới bắt đầu trồng nè Chị! Cám ơn Chị đã bỏ công sức viết kinh nghiệm cho mọi người học hỏi!

TuDiem's Corner said...

Không có chi đâu sis Bamboo Rất vui khi biết sis cũng thích trồng rau ở nhà.. Mong là sẽ có dịp được học hỏi thêm các kinh nghiệm trồng trọt của sis

TuDiem's Corner said...

Sis Katie ơi,

Tứ Diễm không biết mua hạt Ngò Gai ở đâu hết sis ơi. Tứ Diễm mua rau về ăn, giữ phần gốc đem trồng thôi hà. Sis thử hỏi bạn bè bà con ở các vùng ấm xem họ có trồng hay biết ai trồng Ngò Gai thì lấy hạt gửi sang cho sis. Hay là nhờ họ mua vỉ rau Ngò Gai gửi sang, sis trồng từ cây sẽ nhanh hơn đó

Anonymous said...

Chị ơi, em cám ơn chị đã dành thời gian giải đáp thắc mắc của em rất chi tiết và tận tình. Em cũng giống chị, em thích ăn ngò om hơn ngò gai :-) Chị có ăn thử ngò om trong các món cuốn như 1 loại rau chưa ạ, 1 nhánh nhỏ trong từng cuốn ăn ngon lắm chị. :-)

Em hi vọng em sẽ thành công trong việc trồng ngò om. :-)

Hân

TuDiem's Corner said...

Sis Hân ơi,

Không có chi đâu sis. Có kèm hình thì dễ hiểu hơn là chỉ viết trong comment :) Mong là sis sẽ trồng thành công như ý muốn nha. Lần đầu trồng chịu khó quan sát mức độ phát triển của Ngò Om Ngò Gai, nếu cần thì đổi vị trí đặt chậu cho đến khi tìm ra nơi phù hợp

Ồ, Tứ Diễm chưa thử ăn Ngò Om trong các món cuốn, để vào Hè khi có Ngò Om sẽ thử sau nha. Ăn sống các loại rau tự trồng sẽ yên tâm hơn hén :) Cám ơn sis chia sẻ kinh nghiệm

Unknown said...

Rat hay,cam on Tu Diem nhe

Unknown said...

Rat hay,cam on Tu Diem nhe

Anonymous said...

Cam on TD nhieu vi da bo cong chia xe kinh nghiem voi moi ngupi

Anonymous said...

Cach day vai hom,Van co gang xin TD cong thuc Lam banh tom co ngu de tro tai voi ong xa,nhung V khong biet goi lam sao,hom nay thu thay duoc nen xin TD cho V xin cong thuc do. ,cam on TD nhieu lam. A,hom thang 4 vua qua, V co qua Toronto de gap nguoi ban hoc chung 7 nam trung hoc ma sau khi ra truong den nsy 46 nam moi gap lai nhau,ben ay lanh va gio nhieu lam,con V o cai xu sa mac lua chay o My nen bi binh qua troi,email cua V:
Ceciliatruong0014@gmail.com

TuDiem's Corner said...

Cô Vân ơi,

Gặp bạn cũ từ thời trung học chắc chắn là rất vui . Dạ, bên nầy lạnh hơn nhiều tiểu bang bên Mỹ, nhất là mùa Đông vừa rồi thời tiết khắc nghiệt hơn mọi năm. Tháng 4 đã vào Xuân, trời ấm rồi cô ơi. Vào dịp mùa Đông vừa qua thường lạnh cỡ -20 độ C đến -30 độ C, gặp hôm có gió thì có cảm giác lạnh cỡ -40 độ C hay thậm chí có 1 tối với windchill factor là -60 độ , cô V nghe có thấy ớn không hở ?

Dạ, món bánh tôm đơn giản nên Tứ Diễm không cân đong, chỉ làm nhắm chừng. Cũng chỉ dùng khoai lang, bột mì, thêm ít potao starch, ít muối, ít đường và ít bột nổi. Muốn mầu đẹp thêm ít bột nghệ.

TuDiem's Corner said...

Dạ, không có chi đâu sis. Mong là sis sẽ có vườn rau ưng ý trong mùa Hè năm nay

Anonymous said...

Cam on Tu Diem nhieu.
Nhieu research hay lam.
Canh

TuDiem's Corner said...

Dạ, không có chi. Cám ơn anh / chị Cảnh đã ghé thăm góc nhỏ nầy nha :)

Anonymous said...

Minh dang hoc trong Rau om nhung bi 'chit' hoai, hien cung dang 'do song do chit' day. Minh vua doc thay bai TuDiem huong dan chi tiet ro rang, minh mung va ua qua. Rat cam on TuDiem da bo cong viet bai thiet ky luong.

Thay cac ban o day noi ve 'banh Tom chien', nen minh cung muon gop vo mot chut nha, cung la hoc cua nguoi ban thoi. Trong bot minh tron them vao khoai tay song xat cong cong om dai : om 5mm va dai 5cm khoang nhu vay tuy y. Chien len an se rat don vi nhu co them 'chips' trong bot banh, ngay ca con nit an rat la ua thich vi duoc an ... chips.

TD (TD la ten cua minh, vay la cung hoi giong voi TuDiem hen)

Linh said...

Kinh nghiem hay qua Tu Diem a. Minh trong ngo` om ngoai vuon thi ok, den khi co tuyet roi, dem vao trong nha duoc vai tuan thi chet toi, ko hieu vi sao. Bay gio doc blog cua Tu Diem moi biet nguyen nhan. Hay qua. Cam on Tu Diem nha. Linh

Anonymous said...

Trồng rau sạch tại nhà bằng vườn thẳng đứng là phương pháp tối ưu hiện nay.

TuDiem's Corner said...

Sis Linh mến,

Dạ, không có chi đâu sis. Tụi mình cùng chia sẻ và học hỏi lẫn nhau. Tứ Diễm rất vui khi biết các kinh nghiệm nhỏ bé này có thể giúp ích được những vị nào cũng ưa thích tự trồng rau ở nhà như Tứ Diễm.

Anonymous said...

Cám ơn chị tứ Diễm nha. Tôi rất thích trồng rau ngò gai & rau ôm, hy vọng là tìm được hai thứ rau này mà có rể để trồng trong năm nay 2017 trong tháng hè. Cám ơn nhiều lắm lắm luôn đó.

Anonymous said...

Mình ten Trang va song ở Dallas. Trang không rành trong cây những mình sẽ thử theo cánh cua chi. Cảm ơn chị đã chia sẻ nhiều kinh nghiệm trong cây và nấu nướng. Từ ngày biết blog cua chi em luôn cảm thấy tự tinh trong bếp núc. Cảm ơn chị nhiều lắm.

TuDiem's Corner said...

Sis Trang ơi,

Dạ, không chi đâu sis. Tứ Diễm cũng không rành về việc trồng cây, chỉ tập trồng một số loại đơn giản cho vui thôi sis. Rất vui khi biết những điều vụn vặt Tứ Diễm viết có thể giúp khơi gợi phần nào nguồn cảm hứng trong việc bếp núc của sis.

Post a Comment

 
;