Sunday, 2 February 2014

Phiếm - Nhất Ngôn Ký Xuất...

NHẤT NGÔN KÝ XUẤT ...
Tứ Diễm

Tuy vẫn nổi danh với biệt tài chạy nhanh từ xưa đến nay, ấy thế mà chẳng hiểu sao trong 12 con giáp, loài ngựa nhà ta lại lẹt đẹt xếp ở mãi tận hàng thứ 7 sau cả loài rắn không chân nữa.  Vậy mới ức chứ. 

  (hình sưu tầm từ trên mạng)

Có giả thuyết không đáng tin cho rằng chính vì họ nhà rắn đã mánh mung bám đuôi rồng nên mới có thể vượt qua mặt họ nhà ngựa. Phải chăng cũng chỉ vì thế nên từ đó đến giờ ngựa ta vẫn luôn "kính chi viễn nhi" dòng họ rắn?




Nhưng bù lại, họ nhà ngựa được trời thương ban cho vóc dáng đẹp nhất trong các loài gia súc, không thấp nhỏ như chó mèo, không mập mạp ụt ịt như heo, không cục mịch chậm chạp như trâu bò, không ngờ nghệch như cừu dê,...  Nếu có cuộc chấm thi về sắc đẹp, ắt hẳn loài ngựa luôn được dẫn đầu. 

   (hình sưu tầm từ trên mạng)


Thoạt nhìn ngựa ta khá "bắt mắt" nhờ vóc mình cân đối, cổ cao, bụng săn gọn, bốn chân thon, bờm và đuôi dài cùng bộ lông mượt mà, dáng đi uyển chuyển.  Nhưng xưa nay "nhân vô thập toàn", họ nhà ngựa cũng không ngoại lệ.  Có lẽ khuyết điểm rõ rệt nhất của họ nhà ngựa là ở khuôn mặt dài ngoằn, điểm tô bởi một sống mũi vừa bự vừa tẹt, hai lỗ mũi rộng cùng đôi mắt nhỏ.  Ngoài bộ mặt "dài như... mặt ngựa", nét mỹ lệ của ngựa ta còn bị giảm sút phần nào vì cái miệng rộng ngoác; mỗi khi há to, trình làng nguyên cả hàm răng vừa bự vừa hơi hô.  Đã thế ngựa ta lại không có nổi một sợi lông mi để "đá lông nheo" nên đành phải "liếc mắt đưa... ghèn"  làm duyên bù lại..  Quả đáng tội, cũng chính vì cái tật ưa liếc ngang liếc dọc này nên họ nhà ngựa mới bị che hai bên mắt mỗi khi kéo xe càng khiến mất thẩm mỹ thêm nữa. 

Đầu ngựa gọn thường ngẩng cao trông rất oai phong với đôi tai vểnh cao, mềm mại có thể ve vẩy, xòe rộng hay cụp xuống để... đuổi ruồi.  Vốn thuộc loại "mày râu nhẵn nhụi" không râu mà cũng chẳng có sừng... để "hù thiên hạ" nên các chàng ngựa không cần tốn thì giờ cạo râu và cũng khỏi lo chuyện... bị mọc sừng.  Dù thường mang tiếng đỏm dáng, điệu hạnh nhưng các nàng họ nhà ngựa dường như chưa từng biết xỏ lỗ tai, bấm lỗ mũi, tỉa lông mày hay tô móng xanhmóng đỏ.  Tuy vậy, ngựa ta vẫn trông khá hippy với bờm dài lòa xòa phủ suốt từ trên đỉnh đầu dọc theo gáy và cổ tới tận lưng cùng bộ lông đuôi mượt tha thướt dài thậm thượt thường ve vẩy nhẹ nhàng theo nhịp bước.  Cổ ngựa cao thon, có thể xoay chuyển dễ dàng nhờ bắp thịt ngắn nhưng săn chắc giúp ngựa có thể quay đầu lại phía sau một cách mau lẹ.  Nhưng phải chăng cũng vì vậy nên đôi khi họ nhà ngựa lại đâm ra "cứng đầu cứng cổ"? 

    (hình sưu tầm từ trên mạng, tác giả Từ Bi Hồng)

Thân mình ngựa săn chắc, bụng thon gọn được bao phủ bởi lớp lông ngắn mịn.  Bốn chân ngựa tuy trông mảnh khảnh nhưng ẩn chứa nhiều bắp thịt rắn chắc rất khỏe, bao hàm "nội công" thâm hậu sẵn sàng "đá giò lái" khi cần thiết; vì thế nên mới có câu "hàm chó, vó ngựa".  Bàn chân ngựa chỉ vỏn vẹn mỗi một móng cứng, móng sau luôn dài hơn móng trước, thường được chủ tô điểm thêm vành móng sắt nên tha hồ rong ruổi trên đường.  Khi còn sống hoang dã họ nhà ngựa rất mộc mạc, giản dị chẳng cần tốn thì giờ làm... nails.  Nhưng kể từ khi được thuần hóa, ngựa ta bắt đầu sinh tật làm điệu nên ưa làm nũng làm reo nếu không được giũa móng, thay "giầy" (horseshoe) đều đặn.

Có thể nói nhà ngựa đã gắn bó theo từng trang sử của loài người ngay từ thời còn rất sơ khai cho đến hiện tại..  Vì được thuần hóa    và lai tạo giống theo nhiều mục đích riêng biệt nên họ hàng nhà ngựa rất đa dạng, đa sắc, đa năng.  May được trời ưu đãi, họ nhà ngựa ta khá bảnh bao với bộ lông ngắn mượt mà nhiều sắc độ khác nhau từ mầu nâu nhạt, nâu, nâu sẫm, nâu đỏ, đỏ, đỏ ngả mầu đồng, đồng đỏ, đỏ hung sang mầu vàng ngả sắc đồng từ nhạt tới đậm, đen, xám, trắng,...  Thậm chí còn có cả mầu lốm đốm như giống ngựa đốm (Appaloosa, Pinto) hay vằn vện như giống ngựa vằn (Zebra).  Riêng giống ngựa Lipizzaner lúc mới sinh mầu đen hay nâu nhưng khi trưởng thành sẽ chuyển sang mầu trắng.  Ngoài "bí danh" Ngọ ra, nhà ngựa còn được biết với các tên gọi như: mã, câu.  Hay "mầu mè hoa lá cành" hơn nữa thì là: pony, colt, foal, filly, stallion, critter, dobbin, gelding, mare, nag, rip, steed,...  Có khi nhà ngựa ta còn được gọi tên theo tính nết như Thiên Lý Mã (ngựa đi ngàn dặm) hay theo mầu lông như Hoàng Mã (vàng kim), Bạch Mã (trắng), Hồng Mã, Xích Thố (đỏ), Ngân Câu (xám bạc), Hắc Mã, Ô Truy (đen),...  Chỉ có điều không hiểu sao chỉ riêng giống ngựa mầu đen, người ta không gọi ngựa đen mà lại gọi là ngựa ô nhỉ.

Gia phả họ nhà ngựa khá đông đảo và phức tạp, với rất nhiều giống khác nhau từ những giống ngựa rừng, ngựa hoang cho đến các giống ngựa đã được thuần hóa lâu đời như: Chincoteague, Bronco, Clydesdale, Cayuse, Charger, Indian, Quarter, Shire, Zebra, Tennessee Walking, Lipizzaner, Percheron, Arabian, Morgan, Spanish Barb, Appaloosa, Palomino, Pinto, Buckskin, Mustang, Narragansett, Waler,... Đó là chưa kể đến những mối liên hệ họ hàng dây mơ rễ má khác.  Xa thì là họ nhà lừa.  Gần nhất là loài la; vốn là kết quả của những mối tình không phân biệt mầu da chủng tộc giữa hai họ nhà ngựa và lừa.  La ta được gọi là mule nếu bố lừa mẹ ngựa; còn nếu bố ngựa mẹ lừa thì lại gọi là hinny.  Ngoài ra, các loài cá ngựa (sea horse), bọ ngựa (praying mantis), hà mã (hippopotamus),... đều thuộc loại "thấy sang bắt quàng làm họ" với họ nhà ngựa..  Nhưng nói chung, theo khoa học, ngựa thuộc loài động vật bốn chân có vú, sinh con và nuôi con bằng sữa, có sức khỏe và tài chạy nhanh.  Có lẽ cũng nhờ vậy mà ngay từ thuở sơ khai, họ ngựa đã được loài người thuần hóa dùng để cưỡi, làm thực phẩm, chuyên chở hay kéo.  Có giả thuyết cho rằng ngay từ thời cổ đại cách nay 25000 tới 40000 năm, giống ngựa Arabian đã được chạm hình trên vách đá với mõm nhỏ, tai nhọn, má hóp, lưng ngắn, tứ chi mảnh khảnh.

   (hình sưu tầm từ trên mạng, tác giả Từ Bi Hồng)

Hiện nay phổ biến nhất ở Bắc Mỹ cũng như trên toàn thế giới là giống ngựa Quarter cường tráng, chạy rất nhanh trong các cuộc đua cự ly ngắn, có khả năng làm việc rất bền bỉ với chiều cao trung bình từ 56.8 tới 64 inches, nặng từ 950 tới 1300 pounds, với nhiều mầu lông khác nhau từ loại lông mầu đồng đỏ, đỏ hung, đen, nâu, nâu sẫm, nâu đỏ, vàng ngả sắc đồng từ nhạt tới đậm, xám, trắng,...  Đây là sự pha trộn giữa nòi ngựa đua gốc Anh với các loại ngựa rừng ở các xứ thuộc địa, chẳng hạn với nòi ngựa Spanish mạnh khỏe của các bộ tộc Chickasaw và Choctaw Indian.  Giống ngựa Arabian đã được phát hiện ở Asia Minor (bán đảo thuộc Tây Á) từ cách nay hơn ba ngàn năm và ở bán đảo Arabian từ 2500 năm trước.  Trong khoảng cuối thế kỷ 17 đầu thế kỷ 18, các nòi ngựa Byerly Turk, Darley Arabian và Godolphin Arabian nhập từ Anh được cho phối hợp với loài ngựa Barb hay Royal để tạo thành nòi ngựa Arabian đẹp, khỏe mạnh, thông minh với các sắc lông chính từ mầu nâu sẫm, nâu đỏ, xám, đỏ, đỏ ngả mầu đồng, đen, với trọng lượng trung bình từ 800 tới 1000 pounds, cao từ 56 tới 60 inches, bờm và đuôi dài mướt.

"Đàn bà đi biển mồ côi một mình", các bà mẹ ngựa cũng không ngoại lệ, phải "mang nặng" từ 320 tới 365 ngày (trung bình là 340 ngày) và "đẻ đau", chịu nhiều cực nhọc vất vả trong thời gian mang thai.  Ngay từ khi cất tiếng hí chào đời, các trẻ sơ sinh họ nhà ngựa thường được gọi chung là foal;  sau khi sinh được ít giờ đã biết chập chững cất bước đầu tiên chính thức gia nhập vào gia tộc nhà ngựa..  Vào tuổi thôi nôi, các bé ngựa mọc được sáu răng cửa ở cả hai hàm.  Nhi đồng ngựa thường gọi chung là colt và pony; chỉ riêng các bé ngựa gái lại được gọi là filly. Sang năm hai tuổi, lúc này ngựa ta đã mọc gần đầy đủ răng sữa, đánh dấu lứa tuổi "trổ mã" của họ nhà ngựa, bắt đầu biết "tương tư" và "lên chức".  Đến ba tuổi, hai răng sữa ở giữa rụng đi và thay thế bởi hai răng cửa vĩnh viễn.  Lúc này các chàng ngựa được gọi là stallion, còn các nàng được gọi là mare. Khi lên bốn và năm tuổi, các răng cửa còn lại lần lượt rụng và thay bởi răng vĩnh viễn.  Vào năm sáu tuổi, bốn răng ở chính giữa dù vẫn còn rỗng nhưng đã mọc khá hoàn chỉnh, tuy nhiên hai răng ở khóe miệng vẫn còn đang mọc dở dang.  Khi lên bẩy tuổi, hai răng ở khóe miệng đã mọc trọn vẹn. Lúc đầy tám tuổi, ngựa ta bắt đầu chững chạc với hàm răng rắn chắc mọc hoàn chỉnh.  Sau đó răng ngựa bắt đầu ngả mầu theo thời gian, vào năm 15 tuổi, sẽ thấy một vệt đen kéo dài từ lợi đến giữa răng. Hình dáng của răng cũng thay đổi từ từ.  Khi về già, sức lực yếu dần ngựa ta bị gọi là ngựa già, rip, nag,...

Theo tiêu chuẩn sắc đẹp của họ nhà ngựa, tuấn mã phải có đầu cùng thân hình cân đối, hàm không hô không móm, tròng mắt đen lay láy hạt huyền, môi mỏng, mũi thẳng.  Cổ phải thon thon vừa đúng tầm, không được ngửng cao quá mà cũng không được cúi gầm thấp quá. Chân phải thẳng, rắn chắc và tương xứng với thân mình.  Ngực phải nở, eo phải thon.  Tạm thời chỉ kể sơ qua một số điểm chính, chứ nếu kể hết ra chỉ e khiến ngựa ta sợ quá... cong đuôi bỏ chạy mất thì phiền.  Nhưng đã hết đâu, đó chỉ mới là "cưỡi ngựa xem hoa" mà thôi.  Sau khi đã lọt vào vòng bán kết, ngựa ta lại còn phải biểu diễn các bước đi lui đi tới, nước kiệu, phi ngắn, phi nước đại, uốn mình ngoái đầu xoay cổ,... "Ngựa hay xem khoáy", ấy thế mà không những chỉ xem khoáy, họ nhà ngựa lại còn bị "coi mắt" coi giò coi cẳng thậm chí coi cả răng nữa.  Thật là chán.  Khi đã vào được chung kết, họ nhà ngựa lại còn phải trổ tài nghệ nhảy rào... để "kiếm điểm" nữa chứ.  Quả thật là trần ai khổ ải, coi bộ làm ngựa cũng không dễ.

"Ở sao cho vừa lòng người", họ nhà ngựa vốn rất thông minh và hiền cộng thêm bản tính rất lạc quan yêu đời với tiếng "cười" vang dội bất hủ phô bày nguyên cả hai hàm răng.  Ấy thế nhưng không hiểu sao lại bị gán cho tiếng xấu; khiến mỗi khi nghe nhắc đến "đầu trâu, mặt ngựa" là người ta luôn liên tưởng đến những kẻ vô lại hung hăng ác như quỷ hay thậm chí với quỷ sứ ở âm phủ có sừng như trâu, mặt dài như ngựa..  Quả là oan ơi ông địa cho họ hàng nhà ngựa..  Các nhà khoa học đã chứng minh được rằng dòng họ ngựa có tài học, ghi nhớ mọi kinh nghiệm trong quá khứ, liên hệ với những chuyện trong hiện tại để "tiên đoán" trước các chuyện sẽ xảy ra; cũng như biết cách "cư xử" thích hợp với từng người trong mỗi hoàn cảnh khác nhau.  Tuy vậy, ngựa ta lại có óc tưởng tượng khá nghèo nàn, thường bị ảnh hưởng bởi bản năng tự nhiên và... khẩu vị.  "Cha mẹ sinh con, trời sinh tính".  Loài ngựa cũng không ngoại lệ, trăm ngựa trăm ý.  Vốn "thẳng ruột ngựa" (ruột ngựa rất dài, riêng phần nối dạ dày với ruột non, gọi là manh tràng, dài tới một mét, rất to và thẳng) nên chỉ cần nhìn vào sắc mặt và cử chỉ, ta có thể biết được khi nào ngựa ta sợ hãi, vui vẻ, hiểu biết, can đảm, nhút nhát hay đần độn.  Thường thì họ nhà ngựa dễ bị sợ hãi, mau "nổi nóng" mỗi khi thay đổi môi trường sống; và các chàng ngựa thường hiếu chiến hơn các nàng.  "Đôi mắt là cửa sổ linh hồn", chỉ tiếc "cửa sổ" của họ nhà ngựa không được hoàn hảo cho lắm.  Ngoài chứng loạn thị, ngựa ta lại còn bị cận thị. Thường ngựa có thể thấy được trong chu vi 150 m, nhưng chỉ phân biệt được rõ trong phạm vi 60 m mà thôi.  Thêm vào nữa, họ nhà ngựa phản ứng rất kém trong việc nhận biết mầu sắc cũng như khi thay đổi cường độ ánh sáng.  Tuy không "nhìn xa" nhưng bù lại, ngựa ta lại có thể "trông rộng" nhờ đôi mắt nằm ở hai bên đầu, nên dù kẻ thù có tấn công ở bất cứ hướng nào, ngựa ta cũng kịp thời nhận biết và có thể dùng chước thứ 36, vận dụng 12 thành công lực vào bốn chân để... chạy cho lẹ.  Nếu ngộ nhỡ không kịp tẩu thoát, ngựa ta đành lấy tấn "mã bộ" rồi tung tuyệt chiêu "đá giò lái" để tự vệ. Phải chăng để bù lỗ cho khuyết điểm về thị lực, thính giác họ nhà ngựa rất nhạy bén.  Với đôi tai linh hoạt, có thể xoay chuyển theo nhiều hướng nên ngựa ta rất thính, có khả năng nhận biết được hướng xuất phát của tiếng động từ xa.  Dù chưa có chữ viết nhưng loài ngựa cũng có ngôn ngữ riêng với những âm điệu khác nhau.  Nếu chú ý kỹ sẽ phân biệt được sự khác biệt giữa tiếng thì thầm êm dịu của các bà mẹ ngựa lúc vỗ về con, tiếng hí của ngựa ta khi lọt vào nơi lạ, tiếng rít chói tai lúc giận dữ hay nhịp thở của ngựa ta.  Tuy "mù chữ" không thể viết thư tình nhưng các chàng ngựa chắc hẳn khéo léo biết "uốn lưỡi bẩy lần trước khi... hí" nên mới có thể "rước nàng về dinh" được trót lọt.  Nếu được huấn luyện, ngựa ta có thể học và hiểu các khẩu lệnh của chủ nhân. Chẳng hạn, muốn giục ngựa tiến lên, có thể kêu "giđap", "giđyap" hay "giđyup".  Khi muốn ngựa quẹo phải, người ta ưa kêu "gee".  Còn khi ra lệnh "whoa", ngựa ta sẽ dừng lại..  Ngoài việc thính tai, bà con nhà ngựa còn rất thính mũi và có khả năng phân biệt mùi rất tinh tế, có thể nhận biết người quen kẻ lạ.  Cũng nhờ vậy nên vào mùa "hẹn hò", các chàng ngựa có thể dễ dàng tìm gặp "ý trung nhân" ở xa cả 200 m. Nói chung, ngựa ta có tật rất thích "chõ mũi" vào... mọi thứ.  Cũng vì quá thính mũi và khá kén chọn, mỗi khi ngửi thấy mùi vị khác lạ, ngựa ta thà nhịn đói chứ nhất định không chịu ăn thức ăn lạ.  Cách chào hỏi đúng phép xã giao của họ nhà ngựa là phải cụng và thổi hơi vào mũi của nhau.  Do đó muốn kết bạn với họ nhà ngựa, cần phải khéo léo tỉ tê gần mũi ngựa để ngựa ta quen mùi.  Về khẩu vị, nhà ngựa thuộc loại "chân tu", hoàn toàn chê thịt, chỉ ăn chay trường trọn đời.  Tuy nhiên, ngựa ta lại thuộc loại "hảo ngọt", thích mặn mà cùng các hương liệu có mùi "hấp dẫn" như gừng, không ưa cay đắng chua chát.  Không biết có phải tại tâm hồn ăn uống lai láng nên dù đã no bụng, ngựa ta vẫn có thể nhai nhóp nhép suốt ngày.  Ngoài món đường "hẩu xực" ra, khi buồn miệng ngựa ta có thể nhai cả hàng rào gỗ, hạt dẻ rừng (acorns) hay thậm chí cả lá cây thủy tùng (yew) đắng chát.  Riêng chú ngựa của người hùng Lucky Luke lại còn biết "nhậu" uống rượu Whisky như uống nước lã nữa chứ.  Xúc giác họ nhà ngựa cũng rất nhậy bén, ngoài việc cảm nhận được những cảm giác tương tự như loài người, ngựa ta còn có tài cảm nhận được những chấn động từ xa.  Có lẽ đây là một năng khiếu được phát triển trong quá trình tiến hóa để giúp ngựa ta kịp thời... bỏ chạy trước khi có thể nghe hay nhìn thấy hiểm họa.  Nhưng độc đáo nhất là trực giác (giác quan thứ sáu) của họ nhà ngựa..  Nhờ trực giác nên  ngựa luôn tránh xa những nơi có phóng xạ, động đất cùng các thiên tai khác.

   (hình sưu tầm từ trên mạng, tác giả Lê Đàn)

Nói chung, loài ngựa vốn hữu dụng từ trước tới nay, trong thời chiến lẫn thời bình.  Ngày xưa, ngựa đã rong ruổi theo các chiến sĩ ra trận cùng sát vai chống kẻ thù hay giúp chuyên chở vũ khí, lương thực.  "Trâu cày ngựa cưỡi" tượng trưng cho sự giàu sang, phú quý vì thường vào thời đó chỉ có những người giàu sang mới đủ tiền để "lên xe xuống ngựa".  Giống Hoàng Mã (Palamino) với sắc lông màu hoàng kim, đuôi và bờm nhạt mầu là loại ngựa quý tộc với được các vua chúa Trung Hoa, Tây Ban Nha, Hy Lạp ưa chuộng.  Vào đời Hán, Kim Mã Môn là nơi các bậc học sĩ đứng chờ chiếu chỉ của Vua; còn dinh thự của các quan hàn lâm thường được gọi chung là Ngọc Đường.  Vì thế nên "kim mã ngọc đường" ngụ ý chỉ cuộc sống sang trọng của các quan văn.  Tư Mã là một chức quan võ có địa vị rất cao trong triều.  Chỉ có điều không hiểu sao chồng của công chúa lại được gọi là Phò Mã nhỉ?  Nhưng dù sao đi nữa, vô hình chung, họ nhà ngựa đã được thơm lây khi "dù che ngựa cưỡi" vẫn được xem như biểu tượng của giàu sang phú ý danh vo.ng.  Chẳng thế mà biết bao người đã chịu nhiều gian khổ với hy vọng có ngày được "cưỡi ngựa vinh quy" hay "ngựa anh đi trước, võng nàng theo sau".  Ngày nay, dù đã có "ngựa sắt" (các loại xe đạp, xe máy, xe hơi,...), nhưng ngựa vẫn được nuôi để cưỡi, kéo xe, chuyên chở hàng hóa, thồ, làm xiệc, đua,...  Nói chung, xe do bốn ngựa kéo thường gọi chung là xe tứ mã; xe hai ngựa kéo được gọi xe song mã; còn thổ mộ là xe chỉ kéo bởi một con ngựa..  Nhưng nếu tách bạch phân biệt rõ hơn, có thể kể sơ qua một số loại xe ngựa, chẳng hạn như: chariot, chaise, buggy, cabriolet, cariole, dogcart, pung, droshky (drosky), herdic, limber, gig, post chaise, sleigh, sulky, stagecoach, stanhope, surrey, wagon,...  "Sạch sành sanh vét cho đầy túi tham", ngoài việc bị "bóc lột sức lao động" ra, người ta còn đem thuộc da ngựa, chế biến lông bờm và đuôi ngựa thành nhiều sản phẩm hữu ích.  Sữa ngựa tuy không thơm ngon như sữa bò nhưng cũng vẫn được tận du.ng.  Phân ngựa và xương ngựa được dùng làm phân bón.  Thịt ngựa, gan ngựa được nấu nướng thành các món ăn ngon rất được ưa chuộng ở một số nước vùng châu Âu.

   (hình sưu tầm từ trên mạng, tác giả Từ Bi Hồng)

Nhờ bộ mã bề ngoài kèm theo nhiều đức tính tốt, họ nhà ngựa đã chiếm được cảm tình sâu đậm của loài người cũng như được "lọt vào mắt xanh" của các nghệ nhân.  Biết cơ man nào mà kể cho xuể những tác phẩm điêu khắc, nhiếp ảnh, hội họa,... có liên quan đến ngựa ta.  Dường như lâu đời nhất là những nét chạm trổ thô sơ hình ngựa Arabian trên vách đá phỏng định đã có từ 25,000 đến 40,000 năm trước. Hay là tác phẩm chạm hình ngựa Appaloosa của CroMagnon Man trên vách hang động tọa lạc trong vùng Lascaux và Peche nước Pháp vào khoảng 18,000 năm trước Công Nguyên.  Ngựa đã trở thành "top model", là đề tài gợi nguồn cảm hứng để tạo nên những bức thủy mặc, tranh vẽ, thêu, điêu khắc đậm sắc thái riêng biệt của phương Đông cũng như nhiều tác phẩm đặc sắc của các nghệ sĩ phương Tây.  The Horse Fair là tác phẩm được nhiều người nhắc đến của Rosa Bonheur (1822-1899), một họa sĩ người Pháp nổi tiếng.  Ngựa ta còn góp mặt trong khá nhiều thú giải trí tiêu khiển của loài người.  Bên cạnh trò đua ngựa, cá độ ngựa rất phổ biến, mã cầu (polo) là một loại trò chơi đánh cầu mà người tham gia đều cưỡi ngựa..  Ngoài ra, còn có rất nhiều môn thể thao và trò chơi khác, chẳng hạn như: daily double, dressage, skijoring, Triple Crown, volte, winner's circle,...  Nhưng có lẽ với người Việt chúng ta, chắc hẳn ai cũng có những kỷ niệm vui buồn bên những bàn cờ quốc tế (chess), cờ tướng.  Phải chăng vì thế nên "mã nhật, tượng điền, xe liền, pháo cách" đã trở thành một thành ngữ rất quen thuộc chỉ các bước căn bản của quân cờ.  Nhưng đáng nhớ, đáng nhắc nhất vẫn là những ván cờ cá ngựa gắn bó cùng biết bao kỷ niệm từ thuở bé thơ hồn nhiên ra roi phi ngựa... gỗ cho tới khi đã trưởng thành.

 (hình sưu tầm từ trên mạng)

Biết bao đời, họ nhà ngựa đã theo gót loài người phiêu du khắp nơi, từ xưa tới nay, từ Đông sang Tây, từ hư ảo tới hiện thực.  Nhắc đến ngựa, chắc hẳn khó có thể quên được hình ảnh những đoàn thiết kỵ binh (cuirassier) châu Âu thời trung cổ dùng kiếm, mặc giáp sắt và cưỡi ngựa, những vó câu hung hãn thuộc đoàn kỵ binh thiện chiến Mông Cổ của Thành Cát Tư Hãn, những trận chiến máu chảy thành sông với biết bao vị tướng oai hùng trên lưng ngựa chấp nhận "da ngựa bọc thây" để bảo vệ giang sơn, những người lính đã dùng khiên che thân liều mình lăn xả vào chém chân đàn ngựa chiến để phá tan những đội kỵ binh dũng mãnh của giặc, các chàng hiệp sĩ tung hoành trên mình ngựa trừ gian diệt bạo,...  Cho đến cảnh các lão trượng cốt cách tiên phong lững thững cưỡi ngựa đi vân du tứ hải, các vị thi nhân nhàn du cưỡi ngựa tìm nguồn cảm hứng, ...  Hình ảnh các chàng công tử, hoàng tử hào hoa trên mình ngựa đã được đề cập đến trong rất nhiều bài thơ, trong nhiều tác phẩm văn chương.  Phải chăng cũng chính vì thế nên Bạch Mã Hoàng Tử đã trở thành một thành ngữ ám chỉ ý trung nhân của phái nữ.

"Hùm chết để da", ngựa chết để tiếng.  Đến nay một số ngựa nổi tiếng vẫn còn được nhắc đến.  Chẳng hạn như giống ngựa Ô Truy, Thiên Lý Mã, ngựa Tiểu Hồng Mã của Quách Tỉnh (trong bộ Anh Hùng Xạ Điêu của Kim Dung), ngân câu của Tiểu Ngọc Long (trong bộ Ngọa Hổ Tàng Long), ngựa sắt oai phong cùng Thánh Gióng phá tan giặc Ân,...  Tương truyền khi xưa vua Hùng Vương đã thách cưới xem ai mang sính lễ trong đó có "voi chín ngà, gà chín cựa, ngựa chín hồng mao" đến sớm thì sẽ cưới được công chúa. Sơn Tinh nhờ mang đủ lễ vật và đến sớm hơn nên rước được Mỵ Nương đem về núi.  Chẳng hiểu Sơn Tinh đã tìm đâu được ngựa chín hồng mao nhỉ, và hình dáng ngựa ta trông ra sao ?  Có giả thuyết bàn... nhảm cho rằng Sơn Tinh vì muốn rút ngắn thời gian nên ăn gian, đã đem ngựa đi nhuộm lông rồi... luộc chín; do đó vua Hùng Vương phải chấp nhận món sính lễ này vì quả thật đúng là ngựa "chín" (từ đầu đến đuôi lẫn cả) hồng mao. Với những ai đã đọc Tam Quốc Chí chắc hẳn khó quên được con ngựa Xích Thố sắc tuyền mầu đỏ rất có nghĩa của Quan Vân Trường, con ngựa Đích Lư đã giúp Lưu Bị vượt qua được khe Đàn Khê để thoát hiểm trong gang tấc,...  Trong Tây Du Ký, Long Mã là chú ngựa trắng do thái tử con Long Vương hóa thân để Đường Tam Tạng cưỡi trên đường đi tìm kinh.  Với người ưa sưu tầm các thú nhồi bông Beanie Baby của hãng TY chắc không xa lạ với Derby vốn là tên một chú ngựa Beanie Baby.  Ponyta và Rappidash là tên hai con ngựa trong nhóm các quái thú Pokémon.  Nhưng có lẽ nổi đình nổi đám nhất vẫn là chú ngựa Mr. Ed với tiếng cười "như ngựa hí" cùng cái tính ưa triết lý sự... cùn.

 (hình sưu tầm từ trên mạng, tác giả Lê Đàn)

Ngày xưa, Tô Đông Pha đã quyết định đổi mỹ nhân Xuân Nương để lấy ngựa quý vốn là một giai thoại đáng nhớ.  Mã Đầu Cầm là tên một loại đàn có hình đầu ngựa; tục truyền là do nước mắt của một vị trong Nhị Thập Bát Tú khóc thương ngựa quý đã biến xác ngựa thành cây đàn.  Trảm Mã Trà là loại trà cực kỳ hiếm quý của Từ Hi Thái Hậu; tương truyền thái hậu đã cho ngựa ăn những lá trà tuyển lựa kỹ, sau khi trà đã được ủ trong bao tử ngựa vừa đủ độ thì đem chém đầu ngựa, mổ bụng lấy trà.  Còn chỉ vì một giấc mơ mà tàn sát các tướng tài họ Mã thì chắc chỉ có mình Tào Tháo mới có thể ra tay.  Trong Tam Quốc Chí có ghi vì nằm mơ thấy bị ba con ngựa ăn chung một tầu nên Tào Tháo đã tìm cách diệt trừ họ Mã vì e sau này bị cướp ngôi, nhưng ngờ đâu vẫn không cải được số, về sau triều đình nhà Ngụy đã bị mất về tay con cháu của Tư Mã Ý.  Khi đi thu phục Mạnh Hoạch, đường xa xôi nhờ có những đoàn trâu gỗ ngựa gỗ do Khổng Minh sáng chế ra nên quân Thục khỏi vất vả trong việc vận chuyển quân lương.  Khi khai quật mộ Tần Thủy Hoàng, người ta đã tìm thấy rất nhiều pho tượng đoàn quân tướng cùng chiến mã được chạm khắc rất sinh động như người vật thật.  Thời Chiến Quốc, thái tử Đan nước Yên muốn lấy lòng Kinh Kha nên đã chặt tay người đẹp, giết ngựa quý để lấy gan làm món ăn thết đãi khi nghe Kinh Kha ngỏ ý ngưỡng mộ đôi bàn tay đẹp và nhận xét gan ngựa càng quý càng ngon.  Tương truyền, Ngọc Hoàng đã ban cho Tôn Ngộ Không chức Bật Mã Ôn cai quản các mã phu (phu giữ ngựa) để chiêu an.  Trong Đông Chu Liệt Quốc, có nhắc đến tích Bá Lý Hề là một nhân tài nhưng vua Sở lại chỉ cho làm chức Ngữ Nhân, ra xứ Đông Hải chăn ngựa; về sau được vua Tần Mục Công đem năm bộ da dê chuộc về, trọng dụng phong chức Thượng Khanh nắm giữ quyền binh trong nước. Cũng vào đời Tần Mục Công, có thêm một tích nữa như sau.  Khi đi săn ở núi Lương Sơn bị trộm mất một số ngựa, khi biết là do một bọn ba trăm người giết ngựa ăn thịt, Tần Mục Công đã khoan dung không bắt tội mà lại còn ban rượu cho uống; nhờ vậy về sau khi giao chiến với Tần Huệ Công,, sắp bị lâm nguy đến tính mạng đã được nhóm ba trăm người này cứu thoát nạn.

"Tái ông thất mã" (Tái ông mất ngựa) là một trong những điển tích thường hay được nhắc đến, ngụ ý nhắc nhở rằng việc họa phúc ở đời không lường được, may thành rủi, rủi thành may, phải bình thản an nhiên trước mọi biến cố.  Theo Hoài Nam Tử, có Tái Ông ở gần cửa ải bị mất ngựa, hàng xóm đến chia buồn, ông vẫn tươi cười bảo "mất ngựa chưa ắt là họa, có khi là phước".  Sau đó, ngựa trở về dẫn theo một con ngựa đẹp.  Mọi người chúc mừng, ông vẫn bình thản cho biết là biết đó chẳng là cái họa. Quả nhiên con trai duy nhất của ông vì cưỡi con ngựa đẹp mà bị ngã gãy tay.  Mọi người chia buồn, ông lại bảo biết đâu trong họa lại có điều may.  Sau đó khi quân Phiên tràn vào, toàn thể thanh niên phải ra trận, chỉ có con trai ông vì gãy tay nên được ở nhà không phải đi lính.  Còn khi đem chuyện giả mà làm thành chuyện thật, người ta hay ví von là "chỉ lộc vi mã" (trỏ hươu bảo là ngựa) hay "ngựa hươu thay đổi" chỉ việc đổi trắng thay đen để dò lòng người.  Câu này vốn lấy ý từ điển tích vào đời Tần Nhị Thế, Triệu Cao muốn làm phản, nhưng sợ quần thần không nghe, nên trước tiên phải thử.  Y dâng Tần Nhị Thế một con hươu mà bảo rằng là con ngựa; nếu ai dám nói rằng đó là con hươu thì sẽ bị trừng trị.

Ngựa còn góp mặt trong những truyện cổ tích, thần thoại cũng như các huyền thoại nhuốm mầu thần bí. Theo thần thoại Hy Lạp, Nhân Mã (Centaur) là một giống quái thú với đầu, tay và mình người dính liền với lưng và bốn chân ngựa.. Độc Giác Bạch Mã (Unicorn) là loài ngựa trắng có một sừng dài mọc ở giữa trán; đây cũng là biểu tượng đặc trưng của hãng phim TriStar.  Ưng Mã (Hippogriff hay còn gọi Hippogryph) là một loại quái thú có cánh, đầu và móng như chim ưng còn mình và bốn chân như ngựa..  Ngư Mã còn được gọi Cá Ngựa (Sea Horse) là một loài cá ngựa một nửa giống cá, một nửa giống ngựa, thường được long vương Neptune và các vị thần biển khác dùng làm phương tiện di chuyển.  Phi Mã hay còn gọi Thi Mã (Pegasus) là giống ngựa có cánh, chỉ cần dậm chân một lần khiến suối Hippocrene (nguồn cảm hứng về thơ văn) bắt đầu tuôn chảy từ trên ngọn núi Helicon (cao 5,735 feet ở tọa lạc ở trung tâm nước Hy Lạp).  Bellerophon là người hùng xứ Corinth, nhờ sự trợ giúp của ngựa Pegasus đã giết được quái thú Chimera (một loại quái thú có hình dáng pha trộn giữa sư tử, dê và rắn biển).  Tương truyền, Trojan horse là con ngựa gỗ khổng lồ chứa quân lính bên trong được quân Hy Lạp dùng như một phương tiện để đột nhập và chiếm thành Troy - một thành phố cổ nằm ở phía tây bắc của bán đảo Asia Minor (tọa lạc ở phía tây châu Á, nằm giữa Hắc Hải và Địa Trung Hải).  Laocoon là tên vị tu sĩ thuộc dòng thánh Apollo bị giết cùng hai con vì đã cảnh cáo dân chúng về hiểm họa của con ngựa Trojan. Nhắc đến truyện cổ tích là lại nhớ đến chuyện bà tiên hóa phép biến bốn chú chuột thành ngựa, biến trái bí ngô thành cỗ xe tứ mã để đưa cô bé Lọ Lem đi dự vũ hội..

Lần giở qua những trang ca dao, thành ngữ, tục ngữ,... ta đều thấy thấp thoáng bóng dáng họ nhà ngựa..  Câu "bắt ngựa đằng đuôi" để chỉ người làm việc nguy hiểm không biết cách.  Câu "buộc đuôi cho ngựa đá nhau" cũng tương tự như câu "đâm bị thóc chọc bị gạo", ám chỉ việc xúi bẩy, khích động cả hai bên kiện cáo, xích mích nhau.  Cũng có khi người ta tin rằng "chữ tốt xem tay, ngựa hay xem khoáy", ngụ ý nói nhìn đặc điểm bề ngoài có thể biết được người có tài hay không.  Câu "cưỡi ngựa đầu thềm"  diễn tả chuyện phải làm việc lớn trong hoàn cảnh bó buộc thiếu thốn không thích hợp.  Còn khi làm việc học hành chỉ loáng thoáng bên ngoài, qua loa đại khái, không đi sâu vào chi tiết thì có khác gì với việc "cưỡi ngựa xem hoa".  Câu "da ngựa bọc thây" bày tỏ ý chí hào hùng của tráng sĩ sẵn sàng xả thân nơi chiến trường để bảo vệ giang sơn.  Còn với những kẻ phóng đãng không ai kềm chế điều khiển được, người ta thường ví von như "dã mã vô cương" (ngựa hoang không giây buộc).  Câu "dốc hiểm phải gò cương ngựa" ý khuyên ta khi tới lúc nguy phải biết thức thời, tùy theo tình thế mà ứng phó, không nên lúc nào cũng hãnh tiến.  Tuy nhiên, đánh giặc thì cần phải quyết liệt mạnh mẽ "đánh tung vó ngựa, đánh bửa trăm thành, đánh phanh giáp trận".  Câu "được đầu voi đòi đầu ngựa" tương tự như "được voi đòi tiên", đều dùng để chế giễu kẻ quá tham lam, được cái này lại đòi cái khác, không chịu thỏa mãn.  Câu "hàm chó vó ngựa" nhắc nhở những thứ nguy hiểm cần nên tránh.  Để chỉ tình thế bắt buộc phải có cách cư xử phù hợp, người ta hay bảo là "lên ngựa phải ra roi, lên voi phải cầm búa".  Câu "lông bông như ngựa chạy đường quai" chế giễu người hành động lung tung không có phương hướng, mục đích rõ rệt.  Với người không lúc nào chịu ngồi yên, người ta ưa ví von "lồng lên như ngựa vía".  Câu "một con ngựa đau cả tàu bỏ cỏ" nói lên sự yêu thương nhau giữa người thân hoặc người cùng một nhóm.  Diễn tả cảnh một chồng hai vợ cùng sống chung một nhà, người ta thường ví như cảnh "một ngựa hai yên".  Cũng tương tự như câu "ngựa nào gác được hai yên" ngụ ý khuyên điều gì cũng có giới hạn, mức độ, một chồng không nên lấy hai vợ.  Câu "ngựa chạy có bầy, chim bay có bạn" ngụ ý nói con người cần có bè bạn, sống cùng tập thể.  Ám chỉ thời gian trôi nhanh, người ta hay than rằng "ngựa Hồ qua cửa sổ" hay "bóng câu qua cửa sổ".  Câu "ngựa long cương ngựa cũng đến bến giang, voi đủng đỉnh voi cũng đến đò" ngụ ý khuyên không nên vội vàng, thong thả đâu cũng sẽ vào đó; cũng có khi để chỉ người tuy chậm chạp nhưng vững vàng cũng đạt được mục đích như người nhanh nhẩu.  Để chế giễu kẻ hay đua đòi, bắt chước một cách kệch cỡm, người ta hay mỉa mai rằng "ngựa lồng cóc cũng lồng".  Câu "ngựa mạnh chẳng quản đường dài" ý nói người có tài, có chí chẳng ngại vất vả.  Câu "ngựa non háu đá" ám chỉ người còn bồng bột, chưa trầm tính; đôi khi còn dùng để chê kẻ trẻ tuổi non nớt nhưng hung hăng ham đối chọi khiêu khích.  Với những kẻ ngoan cố không chịu sửa đổi tật nào vẫn theo chứng ấy, người ta hay ví như "ngựa quen đường cũ".  Câu "quất ngựa truy phong" thường dùng ám chỉ kẻ sở khanh lường gạt tình cảm xong rồi chạy trốn tránh trách nhiệm.  Câu "ngựa xe như nước" miêu tả cảnh rất nhiều xe qua lại, nối tiếp nhau như nước chảy.  Với chuyện những kẻ xấu tìm đồng bọn để cùng thực hiện mưu đồ xấu xa, người ta ưa bảo là "ngưu tầm ngưu, mã tầm mã".  Câu "nhất ngôn ký xuất tứ mã nan truy" ngụ ý nói đã lỡ nói điều gì thì không thể thay đổi lại được nữa.  Với người vô tâm, tính tình bộp chộp, không giấu giếm ai điều gì, không giận ai lâu thường gọi là người "ruột ngựa phổi bò". Cũng tương tự như câu "thẳng ruột ngựa" chỉ người có tính tình thẳng thắn, bộc trực, không quanh co lắt léo nhưng cũng không kiêng nể ai.  Câu "thay ngựa giữa dòng" hay "vắt chanh bỏ vỏ" dùng để chê trách việc đối xử bạc bẽo, lợi dụng hết sức của người rồi ruồng bỏ.  Khi thiếu thứ cần dùng, phải tạm gượng dùng thứ khác không thích hợp, người ta ưa than rằng "thiếu voi phải dùng ngựa".  Còn câu "voi biết voi, ngựa biết ngựa" ý nói mỗi người phải tự hiểu biết bản thân mình.  Riêng câu "voi giày ngựa xé" hay "tứ mã phanh thây" diễn tả hình phạt dã man nhất với người mang trọng tội; cũng có khi là lời nguyền rủa cay độc với người bị căm ghét khinh bỉ.  Câu "mã đáo thành công" có ý nói đến nơi thì lập được công ngay.

Qua câu ca dao:    "bây giờ kẻ bắc người nam, ngựa Hồ chim Việt biết làm sao đây" lấy ý từ câu "Hồ mã tê Bắc phong - Việt điểu sào Nam chi" để chỉ nỗi buồn xa xứ hay nỗi buồn của cảnh kẻ bắc người nam, xa cách nhau không thể đoàn tụ.  Câu  "Tái sinh chưa dứt hương thề,  Làm thân trâu ngựa đền nghì trúc mai" ám chỉ việc hai người thề cùng nhau; nếu chẳng may người này không giữ được lời thề, tức là mang nợ (lời thề) với người kia. Và, theo thuyết luân hồi của Phật giáo : người mắc nợ kiếp này thì kiếp sau phải làm trâu ngựa để trả nợ cho người chủ nợ (người vẫn thủy chung giữ trọn lời thề).  Để chê trách người cứ làm khác đời, để tự gây cho mình khó khăn, có câu ca dao:  "ngựa ô chẳng cưỡi, cưỡi bò,  đường ngay không chạy, chạy đò đường quanh quanh"

Riêng câu  "có chồng như ngựa có cương, đắng cay cũng chịu, yêu thương cũng nhờ" ngụ ý nói phụ nữ đã có chồng cuộc sống đi vào nề nếp ổn định, không còn tự do như trước.

Ngoài bài dân ca Lý Ngựa Ô, còn rất nhiều câu ca dao, bài vè mộc mạc khác nữa, thí dụ như:
   "Rồng chầu ngoài Huế, ngựa tế Đồng Nai..."

   "Bao phen lên ngựa ra về
   Cầm cương níu lại, xin đề vần thơ..."

   "Bắt con ngựa ngựa ô, ngựa ô tra khớp
   Lục lạc đồng đen, em mang hài tốt
   Ngấy ngây muôn dặm đường dài..."

   "khôn ngoan ở đất nhà bay
   dù che ngựa cưỡi đến đây cũng hèn"

   "Xe ngựa lướt bụi tuôn bờ
   Bánh niền sắt cứ khua rột rột..."

   "Gái không chồng như thuyền không lái
   Trai không vợ như ngựa không cương"

   "Gái Tầm Vu đồng xu ba đứa
   Con trai Thủ Thừa cỡi ngựa xuống mua"

   "anh về mắc võng nuôi con
   ai lên xe xuống ngựa, ai đẹp giòn mặc ai"

   "chồng người xe ngựa, người yêu
   chồng em khố rách, em chiều em thương"

   "người ta tuổi Ngọ, tuổi Mùi
   riêng em lại phải ngậm ngùi tuổi Thân"

   "Tứ mã phân thây
   Voi dầy ngựa xé
   Đáng chẻ tét hai
   Đáng xay thành bột..."

   "Nghe vẻ nghe ve
   Nghe vè nói ngược
   Ngựa đua dưới nước
   Tàu chạy lên bờ..."

Nhà họ ngựa còn được hân hạnh nhắc đến trong tên, họ, biệt danh của loài người, đặt tên cho thắng cảnh hay các sáng tác.  Trong sử Việt, còn nhắc đến thái tử Phật Mã cùng thái thú Mã Viện.  Có người đã đặt tên con một cách rất mộc mạc đơn giản là "Ngọ", là "Câu" nếu sinh vào năm ngựa; trong đó có lẽ được nhiều người nhớ nhất là nàng Ngọ - Ngày Xưa Hoàng Thị của Phạm Thiên Thư. Crazy Horse (1849?-1877) có tên thật là Tashunca-Uitco, thủ lĩnh thổ dân Sioux chống lại sự xâm lấn rặng núi Black Hills (thuộc khu vực tây nam của South Dakota và đông bắc của Wyoming) của người da trắng; và sau đó đã cùng với thủ lĩnh Sitting Bull của thổ dân Hunkpapa Sioux chống lại đội kỵ binh của Gen. George A. Custer trong trận chiến tại Little Bighorn vào năm 1876.  Trong các thắng cảnh có dẫy núi Hi Mã Lạp Sơn (Himalaya) hùng vĩ nhất thế giới.  Chân núi Mã Yên là nơi Chung Tử Kỳ cư ngụ.  Ở Việt Nam có sông Mã chảy ngang tỉnh Thanh Hóa.  Thời Ngũ Đại, có một người tên là Mã Ân, tiếm ngôi vua.  Mã Ân nguyên trước chỉ là một vị quan võ nhỏ, bộ hạ của quan Vũ An Tiết Độ Sứ đời Đường là Lưu Kiến Phong.  Về sau, Lưu Kiến Phong bị bộ hạ giết, Mã Ân được tôn lên làm Thống soái rồi sau đó được phong làm Sở  Vương, làm chủ cả một giải đất Đông Bắc tỉnh Hồ Nam và Quảng Tây, quyền uy lừng lẫy một thời.  Nhưng Mã Ân thật sự lại chỉ là một kẻ tầm thường, bất tài, chuyên lo hưởng thụ, người đương thời rất khinh thường Mã Ân, và gọi Mã Ân là "Tửu nang phạn đại", ý nói rằng Mã Ân chỉ là cái túi để chứa rượu, đựng cơm mà thôi.

Trong lịch sử Trung Quốc, có rất nhiều danh tướng mang họ Mã, Tư Mã.  Tư Mã Tương Như nổi tiếng với khúc Phượng Cầu Hoàng bất hủ, Tư Mã Thiên là vị sử gia đầu tiên đã sưu tầm ghi chép lịch sử Trung Hoa lại theo cách hệ thống hóa rất rành mạch, dành tâm huyết trọn đời để viết nên bộ Sử Ký là tài liệu rất quý về lịch sử.  Thời Tam Quốc, nổi tiếng nhất là Mã Siêu (một trong ngũ hổ tướng của Lưu Bị), Tư Mã Ý và hai con là Tư Mã Sư và Tư Mã Chiêu là những người giúp sức để cướp quyền nhà Ngụy lập nên triều đình nhà Tấn, khởi đầu là Tấn Đế Tư Mã Viêm.  Ngoài ra, còn có thể kể đến Mã Đằng, Mã Tốc, Mã Toại, Mã Bưu, Mã Đại, Mã Quân, Mã Mạc,... Nhắc đến truyện Kiều, ắt hẳn khó thể quên được nhân vật Mã Giám Sinh. Trong kiếm hiệp, có nhân vật Mã Không Quần võ công tuy cao diện mạo đẹp nhưng lòng dạ  nham hiểm.  "Vết Thù Trên Lưng Ngựa Hoang", "Ngựa Chứng Trong Sân Trường", ... là những tác phẩm đã tạo được sự chú ý của độc giả ngay từ khi mới phát hành.

Ngoài ra còn có nhiều "mã", "ngựa" chẳng liên quan tới họ nhà ngựa, nhưng tưởng cũng nên nhắc đến để mua vui giây lát.  Hình dáng của "móng ngựa", "đuôi ngựa" thường được dùng để miêu tả những thứ có hình dáng tương tự.  Chẳng hạn như nơi bị cáo đứng chờ nghe tòa nghị án được gọi là "vành móng ngựa", thác lớn nhất của thác Niagara được gọi là thác Horseshoe vì mang hình móng ngựa..  Kiểu buộc tóc lên cao để đuôi lòa xòa xuống được gọi là tóc đuôi ngựa trông rất "mi nhon" (mignon); nhưng chẳng hiểu sao lại không được nhắc đến nhiều như kiểu tóc đuôi gà cổ truyền.  Phu xe ngựa được gọi là "xà ích", "nài ngựa" là người cưỡi ngựa đua tham dự các cuộc thi.  Các vị thầy thuốc chuyên môn chữa bệnh cho loài ngựa được gọi là "mã thú y".  Có nơi còn Việt hóa chữ "mata" trong tiếng Mã Lai thành chữ "mã tà" để chỉ các vị bạn dân (cảnh sát).  Cũng vì thế nên mới gọi cảnh sát cưỡi ngựa là "mã đội" chăng ?  "Mã hóa" là viết theo một quy tắc đã giao ước (code), trong khi đó, trái ngược lại "mã dịch" là phiên dịch bản mã hóa (decode).  "Mã diễn" là cuộc biểu diễn bằng ngựa, "mã dục khoa" là nghề nuôi và tập ngựa, "mã thuật" là thuật cưỡi ngựa, "mã trường" là trường đua ngựa, "mã học" là môn học nghiên cứu về loài ngựa, "mã giáp" là áo giáp bọc mình ngựa..  "Mã đao" là bệnh mọc mụt ở cổ.  "Mã đề" là loại rau lá như móng ngựa, "mã tiên thảo" là loại cây nhỏ hoa tía lá và cây dùng làm thuốc, "mã tiền" là củ chi thứ cây có hạt dùng làm thuốc, "mã tiền tinh" là tinh chất trích từ hạt mã tiền dùng làm thuốc độc.  "Mã đầu" là cửa biển.  "Mã khắc" là đơn vị tiền tệ của Đức.  "Mã lực" (horsepower) là lực có thể nâng 75 kg lên cao 1 thước trong 1 giây.  "Mã não" là loại ngọc thạch mầu đỏ có vân đẹp, "mã thạch" là đá mầu vàng thường thấy trong ruột ngựa. "Mã tấu" là loại dao lưỡi lớn và dài.  Với người tập võ thì cần phải có tinh thần "mã thượng" cao cùng "mã bộ" vững chắc.  "Hàng mã" là các thứ làm bằng giấy giả theo vật dụng thật dùng để cúng.  Giờ Ngọ vào lúc giữa trưa.  Cổng Ngọ Môn là cửa chính của cung điện, trông về hướng Nam.

Sách có câu "tí ngọ mẹo dậu" là tứ hành xung, còn "dần, ngọ, tuất" là tam hạp.  Nếu diễn dịch nôm na thì họ nhà ngựa kỵ với họ nhà chuột, mèo và gà.  Kể cũng đúng, xưa nay vốn "trâu buộc ghét trâu ăn"; huống hồ chi họ nhà ngựa phải dãi dầu mưa nắng nai lưng ra làm việc trả ơn chủ trong khi mèo ta cứ õng ẹo làm điệu làm nũng thềm cao cửa rộng mà "hưởng phước".  Ghét là đúng lắm.  Còn họ nhà chuột và gà thuộc loại "nhãi nhép" trong mắt nhà ngựa, lại cộng thêm với bản tính ưa bơi móc, lén lút lấp ló không có vẻ "mã thượng" nên khó tránh khỏi việc xung khắc.  Riêng với nhà gâu gâu, cùng phận gia súc vất vả khuya sớm vì chủ, "đồng cảnh tương lân" nên dễ thông cảm. Chỉ có điều chẳng hiểu sao lại gán ghép ép ngựa ta phải hạp với ông ba mươi nhỉ.  Đương nhiên nhà ngựa vốn chết nhát chẳng bao giờ dám kiếm chuyện gây sự cùng nhà cọp rồi, nhưng ai bảo đảm được rằng hổ ta chịu chung sống hòa bình, cặp kè hạp rơ với họ nhà ngựa chứ.  Phải chăng vì thế mới có thêm câu "tam hạp hóa tam tai"?

Theo tử vi Đông Phương, người sinh các năm 1930, 1942, 1954, 1966, 1978, 1990, 2002 đều thuộc tuổi Ngọ, cầm tinh con ngựa..  Người tuổi Ngọ thường hoạt bát, vui vẻ, thích nơi đông người, thích được nghe khen, giỏi quản lý tiền bạc, ít khi phải lo lắng về việc an cư và thường thích di chuyển dù điều này có thể đem tới một cuộc sống không định hướng và hay thay đổi.  Tuy nhiên với tính tình ngay "thẳng... ruột ngựa", đôi khi khiến họ hành động hấp tấp.  Họ thích thử thách để đạt thành công bằng chính sức bản thân. Nhưng khi họ cảm thấy bị sai khiến hay ép buộc làm điều họ cảm thấy vô nghĩa, họ sẽ có thể đột ngột... bỏ chạy trốn khỏi vòng kềm tỏa.  Mặc dù luôn tỏ vẻ mạnh dạn và cương quyết nhưng thật ra họ rất dễ mềm lòng, nhất là đối với người khác phái.  Bởi vậy nếu yêu thích đối tượng cầm tinh con ngựa, ta cần phải áp dụng câu "đẹp trai không bằng chai mặt" cương quyết "ăn vạ" tới cùng thì chắc sẽ được đáp ứng lại..  Còn riêng với người tuổi Ngọ đã trót "vào lồng" phải ráng giữ kỹ "trái tim không ngủ yên", kẻo không lỡ vướng vào "tình yêu mù quáng" thì sẽ mất ăn mất ngủ khi lâm cảnh "một ngựa hai yên", ngộ nhỡ phải "hẹn hò" gặp nhau trước "vành móng ngựa" thì đời sẽ kém vui.



Năm nay là Giáp Ngọ, thuộc hành Kim (Sa Trung Kim, tạm dịch là vàng trong cát).  Can Giáp thuộc cung Dương hành Mộc; chi Ngọ thuộc cung Dương hành Hỏa.  Theo thuyết ngũ hành, cả can lẫn chi đều thuộc cung Dương sẽ bổ xung cho nhau; do đó, năm nay chắc hẳn mọi việc sẽ được thuận lợi thành công như ý muốn nhất là về lĩnh vực tình cảm.  Ngoài ra, theo ngũ hành Mộc sinh  Hỏa, can Giáp sinh chi Ngọ nên sẽ được thêm thuận lợi trong công việc.   Cho dù trong trường hợp lỡ gặp một vài trở ngại ngoài ý muốn, tùy theo phúc đức riêng của mỗi người cũng có thể có cách vượt qua.


Nãy giờ, cứ tản mạn theo "gót ngựa hồng mãi phiêu du" có lẽ đã quá lạc đề, xin phép được chấm dứt bài phiếm này để còn lo ăn Tết kẻo không cứ "lông bông như ngựa chạy đường quai" miết e bị quở sẽ dông hết trọn năm thì oan ức lắm lắm.  Muốn biết thêm chi tiết tường tận hơn, xin mời ghé thăm Lốc Cốc Am tọa lạc tại http://www.loccoc.am hay gửi điện thư lấy hẹn về địa chỉ: doanxam@loccoc.am.  Đặc biệt nhân dịp năm mới, xem tử vi trọn đời sẽ được tặng số hên để mua lotto trọn kiếp, xem chỉ tay sẽ được bonus xem luôn chỉ chân.  Mến chúc các bạn một năm Nhâm Ngọ an khang thịnh vượng, phát tài phát lộc, ăn ngon ngủ nhiều nhưng vẫn giữ hình dáng thon gọn uyển chuyển như họ nhà ngựa.  Riêng chúc các bạn phái nữ còn độc thân sẽ gặp Bạch Mã Hoàng Tử, các bạn phái nam sẽ ca bản Lý Ngựa Ô sớm.  Với các bạn đã yên bề gia thất chóng được tay bồng tay bế.

Tứ Diễm -  
First Edition - Oct. 27, 2001
Updated - Dec, 2013

====
Tài liệu tham khảo:
1. "Từ điển thành ngữ và tục ngữ Việt Nam" của giáo sư Nguyễn Lân, NXB Khoa Học Xã Hội, 1997
2. "Từ điển thành ngữ - tục ngữ Việt Nam" của Vũ Dung, Vũ Thúy Anh và Vũ Quang Hào, NXB Văn Hóa - Thông Tin, 2000.
3. "Việt Nam tân tự điển minh họa" của Thanh Nghị, nhà sách Khai Trí, 1966.
4. "Fundamental horse handling" của Barbara Ely, Media Publishing, 1988
5. "The systems of the horse" của Jeremy Houghton Brown và Vincent Powell-Smith, Howell Book House Inc., 1987.
6. The American Heritage Dictionary, Third Edition, version 3.5, 1994.

0 comments:

Post a Comment

 
;