Wednesday 29 January 2014

Mứt Quất 2014

Còn nhớ ngày còn nhỏ, Tứ Diễm mê nhất là được ngắm nhìn những chậu quất (tắc) trĩu trái vàng ươm, tròn căng mọng nằm xếp thành từng hàng thẳng tắp xen giữa nhiều loại hoa muôn mầu muôn sắc.   Ở bên nầy, dạo trước Tứ Diễm có trồng được một chậu quất nhỏ ở trong nhà.  Cứ đến dịp Tết là quất lại đơm đầy trái, nhìn rất thích mắt.

Hôm nọ đi chợ, thấy họ bầy bán những túi quất (tắc) nhìn coi tươi ngon mắt nên Tứ Diễm mua về, nhìn ngắm xong rồi quyết định sẽ úm ba la để thành món Mứt Quất (Tắc) như vầy nè


Nếu có hứng thú muốn cùng lăn vào bếp làm món mứt nầy, xin mời cùng xem tiếp theo nha




Trong bài viết nầy Tứ Diễm không nhắc lại các cách làm theo kiểu cổ truyền vì việc làm mứt quất vốn đã có rất nhiều công thức được chỉ dẫn trong sách báo hay trên mạng.  Tứ Diễm chỉ xin chia sẻ một cách làm khá đơn giản theo ý của Tứ Diễm suy diễn

Vỏ quất (tắc) thường có vị the.   Nếu làm theo cách chính xác, người ta thường lạng bỏ lớp thật mỏng bên ngoài vỏ để giảm vị the, nhưng sẽ tốn nhiều thời gian và mất công. Tứ Diễm làm biếng nên chỉ rửa cho thật sạch, xong ngâm những trái quất vào nước muối pha mặn khoảng nửa ngày để giảm vị the.   Kế đến rửa lại vài lần, rồi luộc trong nước muối sau khi sôi chờ khoảng một phút thì thay nước mới.  Luộc sơ trong nước muối thêm một lần nữa để bớt vị the.   Rửa lại nhiều lần với nước lạnh để không bị mặn.




Sau đó khía vài đường quanh vỏ quất (theo chiều dọc), nặn bỏ phần hột.   Rồi trộn đường theo tỷ lệ 50%; chẳng hạn như 1 kg quất trộn với 500 gram đường.   Nếu ai thích ngọt có thể tăng lượng đường nhiều hơn.

Khi đường bắt đầu tan chẩy, sên trên bếp, lửa khoảng medium ( 6 of 10) để nước đường mau sôi.


Khi nước đường trong chảo bắt đầu sôi, cho nước chanh vào để không bị lại đường.   Tùy theo khẩu vị mà dùng nhiều hay ít nước chanh.   Tứ Diễm thích Mứt Quất có vị hơi ngọt ngọt chua chua nên dùng nhiều nước chanh để dung hòa với vị ngọt của đường. 


Giảm nhiệt độ xuống medium low (khoảng 4 of 10) để nước đường từ từ sánh lại đặc hơn.  Thỉnh thoảng trở nhẹ cho những trái quất thấm đều nước đường.


Khi quất đã thấm đủ đường, sên vừa mức, mầu sắc nhìn đậm đà đẹp mắt hơn và có sắc trong thì vớt ra khỏi chảo.   Ép nhẹ để những trái quất dẹp và xòe bung cánh như hình đóa hoa.   Hay có thể để nguyên hình dáng tròn của trái quất.   Nói chung tùy theo ý thích mỗi người.  Tứ Diễm thích đè trái quất dẹp vì sẽ ép được lượng nước đường dư thoát ra ngoài, miếng mứt nhìn đẹp, ăn ngon hơn mà lại đỡ tốn chỗ khi cất vào hộp

Nước đường có thể vẫn còn dư ở trong chảo, chứ không cần thiết phải khô cạn.   Phần nước đường còn dư nầy khi nguội có thể cất để dành pha nước uống hay đem làm các món bánh, món mứt hay món ăn khác.  



Để những trái quất đã sên nằm trên giá để cho ráo nước đường và se mặt.   Tứ Diễm chỉ để các giá mứt trên mặt bàn (có lót khay chứa paper towel bên dưới để hứng nước đường rơi xuống), vài tiếng lại trở mặt để mứt se đều hai mặt


Khi mứt không còn dính tay, Tứ Diễm bầy ra đĩa để cho khô thêm một chút nữa


Những miếng mứt quất sẽ có mầu sắc tự nhiên như vầy, không cần pha thêm mầu.   Nếu ai thích có mầu đỏ cam đẹp hơn thì có thể cho thêm mầu vào nước đường khi sên mứt


Nếu cắt các đường cho đều nhau, khi đè dẹp, miếng mứt quất sẽ có hình đóa hoa năm hay sáu cánh như vầy nè


Vì đã phơi cho ráo nên có thể xếp vào hộp, không bị dính nhau.   Nhưng Tứ Diễm muốn cho gọn và sạch nên bọc mỗi miếng Mứt Quất trong lớp plastic wrap.   Khi ăn, cầm không bị dơ tay.   Và có thể bầy Mứt Quất chung với các loại mứt khác mà không sợ bị dính nhau.



Nếu muốn xem thêm một số món ăn ngày Tết, xin mời xem thêm các bài viết:




2 comments:

Unknown said...

nhin chi lam mut quat qua ngon, neu theo ct cua chi, vay cho bao nhieu la nuoc cot chanh ha chi, giup em voi, cam on chi nha.

TuDiem's Corner said...

Cám ơn sis Minh Hoàng đã khen nha. Tứ Diễm không có đong số lượng nước cốt chanh, chỉ cho vào nhắm chừng miễn sao khi nếm thử, thấy nước đường có vị chua chua ngọt ngọt thì mứt quất sẽ ngon hơn

Post a Comment

 
;