Wednesday 18 February 2015

Bánh Chưng 2015

Nhắc đến ngày Tết là nghĩ đến Bánh Chưng.  Đây là một món bánh gắn liền với câu chuyện về sự tích Bánh Chưng Bánh Dầy vẫn được nghe Bà kể từ dạo còn nhỏ xíu.   Dạo trước chẳng bao giờ Tứ Diễm nghĩ sẽ có ngày tự nấu bánh chưng ở nhà vì ngại việc canh chừng nồi bánh cũng như không muốn hơi nước bay đầy nhà.   Chỉ từ khi rước nồi Thermal Cooker về, Tứ Diễm mới bắt đầu tự gói và luộc bánh chưng ở nhà

Mời ngắm hai trong số hai mươi bốn Bánh Chưng do Tứ Diễm tự làm trong dịp Tết Ất Mùi 2015 nha.   Bên cạnh đĩa bánh là ít Dưa Chua cũng do Tứ Diễm muối để ăn vào dịp đầu năm


Mời cùng vào bếp làm món Bánh Chưng với Tứ Diễm nha



Bánh Chưng là món ăn miền Bắc.  Tuy cũng chỉ gồm gạo nếp, đậu xanh và thịt heo tương tự như món Bánh Tét và Bánh Ú, nhưng có lẽ do cách gói khác nhau và sau khi luộc kỹ lại còn ép cho thật ráo nước nên Bánh Chưng có hương vị thơm ngon rất đặc biệt.  Ngoài ra, Bánh Chưng lại còn có ý nghĩa rất hay, được nhắc đến trong truyền thuyết mà chúng ta thường nghe kể từ thuở còn nhỏ xíu.



Sự Tích Bánh Chưng Bánh Dầy

Theo truyền thuyết, vua Hùng Hương thứ sáu có ý định truyền ngôi nhưng lại không biết nên chọn ai trong số các con trai nên Vua mới thử tài các con bằng cách bảo rằng: "Sẽ truyền ngôi cho người con nào tìm được món ăn ngon và có ý nghĩa nhất cho mâm cỗ Tết ngày đầu năm".   Các hoàng tử đua nhau tìm các món ngon vật lạ quý hiếm để mong được truyền ngôi báu.

Trong khi đó, Tiết Liêu (còn gọi là Lang Liêu) là hoàng tử thứ 18 vốn hiền hậu, bản tính hiếu thảo rất muốn dâng món ngon lên Vua cha nhưng lại không biết phải làm sao, lòng luôn lo lắng.  Cũng may nhờ có vị thần tiên báo mộng, mách bảo.  Tiệt Liêu thức giấc, vội làm theo lời Thần dậy.  Ông chọn loại gạo nếp tốt gói trong lá dong xanh hình vuông tượng trưng cho Đất, gọi là Bánh Chưng.  Giã xôi cho dẻo mịn nặn thành Bánh Dầy hình tròn tượng trưng cho Trời.  Nhân Bánh Chưng gồm đậu xanh và thịt heo tượng trưng cho các loại ngũ cốc cây cỏ và động vật sinh sống trên mặt đất.  Lá xanh bao bọc bên ngoài tượng trưng cho tình yêu thương do cha mẹ luôn quan tâm đùm bọc đàn con.


Đến ngày đầu năm trong khi các hoàng tử dâng lên những món ăn cầu kỳ hiếm quý đắt tiền, hoàng tử  Tiết Liêu chỉ dâng lên hai món Bánh Chưng và Bánh Dầy thật đơn sơ giản dị khiến ai cũng ngạc nhiên.  Nhưng sau khi nghe ý nghĩa, rồi lại nếm hương vị hai món bánh, Vua Hùng Vương thứ 6 đã tấm tắc khen món ăn do hoàng tử Tiết Liêu vừa ngon vừa có ý nghĩa thật hay.  Vua bèn quyết định truyền ngôi cho Tiết Liêu.


Kể từ đó, mỗi năm đến dịp Tết Nguyên Đán, người Việt Nam có tục lệ làm món Bánh Chưng và Bánh Dầy bầy mâm cỗ cúng Tổ Tiên.



Vài Dòng Tản Mạn

Ngày còn ở Việt Nam, những ngày gần Tết thật là bận rộn.  Nào là dọn dẹp nhà cửa, quét vôi lên tường nhà, lau chùi các thứ trên bàn thờ, mang các loại chén đĩa cổ làm bằng sứ thật đẹp ra rửa để bầy các mâm cỗ cúng.  Rồi còn tất bật lo ngâm đậu, ướp thịt, ngâm nếp, rửa lá dong, ngâm lạt tre để gói bánh.  Dạo đó Tứ Diễm chỉ được làm chân sai vặt, lo các việc phụ thôi chứ không được gói bánh.  Thích nhất là lúc ngồi canh nồi bánh chưng, Bố thường kể cho nghe những chuyện thật thú vị.  Nhưng thường là chỉ thức được đến quá nửa đêm là đã ngủ thiếp đi.  Bố phải bế mang vào giường.  Bố Mẹ thường thức nấu nồi bánh đến khoảng 4 giờ sáng, ít nhất cũng 12 tiếng.  Sau đó để bánh nằm trong nồi nước nóng đến khoảng 7 giờ sáng mới vớt bánh.  Tứ Diễm còn nhớ lúc vớt bánh rất nhộn nhịp vì cả đám con nít cứ lăng xăng xúm xít chung quanh, Bố Mẹ vừa vớt bánh, vừa nhanh tay rửa bánh lại vừa phải để mắt xem chừng e đám con bị phỏng..   Tứ Diễm thường được giao việc rửa lại bánh đợt cuối, khi đó bánh đã bớt nóng và đã sạch rồi, có thể đem ép.

Những cái bánh chưng do Mẹ gói thật đẹp.  Mẹ chỉ bẻ lá, không dùng khuôn nhưng bánh thật đều tay.  Những cái Bánh Chưng vuông vắn, mầu lá dong xanh mướt, những múi lạt buộc vuông vắn đều tay vừa vặn, bánh rền mà không bị ngấn như các loại bánh chưng bán ở chợ bây giờ.   Tiếc là ngày đó chẳng ai nghĩ đến việc chụp hình bánh chưng.  Tứ Diễm tìm được tấm hình bánh chưng gói bằng lá dong nầy ở trên mạng nên mạn phép mượn mang vào đây nhìn để gợi nhớ lại món Bánh Chưng Mẹ làm ngày trước, mong tác giả tấm hình xí xóa thông cảm dùm nha



Dạo trước, Tứ Diễm thường đặt mua bánh chưng loại nhỏ từ một chị chuyên làm bánh bán nên bánh ngon, hợp khẩu vị .  Tuy nhiên có điểm bất tiện là phải lấy bánh ít nhất hai tuần trước Tết vì gần Tết chị ấy chỉ gói bánh  lớn bán Tết, không muốn gói bánh nhỏ.   Từ sau khi mua nồi Thermal Cooker, Tứ Diễm mới nghĩ đến việc tự gói Bánh Chưng vì không phải thức canh nồi bánh.

Năm nay, Tứ Diễm cũng tự làm bánh ở nhà.  Mở đầu là một đợt chín Bánh Ú đã nhắc đến trong bài viết .   Sau đó Tứ Diễm gói và lần lượt ủ thêm bốn đợt, mỗi đợt là sáu bánh chưng.  Như vậy tổng cộng 24 bánh chưng: 6 chay, 18 mặn.   Sau cùng là một đợt sáu đòn Bánh Tét Chuối.

Mời cùng vào bếp bắt tay vào làm món Bánh Chưng nha



Sơ Lược Cách Làm

Bánh Chưng rất giản dị, chỉ gồm gạo nếp, đậu xanh và thịt heo gói trong lá dong.

Lá Chuối
Bên nầy tìm không có lá dong nên Tứ Diễm dùng lá chuối đông lạnh.   Lá chuối để tan đá, rửa với nước ấm nhiều lần cho sạch, vừa rửa vừa lau để tẩy sạch hết bụi bẩn cùng lớp phấn trắng (nếu có).   Sau đó, Tứ Diễm trụng lá với nước sôi vừa để khử trùng vừa để lá mềm dẻo dễ gói  hơn.  Sau đó nhanh tay ngâm và rửa lại với nước lạnh để giữ mầu xanh của lá

Đậu Xanh
Có người gói với đậu xanh còn sống, có người gói với đậu xanh chín nhưng để nguyên hạt.  Tứ Diễm đã ăn qua các loại bánh chưng đó, nhưng không hợp khẩu vị.  Có lẽ vì đã quen ăn Bánh Chưng do Mẹ làm ngày xưa.  Đậu xanh ngày ấy phải đãi thật sạch vỏ, vo sạch, hấp chín, giã nhuyễn, vo viên, xắt lại cho nhuyễn rồi nêm muối tiêu cho vừa ăn.  Bây giờ mua đậu xanh cà vỏ, vo sạch, ngâm xong hấp chín, cho vào food processor xay nhuyễn, nêm  muối tiêu là xong

Gạo Nếp
Ngày xưa Mẹ thường kén loại nếp ngon để gói bánh.  Tứ Diễm mua được loại nếp nào dùng nếp đó, thường chỉ dùng loại nếp hạt dài.  Vo sạch, ngâm qua đêm, để ráo nước, xóc với ít muối.   Thường 5 cup nếp đã ngâm với 2 tsp muối là vừa ăn

Thịt Heo
Thịt heo làm nhân bánh cần có mỡ, bánh mới ngon.   Ở nhà Tứ Diễm lại không chịu ăn thịt mỡ nên Tứ Diễm gói bánh thịt nạc nhiều hơn, chỉ kèm theo ít mỡ để bánh mướt.

Dây Buộc
Theo đúng kiểu phải dùng lạt tre buộc bánh.   Lạt tre cần ngâm nước cho thật mềm dẻo dai.  Khi gói sẽ vặn xoán xong gài vào mặt dưới bánh.  Tứ Diễm gói bánh nhỏ nên làm biếng không cộ dây.  Có lẽ sang năm sẽ thử cột dây cho ... vui

Luộc Bánh
Ở Việt Nam thường dùng nồi thật lớn.  Từng cặp bánh chưng được cột áp mặt cột dây vào nhau, xếp dựng đứng thành từng lớp trong nồi.  Nước phải đổ ngập cao.  Lửa phải giữ đều để nước trong nồi luôn nóng sôi.  Thỉnh thoảng phải châm thêm nước sôi vào nồi để bánh luôn ngập trong nước sôi.   Bên nầy có người chỉ luộc khoảng 6 đến 8 tiếng, nhưng nếu không ăn ngay cất freezer khi hâm lại có khi bị lại gạo (hấy).   Ngày xưa Bố Mẹ thường luộc 12 tiếng rồi còn ủ trong nồi nước nóng thêm vài tiếng nên bánh chín rền. . Sau đó rửa thật kỹ, ép kỹ nên bánh để được rất lâu không bị hư dù chỉ để ở bên ngoài.   Bây giờ Tứ Diễm làm biếng, dùng nồi Thermal Cooker ủ nên không phải canh chừng, rất gọn tiện và tiết kiệm năng lượng.   Sau khi vớt bánh, Tứ Diễm ngâm trong nước lạnh rồi ép cho bánh ráo nước. 



Vài Hình Ảnh Trong Khi Làm

Bầy hàng các thứ trong khi gói Bánh Chưng nha.

Gói Bánh
Các thứ gạo nếp, đậu xanh, thịt heo đã sẵn sàng.  Lá chuối cắt sẵn theo kích thước vừa với khuôn.  Tứ Diễm dùng khuôn bánh chưng tự làm rất đơn giản nhưng rất hữu dụng.  Lá xếp vuông vắn vào khuôn.  Đong 3/8 cup nếp, 2 tbsp đậu xanh, 1 lớp thịt heo, 2 tbsp đậu xanh và 3/8 cup nếp.  Xếp lá lại là xong.   Tứ Diễm dùng khuôn cookie cutter để ép nhân đậu xanh cho chắc và vuông


Với cách xếp lá nầy, mỗi cái Bánh Chưng sẽ rất vuông.   Hai mặt đều có hình chữ X như hình bên dưới, tương tự như khuôn bánh xu xê nhưng kích thước lớn hơn .  Bánh Tứ Diễm gói kích thước 8.5 cm x 8.5 cm x 4 cm, vừa với nồi Thermal Cooker 4.5 L


Nhìn theo góc nầy để thấy rõ Bánh Chưng thật sự vuông vức cả tám góc


Xếp bánh vào nồi.  Bốn bánh nằm ngang, hai bánh chèn hai bên.  Tứ Diễm không cột dây nên thử dùng parchment paper bao bên ngoài xem sao.   Đây là năm đầu tiên luộc bánh với parchment paper


Updated: Nghe một số người khen cách bọc parchment paper nên Tứ Diễm làm thử theo để so sánh.  Tuy nhiên đây là một quyết định sai lầm.  Và cũng là một bài học kinh nghiệm đáng nhớ.  Tứ Diễm vẫn thấy cách bọc aluminum foil giúp bánh rền ngon hơn.   Do đó, Tứ Diễm sẽ không bao giờ dùng parchment paper gói bên ngoài bánh chưng nữa.

Đặt thêm hai đĩa sứ nặng đè lên để bánh chìm ngập dưới nước.  Nấu bánh trên bếp Induction, sau đó đem ủ.


Sau khi bánh đã chín, đổ bỏ nước nóng, thay bằng nước lạnh nhiều lần rồi mới vớt bánh ra khỏi nồi


Trước khi luộc bánh vuông vắn như vầy



Sau khi luộc bánh vẫn còn vuông vắn






Bánh Chưng Tết Ất Mùi 2015

Đem ép xong bọc một lớp cling wrap.  Tứ Diễm gói tổng cộng 24 Bánh Chưng, chia ra ủ 4 lần.  Hình chụp sau khi đã biếu một số bánh 


Một số Bánh ChưngBánh Ú do Tứ Diễm tự làm


Tô điểm nhìn cho vui mắt hơn nha.  Thay vì gắn thêm hình ảnh ngầy Tết cùng lời chúc đầu năm, Tứ Diễm thắt nơ trang điểm cho Bánh Chưng


Kèm thêm với ít Dưa Chua cũng do Tứ Diễm tự làm


Tứ Diễm bận rộn quá không chụp hình khi cắt Bánh Chưng ra ăn.  Mời ngắm tạm hình khi bánh vẫn còn được thắt nơ làm đẹp nghen



Mời cùng thưởng thức một món bánh đặc biệt ngày Tết nha




Mời quý vị thưởng thức một số món do Tứ Diễm tự làm chuẩn bị đón Xuân Ất Mùi 2015

0 comments:

Post a Comment

 
;