Friday, 15 May 2015

Mẹo Vặt Nội Trợ

Updated: Jun 30, 2015

Cách đây ít lâu có một vài sis yêu cầu Tứ Diễm viết về cách sắp xếp việc trong nhà sao cho gọn và hợp lý.    Đây là một đề tài khá thú vị và có lẽ cũng phù hợp với phe kẹp tóc.   Tuy nhiên cũng khó có thể có tìm ra một phương pháp sắp xếp công việc áp dụng cho mọi trường hợp vì như người ta hay nói: "mỗi cây mỗi hoa, mỗi nhà mỗi cảnh".   Mỗi người, mỗi gia đình đều có những thói quen ăn uống, sinh hoạt và phân chia công việc trong nhà khác nhau nên đâu thể dùng kinh nghiệm riêng của một vài cá nhân để khái quát hóa thành phương pháp áp dụng chung cho mọi người được.

Do đó trong bài viết nầy Tứ Diễm chỉ chia sẻ một số mẹo vặt nho nhỏ, hy vọng là có thể giúp ích phần nào cho phái đẹp chúng ta để có thể vẫn chu toàn việc nội trợ trong gia đình sau những giờ làm việc bên ngoài xã hội.   Mong là sẽ có dịp được học hỏi thêm kinh nghiệm từ quý vị.


Mời cùng nhau họp hội nghị bàn .... ăn nha.   Vì đây là một đề tài cần nhiều thời gian để viết nên Tứ Diễm sẽ viết từ từ mỗi khi có cảm hứng và thời gian rảnh.   Đôi khi nhớ thêm được điều gì mới, Tứ Diễm sẽ bổ túc thêm vào các phần đã viết.   Mỗi khi update bài viết, Tứ Diễm sẽ viết ngày tháng ở đầu bài viết để dễ nhận biết hơn.  Mời quý vị thường xuyên ghé xem nghen.  

Ngày xưa các cụ chủ trương "nam chủ ngoại, nữ chủ nội".   Người phụ nữ thuở trước thường chỉ cần lo việc nội trợ trong gia đình, nên tuy cũng khá vất vả vì việc nhà vốn không tên nhưng không phải lo toan việc kiếm tiền nuôi gia đình.   Ngày nay, phụ nữ cũng được học và làm việc trong xã hội không thua nam giới, nhưng sau đó về nhà thì lại vẫn phải đảm đang quán xuyến việc nội trợ trong gia đình nên còn mệt hơn so với các thế hệ trước rất nhiều.  Chưa kể thời nay việc nuôi dậy con cái cũng đòi hỏi nhiều thời gian, tâm trí và cả tiền bạc hơn thời xưa rất nhiều.   Ngày xưa chỉ cần có cơm ăn áo mặc là đủ.  Ngày nay quá dư thừa về vật chất nhưng con cái lại đòi hỏi sự quan tâm, chăm sóc, yêu thương của cha mẹ nhiều hơn, chứ không phải chỉ cho ăn no mặc ấm là đủ.   Người phụ nữ thời nay vừa phải làm vợ, làm mẹ (và có khi còn may mắn được làm con nếu cha mẹ vẫn còn) lại vừa phải làm việc cũng như có những mối giao tiếp, sinh hoạt ngoài xã hội nên luôn bận rộn.  Tuy là đã có các dụng cụ nhà bếp tối tân hiện đại trợ giúp, nhưng vẫn có 1001 việc cần phải làm mỗi ngày hay mỗi tuần, mỗi tháng.    Vậy chúng ta cần phải sắp xếp công việc ra sao?

Đây là một câu hỏi ngắn gọn, nhưng không dễ dàng tìm được một câu trả lời chính xác cho mọi người.   Vì mỗi người mỗi ý.   Đâu ai giống ai.   Việc trong nhà vốn không tên làm sao mà kể cho xuể, nói chi đến việc hệ thống hóa thành một phương pháp chung.   Thôi thì chúng ta cứ thử cùng nhau "loạn bàn" hay "bàn loạn".   Mong là cũng có một số mẹo vặt áp dụng được trong việc nội trợ thường ngày.   Nếu quý vị có những mẹo vặt hữu ích, mong chỉ dẫn để Tứ Diễm học hỏi thêm nha.

Việc nội trợ nói chung rất nhiều thứ.   Tứ Diễm tạm chia ra từng phần để chúng ta cùng nhau tìm xem có cách nào làm gọn lẹ, thuận tiện hơn không nha



Bếp Núc

Nhắc đến Bếp là biết bao nhiêu việc cần làm mỗi ngày, mỗi tuần.  Trong đó bao gồm việc đi chợ, sắp xếp và chế biến thực phẩm mua về, nấu nướng các bữa ăn thường ngày, lau chùi dọn dẹp, vv.. vv...   Đó là chưa tính đến những việc cần làm khi nhà có khách ghé thăm, có tiệc, có đám giỗ hay các ngày lễ, ngày Tết.

1.  Đi Chợ
  • Đừng để bụng đói khi đi chợ.   Vì khi đói, dễ có khuynh hướng thấy món gì cũng muốn mua, hậu quả là mua nhiều hơn mức cần thiết.  Ngoài ra, đi chợ về vừa mệt vừa đói sẽ phải tốn thời gian nấu và ăn, sau đó sẽ không còn hứng thú để sắp xếp, phân chia các thứ vừa mua về
  • Nên dành ít thời gian đọc các tờ quảng cáo (flyers) gửi về nhà để biết sơ qua giá cả các món trong tuần.   Nếu có thể dự tính trước cần mua những thứ gì ở chợ hay tiệm nào thì sẽ đỡ hao thời gian hơn.   Tuy nhiên cũng đừng ham rẻ vài chục cents mà phải tốn công đi ba, bốn chợ khác nhau vì sẽ vừa mất thời gian vừa tốn tiền xăng mà lại còn khiến mình bị mệt một cách không cần thiết
  • Nếu có kinh nghiệm nấu nướng, có thể mua thực phẩm theo mùa hay khi chợ bán "sale" rồi từ đó mới mua thêm các nguyên liệu, gia vị phụ để nấu các món ăn.  Với cách nầy có thể tiết kiệm tiền chợ mà vẫn có những bữa ăn ngon và bổ dưỡng 
  • Nếu chưa quen nấu nướng, nên viết sẵn xuống giấy những món định làm cùng các loại nguyên liệu, gia vị cần mua.   Khi đến chợ cứ dựa theo danh sách đó mà mua, đừng ráng nhớ trong óc rồi có thể sẽ quên mua thứ nầy, bỏ sót món kia khiến vừa tốn công ghé chợ vừa khiến trễ nãi các việc khác 
  • Nếu có thể tránh đi chợ vào những giờ những ngày đông người thì sẽ tiết kiệm được thời gian chờ đợi trả tiền
  • Trước khi đi chợ nên xem lại trong tủ lạnh, freezer và các thực phẩm khô trong nhà để xem món gì đã có sẵn, món gì cần mua thêm.   Tốt nhất là mỗi tuần nên chịu khó soạn tủ lạnh một lần.
  • Tứ Diễm thích dành thời gian thái, ướp, phân chia thực phẩm sau khi đi chợ về.   Do đó, Tứ Diễm thường làm những món đơn giản nhanh gọn để ăn trước khi đi chợ.  Có thể dùng nồi thermal cooker để ủ một món nào đó.   Khi đi chợ về, có thể dành thời gian để phân chia thực phẩm.  Đến bữa thì thức ăn trong nồi thermal cooker cũng đã chín. 
  • Khi còn ở Việt Nam, hành ngò ớt thường được tặng kèm theo khi mua rau vì giá bán chẳng bao nhiêu.   Sang bên nầy nhiều khi tiền mua các loại hành ngò ớt rau thơm còn đắt hơn tiền mua thịt, cá.   Nấu một nồi canh chua, tiền mua các loại rau ngò om, ngò gai, giá, bạc hà, thơm (dứa), cà chua, hành, vv.. vv... cũng xấp xỉ gần $20 vì mỗi loại đều phải mua nguyên vỉ, không thể mua số lượng vừa đủ dùng.   Nếu nhà đông người hay là có thể nấu nhiều xong ăn từ từ vài ba ngày thì cũng đáng tiền mua.   Nhưng nếu chỉ muốn ăn một bát canh chua mà phải mua nhiều thứ về dùng mỗi loại một chút, phần còn lại nếu đem bỏ sẽ rất uổng.   Do đó, nếu có thể tùy theo các nguyên liệu còn dư đó để chế biến thành những món khác thì sẽ đỡ lãng phí thực phẩm.  Có người chọn cách giản dị hơn là nấu một nồi thật lớn, chờ nguội, chia ra thành từng phần vừa ăn, xong cất freezer đông lạnh.  Thỉnh thoảng lấy xuống hâm nóng ăn từ từ.
  • Các loại dụng cụ làm bằng nhựa (plastic) thường được phân loại theo các số từ 1 đến 7 với mức độ an toàn được tóm lược như trong hình bên dưới.   Thường các con số nầy được in ở đáy hay một góc.   Nếu thấy số 2, 4 và 5 sẽ an toàn hơn trong việc sử dụng đựng thực phẩm.  Nên tránh dùng đựng thực phẩm nếu thuộc loại số 3 và 6.   Còn số 1 và 7 thì cần nên lưu ý.   Tuy nhiên nếu có thể nên ráng tránh dùng các hộp đựng bằng nhựa khi hâm trong microwave để yên tâm hơn, cho dù hiện nay việc nầy vẫn còn có những ý kiến trái ngược nhau.
  • Xem thêm một số mẹo vặt trong các bài viết  
  •  

2.  Sắp Xếp và Chế Biến Thực Phẩm
  • Sau khi đi chợ về, thường là ai cũng mệt hay có việc khác cần làm.   Tuy nhiên nếu có thể ráng sắp xếp công việc để có chút thời gian soạn và phân chia thực phẩm thì sẽ tốt hơn.   
  • Việc đầu tiên nên quan tâm và lưu ý là việc giữ gìn vệ sinh, an toàn thực phẩm.   Mời xem thêm bài viết Food Safety
  • Nếu cất nguyên tảng thịt vào freezer, khi muốn nấu phải chờ tan đá nguyên tảng thịt vừa lâu vừa kém ngon và khiến mệt mỏi vì cả ngày đã mệt với công việc ở sở làm rồi.   Đó là chưa kể nhiều khi thịt sẽ bị hôi vì máu tan chẩy thấm vào thịt trong khi xả cho tan đá.   Nếu xả đá không đúng cách, phần thịt còn dư đem cất trở lại vào freezer nếu bị nhiễm vi khuẩn thì rất nguy hại cho sức khỏe
  • Nếu chịu khó dành ít phút phân chia ra những phần vừa đủ để nấu mỗi bữa, ướp sẵn, bọc kín, dán nhãn rồi mới cất freezer.   Trong tuần có thể lấy từng gói theo món muốn nấu xuống để trong tủ lạnh, tan sở về sẽ không tốn nhiều thời gian để nấu nướng.   Tứ Diễm dùng cách phân chia, ướp rồi mới cất, thấy tuy hơi mệt lúc mới đi chợ về, nhưng sau đó lại gọn lẹ khi nấu nướng mỗi bữa, mà thịt thơm ngon không bị "hôi".
  • Với những món làm số lượng nhiều, có thể trộn gia vị nêm nếm vừa ăn xong mới cho thịt hay cá vào trộn đều xong chia từng phần, bọc kín, dán nhãn, đem cất freezer.   
  • Với những món làm số lượng ít, có thể cho gia vị vào bao zip loc, trộn đều nêm nếm xong cho thịt hay cá vào bao, miết mép bao cho kín rồi bóp nhẹ để gia vị thấm vào thịt hay cá, dán nhãn, đem cất freezer.   Nên mở hé miệng bao, vuốt cho không khí thoát ra ngoài rồi miết mép bao cho thật kín hơi.   Làm như vậy sẽ gọn và đỡ phải dọn dẹp lau rửa nhiều
  • Nếu định cất trong freezer lâu, nếu có máy food vacuum sealer thì sẽ giúp giữ được hương vị tươi ngon lâu hơn.   Có thể cho thực phẩm và gia vị vào bao zip loc.   Sau đó cho bao zip loc vào bao đặc biệt dùng cho máy vacuum sealer rồi hàn kín miệng bao.  Như vậy bao sẽ không bị dơ, có thể dùng thêm được vài lần nữa (hihi, tiết kiệm tiền mua bao được chút nào hay chút nấy đó mà).   Và cũng yên tâm là không lo phần gia vị lỏng bị hút vào máy trong khi hút không khí và hàn miệng bao.  Có thể xem thêm các bài viết Bag Sealers, Food Vacuum Sealer - Snap'n PumpFood Vacuum Sealers
  • Hành lá hay leek (tỏi tây) mua về, cắt phần rễ đem giâm xuống đất sẽ có hành lá mới để ăn.  Phần còn lại rửa sạch, lau khô, chừa một phần đủ ăn trong tuần.   Phần còn dư thái nhuyễn bọc kín cất freezer sẽ để dành được rất lâu
  • Rau răm, rau húng quế, ngò om, ngò gai, lá lốt, vv.. vv.. đều có thể cắt lá ăn, phần cọng hay gốc đem ngâm nước sẽ mọc rễ, có thể đem trồng.  Có thể xem thêm hình ảnh và chi tiết trong bài Cách Trồng Ngò Om Ngò Gai
  • Rau muống, bok choy, rau cải xanh, rau cải ngọt, rau tần ô, đậu cô ve, đậu bắp, vv.. vv... là những thứ chỉ ngon khi còn tươi.  Nếu để vài ngày, rau hay đậu bị héo úa, khi lặt rau vừa khó vừa phải bỏ rất nhiều mà mầu rau cũng không xanh ngon mắt.   Tứ Diễm thường mua về là ráng dành thời gian làm sạch rồi cắt rau hay đậu thành từng đoạn vừa ăn, rửa lại cho sạch, xong áp dụng cách luộc không dầu.   Nghĩa là bật bếp ở medium high, chờ chảo nóng, cho rau hay đậu kèm một vài muỗng nước, đậy nắp, chờ một phút, trở mặt dưới, đậy nắp khoảng 30 giây là xong.   Rau hay đậu sẽ chín sơ mà vẫn giữ được mầu xanh, độ giòn lại không bị mất chất bổ dưỡng như khi luộc.    Để nguội, có thể chia ra cất tủ lạnh ăn từ từ trong tuần.   Đậu cô ve có thể cất freezer để dành được lâu hơn.   Vì đã chín sơ nên trong tuần, khi xào rất nhanh, ăn đậm đà thơm ngon mà vẫn giữ được mầu sắc và độ giòn.  Xem thêm hình ảnh và chi tiết trong bài Xào Rau
  • Ngò, rau húng quế, vv.. vv... rất dễ bị héo úa nếu không ăn ngay.   Tuy nhiên nếu ngâm phần gốc bó rau vào ly nước lạnh, bọc bao nylon kín xong cất vào tủ lạnh (để ở các ngăn cửa tủ lạnh sẽ đỡ choán chỗ và đỡ bị đổ nước).   Các loại rau thơm đó sẽ giữ được độ tươi ngon rất lâu
  • Nên có sẵn viết và nhãn (label) trong bếp, trước khi cất món gì vào freezer cũng nên chịu khó viết rõ tên món đó và ngày cất.   Khi lấy từ freezer, chỉ cần xem label sẽ gọn lẹ và không bị lầm lẫn.   Thí dụ, mua một tảng thịt heo về, Tứ Diễm sẽ phân loại phần nào để luộc, để kho, để ram, để nướng, vv.. vv...  Rồi thái, ướp theo món định làm.  Ở label, Tứ Diễm cũng ghi là thịt heo để luộc, thịt heo để kho, vv.. vv...  Trong tuần, trước khi đi làm, Tứ Diễm lấy gói thịt tùy theo món định nấu để vào tủ lạnh, tan sở về thì thịt đã tan đá và thấm gia vị sẵn sàng để nấu.   Nếu không viết rõ, sẽ có khi lấy lầm món khác, lúc về nhà vừa đói vừa mệt mà lại phải chờ tan đá thực phẩm nữa thì sẽ càng mệt hơn
  • Hòa tan một phần bột mì với ba phần nước rồi khuấy đều trên bếp với lửa nhỏ đến khi sền sệt.  Đợi nguội cho vào chai, dùng như một loại keo (hồ, glue) để dán giấy rất tốt lại dễ rửa sạch bằng xà bông và nước.  Cất trong tủ lạnh được vài tuần
  • Trái cây nên mua vừa mức ăn.  Nếu thấy rẻ ngon nên mua nhiều quá thì nên ráng sắp xếp sao để ăn hết các loại mau chín trước.   Hay là nên rửa sạch, chia ra từng phần, bọc kín, cất freezer.   Thí dụ như Tứ Diễm thích ăn trái Bơ (avocado), khi thấy trái bơ chín vừa mức là Tứ Diễm gọt vỏ, bỏ hột, bọc kín, cất freezer ngay.  Chỉ chừa lại số lượng vừa ăn trong vài ngày.   Xem thêm hình ảnh và chi tiết trong bài Avocado - Vài Điều Về Trái Bơ.  Trái Dâu (Strawberry) vào mùa rất tươi ngon nhưng cũng rất mau hư.   Do đó Tứ Diễm cũng chỉ giữ số lượng vừa đủ ăn.  Phần còn lại rửa sạch, để khô, chia ra từng phần, bọc kín, cất freezer.
  • Táo có thể giúp làm mau chín một số loại trái cây nhưng cũng có thể làm mau hư một số loại rau củ.  Do đó nên tùy theo từng trường hợp mà có nên để chung với táo hay nên cất riêng.  
  • Nếu muốn giữ táo còn trắng sau khi gọt, pha vào nước sạch một chút chanh và một chút muối (pha loãng). Gọt xong miếng nào thả ngay vào tô nước đến đấy, ngâm khoảng 5 phút, vớt ra, để thật khô, xếp lên dĩa rồi dùng giấy nylon bọc kín lại.  Táo sẽ trắng mãi và giữ được độ giòn.
  • Chuối nếu lỡ chín quá mức, đừng bỏ uổng.  Có thể làm món Bánh Mì Chuối, Banada Muffin hay Bánh Chuối Nướng cũng rất ngon lại dễ làm.   
  • Tỏi mua về Tứ Diễm thường bóc vỏ, rửa sạch, xong xay nhuyễn, cho vào bao ziplock rồi cất freezer.   Khi nấu chỉ cần bẻ một miếng nhỏ là xong.  
  • Khoai tây mua về nếu ăn không kịp dễ bị nẩy mầm.   Do đó khi mua khoai nên tính làm các món sao cho mau hết.  Nếu nhắm ăn không kịp có thể làm món Homemade Potato Chips dùng microwave cũng nhanh gọn.
  • Xương gà mua về là Tứ Diễm lọc bỏ mỡ, rửa sạch, khử bỏ nước luộc đầu + muối, rửa sạch xương và nồi thermal cooker rồi mới dùng nồi thermal cooker hầm lấy nước ngọt để sẵn.  Nhớ nêm thêm ít muối và cho thêm vài củ hành tây khi hầm xương.   Với cách làm nầy thì không cần mất công hớt bọt mà nước hầm xương vẫn rất trong, lại thơm ngon, giữ được rất lâu trong tủ lạnh.  Có nước hầm xương gà sẵn trong tủ lạnh, mỗi bữa có thể làm được những món mới thơm ngon bổ dưỡng mà không hao nhiều thời gian.   Xem thêm hình ảnh và chi tiết trong bài Hầm Xương Gà
  • Cá mua về Tứ Diễm cũng rửa, ướp sẵn, cất freezer nếu chưa ăn ngay.   Tứ Diễm thường chỉ mua cá salmon hay tilapia fillet nên không hao thời gian nhiều.   Sau khi làm cá xong, vừa rửa vừa chà tay vào một muỗng stainless steel sẽ giúp khử mùi tanh của cá.   Sau đó Tứ Diễm rửa tay với Lava Heavy Duty Hand Soap Cleaner vừa giúp khử bacteria vừa giúp tay có mùi thơm dễ chịu.
  • Nếu mua cá nguyên con chưa được đánh vẩy, nhúng cá vào nước sôi rồi mới cạo vẩy, vẩy cá sẽ không bị văng và dễ làm sạch dễ dàng.
  • Nếu không có thời gian làm, sau khi mua đậu hũ về nhà, Tứ Diễm thường luộc đậu rồi mới đem chiên hay cất tủ lạnh.  Xem thêm chi tiết và hình ảnh trong bài Đậu Hũ Rán - Mẹo Vặt
  • Hành tây nếu mua nhiều mà không kịp dùng sẽ dễ bị hư hay mọc mầm.  Có thể bóc vỏ, rửa sạch, thái lát mỏng, sấy khô hay phi vàng rồi cất freezer để dành dùng từ từ.  Sau khi làm hành, có thể rửa tay với giấm và muối để khử mùi hành.  
  • Gừng nếu dùng không hết có thể rửa sạch, thái lát, phơi khô xong để dành pha với nước sôi uống vào khi thời tiết lạnh hay khi bị cảm.  Nếu gừng mọc mầm có thể đem trồng trong chậu, sẽ có thêm gừng non và lá gừng.
  • Chanh, cam, quít, bưởi nếu nhiều quá, nhắm chừng ăn không kịp.  Rửa sạch, vắt nước.  Nước juice có thể cho vào ngăn đá cất trong freezer cho đông đá, cất để dành được lâu.   Cho vài viên juice vào ly pha nước uống.  Vỏ cam, quít, bưởi có thể thể làm mứt hay phơi khô, khi ra vườn đem đốt vỏ cam, quít sẽ có mùi thơm giúp đuổi ruồi muỗi.  Vỏ chanh (lime) có thể đem ngâm trong nước sôi pha muối (để nguội), phơi nắng một thời gian cũng có mùi thơm y như khi muối nguyên trái chanh.
  • Sả mua về rửa sạch, để ráo, dùng food processor để xay nhuyễn.   Tứ Diễm xay hai lần.  Lần đầu là dùng lưỡi dao blade để cắt (slice) sả thành từng khoanh mỏng. Sau đó thì xay nhuyễn bằng lưỡi dao loại để xay thịt làm chả lụa.   Tứ Diễm nhấn nút PULSE cho máy xay một chút, ngưng rồi xay tiếp.   Xay xong chia sả ra từng túi zip loc cất freezer để dành dùng từ từ hay là xào với hành tây, ớt, muối, đường, paprika, dầu hạt điều mầu, vv.. vv... 
  • Muốn giữ khoai tây được trắng, sau khi gọt vỏ phải ngâm khoai vào nước có pha chút muối, không cần phải vắt chanh khoai vẫn trắng.  Rửa sạch khoai trước khi luộc hay chiên với nhiều nước, khoai không bị thâm đen khi luộc hay chiên. 
  • Khi xắt hành nên để thau nước bên cạnh để tránh bị cay mắt.  Cũng có thể cất củ hành vào ngăn đá (freezer) một lúc trước khi thái sẽ bị cay mắt.
  • Khi bào bắp chuối hoặc gọt chuối xanh, nên ngâm vào thau nước có vắt một trái chanh để không bị xám đen. 
  • Khoai lang chứa nhiều sinh tố A và C.  Có thể sử dụng khoai lang như khoai tây. Muốn giữ khoai lang để lâu, không bị hư nên vùi khoai xuống cát và che mưa nắng.  
  • Muốn giữ bánh mì được lâu, gói bánh mì vào bao nylon bọc kín rồi để vào ngăn đông lạnh của tủ lạnh.  Với cách này có thể để bánh mì lâu cả tháng.
  • Muốn khế bớt chua, thái khế thành lát ngâm vào nước muối, sau đó vớt ra, cho vào chậu nước có pha một ít bột nổi (baking powder) hay baking soda.  Cuối cùng, rửa khế lại nhiều lần với nước.   Baking powder hay baking soda có tính kiềm (alkaline) giúp trung hòa bớt vị chua (tính acid) của khế.
  • Khi mua đậu hũ, xem màu đậu trắng, sờ mịn và có độ săn chắc là đậu hũ mới
  • Ðể trà thêm phần thơm ngon, cho một miếng vỏ cam vào hộp trà rồi đậy thật kín.  Muốn giữ hương vị đậm đà của trà không bị bay hơi, hãy đựng trà trong một hộp thiếc đậy kín. Ðừng đựng trà trong hộp thủy tinh, trà rất mau bay hơi.
  • Muốn giữ khoai tây lâu bị hư, cho khoai tây vào thúng hay túi giấy, kê cao, tránh tiếp xúc với mặt đất.  Cất khoai tây trong chỗ thoáng mát thì có thể để từ 1 đến 2 tháng.
  • Muốn giữ được bánh mì mềm vài ngày, dùng giấy dầu và bao nylon gói thật chặt, bên trong có để một cục đường rồi để vào chỗ thoáng mát.
  • Muốn giữ dưa leo được lâu mà không có tủ lạnh, lấy một cái tô đựng nước rồi cắm phần cuống trái dưa xuống nước ngập độ 1/3 trái dưa. Mỗi ngày nhớ thay nước một lần.
  • Những trái chanh đã dùng một nửa hay một phần, muốn để dành mà không bị khô, hãy úp mặt chanh đã bị cắt xuống một dĩa chứa sẵn ít giấm chua, chanh sẽ lâu hư.
  • Nếu muốn để dành qua hôm sau xúc xích (sausage) chưa ăn hết, áp một miếng chanh vào vết cắt, sausage sẽ luôn mềm mại và có màu hồng đẹp. 
  • Ở những vùng có khi hậu ẩm thấp, muốn bột mì không bị mốc, trộn vào bột mì một ít muối theo tỉ lệ 5 gr muối cho một kg bột. Với lượng muối ít như vậy so với lượng bột nên sẽ không làm cho bột mặn. 
  • Thường món ăn có chút hành tây bằm nhỏ xào với hành hay ướp hành tây bằm với thịt sẽ tạo hương vị thơm ngon hơn, nhưng mỗi lần làm là một lần phải chịu mùi hành vương trong tay, phải rửa dao thớt rất mất công.   Các bạn có thể bóc, thái miếng xong bỏ hành vào food processor xay nhuyễn rồi bỏ vào bao zip lock cất lên ngăn đá dùng dần.   Mỗi khi cần, chỉ bẻ một mẩu hành bằm đã đông đá là xong.   Nhanh gọn lẹ
  • Celery:  Có thể đem bào sợi, thay cho rau muống bào, ăn rất ngon, tốt cho sức khỏe.  Lại có thể mua quanh năm.
  • Vỏ dưa hấu:  Gọt bỏ phần vỏ cứng mầu xanh ở ngoài.  Giữ phần cùi dưa mầu trắng.  Có thể bào sợi làm gỏi thay cho đu đủ.  Có thể thái miếng đem xào cũng rất ngon.

3.  Nấu Các Bữa Ăn


  • Mỗi gia đình có thói quen khác nhau.    Có người chỉ nấu vào cuối tuần rồi ăn lai rai trong tuần.  Có người nấu vài ba bữa trong tuần, các ngày còn lại ăn món cũ còn dư.  
  • Tứ Diễm lại thích ăn món mới mỗi bữa nên thường chọn cách nấu mỗi bữa.   Nhiều người không tin là Tứ Diễm đủ siêng để nấu ít nhất một món mới mỗi bữa.  Nhưng thật ra tùy theo cách mình sắp xếp và sử dụng các phương tiện sẵn có thôi.  Nồi thermal cooker, lò mini oven, lò microwave, bếp Induction, vv.. vv... là những vị "phụ tá" rất đắc lực nếu mình dùng đúng cách.   
  • Nồi thermal cooker giúp chúng ta có những món nóng mỗi ngày rất dễ dàng.   Sáng trước khi đi làm nếu nấu sôi khoảng 10 phút và nêm nếm xong đem ủ thì tối về sẽ có món nóng hổi thơm phức chờ sẵn rồi
  • Lò microwave, lò mini oven, bếp Induction đều có chức năng "timer".   Có thể dùng làm chín thực phẩm trong thời gian chúng ta làm các việc khác. 
  • Khi có thời gian, Tứ Diễm có thể làm những món mất công hơn.  Khi nào mệt hay không có thời gian, Tứ Diễm chọn những món đơn giản mà vẫn ngon.   Nói chung là tùy mình uyển chuyển chế biến thì vẫn có thể có những bữa ăn nóng ngon hợp ý trong vòng 15 đến 30 phút hay thậm chí chỉ cần 5 - 10 phút cũng xong được một, hai món.  
  • Lẽ đương nhiên là "trăm hay không bằng tay quen", nếu khi rảnh chịu khó học hỏi, ghi nhớ cách làm những món gọn lẹ thì lúc cần sẽ làm nhanh gọn, không hao thời gian.   Ngoài ra, nấu ăn cũng như khi sáng tác một tác phẩm nghệ thuật, với những nguyên liệu, gia vị căn bản, chúng ta có thể tùy ý chế biến, nêm nếm thành các món ăn thường ngày không cần phải theo đúng bài bản công thức, miễn sao ngon và hợp khẩu vị là được.   Nếu chịu khó tự rèn luyện kiến thức căn bản về cách nấu và nêm nếm thì sau đó tha hồ "múa" và "quậy", đôi khi chế ra những món mới không giống ai, lạ miệng lại ngon hơn nhiều đó
  • Nhiều người ưa than là muốn tự làm chả lụa, chả chiên, bò viên, chả cá tại nhà mà không có thời gian để làm.   Theo Tứ Diễm thì thật ra không cần phải tốn nhiều thời gian mà vẫn có thể tự làm được.   Chỉ cần phân chia ra thành từng bước.   Chẳng hạn khi đi chợ về, Tứ Diễm thường ướp ngay thịt hay cá, rồi bọc kín, cất freezer để đó.   Một hôm nào đó nhắm có ít thời gian để làm, Tứ Diễm sẽ mang xuống để trong tủ lạnh, tối về thì cũng đã tan đá bớt đủ để xay.  Xay xong thì vo viên chiên hay luộc chín ngay.  Với cách làm đó thì vẫn luôn có chả mới để ăn mà không hao công và thời gian nhiều.   
  • Những lúc rảnh, Tứ Diễm có thể làm sẵn bò viên, mọc viên, mọc gà viên, vv... vv... cất freezer để lúc nào mệt hay không có thời gian thì có thể úm ba la ra món Mì Nước nóng hổi ăn kèm với các loại rau và các viên mọc có sẵn.    Có sẵn nước hầm xương gà trong tủ lạnh rất tiện lợi 
  • Tứ Diễm thích ăn món bún bò vì mê mùi sả ớt.  Do đó Tứ Diễm thường xào sẵn sả ớt như kiểu để nấu bún bò.   Lúc nào thèm ăn bất chợt, thay vì làm Bún Bò thì làm món Bún Bò Xáo cũng ngon lắm.   Thịt bò thái mỏng xào nhanh với gia vị cho thấm.  Nước hầm xương gà nêm gia vị (sả ớt xào sẵn).   Làm dã chiến như vậy nhanh gọn mà cũng ngon nhờ mùi sả ớt rất thơm lại thêm nước dùng thật ngọt, đậm đà hương vị nhờ chất ngọt từ xương, chứ không phải từ bột ngọt, bột nêm như khi ăn ngoài tiệm.  Xem thêm hình ảnh và chi tiết trong bài Gia Vị Bún Bò - Tự Làm
  • Mì, miến và bún là những món dễ làm dễ ăn lại không hao nhiều thời gian.   Tứ Diễm thường cất sẵn mì trong freezer.   Những hôm bận rộn hay cần nấu gấp, có thể nấu rất nhanh mà vẫn ăn ngon.   Có một lần, được thông báo họp mặt khá gấp, Tứ Diễm chỉ có một tiếng để làm tính cả thời gian sửa soạn thay quần áo và lái xe đến nơi họp mặt.  Thời gian ngắn, cần nấu cho khoảng hơn 20 người.  Tứ Diễm dùng microwave để nấu Xôi Lá Dứa trộn Dừa Bào, đồng thời dùng bếp Induction để làm món Mì Xào Chay.   Hai món làm song song cùng lúc nên cũng vừa kịp thời gian.  
  • Oatmeal cũng rất nhanh nhưng không phải ai cũng thích ăn.  Những hôm chỉ có vài phút để làm xong bữa ăn, Tứ Diễm nấu oatmeal ăn kèm với các món chay hay mặn thay cho cơm. 
  • Thịt bò, tôm, mực, đậu hũ, trứng, vv.. vv..  là những loại thực phẩm rất mau chín, có thể kèm chung nhiều loại rau củ sẽ có những món ăn ngon mà bổ dưỡng
  • Muốn dễ lấy bánh bông lan ra khỏi khuôn, quét bơ hay dầu vào khuôn rồi rây một ít bột mì trước khi đổ hỗn hợp bột, trứng, đường vào.  Bánh chín, úp ngược khuôn, chờ nguội dùng dao nhọn luồn vào khuôn bánh xoáy nhẹ, bánh sẽ tróc dễ dàng.   
  • Với loại bánh cần bám vào thành khuôn để nổi cao xốp ngon hơn, lót parchment paper ở đáy khuôn hay quét dầu + rắc bột phần đáy khuôn rồi mới đổ hỗn hợp bột.  Bánh chín, úp ngược khuôn, chờ nguội dùng dao nhọn luồn vào khuôn bánh xoáy nhẹ, bánh sẽ tróc dễ dàng. 
  • Dùng gừng giã nhỏ trộn với rượu trắng và muối, chà trong ngoài con vịt, sau đó xả sạch bằng nước lạnh vịt sẽ hết mùi hôi.
  • Muốn gỏi sau khi trộn được giòn lâu và không ra nước, chỉ cần bóp gỏi với đường (không dùng giấm, muối hay chanh). Nước mắm trộn gỏi phải thật đặc (nấu nước mắm+ đường với tỉ lệ 1 nước mắm +2 đường). Khi trộn mới cho chanh.
  • Nếu lỡ tay nêm gia vị hơi mặn trong nồi canh hay nồi hầm, đừng quá vội lo lắng, hãy cho vào một vài củ khoai tây đã gọt vỏ, khoai sẽ rút bớt chất mặn trong canh. Trường hợp không có khoai sẵn ở nhà, lấy một nhúm gạo, vo sạch, bọc vào một túi vải sạch hay gói trong coffee filter rồi thả vào nồi.  Gạo nở dần lên cũng sẽ hút bớt chất mặn trong canh.
  • Muốn muối cà trắng và giòn, chỉ cần cho thêm riềng + tỏi khi muối.  Nước cốt riềng sẽ làm quả cà rất trắng và giòn tự nhiên.
  • Muốn cá kho được chắc thịt nên ướp cá với các gia vị khoảng 2 giờ.  Sau đó đặt lên bếp kho lớn lửa cho cá thật sôi, kho đến khi cạn nước. Cá sẽ săn chắc và thơm.
  • Với người không thích mùi thịt bò, nướng chín một củ gừng , cạo bỏ lớp vỏ cháy đen , giã gừng thật nhuyễn , rắc lên thịt bò sẽ giúp khử mùi.
  • Luộc Thịt: Muốn luộc thịt cho trắng dai ngon, cho một tbsp giấm và chút muối vào nước sôi trước khi cho thịt vào luộc.  
  • Dùng lá đu đủ bọc kín trước khi cho thịt heo, gà, vịt (đã đẻ nhiều lứa) vào nước sôi sẽ giúp luộc mau mềm ngon
  • Luộc Trứng: Cho một nhúm muối vào nước lạnh trước khi thả trứng vào luộc.  Nấu với nhiệt độ medium high, khi nước sôi, đậy nắp, tắt bếp, chờ 10 phút để trứng chín.  Trứng vừa chín, ngâm ngay vào nước lạnh chờ khoảng 10 phút.  Đổ hết nước trong nồi, đậy kín nắp, lắc mạnh cho trứng va vào thành nồi, vỏ trứng sẽ rạn nứt.   Đổ nước sạch vào nồi, rồi bóc, nước sẽ giúp vỏ trứng sẽ dễ dàng tróc
  • Với các món nấu với rượu nên chia rượu làm hai phần.   Một phần nấu với thức ăn.  Phần còn lại khi sắp chín, gần ăn mới cho thêm vào.  Món ăn sẽ thơm mùi rượu ngon hơn.
  • Nếu thích ăn cháo buổi sáng, buổi tối vo gạo để chừng 15-20 phút cho ráo nước. Đổ gạo vào bình thủy, đổ nước nóng sôi, ủ qua đêm.  Sáng ra gạo sẽ chín nhừ thành cháo.  Tùy theo thích cháo đặc hay loãng mà cho gạo nhiều hay ít.  Có thể ủ cháo đặc.  Sáng cho thêm nước hầm xương nấu cho loãng bớt.  Thêm hành, thịt hay cá, nêm nếm vừa ăn sẽ có nồi cháo thịt hay cá thơm ngon mau lẹ.   Thịt gà mau chín, thái lát mỏng, ướp gia vị, thêm chút bột bắp.  Cháo nóng sôi, thả thịt vào, nấu thêm một chút thì thịt sẽ chín mà vẫn giữ được vị ngon ngọt và dai.
  • Khi chiên cá, muốn không bị sát chảo, hãy lăn cá vào bột trước khi cho vào chảo dầu nóng.   Cũng có thể cho một ít bia vào chảo rồi mới cho dầu, chờ dầu nóng mới cho cá vào chiên vàng.  Cho một chút muối vào dầu (còn nguội) trước khi chiên sẽ giúp dầu nóng không văng ra ngoài trong khi chiên.
  • Muốn cá nướng không bị dính vỉ, chỉ cần thoa một lớp dầu ăn ngoài da cá.  Khi nướng, lúc đầu để lửa lớn để lớp da bên ngoài se lại ngay.  Như vậy sức nóng làm cho chất mỡ trong cá tan ra nhưng không thoát ra ngoài được.  Sau đó mới giảm lửa để cá chín đều bên trong.  Do đó da cá sẽ vàng mà thịt cá vẫn thơm ngon và không bị mất đi các dưỡng chất.
  • Bánh mì cũ, nhanh tay nhúng vào nước xong nướng trong oven, bánh sẽ giòn ngon.
  • Nếu không muốn khoai bị nát sau khi nấu, rửa khoai thật sạch trước khi gọt vỏ. Gọt vỏ xong, đem ngâm trong nước có pha một chút muối để khoai không bị đen và khi nấu khoai không bị nát.  Có thể chiên hay nướng cho hơi vàng phía ngoài trước khi nấu, khoai sẽ không bị nát.   Cách dễ nhất là ... dùng nồi thermal cooker, khỏi cần phải áp dụng mẹo vặt gì cả mà khoai vẫn không hề bị nát.
  • Muốn khử mùi dầu đậu phụng (dầu lạc, peanut oil), phi hành tím hay tỏi trong dầu nóng trước khi xào nấu các món
  • Dùng muối hoặc gừng giã nhuyễn chà xát lên vịt hoặc gà, để độ 5 phút, rửa sạch lại sẽ giúp khử mùi hôi.
  • Muốn nước hầm xương thật trong, rửa sạch xương hay thịt với giấm muối, xong chờ nước sôi cho muối rồi mới thả xương, thịt vào.  Khi nước sôi lại, bắt đầu sủi bọt dơ, cho thêm muối, bọt dơ sẽ nổi lên nhiều hơn.   Tứ Diễm thường dùng nồi thermal cooker nhưng vẫn đổ bỏ nước luộc đầu, rửa sạch nồi cùng xương, thịt.   Nấu nước thật sôi, nêm muối, mới cho xương, thịt cùng ít củ hành tây vào nấu cho sôi rồi đem ủ.
  • Nếu ai nấu trên bếp mà lỡ làm nước luộc bị vẩn đục, có thể áp dụng vài mẹo vặt sau.  Đổ nước luộc sang một nồi khác qua lớp vải lọc rồi nấu sôi trở lại.   Cũng có thể đánh nổi lòng trắng trứng rồi nhanh tay đổ vào nồi nước, các vẩn đục sẽ bám vào lớp lòng trắng trứng.  Sau đó vớt bỏ lòng trắng, nước dùng sẽ trong.
  • Nếu không muốn trứng gà dính vào thành tô, tráng tô với nước xong mới cho trứng vào tô rồi đánh đều.  Nước sẽ giúp trứng không dính vào thành tô.
  • Muốn quết tôm dai ngon, tôm cần rửa sạch lau khô và giữ lạnh trước khi quết.  Khi tôm đã được quết nhuyễn thì nêm gia vị và cho thêm một tròng trắng trứng, trộn đều và quết thêm một lúc cho tôm và trứng lẫn đều nhau.
  • Nếu lỡ làm chả cá bị bở, cho thêm tôm vào xay chung.  Tôm sẽ giúp chả cá thêm thơm ngon và có độ giòn dai.
  • Muốn thịt ram mềm ngon, cần chờ chảo thật nóng, đợi dầu sôi. Cho thịt vào chiên một mặt cho vàng rồi trở qua mặt khác.  Lửa phải to và đều.  Khi thấy thịt đã vàng đều, giảm nhiệt độ, cho thêm một ít nước (nếu có nước hầm xương càng ngon), đậy kín nắp để lửa riu riu cho thịt chín và thấm gia vị.  Khi xiên vào miếng thịt không thấy máu chảy ra là được.  Làm cách này thịt sẽ ngon và mềm.   Có thể cho thêm hành và tiêu khi thịt gần chín để ngon hơn.
  • Với các món chiên bơ, có thể chiên bằng dầu.  Khi đã chín mới cho ít bơ nóng trộn đều sẽ giúp món ăn thơm mùi bơ mà không phải dùng quá nhiều bơ trong khi chiên.
  • Khi lỡ lấy bánh bông lan ra khỏi khuôn mà bánh chưa được chín kỹ, đừng chần chừ, hãy nhúng bánh thật nhanh vào sữa lạnh rồi đặt bánh vào trong lò nướng lại một lúc cho bánh chín.
  • Khi nhồi bột làm bánh, nếu lỡ bột quá nhão mà không muốn cho thêm bột khô, hãy lấy một cách khăn khô thật sạch, bọc kín bột để khoảng 15-20 phút.  Nước dư trong bột sẽ thấm vào khăn, giúp bột khô ráo hơn.  Nếu vẫn còn nhão, lập lại vài lần.
  • Với các món bánh chiên, nếu cần dùng lại dầu đã chiên món khác trước đó, hãy chiên một ít khoai tây trước để khử mùi và các chất cặn (nếu có) trong dầu.   Sau khi dầu đã sạch, mới bắt đầu chiên bánh.
  • Khi luộc khoai sọ, khoai môn, khoai mì nên ngâm vài giờ trước khi luộc cho các độc tố trong khoai tan hết ra nước.  Sau đó luộc thật kỹ, không nên nướng. Đối với khoai mì, nên cắt bỏ hai đầu rồi mới bóc vỏ đem ngâm.
  • Khi đánh trứng, muốn cho mau nổi, chỉ cần cho vào một chút muối.
  • Muốn chiên bánh phồng tôm cho giòn, phải để dầu thật sôi mới cho bánh vào chiên.   Chiên xong, chờ nguội, cho vào bao nylon cột kỹ lại.
  • Mật ong nguyên chất sẽ không bị kết tủa.  Nhưng nếu lỡ mua phải mật ong có pha đường, khi mật ong bị kết tủa cứng có mầu đục, ngâm hũ mật ong vào nước nóng, mật ong sẽ mềm chẩy và không còn bị vẩn đục.
  • Muốn trứng giữ được nguyên mầu, phải dùng dụng cụ bằng sứ, sành hay thủy tinh để đựng khi đánh trứng cho thật nổi.
  • Muốn pha trà thơm ngon, trước hết phải nấu nước thật sôi, tráng nước sôi cho bình được nóng đều. Cho trà vào bình, chế nước sôi vào, đổ bỏ ngay.  Sau đó rót nước sôi vào từ từ cho đến khi đầy bình.
  • Muốn pha cà phê phin thơm ngon, phải nấu nước thật sôi.  Tráng fiter và ly cho nóng rồi mới cho cà phê vào filter.   Chế nước sôi từ từ đến khi gần đầy filter, có thể ngâm ly đang pha cà phê vào trong một ly nước nóng khác; không nên chế hai lần nước vào một filter cà phê đang pha.
  • Muốn để dành những chai nước có gas (sparkling water, soft drink, soda) đã mở nút, hãy vặt thật chặt nút chai thật chặt và dựng ngược lên, dù ở tủ thường hay tủ lạnh cũng vậy, như thế có thể giữ được hơi trong cả tuần lễ.
  • Nếu nút chai rượu dính chặt không mở ra được, đừng ráng cậy kẻo làm hư nút chai.  Hãy hơ nóng cổ chai.  Hơi nóng sẽ làm cổ chai nở ra, nút chai sẽ được vặn ra một cách dễ dàng.
  • Luộc gà không bị nứt da, khi luộc, cho gà vào nước còn lạnh và bắc lên bếp, sau đó luộc với ngọn lửa đủ để nước sôi "tim", kéo thời gian luộc dài bình thường. Sau đó vớt gà ra và ngâm ngay vào nước lạnh để giữ da có màu vàng óng và căng, giòn. Khi gà nguội hẳn, vớt ra rổ để ráo nước, dùng mỡ gà ngấm vào, gà luộc sẽ căng bóng trông rất ngon.
  • Khi làm các món xào, đôi khi chỉ thêm một chút nguyên liệu phụ như sữa bò, rượu, gừng, hành... các món xào trông sẽ ngon hơn, ăn đậm đà hơn. Ví như khi xào súp lơ, cho thêm một chút sữa bò thì súp lơ sẽ rất trắng mà lại ngon miệng.
  • Xào hành tây: Sau khi thái, rắc đều chút bột mì lên hành tây rồi xào chín. Như thế, hành sẽ dậy mùi thơm, vàng óng lại rất mềm giòn. Cho thêm chút rượu nho vào, hành sẽ không bị cháy đen.
  • Xào ngó sen: Nếu không biết cách làm thì ngó sen vừa đen lại rất khó ăn. Cách làm tốt nhất là vừa xào vừa cho thêm nước đồng thời thêm gia vị, hành, gừng... (hihi, bí quyết nầy Tứ Diễm sưu tầm thôi, chưa làm qua tại không ăn ngó sen)
  • Gừng và hành tây trong món cá kho có thể khử mùi tanh, nhưng nếu thời điểm cho vào không đúng, tác dụng sẽ mất đi. Sau khi nồi cá sôi 6-7 phút, cho gừng vào là hiệu quả khử tanh tốt nhất. Hành tây có thể cho vào sớm hơn, lúc đổ nước vào nồi cá kho. Với món cá hấp, dùng hành lót dưới cá là tốt nhất, vừa có thể làm cá thơm hơn, vừa làm cả con cá được chín đều và không bị vỡ.
  • Tráng (chiên) trứng: theo thói quen, nhiều người đánh đều trứng với hành tây thái mỏng rồi mới tráng. Nhưng như vậy trứng và hành tây có thể chín không đều hoặc bên trong chưa chín mà bên ngoài đã chín, mùi thơm của hành tây không có dịp tỏa ra hết. Cách dùng đúng nhất là cho hành tây vào xào với dầu trước, khi hành tỏa mùi thơm mới cho trứng vào để hai thứ đều có mùi thơm.
  • Tác dụng của rượu là khử mùi tanh, thời gian cho rượu vào phải căn cứ vào từng loại nguyên liệu và cách thức nấu. Ví dụ: Kho cá, xào tôm, xào thịt nên cho rượu vào lúc thức ăn đã chín, nấu canh thì đổ rượu vào lúc canh đã sôi.
  • Hầm gà cho muối, rượu, hành, gừng thì mùi vị sẽ ngon nhất mà không cần thêm hạt tiêu, hoa hồi. 
  • Xào thịt bò: có nhiều mẹo vặt để giúp thịt bò mềm ngon.   Điểm chung là xào nhanh tay với lửa lớn, vừa chín là múc ngay ra khỏi chảo.  Có thể chọn một trong số các mẹo vặt liệt kê bên dưới để giúp thịt bò xào mềm ngon hay kết hợp vài mẹo vặt chung với nhau:
    • Ướp thịt bò với ít dầu ăn khoảng 20 phút trước khi xào
    • Ướp thịt bò với bia hay soda, soft drink
    • Ướp thịt bò với nước dứa (thơm, khóm, pineapple juice)
    • Có người ướp với baking soda xong rửa sạch rồi mới ướp gia vị nhưng cách nầy làm thịt bò mềm bở
    • Dùng loại búa đập thịt bò cho mềm
    • Ướp với một ít  meat tenderizer 
  • Luộc trứng: cho một chút muối vào nước lạnh hay xát chút chanh ngoài vỏ trứng trước khi luộc, trứng sẽ không bị nứt hay trào lòng trắng ra ngoài.  Muối giúp lòng trắng mau đông lại nên trong khi luộc nếu lỡ vỏ trứng có vết rạn nứt, lòng trắng sẽ tự đông lại, hàn kín vết rạn nứt,  nước không thể thấm vào phần bên trong vỏ.   Có người còn dùng kim nhọn châm nhẹ vào đầu lớn của quả trứng trước khi luộc để trứng luộc xong nhìn đẹp và dễ bóc vỏ.
  • Luộc là cách làm chín thực phẩm giản dị nhất, tuy nhiên tùy theo món mà cần luộc trong nước lạnh hay nước sôi, có cần đổ bỏ nước luộc đầu để khử mùi hay không.  Nguyên tắc chung nếu muốn giữ vị ngọt của thực phẩm, nên bắt đầu luộc với nước nóng sôi.   Nếu muốn thực phẩm tiết nước ngọt vào nước hầm (broth), nên bắt đầu luộc với nước lạnh.   Muốn giữ mầu sắc không bị thay đổi, sau khi luộc xong, ngâm ngay vào nước lạnh hay nước đá lạnh.  Chờ hoàn toàn nguội mới vớt ra.  
  • Luộc thịt heo: nên xát muối rửa sạch, ướp gia vị cho thấm.  Luộc với lửa sôi nhẹ kèm thêm ít củ hành tây và gia vị để thịt đậm đà thơm ngon.  Hớt bọt thật sạch.  Thịt chín ngâm ngay vào thau nước đá lạnh.  Thịt sẽ trắng và săn chắc.  Chờ nguội mới thái
  • Luộc gà: nên xát muối rửa sạch rồi ướp gà với gia vị ít nhất nửa tiếng cho thấm.  Chọn nồi vừa phải, đừng quá lớn, đừng quá nhỏ.  Chờ nước sôi, nêm gia vị vào nước rồi thả gà vào nồi.  Khi nước sôi trở lại, giảm nhiệt độ, luộc với nước sôi liu riu tuy lâu hơn nhưng gà sẽ chín từ từ ngon hơn.  Nếu thấy da ở phần nách (phần cánh gần thân gà) sắp nứt, vớt gà ngâm vào nước lạnh chờ nguội bớt rồi mới tiếp tục luộc.  Lập lại cho đến khi gà chín.  Với cách nầy, gà sẽ chín đều bên trong mà da bên ngoài căng phồng láng mướt mà không bị rách, không bị nứt.   Gà luộc xong ngâm vào nước lạnh, chờ nguội mới chặt miếng.   Theo ý Tứ Diễm thì cách luộc đơn giản nhất là ... dùng nồi thermal cooker, gà sẽ chín và không bị rách da mà không phải canh chừng bếp.
  • Luộc khoai tây: dùng dao khứa một vòng tròn quanh củ khoai, luộc vừa chín tới, ngâm vào nước lạnh sẽ bóc vỏ khoai rất dễ.  Nước luộc khoai tây có thể dùng pha bột sẽ giúp bánh mì, bánh mì ngọt giữ được độ mềm mướt ngon lâu hơn
  • Luộc sắn (khoai mì): vỏ khoai mì có chứa độc tố, cần gọt vỏ, ngâm và thay nước nhiều lần.  Nên luộc nhiều nước và không đậy nắp
  • Luộc  khoai lang: luộc trong nước lạnh, khi khoai vừa chín tới, đổ nước luộc nhưng vẫn để khoai nằm trong nồi, đậy kín nắp, khoai lang sẽ âm ỉ chín thêm, ăn sẽ ngon hơn 
  • Bột mì ngoài việc làm bánh hay nấu nướng, còn có thể nhồi dẻo cho trẻ em nặn chơi thay đất sét.  Trộn 3 cups all purpose flour + 1/4 cup muối + 1 cup nước + 1 tbsp dầu ăn (vegetable oil), nhồi cho dẻo mịn.  Có thể cho thêm mầu (food colour) tùy ý thích.  Có thể cất trong bao zip loc để dành cho trẻ em nặn chơi vào lúc khác.
  • Lột Da Chân Gà: rửa sạch, ngâm nước muối qua đêm (cất trong tủ lạnh).  Nấu nước thật sôi, chia ra trụng mỗi lần một ít chân gà.  Lớp da bên ngoài sẽ rất dễ dàng tách rời khỏi chân gà.  Tuy nhiên nên lưu ý nếu trụng lâu quá, lớp da bị chín sẽ bám chặt, khó tách rời.   Nếu nước chưa thật sôi hay trụng quá nhiều một lúc khiến giảm nhiệt độ của nước, lớp da bên ngoài chưa trụng đủ nóng cũng sẽ khó tách rời.   Ngoài ra nên nhớ lột bỏ luôn phần móng chân gà sau khi đã trụng nước sôi, bằng cách bẻ ngược móng chân gà, móng sẽ tách rời ra dễ dàng.
  • Hầm đậu: cho một ít dầu hay một lát seaweed sẽ không bị sủi bọt (Ngọc Mỹ's hint).
  • Nấu cơm:  gạo basmati, mua loại aged và extra long sē rất ngon.  Nấu nước sôi (3 phần nước 1 phần gạo),  cho một thìa muối, cho gạo vo kỹ vào, khuấy hai ba lần cho khỏi dính đáy, khi gạo nở (khoảng 7 - 10 phút) thì đổ hết nước đi, nhanh tay vun gạo thành hình cái Kim Tự Tháp, đậy kín, để lửa thật nhỏ cho 15 phút, tắt bếp cho miếng bơ vô.   Cách này cơm nở như "bông" không khô và không nhão ngon lắm (Ngọc Mỹ's hint). 
  • Nấu cơm: gạo basmati Tứ Diễm vo với muối, xong nấu theo tỷ lệ 2 gạo + 4 nước sôi ăn cũng ngon lắm.  Tứ Diễm có thử nấu 2 gạo + 3 nước sôi + 1 bia (Labatt Blue Light), cơm nấu dẻo mềm ngon và không có mùi bia.
  • Lưu trữ lá Cẩm: khi lá Cẩm mọc tốt, người ta thường đem nấu lấy nước mầu xong tích trữ trong ngăn đá để dành dùng dần.  Thay vì nấu nước, đem sấy khô cất để dành.  Khi nào cần, đem lá Cẩm khô cho vào nước nấu vẫn có màu đẹp y như lá tươi.  Dùng máy dehydrator sấy khoảng 2 tiếng là lá khô.  Cũng có thể phơi nắng, lá Cẩm mỏng nên mau khô.  Xong cho vào lọ thủy tinh để chỗ tối xài dần.  Cách này đỡ tốn chỗ trong freezer và trữ được lâu hơn (Ngọc Mỹ's hint). 
  • Làm sương sâm: nếu tự trồng và làm sương sâm tại nhà sẽ sạch mà có món tráng miệng rất ngon.  Tuy nhiên nhiều người ngại nhất là phải mỏi tay vò sương sâm.  Sis Ngọc Mỹ đã nghĩ ra cách dùng máy VitaMix xay lá sương sâm.  Tuy nhiên khi xay với high speed trong VitaMix thường hay bọt, bọt nên sương sâm bở không ngon.  Sis Ngọc Mỹ nghĩ ra một mẹo là một xíu dầu ăn vào xay chung, hỗn hợp sẽ không sủi bọt nên sương sâm làm ra mịn và dai ngon.   Thanks sis Ngọc Mỹ chia sẻ những mẹo vặt hữu ích nha
  • Bia ngoài việc để uống còn có thể dùng nấu một số món.  Có thể xem thêm chi tiết trong bài Công Dụng của Bia
  • Bột bắp (corn starch) thích hợp làm sánh (as a thickener) các loại sauce thuộc loại "dairy-based" và các loại sauce hay soup không có vị chua (acidic).
  • Bột sắn dây (còn gọi là bột mì tinh, Arrowroot starch) có tính mát giúp giải nhiệt,  thích hợp làm sánh các loại sauce hay soup có tính acid và còn có thể làm sệt các món ở nhiệt độ thấp; sau khi làm xong ăn nguội hay cần để đông lạnh, không cần phải hâm nóng.   Cách dùng là hòa tan 1 tbsp bột sắn dây (arrowroot starch) với 1 tbsp nước lạnh, sau đó cho vào món soup hay sauce ở nhiệt độ medium-low nấu khoảng một phút hay cho đến khi sánh vừa mức.   Theo các tài liệu, có thể dùng 2 phần bột sắn dây (arrowroot starch) thay cho 3 phần bột bắp (corn starch) hay 1 phần bột sắn dây (arrowroot starch) thay cho 3 phần bột mì trong một số công thức khi cần làm sền sệt phần sauce.   Nhất là với các loại sauce trái cây, dùng bột sắn dây sẽ giúp giữ vị trong cho sauce, nhìn đẹp mắt và ăn ngon miệng hơn.  Khuyết điểm là bột sắn dây không phù hợp với các món cần hâm nóng lại.
  • Bột năng (tapioca starch) hay bột sắn dây (Arrowroot starch) thích hợp làm sệt với các món cần đông lạnh.
  • Tự làm Black Bean Sauce:  hâm 1 tbsp dầu trong soong nhỏ với nhiệt đố medium-low, cho vào 1 tbsp gừng tươi mài nhuyễn, 2 củ tỏi bằm nhuyễn mịn, ¼ củ hành hương bằm nhuyễn mịn rồi xào khoảng 4 phút cho đến khi mọi thứ đều chín vàng thơm.  Cho thêm ½ cup đậu đen đã nấu chín mềm và một trái ớt đã bỏ hạt bằm nhuyễn.  Nêm thêm 1 cup nước, ½ cup nước tương (soy sauce), ¼ cup giấm gạo (brown rice vinegar) và 1 tbsp đường.   Sên nhỏ lửa để các thứ nguyên liệu chín, nêm nếm lại cho vừa ăn.   Hòa tan 2 tsp bột sắn dây (arrowroot starch) với 1 tbsp nước, cho từ từ vào soong hỗn hợp, khuấy đều với nhiệt độ thấp (low) cho đến khi hỗn hợp sền sệt.  Mang soong ra khỏi bếp, trộn thêm 2 tbsp ngò tươi thái thật nhuyễn.   Có thể dùng đổ lên các đĩa món ăn đã nấu sẵn hay để nêm nếm, nấu một số món ăn.
  • Chocolate Pudding: khuấy cho tan 3 tbsp bột sắn dây (arrowroot starch) trong 2/3 cup non-dairy milk; chẳng hạn như sữa đậu nành (soy milk), sữa hạnh nhân (almond milk), sữa gạo (rice milk), nước cốt dừa (coconut milk), hemp milk, vv.. vv..   Trong một soong khác hòa tan 3 cup + 1/3 cup non-dairy milk (chọn 1 trong 5 loại sữa đã nhắc đến ở trên) với ½ cup cocoa powder, ¼ cups chocolate chips, 1/3 cup đường và một chút muối, nấu ở nhiệt độ trung bình cho đến khi chocolate tan.   Cho hỗn hợp bột sắn dây (arrowroot starch + non-dairy milk) đã hòa tan ở trên vào soong, khuấy đều, nấu nhỏ lửa (medium-low) khoảng 5 - 7 phút cho đến khi hỗn hợp sền sệt thì nhấc ra khỏi bếp, thêm 1 tsp vanilla extract.   Nếu lỡ đặc quá, nhấc soong ra khỏi bếp, cho ít non-dairy milk vào khuấy cho hỗn hợp loãng hơn.  Múc hỗn hợp vào chén hay tô, phủ một lớp plastic wrap che kín sát mặt hỗn hợp để không bị chai phía trên mặt hỗn hợp.   Cất trong tủ lạnh cho đến khi hỗn hợp đủ lạnh.  
  • Tự làm đường bột (Homemade Powdered Confectioner’s Sugar): xay nhuyễn mịn ¼ cup đường trắng và ¾ tsp bột sắn dây (arrowroot starch) cho đến khi thành hỗn hợp bột đường thật nhuyễn mịn, sẽ làm được khoảng 1/3 cup confectioner’s sugar
  • Xem thêm một số câu hỏi và giải đáp trong các bài viết 
  • Xem thêm một số bài viết 
  • ...

4.  Lau Chùi Dọn Dẹp
  • Đa số đều ngại nhất việc dọn dẹp, nhất là sau khi đã nấu nướng mệt mà còn phải "thanh toán một bãi chiến trường" thì quả là rất ngán.  Vì vậy Tứ Diễm thường làm đến đâu ráng dọn đến đó ngoại trừ khi nấu nhiều món cùng lúc trong thời gian ngắn và cần phải đi ngay sau khi nấu xong thì đành đợi lúc về dọn tiếp "bãi chiến trường".
  • Bình thường, trong khi nấu, Tứ Diễm thường rửa ngay các loại chén, muỗng, đũa, dao, thớt, nồi, chảo vừa dùng xong.   Và luôn lau chùi mặt bếp trong khi nấu.  Như vậy lúc nấu xong, mặt bếp cũng đã sạch, chỉ cần lau lại là sạch trơn láng bóng.   
  • Mỗi khi làm thịt, cá Tứ Diễm rửa bằng xà bông các dụng cụ và bồn rửa chén xong Tứ Diễm luôn dùng nước sôi để khử trùng thêm cho yên tâm.   Nhờ có ấm điện nấu nên có nước sôi rất nhanh.   Khi làm xong hết, Tứ Diễm dùng máy Hot Shot để khử trùng và làm sạch thêm một lần nữa.   Máy Hot Shot xịt hơi nước nóng với áp suất cao nên rất tiện để khử trùng những ngóc ngách, kẽ hở mà mình có thể bỏ sót khi lau chùi.
  • Tủ lạnh là nơi mở ra đóng vào mỗi ngày rất nhiều lần.   Do đó Tứ Diễm thường xuyên lau tay cầm trên cửa tủ lạnh.   Nếu thấy dơ chỗ nào là lau ngay kẻo ... quên.   Mỗi tuần khi soạn tủ lạnh, Tứ Diễm sẽ lau các ngăn đựng.   Mỗi tháng sẽ dành một hôm nào đó mang hết tất cả mọi thứ và gỡ hết các ngăn ra lau chùi cho sạch.   Nếu lau thường thì tủ lạnh ít bị dơ, lau chùi dọn dẹp cũng không hao nhiều thời gian cho lắm
  • Có nhiều người thích nhà bếp gọn và đẹp như model kitchen nên mọi thứ đều đem cất kỹ.   Lâu lâu dùng mới đi lục mang ra.   Cách đó thì bếp đẹp nhưng chỉ hợp với người ít nấu nướng hay chỉ nấu ăn đơn giản.  Tứ Diễm nấu thường xuyên mỗi bữa nên thích để các dụng cụ và máy móc dùng thường xuyên trong tầm tay.   Do đó, ngoài các loại tủ đã gắn sẵn, Tứ Diễm dành riêng một mặt tường để gắn thêm một dẫy tủ dùng để chứa các loại máy móc cùng những thứ cần dùng.   Ngoài ra còn có thêm một tủ thấp với nhiều ngăn, trên mặt tủ có thể đặt những loại máy hay dùng, các ngăn tủ đựng những món lặt vặt.
  • Với các vết hoen ố dùng baking soda thấm chút nước ấm sẽ tẩy sạch.  Xem thêm các công dụng khác trong bài viết Công Dụng của Baking Soda
  • Các loại enameled cookware nếu lỡ bị đổi mầu hay hoen ố, có thể thử dùng baking soda cọ rửa cho sạch.  Nếu vẫn còn hoen ố, dùng bleach pha loãng với nước sẽ giúp tẩy sạch.  Khi mới dùng bếp Induction lần đầu, Tứ Diễm không ngờ bếp nóng quá nhanh so với bếp điện nên làm đáy nồi có vài vết sậm mầu tẩy rửa cách nào cũng không sạch.  Tứ Diễm thử rắc một ít bột Old Dutch Cleanser lên vết ố, cọ rửa với nước thì sạch trơn.   Sau đó thì rửa lại với xà bông rửa chén và nước nhiều lần cho sạch, cuối cùng Tứ Diễm dùng nồi nấu nước sôi tẩy rửa cho sạch vài lần nữa để yên tâm là không còn sót chút hóa chất nào.
  • Chảo carbon steel mới mua sau khi cọ rửa thật kỹ, có thể dùng hẹ để khử mùi. Rửa hẹ xong để nguyên hay xắt khúc cũng được.  Đặt chảo lên bếp, mở lửa thật lớn, bao giờ thấy chảo nóng bốc khói, lòng chảo chuyển sang màu xám xanh thì cho hẹ vào, cứ rang hẹ đều quanh lòng chảo cho đến khi hẹ cháy giòn là được.
  • Các loại cast iron hay carbon steel cookware sau khi rửa sạch nên hâm nóng trên bếp cho khô, quét một chút dầu rồi mới mang đi cất.  Làm cách đó sẽ không bao giờ bị gỉ sét mà lại giúp tăng thêm độ không dính (nonstick).   Xem thêm chi tiết và hình ảnh trong các bài viết Cast Iron Cookware, Cast Iron Skillets
  • Baking soda và giấm là hai thứ luôn có sẵn trong bếp nhà Tứ Diễm vì cần dùng mỗi ngày.   Baking soda và giấm giúp cọ rửa tẩy sạch các vết hoen ố, vết dơ hay dầu mỡ rất tốt.  Baking soda + giấm + muối + nước nóng còn giúp thông đường ống thoát nước, khử mùi hôi.   
  • Ấm đun nước dùng một thời gian thường đóng cặn vôi (calcium) trắng ở dưới đáy.  Một số đồng nghiệp và người quen cứ dùng đến khi thấy cặn đóng nhiều quá thì ... liệng bỏ, mua ấm mới.   Mãi đến khi Tứ Diễm chỉ cho họ cách dùng giấm để tẩy cặn vôi, họ mới biết là đã lãng phí vật dụng một cách không cần thiết.   Còn Tứ Diễm thì cũng rất bất ngờ khi nghe nói họ bỏ ấm đun nước chỉ vì không biết cách tẩy cặn vôi.  Cách làm rất giản dị, chỉ cần đổ giấm thêm ít nước vào ấm, nấu cho sôi, các cặn vôi sẽ được hòa tan trong giấm (có tính acid).   Nếu làm thường xuyên, chỉ một lớp mỏng cặn vôi thì chỉ cần nấu sôi là đã sạch.  Nếu lâu mới làm, lớp cặn vôi đóng dầy thì cần nấu một lúc cho đến khi tất cả cặn vôi tan biến.  Nếu cần thì đổ phần nước dơ đó, cho thêm giấm và nước vào nấu đến khi lòng ấm sạch trơn.   Sau đó thì chỉ cần rửa lại cho sạch là đã có một ấm đun nước như mới.
  • Giấm có tính acid nhẹ nên giúp tẩy dầu mỡ, khử mùi hôi, làm mềm thực phẩm, vv.. vv..   Đặt một tô giấm + nước vào microwave, không đậy nắp, nấu sôi vài phút.   Hơi giấm bay lên sẽ giúp làm sạch và khử mùi.   Dùng khăn thấm nước giấm ấm lau bên trong microwave sẽ giúp khử dầu mỡ, mùi thực phẩm và khử trùng.   Sau đó lau lại bằng nước sạch.   Giấm + muối giúp khử mùi hành trên tay và các vật dụng.    Giấm có thể làm tan keo dán trên các loại giấy dán trên vật dụng, giá tiền dán trên các thứ, nhãn trên chai lọ.  Còn có rất nhiều công dụng khác nữa, được liệt kê trong bài viết Công Dụng của Giấm
  • Vỏ chanh giúp tẩy sạch các vết ố vàng trên móng tay, trên thớt nhựa, giúp khử mùi thực phẩm còn bám trên da tay, trên lưỡi dao, giúp làm sạch da đầu, giúp tóc bóng mướt hơn, vv.. vv..   Sau khi chiên xào, nấu vỏ chanh trong nước sôi, mùi vỏ chanh tỏa ra giúp khử mùi trong bếp
  • Dung dịch lau cửa sổ (window cleaner) có thể giúp lau chùi nhanh gọn phía bên ngoài một số dụng cụ dùng trong bếp
  • Lava Heavy Duty Hand Cleanser khá hữu ích, vừa có mùi thơm dịu, vừa giúp tẩy sạch các vết dầu mỡ nhờn trên da tay, vừa giúp khử bacteria, vừa không làm da tay bị khô
  • Bã cà phê có thể giúp khử mùi hôi, tẩy sạch một số vết dơ và nhiều công dụng khác, xem thêm chi tiết trong bài viết Công Dụng Của Bã Cà Phê
  • Khi nấu các món nặng mùi, dùng bã trà hay bã cà phê chà xát nồi chảo để khử mùi rồi rửa lại bằng xà bông và nước.
  • Muốn khử mùi hôi của tỏi hành sau bữa ăn, nhai một ít bã trà, mùi hôi sẽ hết.  Sau đó đánh răng xúc miệng cho sạch.
  • Muốn rửa sạch một bình nước dơ hay bị mờ đục vì để lâu ngày, hãy xé vụn giấy báo nhét vào thật đầy chai và đậy kín nút chai.  Ngâm như vậy trong hai, ba ngày rồi lấy hết giấy ra, cọ rửa lại bằng nước và xà bông cho thật sạch.   Sau đó khử trùng bằng nước sôi.
  • Ly uống rượu - champagne bị hoen các vết lốm đốm? Sau khi rửa ly xong, tráng ly bằng nước nóng hoà 5 muỗng giấm. Ly sẽ sạch bóng, không còn thấy các vết hoen ố  
  • Khử mùi tanh ở tay: rửa bằng xà bông rồi thoa một ít kem đánh răng vào tay, tráng tay bằng nước lạnh, mùi tanh sẽ hết.  Cũng có thể xoa vào tay một ít rượu trắng hoặc dùng gừng sống chà vào tay rồi dùng xà bông rửa lại một lần nữa.
  • Khử mùi tanh cho thớt: trước khi rửa, nhỏ lên một ít giấm chua, đem phơi dưới ánh mặt trời rồi cọ sạch với nước lạnh. Cũng có thể ngâm thớt vào trong nước vo gạo có pha một ít muối, cọ sạch rồi lấy nước nóng tráng qua.
  • Khử mùi tanh cho nhà bếp: sau khi kho, nấu, nhất là chiên, nhà bếp sẽ bị phảng phất mùi tanh. Vì vậy trước khi chiên cá, hãy cho vào chảo một ít giấm (hay nước chanh) rồi mới đổ dầu vào nấu cho nóng.  Giấm (hay nước chanh) giúp khử mùi tanh và giúp dầu không văng khi chiên
  • Vật dụng bằng đồng hay bạc có thể được đánh bóng bằng cách nhồi bột mì, giấm và muối theo tỷ lệ bằng nhau rồi đắp lên vật dụng.  Chờ khô, lau chùi bằng khăn mềm khô.
  • Rắc bột mì lên sink rửa chén làm bằng stainless steel, dùng khăn mềm khô chà mạnh khắp bề mặt.   Sau đó rửa lại với nước sạch, sink sẽ sáng bóng
  • Tẩy một số mùi khó bay
    • Mùi tanh của cá: dùng vỏ chanh đã vắt nước chà xát
    • Mùi hành tỏi: dùng bã cà phê để khử mùi
    • Mùi thuốc tẩy (Bleach, Eau de Javel): lấy giấm rửa tay, rửa lại bằng nước ấm và thoa lại bằng một chút dầu thơm.
    • Vết vàng khói thuốc dính trên ngón tay: rửa tay bằng Eau de Javel hơi ấm.
    • Vết bút nguyên tử: dùng Alcool.
    • Các vết xám đen: dùng chanh.
    • Dầu mỡ: dùng bột mì rắc lên vết dơ, bột sẽ hút dầu.   Sau đó tẩy với giấm
  • Bia uống còn dư cũng giúp tẩy rửa, làm bóng khá tốt.  Có thể xem thêm chi tiết trong bài Công Dụng của Bia
  • Các vỉ nướng trong lò oven hay lò BBQ nếu bị dơ, có thể dùng cách nầy nè.  Tứ Diễm pha baking soda + giấm + nước ấm xong ngâm các loại vỉ nướng hay giá trong oven (rack) một lúc thì các thứ dính trên vỉ, trên rack sẽ mềm và rời ra khi mình cọ rửa. Với các vỉ nướng lớn, Tứ Diễm cho vào bao nylon lớn (có thể dùng loại bao đựng rác) rồi đổ hỗn hợp baking soda + giấm + nước ấm vào bao, cột miệng bao, để nằm ngang cho rack ngập trong hỗn hợp đã pha, sau đó lấy rack ra chùi sơ là sạch ngay. Bao nylon đó mình vẫn có thể dùng đựng rác, không cần liệng bỏ.    Có người ngâm các vỉ đó vào bồn tắm với xà bông giặt.   Tứ Diễm không thích ngâm các thứ nấu ăn vào bồn tắm nên không làm thử cách đó lần nào.   Với lại làm như thế lại phải dành nhiều thời gian cọ rửa thật sạch bồn tắm.
  • Lò BBQ lâu ngày không dùng, mở lò cho các vỉ nướng nóng sẽ đốt cháy các thứ bám vào vỉ cùng bụi bặm rồi dùng bàn chải cọ và chà cho sạch các tro bám vào đó.   Sau đó chờ lò nguội, mang các vỉ nướng rửa lại với nước và xà bông.  Tứ Diễm thường cắt đôi củ hành tây lớn, chà lên các vỉ nướng để làm sạch và khử mùi kim loại trước khi nướng.   Khi nướng xong, cũng đốt cho cháy hết các thứ dính vào vỉ rồi bàn chải cọ và chà cho sạch.   Đậy nắp kín để lò không bị bụi đất bám vào.   Lần sau dùng chỉ cần đốt nóng các vỉ, chà hành tây là dùng được ngay. 
5.  Bảo Quản

Ngày xưa các cụ hay nói "của bền tại người".  Tuy thời nay việc mua sắm dễ dàng, nhiều món chưa cũ đã bị liệng bỏ vì có những loại mới đẹp hơn, tối tân hơn.   Nhưng đôi khi có những món "đồ cổ" lại tốt và bền hơn vì cách sản xuất thời xưa chú trọng về phẩm chất nhiều hơn về mặt hào nhoáng bề ngoài.
  • Trước khi mua một dụng cụ nhà bếp, nếu dành ít thời gian tìm hiểu, có thể sẽ chọn được đúng loại mình cần, tránh được việc mua về mà chẳng bao giờ dùng đến.    Ngoại trừ khi có cái tật tò mò muốn tìm hiểu giống Tứ Diễm thì đôi lúc biết là không cần nhưng vẫn mua về vì muốn được tận tay thử nghiệm, tìm hiểu đặng có thể học hỏi và rút kinh nghiệm.   Nhưng hậu quả là đôi khi mua quá nhiều loại dụng cụ một cách không cần thiết và khiến một số dụng cụ bị "thất sủng" lâm vào cảnh nằm chơi xơi bụi trong "lãnh cung" (aka basement) :)  
  • Khi mua một dụng cụ mới về nên chịu khó dành thời gian để đọc quyển user manual guide bán kèm theo máy.  Hiểu rõ cách sử dụng, cách giữ gìn thì máy sẽ bền và tiện dụng.   Có những người quen với Tứ Diễm, mua máy mà không bao giờ đọc manual, toàn cứ nhắm mắt làm bừa, ngay cả khi cảm thấy các món không đúng khớp cũng ráng dùng sức mà đè mà vặn.  Hậu quả là làm hư làm cháy nhiều loại máy, cứ phải mua máy mới hoài vừa tốn tiền vừa bực mình.
  • Với các loại cast iron và carbon steel cookware nên chịu khó dành chút thời gian cọ rửa thật kỹ rồi "seasoning" đúng mức.   Tốn chút công nhưng sau đó hầu như là "worry free".   Cast iron và carbon steel cookware rất bền, càng dùng càng tăng tính không dính tốt hơn.
  • Với các loại thermal glass cookware nên chịu khó lưu ý khi dùng, tránh tăng giảm nhiệt độ nóng lạnh đột ngột và ráng đừng làm rơi rớt.   Nếu dùng đúng cách sẽ thấy rất thích vì vừa sạch vừa đẹp lại không lo bị hóa chất nhiễm vào thực phẩm.
  • Nhiều người ưa nghĩ là phải mua nồi chảo và dao đắt tiền thì nấu ăn mới ngon, thái thức ăn mới đẹp.   Tuy nhiên chưa hẳn là đã đúng 100%.   Điểm quan trọng là mình cần biết dùng loại nồi chảo nào phù hợp với những món gì, cách nấu, nhiệt độ nấu, chế biến, nêm nếm cũng rất quan trọng.  
  • Dao không cần phải loại hàng hiệu, không cần phải thuộc loại đắt tiền nhưng cần vừa với tay mình.  Điểm quan trọng là cần sắc bén và dùng thuận tay.   Tứ Diễm có tật mê mua dao nên trong bếp có rất nhiều loại dao đủ kiểu đủ kích thước, nhưng hiện tại Tứ Diễm "abuse" nhiều nhất vẫn là con dao Kiwi mua có $3 từ năm nảo năm nào.   Thỉnh thoảng Tứ Diễm lại mài cho dao sắc bén nên dùng rất thuận tay.
  • Thực phẩm ở bên nầy quá dư thừa nên rất dễ bị lãng phí rất uổng.   Có những loại rất dễ bị biến chất khiến hư hỏng hay là mất chất dinh dưỡng.  Chẳng hạn có loại kỵ nóng, có loại kỵ lạnh, có loại kỵ ánh sáng, có loại kỵ muối, có loại kỵ độ ẩm, vv.. vv..   Do đó nên chịu khó tìm hiểu tính chất và cách lưu giữ những loại thực phẩm thường dùng để có thể giữ được độ tươi ngon bổ dưỡng được lâu hơn.

6.  Giải Trí
  • Đang bàn chuyện Bếp Núc mà nhắc đến việc giải trí có lạc đề hay không hở?   Theo ý riêng của Tứ Diễm, nếu mình xem việc bếp núc như một ... "thú vui" thì sẽ cảm thấy nhẹ nhàng thoải mái và vui vẻ hơn khi lăn vào bếp.  
  • Có những người quen rất tập trung mọi sự chú ý mỗi khi nấu nướng.  Họ thường cảm thấy rất mệt và căng thẳng sau khi nấu nướng.   
  • Tứ Diễm thì trái ngược, thích vừa nấu vừa xem phim, nghe nhạc hay nghe đọc truyện.   Như vậy tinh thần sẽ nhẹ nhàng, thoải mái mà mình vẫn có thể làm được nhiều món ngon.   Lúc trước Tứ Diễm để một laptop trong tủ nhà bếp dành riêng chỉ để dùng khi nấu trong bếp.   Từ khi mua tablet tiện lợi hơn nhiều vì dễ dàng mang theo ở mọi nơi mọi chỗ từ trong nhà ra ngoài vườn.   Nghe nhạc, xem phim, nghe đọc truyện, check email, tìm recipes, xem thời tiết, vv.. vv...   và cả ... chơi game nữa.   hihi, vừa làm việc vừa chơi sẽ không cảm thấy nhàm chán và mệt mỏi.   
  • Có thể Tứ Diễm xem việc nấu nướng như một thú vui giải trí nên mỗi khi đầu óc mệt mỏi vì suy nghĩ công việc trong sở nhất là lúc sắp đến deadline mà nghĩ chưa ra cách giải quyết công việc, lúc ấy lăn vào bếp vừa làm một món nào đó vừa nghe những bài nhạc yêu thích, tinh thần thanh thản nhẹ nhàng hơn rất nhiều.   Nấu xong, ăn xong, trở lại việc đang bỏ dở, đôi khi tìm ra cách giải quyết rất dễ dàng.   Coi như một công mà lợi đôi ba chuyện luôn hén
Tứ Diễm sẽ viết thêm sau nha



Nhà Cửa



Tứ Diễm sẽ viết thêm nếu có vị nào có hứng thú về đề tài nầy



Vườn Tược



Tứ Diễm sẽ viết thêm nếu có vị nào có hứng thú về đề tài nầy



Quần Áo

  • Việc chọn lựa quần áo tùy theo ý thích cá nhân.   Có người theo thời trang, mỗi mùa đều mua sắm quần áo mới, có lẽ sẽ cần thường xuyên dọn tủ quần áo, loại bỏ các bộ cũ không còn theo thời trang để có chỗ cho các món mới mua.   Có người không theo thời trang, mua khi nào cần hay khi gặp món vừa ý.  Có người mua khi tiệm bán đại hạ giá.  
  • Dù theo thời trang hay không, ở các quốc gia có bốn mùa, vẫn phải thường soạn tủ quần áo mỗi mùa.   Quần áo trái mùa thường được xếp gọn vào các loại thùng chứa hay tủ.   Nếu đặt thêm một số tờ fabric softener xen giữa các lớp quần áo sẽ giúp quần áo có mùi thơm dịu.
  • Quần áo dơ nên được cho vào các giỏ đựng riêng tùy loại.   Chẳng hạn loại không mầu hay mầu nhạt riêng một giỏ, các loại mầu riêng một giỏ, quần áo lót riêng một giỏ, quần áo cần giặt tay riêng một giỏ, quần áo của các bé riêng một giỏ, vv.. vv..     Như vậy khi giặt sẽ đỡ mất thời gian hơn.
  • Nên đọc kỹ các chỉ dẫn kèm theo quần áo để biết cách giặt cho đúng.   Những loại phải dry clean hay hand wash không thể giặt chung với các loại quần áo thường.  Những loại dễ bị co rút cũng cần phải lưu ý khi giặt để tránh bị hư hỏng ngoài ý muốn
  • Trước khi cho quần áo dơ vào giỏ nên chịu khó lục các túi áo, túi quần để tránh bỏ quên các loại giấy tờ, tiền bạc, vật dụng trong đó 
  • Quần áo nếu bị dính son (lipstick), xịt keo xịt tóc (hairspray) lên vết dơ, sau 10 phút lau sạch với khăn ẩm rồi giặt sơ với xà bông cho sạch vết dơ trước khi cho vào máy giặt 
  •  Cách tẩy vết rượu trên quần áo Nếu như rượu màu, bia hay rượu các loại rượu khác vừa rớt trên quần áo, dùng nước sạch có thể giặt sạch. Nếu là vết bẩn để lâu ngày, ta cho vào nước phèn pha với dung dịch amôniắc để tẩy thì vết bẩn mới hết.
  • Dùng Color Catcher hay Colour & Dirt kèm theo khi giặt sẽ giúp hút các mầu loang trong nước.   Quần áo sẽ giữ được mầu sắc nguyên vẹn, không lo bị hoen ố, loang mầu
  • Nếu quần áo bị dính dầu mỡ hay các thứ dơ khó sạch nên tẩy bỏ sạch các vết dơ trước khi cho vào máy giặt chung với các loại quần áo khác
  • Đừng ráng nhồi nhét số lượng quần áo quá nhiều hơn mức tối đa vì vừa không sạch vừa dễ làm hư máy
  • Nên dùng các loại túi lưới để đựng vớ, găng tay, quần áo lót, vv.. vv.. khi giặt để tránh bị lẫn với những loại quần áo khác, đỡ bị hư, đỡ bị thất lạc.  
  • Một số người thích phơi quần áo thay vì sấy khô.   Đa số thích sấy khô vì gọn, tiện hơn.   Tứ Diễm thích dùng cách dung hòa là dùng máy sấy gần khô những loại dễ bị nhăn, sau đó vuốt phẳng đem treo lên móc áo rồi móc lên giá phơi nắng (đặt giá gần cửa sổ nhiều nắng trong phòng) chờ khô.   Với cách nầy quần áo sẽ ít bị nhăn, vẫn thơm và mềm mại mà lại không lo bị các loại bụi bẩn ở ngoài trời bám vào.
  • Nhiều người không thích việc ủi quần áo vì vừa nhàm chán, vừa mất thời gian.  Có thể giảm bớt bằng cách chọn các loại quần áo ít hay không bị nhăn.  
  • Với những loại cần phải ủi, thay vì dùng bàn ủi, Tứ Diễm thích dùng loại Clothe Steamer làm phẳng các vết nhăn hơn.   Quần áo treo lên giá, dùng hơi nóng ẩm từ máy sẽ giúp các vết nhăn phẳng rất nhanh và dễ dàng, nhất là ở những chỗ khó ủi cho phẳng.  Ngoài ra hơi nước nóng còn giúp khử trùng các loại quần áo ít mặc đến
  • Sau khi giặt và sấy xong, nên chịu khó xếp vớ (tất, socks) theo từng đôi.   Lúc lấy vó sẽ khỏi mất thời gian tìm kiếm.  Có người thích mua cùng mầu cùng loại vớ để khỏi lo việc mang vớ so le, khác mầu 
  • Những chiếc vớ (tất) cũ có thể dùng vào nhiều việc lặt vặt.  Chẳng hạn dùng để lót dưới chân bàn, chân ghế hay các vật nặng trước khi đẩy đi vị trí khác sẽ không làm trầy sàn nhà (hardwood floor, ceramic floor, marble floor).  Có thể dùng đựng baking soda cho vào những đôi giầy hay những nơi ẩm thấp để hút mùi hôi.  Có thể cho ít hạt cỏ rồi đổ đất xong cột chặt vớ, đặt phần có hạt cỏ hướng lên trên, tưới nước ẩm sau khoảng một tuần sẽ có một chậu cỏ nhỏ dùng để trang trí cho các chậu hoa hay cho các bé tập cách chăm sóc cây cỏ.  Lót xuống dưới đáy các chậu. che lên những lỗ thoát nước trước khi đổ đất sẽ giúp chậu vẫn thoát nước mà đất vụn không bị rơi rớt ra ngoài, lại có thể giữ độ ẩm cho đất.  Đổ cát vào đầy vớ, cột chặt, có thể đặt các túi cát nầy vào đáy các loại chậu, đáy chậu nặng hơn sẽ vững ít bị gió thổi.  Ngoài ra cát cũng có tác dụng giúp thoát nước không lo bị úng nước ở đáy chậu.
  • Mời xem thêm những mẹo vặt được liệt kê trong bài Giặt Quần Áo


Tứ Diễm sẽ viết thêm nếu có vị nào có hứng thú về đề tài nầy



Tứ Diễm sẽ viết thêm khi có thời gian sau nha



6 comments:

Anonymous said...

Hay qua, cam on chi rat nhieu. Khi nao chi ranh chi viet them nhung phan con lai chia se voi tui em nha. Thanks chi.

TuDiem's Corner said...

Cám ơn sis đã khen nghen. Tứ Diễm sẽ viết thêm sau khi có chút thòi gian rảnh nha. Dạo nầy nhiều việc quá, không ôm máy lâu được

Nguyen Quynh said...

Hay quá chị ơi! Em rất tò mò muốn biết một lịch một ngày bình thường của chị như nào mà chị làm được nhiều việc thế.

TuDiem's Corner said...

Sis Quỳnh ơi,

Tứ Diễm đâu có ba đầu sáu tay và cũng không có cây đũa phép nên chẳng thể làm hết tất cả 1001 việc mỗi ngày được. Cần phân chia công việc, sắp xếp thứ tự các việc cần làm mỗi ngày, mỗi tuần, mỗi tháng rồi ráng theo đó mà làm thì cũng xong thôi sis. Cũng có những lúc gặp việc bận ngoài ý muốn như có khách đến thăm, có những buổi tiệc, họp mặt, có những project cần lam gấp, mình bị bệnh (bệnh thật sự hay là bệnh ... làm biếng), vv... vv.. khiến chậm trễ hơn dự tính thì sau đó cần phải ráng thức khuya hay dậy sớm làm bù lại. Khi nào rảnh và khỏe hay cần phải làm gấp thì sẽ làm nhiều việc hơn khi nào bận, không khỏe, cảm thấy làm biếng hay không cần làm gấp thì làm tà tà dưỡng sức.. Đơn giản như đang giỡn, phải không hở?

Anonymous said...

Ngọc : chi Diem oi, cho e hỏi, minh cất lá sương sâm trong tủ đá, khi nao dung lấy ra vò thi no còn tác dung không chị

TuDiem's Corner said...

Sis Ngọc ơi,

Sis cất lá trong tủ lạnh cũng được khá lâu đó, sis ghé xem chi tiết trong bài Vitamix - Vài Ứng Dụng nha

Tứ Diễm không có lá sương sâm nhưng sẽ nhờ bạn làm thử nghiệm về việc cất lá sương sâm trơn vào tủ đá rồi cho sis biết kết quả sau nha

Post a Comment

 
;