Saturday 10 December 2011

Phiếm - Họa Hổ Họa Bì...


Họa Hổ Họa Bì...

Tứ Diễm

"Vui xem hát, nhạt xem bơi, tả tơi xem hội", nhân ngày Xuân thảnh thơi rảnh rỗi chúng ta thử "vuốt râu hùm" đem đời tư họ nhà hổ ra luận bàn xem có điều chi thú vị....



Theo lý lịch trích ngang... xương, ngoài tên cúng cơm là hổ, cọp, hùm, tiger (tiếng Anh), tigre (tiếng Pháp), Panthera tigris (tiếng La Tinh), hổ ta còn được biết với "bí danh" Dần trong tử vi Đông Phương.  Cũng có khi họ nhà hổ còn được gọi mọi cách trang trọng hơn, chẳng hạn như: Chúa Tể Sơn Lâm, ông Mễnh, ông Ba Mươi,  ông Kễnh, ông Mun, ông Cà Um, vv.. vv... 

Tương truyền, hổ ta vốn có họ hàng với cả sư tử, báo lẫn loài mèo.  Cũng vì thế, họ nhà hổ được phép nhận danh hiệu "Chúa Tể Sơn Lâm" tại những nơi ông anh họ sư tử vắng mặt.  Tương truyền, mèo chính là cô của hổ.  Nên chẳng có chi đáng ngạc nhiên khi ta thấy hổ khá rành rẽ những "bí kíp gia truyền" của họ nhà mèo, ngoại trừ tài leo cây.  Có phải vì mèo "dấu nghề", nên mới sinh chuyện xích mích với hổ khiến họ nhà mèo phải... tỵ nạn về sống chung với loài người?  Và cũng từ đó, họ nhà mèo có thêm thói quen thích chôn dấu "mìn" sau khi hưởng đệ tứ khoái, phải thế chăng?

Theo khoa học, họ nhà hổ thuộc chi Panthera là một loài động vật bốn chân, có xương sống, có vú, thuộc bộ Carnivora ăn thịt sống, dòng họ mèo Felidae, sinh và nuôi con bằng sữa.  Lần giở theo gia phả, họ nhà hổ có thể chia thành chín nòi khác nhau; gồm có: hổ Bengal (Panthera tigris tigris), hổ Đông Dương hay Corbetts (Panthera tigris corbetti), hổ Hoa Nam (Panthera tigris amoyensis), hổ Mã Lai (Panthera tigris jacksoni), hổ Siberia hay Amur (Panthera tigris altaica), hổ Sumatra (Panthera tigris sumatrae), hổ Bali (Panthera tigris balica), hổ Caspi (Panthera tigris virgata), hổ Java (Panthera tigris sondaica).  Trong đó, ba loài hổ Bali, hổ Java và hổ Caspi đã bị xóa tên khỏi sổ bụi đời không còn hiện hữu nữa.  loài hổ Hoa Nam nghe đồn hiện nay chỉ còn xấp xỉ khoảng sáu mươi con được chính quyền Trung Hoa nuôi dưỡng, cũng sắp có nguy cơ bị tuyệt chủng. 

"Trời sinh hùm chẳng có vây, hùm mà có cánh, hùm bay lên trời".  Họ nhà hổ dẫu chẳng có vây, cũng chẳng có cánh nhưng vẫn rất uy nghi đủ để "đàm hổ biến sắc".  Thoạt nhìn sơ qua, Hổ ta khá giống... mèo, chỉ có điều to xác và nặng ký nhất trong họ nhà mèo.  Tùy theo nòi, hổ ta có kích thước và một số điểm đặc trưng khác biệt; nhỏ con nhất là hổ Đông Dương hay Corbetts và lớn nhất là hổ Siberia hay Amur.  Các chàng hổ có trọng lượng khoảng từ 150 kg đến 310 kg, với chiều dài toàn thân từ 2.6 m đến 3.3 m.   Các nàng hổ thanh mảnh hơn, chỉ nặng từ 100 kg đến 160 kg và dài từ 2.3 m đến 2.75 m.

"Xem tướng ngó dạng anh hào", nhìn chung họ nhà hổ khá bảnh bao với bộ lông dầy mượt và mịn màng, tô điểm bởi nhiều vết sọc vằn.  Mầu sắc thay đổi tùy theo loại.  Lông sau tai và phía dưới cổ họng thường có mầu trắng.  Bạch hổ là loại hổ có lông mầu trắng trên ngực, cổ và phần bên trong chân, rất hiếm và quý.  Hổ đen oai vệ  với sắc lông đen tuyền; còn được gọi là hắc hổ, thông báo, cọp mun hay ông Mun chỉ nghe đồn, cũng hiếm thấy.  Dữ và mạnh hơn cả là loại hổ lông mầu xám tro, hay còn gọi cọp xám.  ngoài ra, có tài liệu cổ còn nhắc đến lọai  thanh hổ, còn gọi là hổ lam, Maltese tiger hay blue tiger, có sắc lông xanh, nhưng thật ra là lông xám hơi phớt xanh điểm các sọc vằn mầu xám đậm.  Nhưng nhiều nhất là loại hổ lông vàng vằn đen rất hùng dũng, oai phong nên được dùng làm dấu hiệu "Cọp Đầu Vằn" cho riêng binh chủng Biệt Động Quân.   Ngoài các loại hổ vừa kể ra, đặc biệt còn có một chú hổ lông mầu... xanh lá cây tên Cringer là gia súc của hoàng tử Adam's trong lọat phim truyền hình He-Man rất quen thuộc với các bé nhi đồng.

"Dương chất, hổ bì".  Có thể thấy họ nhà hổ rất ưa chuộng fashion vằn vện, theo tông mầu tối từ nâu, xám cho đến đen.  Tùy theo nòi mà các vằn có hình dạng và mật độ khác nhau. Trung bình đa số các nòi có khoảng trăm sọc vằn trên bộ lông.  Ít nhất chuộng "mốt" vằn vện nhất là nòi hổ trắng.  Vằn vện nhất là nòi hổ Java nay đã tuyệt chủng.  Nếu vân tay được coi như dấu ấn riêng của loài người.  Các mẫu sọc vằn vện trên lông họ nhà cọp cũng thuộc lọai ấn ký có một không hai, được dùng như một cách phân biệt giữa mỗi con hổ.  Tuy vậy, việc "họa hổ họa bì" nầy để không dễ  thực hiện vì dễ dầu gì mà chúa tể sơn lâm chịu ngoan ngõan cho người ta bới lông đếm vằn như vậy chứ.  Chỉ e "họa hổ bất thành" sẽ thậm cấp chí nguy.

"Đầu đội trời, chân đạp đất".  Họ nhà hổ đầu tròn, tóc tai gọn ghẽ chứ không... hippy như ông anh họ sư tử.  Bốn chân khỏe.  Bàn chân có đệm nhún và móng sắc nhọn tương tự như chân mèo.  Thân hình hổ khá hấp dẫn, ngực nở, eo thon.  Dáng đi rất độc đáo.  Vừa uyển chuyển, mềm mại, vừa nhanh nhẹn, gọn gàng mà lại không kém phần hùng dũng, oai phong.  Đuôi hổ thon nhỏ dần về phần cuối, có một túm lông ở chót đuôi. Khi di chuyển, đuôi hổ ve vẩy nhịp nhàng theo chân bước làm tăng vẻ uyển chuyển của dáng đi.  Lúc rình mồi, hổ thu gọn đuôi vào sát thân mình.  Trước khi lao mình chồm tới chụp mồi, hổ có thói quen hất mạnh đuôi về phía trước.

Tuy không thuộc lọai "tai to, mặt lớn", hổ ta được trời thương ban cho đôi tai vểnh, thính, có thể ve vẩy được để... đuổi ruồi khi nhàn rỗi.  Khuôn mặt tương xứng, cằm nhọn, điểm tô bởi cặp mắt tuy không tròn xoe, đầy vẻ ngây thơ... cụ như họ nhà mèo.  Nhưng bù lại, đôi mắt lá răm hơi hí của họ nhà hổ lại rất phù hợp với dáng vẻ oai vệ của vị chúa tể sơn lâm.  Phải chăng cũng vì cái vẻ oai phong lẫm liệt này mà các nàng hổ cái lại bị gán cho cái "nết"...."dữ như cọp cái"?  Mũi hổ hơi xẹp, tương tự như mũi mèo. Lông nheo hổ cụt lủn, bị lẫn với bộ lông dầy rậm.  Lông mày chỉ lưa thưa vài sợi, nên các nàng tiểu thư dòng họ hổ không cần dành thời gian trang điểm cho "cửa sổ linh hồn".  

"Chớ thấy hùm ngủ vuốt râu, đến khi hùm dậy đầu lâu chẳng còn".  Tuy không đến nỗi "mày râu nhẵn nhụi" như loài trâu, họ nhà hổ chỉ có lác đác vài sợi râu mảnh và cứng mọc xòe hai bên mép làm duyên.  Có lẽ vì vậy mà hổ ta rất quý mấy sợi râu này; không tin cứ... "vuốt râu cọp" thử thì sẽ biết ngay.  Có lời đồn rằng râu hổ có thể dùng để chế ra một loại sâu làm bùa thư, ếm.  Chẳng hiểu có thật thế chăng?  Mới thoáng nhìn cứ ngỡ họ nhà hổ thuộc loại miệng nhỏ chúm chím.  Ngờ đâu, hổ ta... ngáp khoe "hàm rộng, miệng cọp", phô bầy hai hàm răng trắng, nhọn hoắt khiến muông thú khiếp vía sợ bị lâm cảnh "sa vào miệng cọp".  Dù chẳng bao giờ đánh răng hay đi nha sĩ "clean" răng, dường như chứng bệnh "sâu răng" cũng khiếp uy chúa sơn lâm nên không dám quấy rầy. Đó là chưa kể đến mùi hôi bất hủ tỏa ra từ miệng hổ cùng tiếng gầm vang rất xa.  Phải chăng tên gọi "ông Cà Um" cũng phát xuất từ tiếng gầm này mà ra?  "Miệng hùm, nọc rắn".  Tương truyền, lưỡi và móng hổ chứa rất nhiều vi trùng.  Chẳng thế mà khi bị thương, hổ càng liếm thì càng khiến vết thương loét rộng và nhiễm độc nặng hơn.  Khi săn được hổ, người ta thường thui râu cọp và cẩn thận tránh không để vuốt hổ làm trầy da. 

Tiếng đồn "long đàm, hổ huyệt" là nơi nguy hiểm.  Nhưng thật ra, họ nhà hổ ưa thay đổi, sống đời du mục, mỗi ngày có thể di chuyển đến hơn 30 km, hiếm có hang ổ cố định.  Hổ ta thường sống đơn độc một mình; cũng có khi sống quây quần cùng vợ con ở vùng rừng núi hay thảo nguyên, cây bụi lau lách, trảng cỏ cao. 

"Trên rừng thì hổ lang".  Ngày xưa, khi rừng rú còn hoang vắng, chưa bị loài người khai phá, họ nhà hổ mặc sức mà sinh sản và tung hoành ngang dọc theo kiểu "rừng  nào cọp nấy".  Ở Việt Nam, họ nhà hổ đã vang danh nổi tiếng một thời.  Nào là "cọp dữ Mông Dương, nước độc Hà Tu", "cọp Khánh Hòa, ma Bình Thuận", "cọp núi Lá, cá Sông Hinh", "U Minh, Rạch Giá, Thị Quá, Sơn Trường, dưới sông sấu lội trên rừng cọp đua", vv.. vv...   Nhưng dần dầu, số lượng hổ ngày càng ít dù họ nhà hổ chẳng hề quan tâm đến việc "kế hoạch hóa gia đình".   Một phần vì đất đai bị khai phá khiến thú rừng không còn đất để sinh sống.  Phần nữa, chính vì bị loài người ráo riết săn bắt để lấy lông và xương.  Khiến số hổ sinh ra không bù lại được với số hổ bị bắt, giết.  Họ nhà hổ chỉ còn sống rải rác ở các vùng rừng núi thuộc Nga, Siberi, Iran, Afghanistan, Ấn Độ, Mianma, Trung Quốc và  Đông Nam Á (Việt Nam, Thái Lan, Mã Lai,...) bao gồm cả quần đảo Indonesia.  Vì thế, hiện nay họ nhà hổ được xếp bậc E trong "sổ bìa đỏ", thuộc vào lọai thú hiếm quý cần phải bảo vệ trên toàn thế giới.  Hầu hết các nước đều đặt ra những điều luật ngăn chặn việc săn bắt bừa bãi, nhằm giúp họ nhà hổ khỏi lâm cảnh tuyệt chủng.  Có tài liệu cho rằng, hiện nay chỉ còn khoảng năm, bẩy ngàn con hổ sống hoang dã trên toàn thế giới; trong đó có khoảng 1,500 con hổ ở Ấn Độ và chưa đến 200 con hổ còn sót lại ở Việt Nam.

"Ở chọn nơi, chơi chọn bạn".  Tuy ưa thay đổi nơi ở, nhưng họ nhà hổ lại khá bảo thủ trong đời sống lứa đôi.  Nếp sống một vợ, một chồng rất phổ biến trong xã hội loài hổ.  Cũng nhờ thế mà các nàng hổ cái dường như chưa bao giờ cần phải ... trổ tài "sư tử Hà Đông" hay phải ngậm ngùi vì "cái kiếp lấy chồng chung".  Các nàng họ nhà hổ bắt đầu trổ mã sau ba hay bốn tuổi.  Các chàng hổ dậy thì hơi chậm hơn một chút, chỉ sau bốn hay năm tuổi mới bắt đầu biết... yêu.  Thường vào những tháng lạnh, đôi lứa họ nhà hổ bắt đầu ra riêng tạo tổ ấm.  Mỗi lứa, các bà mẹ hổ  chỉ sinh được từ ba đến bốn con; nhưng thường chỉ có một hay hai hổ con sống sót và trưởng thành.  Tuy hiếm muộn, nhưng họ nhà hổ vốn dĩ "khỏe như hùm như hổ" nên ngoại trừ khi chết vì già yếu hay bị săn bắt, hầu như không có loại bệnh tật nào quật ngã được hổ. 

"Thuận vợ, thuận chồng".  Trong xã hội loài hổ, tương quan giữa hổ đực và hổ cái khá bình đẳng, không xẩy ra cảnh "chồng chúa, vợ tôi".  Ngay cả diện mạo bề ngoài giữa hai phái cũng không có sự chênh lệch quá rõ rệt.  Khiến thoạt nhìn khó biết rõ đó là "chàng" hay "nàng". 

Hổ ưa ăn thịt ươn, thối nhưng lại chẳng ... đánh răng nên hơi thở hổ có mùi hôi rất đáng sợ.  Phải chăng nhờ thế mà muông thú dễ dàng trốn lánh khi đánh hơi mùi hổ từ xa?  Dù có họ hàng với mèo, nhưng hổ không biết leo cây.  Bù lại, hổ bơi lội rất giỏi, và hay xuống sông suối để tắm.  Kể cũng buồn cười. Tuy mèo chẳng bao giờ chịu nhúng chân vào nước nhưng khi nào cũng tươm tất, sạch sẽ, thơm tho.  Còn hổ, thì dù có thường xuyên tắm rửa, vẫn chẳng xua được "hương gây mùi nhớ" khủng khiếp.  Mỗi khi hổ há miệng ngáp thì mùi xú uế tỏa ra nồng nặc.  Tuy mang tật "hôi miệng", nhưng lỗ mũi hổ rất thính.   Nhờ vậy mà hổ đánh hơi rất tài, lại vốn rất tinh khôn nên khó mà gài bẫy để bắt hổ.  Khi gặp ánh đèn săn ban đêm, mắt các loài thú đều xanh, chỉ riêng mắt hổ là đỏ.  Nếu không muốn đụng chạm đến ông Ba Mươi, thợ săn nên lẹ làng rút lui.  Còn không, cần phải bắn trúng vào chính giữa hai chấm đỏ đó.  Nếu bắn trật sẽ thậm cấp chí nguy.  Theo kinh nghiệm, sau khi bắn dù trúng hay trật, người bắn cần tránh sang một bên ngay lập tức để tránh trường hợp hổ còn sức chồm tới.

"Hổ dữ còn ẩn bóng cây".  Ban ngày hổ thường cuộn mình ngủ kỹ, dành sức cho ... ca đêm.  Nên hiếm khi gặp hổ khi trời còn sáng (trừ khi vào sở thú xem cọp thì không kể).  Trời chạng vạng tối cũng là lúc ông Ba Mươi đủng đỉnh rời hang đi kiếm mồi.  Mắt hổ sáng, tai thính, mũi đánh hơi rất tài.  Bàn chân có đệm nhún nên di chuyển rất êm, thích hợp khi săn mồi trong bóng đêm.  Lúc phòng thủ, hổ thường cụp tai xuống và há to miệng khoe đôi nanh sắc nhọn để... dọa địch thủ.  Khi tấn công, tai hổ dựng đứng, cườm lông trắng sau tai lộ rõ.  Hai chân trước hơi chụm lại, thân mình khum khum, chân sau lấy tấn để lao mình phóng tới.  Lúc gặp mồi, hổ thường lặng lẽ trườn đến gần, rồi bất ngờ nhảy tới vồ.

Tuy cùng họ, nhưng hổ không có tính ưa đỏng đảnh, thích vờn mồi như mèo.  Khi tấn công mồi, hổ thường dùng vuốt nhọn cấu mạnh vào dây thần kinh ở đầu khiến con mồi bị tê liệt.  Sau đó, hổ cắn cổ hút máu rồi xé thịt ăn, chỉ chừa xương.  Nhờ sức mạnh và tài chạy nhanh nên hổ có thể săn những con mồi nặng gấp đôi dễ dàng.  Vì vậy, lợn rừng, sơn dương, hươu nai, trâu, ... đều nằm trong danh sách "thực phẩm tươi sống" hàng ngày của gia đình hổ.  Chỉ những con hổ quá già yếu hay bị tàn tật không đủ sức rượt bắt mồi mới thường bắt trộm gia súc của người hay bắt cá dưới suối.  Thậm chí, có khi họ nhà hổ còn ăn cả thịt người nữa nếu quá đói mồi.  Ngoài trường hợp này ra, hổ ta rất "kính nhi viễn chi" với loài người trừ lúc cần tự vệ. 

"Hổ tử lưu bì" (hổ chết để da).  Cũng chính vì bộ lông đẹp được làm vật trang trí hay may áo mặc rất quý và đắt giá nên họ nhà hổ trở thành mục tiêu cho loài người lạm sát.  ngoài bộ lông, xương hổ và các bộ phận khác cũng bị tận dụng tối đa.  Xương hổ là nguyên liệu chính để chế tạo môn thuốc Cao Hổ Cốt, được xem như vị thuốc chủ yếu bồi bổ gân cốt, thể lực.  Răng nanh hổ được nhiều người ưa chuộng, xem như món bùa hộ mạng khi xông pha ngoài trận mạc.  Thịt hổ được biến chế thành nhiều món ăn khóai khẩu cho dân nhậu, nhất là ở Việt Nam hiện nay.  Cũng có khi hổ bị đánh bẫy bắt sống để đem bán cho các sở thú của nhiều quốc gia trên thế giới.  Hay bán cho những gánh xiếc để làm tập luyện làm trò cho khán giả giải trí.  Khi đã được thuần hóa, hổ như một chú mèo lớn, ngoan ngoãn tuân theo mệnh lệnh của chủ.  Tuy vậy, đôi lúc chàng ta trở chứng thì cũng rất nguy hiểm cho kẻ nào dám cả gan "vuốt râu cọp".

"Một mai bảng hổ đề danh, ngựa anh đi trước, võng nàng theo sau".  Trong chế độ phong kiến ngày trước, khi rồng được dùng làm biểu tượng dành riêng cho vua chúa.  Thì hổ thường được xem như biểu tượng của các bậc quan lại.   Điều này có thể thấy rõ trong những từ ngữ còn lưu truyền đến ngày nay.  Như "hổ trướng" ám chỉ trướng phủ của vị chủ tướng khi xuất chinh. "Hổ phù" chỉ lệnh bài của chủ tướng, có hình đầu hổ.  Còn từ "long đàm, hổ huyệt" (đầm của rồng, sào huyệt của hổ) ám chỉ nơi quan trọng, căn cứ địa nguy hiểm. "Hổ khẩu" nghĩa đen là miệng hổ, nghĩa bóng chỉ nơi trọng yếu.   "Hổ cứ" cũng được dùng để chỉ nơi quan trọng, nguy hiểm, địa thế hiểm yếu.  Từ "hổ lang" thường dùng để ám chỉ lòng dạ độc ác như cọp và chó sói. Còn những vị thư sinh ngày xưa thì chỉ mơ ước một ngày "bảng hổ đề danh" để có thể "vi quy bái tổ", làm  rạng rỡ tông môn.

Theo truyền thuyết, người ta tin rằng bốn con vật thần thọai: Thanh Long (rồng xanh), Bạch Hổ(hổ trắng), Chu Tước(chim sẻ đỏ) và Huyền Vũ (rùa đen) tượng trưng cho tên một số chòm sao trong thiên văn cổ đại, tương ứng với 12 cung hoàng đạo của phương Tây là 28 tú (nhị thập bát tú)hay "chòm sao". Mỗi phần có 7 tú (chòm sao). Huyền Vũ tức Rùa đen ở phương Bắc, tượng trưng cho Thủy của Ngũ hành, gồm 7 tú: Đẩu, Ngưu, Nữ, Hư, Nguy, Thất, Bích.

Trong dân gian, hổ rất được tôn sùng và có khi còn được thần thánh hóa, với các danh xưng: Ông và Ngài.  Dù không cần "quảng cáo", "lăng xê", hổ ta vẫn thường "lọt mắt xanh" của các vị nghệ nhân.  Chẳng thế mà có rất nhiều tác phẩm đã được sáng tác dùng nhiều chất liệu khác nhau như ngọc, gỗ, đá, vôi, giấy, đất nung, tranh vẽ, tranh cắt giấy, vải, tranh thêu, ... xoay quanh chủ đề chính về hổ.   Chẳng những nét uy nghi, oai vệ của hổ trong từng dáng điệu, cử chỉ được lột tả trong các bức tranh, bức tượng, hình điêu khắc chạm trổ đủ thể loại.  Thậm chí, ngay cả lúc chàng hổ ngồi lẩn thẩn bắt cá bên bờ suối cũng được tô vẽ để trở thành những bức tranh thật thơ mộng diễn tả cảnh hổ ngồi... ngắm trăng bên suối. Chẳng hiểu khi đó hổ ta thật sự thả hồn vơ vẩn cùng nàng thơ hay chỉ mải mê dõi theo các nàng cá? 

Ngày xưa, phố Hàng Trống (Hà Nội) thường bán lọai tranh Ngũ Hổ với kích thước 55 cm x  75 cm, vẽ năm con hổ mỗi con một dáng vẻ và mầu sắc, tượng trưng cho ngũ hành: hoàng hổ (mầu vàng, hành Thổ, trung ương chính diện), thanh hổ (mầu xanh, hành Mộc, phương Đông), bạch hổ (mầu trắng, hành Kim, phương Tây), xích hổ (mầu đỏ, hành Hỏa, phương Nam), hắc hổ (mầu đen, hành Thủy, phương Bắc) bao hàm nhiều ý nghĩ theo phong tục, tập quán và triết lý Á Đông.  Có người tin tưởng treo bức tranh Ngũ Hổ sẽ trừ đuổi được tà ma, tai kiếp, mang lại bình an và bảo vệ tài sản cho gia đình.  Tương tự, ở Trung Quốc, người dân quê ưa chuộng mua hổ vải là lọai đồ chơi cho trẻ con, làm bằng các lọai vải bông hay tơ lựa cắt ráp tạo hình như đầu con hổ, nhồi cám hay mùn cưa; bên ngoài thêu hay vẽ mầu tạo mắt mũi miệng, trông vừa ngộ nghĩnh đẹp mắt, vừa có vẻ uy mãnh.

Họ nhà hổ được dùng làm biểu tượng cho một số nhãn hiệu giải khát, chẳng hạn như: Tiger beer, Xá xị con cọp, ...  Đặt tên cho software, như Tiger là một lọai nhu liệu dùng trong hệ điều hành UNIX.  Đặt tên cho hãng hàng không Tiger Airways có chi nhánh tại Úc, Singapore, Trung Hoa, Guangzhou, Philippines, Ấn Độ, Thái Lan, Việt Nam, ...  Bóng dáng họ nhà hổ còn xuất hiện trong nhiều câu truyện cổ tích.  Chẳng hạn như truyện "trí khôn của ta đây" giải thích lý do tại sao hổ lại có bộ lông vằn vện và trâu chỉ có một hàm răng.  Truyện "khỉ và hổ" giải thích nguyên do tại sao hổ lại ghét khỉ đến thế, và lý do tại sao khi chết khỉ thường nhăn răng ra.  Truyện "hổ và cóc" kể về sự tinh ranh của chú cóc đã lừa được hổ khiến hổ phải chịu thua.  Truyện "dê đội lốt cọp" ngụ ý nói những kẻ bất tài dù có dùng lớp vỏ để che đậy, nhưng khi gặp việc thì chẳng che dấu được sự kém cỏi của mình.   Và còn nhiều truyện cổ tích khác nữa, như: "thỏ đấu trí với hổ", "hổ và các con vật bé nhỏ", "hổ và ngựa", "cáo mượn oai hổ", vv.. vv...

Họ nhà hổ còn được nhắc đến trong nhiều tác phẩm của nhà văn Tchya, Lan Ngọc, Bình Nguyên Lộc, Sơn Nam, vv.. vv..  hay trong các bộ kiếm hiệp của Kim Dung và những tác giả khác.  Nhưng có lẽ bài thơ "Nhớ rừng" của Thế Lữ được nhiều người nhắc đến nhiều nhất.  Có thể kể thêm ca khúc Thành Long Mãnh Hổ, vở cải lương Chiếc Hổ Phù, và vô số thế võ được đặt ra dựa theo việc quan sát "long hành hổ bộ", chẳng hạn như: Lão hổ thượng sơn là mười bài quốc võ Việt Nam, Long Hổ Quyền (của phái Vô Vi Nam), Tọa Sơn Quan Hổ (do Quỷ Cốc Tiên Sinh sáng tạo) , Song Thủ Hổ Bác (của Châu Bá Thông trong bộ Anh Hùng Xạ Điêu của Kim Dung), vv.. vv.. 

Trong nghệ thuật thứ Bẩy, có rất nhiều bộ phim có tên liên quan đến họ nhà hổ.  Thí dụ như: Vương Lão Hổ Đoạt Kiệu, Thích Hổ‎ , Ngọa Hổ Tàng Long‎, Long Tranh Hổ Đấu (New Crouching Tiger, Hidden Dragon), Anh Hùng Quảng Đông Thập Hổ (Ten Tigers of Guangdong‎), Bạch Hổ Đường, Dương Môn Hổ Tướng, Hổ Cáp, Long Hổ Tranh Hùng, Phi Hổ Mãnh Tướng, Tân Ngũ đại Hổ Tướng, Dragon Tiger Gate (Long Hổ Môn), Long Hổ Phá Thiên Môn, Ngọa Hổ Trầm Luân, Bạch hổ "chiến" thiên long, Ngũ Hổ Tái Xuất Giang Hồ, Quảng Đông Ngũ Hổ, Long hổ đường cùng, Chiến Binh Mãnh Hổ, Thả Hổ Về Rừng (Les Formidables), Trấn Hổ, Lôi hổ thiên hà, Tân Long Đàm Hổ Huyệt, Đội Phi Hổ, vv.. vv...

Tuy không sống lân cận cùng người, hổ thường được nhắc đến trong nhiều câu tục ngữ thông dụng.   Câu "hùm dữ chẳng ăn thịt con" nhắc đến tình thương con bao la của các bậc cha mẹ.  Dù con cái có lầm lỗi gì thì cha mẹ cũng tha thứ bỏ qua.  Câu "cọp chết để da, người chết để tiếng" khuyên ta phải biết rèn luyện để trở thành người hữu ích, làm rạng rỡ cho cha mẹ.  Câu "sa vào miệng cọp" ám chỉ tình trạng nguy hiểm, ngặt nghèo.  Còn khi gặp cảnh oái oăm, tiến tới cũng khổ mà rút lui cũng chẳng xong thì câu "lỡ leo lưng cọp" rất thích hợp.  Khi thất cơ lỡ vận, có tài nhưng bị kẻ tiểu nhân cản trở khiến không thi thố được tài năng, người ta thường tự than rằng "hổ xuống bình nguyên bị chó lờn".  Câu "hổ phụ sinh hổ tử, lân mẫu xuất lân nhi" thường được dùng để khen tặng khi con cháu xuâ sắc làm vinh hiển tông môn.  Còn câu "hổ phụ sinh khuyển tử" ngụ ý chê trách dòng họ suy vong, con cháu suy đồi.  Diễn tả sự cạnh tranh thi đua tài nghệ, người ta thường dùng câu "long tranh, hổ đấu".  Câu "hổ khẩu dư sanh" có thể diễn nôm na là đã ở miệng cọp mà còn sống sót.  Ý nói thoát khỏi nơi nguy hiểm.  Ám chỉ sự anh hùng, bất khuất thì có câu "hổ tử hùng tâm tại" (hổ chết nhưng tính anh hùng vẫn còn).  Tương tự như câu "bần cùng sinh đạo tặc" là "hổ ngạ phùng nhân thực, nhân cùng khởi đạo tâm".  Hiểu nôm na là cọp đói gặp người thì ăn thịt, người túng thì sinh lòng trộm cướp.  Còn ám chỉ những kẻ ưa dựa uy danh người khác thì có câu "hồ dã hổ uy" (cáo mượn oai hùm). Kế "điệu hổ ly sơn" (dụ cọp ra khỏi núi) thường được áp dụng trong binh pháp khi dụ địch rời khỏi sào huyệt để tiêu ệt.  Về kinh nghiệm xử thế, các bậc tiền nhân đã gói gọn trong câu: "họa hổ, họa bì, nan họa cốt.  Tri nhân, tri diện, bất tri tâm", khuyên ta nên cẩn trọng trong việc giao thiệp, đừng vội cả tin theo bề ngoài mà có ngày phải hối tiếc.  Câu "dưỡng hổ di hoạn" (nuôi cọp khiến sau này gặp nạn) có ý nghĩa tương tự như "nuôi ong tay áo, nuôi khỉ dòm nhà"; thường áp dụng trong trường hợp tự mình gieo họa cho mình.  Để chế riễu những kẻ ưa khiếp sợ uy lực thì có câu "đàm hổ biến sắc" (nghe nói đến cọp thì đổi sắc mặt).  Hay chê trách những kẻ bất tài, không thể làm việc lớn được thì người ta thường dùng câu "họa hổ loại cẩu" (vẽ con cọp mà lại giống con chó).  Câu "nam thực như hổ, nữ thực như miêu" diễn tả xác đáng lối ăn uống của hai phe.   Nhưng cũng có khi được đem ra dùng để ... nhắc khéo phe kẹp tóc nên ăn uống từ tốn, nhỏ nhẹ theo kiểu "cọng giá cắn đôi".  Chứ đừng trổ tài "nam thực như hổ, nữ thực ... hơn nam" thì phe húi cua phải chạy dài, chào thua.   Và còn vô số câu ca dao tục ngữ khác nữa, kể sao cho hết.

Ở trên Việt Nam và thế giới cũng có nhiều địa danh có liên quan đến "hổ".  Chẳng hạn: Hổ Lao thuộc Quảng Ninh, Hổ Soái thuộc Cần Thơ, Hổ Tiêu, Hổ Yên, Hổ Long thuộc Lai Châu, Cù Lao Hổ thuộc Bến Tre, Rạch Ông Hổ thuộc Tiền Giang, Hổ Quyền thuộc Huế.   Đặc biệt Hổ Quyền (còn gọi là Hổ Quyển hay Hổ Khuyên) là một di tích tọa lạc tại thôn Trường Đá, xã Thủy Biều, thành phố Huế.  Hổ Quyền vốn là đấu trường độc nhất vô nhị, vừa làm nơi nuôi hổ và thi đấu giữa hổ và voi nhằm tế thần trong các ngày hội lớn và làm phương tiện giải trí tiêu khiển cho vua, quan và dân.   Đền Hổ tại Thái Lan là một ngôi chùa ở vùng Kanchanaburi rất nổi tiếng vì các vị sư đã nuôi dậy, thuần phục hóa bầy chúa tể sơn lâm trở nên ngoan hiền như những chú chó hiền lành.

Tương truyền, khi cây cầu Bạch Hổ (lúc đó còn chưa được đặt tên) đang được xây cất, thì có một con hổ trắng đến ngồi ở giữa cầu khiến công nhân hoảng hốt bỏ chạy.   Cũng chính vì thế mà cây cầu này được gọi là cầu Bạch Hổ.  Ngoài ra, còn có truyền thuyết, lúc chúa Nguyễn Ánh bị nhà Tây Sơn truy lùng, đuổi giết.  Gặp hoàn cảnh ngặt nghèo, hết cả lương thực.  May nhờ có thịt thú rừng do hổ tha tới tiếp tế mỗi ngày. Về sau, khi lên ngôi vua Gia Long (tức chúa Nguyễn Ánh) đã ban lệnh lập miếu thờ tại vùng Mô Xoài thuộc tỉnh Bà Rịa để tạ ơn.  Dân gian thường gọi là miếu Ông Hổ.  Tục truyền, vua ban lệnh cấm giết hổ.   Nếu kẻ nào lỡ tay giết chết hổ thì bị phạt ba mươi trươ.ng.  Còn nếu bắt sống thì được thưởng ba mươi quan tiền.  Cũng vì lệ này mà hổ còn được gọi là ông Ba Mươi.   Ở làng Thổ Tang thuộc tỉnh Vĩnh Yên, có miếu thờ Thần Hổ kiến trúc rất uy nghi.  Ngoài ra, Thần Hổ còn được thờ ở nhiều nơi khác nhau, nhất là trong các điện lên đồng bóng.

Ngoài ra, chẳng hiểu tại sao lại có nhiều từ kép dù có chữ "hổ", "cọp" nhưng chẳng liên can chi đến loài hổ như đá "mắt hổ".  "Hổ phách" (tên khoa học là succinumdo, còn được gọi là huyết phách, minh phách, hồng tùng chi, ...) là nhựa các loài cây lá kim kết tụ trong lòng đất lâu ngày, hóa thạch tạo ra.   "Hổ mang", "hổ lửa" là tên gọi của một loại rắn có nọc độc.  Ở Anh, có loài "Bướm Hổ" rất lớn với mầu sắc vằn vện như da hổ. Cây "xấu hổ" (còn gọi là cây mắc cở hay cây trinh nữ") là lọai cây mọc hoang, hoa mầu tím, lá tự động khép khi bị va đụng.  Cỏ "tai hổ" (còn gọi là hổ nhĩ thảo, cỏ chân vịt, áp túc thảo, tuyết hạ, ... tên tiếng Anh là strawberry saxifrage, dựa tên khoa học Saxifraga stolonifera) là một lọai cây có lá mang hình dáng như tai hổ, có hoa rất nhỏ như một con ong hay bọ có cánh.  loài "hổ răng kiếm" (còn gọi là "thú răng kiếm") vốn là các loài Smilodon có những chiếc răng nanh dài như dao, hiện nay đã tuyệt chủng.  "Hổ Tasmania" có hình dáng giống chó, có vằn, nhưng không thuộc về họ chó và họ hổ, nhưng đã bị tuyệt chủng cách đây gần một thế kỷ.  "Hổ ngươi" có nghĩa tương tự như e thẹn, mắc cở.  "Hổ thẹn" thường dùng diễn tả cảm giác ăn năn sau làm một việc xấu.  "Hổ lốn" chỉ sự lộn xộn, không thứ tự.  "Xấu hổ" có nghĩa tương đồng với "hổ ngươi". "Cọp dê" chỉ việc bắt chước, sao y bản chính.  Kể cũng vui, chẳng hiểu sao từ chữ "copier" (tiếng Pháp), người ta lại bắt "dê" đi theo "cọp" để chế thành chữ kép "cọp dê".  Tương tự, chữ "xem cọp", "coi cọp" thường dùng khi đi xem hát ... lậu vé. 

Giới bình dân thường có khuynh hướng gọi con bằng những tên gọi nôm na, mộc mạc.  Như đặt tên theo năm sinh.  Chả thế mà những tên "Dần", "Thìn", "Tý",... khá phổ biến.  Nếu lỡ sinh hai người con cùng tuổi cọp, thì đứa nhỏ hơn đương nhiên sẽ là "Dần Em" để phân biệt với thằng "Dần" anh hay nhỏ "Dần" chị.  Cũng có khi người ta đặt tên con là "Hổ", hàm ý mong muốn con mình sau này oai võ như cọp.   Tuy "cọp" cũng là tên gọi khác của hổ, nhưng hình như chưa có ai dùng tên này để đặt tên cho con cả.   Chẳng lẽ vì ... kiêng, e rằng sau này con mình lêu lổng ham chơi, chỉ ưa "cọp dê" bài vở chăng ? 

Trong lịch sử, có vài nhân vật khá nổi tiếng có liên quan đến "hổ".  Như ông Lê Như Hổ, con nuôi của đức Tả quân Lê Văn Duyệt, nổi danh ăn khoẻ cùng có sức mạnh hơn người.  Ông Tăng Bạt Hổ (tự là Sư Triệu, hiệu là Điền Bát, tên thật là Tăng Doãn Văn) là một vị anh hùng trong thời kỳ chống Pháp, khởi đầu theo phò tướng cờ đen Lưu Vĩnh Phúc.  Về sau ông đã liên kết với lực lượng nghĩa quân dưới trướng ông Mai Xuân Thưởng.  Khi nghĩa quân bị thất bại tan vỡ, ông không nản chí vẫn tiếp tục ý chí chống Pháp, đã cùng cụ Phan Bội Châu tổ chức phong trào Đông Du, về nước ông đã đi khắp nơi liên lạc tìm người cùng chí hướng để chống Pháp.  Ông Võ Tòng bên Trung Hoa cũng nổi tiếng với tài tay không đấm chết cọp.  Thời Tam quốc bên Trung Hoa, "Ngũ hổ đại tướng" (gồm Quan Vân Trường, Trương Dực Đức, Triệu Tử Long, Mã Mạnh Khởi và Hoàng Trung) đã lập nhiều công trạng oanh liệt, giúp Lưu Hoàng Thúc (Lưu Bị) hoàn thành đế nghiệp.  Hay như thời vua Sở Thành Vương bên Trung Hoa, nước Sở được cường thịnh là nhờ sự tài giỏi của Tể tướng Đấu Cấu Ô Đồ.  Tục truyền, ông vốn là con tư sinh của Đấu Bá Tỷ (dòng dõi Đấu Nhược Ngao) với em gái bạn dì (con vua nước Viên).   Khi vừa chào đời, ông bị Viên phu nhân (vợ vua nước Viên) cho là nghiệt chủng, nên sai người đem bỏ vào rừng.  Hai hôm sau, vua nước Viên tình cờ đi săn ngang qua, bắt gặp cảnh hổ ôm một trẻ sơ sinh cho bú.  Thấy lạ, vua sai đem về nuôi vì tin là quý tử.  Và đặt tên là Đấu Cấu Ô Đồ, vì theo tiếng nước Sở, Ô Đồ còn có nghĩa là cọp.   Đường Bá Hổ là một tài tử nổi tiếng phong lưu và tài thơ phú ở bên Trung Hoa, đã để lại nhiều giai thoại lãng mạn với mỹ nhân Lý Thu Hương.  Ngoài nhà thơ Trần Dần nổi danh với những câu thơ bất hủ ra, còn có giai thoại văn chương về bài thơ đối đáp giữa nữ sĩ Hồ Xuân Hương cùng ông Phạm Đình Hổ mà nhiều người vẫn nhắc nhở.  Nhất là hai câu kết trong bài thơ đáp của ông Phạm Đình Hổ:
"Hang hùm ví bẵng không ai mó
Sao có hùm con bỗng trốc tay"

Theo tử vi Đông Phương, cứ mỗi 12 năm lại có năm Dần thuộc một trong ngũ hành (kim, mộc, thủy, hoả, thổ).  Cứ mỗi 60 năm thì lại trở về năm Dần cùng can, chi.  Như năm nay là Canh Dần (thuộc hành Mộc), sau mười hai năm sẽ đến năm Nhâm Dần (2022).  Cứ luân chuyển như thế đến đến 60 năm nữa sẽ lại là Canh Dần.  

Người xưa tin tưởng rằng hổ tượng trưng sức mạnh, nên thích hợp với phái nam.  Cho nên các tướng "hổ đầu" (đầu như đầu cọp), "hổ bộ" (bước đi oai vệ như cọp), "yến hàm, hổ đầu" (đầu cọp, hàm én) đều là những quý tướng của phái nam.  Chẳng thế mà thi hào Nguyễn Du đã diễn tả nét oai hùng của Từ Hải với hai câu: "Râu hùm, hàm én, mày ngài. Vai năm tấc rộng, lưng mười thước cao".  Người xưa còn tin rằng phái nữ sẽ bị cao số, chậm trễ trong việc lập gia đình nếu lỡ sinh vào năm Dần. Chẳng hiểu có đúng tại số.  Hay chỉ vì thành kiến xã hội, gán đặt cho các nàng tuổi Dần cái tính "hiền" như cọp cái khiến phe mày râu phải ngán sợ nên không dám toan tính việc "rước nàng dzìa dinh" ?  
Ngoài các việc can, chi, hành ra, các bậc tiền nhân lại đặt thêm luật lệ "tứ hành xung", và "tam hợp".  Chẳng hạn, Dần, Thân, Tỵ, Hợi thì tứ hành xung.  Hay Dần, Ngọ, Tuất họp thành tam hợp.  Có thể hiểu nôm na là các vị tuổi Dần nên tránh xa những ai tuổi Thân, Tỵ, Hợi để tránh mọi việc phiền phức vì xung khắc.  Còn nếu gặp người tuổi Tuất hay tuổi Ngọ thì mọi việc sẽ thuận lợi hơn.   Nghe qua thì thấy chí lý, nhưng ngẫm nghĩ kỹ thì lại thấy sao sao đó.  Vì nếu bảo rằng hổ là khắc tinh của khỉ, rắn và heo nên là "tứ hành xung" thì còn hợp lý.  Chứ chó với ngựa cũng sợ hổ một phép thì can cớ chi có thể là "tam hợp" được ?

Mải vui nên bàn luận lanh quanh thế thôi.  Chẳng dám thắc mắc vớ vẩn thêm, kẻo lại bị mắng "dốt mà hay nói chữ".   Thôi thì tuân theo lời dạy "biết thì thưa thốt, không biết thì dựa cột mà nghe", xin được tạm ngưng bài phiếm nơi đây.  Mến chúc các bạn, nhất là các bạn tuổi Dần, một năm mới vui vẻ, mạnh khoẻ như cọp.  Nhất là các bạn phe kẹp tóc, ăn nhiều, ngủ nhiều mà vẫn giữ được dáng uyển chuyển gọn gàng như hổ.  Các bạn phe húi cua thì phát tướng oai vệ theo kiểu "râu hùm, hàm én, mày ngài" khiến nhiều nàng phải... rụng tim.

Tứ Diễm - Nov. 9, 2009

=======
Tài liệu tham khảo:

1. "Từ điển thành ngữ và tục ngữ Việt Nam" của giáo sư Nguyễn Lan, NXB Khoa Học Xã Hội, 1997
2. "Wikipedia, the free encyclopedia", Wikimedia Foundation, Inc.
3. "Bách khoa toàn thư", Online
4. "Từ điển thành ngữ - tục ngữ Việt Nam" của Vũ Dung, Vũ Thúy Anh và Vũ Quang Hào, NXB Văn Hóa - Thông Tin, 2000.
5. "The American Heritage Dictionary", Third Edition, version 3.5, 1994.
6. "The Complete Book of Chinese Horoscopes", Element Books Limited, 1997
7. Và một số tài liệu sưu tầm từ nhiều nguồn trên mạng.

0 comments:

Post a Comment

 
;