Friday 21 March 2014

Bã Đậu Nành - Các Món Ăn và Ích Lợi

Nếu thích tự nấu sữa đậu nành hay làm đậu hũ ở nhà, phần Bã Đậu Nành (Okara) còn dư sẽ dùng làm gì?    Thường muốn gọn lẹ, người ta đem đổ vào thùng rác hay vào thùng compost.   Vậy là xong.   Nhưng nếu không muốn liệng bỏ, liệu chúng ta có thể dùng Bã Đậu Nành (Okara) làm những món gì?


Nếu đây là điều thắc mắc mà quý vị muốn biết lời giải đáp, xin mời xem tiếp theo nha ....




Sau khi vắt lấy sữa, trong Bã Đậu Nành (Okara) thật ra vẫn còn chứa rất nhiều chất có lợi cho sức khỏe, nếu tận dụng để chế biến ra các món ăn sẽ giúp ích cho sức khỏe và cũng khỏi phung phí một nguồn thực phẩm giầu dinh dưỡng trong khi trên thế giới vẫn còn vô số người chết hay sống ngắc ngoải vì thiếu ăn.

ÍCH LỢI CỦA BÃ ĐẬU NÀNH

Trong bã đậu nành còn chứa nhiều chất xơ (fiber), chất đạm (protein) cùng các khoáng chất như calcium, potassium, vv.. vv....

Giầu Chất Xơ (High Fiber)

Mỗi 100 grams bã đậu nành chứa đến 11 grams chất xơ, nhiều hơn so với các loại thực phẩm khác.  Chất xơ chứa trong bã đậu nành không hòa tan trong nước, vì thế chất xơ trong bã đậu nành sẽ giúp loại bỏ các độc tố tích tụ trong thành ruột, ngăn ngừa việc ứ đọng mỡ thừa trong cơ thể, tránh bị táo bón và còn có thể giúp phòng ngừa bị ung thu ruột.   

Năng Lượng Thấp (Low Calories)

Bã đậu nành nhiều chất xơ nhưng lại tạo ra ít năng lượng nên nếu dùng thường xuyên bã đậu nành sẽ giúp cắt giảm bớt lượng calories dư thừa, sẽ hữu ích với những ai muốn làm giảm cân hay giữ dáng người.   Vì ưu điểm nầy nên bã đậu nành thường được thêm vào trong các món như: burger patties, cakes, cookies, donuts, muffins, porridge, sauces, seasonings, soups, spreads, stews, vv.. vv...

Giầu Chất Dinh Dưỡng, Sinh Tố và Khoáng Chất

Bã đậu nành còn chứa nhiều chất đạm, calcium, potassium, carbohydrate,vv.. vv..   Mỗi 100 grams bã đậu nành chứa 81 milligrams calcium, 350 milligrams potassium, khoảng 14 grams carbohydrate (tinh bột), và khoảng 6 grams chất đạm thực vật.   Chất tinh bột (carbohydrate) trong bã đậu nành từ đậu nành nên sẽ cung cấp một số bacteria hữu ích rất tốt cho việc tiêu hóa và hấp thụ dưỡng chất trong ruột

Bã đậu nành còn chứa một số sinh tố như Vitamin E, K, B1, B2.   Bã đậu nành còn cung cấp thêm folic acid cùng một số khoáng chất khác như zinc, magnesium, iron, phosphorus, copper, và sodium

Không Chứa Cholesterol (Cholesterol Free)

Bã đậu nành không hề chứa cholesterol nên rất tốt với những ai bị bệnh cao huyết áp (high blood pressure), cao mỡ trong máu (bad cholesterol levels)

Không Chứa Gluten (Gluten Free)

Bã đậu nành không chứa gluten nên còn được dùng trong các món bánh,  món ăn dành cho người kiêng ăn các thứ có chứa gluten.    Bã đậu nành được dùng để thay thế cho wheat trong các món bánh cookies và nutritional bars. 


Ngoài ra, còn có thể xem thêm chi tiết về Bã Đậu Nành trong bài viết Okara @ Wikipedia



MỘT SỐ CÁCH SỬ DỤNG và CHẾ BIẾN

Làm Phân Bón

Đây là một cách dễ dàng nhất là khi có quá nhiều bã đậu nành.   Có thể cho vào thùng compost để ủ hay là đào hố sâu, đổ bã đậu nành xong lấp đất để bã đậu nành tự phân hủy thành phân bón nuôi cây.  Có khi người ta pha vào với nước để khoảng một ngày xong đem tưới cho cây hay vườn rau,  nghe nói cách nầy cũng khá tốt

---oOo---

Nuôi Gia Súc

Bã đậu nành có thể dùng làm nguồn thực phẩm cho một số loại gia súc nếu có nuôi gia súc tại nhà

---oOo---


Làm Đẹp Da

Bã đậu nành có thể dùng như một loại facial giúp da đẹp hơn.  Có thể đắp trực tiếp lên da mặt, chờ khô rồi rửa sạch.  Có thể phủ thêm một lớp giấy loại dùng đắp mặt nạ lên trên để giữ cho bã đậu nành khỏi bị rơi rớt.   Cũng có thể dùng tay xoa bã đậu nành nhẹ khắp da mặt, rồi rửa bằng nước sạch

Nếu siêng hơn, có thể trộn bã đậu nành với một ít mật ong thành hỗn hợp sền sệt, đắp lên mặt sẽ giúp da trắng, sạch mụn và mịn hơn.   Sau đó massge nhẹ để tẩy da chết xong rửa sạch da với nước ấm rồi nước lạnh.

Nếu da nhờn, có thể trộn bã đậu nành với một ít yogurt thành hỗn hợp sền sệt, đắp lên mặt sẽ giúp da trắng, sạch mụn và mịn hơn.   Sau đó massge nhẹ để tẩy da chết xong rửa sạch da với nước ấm rồi nước lạnh.

Tuy nhiền nên lưu ý là chỉ đắp các loại mặt nạ như trên khi da sạch không bị trầy sướt hay bị mụn.   Nếu bị mụn, cần giữ da sạch thoáng, càng tránh dùng mỹ phẩm hay các loại mặt nạ càng tốt.   Các loại vật liệu dụng cụ cũng cần sạch để tránh bị nhiễm vi khuẩn xấu làm phản tác dụng.


---oOo---

Trứng Bã Đậu Nành

Món nầy Tứ Diễm làm không theo cân lượng, chỉ làm nhắm chừng.    Đậu hũ bóp nhuyễn trộn với bã đậu nành.   Nêm gia vị cho vừa ăn, thêm tiêu, hành (hay leek), vv.. vv...   Trộn thêm trứng đánh nhuyễn để hỗn hợp có độ kết dính.  Có thể thêm một ít bột năng nếu không muốn dùng nhiều trứng.   Sau đó múc từng muỗng vừa phải, chiên trong chảo cho vàng hai mặt.   Món nầy ăn nóng hay nguội đều ngon.   Có thể ăn kèm với cơm hay bánh mì. Xem thêm chi tiết và hình trong bài Trứng Bã Đậu Nành




---oOo---

Bã Đậu Nành Áp Chảo

Món nầy Tứ Diễm chế biến lung tung từ dạo mới mua máy làm sữa đậu nành.   Bã đậu nành đã được máy xay nhuyễn thật mịn và nấu chín nên món nầy mình chỉ cần làm chín các loại bột trộn chung thôi, không cần phải làm chín bã đậu nành.   Ngoài ra, khi lọc, Tứ Diễm cũng chỉ ép sơ sơ không vắt kỹ nên trong bã đậu nành vẫn còn ướt sữa đậu nành, mình cần trộn thêm ít bột để tạo độ kết dính và giúp hỗn hợp khô ráo

Trộn bã đậu nành, bã cà rốt để mầu nhìn đẹp mắt và có thêm chất bổ dưỡng. Sau đó cho thêm muối + đường + nước tương + tiêu + mật ong + dầu ăn trộn đều lên. Rồi cho thêm chút bột mì, bột năng và một chút xíu baking powder (optional).  Trộn đều lên xong lấy tay nhồi thử thấy texture cũng đủ để nặn miếng đem chiên hay nướng,

Tứ Diễm cắt thêm ít hành lá (nếu ai ăn chay thì dùng lá leek phần mầu xanh nha) trộn đều cho có mầu mè tí xíu.   Nhồi hỗn hợp cho đều, vo từng viên tròn nhỏ cỡ trái chanh hay nửa trái chanh xong ấn dẹp dẹp, tương tự như loại chicken nugget vậy đó.  Khi nhấn dẹp xuống nếu không bị bể, không bị nứt, không bị nhão, không bị dính tay là vừa.   Nếu nhão thì trộn thêm ít bột mì.  Nếu bị bể thì trộn thêm ít nước lạnh hay sữa tươi tùy ý.
Cho cỡ 1 tsp dầu vào chảo non stick, láng cho dầu đều mặt chảo, xong cho các miếng đậu nành vào áp chảo ở mức medium high. Để yên cho vàng một mặt, xúc miếng đậu nành lật qua mặt kia áp chảo tiếp cho vàng. Xong bật nhỏ lửa xuống medium low, trở mặt áp chảo thêm một xíu mỗi mặt để bảo đảm các thứ bột đều chín hết.

Nói chung lúc đầu áp chảo với nhiệt độ nóng để lớp ngoài săn chắc tạo thêm yếu tố cho miếng đậu nành dai không bị bể. Khi bên ngoài đã săn chắc rồi, mình hạ nhỏ lửa, có thể đậy nắp để chín đều bên trong. Khi đã chín, mở nắp để cho hơi nước bay hết sẽ có lớp vỏ bên ngoài giòn giòn ăn ngon hơn.


---oOo---

Bã Đậu Nành Chiên Giòn

Trộn bã đậu nành với nấm, hành tây thái hạt lựu, nêm muối, đường, tiêu xong thêm bột mì nhồi cho dẻo quyện, vo lại thành từng viên dẹp, đem chiên vàng giòn.  Ăn khi còn nóng.  Có thể chấm với tương ớt, ketchup, hay các loại sauce tùy ý thích

---oOo---

Bã Đậu Nành Cuốn Lá Lốt
do sis Xiu Miss chia sẻCám ơn sis Xiu Miss

"Bă đậu trộn nấm, hành boro (leek) và lá lốt không nguyên lá cắt sợi nhỏ.  Lá lốt nguyên dùng cuốn phần hỗn hợp đó đem chiên với ít dầu.  Ăn vị cũng lạ miệng ngon lắm hoặc chiên không cần cuốn lá cũng được "

Và đây là hình món Bã Đậu Nành Cuốn Lá Lốt do Tứ Diễm làm thử lần đầu, mời xem thêm chi tiết và hình ảnh trong bài viết Bã Đậu Nành Cuốn Lá Lốt


---oOo---

Bã Đậu Nành Xào Tương

Phi leek phần trắng thái hạt lựu với dầu cho vàng thơm.  Cho bã đậu nành vào xào cho săn, nêm thêm tương miso, đường, ớt cho vừa ăn


---oOo---

Bã Đậu Nành Xào Giá

Bã đậu nành có thể xào chung với giá, đậu hũ chiên và hẹ ăn cũng ngon và bổ


---oOo---

Bánh Cống Bã Đậu Nành

Có thể trộn thêm bã đậu nành khi làm món Bánh Cống.  Xem công thức và cách làm trong bài viết  Bánh Cống


---oOo---

Bã Đậu Nành Muffin

Có thể trộn thêm bã đậu nành vào hỗn hợp bột khi làm các món bánh muffin để tăng thêm chất xơ (fiber) và dinh dưỡng






---oOo---

Bã Đậu Nành Cookies

Có thể trộn thêm bã đậu nành vào hỗn hợp bột khi làm các món bánh cookies

---oOo---

Bã Đậu Nành Burger

Có thể trộn bã đậu nành, đậu hũ bóp nhuyễn, nấm thái vụn, chickpeas và lentils (đã nấu chín, xay nhuyễn), hành tây (hay phần leek trắng) thái hạt lựu thật nhuyễn, hành lá (hay phần leek xanh) thái nhuyễn, cà tím thái nhỏ, tiêu, gia vị cho vừa ăn, một ít bột gluten flour để tạo độ kết dính.   Nếu thích thơm, có thể trộn thêm ít mè rang.  Sau đó nặn thành từng miếng tròn mỏng dẹp.   Nướng chín vàng.


---oOo---

Bã Đậu Nành Chiên Giòn (Fried Okara)

Món nầy do Tứ Diễm chế theo ngẫu hứng.  Chỉ gồm bã đậu nành, khoai tây luộc, muối, đường, bột năng xong chiên giòn.  Có thể xem thêm chi tiết trong bài Bã Đậu Nành Chiên Giòn (Fried Okara)


---oOo---

Bên dưới là một món ăn ngon, đơn giản được làm từ bã đậu nành do sis MiMi có nhã ý chia sẻ trong phần comment.   Tứ Diễm xin mạn phép mang vào bài viết để mọi người dễ đọc thấy hơn.  Cám ơn sis MiMi thật nhiều nghen.   Mong sẽ có dịp học thêm các món ngon khác của sis MiMi

Bã Đậu Nành Microwave
cách làm do sis MiMi chia sẻ

Mình cũng vừa làm được món khác, xin chia sẽ với mọi người nhé, vì mình không phải là đâu bếp chuyên nghiệp nên chỉ làm theo liều lượng cảm tính, điều chỉnh dần nếu chưa thấy ngon, cách làm cũng đơn giản gọn lẹ vì sử dụng lò viba.

  • Lấy 1 lượng bột sắn dây trộn vào bả đậu nành (mình làm sữa đậu nành bằng máy ên chỉ lược sữa qua vợt, không vắt kỹ nên bả vẫn còn ướt, không cần thêm nước), cho bột nêm, nấu mèo cắt nhuyễn, nếu ăn mặn thì cho tôm khô hoặc chả cá cắt hạt lựu, nếu ăn chay thì cho mè hoặc mì căn cắt nhỏ xào sơ, trộn đều. 
  • Cho tất cả vào bát và 1 ít dầu ăn thoa đều lên trên bề mặt. 
  • Để bát hỗn hợp này vào lò viba, nấu cho đến khi nghe mùi thơm, kiểm tra xem bề mặt vàng thơm là được. 
  • Kết quả sẽ có 1 món bánh dẻo mềm thơm khá thú vị (hơi giống như bánh khoai mì nhưng các nguyên liệu tôm khô/ chả cá/ nấm mèo.... làm cho bánh có hương vị rất ngon), bề mặt bánh hơi giòn nhờ lớp dầu ăn bên trên. 
  • Nếu muốn có nhiều phần giòn này thì cho hỗn hợp vào dĩa thay vì chén, cho lớp dầu lên dĩa trước khi cho hỗn hợp vào, lớp bánh mỏng này có thể cho cuộn với rong biển như sushi hoặc phủ thêm lớp mè bên ngoài làm tăng thêm hương vị. 

Chúc mọi người thành công nhé!


--oOo---



Bánh Bao Bã Đậu Nành

Món Bánh Bao có nhiều công thức chỉ dẫn nhưng nếu muốn thay đổi khẩu vị và cắt giảm bớt lượng gluten, chúng ta có thể dùng bã đậu nành thay thế cho một phần bột mì trong công thức.   Tùy theo ý thích và công thức, thông thường có thể dùng theo tỷ lệ khoảng 3 phần bột mì 1 phần bã đậu nành đã vắt ráo.   Trộn đều bột mì với bã đậu nành rồi làm theo chỉ dẫn trong công thức.    Vỏ bánh bao trộn thêm bã đậu nành sẽ không được trắng tinh nhưng vẫn có độ nổi xốp, ăn ngon.

Nhân bánh bao nếu dùng thịt heo bằm cũng có thể trộn thêm bã đậu nành, sẽ giúp cắt giảm bớt được lượng protein động vật trong nhân và làm tăng chất xơ (fiber) cùng một số chất dinh dưỡng tốt cho sức khỏe


---oOo---

Bắp Cải Nhồi

Món Bắp Cải cuộn nhân xong hâm chín rất đơn giản mà ngon.   Phần nhân có thể làm chay hay mặn tùy ý.   Có thể trộn thêm bà đậu nành vào nhân, nếu cần thì thêm một ít bột bắp để nhân có độ kết dính.   Các lá bắp cải rửa sạch, trụng sơ qua nước sôi để dễ cuốn hơn.   Cho nhân vào rồi cuộn tròn.  Xếp các cuộng lá cứng xuống dưới đáy nồi, xếp các cuộn bắp cải nằm thành lớp.   Đổ nước hầm xương hay rau củ cho ngập qua bắp cải, nấu cho sôi, nêm nếm sau đó ủ trong nồi thermal cooker hay là giảm nhỏ lửa đậy nắp hầm cho bắp cải chín




---oOo---


Bún Riêu & Canh Bún

Có thể trộn thêm bã đậu nành vào "riêu" mặn hay chay.   
  • Nếu nấu mặn, có thể trộn bã đậu nành với ít thịt, tôm hay cua xay, riêu tôm, có thể trộn thêm ít trứng đánh quyện đều.  
  • Nếu nấu chay, thường người ta hay cho giấm vào nồi sữa đậu nành để kết tủa tạo thành riêu.   Cũng có một cách nấu chay khác, đó là hầm rau củ lấy nước ngọt, sau đó trộn đậu hũ bóp nhuyễn, trứng thành hỗn hợp sền sệt, nêm vừa ăn xong đổ vào nồi nước riêu đã nêm nếm vừa ăn.   Nếu làm theo cách thứ hai, chúng ta có thể trộn thêm bã đậu nành chung với đậu hũ và trứng.    


 Canh Bún express


 ---oOo---

Cà Chua Nhồi

Món Cà Chua Nhồi thường là khoét các trái cà chua xong nhồi phần nhân cho lấp đầy phần vừa khoét.   Phần nhân có thể làm chay hay mặn tùy ý.   Có thể trộn thêm bà đậu nành vào nhân, nếu cần thì thêm một ít bột bắp để nhân có độ kết dính.   Đặt các quả cà chua đã nhồi đó, úp phần nhân xuống chiên áp chảo cho vàng thơm, xong cho thêm cà chua thái múi vào om chung với ít nước hầm xương hay rau củ, nêm nếm, đậy nắp, om nhỏ lửa cho cà chua và nhân chín.    Nước sauce cà chua sẽ thấm vào cà chua và nhân, ăn nóng rất ngon

 ---oOo---

Chả Tôm Chay - Tứ Diễm's Recipe #1

Món Chả Tôm Chay nầy do Tứ Diễm tự nghĩ ra cách làm.   Chỉ gồm bã đậu nành, cà rốt, gluten flour, leek, muối, đường, dầu olive, lòng đỏ trứng (optional, để thoa lên mặt chả nhìn cho đẹp)


 Nếu thích thử nghiệm mời xem thêm chi tiết và hình ảnh trong bài  Chả Tôm Chay

 ---oOo---

Chả Tôm Chay - Tứ Diễm's Recipe #2

Món Chả Tôm Chay nầy rất đơn giản.  Tứ Diễm tự chế biến chỉ dùng bã đậu nành đã chín, cà rốt, trứng, đường, muối, leek và khoai mì xay nhuyễn.  Trộn đều các loại nguyên liệu, ép chặt vào khuôn rồi hấp chín.  Khi nguội, gỡ khỏi khuôn, cắt miếng.   Món nầy có thể ăn với cơm, bánh mì hay cuốn bánh tráng đều ngon


Một kiểu kết hợp chay và mặn theo ý riêng của Tứ Diễm


Nếu thích thử nghiệm mời xem thêm chi tiết và hình ảnh trong bài Chả Tôm Chay - Tứ Diễm's recipe #2

 ---oOo---

Đậu Hũ Nhồi

Thêm một cách nữa để dùng bã đậu nành, đó là nhồi chung với thịt lean ground pork, hành tây thái hạt lựu, hành lá, cà rốt, đậu pea, muối, đường, tiêu.    Để giản tiện, Tứ Diễm xào để phần nhân chín thơm, như vậy sẽ bảo đảm là nhân thịt hoàn toàn chín.  Có thể xem thêm chi tiết trong bài viết Đậu Hũ Nhồi



Kho chung với cà chua



---oOo---

Fried Veggie Okara

Đây là một món Chay do Tứ Diễm tự nghĩ ra theo ngẫu hứng.  


Mời xem thêm hình ảnh và chi tiết trong bài  Fried Veggie Okara  

---oOo---
Gà Viên Bã Đậu Nành

Thịt gà xay nhuyễn có thể vo viên chiên giòn ăn rất ngon.   Nếu muốn thay đổi hương vị, có thể kết hợp chung với bã đậu nành như sau.  Thịt gà hay thịt turkey xay nhuyễn, nêm muối, đường, tiêu, hành lá, hành tây thái hạt lựu.  Sau đó trộn thêm bã đậu nành vào.   Bóp cho nhuyễn đều thành khối dẻo.  Nếu muốn hỗn hợp có thêm độ kết dính và ngon hơn thì cho thêm một ít bột năng.   Cũng có thể trộn thêm một ít trứng đánh nhuyễn.   Vo thành từng viên nhỏ nhỏ vừa ăn.  Có thể hấp chín rồi nướng sơ hay áp chảo cho vàng thơm bên ngoài.   Cũng có thể đem chiên vàng trong dầu.   
Nếu muốn thêm hương vị mới, nấu một ít sauce tùy theo khẩu vị mỗi người, cho các viên gà đã nướng hay chiên vàng vào om nhỏ lửa cho thấm nước sauce.

---oOo---

Mắm Bã Đậu Nành

Với vị nào thích ăn mắm có lẽ cách chế biến món Mắm Bã Đậu Nành sẽ hợp khẩu vị.  Cách làm rất đơn giản.   Phi leek phần trắng cho gần vàng, cho sả bằm thật nhuyễn vào xào chung cho vàng thơm.  Cho bã đậu nành vào xào cho săn và thơm.   Nêm tương miso, ít chao đỏ, đường và ớt cho vừa ăn.   Món mắm chay nầy có thể dùng chấm các loại rau đậu luộc hay dùng để nêm nếm một số món chay khác.

---oOo---

Okara Potato Cake

Món nầy rất đơn giản, dựa theo ý tưởng làm món Salmon Fish Cake.   Cách làmTứ Diễm làm món nầy thật giản dị, chỉ cần trộn bã đậu nành vào khoai tây nghiền nát, nêm nếm các thứ gia vị.  Nhồi cho mọi thứ trộn đều với nhau.  Lấy một chút hâm cho chín, nếm xem đã vừa khẩu vị hay chưa.  Nếu cần thì nêm nếm lại cho vừa ý.   Vo viên xong chiên vàng với ít dầu trong chảo cast iron.   Có thể xem thêm chi tiết và hình ảnh trong bài Okara Potato Cake


---oOo---

Ruốc Đậu Nành

Bã đậu nành rang trên bếp cho khô ráo, vàng thơm rồi cho thêm gia vị bún bò homemade (như đã viết trong bài Gia Vị Bún Bò - Tự Làm).  Thêm tương Miso (đã pha chế), tiếp tục rang bã đậu nành chín và gần khô ráo, nêm nếm lại cho vừa ăn.   Món nầy có thể ăn với cơm cũng ngon hay trộn thêm rau húng quế, đậu phụng rang, hành phi xúc bánh tráng mè cũng ngon lắm đó.


Ngoài ra, có thể cắt đậu hũ chiên thành sợi, trộn với tương ớt + maggi rồi trộn với ruốc đậu nành làm theo cách ở trên, đậu phụng rang giã vụn, trộn thêm rau húng quế, thêm lettuce rồi cuốn bánh tráng ăn kiểu bì cuốn cũng là một món chay ngon miệng


Cũng có thể trộn thêm giá hay các loại rau củ thái hay bào sợi trụng sơ, để ráo


Nếu có hứng thú, xin mời xem thêm chi tiết trong bài viết Ruốc Đậu Nành


---oOo--- 

Ruốc Đậu Nành Cuốn

Thêm một món do Tứ Diễm dùng Ruốc Đậu Nành chế biến để có thêm một món ăn chay đơn giản mà cũng rất ngon miệng
Nếu có hứng thú, xin mời xem thêm chi tiết trong bài viết  Ruốc Đậu Nành Cuốn
---oOo--- 

Ruốc Đậu Nành Trộn

Đây là một món do Tứ Diễm chế ra để thay đổi khẩu vị và cũng để dùng món Ruốc Đậu Nành




Nếu có hứng thú, xin mời xem thêm chi tiết trong bài viết Ruốc Đậu Nành Trộn

---oOo--- 

Quinoa Okara

Đây là một món do Tứ Diễm tự chế biến.   Dùng Quinoa nấu với nước hầm rau củ, thêm cà rốt, leek và món Ruốc Sả Đậu Nành trộn chung lại thành ra một món như hình bên dưới.   Có thể xem thêm chi tiết và hình ảnh trong bài viết Quinoa Okara



---oOo---

 Khô Từ Bi
 do sis Trúc Chi chia sẻ

"Nếu nhiều quá mình cũng có thể trộn xác đậu nành với sã ớt bằm nhỏ, trộn chung võ đậu xanh, nêm nếm cho vừa ăn, rồi in thành từng miếng nhỏ, phơi khô, khi dùng thì chiên hay nướng ăn cơm rất ngon. 

Món này thường trong chùa gọi là Khô Từ Bi, khi chiên lên ăn với canh rau hay canh khoai mỡ, khoai tía cũng ngon lắm, khi nào rãnh và nhiều quá Chị làm thử đi, cũng có thể mang đi lên chùa cúng dường nữa, ở chùa rất thích."

---oOo---

Okara-Miso Soup

Vật Liệu:

  • ¼ cup carrot; thái sợi
  • 1 tsp Japanese seven-spice chili powder
  • 1 tbsp miso
  • 1 cup okara
  • 1 củ hành, thái hạt lựu
  • ¼ cup parsnips; thái sợi
  • 2 tbsp dầu mè (sesame oil)
  • 3 cups soy milk or water
Cách Làm
  1. Hâm nóng dầu mè trong nồi với lửa trung bình.  Cho hành tây vào phi cho vàng thơm
  2. Cho cà rốt và parsnips vào xào khoảng 2 phút.   Đổ sữa đậu nành hay nước vào nấu cho sôi.
  3. Giảm nhiệt độ, hầm nhỏ lửa cho cà rốt và parsnip bắt đầu mềm.  Cho bã đậu nành vào nồi
  4. Nêm miso, khuấy cho tan đều.  Hầm thêm khoảng hai phút.
  5. Múc ra tô, rắc thêm Japanese seven-spice chili powder.   Ăn ngay khi còn nóng

---oOo---

Okara Scramble

Vật Liệu
  • ¼ cup chives
  • 2 tbsp cooking oil
  • 1 tsp corn meal
  • 1 tsp garlic powder
  • ¼ cup nấm
  • 1 cup bã đậu nành
  • 1 tsp onion powder
  • 1 tsp pepper
  • 1 tsp salt
  • 1 tbsp soy milk
  • 1 quả cà chua cỡ trung bình thái miếng nhỏ
  • ½ tsp bột nghệ (turmeric)
Cách Làm
  1. Trộn đều bã đậu nành, corn meal, garlic powder, onion powder, soy milk và bột nghệ trong một thau lớn
  2. Hâm dầu cho nóng trong chảo với lửa trung bình
  3. Múc hỗn hợp ở trên vào chảo, thêm hẹ, cà chua và nấm.  Rắc thêm chút tiêu và muối
  4. Chiên vàng một mặt xong lật qua mặt bên kia
  5. Món nầy ăn nóng kèm với cơm hay bánh mì đều ngon
 ---oOo---


Okara Parmesan
(original recipe by Dori @ Bakehouse blog)

Vật Liệu
  • 1 1/3 cups bã đậu nành khô
  • 4 tbsp nutritional yeast flakes
  • 1/2 teaspoon salt
  • 2 tsp light miso
Cách Làm
  • Muốn làm món nầy phải sấy hay phơi cho bã đậu nành thật khô ráo.  Có thể sấy bã đậu nành dùng food dehydrator, oven hay microwave
  • Cho bã đậu nành, yeast, muối xay trong blender hay food processor cho tới khi nhuyễn mịn
  • Nêm thêm miso cho vừa khẩu vị
  • Xay thêm một chút để bảo đảm là nhuyễn mịn đều, không bị vón cục.
  • Sẽ làm được khoảng 1.5 cup.   Cât trong hộp kín, giữ trong tủ lạnh.   Có thể dùng thay cho Parmesan cheese
---oOo---

Xíu Mại Bã Đậu Nành

Cách làm cũng y như khi làm món Xíu Mại thông thường nhưng trộn thêm một ít bã đậu nành và chút bột năng.   Món ăn sẽ có thêm chất bổ dưỡng từ bã đậu nành mà cắt giảm được lượng thịt trong bữa ăn.   Nếu dùng lượng bã đậu nành vừa phải thì khi ăn sẽ không nhận ra được là có trộn lẫn bã đậu nành.




 
---oOo---

Ngoài ra, phần bã đậu nành còn có thể chế biến thành rất nhiều món ăn bổ dưỡng khác.   Chẳng hạn như các món:

16 comments:

Anonymous said...

Cám ơn cô đã chia sẻ nhiều bài viết rất hay bổ ích. Nó giúp những người mới nấu ăn như con rất nhiều.

TuDiem's Corner said...

Hello sis,

Không cò chi đâu sis. Mong là bài viết nầy giúp sis có thêm 1 số recipe hợp khẩu vị

Unknown said...

càng đọc em càng thích những chia sẻ của chị :) cảm ơn chị đã chia sẻ ạ.
PS: không liên quan lắm nhưng em rất thích hình cuốn sổ đấy ạ.

TuDiem's Corner said...

Sis Luyen Duong ơi,

Cám ơn sis đã ghé thăm nha. Yeah, Tứ Diễm cũng thích kiểu quyển sổ nầy nhưng để khi nào siêng sẽ sửa để trang sách rộng rãi hơn một chút, hiện giờ hơi hẹp, phải không hở ?

MiMi said...

Thật tuyệt vời khi biết thêm các cách chế biến từ bả đậu nành. Cám ơn TuDiem Corner nhé.
Mình cũng vừa làm được món khác, xin chia sẽ với mọi người nhé, vì mình không phải là đâu bếp chuyên nghiệp nên chỉ làm theo liều lượng cảm tính, điều chỉnh dần nếu chưa thấy ngon, cách làm cũng đơn giản gọn lẹ vì sử dụng lò viba.
Lấy 1 lượng bột sắn dây trộn vào bả đậu nành (mình làm sữa đậu nành bằng máy ên chỉ lược sữa qua vợt, không vắt kỹ nên bả vẫn còn ướt, không cần thêm nước), cho bột nêm, nấu mèo cắt nhuyễn, nếu ăn mặn thì cho tôm khô hoặc chả cá cắt hạt lựu, nếu ăn chay thì cho mè hoặc mì căn cắt nhỏ xào sơ, trộn đều. Cho tất cả vào bát và 1 ít dầu ăn thoa đều lên trên bề mặt. Để bát hỗn hợp này vào lò viba, nấu cho đến khi nghe mùi thơm, kiểm tra xem bề mặt vàng thơm là được. Kết quả sẽ có 1 món bánh dẻo mềm thơm khá thú vị (hơi giống như bánh khoai mì nhưng các nguyên liệu tôm khô/ chả cá/ nấm mèo.... làm cho bánh có hương vị rất ngon), bề mặt bánh hơi giòn nhờ lớp dầu ăn bên trên. Nếu muốn có nhiều phần giòn này thì cho hỗn hợp vào dĩa thay vì chén, cho lớp dầu lên dĩa trước khi cho hỗn hợp vào, lớp bánh mỏng này có thể cho cuộn với rong biển như sushi hoặc phủ thêm lớp mè bên ngoài làm tăng thêm hương vị. Chúc mọi người thành công nhé!

Unknown said...

Thanks c nhiu

Unknown said...

Thanks c nhiu, e học hoi duoc rat nhieu món từ blog c.bình thường bă đậu em thường trộn nấm, hành boro,lá lốt không nguyên lá cắt sợi nhỏ,còn lá lốt nguyên e cuốn phần hỗn hợp đó đem chiên với ít dau, ăn vị cũng lạ miệng ngon lắm,hoặc chiên không cần cuốn lá cũng được

TuDiem's Corner said...

Sis MiMi và sis Xiu Miss ơi,

Cám ơn hai sis đã chia sẻ thêm hai cách để chế biến món Bã đậu nành nha. Tứ Diễm đã mang cách làm của hai sis vào bài viết để mọi người dễ tìm thấy hơn. Mong có cơ hội được học hỏi thêm những món ngon khác nữa :)

Unknown said...

qua hay loi ich cua ba dau nanh . Cam on Tu Diem

TuDiem's Corner said...

Dạ, không có chi đâu sis Sara :) Tứ Diễm vẫn tiếp tục bổ túc bài viết nầy mỗi khi có món mới. Mời sis thỉnh thoảng ghé xem lại bài nầy nha

Unknown said...

hay quá, có thể áp dụng trong các bữa ăn hàng ngày dành cho người ăn chay rồi, cảm ơn các món ăn ngon của chị

TuDiem's Corner said...

Cám ơn sis Phương Thúy ghé góc nhỏ nầy nghen. Tứ Diễm vẫn tiếp tục update bài viết nầy mỗi khi làm thêm một món gì mới từ bã đậu nành (okara). Hôm nay mới thêm món Chả Tôm Chay (recipe #2). Mời sis ghé xem nha

Unknown said...

cám ơn chị nha, hồi giờ nấu xong e toàn bỏ đi, thấy hơi phí nhưng giữ lại không biết làm gì.

TuDiem's Corner said...

Không có chi đâu sis Khuyên :) Bã đậu nành có thể làm nhiều món ngon và bổ. Nếu không rảnh để làm, dùng bã đậu nành làm compost cũng tốt lắm đó sis

Katie P. said...

Chi oi ba dau nanh khi nau sua dau nanh co can bo vo khong chi. Neu de Nguyen vo minh an co Sao khong chi. Sorry chi em hoi ngo nghenh mot chut. Em muon biet ro truoc khi em lam hihihi :-) Cam on chi nhieu :-)

TuDiem's Corner said...

Sis Katie ơi,

Tốt nhất là nên ráng bóc bỏ vỏ đậu nành trước khi xay hay trước khi nấu chín đó sis. Vì vỏ đậu nành có thể làm giảm hương vị của sữa đậu nành, ngoài ra sẽ làm giảm vị ngon của bã đậu nành (nếu mình tính dùng bã đậu nành để nấu ăn).

Tuy nhiên để bóc bỏ toàn bộ vỏ đậu nành cũng tốn khá nhiều công và thời gian nên Tứ Diễm thường ráng bóc bỏ vỏ được càng nhiều càng tốt, nếu còn sót một ít hạt chưa bóc vỏ thì cũng không sao (hihi, lý lẽ của người làm biếng đó mà)

Post a Comment

 
;